Đối Trị Lòng Ganh Tỵ: Không Có Tôi Đặc Biệt, Hay Bạn Đặc Biệt

Cuối cùng, lòng ganh tỵ không bắt nguồn từ người khác, mà là vì mình suy nghĩ quá nhiều về bản thân. Khi quá gắn bó với điều gì trong đời sống, thì bất cứ người nào giỏi hơn mình một chút trong lãnh vực đó, sẽ trở thành mục tiêu cho lòng ganh tỵ của mình. Đàng sau tất cả những điều này là “tôi”. Ở đây, chúng ta sẽ nhìn vào cách mà thật sự không có gì đặc biệt về mình hay bất cứ ai khác, và cách ta có thể sử dụng điều này, để khắc phục phiền não.

Đánh Giá Những Khía Cạnh Của Lòng Ganh Tỵ

Bây giờ, việc bàn luận về lòng ganh tỵ sẽ đưa chúng ta đến một cuộc bàn luận về bản ngã. Việc thấu hiểu cách mình tồn tại và cách người khác tồn tại là tâm điểm của những vấn đề xung quanh lòng ganh tỵ.

Như chúng ta đã thấy, đạo Phật định nghĩa ganh tỵ là một tâm thù địch, thái độ chú tâm vào thành tựu của người khác. Đó có thể là trí thông minh hay tài sản, vẻ đẹp hay sự giàu có, thành công hay địa vị của họ. Nó có thể chú trọng vào những mối quan hệ của họ, ví dụ như họ có bạn đời hay con cái, còn mình thì không. Chúng ta không thể chấp nhận rằng họ có cái này hay cái kia, và không có khả năng chấp nhận thành tựu của họ.

Lòng oán thù này dựa vào lòng tham ái với hoàn cảnh và thành tựu của chính mình. Ví dụ như nhìn vào số tiền mà mình có trong tài khoản ngân hàng của mình, và biết rằng người khác có nhiều hơn. Chúng ta phóng đại những phẩm chất tích cực và tầm quan trọng của việc có nhiều tiền hơn trong ngân hàng, biến nó thành một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong đời sống, rồi dựa giá trị bản thân của mình vào đó. Chúng ta có thể làm như vậy đối với trí thông minh, vẻ đẹp và những điều còn lại. Rồi thì không chịu đựng nổi là người khác giỏi hơn mình về lãnh vực đó. Đây là lòng ganh tỵ, và ngược lại với điều này là tùy hỷ về những điều mà người khác đã đạt được.

Vấn Đề Về “Tôi”

Việc thấu hiểu những khía cạnh của lòng ganh tỵ là mức độ đầu tiên để xử lý vấn đề. Tuy nhiên, đàng sau tất cả những điều này là vấn đề về “tôi”. Cuối cùng thì đây là điều mà mình phải làm việc, để đảm bảo là mình không ganh tỵ. Điều sai lầm là cách mình phóng đại một khía cạnh nào đó của đời sống một cách quá mức, và lại dựa tất cả giá trị bản thân của mình vào đó. Chỉ dựa trên cơ sở này thì mình mới ganh tỵ, và đưa đến vấn đề thắc mắc về bản thể của mình: “Tôi là ai?” Làm sao để định nghĩa chính mình? Có phải là về mặt tiền bạc, hay vẻ đẹp, hoặc địa vị của mình trong đời sống? Nhiều người làm như vậy, đúng không? 'Tôi là một bác sĩ”, “Tôi là một phụ huynh”, “Tôi là cái gì đó.”.

Khi làm như vậy thì mình sẽ quá nhấn mạnh về “tôi”,  định nghĩa nó như điều gì vững chắc, có thể có một bản thể vững chắc. Chúng ta tin rằng đó là cái “tôi” chân thật, cái là cái “tôi” thật. Rồi nó trở thành điều duy nhất đáng kể trong đời sống, và ta xem mọi thứ khác là không quan trọng. Chỉ có một điều này, chẳng hạn như mình có bao nhiêu tiền trong ngân hàng, mới là điều thật sự đáng kể. Đối với nhiều người trong chúng ta thì đó là điều mà cha mẹ của mình đã nói với mình!

Điều quan trọng để nhận ra rằng đây không chỉ là vấn đề vật chất, tiền bạc và địa vị, v.v..., mà còn là vấn đề tình cảm. Một số người trong chúng ta có thể nghĩ rằng điều quan trọng nhất trong đời sống là chiếm được tình cảm hay tình yêu của người khác. Rồi mình nghĩ rằng người khác có được điều này, còn mình thì không, và dựa ý thức về giá trị bản thân trên điều đó. Điều này còn tinh vi hơn lãnh vực vật chất nữa. Dĩ nhiên, mình sẽ điên lên vì ganh tỵ, nếu tất cả mọi người mà mình biết đều có người bạn đời tuyệt vời, còn ta thì ở nhà một mình. Ta cũng phải đối phó với những vấn đề tinh tế hơn, để đảm bảo là mình sẽ tiêu diệt vấn đề ganh tỵ này từ cội nguồn của nó.

