Sự Nguy Hiểm của việc Cải Đạo
Có nhiều tôn giáo và nền văn hóa khác nhau trên thế giới, và chúng đã phát triển để thích ứng với người dân địa phương. Vì vậy, tôi luôn khuyên tốt nhất là nên giữ tôn giáo mà quý vị đã theo từ lúc mới ra đời. Ở phương Tây, hầu hết mọi người là tín đồ Cơ Đốc, mặc dù có một số tín đồ Do Thái giáo và Hồi giáo. Đối với họ hay với bất cứ người nào, việc cải đạo là điều không dễ dàng và đôi khi, nó chỉ tạo thêm rối rắm.
Có một thí dụ mà tôi luôn luôn đề cập đến. Vào đầu thập niên 60, những người Tây Tạng chúng tôi đã gặp những khó khăn vô cùng lớn lao. Vào lúc ấy, nhiều cơ quan Cơ Đốc đã đến giúp đỡ chúng tôi. Một phụ nữ Tây Tạng có vài đứa con nhỏ và bà ở trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Rồi thì có một nhà truyền giáo Cơ Đốc đến và chấp nhận cho các con của bà nhập học ở một trường truyền giáo Cơ Đốc. Một ngày kia, bà đến và nói với tôi rằng trong kiếp này, bà sẽ là một tín đồ Cơ Đốc, nhưng kiếp sau, bà sẽ là một Phật tử. Điều này cho thấy bà có sự lầm lẫn về tôn giáo. Nếu được lên thiên đàng trong kiếp sau, bà sẽ không quan tâm đến việc trở thành Phật tử; và nếu như bà sa địa ngục, bà sẽ không thể trở thành một Phật tử!
Tôi cũng quen biết một phụ nữ Ba Lan lớn tuổi từ năm 1956. Từ năm 1959 trở đi, bà có sự quan tâm nghiêm chỉnh về nền giáo dục và đã cấp học bổng cho vài học sinh Tây Tạng. Bà trở nên hứng thú với đạo Phật, nhưng trước đó, bà là tín đồ Thông Thiên Học ở Madras. Thế nên bà đã có sẵn một vài quan điểm bất bộ phái, nhưng bà đã chấp nhận đạo Phật là tôn giáo riêng của mình. Vào cuối đời, khái niệm về Thượng Đế có vẻ gần gũi với bà hơn và điều này cũng chứng tỏ một dấu hiệu của sự lầm lẫn. Vì vậy, tốt hơn hết là nên giữ tôn giáo riêng của mình.
Tuy nhiên, trong hàng triệu người, một số sẽ có sự quan tâm tự nhiên đối với những tôn giáo Đông phương, đặc biệt là đạo Phật. Những người này cần suy nghĩ một cách cẩn thận. Nếu họ cảm thấy Phật giáo thích hợp hơn đối với khuynh hướng của mình thì tốt thôi. Giống như trong cộng đồng người Tây Tạng, 99% chúng tôi là Phật tử. Nhưng trong bốn thế kỷ gần đây, có một số người Hồi giáo Ladakh sống ở Tây Tạng, họ kết hôn với người Tây Tạng và con cái của họ trở thành người Hồi giáo. Cũng có một số tín đồ Cơ Đốc ở vùng Amdo. Đối với cả hai nhóm người ấy, như vậy cũng tốt thôi, không có vấn đề gì cả.
Hơn nữa, tôi phải nói đến vấn đề khi một người tiếp nhận một tôn giáo mới, họ phải tránh quan niệm tiêu cực về tôn giáo đầu tiên của họ, đây là điều thường xảy ra theo bản chất của con người. Thậm chí nếu quý vị thấy rằng tôn giáo cũ không giúp ích cho mình, nói chung, không có nghĩa là nó đã không mang lại nhiều ích lợi. Tất cả các tôn giáo đều đem lại sự hỗ trợ cho nhân loai. Đặc biệt là khi đối diện với những tình cảnh khó khăn, tất cả tôn giáo đều mang đến niềm hy vọng. Vì vậy, chúng ta phải tôn trọng tất cả các tôn giáo.
