Giáo pháp nhà Phật đưa ra những lời khuyên phong phú về cách sinh hoạt trong đời sống hàng ngày. Xin xem dưới đây.
Khi Thức Dậy
Khi vừa thức dậy và trước khi ra khỏi giường, nên cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tri ân rằng mình vẫn còn sống, sẵn sàng cho một ngày mới. Hãy phát tâm mạnh mẽ để:
- Làm cho ngày hôm nay có ý nghĩa.
- Cải thiện bản thân và giúp đỡ tha nhân, để không lãng phí cơ hội quý báu này.
Nếu phải đi làm thì hãy quyết tâm cố gắng tập trung tinh thần và làm việc với năng suất cao. Ta sẽ không nổi giận, thiếu kiên nhẫn hay gắt gỏng với đồng nghiệp. Ta sẽ thân thiện với mọi người, nhưng sẽ không nói chuyện nhảm nhí và thị phi, làm mất thì giờ của họ. Nếu phải chăm sóc cho gia đình thì hãy quyết tâm không mất kiên nhẫn, lo lắng cho nhu cầu vật chất và tình cảm của người thân bằng cách tốt nhất trong khả năng của mình, với lòng thương yêu.
Thời Thiền Buổi Sáng
Thường thì ta có thể hành thiền một thời gian ngắn, trước khi ăn sáng. Chỉ cần ngồi thiền yên tĩnh năm hay mười phút, chú tâm vào hơi thở và sự tập trung tinh thần sẽ có giúp ích cho mình.
Hãy quán chiếu cách mà đời mình quyện chặt với đời sống của tất cả những người xung quanh ra sao, và phát khởi lòng từ ấm áp: “Nguyện cho họ đều được hạnh phúc”, cùng với lòng bi mẫn: “Nguyện cho họ đều thoát khổ và bất kỳ sự khó khăn nào.”. Hôm nay, hãy quyết tâm rằng mình sẽ hết lòng giúp đỡ người khác bằng bất cứ cách nào, và nếu không thể giúp họ thì ít nhất cũng nên kềm chế bản thân để không làm hại họ.
Giữ Chánh Niệm Trong Ngày
Hãy cố gắng giữ chánh niệm về cách mình hành động, nói năng, suy nghĩ và cảm nhận trong suốt cả ngày. Đặc biệt là cố gắng chú ý khi những phiền não như sân hận, tham lam, ganh tỵ, kiêu mạn, v.v... len lỏi vào trong tâm trí. Hãy ghi nhận khi mình có hành động ích kỷ hay thiếu tế nhị, hoặc cảm thấy tủi thân và có thành kiến. Ở mức độ vi tế hơn, hãy cố ý thức khi nào mình đang phóng chiếu những câu chuyện ngớ ngẩn về bản thân, về người khác và hoàn cảnh nói chung. Hãy nhận ra những khoảnh khắc mà ta tưởng tượng rằng mình sẽ phải đứng mãi trong cái hàng dài này, chẳng bao giờ tới được quày phục vụ, rằng không bao giờ có ai thương một người như ta, và khi ta cảm thấy “tội nghiệp cho mình”.
Khi bắt quả tang là mình đang hành động, nói năng và suy nghĩ một cách bốc đồng với một trong những ý tưởng tạo ra rắc rối này, thì hãy áp dụng một mức độ chánh niệm khác. Trước tiên, hãy cố ngưng lại, trước khi hành động hay nói điều gì mình sẽ hối hận về sau. Nếu đã lỡ hành động rồi thì hãy ngưng lại lập tức, trước khi mình làm hay nói điều gì tệ hại hơn. Ta cũng sẽ áp dụng cách này, nếu như rơi vào chu kỳ suy nghĩ tiêu cực. Hãy ghi nhớ các pháp đối trị để làm dịu và đối kháng những cảm xúc và tư tưởng phiền não ấy, và áp dụng cũng như duy trì chúng cho đến khi bình tĩnh lại.
Một thí dụ mà phần đông chúng ta có thể liên hệ được là khi người nào trong sở hay ở nhà chỉ trích mình, hay làm điều gì khiến cho mình rất bực bội, thì nên:
- Nhớ rằng la hét sẽ không giúp ích gì, mà hãy cố gắng bình tĩnh lại bằng cách chú tâm vào hơi thở, như đã làm vào buổi sáng.
- Nhớ rằng ai cũng đều muốn được hạnh phúc và không muốn khổ, nhưng phần đông người ta bị mê muội và hành động theo cách tạo ra thêm rắc rối.
- Ước mong cho họ được hạnh phúc và có được nhân tố tạo ra hạnh phúc.
- Nêu ra hậu quả tiêu cực từ hành động của họ, nếu họ chấp nhận lắng nghe lời khuyên của mình, và yêu cầu họ ngừng lại.
- Nếu họ hoàn toàn không có phản ứng gì thì hãy giữ yên lặng, và xem sự việc như một bài học kiên nhẫn. Tuy vậy, không nên đứng nhìn một cách thụ động, nếu mình có thể chấm dứt sự náo loạn.
Một trong những yếu tố chính mình cần phải kiểm soát là bản năng tự vệ khi bị người khác chỉ trích. Ta có thể bình tĩnh và suy xét một cách trung thực xem những gì họ nói có đúng hay không. Nếu là đúng thì ta có thể xin lỗi và sửa sai hành động của mình. Nếu như điều họ nói là vô lý thì hãy bỏ qua, nếu như không quan trọng. Nếu là vấn đề hệ trọng thì có thể nêu ra suy nghĩ sai lầm của họ, miễn là mình không có ý hạ nhục hay công kích họ.
Hành Thiền Buổi Tối
Buổi tối, trước khi đi ngủ, có thể thực hiện một thời thiền ngắn để tĩnh tâm, sau những hoạt động trong ngày, bằng cách chú tâm vào hơi thở một lần nữa. Ta sẽ ôn lại những sự kiện trong ngày và xem xét mình đã ứng phó như thế nào. Mình có nổi nóng hay nói điều gì dại dột không? Nếu có thì hãy hối hận là mình đã không thể kiểm soát bản thân, rồi quyết tâm sẽ xử sự tốt hơn vào ngày mai, không cần mang cảm giác tội lỗi. Cũng nên ghi nhận khi mình đã giải quyết sự việc một cách khôn ngoan và tử tế. Hãy hoan hỷ về điều này và quyết tâm tiếp tục hành xử theo chiều hướng đó trong tương lai. Rồi thì tới giờ đi ngủ và mong đến ngày mai để mình có thể tiếp tục cải thiện bản thân và giúp đỡ tha nhân. Ta có thể thật sự vui mừng là đã tạo ra ý nghĩa cho cuộc đời quý báu này.