Đức Phật Và Các Sự Kiện Chánh Trị Trong Thời Của Ngài

Trong văn học Phật giáo cổ điển thì cuộc đời của Đức Phật lịch sử nổi bật trong một vài khía cạnh. Phiên bản sớm nhất không xuất hiện trong kinh sách nào, mà chỉ được ghép lại với nhau, từ những sự kiện được ghi lại trong kinh điển Pali (Phạn ngữ: sutra) và văn học giới luật (vinaya) của truyền thống Phật giáo Nguyên thủy (Theravada). Các kinh sách sau này của các truyền thống Đại Chúng Bộ (Mahasanghika), Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada) và Đại thừa (Mahayana) đã tô điểm cho bản phác thảo đơn sơ, xuất hiện từ các kinh sách trước đó với nhiều đặc điểm, đôi khi siêu phàm. Tuy nhiên, bức tranh nguyên thủy xuất hiện từ văn học Pali, nói về một người sống trong thời kỳ khó khăn, bất an, phải đối mặt với vô số khó khăn và thử thách, cả về mặt cá nhân và Tăng đoàn. Ở đây, chúng ta sẽ phác họa phiên bản sớm nhất về cuộc đời của Đức Phật, dựa trên nghiên cứu học thuật của Stephen Batchelor, được trình bày trong Lời Thú Tội Của Một Phật Tử Vô Thần (Confession of a Buddhist Atheist). Mọi danh tánh sẽ được nêu ra trong phiên bản Pali.

Đức Phật đản sanh năm 566 trước Công nguyên, tại Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini; Lumbi-na'i tshal), hiện nay là miền Nam Nepal. Khu vườn này không quá xa Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu, Ser-skya'i gnas, Phạn ngữ: Kapilavastu), thủ đô của nước Thích Ca (Sakiya, Sha-kya, Phạn ngữ: Shakya). Dù tục danh Tất Đạt Đa của Ngài (Siddhattha, Don-grub, Phạn ngữ: Siddhartha) đã không xuất hiện trong kinh điển Pali, nhưng để thuận tiện hơn thì chúng ta sẽ sử dụng nó ở đây. Đức Cồ Đàm (Gotama; Gau-ta-ma, Phạn ngữ: Gautama), một quý danh khác thường được sử dụng để nói về Đức Phật, trên thực tế, là danh xưng của gia tộc của Ngài.

Cha của Tất Đạt Đa, tức ngài Tịnh Phạn (Suddhodana; Zas tsang-ma, Phạn ngữ: Shuddhodana), không phải là một nhà vua, như được mô tả trong văn học Phật giáo sau này. Thay vì vậy thì ông lại là một nhà quý tộc của gia tộc Cồ Đàm, người có thể đã làm việc như một Thống Đốc ở Thích Ca. Kinh điển Pali không ghi tên mẹ của Ngài; nhưng các nguồn tài liệu tiếng Phạn sau này xác định bà là Ma Gia (Maya-devi, Lha-mo sGyu-‘phrul-ma). Sau khi sinh ra Tất Đạt Đa thì mẹ của Ngài đã qua đời không lâu sau đó, nên Ngài đã được chị của bà là Pajapati (sKye-dgu'i bdag-mo chen-mo, Phạn ngữ: Mahaprajapati), người mà cha Ngài đã kết hôn, theo thông tục vào thời đó. 

Thích Ca là một nước Cộng hòa cổ xưa, nhưng vào thời Tất Đạt Đa đản sinh thì nó là một phần của vương quốc Câu Tát La (Kosala, Ko-sa-la, Phạn ngữ: Koshala) hùng mạnh. Câu Tát La trải dài từ bờ Bắc sông Hằng ở Bihar ngày nay đến chân đồi Hy Mã Lạp Sơn. Thủ đô của nó là Xá Vệ (Savatthi, gNyan-yod, Phạn ngữ: Shravasti).