Học Hỏi về Tôn Giáo của Nhau
Hơn nữa, hiện thực ngày nay có hơi khác thực tế của ngày xưa. Trong quá khứ, dù ít hay nhiều, người dân theo những truyền thống khác nhau đã sống mộ cách cô lập. Đạo Phật ở Á châu; đạo Hồi ở Trung Đông và một số ở Á châu; và ở phương Tây hầu hết là tín đồ Cơ Đốc. Vì thế nên rất ít có sự tiếp xúc giữa các tôn giáo. Nhưng giờ đây, thời đại này đã khác xưa. Có nhiều làn sóng di dân xảy ra; có nền kinh tế toàn cầu hóa, cũng như sự lớn mạnh của kỹ nghệ du lịch. Có thật nhiều thông tin sẵn có, kể cả thông tin về đạo Phật. Vì những nhân tố đa dạng này, cộng đồng thế giới của chúng ta tựa như đã trở thành một thực thể: một thực thể cá thể đa tôn giáo, đa văn hóa.
Thế thì có hai khả năng có thể xảy ra ở đây. Khả năng thứ nhất là vì sự tiếp xúc gần gũi giữa các truyền thống khác nhau, đôi khi các tín đồ có một chút cảm giác bất an về truyền thống của riêng mình. Các truyền thống khác tiếp xúc với chúng ta nhiều hơn, vì thế ta cảm thấy hơi khó chịu. Đó là một khả năng tiêu cực. Khả năng thứ hai là vì thực tế truyền đạt thông tin xảy ra nhiều hơn, cơ hội phát triển sự hòa hợp chân thật giữa các truyền thống đã gia tăng. Đây là một khả năng tích cực hơn và vì vậy, hiện nay chúng ta phải nỗ lực xây dựng một sự hòa hợp thật sự. Nếu bỏ qua một bên những tôn giáo không có bất cứ nền tảng triết học nào mà chỉ đơn thuần là tín ngưỡng tôn thờ mặt trời, mặt trăng hay đại loại các đối tượng như thế, nếu ta để chúng qua một bên và nhìn vào các tôn giáo lớn như Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Kỳ Na giáo, Đạo giáo, Khổng giáo, các truyền thống Ấn giáo và Phật giáo khác nhau và v.v…, mỗi một tôn giáo này có điểm đặc thù của nó. Vì vậy, nhờ sự tiếp cận gần gũi, chúng ta có thể học hỏi những điều mới lạ từ mỗi tôn giáo khác; ta có thể làm cho truyền thống của mình phong phú thêm.
Thí dụ như chúng tôi, những Phật tử Tây Tạng, đã bị cô lập sau dãy Hy Mã Lạp Sơn; chúng tôi đã chẳng biết điều gì đang xảy ra ở thế giới bên ngoài. Nhưng bây giờ hoàn cảnh đã thay đổi hoàn toàn. Giờ đây, sau gần 50 năm làm những người tị nạn không nhà, chúng tôi đã tìm thấy những ngôi nhà mới và nhiều cơ hội để học hỏi từ những truyền thống khác ở các quốc gia khác. Điều này cực kỳ hữu ích. Trong quá khứ, chúng tôi đã thiết lập những chương trình trao đổi ở Ấn Độ: các anh chị em Cơ Đốc đã đến Ấn Độ để học hỏi với chúng tôi và một số tăng ni Tây Tạng đã đến phương Tây, đã có kinh nghiệm về Cơ Đốc giáo, hầu hết là ở các tu viện Công giáo. Thế thì với sự tiếp xúc gần gũi theo cách này, nếu như không có thái độ khép kín mà cởi mở hơn, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau điều gì đó. Chúng ta có thể phát triển một sự thông hiểu và tôn trọng lẫn nhau bằng cách này. Và dù sao đi nữa, một thực tế mới đã có mặt. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc phát triển sự hòa hợp giữa các tôn giáo khác nhau là điều rất quan trọng. Đây là một trong những tâm nguyện của tôi cho đến chết, đó là thúc đẩy sự hòa hợp tôn giáo. Điều này rất hữu ích.
