Phật Giáo Và Sự Tiến Hóa

Study buddhism dino 1 1

Thuyết tiến hóa của Darwin xem xét quá trình chọn lọc tự nhiên, và cách cơ thể sinh học của các loài thay đổi theo thời gian. Vào thời điểm đó, nội dung được phác thảo trong tác phẩm Nguồn Gốc Của Các Loài (The Origin of the Species) của ông được xem là dị giáo, vì lý thuyết này mâu thuẫn với ý tưởng Thượng Đế toàn năng đã tạo ra một thế giới cố định, và tất cả những sinh vật bất biến trong đó. Ngay cả đến ngày nay, thuyết tiến hóa vẫn không phù hợp với một số tôn giáo, nhưng không có điều gì trong giáo lý nhà Phật mâu thuẫn với ý niệm tổng quát. Trên thực tế, đối với Phật tử, lý thuyết này hoàn toàn phù hợp với lời dạy của Đức Phật về duyên sinh và pháp ấn đầu tiên trong tứ pháp ấn của giáo pháp, đó là vô thường, chứ không phù hợp với thuyết sáng tạo. Vạn pháp liên tục sinh khởi và tiến hóa, dựa trên vô số nhân duyên, và nếu như con người và động vật không nằm trong dòng luân lưu vô thường vĩ đại này, thì đó mới là điều kỳ lạ.

Điều này không có nghĩa là ý tưởng của nhà Phật về thời gian và sự tiến hóa hoàn toàn tương ứng với ý tưởng của Darwin. Lý thuyết của Darwin tập trung vào các cơ sở sinh học và vật lý, nhờ đó mà khả năng tri giác mới có thể phát sinh, và tuy có ý tưởng về ý thức ngày càng tăng trưởng, khi các dạng sống trở nên phức tạp hơn, nhưng điều này không đi sâu như cách mà Đức Phật đã mô tả về sự tiến hóa của ý thức, từ dạng sống thấp nhất cho đến sự giác ngộ viên mãn của một vị Phật. Ngoài ra, Darwin cũng nói về sự tiến hóa về ý thức của các loài nói chung, trong khi đạo Phật nói về sự tiến hóa của ý thức trong mỗi một chúng sinh.

Hơn nữa, quá trình tiến hóa theo thuyết Darwin có sự “cải thiện” dần dần và liên tục - tức là các sinh vật sẽ phát triển dần dần và tích cực thành những dạng tốt hơn cho sự tồn tại và khả năng sinh sản của chúng. Đạo Phật dạy rằng bất kỳ chúng sinh nào cũng có thể tái sinh trong nhiều hình tướng khác nhau, và quá trình này không phải là một trong những sự cải thiện theo hình thức tuyến tính. Những chúng sinh cá thể và toàn bộ loài này có thể thoái hóa tùy vào nghiệp, vào nhân duyên. Vì vậy, tuy chi tiết có khác nhau, nhưng nguyên tắc tiến hóa đều được thấy trong cả hai hệ thống.

Sự Tiến Hóa Và Hoại Diệt Của Vũ Trụ

Theo các nhà khoa học thì Vụ Nổ Lớn (Big Bang) - một sự mở rộng khổng lồ, nhanh chóng của vũ trụ, xảy ra cách đây 14 tỷ năm - là sự khởi đầu của thời gian và tạo ra nền tảng cho hành tinh của chúng ta, để nó hình thành cách đây 4 tỷ năm. Theo thời gian, khí hydro phát triển thành nhiều ngôi sao và hành tinh khác nhau, và trên hành tinh đặc biệt này mà chúng ta gọi là Trái Đất, các sinh vật đơn bào đã hình thành. Sau đó, những đơn bào này trở nên phức tạp hơn với các dạng sống tiên tiến khác nhau, mà ngày nay, chúng ta có thể thấy xung quanh mình. Các nhà khoa học cũng nói rằng sau hàng tỷ năm mà vũ trụ mở rộng và tiến hóa, thì nó sẽ kết thúc, và đưa ra một số giả thuyết khác nhau về cách điều đó sẽ xảy ra.

