Đạo đức là một hệ thống giá trị luân lý uốn nắn hành vi của mình, nhằm mang lại một đời sống hạnh phúc hơn. Nhờ có đạo đức, chúng ta sẽ sống một cách trung thực, và điều này mang lại niềm tin và tình bạn với những người xung quanh. Đạo đức là chìa khóa mang lại hạnh phúc.
Đạo Đức Trong Đạo Phật
Trong đạo Phật, đạo đức dựa vào trí bát nhã: chúng ta sử dụng trí thông minh để phân biệt điều gì mang lại hạnh phúc lâu bền, và điều gì sẽ tạo ra những vấn đề không ngừng tái diễn. Nó không phải là việc mù quáng tuân theo một danh sách luật lệ, mà là việc tin chắc rằng việc tuân theo tôn chỉ giới luật là điều hợp lý.
Nếu chúng ta thật sự quan tâm đến bản thân thì việc có những quyết định khôn ngoan về cách mình hành xử là điều hợp lý. Tất cả mọi người đều muốn được hạnh phúc, và đáng được hạnh phúc, kể cả bản thân mình. [Xem: Hạnh Phúc Là Gì?] Lòng tự ti mặc cảm dẫn đến thái độ thờ ơ về đạo đức, trong khi ý thức về giá trị bản thân dẫn đến lòng tự trọng. Với lòng tự trọng, chúng ta sẽ tôn trọng bản thân một cách sâu sắc, nên sẽ không bao giờ hạ mình để hành động một cách vô đạo đức: bởi vì bạn sẽ cảm thấy đó là điều không đúng đắn.
Giống như ong hút mật mà không làm tổn hại hương sắc của hoa, thì người trí cũng đi lại trong thế gian như thế. – Kinh Pháp Cú: Phẩm Hoa, kệ số 49
Thái độ “sao cũng được” chỉ dẫn đến cảm giác cô lập, cô đơn và trầm cảm. Với tinh thần đạo đức, chúng ta sẽ khắc phục những thái độ như thế, sẽ xây dựng tình bạn với lòng tin cậy và bền vững, là nền tảng cho một đời sống hạnh phúc và thành công.
Đạo Đức Và Giới Nguyện Dựa Trên Lý Luận
Hành trì Phật pháp dựa trên lý lẽ thông thường. Nếu như ta ích kỷ, sân hận và kiêu căng với người khác thì làm sao có thể trông mong một đời sống an lành và hạnh phúc cho bản thân?
Trong đạo Phật, một người có thể thọ nhiều cấp độ giới nguyện. Chẳng hạn như một thầy tỳ kheo trong truyền thống Tây Tạng thọ 253 giới. Nhiều cư sĩ thọ “năm giới”, đó là:
- Tránh giết hại chúng sinh
- Tránh lấy những gì không ai cho
- Tránh tà dâm
- Tránh nói dối
- Tránh dùng chất làm say.
Phật tử tình nguyện thọ những giới này, để có một đời sống thuận lợi cho việc tu hành. Những giới luật này giúp mình đi đúng hướng, và còn tạo ra nhân cho một đời sống hạnh phúc và thành công.
Đạo Đức Cho Một Đời Thành Công
Một số người nghĩ rằng đời sống thành công là khi chúng ta có nhiều của cải và quyền lực. Thậm chí khi có được những thứ này thì mình vẫn không bao giờ mãn nguyện, và luôn luôn lo sợ sẽ mất chúng. Càng có nhiều của cải, đặc biệt là khi phải hy sinh người khác, thì mình càng có nhiều kẻ thù hơn. Không ai nói rằng một đời thành công là khi người xung quanh không yêu thích mình. Đời sống thành công là khi ta có nhiều bạn bè, và người ta cảm thấy vui vẻ khi ở gần mình. Rồi thì không cần biết mình có bao nhiêu tiền hay quyền lực, chúng ta sẽ có sự hỗ trợ tinh thần để giúp mình có đủ sức đối phó với bất cứ điều gì có thể xảy ra.
Tôn chỉ đạo đức nêu ra loại hành vi nào sẽ đưa đến hạnh phúc, và loại nào sẽ tạo ra vấn đề. Khi ta thành thật muốn đem lại hạnh phúc cho người khác thì người ta sẽ tin tưởng rằng mình không lừa gạt, bắt nạt hay bóc lột họ. Niềm tin này sẽ là nền tảng vững chắc cho tình bạn với tất cả mọi người mà ta gặp. Họ sẽ thoải mái và vui vẻ khi ở gần mình, vì biết rằng họ không có điều gì để lo sợ. Và ngược lại, chúng ta cũng cảm thấy vui vẻ. Ai lại muốn người khác đề cao cảnh giác hay run sợ khi mình đến gần họ? Ai cũng hoan nghênh một gương mặt tươi cười.
Con người là sinh vật xã hội: chúng ta cần có sự hỗ trợ của người khác để sinh tồn. Không chỉ khi là đứa trẻ sơ sinh bất lực hay người già yếu trong nhà dưỡng lão, mà suốt cả đời, chúng ta cần có sự giúp đỡ và chăm sóc của người khác. Sự hỗ trợ tinh thần mà ta có được từ tình bạn thân ái sẽ tạo nên đời sống trọn vẹn. Tinh thần đạo đức mạnh mẽ sẽ giúp ta tạo ra mối quan hệ thân thiện với tất cả mọi người mà mình gặp gỡ.