Vì việc mô tả ngắn gọn về địa lý của các địa điểm chính trong cuộc đời của Đức Phật có thể giúp cho tiểu sử của Ngài dễ theo dõi hơn, nên hãy phác họa nó ở đây. Nước Thích Ca nằm ở phía Đông của Câu Tát La, với tỉnh Mạt La (Malla, Gyad-kyi yul, Phạn ngữ: Malla) nằm ở phía Đông Nam của nước này. Phía Đông của Mạt La là Cộng hòa Bạt Kỳ (Vajji, Phạn ngữ: Vrji), có thủ đô là Tỳ Xá Ly (Vesali, Yangs-pa-can, Phạn ngữ: Vaishali). Cộng hòa Bạt Kỳ được liên minh của các gia tộc cai trị; Licchavi (Li-ccha-bi, Phạn ngữ: Licchavi) là gia tộc nổi tiếng nhất trong số này. Phía Nam của Bạt Kỳ và Câu Tát La, bên kia sông Hằng, là vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) hùng mạnh (Yul Ma-ga-dha, Phạn ngữ: Magadha), với thủ đô tại Vương Xá (Rajagaha, rGyal-po'i khab, Phạn ngữ: Rajagrha). Về phía Tây của Câu Tát La, ngày nay là Punjab Pakistan, là Càn Đà La (Gandhara, Sa-‘dzin, Phạn ngữ: Ghandhara), vốn là một tỉnh thuộc về Đế chế Achaemenid của Ba Tư. Thủ đô của nó, Takkasila (rDo-'jog, Phạn ngữ: Takshashila), có trường đại học nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Ở đó, các ý tưởng và văn hóa Hy Lạp (Greek) và Ba Tư (Persian) trộn lẫn với ý tưởng và văn hóa của những người Ấn Độ đồng nhiệm đương thời của họ.

Ca Tỳ La Vệ, nơi mà Tất Đạt Đa lớn lên, là một thành phố lớn trên đường phía Bắc (North Road), là động mạch thương mại chính vào thời đó. Đường phía Bắc nối liền Câu Tát La với Càn Đà La ở phía Tây, và đi qua Thích Ca, Mạt La và Cộng hòa Bạt Kỳ, đến Ma Kiệt Đà ở phía Nam. Do đó, dù kinh điển Pali nói rất ít về Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhattha Gotama) trước thời Ngài 29 tuổi, nhưng Ngài hoàn toàn có khả năng tiếp xúc với nhiều nền văn hóa. Thậm chí, có thể Ngài đã học tại Takkasila, dù điều đó không được xác minh.

Tất Đạt Đa kết hôn với Bhaddakaccana, người được biết đến trong văn học tiếng Phạn là Da Du Đà La (Yashodhara, Grags 'dzin-ma). Cô là em họ của Tất Đạt Đa, và là em gái của Đề Bà Đạt Đa (Devadatta, Lhas-byin, Phạn ngữ: Devadatta). Về sau, Đề Bà Đạt Đa trở thành đối thủ chính của Đức Phật. Họ có một đứa con trai là La Hầu La (Rahula, sGra-gcan 'dzin, Phạn ngữ: Rahula). Không lâu sau khi con trai của Ngài ra đời thì Đức Phật đã rời Ca Tỳ La Vệ lúc Ngài 29 tuổi, và hướng về Ma Kiệt Đà để tìm cầu chân lý. Đi dọc theo đường phía Bắc và băng qua sông Hằng (Ganges River), Ngài đã đến thành Vương Xá. Vào thời đó thì Vua Tần Bà Sa La (Bimbisara, gZugs-can snying-po) cai trị nước Ma Kiệt Đà, và Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi, rGyal-po gSal-rgyal, Phạn ngữ: Prasenajit) thì cai trị nước Câu Tát La. Là một phần trong liên minh giữa Câu Tát La và Ma Kiệt Đà, hai nhà Vua đã kết hôn với em gái của nhau. Em gái của Vua Ba Tư Nặc được đặt tên là Devi (Lha-mo, Phạn ngữ: Devi).

Ở Ma Kiệt Đà, Tất Đạt Đa đã theo học trong với hai vị thầy, Alara Kalama (Phạn ngữ: Arada Kalama) và Uddaka Ramaputta (Phạn ngữ Udraka Ramaputra). Xuất phát từ truyền thống Bà la môn, họ đã dạy Ngài thành tựu định tâm trong hư vô, và không cần phân biệt hay không phân biệt bất cứ điều gì. Tuy nhiên, Tất Đạt Đa đã không hài lòng với thành tựu này, nên đã rời bỏ các vị thầy này. Sau đó, Ngài đã noi theo pháp tu khổ hạnh, gần như không ăn gì cả. Một lần nữa, Ngài cảm thấy pháp tu như vậy sẽ không đưa đến giải thoát. Thế là Ngài chấm dứt việc nhịn đói, và đi đến Ưu Lâu Tần Loa (Uruvela; lDeng-rgyas, Phạn ngữ: Urubilva) ở gần đó, ngày nay là Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Ngài đã giác ngộ dưới cội bồ đề lúc 35 tuổi. Đó là 6 năm sau khi Ngài đến Ma Kiệt Đà.

