Image%201

Nói một cách đơn giản, Bồ tát là người có trí tuệ và lòng bi, luôn yêu thương tất cả chúng sinh. Đương nhiên, ngoài kia có rất nhiều người khôn ngoan, tốt bụng, vậy thì điều gì khiến cho một vị Bồ tát khác với họ? Trước tiên, chư Bồ tát không chỉ ước mong điều lành cho tha nhân, mà còn biết nhiều phương tiện thiện xảo có thể thật sự chấm dứt nỗi khổ của tha nhân, và làm việc không mệt mỏi để thật sự giúp đỡ tất cả chúng sinh. Chư Bồ tát hiểu căn nguyên sâu xa nhất của mọi vấn đề, và tự tin mình có thể đoạn trừ căn nguyên này, để chúng sinh không bao giờ trải qua bất kỳ vấn đề nào nữa. Chính trí tuệ và mục tiêu này khiến cho lòng bi của một vị Bồ tát trở nên mạnh mẽ như thế.

Thuật ngữ bồ đề tát đỏa (bodhisattva) xuất phát từ hai từ tiếng Phạn: “bodhi” có nghĩa là “giác ngộ” và “sattva” có nghĩa là “hữu tình”. Trong giáo lý nhà Phật thời kỳ đầu, chữ “bồ đề tát đỏa” được dùng để mô tả Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trước khi Ngài giác ngộ. Chẳng hạn như trong những chuyện tiền kiếp của Đức Phật, Ngài được miêu tả như một vị Bồ tát. Vì vậy, giống như Đức Phật, người đã nỗ lực và có năng lực đáng kinh ngạc qua vô lượng kiếp, để trở nên tỉnh thức, một vị Bồ tát là người dấn thân vào hành trình hướng về giác ngộ, để làm lợi lạc tất cả chúng sinh. Họ làm như vậy, vì nhận ra mình vẫn còn rất nhiều sự hạn chế. Dù biết nhiều cách để giúp đỡ tha nhân, nhưng họ không thể thấy một cách trọn vẹn phương tiện nào sẽ phù hợp nhất đối với mỗi hữu tình. Chỉ có Đức Phật mới biết điều này. Vì thế, trong khi giúp đỡ tha nhân bằng cách tốt nhất theo khả năng của mình, họ cũng đang nỗ lực hơn nữa để trở thành một vị Phật.

Bồ Tát phát nguyện làm việc để giải thoát tất cả chúng sinh. Khi đó, mục tiêu cuối cùng của họ không chỉ là đạt được giác ngộ cho chính mình, mà còn giúp đỡ tất cả chúng sinh đạt giác ngộ. Vì lòng đại bi, họ trì hoãn sự giác ngộ của chính mình để giúp đỡ người khác, và được tôn kính như những vị bảo hộ và hướng dẫn tâm linh.

Hành Trì Và Phẩm Hạnh Của Bồ Tát

Ở một mức độ nào đó, chư Bồ tát có nhiều phẩm hạnh mà một vị Phật sở hữu một cách hoàn hảo. Các ngài sẽ trưởng dưỡng các phẩm hạnh này nhiều hơn nữa, để đưa tự thân đến gần giác ngộ hơn, và trợ giúp chúng bằng cách tạo lợi lạc cho tha nhân nhiều hơn nữa. Đây là một số phẩm hạnh mà chư Bồ tát có được:

  • Lòng bi – Bồ tát yêu thương tất cả chúng sinh. Hầu hết chúng ta đều đặt bản thân lên trên hết, nhưng chư Bồ tát lại đặt người khác trên chính mình. Họ giống như người mẹ xem tất cả chúng sinh như đứa con duy nhất, thân yêu nhất của mình. Khi đứa con bị bệnh, mẹ không đành lòng nhìn con đau khổ, và sẽ làm bất cứ điều gì để giúp đỡ cho con. Tương tự như vậy, chư Bồ tát không cam lòng khi thấy bất kỳ ai trong chúng ta đau khổ. Họ không chỉ mong muốn chăm sóc mọi người một cách bình đẳng, mà còn giúp đỡ chúng ta bất cứ lúc nào, bằng bất cứ cách nào bằng khả năng của họ.
  • Trí tuệ – Bồ tát có khả năng phân biệt điều gì có lợi và điều gì có hại. Họ cũng có thể phân biệt thực tại với ảo tưởng. Sự lãnh hội thậm thâm này giúp họ hướng dẫn người khác hướng đến giải thoát.
  • Phương tiện thiện xảo – Bồ Tát thiện xảo đối với việc biết cách giúp đỡ tha nhân, và sử dụng nhiều phương tiện khác nhau để làm điều đó.
  • Bố thí – Bồ tát rộng lượng về cả hai mặt vật chất lẫn thời gian và năng lượng. Họ sẵn sàng cho đi tất cả những gì mình có, để giúp đỡ tha nhân, và không tham luyến tài sản hay thành tích của mình.
  • Nhẫn nhục – Bồ Tát có tính nhẫn nhục, cả với tự thân và tha nhân. Họ hiểu rằng đường đến giác ngộ là một con đường dài, và sẵn sàng dành thời gian để giúp đỡ tha nhân, bất cứ lúc nào họ có thể dấn bước trên đường tu.
  • Hành vi đạo đức – Bồ tát cam kết thực hiện hành vi đạo đức, nghĩa là tránh những hành vi phương hại người khác, và trưởng dưỡng những hành vi có lợi cho tất cả chúng sinh.
  • Can đảm – Chư Bồ tát gan dạ và dũng cảm, sẵn sàng đối mặt với chướng ngại và thử thách, để giúp đỡ tha nhân. Họ không sợ tình huống khó khăn, hay chấp nhận rủi ro để làm lợi lạc cho người khác.