Quán Chiếu: Quá Nhấn Mạnh Vào Một Khía Cạnh Trong Đời Sống

Hãy dành một chút thời giờ để quán chiếu điều này. Hầu hết chúng ta đã trải qua những lúc ganh tỵ. Chúng ta đã trải qua những giai đoạn trong cuộc sống, khi mà lòng ganh tỵ đã làm cho mình khổ sở. Hãy cố nhận diện điều gì là nền tảng cho tất cả những điều này trong kinh nghiệm của mình. Đâu là điều mà mình xem là điều quan trọng nhất trong đời sống, và sẽ ganh tỵ, nếu như mình không có nó, hoặc người khác có nhiều hơn? Hãy quán chiếu về điều đó. Liệu nó có phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống hay không, và là điều duy nhất mô tả về tôi, và tôi là ai? Ví dụ như “Tôi là người không có bạn đời”. Có phải đây là điều duy nhất nói về bản thân mình? Nếu như mình chết, và người nào phải tóm tắt về cuộc đời của mình trong một câu, thì đó có phải là điều mà ta muốn khắc trên mộ bia của mình không? Có phải đó là điều duy nhất mình muốn người khác nhớ đến mình không? Việc suy nghĩ như thế này là cách tốt, để nhận ra sự việc ngớ ngẩn ra sao.

Khi làm cho nó ngớ ngẩn, thì ta sẽ thấy tính rồ dại của việc chỉ chú tâm vào một điều duy nhất. Khi mình nghĩ rằng, “Tôi là vậy đó. Đó là điều quan trọng nhất, và tôi không chịu nổi, khi có người nào giỏi hơn tôi”, thì nó sẽ giúp cho mình thấy tất cả những điều này hài hước như thế nào, và khắc phục nó. Nếu bạn không thấy nó lố bịch như thế nào, thì rất khó để buông bỏ nó. Hãy dành một chút thời gian để nghĩ như vậy về kinh nghiệm cá nhân của mình về lòng ganh tỵ.

[thiền]

Ham Muốn, Đố Kỵ, Tham Lam, Tự Ti và Những Phiền Não Khác

Nếu như dành một chút thời gian để quán chiếu, thì bạn có thể đã thấy điều mà đạo Phật đề cập đến, khi chúng ta nói về lòng ganh tỵ. Ở phương Tây, chúng ta cũng nói về lòng đố kỵ, nhưng không có một chữ riêng biệt cho từ này trong tiếng Phạn hay tiếng Tây Tạng. Bên cạnh lòng ganh tỵ thì lòng đố kỵ còn bổ sung thêm cái mà nhà Phật gọi là “ham muốn”, khi mà mình không chỉ quá nhấn mạnh vào một lãnh vực trong cuộc sống, và không thể chịu đựng nổi, khi người nào giỏi hơn mình, mà còn muốn có được nó. Đó là đố kỵ. Chúng ta đố kỵ với người khác.

Điều này rơi vào hai tình huống. Trước tiên, có thể là mình không có thứ đó, và muốn có được những gì người khác có. Thứ hai là mình có thể đã có một số, trên thực tế có thể là khá đủ, nhưng lại tham lam và muốn có nhiều hơn. Chúng ta muốn nhiều hơn, vì người kia có nhiều hơn. Trong trường hợp thứ hai thì lòng tham đó dẫn đến sự cạnh tranh, khi mình muốn qua mặt người khác.

Có nhiều phiền não khác liên quan với nó, phát sinh từ khía cạnh rất cơ bản này, được định nghĩa như ganh tỵ. Tuy nhiên, đàng sau tất cả những điều này là cùng một vấn đề về khái niệm của mình về “tôi”. Ta nghĩ rằng mình đặc biệt. Ta nghĩ là mình rất quan trọng. Do đó, mình nên luôn luôn đứng đầu, và luôn luôn có điều tốt nhất. Ta không xem người khác ngang hàng, hay chắc chắn không nghĩ rằng nếu như người khác có cùng những thứ như mình, thì sẽ tốt biết bao nhiêu. Vì cảm giác mạnh mẽ về “tôi”, nên mình phải tốt hơn họ.

Như chúng ta đã thấy, nhiều khía cạnh trong xã hội này củng cố lòng ganh tỵ và cạnh tranh. Chúng ta tôn vinh những người thắng giải thể thao, những người nổi tiếng và tỷ phú, khi các tạp chí đề cao họ được nhiều người biết đến nhất. Giống như một căn bệnh, nên điều này sẽ ảnh hưởng đến thái độ của mình, đối với cách ta sống cuộc đời của mình, và cách mình đối phó với công việc và các mối quan hệ. Nếu chỉ có những người sung sức nhất và mạnh mẽ nhất mới sống còn, thì ta phải cạnh tranh với tất cả mọi người, và sẽ ganh tỵ, khi có ai giỏi hơn mình.

Tuy nhiên, lòng ganh tỵ không phải lúc nào cũng liên quan với sự cạnh tranh, bởi vì đôi khi ganh tỵ xoay quanh giá trị bản thân của mình. Nếu mình có lòng tự ti, vì những lý do khác nhau, là một vấn đề tràn lan trong văn hóa phương Tây, thì chúng ta có thể rất ganh tỵ với những điều người khác đạt được. Điều này không thật sự dẫn đến sự cạnh tranh, mà chỉ là một cảm giác về việc “Tôi không thể nào đạt được điều đó, tôi không đủ tốt.”. Thậm chí, mình còn không cố gắng, và cuối cùng thì cảm thấy bản thân mình tồi tệ ra sao. Chúng ta thật sự cảm thấy mình đáng thương, rằng tất cả những người khác đều rất thành công, trong khi “Tôi là người thua cuộc”. Đây là một cách khác mà khía cạnh của việc quá coi trọng và bận tâm về “tôi”, sẽ biểu hiện như lòng ganh tỵ.

Sự Khác Biệt Về Trọng Tâm Ở Phương Tây

Trong đạo Phật, chúng ta phân tích lòng ganh tỵ về mặt chú trọng vào thành tựu của người khác, khiến cho mình thù địch với họ. Có những hình thức ganh tỵ khác mà mình sẽ trải qua, với trọng tâm hơi khác nhau. Trọng tâm là người nào cho người khác món gì đó, mà không cho tôi. Nó có liên hệ, nhưng hơi khác một chút: “Bạn đã dành tình thương và tình cảm cho người khác, mà không dành cho tôi.”. Mình không quá tức giận hay khó chịu với người có được tình thương và tình cảm, nhưng thay vì vậy, lại tỏ ra khá tức giận và khó chịu với người đã không dành điều đó cho mình. Họ đã dành nó cho người khác. Chúng ta thường có kiểu ghen tuông này, đúng không?

