Giác Ngộ Là Gì?

What is enligtment abhijeet gourav

Giác ngộ có nghĩa là trở thành một vị Phật, đỉnh cao của tiềm năng và sự phát triển của con người, và đó là mục tiêu cứu cánh trong đạo Phật. Đó là điều mà mỗi một chúng sinh trên trái đất đều có tiềm năng để thành tựu.

Hiện nay, chúng ta không phải là Phật. Thay vì vậy, chúng ta trải qua cuộc đời đầy khó khăn và thăng trầm liên tục. Chúng ta bị kẹt như thế này, bởi vì tâm mình tự động phóng chiếu những điều vô nghĩa lên mọi sự, và thật sự tin rằng đó là thực tại. Ta nghĩ rằng cách mình hành động sẽ đem lại hạnh phúc chân thật, nhưng nó chỉ đem lại bất hạnh.

[Xem: Đạo Đức Là Gì?]

Thường thì mình làm những gì mình muốn mà ít khi nghĩ việc mình làm sẽ ảnh hưởng đến người khác ra sao, bởi vì chúng ta cho rằng mình là trung tâm vũ trụ, người quan trọng duy nhất. Cách suy nghĩ như vậy không phù hợp với thực tại: nó ích kỷ và đem lại sự bất hạnh cho bản thân và người khác. Để đạt được giác ngộ, trước tiên, chúng ta phải bắt đầu:

  • Thấu hiểu hành vi của mình có tác động gì đối với bản thân và tha nhân, để tránh những hành vi tiêu cực.
  • Chứng ngộ cách vạn pháp thật sự tồn tại ra sao, để không bị vọng tưởng lừa gạt bản thân nữa.

Khi không còn tin vào vọng tưởng trong tâm thì ta cũng sẽ chấm dứt những cảm thọ phiền não như sân, hận, tham lam và ganh tỵ, bởi vì chúng phát sinh từ sự mê lầm ấy. Ta sẽ không bao giờ lập lại những hành động bốc đồng, dưới sự tác động của cảm xúc cảm tiêu cực nữa. Tất cả những điều này đòi hỏi:

  • Kỷ luật đạo đức mạnh mẽ để kềm chế những hành động thiếu khôn ngoan
  • Định tâm, để tránh hôn trầm hay trạo cử
  • Trí tuệ, để phân biệt giữa những điều có lợi và có hại, điều gì là đúng và điều gì sai
  • Quân bình về mặt cảm xúc, từ việc trưởng dưỡng các phẩm chất tích cực như lòng từ bi.

Ngay cả khi có được tâm an lạc từ những điều này thì vẫn chưa đủ: chúng ta vẫn chưa có khả năng thấy sự phụ thuộc lẫn nhau và tương quan của vạn pháp và tất cả chúng sinh. Vì vậy nên ta sẽ không bao giờ biết chắc cách nào là cách tốt nhất để giúp người.

Để có được khả năng này thì ta phải trở thành một vị Phật giác ngộ viên mãn, khi tâm không còn phóng chiếu bất cứ điều gì. Ta sẽ thấy rõ mọi sự tồn tại đều phụ thuộc lẫn nhau, và biết cách giúp đỡ tha nhân một cách chính xác. Thân ta sẽ có vô hạn năng lượng, chúng ta có thể giao tiếp với tất cả chúng sinh một cách hoàn hảo, và tâm ta sẽ hoàn toàn thấu hiểu tất cả mọi việc. Lòng từ bi và quan tâm đến mỗi một chúng sinh một cách bình đẳng sẽ trở nên rất mạnh mẽ, như thể mỗi một chúng sinh đều là đứa con thân yêu duy nhất của mình. [Xem: Lòng Bi Là Gì?] Chúng ta sẽ làm việc vì lợi lạc của tha nhân mà không kỳ vọng bất cứ sự đền đáp nào. Khi đã giác ngộ thì ta không thể nào mất kiên nhẫn hay nổi giận, không thể nào bám víu vào người khác hay bỏ mặc họ, chỉ vì mình quá bận rộn hay mệt mỏi.

Là một vị Phật, ta cũng có tâm toàn trí, nhưng không toàn năng. Chúng ta không thể loại trừ nỗi khổ của người khác, nhưng có thể chỉ cách cho họ làm điều này bằng cách giảng dạy họ và trở thành một tấm gương sống động. Để kinh qua trọn đường tu đến giác ngộ thì mình cần phải:

  • Xây dựng bồ công đức lớn lao phi thường: lợi tha quên mình một cách tối đa
  • Tu tập để thấu hiểu thực tại: ngừng phóng chiếu những điều vô nghĩa đối với thế gian

Chúng ta ai cũng có chất liệu để tu tập, đó là thân thể và trí thông minh căn bản của con người, để tạo nhân giác ngộ. Tựa như bầu trời, tâm thức và trái tim ta có bản tánh vô nhiễm, không bị ô nhiễm vì rối loạn cảm xúc và tư tưởng phiền não. Điều mà chúng ta cần phải làm là phát triển những chất liệu này, để chúng có thể đạt đến tiềm năng trọn vẹn.

Có lẽ giác ngộ giống như một mục tiêu gần như không thể đạt được, và rất khó thành tựu, chưa bao giờ có ai nói đó là điều dễ dàng! Tuy nhiên, việc nhắm vào phương hướng đó sẽ mang lại ý nghĩa lớn lao lạ thường cho đời sống của mình. Khi hiểu được sự tương quan với mọi người thì ta sẽ thoát khỏi chứng trầm cảm và lo âu. Đời sống sẽ trở nên đầy đủ, khi ta dấn thân vào chuyến phiêu lưu vĩ đại nhất: thành tựu giác ngộ vì lợi lạc của tất cả chúng sinh.

Video: Khandro Rinpoche — “Giác Ngộ: Cần Phải Làm Gì Để Đạt Được Điều Này?”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.
Top