Sau khi thành tựu giác ngộ, Ngài đã đi về phía Tây, đến Migadaya (Ri-dvags-kyi gnas, Phạn ngữ: Mrgadava), Vườn Lộc Uyển (the Deer Park), tại Isapatana (Drang-srong lhung-ba, Phạn ngữ: Rshipatana), ngày nay là Sarnath, ngay bên ngoài Varanasi. Vua Ba Tư Nặc đã nhường lại vùng phía Bắc sông Hằng cho Ma Kiệt Đà như một phần trong của hồi môn, khi ông cho em gái Devi kết hôn với Vua Tần Bà Sa La. Đức Phật đã trải qua mùa mưa ở đó, tại Vườn Lộc Uyển, với năm vị đệ tử đầu tiên, và thu hút một số ít tín đồ, những người đã thành lập một Tăng đoàn mà Ngài đã chăm sóc.

Mahali, nhà quý tộc thuộc gia tộc Licchavi từ Tỳ Xá Ly (Vesali) đã nghe danh tiếng của Đức Phật, và đề nghị với Vua Tần Bà Sa La rằng ông nên thỉnh mời Ngài đến Ma Kiệt Đà. Vì vậy, sau mùa mưa, Đức Phật và Tăng đoàn đang lớn mạnh của Ngài đã trở về phía Đông, để đến thủ đô Vương Xá của xứ Ma Kiệt Đà. Vua Tần Bà Sa La đã có ấn tượng mạnh về giáo pháp của Đức Phật, và đã cúng dường cho Ngài một công viên không ai sử dụng, tên là “Veluvana” (‘Od-ma'i tshal, Phạn ngữ: Venuvana), “Vườn Trúc Lâm” (the “Bamboo Grove”), nơi mà Tăng đoàn của Ngài có thể an cư vào mùa mưa.

Chẳng bao lâu, Xá Lợi Phất (Sariputta; Sha-ri'i bu, Phạn ngữ: Shariputra) và Mục Kiền Liên (Moggallana; Mo'u dgal-gyi bu; Phạn ngữ: Maudgalyayana), những đệ tử hàng đầu của một đạo sư địa phương lừng danh, đã gia nhập Tăng đoàn của Đức Phật. Sau đó, các ngài trở thành đệ tử thân cận nhất của Phật. Xá Lợi Phất thỉnh cầu Đức Phật thiết lập giới nguyện cho Tăng đoàn đang lớn mạnh, và Vua Tần Bà Sa La đề nghị tăng đoàn áp dụng một số phong tục của các nhóm khất sĩ khác, chẳng hạn như các tín đồ Kỳ Na giáo (Jains). Cụ thể là nhà Vua đề nghị Tăng đoàn tổ chức lễ Bố tát bốn lần hàng tháng (gso-sbyong, Phạn ngữ: uposhadha), để bàn luận về giáo pháp, và Đức Phật đã đồng ý.

Một ngày nọ, Cấp Cô Độc (Anathapindika; dGon-med zas-sbyin, Phạn ngữ: Anathapindada), một vị chủ ngân hàng giàu có từ thủ đô Xá Vệ (Savatthi) của nước Câu Tát La, vì có công việc, nên đã đến thành Vương Xá. Vì có ấn tượng mạnh với Đức Phật, nên ông đã cúng dường cho Ngài một nơi để an cư vào mùa mưa tại Xá Vệ, thủ đô của vua Ba Tư Nặc. Không lâu sau đó, Đức Phật và Tăng đoàn của Ngài đã di chuyển đến Câu Tát La; nhưng phải mất vài năm, trước khi Cấp Cô Độc có thể cúng dường cho các ngài một nơi thích hợp để sinh sống.

Trong lúc đó thì Đức Phật trở về thăm gia đình ở Ca Tỳ La Vệ. Cha của Ngài, Tịnh Phạn, nhanh chóng trở thành một trong những tín đồ của Ngài, và đứa con trai tám tuổi của Ngài, La Hầu La, đã gia nhập Tăng đoàn như một Sa di. Trong những năm sau đó, một số quý tộc dòng họ Thích Ca cũng gia nhập Tăng đoàn, kể cả em họ của Đức Phật, ngài A Nan (Ananda; Kun dga'-bo, Phạn ngữ: Ananda), A Nậu Lâu Đà (Anuruddha; Ma-'gag-pa, Phạn ngữ: Anuruddha), và Đề Bà Đạt Đa, cũng như em trai cùng cha khác mẹ của Phật, là Nan Đà (Nanda; dGa'-bo, Phạn ngữ: Nanda), còn được biết đến với quý danh là “Sundarananda” (mDzes-dga', Phạn ngữ: Sundarinanda), “Nan Đà Tuấn Tú”.

