What is mind

Tâm là kinh nghiệm cá nhân, chủ quan về “điều gì” luôn luôn thay đổi, từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác.

Khái niệm về “tâm” thì mơ hồ, và các ngôn ngữ khái niệm hóa nó theo cách khác nhau. Trong nhà Phật, chữ tâm theo tiếng Phạn là chitta, hàm chứa nhiều ý nghĩa. Nó bao gồm nhận thức giác quan, ý tưởng bằng lời nói và ý tưởng trừu tượng, tình cảm, cảm giác hạnh phúc và bất hạnh, sự chú ý, tập trung tinh thần, trí thông minh và nhiều hơn nữa. Khi nói về tâm thì đạo Phật đề cập đến tất cả các dạng hoạt động tinh thần.

Trọng tâm không phải là nền tảng vật chất như bộ óc, hệ thống thần kinh, kích thích tố (hormones) và v.v…., cũng không phải là hoạt động hóa chất hay điện liên quan trong đó. Đạo Phật không phủ nhận bất cứ yếu tố nào kể trên, bởi vì đương nhiên là chúng hiện hữu, và góp phần một cách tổng thể. Tâm cũng không đề cập đến “điều gì” phi vật chất ngự trị trong bộ óc và tạo ra hoạt động của nó. Hơn nữa, đạo Phật không xác nhận một tâm thức vô thức tập thể hay phổ quát.

Video: Matthieu Ricard — “Quan Điểm Của Khoa Học Về Tâm Thức”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Hoạt Động Tinh Thần Là Gì?

Nếu như tâm và hoạt động tinh thần là kinh nghiệm cá nhân, chủ quan về điều gì, vậy thì nổi giận có nghĩa là gì, chẳng hạn vậy? Nó là sự phát khởi của sự giận dữ và cảm giác về nó, xảy ra cùng một lúc. Chúng cùng nhau mô tả một sự kiện trong một dòng tương tục, kinh nghiệm điều gì đó. Kinh nghiệm của ai? Nếu tôi nổi giận thì đó là kinh nghiệm của tôi, không phải của bạn, nhưng không có một cái tôi riêng rẽ bấm nút giận trên cái máy gọi là “tâm” – chúng ta chỉ đơn thuần là một phần của sự kiện kinh nghiệm.


Điều này tương tựa như khi ta thấy một cái gì đó, như trái táo. Từ sự hiểu biết của khoa học thì các tia sáng đi vào mắt qua giác mạc, gặp gỡ các tế bào tiếp thu hình ảnh của võng mạc. Điều này tạo ra xung lực truyền tải thông tin quang học đến bộ não, nơi nó được xử lý. Kinh nghiệm chủ quan của điều này là sự xuất hiện của tâm ảnh ba chiều của quả táo, và đây là ý nghĩa của việc nhìn thấy nó. Tuy nhiên, tâm không phải là không gian trống rỗng ở đâu đó trong não mà từ trong đó, hình ảnh ba chiều của quả táo phát sinh, như được gợi ý từ sự diễn đạt "có cái gì đó trong tâm trí".

Tâm ảnh ba chiều cũng có thể là biểu hiện của âm thanh, mùi hương, vị nếm và cảm giác thân thể, thậm chí trong trí tưởng tượng và chiêm bao của chúng ta.  Hình ảnh của sự phát sinh của một tâm ảnh ba chiều còn có thể mô tả sự phát sinh của cảm xúc và các mức độ hạnh phúc hay bất hạnh, dựa vào sự bài tiết của kích thích tố từ các bộ phận khác của bộ não. Vào bất cứ lúc nào, nội dung của tâm ảnh ba chiều của chúng ta là sự phức tạp của nhiều yếu tố: một đối tượng, chẳng hạn như một hình ảnh hay tư tưởng, với sự kết hợp của cảm xúc, cộng thêm mức độ nào đó của cảm giác hạnh phúc hay bất hạnh.

[Xem: Hạnh Phúc Là Gì?]

Khoa Học Thần Kinh Và Phật Giáo

Từ khi Đức Dalai Lama và nhà thần kinh học Francisco Varela người Chile khánh thành Mind and Life Institute (Viện Tâm Thức Và Đời Sống) năm 1987 thì các nhóm khoa học gia quốc tế và các bậc thầy uyên bác trong đạo Phật đã khảo sát sự giao thoa giữa tâm và bộ não. Các nhà thần kinh học đã theo dõi hoạt động não bộ của những thiền sinh mới và các thiền sinh có nhiều kinh nghiệm, cho thấy việc thiền định lâu dài ảnh hưởng đến tính khả biến thần kinh (neuroplasticity) của bộ não, tạo ra những đường dây thần kinh mới, giúp cho việc tập trung tinh thần và phát triển cảm xúc tích cực như lòng bi trở nên dễ dàng hơn.

Cho đến nay, các phát hiện của khoa học phương Tây và Phật giáo đã bổ sung cho nhau và giúp cho cả hai lãnh vực trở nên phong phú hơn, và sự hợp tác giữa các hành giả đạo Phật và các nhà khoa học ưu tú là dấu hiệu của điều mà Đức Dalai Lama kêu gọi, đó là Phật giáo thế kỷ 21.

Hoạt động tinh thần của việc trải nghiệm cuộc sống là điều mà Phật giáo cho là "tâm thức." Hoạt động này thay đổi trong từng khoảnh khắc và luôn có các tâm sở (mental factors) đi kèm theo. Phật giáo dạy rằng chúng ta không phải là nạn nhân của bất cứ điều gì mà cuộc sống đem đến cho mình, mà đúng hơn là chúng ta đóng một vai trò toàn diện trong cách mình trải nghiệm cuộc sống và những gì mình sẽ kinh nghiệm. Nhờ cách luyện tâm, ta có thể triệt để chuyển hóa kinh nghiệm của mình để chúng trở thành tốt đẹp hơn, và với nỗ lực lâu dài, sự thay đổi tích cực này sẽ trở nên dễ dàng, không cần nỗ lực.

Top