Đức Phật đã bàn luận về sự tiến hóa và cuối cùng là hoại diệt của vũ trụ trong Kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Knowledge of Beginnings Sutra, Pali: Agganna Sutta). Trong đó, Ngài cũng xem xét sự hình thành và cuối cùng suy thoái của môi trường trên hành tinh của chúng ta, cũng như sự sinh khởi của những dạng sống khác nhau, và cuối cùng là sự tuyệt chủng của chúng, cũng như sự phát triển của những xã hội khác nhau, và cuối cùng là sự diệt vong của chúng. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt giữa khoa học hiện đại và Phật giáo là Đức Phật nói rằng việc sinh, trụ và hoại diệt của vũ trụ chỉ là một phần trong chu kỳ của nhiều chu kỳ, và thời gian đó không có sự khởi đầu hay chấm dứt. Bài kinh nói rằng:

Không sớm thì muộn, sau một thời gian dài, Vasettha, thì thế giới này sẽ suy tàn ... Nhưng sớm hay muộn gì, sau một thời gian rất dài, thì thế giới này sẽ tiến hóa ... Vào thời kỳ đó, Vasettha, chỉ có một khối nước, và tất cả là bóng tối, bóng tối mịt mù. Mặt trăng và mặt trời không hiển lộ, các chòm sao và các vì sao không hiển lộ, đêm và ngày không hiển lộ, tháng và hai tuần không hiển lộ, các mùa và năm không hiển lộ, nam nữ không hiển lộ. Chúng sinh (chỉ) được phân loại là chúng sinh…

Ở đây, chúng ta có thể thấy Đức Phật nói khá rõ về chu kỳ của các hệ thống thế giới, cùng với việc đề cập đến chúng sinh. Bài kinh tiếp tục về cách giới tính sẽ xuất hiện, và cách xã hội sẽ phát triển với các tầng lớp con người khác nhau. Sau đó, kinh mô tả cách môi trường và các chúng sinh trong đó sẽ suy tàn và biến mất.

Từ bài kinh này và giáo lý nhà Phật về duyên khởi và vô thường, mà ta có thể thấy không có gì mâu thuẫn, khi chấp nhận thuyết khoa học về Vụ Nổ Lớn (Big Bang), hay bất kỳ thuyết nào của họ về sự kết thúc của vũ trụ này.

Sự Tiến Hóa Của Thân Thể

Bây giờ, hãy xem xét kỹ hơn về sự tiến hóa của các cơ thể sinh vật. Thuyết tiến hóa nói rõ về điều này - tất cả chúng ta đều tiến hóa từ các sinh vật đơn bào. Thuyết Darwin đề xuất sự tiến hóa liên tục, nhờ đó mà các sinh vật tiến hóa theo hướng đi lên - nói cách khác là có một xu hướng bẩm sinh, chỉ tiến hóa theo hướng cải thiện. Ở đây, chúng ta chỉ nói về cơ sở vật chất, bởi vì đạo Phật nói rằng có sự khác biệt lớn giữa các dạng sống vật chất trên hành tinh và tính tương tục của những dòng tâm thức của các chúng sinh tái sinh trong những dạng sống vật chất này.

Đã từng có những con khủng long lang thang khắp hành tinh, nhưng giờ đây, chúng đã tuyệt chủng. Tại sao hiện giờ, chúng ta không thể tái sinh thành một con khủng long? Theo các lý thuyết khoa học thì khoảng 66 triệu năm trước, một trận đại hồng thủy đã dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long, nhưng động vật có vú (như con người chúng ta) thì không bị tuyệt chủng, và sau này đã phát triển mạnh mẽ. Thuyết Darwin sẽ nói rằng khủng long không sống sót sau cuộc đua "sinh tồn của loài khỏe mạnh nhất", nên chúng đã bị tiêu diệt. 

Theo quan điểm nhà Phật thì cần có hoàn cảnh thích hợp để nghiệp lực và tiềm năng trổ quả. Hoàn cảnh để được tái sinh thành một con khủng long đơn giản không còn tồn tại trong thời nay, trên hành tinh này. Thay vì vậy, chúng ta có nhiều loại nền tảng vật chất khác để tái sinh. Những điều này cũng có thể thay đổi theo thời gian. Tất nhiên, nếu có khủng long hiện diện trên hành tinh nào đó, trong một phần khác của vũ trụ của chúng ta, thì đạo Phật sẽ chấp nhận rằng chúng ta có thể tái sinh thành một con khủng long ở đó!

Trong một cuộc thảo luận giữa Đức Dalai Lama và các nhà khoa học, họ đã hỏi Ngài rằng liệu máy vi tính có thể trở thành một chúng sinh hay không: liệu một ngày nào đó, máy vi tính có thể có tâm thức hay không? Ngài đã trả lời một cách thú vị rằng nếu máy vi tính hay người máy đạt đến mức đủ tinh vi để làm nền tảng cho một dòng tâm thức, thì không có lý do gì mà dòng tâm thức lại không thể kết nối với một cỗ máy hoàn toàn vô cơ, như nền tảng thể chất cho một trong những kiếp sống của nó.