Điều này khá mâu thuẫn, nếu như bạn nghĩ về nó, bởi vì làm sao mình có thể mong đợi người mà mình tức giận sẽ đổi ý, và sẽ thương yêu mình, khi ta đang tức giận và ganh tỵ với họ? Điều này tự hủy hoại bản thân mình một cách ngây thơ, nhưng đó thường là chiến lược của mình. Thật ra thì khó mà có việc người kia đột nhiên nói rằng, “Ồ, đúng rồi! Xin lỗi, bây giờ thì tôi sẽ yêu bạn”, khi mình đang giận dữ và la hét với họ, “Tại sao bạn lại đi chơi với người kia?! Hãy ở nhà với tôi!”. Nếu họ ở nhà, thì đó là vì họ cảm thấy tội lỗi, hay tội nghiệp cho mình. Nhưng làm sao điều đó lại làm cho mình thỏa mãn được? Họ không thật sự có mặt với mình, bởi vì tim óc của họ đã ở bên người khác. Cuối cùng thì ta sẽ tiếp tục không vui, vì vấn đề chưa được giải quyết.

Hãy dành một chút thời gian, để xem bạn có sử dụng chiến lược này hay không. Nó đã thành công tới mức nào? Chỉ khi nào mình có thể cười cợt về vấn đề này, thì mới thấy nó kỳ cục đến mức nào, và nhận ra nó không phải là cách để giải quyết vấn đề. Ngay cả khi mình ganh tỵ và tức giận, thì giải pháp là không nên hành động. Vấn đề là phải đoạn trừ những cảm thọ này bằng những phương tiện khác.

Sự Củng Cố Cái “Tôi” Và “Bạn”

Hãy nhớ rằng định nghĩa của “ganh tỵ” trong tự điển tiếng Anh là “không chịu đựng được sự ganh đua hay không trung thành.”. Khi có ai cho đối thủ của mình món gì, mà không cho mình, thì ta sẽ cảm thấy đó là điều không trung thành. Một lần nữa, có hai thể loại rõ ràng về điều này. Có thể là họ đã cho mình thứ gì đó, rồi không cho nữa, hoặc có thể là họ không bao giờ cho mình ngay từ đầu. Nếu họ đã trao tặng nó cho mình trước đây, rồi không cho nữa thì sẽ đáng buồn hơn nhiều, đó là ý nghĩa phổ biến hơn về ý tưởng của phương Tây về việc không trung thành. Tuy nhiên, chúng ta có thể ước mong người nào sẽ yêu thương mình, ngay cả khi họ chẳng bao giờ yêu thương ta.

Một lần nữa, chúng ta đã đánh giá quá cao một khía cạnh trong đời sống, đó là việc chiếm được tình cảm của ai đó, làm cho nó trở thành điều quan trọng nhất. Tất cả đều dựa trên ý thức rất mạnh mẽ về “tôi”. “Tôi” muốn có được tình cảm, và không quan tâm đến bất cứ điều gì khác, hay bất cứ ai khác. Thậm chí, điều có thể mạnh mẽ hơn nữa, rằng sự củng cố về “tôi” là sự củng cố về “bạn”. Tôi chỉ muốn điều đó từ “bạn”, và không cần biết, dù cho có mười người khác hoặc một trăm người khác yêu thương tôi. Điều này sẽ không được kể đến. “Tôi chỉ muốn bạn yêu thương tôi.” Nếu như người đó không thương mình, thì ta sẽ có cảm giác như không có ai thương mình.

Tuy nhiên, điều này sai. Nếu như mình nghĩ về điều đó, thì có thể có một khả năng nhỏ, nhưng trong hầu hết các trường hợp thì việc không có ai yêu thương mình là điều rất hiếm hoi. Chúng ta vẫn cảm thấy thương hại bản thân, và nghĩ rằng không ai thương mình, ngay cả khi mẹ mình yêu thương mình, hay bạn bè yêu thương mình, và con chó của mình thương mình. Có rất nhiều chúng sinh yêu thương ta bằng cách này hay cách khác. Mình đã đánh giá thấp điều này, khi đánh giá quá cao tình thương từ một cá nhân nào đó. Tôi chỉ muốn “bạn” yêu thương tôi.

Bài Thiền: Có Điều Gì Rất Đặc Biệt Về Tôi, Và Có Điều Gì Rất Đặc Biệt Về Bạn Không?

Điều này khá rắc rối, đặc biệt là nếu như mình đã trải nghiệm nó nhiều lần trong đời, với những người khác nhau. “Đây là người phải yêu thương tôi.”. Có gì đặc biệt về người này không? Ngoài việc đặt câu hỏi về việc có điều gì đặc biệt về tôi, rằng ai đó chỉ nên yêu thương tôi, chứ không thương ai khác. Vậy thì mình có hai câu hỏi: Có gì đặc biệt về tôi, và điều gì đặc biệt về bạn?

Có cơ sở thực tế nào đối với lý do người này nên yêu thương tôi, và không thương ai khác không? Có lý do gì mà việc họ yêu thương tôi là điều rất quan trọng, và bất cứ người nào khác thương tôi thì không quan trọng không? Đây là những câu hỏi rất sâu sắc, khiến cho ta xem xét lại cách mình nhìn thế giới, cách mình nhìn bản thân và người khác. Có một sự nhầm lẫn cơ bản tiềm ẩn đàng sau tất cả những vấn đề cảm xúc này hay không?