Mẹ kế và dì của Đức Phật, Pajapati, đã xin gia nhập Tăng đoàn đang lớn mạnh, nhưng lúc đầu thì Đức Phật từ chối. Không vì vậy mà nản lòng, nên bà vẫn cạo đầu, đắp y vàng, cùng với một đám đông phụ nữ, cũng đi theo Phật. Pajapati tiếp tục thỉnh cầu Phật cho bà xuất gia, nhưng Phật từ chối lần thứ hai và lần thứ ba. Cuối cùng, một vài năm trước khi Đức Phật nhập diệt, tôn giả A Nan đã can thiệp và thay mặt Bà thỉnh cầu một lần nữa, và cuối cùng, Đức Phật đã đồng ý cho người nữ xuất gia. Điều này đã diễn ra ở Tỳ Xá Ly, Cộng hòa Bạt Kỳ, và là sự khởi đầu của Ni đoàn trong đạo Phật.

Cấp Cô Độc được chú ý đến, vì tâm bố thí quảng đại, và vài năm sau, khi Đức Phật trở lại Câu Tát La thì ông đã trả một số vàng khổng lồ để mua một công viên ở Xá Vệ, gọi là Tịnh Xá Kỳ Viên (Jetavana; rGyal-byed-kyi tshal, Phạn ngữ: Jetavana) “rừng Kỳ Viên” (“Jeta's Grove”). Ở đó, ông đã xây dựng một nơi an cư kiết hạ cực kỳ sang trọng cho Đức Phật và chư Tăng. Cuối cùng, khoảng hai mươi năm sau khi giác ngộ, Đức Phật đã thiết lập tục lệ an cư kiết hạ chánh thức (dbyar-gnas, Phạn ngữ: Varshaka) cho Tăng đoàn, và trong thời gian đó, chư Tăng sẽ an cư ở một nơi vào ba tháng mùa mưa trong mỗi năm, không đi lang thang từ nơi này sang nơi khác như họ thường làm trong suốt thời gian còn lại trong năm. Nói chung, Đức Phật đã trải qua 19 mùa ăn cư kiết hạ tại Rừng Kỳ Viên, và trong thời gian đó, ngài đã thuyết 844 bài Pháp. Cấp Cô Độc tiếp tục là đại thí chủ của Tăng đoàn, mặc dù vào gần cuối đời thì ông bị phá sản.

Vua Ba Tư Nặc của nước Câu Tát La gặp Đức Phật Cồ Đàm lần đầu tiên ở rừng Kỳ Viên, khi Đức Phật khoảng 40 tuổi. Đức Phật đã gây ấn tượng mạnh đối với nhà Vua, và sau đó, ông cũng trở thành một trong những thí chủ và tín đồ của Phật. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Đức Phật với Vua Ba Tư Nặc luôn luôn rất tế nhị. Tuy nhà Vua là một thí chủ trí thức có học, nhưng cũng là một người theo chủ nghĩa khoái lạc, và thường rất tàn nhẫn. Ví dụ, vì lo sợ hoang tưởng mà nhà Vua đã giết hại Bandhula, một người bạn ở Mạt La, là cũng chỉ huy quân đội của ông. Vì hối hận, nên sau đó, ông đã bổ nhiệm cháu trai của Bandhula là Karayana, thống lãnh quân đội của mình. Nhiều năm sau, Tướng Karayana đã truất phế Vua Ba Tư Nặc, để trả thù cho cái chết của chú mình. Tuy nhiên, Đức Phật đã khoan dung với cung cách thất thường và vận may thay đổi của nhà Vua, chắc chắn bởi vì Ngài cần có ông để bảo vệ Tăng đoàn, chống lại trộm cướp và thú hoang, cũng như tiếp cận với những thí chủ giàu có, những người sẽ hỗ trợ chư Tăng.

Để đảm bảo có người kế vị triều đại của mình, vua Ba Tư Nặc cần phải có một đứa con trai. Người vợ đầu tiên của ông, em gái của Vua Tần Bà Sa của xứ Ma Kiệt Đà, đã không sinh con cho ông. Sau đó, nhà Vua cưới một người vợ thứ hai là Mạt Lợi (Mallika; Ma-li-ka, Phạn ngữ: Mallika), một tín đồ xinh đẹp của Đức Phật, thuộc đẳng cấp thấp. Các giáo sĩ Bà la môn trong triều đình đã bị tai tiếng, vì xuất thân thấp kém của bà. Mạt Lợi sinh cho vua Ba Tư Nặc một cô con gái là Lại Đề (Vajiri; rDo-rje-ma, Phạn ngữ: Vajri).