Điều này không nói rằng máy vi tính là một tâm thức. Nó không nói rằng chúng ta có thể tạo ra một tâm thức nhân tạo trong một máy vi tính. Tuy nhiên, nếu một chiếc máy vi tính đủ tinh vi, thì một dòng tâm thức có thể kết nối với nó, và xem nó như nền tảng thể chất của mình. Điều này thậm chí còn đi xa hơn cả Darwin!

Vì Sao Đức Phật Không Giải Thích Thêm Về Sự Tiến Hóa?

Dựa vào cách mà Phật tử xem Đức Phật như một đấng toàn tri, sau khi giác ngộ viên mãn thì Ngài biết tất cả mọi việc, chúng ta có thể tự hỏi, tại sao Ngài không bàn luận hay tiết lộ thêm nhiều chi tiết về hoạt động của vũ trụ và sự tiến hóa của chúng sinh?

Nói chung, tất cả những điều Đức Phật dạy đều nhắm vào việc giúp chúng ta tiến xa hơn trên con đường đi đến giải thoát và giác ngộ. Vì vậy, khi mô tả các chu kỳ rộng lớn mà các vũ trụ và chúng sinh trong đó trải qua thì mục đích của Ngài là để giúp con người nhận thức ra tính hiếm hoi của tái sinh quý giá làm người mà họ đang hiện có. Bằng cách trân trọng sự quý hiếm của kiếp người, và nếu muốn có được kiếp người một lần nữa thì khó khăn biết bao, người ta sẽ có được cảm hứng để tận dụng tình trạng hiện thời của họ một cách tốt đẹp nhất, để tu tập, hướng về những mục tiêu tâm linh này. Đức Phật không giáng thế để dạy cho chúng ta về vũ trụ học hay vật lý thiên văn.

Việc suy ngẫm những vấn đề không liên quan đến mục tiêu đó được xem là lãng phí thời gian và năng lượng. Đặc biệt là khi tâm ta tràn đầy mê lầm, và chúng ta bị phiền não thúc đẩy, thì việc suy ngẫm về vũ trụ và số lượng chúng sinh trong nó - đặc biệt là khi dựa trên niềm tin vào những thông tin sai lệch về chúng - sẽ chỉ khiến cho mình đi lạc ra khỏi mục tiêu giải thoát và khả năng giúp đỡ tha nhân. Có thể chúng ta sẽ có thêm nhiều mê lần hơn nữa.

Có một vài câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật đã minh họa điểm này. Ví dụ như người ta đã hỏi Ngài là vũ trụ có trường tồn hay không, và sau khi chết thì bản ngã sẽ tiếp tục hiện hữu hay không. Trong những trường hợp này, Đức Phật đã giữ im lặng, và không trả lời. Cuối cùng thì Ngài nói rằng khi con người bị mê lầm và tin vào những điều như sự sáng tạo và linh hồn bất biến, được sáng tạo ra, thì bất kỳ đáp án nào ngài đưa ra cũng chỉ khiến cho tâm mê lầm của họ chồng chất thêm thôi. Nếu như không có điều gì như là linh hồn bất biến, được sáng tạo ra, thì việc thắc mắc liệu con số của những linh hồn như vậy là hữu hạn hay vô hạn sẽ có ý nghĩa gì?

Tự thân điều này là một giáo huấn lớn. Sau cùng thì liệu việc biết được kích cỡ của vũ trụ hay con số chúng sinh cư ngụ trong đó, ngay cả khi mình có thông tin chính xác về cách họ tồn tại, có giúp ta khắc phục nỗi khổ và vấn đề của mình hay không? Liệu nó có giúp ích cho việc làm lợi lạc tha nhân hay không? Đức Phật nói rằng chúng ta sẽ chết, trước khi có thể giải tỏa những thắc mắc như vậy, và lãng phí kiếp sống quý báu mà mình đang hiện có. Tuy những sự suy đoán như vậy có thể thú vị, nhưng không thật sự giúp ích cho mình. Điều quan trọng là nhận ra thực tại về hiện trạng của mình, và tận dụng cơ hội hiếm hoi mình đang có được. Khi hiểu rằng mình đang ở trong luân hồi, nhưng hiện hay, có được thân tâm của kiếp người quý giá, thì ta có thể sử dụng chúng để khắc phục khổ đau và giúp đỡ tha nhân. Chúng ta có thể tu tập các phương tiện đưa đến giác ngộ viên mãn. Và một khi đã đạt giác ngộ, thì có thể ta sẽ có được giải đáp cho tất cả những câu hỏi không có đáp án này!  

Top