[hành thiền]

Điều này rất quan trọng để nhận ra, bởi vì sau đó thì ta sẽ biết mình thật sự phải làm gì, để thoát khỏi mức độ sâu sắc nhất của những vấn đề tình cảm này, để chúng không bao giờ phát sinh nữa. Mình không chỉ muốn đoạn trừ chúng, khi chúng xuất hiện, mà là thực hiện những biện pháp phòng ngừa sâu sắc hơn, để chúng không bao giờ có thể phát sinh ngay từ đầu. Cách duy nhất mà mình có thể làm điều này là thấu hiểu trọn vẹn về cách mình tồn tại, cách người khác tồn tại, và thế giới tồn tại. Nhờ vậy, ta có thể chấm dứt tất cả những sự phóng chiếu vô thức về chuyện hoang đường và ảo tưởng.

Tâm Chiếm Hữu

Chúng ta có thể thấy lòng ganh tỵ thường rất liên quan đến sự chiếm hữu, khi mà mình muốn điều gì hay người nào thuộc về mình, và chỉ có mình thôi. Có thể sử dụng hình ảnh của một con chim rừng xinh đẹp mà mình đã dùng các loại hạt và bánh mì để thu hút nó đến cửa sổ của mình. Bây giờ, thái độ của mình đối với loài chim rừng này là gì?

Đó là một con chim tự do. Khi nó bay đến cửa sổ của mình, thì ta nghĩ rằng nó tuyệt vời và xinh đẹp như thế nào. Ta có thể tận hưởng thời gian mà con chim rừng này dành cho mình. Nếu như mình thật là may mắn, thì con chim sẽ thấy rất thoải mái ở cửa sổ của mình, đến nỗi cô nàng sẽ làm tổ trong vườn nhà mình, và ở lại đó một mùa. Chúng ta có thể tận hưởng sự hiện diện của một con chim rừng trong khu vườn của mình trong suốt một mùa. Nhưng cuối cùng, dù là sau một vài phút hay sau một mùa, thì con chim sẽ bay đi. Rốt cuộc, nó là loài chim rừng tự do. Nếu con chim trở lại lần nữa, thì không phải đó là điều tuyệt vời hay sao? Tuy nhiên, nó không phải là con chim rừng duy nhất ở quanh đây, và việc chỉ muốn một mình con chim này quay trở lại là điều ngu ngốc. Nếu một con chim khác đến, thì mình cũng có thể tận hưởng vẻ đẹp của con chim này trong một thời gian ngắn, mà nó có thể ở lại với mình.

Nếu như mình ganh tỵ và nghĩ rằng, “Tôi muốn con chim đó chỉ đến với tôi, chứ không đến với ai khác. Và tôi không muốn con chim nào khác, chỉ một con đó thôi.” thì sẽ khá khờ dại. Theo quan điểm nhà Phật thì nên tùy hỷ, vì trong hành trình của con chim này trong năm qua thì những người khác cũng rất tốt bụng để nuôi nó. Như tôi đã nói, nếu con chim quay trở lại, thì đó là một phần thưởng.

Nhưng nếu con chim đến cửa sổ của mình, và mình cố gắng bắt nó, thì nó sẽ rất sợ hãi, phải không? Nó sẽ bay đi và không bao giờ quay trở lại. Nếu như mình bắt được nó, và nhốt nó trong lồng, thì con chim rừng đó sẽ hạnh phúc đến mức nào? Chúng ta đã nhốt nó vào lồng, vì muốn nó cho “mình”, nhưng con chim sẽ thoải mái đến mức nào? Bây giờ thì nó sẽ làm tổ và đẻ một quả trứng trong lồng chứ? Không, nó sẽ không làm điều đó.

Những Con Chim Xinh Đẹp: Một Hình Ảnh Hữu Ích

Đây có thể là một hình ảnh rất hữu ích về những người thân yêu bước vào đời sống của mình, thậm chí về con cái của chúng ta. Họ giống như những con chim rừng đã đi vào đời sống của mình trong một thời gian ngắn; nhưng vì có tự do, nên họ đi đây đi đó. Họ có những người bạn khác. Nếu như sau này, họ trở lại với mình, và tiếp tục đến thăm ta, thì điều đó thật tuyệt vời. Hiện nay, chúng ta có thể tận hưởng thời gian mà mình có với nhau, và nếu như sau này, họ sẽ quay lại, thì mình cũng có thể tận hưởng điều đó.

Mặt khác, nếu như mình ghen tuông vì họ giao thiệp với người khác, hay vì họ không dành thời gian cho mình, thì điều này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ như thế nào? Ta có thể mong đợi kết quả gì, nếu như yêu cầu họ ở nhà, luôn ở bên cạnh mình, và không có người bạn nào khác? Nếu như mình cố bắt nhốt họ trong lồng, thì mình có làm cho họ sợ và bỏ đi hay không? Nếu như mình có thể giữ người khác trong lồng, thì họ sẽ hạnh phúc đến mức nào? Và thật sự là mình sẽ hạnh phúc đến mức nào?

Việc xem những người thân yêu của mình, bất kể họ là ai, như những con chim rừng xinh đẹp bước vào đời mình, và chỉ đơn thuần tận hưởng thời gian mà mình có được với họ là điều thật hữu ích. Tất nhiên, họ sẽ có những người bạn khác, và sở thích khác. Họ có thể ở lại với mình một thời gian dài, hoặc rời xa mình khá sớm. Nếu như thật sự yêu thương người này, thì ta sẽ thật lòng hy vọng và tùy hỷ, rằng bạn bè của họ sẽ đối xử tốt với họ, như mình đã từng đối tốt với họ. Đúng không?