Thế nên khi tôi diễn thuyết về Phật giáo cho thính chúng ở phương Tây mà hầu hết là tín đồ của các tôn giáo khác, thì mục đích là để giúp cho những người này mở mang thêm hiểu biết về đạo Phật. Nó có thể ích lợi cho việc phát triển lòng khoan dung. Rồi thì, có lẽ như Đức Giáo Hoàng đương nhiệm đã nhấn mạnh, tầm quan trọng phải là cả hai yếu tố đức tin và lý luận phối hợp với nhau. Điều này rất quan trọng. Không có lý luận, đôi khi đức tin hơi không thích hợp. Nhưng với lý luận, đức tin có thể trở thành một phần của đời sống vô cùng thích hợp. Thí dụ như đức tin về Thượng Đế có thể vô cùng lợi lạc, khi một người đang trải qua những thời điểm khó khăn, nó ban cho người này niềm hy vọng lớn lao. Và nếu nghĩ đến khía cạnh giận dữ, thù hận, ganh tỵ, ý muốn lừa dối và bắt nạt kẻ khác, nếu ta có đức tin, nó sẽ bảo vệ ta, chống lại những cảm xúc và hành động tiêu cực ấy. Khi ta nhận ra điều này thì đức tin trở nên rất quan trọng trong đời sống hằng ngày. Trong truyền thống Phật giáo, chúng ta nhấn mạnh về đức tin và lý luận một cách tương đương với nhau. Thế nên một vài sự giải thích của đạo Phật, đặc biệt là những điều căn cứ trên lý luận, có thể hữu ích cho các hành giả trong những truyền thống khác.
Chia Sẻ Kiến Thức với Khoa Học
Trong sự đa dạng của các truyền thống tôn giáo hiện hữu trên thế giới ngày nay, có hai thể loại: các tôn giáo hữu thần và các tôn giáo vô thần. Phật giáo là một trong những tôn giáo vô thần. Theo các tôn giáo vô thần, điểm nhấn mạnh là luật nhân quả. Vì thế nên tự nhiên là có nhiều sự giải thích về luật nhân quả trong đạo Phật, và đây là một điều rất có ích để thấu hiểu. Nó có ích bằng cách giúp ta hiểu biết thêm về bản thân và tâm thức của chính mình.
Thí dụ, chúng ta cần nhận ra rằng những cảm xúc và thái độ tiêu cực là cội nguồn của những niềm đau và nỗi khổ của mình. Để loại trừ chúng, ta không chỉ chú ý đến mức độ thân và khẩu, mà còn chú ý đến tâm ý nữa. Năng lực đối trị với chúng hầu hết cũng ở mức độ tâm ý.
Trong truyền thống Phật giáo, sự giải thích về tâm thức rất chi tiết. Ta cũng tìm thấy điều tương tự trong truyền thống cổ xưa của Ấn Độ. Vì thế hiện giờ, ngày nay khoa học hiện đại đang khảo sát sâu xa hơn và hơn nữa trong lãnh vực này. Thí dụ, khoa học y khoa đang bắt đầu nghiên cứu về cảm xúc, vì chúng rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Một thân thể khỏe mạnh có liên quan đến các cảm xúc. Thế nên điều đặc biệt quan trọng là các nhà thần kinh học khảo sát não bộ hoạt động như thế nào nên quan sát nhiều hơn về các cảm xúc. Trong các lãnh vực chuyên môn khác cũng thế, cũng có một sự quan tâm lớn về tâm thức và cảm xúc. Vì thế, những thông tin về tâm thức và cảm xúc của Phật giáo và các tôn giáo cổ truyền của Ấn Độ rất hữu ích cho việc nghiên cứu của các nhà khoa học.