Sau đó, nhà Vua cảm thấy phải lấy một người vợ thứ ba, để sinh cho ông một đứa con trai. Vì vậy, sau đó, ông đã kết hôn với Vasabha, con gái của Mahanama (Ming-chen, Phạn ngữ: Mahanama), em họ của Đức Phật, người đã trở thành Thống Đốc của Thích Ca, sau cái chết của phụ vương của Đức Phật. Mahanama là anh trai của hai đệ tử thân cận của Đức Phật, A Nan và A Nậu Lâu Đà. Mặc dù Mahanama đã phong cho Vasabha tước vị của phụ nữ quý tộc, nhưng thật ra thì cô là con gái ngoại hôn của ông với một phụ nữ nô lệ. Mặc dù Vasabha đã sinh cho vua Ba Tư Nặc một người con trai là Vidadabha, nhưng địa vị của người thừa kế ngai vàng của Câu Tát La vẫn bấp bênh, vì sự lừa dối bí ẩn, liên quan đến dòng máu của mẹ của Thái tử. Sự lừa dối này cũng đặt Đức Phật vào một vị trí khó khăn, vì Ngài là bà con của Vasabha.

Vì không hay biết về tình trạng bất hợp pháp của mình, nên Vidadabha đã viếng thăm Thích Ca và ông Ngoại Mahanama lần đầu tiên, lúc 16 tuổi. Trong khi Vidadabha ở đó thì Karayana, Đề Đốc quân đội của Ba Tư Nặc, đã biết lai lịch mẹ của Vidadabha. Khi vị này báo cáo với Ba Tư Nặc rằng con trai ông là cháu nội bất hợp pháp của một phụ nữ nô lệ, thì nhà Vua đã nổi trận lôi đình với dòng họ Thích Ca. Ông đã xóa bỏ địa vị hoàng tộc của vợ và con trai mình, và biến họ thành nô lệ. Đức Phật đã can thiệp giùm cho họ, và cuối cùng, nhà Vua đã phục hồi tước vị cho họ.

Tuy nhiên, sau đó, địa vị của Đức Phật tại Câu Tát La trở nên bất an, và vào khoảng 70 tuổi, Ngài đã trở lại Ma Kiệt Đà và thủ đô Vương Xá lần đầu tiên. Ở đó, Ngài đã ngự ở Vườn Xoài, là đất của Jivaka ('Tsho-byed, Phạn ngữ: Jivaka), vị lương y của triều đình, thay vì ngự ở Trúc Lâm Tịnh Xá của nhà vua. Điều này cho thấy có lẽ Phật đã lâm bệnh vào thời điểm này.

Khi Đức Phật 72 tuổi, vị thí chủ đầu tiên của Ngài là Vua Tần Bà Sa của Ma Kiệt Đà đã bị ép buộc phải thoái vị, để con trai của ông là A Xà Thế (Ma-skyes dgra, Phạn ngữ: Ajatashatru) lên ngôi. A Xà Thế đã nhốt cha mình trong tù, và bỏ đói ông cho đến chết. Devi, góa phụ của Vua Tần Bà Sa, là em gái của Vua Ba Tư Nặc, đã qua đời vì đau buồn. Để trả thù cho cái chết của bà, Vua Ba Tư Nặc đã phát động một cuộc chiến chống lại A Xà Thế, cháu trai của mình, để cố giành lại những ngôi làng xung quanh Varanasi, đến tận phía Bắc sông Hằng, mà ông đã giao cho Vua Tần Bà Sa Bimbisara như một phần trong của hồi môn cho Devi. Cuộc chiến không có kết cuộc, và để bảo đảm hòa bình, Vua Ba Tư Nặc buộc phải cho Lại Đề, con gái của mình, kết hôn với A Xà Thế.