Bài Thiền: Áp Dụng Điều Này Trong Đời Sống

Đây là một cách lành mạnh hơn, để tiếp cận những mối quan hệ, và giúp mình tránh vấn đề ghen tuông và chiếm hữu, là những điều sẽ ngăn cản việc tận hưởng trọn vẹn thời gian mà mình có. Có bao giờ bạn đến thăm một người nào mà bạn chưa gặp trong một thời gian, và họ chỉ phàn nàn là bạn không thể ở lại lâu hơn, thay vì chỉ tận hưởng thời gian mà hai người có được trong lúc này không? Hãy nghĩ về điều này, và cố gắng áp dụng hình ảnh của con chim rừng với những người thân yêu của bạn, đặc biệt là những người mà mình sẽ ghen tuông, nếu họ dành thời gian với người khác, hay biểu lộ tình cảm với người khác.

[thiền]

Một Quan Điểm Khác Về Con Chim Rừng

Giá trị bản thân của mình tạo ra sự hiểu biết về việc ta là ai, về cái “tôi” này là gì. Đôi khi, ta cố gắng nhốt người khác trong lồng, nhưng thường thì ta sẽ thấy mình ở phía bên kia. Chúng ta là con chim rừng mà ai đó đang cố nhốt trong lồng. Làm sao để đối phó với điều này đây?

Trước hết, điều luôn luôn rất quan trọng là phải rõ ràng về thực trạng của tình hình. Đặc biệt là trong các mối quan hệ và hôn nhân, mỗi người có một ý tưởng khác nhau về những điều mà mối quan hệ này sẽ đòi hỏi, và ranh giới của nó là gì. Nên hiểu rõ điều này, nếu không thì một người có thể mong đợi điều gì, mà nó sẽ không xảy ra, hoặc điều đó hoàn toàn khác với cách mình nhìn sự việc.

Điều này rất quan trọng cho cả hai bên trong mối quan hệ. Tuy nhiên, phải tránh cực đoan, khi mà mình phải liên tục thương lượng về hợp đồng giữa hai bên, rồi phải thương lượng lại, và luôn luôn nói về mối quan hệ và cách mình liên hệ với nó, thay vì chỉ trải nghiệm nó. Việc thành thật, không ôm ấp vấn đề bên trong và cho người khác biết, khi mình thật sự bị tổn thương là điều tốt. Nhưng phải cố gắng làm điều này mà không có ẩn ý, khiến cho người khác cảm thấy tội lỗi, và bắt họ phải làm những điều mình muốn.

Điều này sẽ dễ dàng, một khi ta biết ảnh hưởng mà hành vi của mình sẽ tạo ra là gì, điều mà mình thường rất ngây thơ về nó. Đôi khi, dường như ta nghĩ rằng mình có thể hành động theo cách nào mà mình thích, và nó sẽ không ảnh hưởng đến ai cả, như thể không có ai khác có cảm xúc, hay bị tổn thương, ngoài mình ra. Nhưng có những ranh giới nhất định về sự chung thủy về mặt tình dục và vân vân, mà mình muốn giữ. Những ranh giới khác có thể uyển chuyển hơn một chút.

Nếu một lãnh vực trong mối quan hệ không ổn thỏa, thì không nên ném người đó vào sọt rác. Ngay cả khi bạn ly dị, thì không có nghĩa là bạn phải ngừng yêu người đó, hoặc không chăm sóc họ. Bạn không cần phải gặp người nào mỗi ngày, nhưng các mối quan hệ không phải là tất cả, hay không có gì cả, và chúng có thể được xác định lại. Theo quan điểm nhà Phật thì có một mối liên hệ về nghiệp, và bạn không thể cứ ném chúng vào sọt rác.

Nếu như người bạn đời của mình thật sự làm ta tổn thương, ví dụ như bằng cách ngoại tình, thì ta có thể nói, “Hành vi của bạn thật sự làm tôi tổn thương, và có lẽ mình phải chia tay. Tôi không muốn mất bạn như một người bạn, nhưng hãy cho tôi thời gian. Sau một vài tháng, tôi sẽ bình tĩnh lại, và có thể giải quyết tình huống này, rồi thì tôi muốn tiếp tục làm bạn với bạn. Tôi quan tâm đến bạn, nếu không thì tôi đã không bao giờ bước vào mối quan hệ này ngay từ đầu.”. Đó là cách đối phó chín chắn hơn nhiều, dù mình đang ở phía nào, bởi vì không ai sẽ ở trong câu chuyện cổ tích mà trong đó, mình sẽ sống hạnh phúc mãi mãi, Điều đó không xảy ra.

Nếu như không phải xử lý vấn đề tình dục, mà là vấn đề thời gian, khi người nào đòi hỏi mình phải dành hết thời gian cho họ, thì ta có thể cho họ một khoảng thời gian cố định mà mình có thể dành cho họ. Nếu như mình có thể tin cậy được về vấn đề này, thì sự việc vẫn ổn thỏa, bởi vì họ vẫn có thể tin tưởng vào đó. Họ sẽ không có cảm giác bị bỏ rơi, hay bị từ chối, và nếu như lúc ở gần họ, thì mình sẽ có mặt 100% bằng tim óc của mình, thì còn tốt hơn nữa. Hãy quán chiếu về điều đó.

[thiền]

Chấp Nhận Tiền Tệ Của Người Khác

Để cảm thấy an tâm hơn về tình thương của người nào, thì ta có thể sử dụng một hình ảnh hữu ích khác. Có thể nghĩ về cách mà mọi người thể hiện và thương yêu mình theo ẩn dụ về loại tiền tệ mà họ trả cho mình, bởi vì đôi khi, ta phải linh hoạt về cách mà người khác trả tiền cho mình, phải linh hoạt với cách người khác thể hiện tình yêu và tình cảm với mình.

