Thánh Thiên ('Phags-pa'i lha) ra đời tại Tích Lan (Sri Lanka), trong một gia đình hoàng tộc, và sống trong khoảng thời gian giữa thế kỷ thứ 2 và giữa thế kỷ thứ 3 sau Công Nguyên. Theo một số bài tường thuật thì ngài sinh ra từ một hoa sen. Ngài đã trở thành một nhà sư từ thuở nhỏ, và tu học kinh điển Phật pháp, Tam Tạng Kinh Điển (Tripitaka) làu thông, trước khi đến Nam Ấn để thọ giáo với Long Thọ ở vương quốc Shatavahana của Vua Udayibhadra. Vua Udayibhadra là người nhận Bằng Hữu Thư (Letter to a Friend) và Bảo Hành Vương Chính Luận (Precious Garland) của ngài Long Thọ. Thánh Thiên đã theo hầu Long Thọ và tiếp tục thọ giáo với ngài tại Shri Parvata, ngọn núi thiêng nhìn xuống Thung Lũng Nagarjunakonda ngày nay, tại Andhra Pradesh, thuộc vương quốc Shatavahana.

Vào thời đó, Matrcheta, một con chiên của Shiva (Đại tự tại thiên), đã đánh bại tất cả mọi người ở Na-lan-đà trong các cuộc biện luận, nên Thánh Thiên đã lên đường để đương đầu với thử thách này. Trên đường đi, ngài gặp một bà già đang cố thành tựu các thần thông đặc biệt, nên cần con mắt của một vị sư uyên bác. Vì lòng bi mẫn nên ngài đã cho bà một con mắt của mình, nhưng sau khi nhận mắt thì bà đã dùng đá nghiền nát nó. Sau đó, Thánh Thiên nổi danh là người có một mắt. Thánh Thiên đánh bại Matrcheta trong cả hai môn biện luận và thần thông, và sau đó, Matrcheta đã trở thành đệ tử của ngài.

Thánh Thiên sống tại Tu Viện Na-lan-đà nhiều năm. Tuy nhiên, vào cuối đời, ngài trở về với Long Thọ, người đã phó thác mọi giáo huấn của mình cho Thánh Thiên, trước khi người viên tịch. Thánh Thiên đã xây dựng nhiều tu viện ở vùng đó, tại Nam Ấn, và hoằng pháp rộng rãi, đã thành lập truyền thống Đại thừa, đặc biệt là học thuyết Trung đạo, bằng tác phẩm Tứ Bách Kệ Tụng Bồ Tát Hạnh Du Già (Four Hundred Verse Treatise on the Actions of a Bodhisattva’s Yoga; Byang-chub sems-dpa’i rnal-‘byor spyod-pa bzhi-brgya-pa’i bstan-bcos kyi tshig-le’ur byas-pa, Phạn ngữ Bodhisattvayogacarya-catuhshataka-shastra-karika). Tác phẩm này được biết qua tựa đề ngắn Tứ Bách Kệ Tụng. Thánh Thiên cũng viết luận giải về Mật điển Guhyasamaja, giống như Long Thọ.
 
Hình ảnh của: himalayanart.org

Top