Cũng trong khoảng thời gian đó thì Đề Bà Đạt Đa, người anh em họ của Phật, người đã trở thành thầy của Vua A Xà Thế, đã cố chiếm quyền kiểm soát Tăng đoàn của Phật. Đề Bà Đạt Đa đã cố thuyết phục Đức Phật áp đặt thêm một số giới luật cho các nhà sư, chẳng hạn như bắt họ sống trong rừng, chỉ ngủ dưới tàng cây, không vào nhà cư sĩ, chỉ mặc giẻ rách và không được nhận y áo mà cư sĩ cúng dường, và phải ăn chay nghiêm ngặt. Phật đã không chấp nhận, vì cảm thấy điều này sẽ khiến cho Tăng đoàn của Ngài quá khổ hạnh, và sẽ tách rời với xã hội. Đề Bà Đạt Đa đã thách thức uy quyền của Phật, và thu hút nhiều nhà sư trẻ, nhờ ý tưởng của mình, tạo ra một sự ly giáo, bằng cách thành lập Tăng đoàn riêng. Trên thực tế thì Đề Bà Đạt Đa đã nhiều lần cố gắng ám sát Đức Phật, nhưng không thành công. Cuối cùng, Xá Lợi Phát và Mục Kiền Liên đã thuyết phục các nhà sư đã rời khỏi Tăng đoàn của Phật trở về với Ngài.

Dường như Đề Bà Đạt Đa đã hối hận về hành vi của mình, nhưng đã chết trước khi có thể cầu xin sự tha thứ của Phật. Trong mọi trường hợp thì Đức Phật không hề có ác cảm hay ác ý với ông. Vua A Xà Thế cũng hối hận vì đã giết cha, nên đã nghe lời khuyên của lương y Jivaka trong triều đình, công khai thừa nhận tội giết cha với Đức Phật, và ăn năn hối cải.

Khoảng một năm sau, Đức Phật lại du hành đến quê hương Thích Ca một lần nữa. Trong dịp Vua Ba Tư Nặc đến viếng thăm Đức Phật để tỏ lòng kính trọng, thì Tướng Karayana đã tổ chức một cuộc đảo chánh, và đưa Hoàng tử Vidadabha lên ngôi của xứ Câu Tát La. Vua Ba Tư Nặc bị hạ bệ, không có nơi nào để đi, nên đã trốn đến Ma Kiệt Đà để tìm kiếm sự bảo vệ của cháu trai và con rể của ông, Vua A Xà Thế ở Vương Xá. Tuy nhiên, Ba Tư Nặc đã không được phép vào thành phố này, và đã qua đời vào ngày hôm sau.

Trong khi đó, Vidadabha, nhà Vua mới của Câu Tát La, đã phát động một cuộc chiến chống lại nước Thích Ca, để trả thù cho việc ông Nội Mahanama đã lừa dối sự thật về dòng máu của mình. Hãy nhớ rằng Mahanama là anh em họ của Phật, và là Thống Đốc đương thời của xứ Thích Ca. Mặc dù Đức Phật đã cố gắng thuyết phục ba lần, để nhà Vua không tấn công nước Thích Ca, nhưng cuối cùng, Ngài đã không thành công. Quân đội của Câu Tát La đã được lệnh phải tàn sát tất cả cư dân trong thủ đô Ca Tỳ La Vệ của nước Thích Ca. Vì không thể ngăn chận vụ thảm sát, nên Đức Phật đã đến thành Vương Xá ở Ma Kiệt Đà, để tìm kiếm sự bảo vệ của Vua A Xà Thế, vì trước đó thì Ba Tư Nặc đã không thành công với việc này.

Con đường đến Ma Kiệt Đà đi qua Cộng hòa Bạt Kỳ, nơi vị đệ tử thân cận nhất là Xá Lợi Phất đang đợi Ngài ở thủ đô Tỳ Xá Ly. Tuy nhiên, ở đó, một trong những cựu thị giả của Đức Phật là Thiện Tinh (Sunakkatta, Legs-pa'i rgyu-skar, Phạn ngữ: Sunakshatra), một nhà quý tộc từ Tỳ Xá Ly, người trước đây đã hoàn tục và rời bỏ Tăng đoàn, và làm mất uy tín của Đức Phật đối với quốc hội Bạt Kỳ. Ông nói với họ rằng Đức Phật không có năng lực siêu phàm nào cả, và chỉ thuyết Pháp theo lý lẽ, để làm thế nào chấm dứt lòng tham ái, nhưng không phải là cách để thành tựu những trạng thái siêu việt. Đức Phật xem điều này là lời khen ngợi. Tuy nhiên, vì sự lăng mạ này, cộng với có thể là việc Ngài đã thành lập Ni đoàn vào lúc này, có lẽ đã khiến cho Đức Phật mất đi sự ủng hộ và vị thế tốt ở Bạt Kỳ. Do đó, Đức Phật đã băng qua sông Hằng và đến thành Vương Xá, nơi Ngài đã ở trong các hang động gần Gijjhakuta (Bya-rgod-kyi phung-po, Phạn ngữ: Grdhrakuta), Đỉnh Linh Thứu.