Ta có thể muốn nhận tiền Euro, nhưng người đó chỉ có đô la, vậy thì làm sao họ có thể trả tiền cho mình? Nói cách khác là họ không thể yêu thương mình theo cách mà mình muốn. Nhưng ta phải chấp nhận tiền tệ của họ, hay những gì họ có thể cung cấp cho mình, và nhận ra rằng nó đơn thuần là sự biểu hiện về tình yêu của họ. Đó là những điều họ có thể làm. Nếu như mình ở phía bên kia, thì cũng giống như vậy, khi mà mình có một loại tiền tệ nào đó, và không thể dành cho người đó tình cảm mà họ muốn, bằng loại tiền tệ mà họ muốn.

Nên linh hoạt đủ, để sự việc sẽ tốt đẹp, khi họ nói rằng: “Xin lỗi, hiện giờ, tôi không có đủ tiền. Lúc này, tôi không có thì giờ. Tôi quá bận rộn, và không thể gặp bạn tuần này.”. Với tính linh hoạt, thì ta có thể hiểu người khác về mặt họ có bao nhiêu tiền, và thời gian mà họ có thể dành cho mình. Tất nhiên là điều tương tự cũng xảy ra với mình, khi ta cũng không có loại tiền tệ nào để dành cho họ.

Đó là một hình ảnh hữu ích, ngay cả khi tình yêu và sự chú ý không phải là những mặt hàng mà mình mua bán. Nó vẫn có thể giúp cho ta, về những vấn đề bất an của mình. Điều này không đi sâu vào cội nguồn về cách mình thật sự tồn tại, nhưng vẫn là một cách hữu ích để tạm thời xử lý tình huống. Vấn đề thật sự là nhận ra loại tiền tệ mà người khác đang cố gắng cung ứng, bởi vì đôi khi, thậm chí mình còn không biết điều đó nữa, “Tôi không muốn lấy tiền zlotys của Ba Lan (Polish), tôi muốn tiền thật!”.

Một ví dụ phổ biến là một cặp vợ chồng, có con cái. Người ở nhà chăm sóc con cái phàn nàn là người đi làm nuôi gia đình không quan tâm đến họ, và không dành đủ thời gian với họ. Họ không nhận ra rằng người nuôi gia đình đang thể hiện sự quan tâm, bằng cách làm việc nhiều giờ để nuôi gia đình. Đây là tiền tệ của anh ấy hoặc cô ấy. Ở phía bên kia thì người nuôi gia đình than phiền rằng người ở nhà không quan tâm đến họ, khi họ về nhà vào ban đêm. Họ không nhận ra rằng người bạn đời của mình đang trả tiền tệ bằng cách chăm sóc nhà cửa và con cái. Mỗi người đang sử dụng một loại tiền tệ khác nhau để thể hiện sự quan tâm và lo lắng của mình, và mỗi người cần học cách chấp nhận loại tiền tệ của người kia.

Loại Thuốc Đúng

Khi tìm hiểu về Không tướng, hay tánh Không, và cách áp dụng nó, thì sẽ thấy cách hiểu biết này rất quan trọng. Nó là một loại thuốc cực kỳ mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong nhiều tình huống, có thể tốt hơn là áp dụng một loại thuốc yếu hơn, rồi từ từ, từ từ đi sâu hơn.

Tánh Không Và Nhận Thức Nhị Nguyên

Vấn đề lớn liên quan đến tánh Không là sự phóng chiếu của mình, trong đó, có hai khía cạnh.

  • Một là tâm tự động làm cho các pháp hiện ra theo cách không phù hợp với thực tại;
  • Hai là ta tin rằng hiện tướng này là chân thật, và tương ứng với thực tại.

Điều này sẽ tự động xảy ra, chứ không phải là điều mà mình làm một cách có ý thức. Chúng ta tin vào điều đó, bởi vì ta có cảm giác như mình đang trải nghiệm thực tại. Đó là cách mà mình kinh nghiệm nó, và về mặt cơ bản thì mình thật sự tin rằng nó tương ứng với thực tại một cách sâu sắc. Đó là một vấn đề sâu sắc đến nỗi hầu như mình luôn luôn nghĩ rằng cảm giác của mình phải đúng. Những gì mà ta cảm thấy phải là sự thật; thậm chí, mình còn không đặt câu hỏi về nó.

Nếu như mình xem xét lòng ganh tỵ, thì tâm sẽ phóng chiếu hiện tướng nhị nguyên về một cái “tôi” và một cái “bạn”, trong các phạm trù vững chắc. Có vẻ như có một cái “tôi” cụ thể, người xứng đáng để đạt được điều gì một cách cố hữu, nhưng đã không đạt được điều đó. Chúng ta cảm thấy một cách cố hữu rằng: “Tôi xứng đáng với điều này, và đã không có được nó. Trong khi bạn thì không xứng đáng với nó, nhưng lại có được nó.”. Ta cảm thấy như vậy, đúng không? Nó khiến cho mình đau lòng, và đó là lý do tại sao chúng ta tin đó là sự thật.

Nó thật là rắc rối, vì trong vô thức thì mình cảm thấy thế giới nợ ta điều gì đó, và khi người khác có được nó, thay vì là mình, thì không công bằng. Chúng ta nghĩ nó không công bằng. Đó là một thắc mắc kinh khủng để nêu ra, nhưng tại sao thế giới nên công bằng? Liệu có điều gì cố hữu từ phía vũ trụ, được gọi là “công lý” hay không? Đó là một ý tưởng khá Tây phương, liên hệ với “Thượng đế thì công bằng”, và có công lý trong vũ trụ. Nhưng không phải ai cũng nghĩ hay tin điều đó.