Thông thường, tôi phân biệt ba thành phần trong Phật giáo: khoa học Phật giáo, triết học Phật giáo và tôn giáo đạo Phật. Hãy nhìn vào gương của chính Đức Phật. Ban đầu, Đức Phật là một người bình thường, một chúnh sinh. Ngài đã dạy cách chuyển hóa các cảm xúc và tâm thức phàm tục của chúng ta từng bước một, và chính ngài đã tu tập theo con đường đó, cuối cùng, ngài đã giác ngộ, và đó là một vị Phật. Vì vậy, sự tiếp cận của đạo Phật khởi đầu ở mức độ này, mức độ của những con người bình thường, rồi tiến triển từ mức độ này, trải qua hết cả con đường cho đến khi thành tựu Phật quả.
Vì thế trước nhất, ta phải hiểu thực tế của ngày hôm nay đòi hỏi sự đóng góp của khoa học Phật giáo. Rồi từ căn bản ấy, ta thấy được khả năng của sự thay đổi, chuyển hóa. Ta thấy rằng sự đổi thay là điều khả dĩ và đó là triết lý đạo Phật. Khi điều này trở nên rõ ràng và ta có sự tự tin trong tiến trình chuyển hóa nội tâm, thì ta có thể bắt đầu thực hành tôn giáo đạo Phật.
Nếu nhìn lại khoa học Phật giáo, hai lãnh vực mà nó đối phó là lãnh vực nội tại, tâm thức, và ngoại tại với các nguyên tử, vũ trụ và v.v… Khoa học Tây phương có nhiều sự cống hiến ở mức độ ngoại tại, dường như nó cực kỳ cao cấp ở lãnh vực này. Những Phật tử như chúng tôi có thể học hỏi nhiều điều về các hạt, cách chúng hoạt động, về di truyền học, về vũ trụ – những điều này rất hữu ích đối với các Phật tử như chúng tôi. Ít nhất, về phía hành tinh này, rõ ràng là không có núi Tu Di. Vì vậy, một số diễn đạt kinh điển của chúng tôi cũng phải được thay đổi. Thế nên những khám phá khoa học trong các lãnh vực vũ trụ học, vật lý hạt, vật lý lượng tử và v.v..., rất cần thiết cho những người Phật tử chúng tôi học hỏi.
Tuy nhiên, một số khám phá của khoa học hiện đại và Phật giáo đều giống nhau. Thí dụ như ban đầu, người ta tin rằng có một chất tự lập, độc lập nào đó từ phía các đối tượng. Nhưng bây giờ, theo sự khám phá của khoa vật lý học lượng tử, ta thấy rằng không hề có điều này. Phật tử chúng tôi đã có sự hiểu biết này hàng nghìn năm qua. Đạo Phật đã dạy rằng không có điều gì tự sinh khởi hay tự tồn tại, mà đúng hơn là mọi thứ phụ thuộc vào nhau mà phát sinh.
Hiện nay, về mặt kiến thức nội tâm, khoa học hiện đại đang bắt đầu tiến hành một số khảo sát, nên có thể sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Phật tử có thể học hỏi về những hiện tượng ngoại tại từ khoa học và khoa học có thể học hỏi cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực và hiện tượng nội tại từ các Phật tử. Vì thế, khi chúng tôi nói chuyện với các nhà khoa học thì không phải là về những kiếp tương lai hay niết bàn. Chúng tôi không đề cập về những khía cạnh tôn giáo, mà đúng hơn là nói về tâm thức và những cảm xúc. Đó là vì chúng ta có cùng một phương pháp: khảo sát sự việc để tìm ra thực tại.
Nếu có những quý vị Tây phương nào quan tâm đến Phật giáo thì việc tự tiến hành các nghiên cứu khoa học sẽ là điều ích lợi. Vì thế, dựa trên cơ sở là đem lại cơ hội để khảo sát giáo lý của đạo Phật bằng thái độ khoa học, việc tôi diễn thuyết về đề tài Phật học với thính chúng ngoại đạo có vẻ ổn thỏa thôi. Vì thế, quý vị hãy xem những buổi nói chuyện của tôi phần nào giống như những bài thuyết trình chuyên môn. Ngoại trừ một số bài tụng niệm lúc đầu, những buổi nói chuyện của tôi không có nghi lễ, không có khía cạnh tôn giáo. Tôi chỉ thuyết giảng về những đề tài khoa học mà thôi. Quý vị nghĩ sao?