Vassakara, thừa tướng của Vua A Xà Thế, đã đến thăm Đức Phật. Ông đã thông báo cho Ngài về kế hoạch mở rộng vương quốc và ý định xâm chiếm Cộng hòa Bạt Kỳ của Vua A Xà Thế. Tuy Đức Phật đã khuyên rằng không thể chiến thắng dân Bạt Kỳ bằng vũ lực, mà hãy giữ những truyền thống khả kính của họ, nhưng Ngài đã không thể ngăn chận cuộc chiến sắp bùng nổ, như trường hợp Câu Tát La  xâm lăng nước Thích Ca. Các đệ tử thân cận nhất của Phật, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, đều viên tịch vào khoảng thời gian này, là một sự mất mát nhiều hơn nữa. Trưởng lão Xá Lợi Phất đã viên tịch vì một căn bệnh, và tôn giả Mục Kiền Liên đã bị những tên cướp đánh đập cho đến chết, trong khi ngài đang nhập thất.

Khi không nhận được sự thông cảm hay hỗ trợ nào ở Ma Kiệt Đà, Đức Phật quyết định trở lại phía Bắc một lần nữa, có lẽ là đến quê hương Thích Ca của Ngài, để xem những gì còn sót lại sau cuộc tấn công của nước Câu Tát La. Trước khi ra đi, Đức Phật đã yêu cầu ngài A Nan triệu tập tất cả các nhà sư đến đỉnh Linh Thứu, nơi Ngài sẽ ban lời khuyên cuối cùng cho họ. Ngài chỉ thị cho họ xây dựng cấu trúc Tăng đoàn theo hệ thống dân chủ của quốc hội nước Bạt Kỳ. Họ nên tổ chức các đại hội Tăng già thường xuyên, sống hòa thuận, chia sẻ cho nhau thức ăn mà họ thọ bát được, và tôn trọng các vị trưởng lão.

Đức Phật đã sớm rời khỏi đỉnh Linh Thứu và Ma Kiệt Đà, và khi đến Tỳ Xá Ly, thuộc về Cộng hòa Bạt Kỳ, thì Ngài đã dừng lại, để an cư kiết hạ ở đó. Ngài thấy xã hội ấy đầy dẫy sự suy đồi, mặc dù mối đe dọa chiến tranh đã lăm le ở đó. Vì đã mất đi sự ưu ái của quốc hội Bạt Kỳ, nên Đức Phật đã trải qua mùa mưa một mình, và bảo các nhà sư tìm nơi trú ẩn với bạn bè, hay với các thí chủ của họ.

Trong mùa mưa ấy, lúc 80 tuổi, Đức Phật đã lâm bệnh nặng, cận kề với cái chết. Tôn giả A Nan đã thỉnh cầu Ngài ban lời khuyên cuối cùng cho các nhà sư. Đức Phật nói với họ rằng Ngài đã dạy cho họ tất cả những điều Ngài biết, và trong tương lai, chính giáo pháp phải là điểm quy y chính, và là cội nguồn cho phương hướng của họ. Nếu muốn thoát khổ thì họ phải kết hợp giáo pháp vào trong nội tâm, và không phụ thuộc vào nhà lãnh đạo hay cộng đồng nào để cứu độ cho họ. Rồi Đức Phật tuyên bố rằng không lâu sau, Ngài sẽ nhập niết bàn.

Sau mùa mưa, Đức Phật lại lên đường với hai đệ tử, cũng là hai người em họ của Ngài là An Nan và A Nậu Lâu Đà. Trên đường đến nước Thích Ca, các ngài đã dừng lại ở Diệp Ba (Pava), một trong hai thành phố chính của Mạt La. Ở đó, một người thợ rèn tên là Thuần Đà (Chunda; Tsu-nda, Phạn ngữ: Cunda) đã cúng dường thịt heo có độc. Vì nghi ngờ điều gì đó, nên Đức Phật đã bảo hai người em họ không được ăn thịt heo, mà Ngài đã dùng nó, và bảo họ chôn phần còn lại. Mạt La là quê hương của Tướng Karayana, người đã lãnh đạo vụ thảm sát ở Thích Ca, và hoàn toàn có khả năng là người ta muốn đầu độc tôn giả A Nan, người nổi danh là đã ghi nhớ tất cả giáo pháp của Phật. Nếu ngài A Nan chết, thì giáo pháp và Tăng đoàn của Đức Phật sẽ không bao giờ tồn tại lâu dài.