Tuy cảm giác bất công này được củng cố về mặt văn hóa, nhưng có một hình thức tự động phát sinh của nó. Ở đây, chúng ta chia thế giới thành hai phạm trù vững chắc của “người chiến thắng” và “người thua cuộc”. Đây là nhị nguyên. Trong tư duy Kinh Thánh thì nó giống như những người tội lỗi và người ngay thẳng. Chúng ta có những người chiến thắng và những người thua cuộc, mắc kẹt trong những chiếc hộp của họ một cách vững chắc, với điều “tội nghiệp cho tôi” trong chiếc hộp của người thua cuộc. Mình thật sự cảm thấy như vậy, và đó là lý do tại sao nó rất khủng khiếp. Chỉ có hai chiếc hộp; theo thuyết nhị nguyên thì một là mình ở trong hộp này, hai là hộp kia.

Đặt Bản Thân Trong Những Phạm Trù Thường Hằng, Vững Chắc

Chúng ta đặt mình trong một phạm trù vững chắc, thường hằng, và tất nhiên thường hằng có nghĩa là nó sẽ không bao giờ thay đổi, mãi mãi là như vậy. Mình ở trong phạm trù vững chắc thường hằng của “người thua cuộc”, và người khác ở trong phạm trù vững chắc thường hằng của “người chiến thắng”. Điều này khiến cho mình không chỉ bực bội, mà còn cảm thấy tuyệt vọng. Như thể mình đã bị trừng phạt, và điều này hoàn toàn bất công. Thông thường thì nhận thức của mình quá cách xa với thực tế, đến nỗi ta bắt đầu nghĩ rằng mình có thể là người duy nhất trong chiếc hộp thua cuộc này, vì quá bận tâm với ý tưởng vị kỷ. Ta cảm thấy thương hại bản thân, và đau khổ như thể có một cái gì đó tồn tại một cách cố hữu về “tôi”, khiến cho mình trở thành kẻ thua cuộc, và nghĩ rằng mình phải là như vậy mãi mãi.

Vô Minh Về Nhân Quả

Đó là điều phức tạp, không chỉ vì ta không hiểu cách mà mình và người khác tồn tại, mà còn vì mình vô minh về nhân quả. Điều này thường ẩn tàng sau lòng ganh tỵ và đố kỵ. Người được thăng chức trong công việc đã không xứng đáng với điều đó, bởi vì họ đã không nỗ lực để có được nó, và không có điều gì về họ có thể khiến cho họ được lên chức, điều mà mình không có được. Chúng ta phủ nhận nhân quả. Chúng ta cảm thấy mình nên có được nó, mà không phải làm bất cứ điều gì, hay không nhận được nó, ngay cả khi mình đã làm rất nhiều việc. Ta đã không nhận được phần thưởng, và đó là điều bất công. Chúng ta không thấy rất nhiều mãnh lực và yếu tố nhân quả khác liên hệ trong đó, vượt qua khỏi những việc nhỏ nhặt mà mình đã làm.

Đôi khi, ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa, dường như cách suy nghĩ này được củng cố về mặt văn hóa. Chỉ vì bạn sinh ra trong một nước xã hội chủ nghĩa, nên bạn cảm thấy như thể bạn xứng đáng để nhận được những thứ gì đó từ nhà nước, mà không phải làm gì để có được nó. Điều này sẽ lan truyền sang cảm giác của mình, rằng mình xứng đáng để có được tất cả. Nếu bạn nhìn vào toàn bộ ý tưởng về những điều mình cảm thấy xứng đáng để có được, thì nó khá thú vị. Có người nào xứng đáng để có được điều gì đó, hay là sự thể xảy ra, mà không có nguyên nhân hay không? Nó sẽ trở nên sâu sắc! Chúng ta có thể thấy điều này với thanh thiếu niên, khi họ thử thách, để xem họ có thể cư xử tồi tệ ra sao, và cha mẹ có còn thương yêu họ hay không.

Thử Thách Niềm Tin

Hãy nhận ra những sự phóng chiếu mà mình có về chiếc hộp người chiến thắng và kẻ thua cuộc, trong ba giai đoạn. Thứ nhất, mình có phân chia thế giới không, và có đúng là thế giới được phân chia thành kẻ thắng và người thua không? Thứ hai, tôi có tin rằng vũ trụ phải công bằng và công tâm không? Cuối cùng, từ phía mình, tôi có tin rằng mình vốn xứng đáng với điều gì đó, chẳng hạn như tôi nên được yêu thương, mà không có lý do nào cả, cho dù tôi có ích kỷ và tệ hại đến mức nào đi nữa?

[quán chiếu]

Chúng ta bắt đầu thử thách niềm tin của mình, khi tự hỏi tại sao vũ trụ nên công bằng, hay tại sao tôi xứng đáng để có bất cứ điều gì, mà không cần có nguyên nhân nào. Tại sao đó phải là cách sự việc nên xảy ra? Khó mà có được câu trả lời, và nhiều người trong chúng ta sẽ chỉ nói lý do là nó “nên là như vậy”. Điều đó có nghĩa là, “Đó là cách mà tôi muốn sự việc xảy ra.”.