Tôn tượng chư Bồ tát từ Maijishan Grottoes thế kỷ thứ tư ở Trung Quốc.

Một Vị Bồ Tát Thời Nay Đang Hành Động  

Một ví dụ tuyệt vời về một vị Bồ tát là Đức Dalai Lama thứ Mười Bốn. Đức Dalai Lama làm việc không mệt mỏi, không ngừng nghỉ, từ sáng sớm đến đêm khuya. Ngài bắt đầu mỗi ngày vào lúc 3 giờ sáng, hành thiền nhiều giờ, rồi dành thời gian còn lại trong ngày để gặp gỡ và giúp đỡ tha nhân.

Một lần, Đức Dalai Lama đến Spiti sau một hành trình dài. Đến thời điểm này, Ngài đã thuyết Pháp nhiều ngày, và đã khan tiếng vì nói quá nhiều. Vì không muốn Ngài mệt mỏi hơn nữa, nên tôi chỉ mời Ngài an tọa và ban khẩu truyền mật chú của lòng bi OM MANI PADME HUM cho đại chúng, và Ngài đã đồng ý. Nhưng khi buổi giảng bắt đầu, Ngài nói rằng dù tôi đã thỉnh cầu Ngài cứ thoải mái, nhưng Ngài đã ngủ rất ngon và không muốn phí thời giờ của ai, nên đã quyết định thuyết Pháp. Sau đó, Ngài giảng về Nền Tảng Của Mọi Phẩm Chất Tốt Đẹp (Foundation of All Good Qualities) gần 3 tiếng liên tục, trong thời gian đó, giọng nói của Ngài đã phục hồi.

Sau khi thuyết Pháp, tôi đã hộ tống Ngài về phòng, rồi Ngài cởi y ngoài và nằm trên ghế sofa, và nói tôi có thể đi, vì Ngài cảm thấy rất mệt. Nhưng tôi không thấy nét mệt mỏi nào trên mặt Ngài; thật ra tôi chỉ có thể nhìn thấy gương mặt tràn đầy năng lượng. Tôi cảm thấy không một người bình thường nào ở tuổi 80 có thể làm việc như thế. Đức Dalai Lama thật sự tuyệt vời!

Tôi tự hỏi bí mật đằng sau điều này là gì. Nó không phải là điều gì khác, mà chính là lòng bi mẫn. Ngài làm việc không mệt mỏi để giúp tha nhân vĩnh viễn thoát khổ. Chúng ta có thể chơi trò chơi điện tử trong 4 hoặc 5 tiếng đồng hồ mà không thấy mệt, nhưng Ngài thấy điều duy nhất lợi lạc là giúp đỡ chúng sinh, nên không thấy mệt mỏi. Nhìn vào phẩm hạnh của một vị Bồ Tát – từ bi, trí tuệ, lòng can đảm, v.v... – ta có thể thấy rõ Đức Dalai Lama là một vị Bồ tát.

Kết Luận

Chư Bồ Tát là những bậc hướng dẫn đầy oai lực và bi mẫn, giúp đỡ tín đồ trên đường tu giác ngộ. Qua hành vi và khai thị vô ngã, chư vị làm gương cho Phật tử, và truyền cảm hứng cho chúng ta, để trưởng dưỡng những phẩm chất tương tự này trong chính mình. Như vậy, chư Bồ tát tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của hàng triệu Phật tử trên khắp thế giới, mang lại nguồn cảm hứng và hướng dẫn cho những ai đang tìm cầu thành tựu trí tuệ và lòng bi cao cả hơn trong đời sống của riêng mình.

Nhìn bề ngoài, không có cách nào để biết ai là Bồ tát, ai không phải là Bồ tát, và trên thực tế, mỗi người trong chúng ta đều có thể tự mình trở thành Bồ tát. Nếu đang nỗ lực để thành Phật, với mục tiêu có thể giúp đỡ tất cả chúng sinh, thì mình là Bồ Tát. Nếu không chỉ có ước muốn, mà còn có khả năng giúp đỡ tha nhân và dành thời gian, sức lực để làm việc vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, thì tuyệt diệu biết bao. Nếu thật sự muốn tạo lợi lạc cho tha nhân, thì trước tiên, ta phải trở thành Bồ tát, rồi có thể tu tập hướng về việc trở thành một vị Phật. Không có điều gì có thể khiến cho đời sống có ý nghĩa hơn.

Top