Hiện tướng không phù hợp với thực tế, ngay cả khi đó là cách mình nghĩ nó nên xuất hiện. Chẳng hạn như chỉ vì mình nghĩ rằng nên có một ông già Noel, thì không có lý do tại sao nên có một ông già Noel, và sự việc nên là như vậy. Đó là ảo tưởng. Tuy nhiên, khi nhìn vào tánh Không của ông già Noel, thì chúng ta nên hiểu điều gì thật sự có mặt ở đó. Khi mình thấy một ông già Noel trong cửa hàng, thì có một người hóa trang thành ông già Noel. Không có ông già Noel, nhưng người hóa trang thành ông già Noel vẫn có mặt ở đó. Nó chỉ đơn giản là sự xuất hiện không tương ứng với thực tại. Tánh Không không phủ nhận tất cả mọi thứ, nó chỉ phủ nhận niềm tin của mình vào hiện tướng được phóng chiếu ra. Nói chính xác hơn thì chỉ vì một người có vẻ là ông già Noel, điều đó không chứng minh rằng đó là ông già Noel. Đó là điều mà sự lãnh hội về tánh Không phủ nhận.

Bài Thiền: Hiện Tướng Không Tương Ứng Với Thực Tại

Chỉ vì tôi cảm thấy mình là người thua cuộc, thì nó không chứng minh rằng tôi là một người như vậy. Ngay cả khi bạn gọi tôi là kẻ thua cuộc, điều đó không có nghĩa là tôi là một người như vậy. Nếu tôi không thành công đối với việc gì đó, thì tôi đã không thành công. Tất cả chỉ có vậy thôi. Tôi là một con người đang cố gắng, và điều này không bị phủ nhận. Hãy nghiền ngẫm điều này một chút.

[thiền]

Chỉ vì một người đến muộn, hay không gọi điện thoại cho bạn, thì không phải là bằng chứng cho thấy họ không yêu bạn. Bạn có thể cảm thấy như vậy, nhưng nó thật sự không chứng minh rằng “Bạn không yêu tôi.”. Đó là cách suy nghĩ rác rến, và có một chữ hoàn hảo cho nó trong tiếng Đức: Quatsch. Nó có thể là một chữ chánh rất hữu ích, để nhắc nhở bản thân, khi mình có những cách suy nghĩ như vậy. Không có điều nào trong số những điều này đề cập đến thực tế cả.

Khi người nào đến trễ, hay không đến, thì đó là nỗi sợ hãi vô hạn là mình đã bị bỏ rơi. Nhưng đó là điều rác rến! Thực tế là họ đã đến muộn, hay không đến. Đó là thực tế. Chúng ta có thể cố gắng tìm ra lý do, mà không cần suy nghĩ rằng, “Ồ, tội nghiệp cho tôi, mình đã bị bỏ rơi, không ai yêu mình hết. Nó lại xảy ra một lần nữa, mình là người thua cuộc.”. Quatsch!

Chỉ vì có cảm giác như mình bị bỏ rơi, và luôn luôn là kẻ thua cuộc, thì điều đó không chứng minh là mình đã bị bỏ rơi, hay là người thua cuộc. Nó chỉ chứng tỏ là mình cảm nhận và nghĩ rằng điều đó là sự thật, và tương ứng với thực tế, nên mình mới thấy đau đớn. Nếu như ta không tin đó là sự thật, thì nó sẽ không quá đau đớn, và cuối cùng, mình sẽ cảm thấy như không có gì. Cuối cùng, ta sẽ thấy rằng người đó chỉ đến trễ, hay đã tìm được người bạn khác, hay bất cứ điều gì. Rồi thì mình sẽ đối phó với điều đó. Nếu như có một người bạn luôn trễ hẹn, thì ta sẽ bảo họ gặp mình sớm hơn, hay đặt ra ranh giới, nói với họ rằng mình sẽ đợi họ đến lúc nào đó, nhưng sau đó thì ta sẽ đi một mình, và không chờ họ nữa. Mọi việc đều rõ ràng, và ta sẽ tiếp tục với cuộc sống của mình. Không cần phải làm cho mình khổ tâm, khi tin vào những điều rác rến.

Muốn Có Quyền Kiểm Soát

Thông thường thì điều ẩn tàng sau rất nhiều vấn đề này là một quan niệm sai lầm, được củng cố bằng văn hóa, về việc luôn luôn muốn có khả năng kiểm soát. Tôi thấy điều này đặc biệt mạnh mẽ đối với người Đức. Mọi việc cần phải được kiểm soát. Nếu như tất cả mọi việc đều có trật tự, và đều rõ ràng, thì bạn có thể an tâm. Điều này cũng vô lý. Không ai có thể kiểm soát đời sống, bởi vì nó quá phức tạp, với quá nhiều thứ xảy ra, và ảnh hưởng tất cả mọi việc. Chúng ta phải nhận ra nhiều, nhiều mức độ rác rến và kỳ vọng không thực tế.

Tóm Tắt

Gần như tất cả chúng ta đều quá chú trọng đến cái “tôi”. Trên thực tế thì việc ta tin rằng mình là trung tâm vũ trụ, với tất cả mọi thứ khác xoay quanh mình là điều tự nhiên. Thêm vào đó, ta còn bổ sung thêm điều gì như vẻ đẹp, trí thông minh hay sự giàu có của mình, nghĩ rằng đó là điều quan trọng nhất về bản thân mình. Và đây là vấn đề lớn nhất của mình, cái “tôi” vững chắc, xinh đẹp, giàu có.

Khi nghĩ như vậy thì mình sẽ có lòng muốn chiếm hữu bạn bè, ganh tỵ, nếu như thấy họ dành thời gian và vui vẻ với người khác. Nếu như ta thách thức niềm tin này, là điều hoàn toàn sai lầm, thì sẽ hoàn toàn thay đổi quan điểm của mình. Đây là lý do tại sao việc thấu hiểu tánh Không được xem là liều thuốc mạnh mẽ nhất, hữu hiệu nhất cho không chỉ sự ghen tuông, mà tất cả những phiền não khác.

Top