Vì bệnh tiêu chảy cấp tính, nên Đức Phật bảo A Nan đưa Ngài đến Câu Thi Na (Kusinara, Ku-sha'i grong-khyer, gNas-rtsva-mchog, Phạn ngữ: Kushinagara) ở gần đó. Ở đó, Đức Phật ngự trên một chiếc giường giữa hai cội cây, và hỏi vài vị sư có mặt ở đó, liệu họ có còn thắc mắc hay nghi ngờ gì nữa hay không. Quá đau buồn, tôn giả A Nan và những người khác giữ im lặng. Rồi Đức Phật nhập niết bàn lúc 80 tuổi, vào năm 485 trước Công nguyên.

Ngay trước khi lễ trà tỳ sắp diễn ra, thì một nhóm tăng sĩ đã đến từ Diệp Ba. Đứng đầu nhóm này là ngài Ma Ha Ca Diếp (‘Od-srung chen-po, Phạn ngữ: Mahakashyapa), người đã yêu cầu hãy trì hoãn lễ trà tỳ, cho đến khi họ được đảnh lễ tôn thân Đức Phật lần cuối. Ma Ha Ca Diếp là một Bà la môn từ Ma Kiệt Đà, người đã trở thành một nhà sư vào tuổi cao niên một vài năm trước. Khi gặp ông lần đầu tiên thì Đức Phật đã ban cho Ma Ha Ca Diếp chiếc y cũ, rách rưới của mình, để đổi lấy chiếc y mới của vị Bà la môn này. Sau đó, bài thuyết giảng về chiếc y này của Phật đã được xem là đại diện cho việc trao truyền quyền lực, và khởi đầu dòng truyền của các vị tổ trong đạo Phật.

Tuy nhiên, Đức Phật đã tuyên bố rõ ràng với các đệ tử trong nhiều dịp rằng sau khi ngài nhập niết bàn thì chính giáo pháp sẽ là thầy của họ. Ngài mong muốn Tăng đoàn tiếp tục noi theo hình thức nghị viện của Bạt Kỳ. Ngài không có chủ ý để cho họ noi theo gương của một vương quốc như Câu Tát La và Ma Kiệt Đà, và có một Sư trưởng đứng đầu.

Tuy nhiên, sau khi Đức Phật qua đời, dường như đã có một cuộc tranh giành quyền lực giữa Đại Ca Diếp và A Nan. Nói cách khác là cuộc đấu tranh giữa một truyền thống trao truyền quyền lực chuyên quyền từ thầy đến trò của Ấn Độ, và một hệ thống dân chủ bình đẳng hơn của các khất sĩ, sống trong những cộng đồng nhỏ, và tuân theo một cách tu tập và nguyên tắc chung, và ngài Ma Ha Ca Diếp đã thắng.

Sau lễ trà tỳ của Đức Phật, và xá lợi của Ngài đã được phân phát, thì các nhà sư đã đồng ý đề nghị của ngài Ma Ha Ca Diếp về việc tổ chức một đại hội ở thành Vương Xá vào mùa mưa tiếp theo, để tường thuật lại chi tiết, xác nhận và kết tập những điều Đức Phật đã dạy. Tôn giả Ma Ha Ca Diếp đã chọn những vị trưởng lão có thể tham dự. Ngài chỉ chọn các A la hán, những người đã thành tựu giải thoát, và số người này là 499 vị. Lúc đầu, ngài không tính đến ngài A Nan, vì tôn giả chưa chứng ngộ quả vị A la hán. Tôn giả Ma Ha Ca Diếp đã loại trừ ông, mặc dù ngài A Nan có trí nhớ tốt nhất về những bài thuyết Pháp của Phật. Thêm vào đó, A Nan là người ủng hộ mạnh mẽ, và là người lên tiếng ủng hộ ý nguyện của Đức Phật về việc không có một người lãnh đạo duy nhất. Có lẽ một yếu tố khác liên quan đến việc ngài Ma Ha Ca Diếp không ưa thích ngài A Nan, là sự kiện A Nan là người đã thuyết phục Đức Phật cho phụ nữ xuất gia. Điều này đã xúc phạm đến nền tảng Bà la môn bảo thủ của ngài Ma Ha Ca Diếp. Tuy nhiên, cuối cùng thì các vị trưởng lão đã phản đối việc loại trừ ngài A Nan ra khỏi đại hội, nên ngài Ma Ha Ca Diếp đã nhượng bộ và cho phép tôn giả A Nan tham dự. Theo bài tường thuật của Phật giáo Nguyên thủy thì ngài A Nan đã thành tựu A la hán quả trong đêm trước khi đại hội kết tập kinh điển xảy ra.

Tuy nhiên, trong khi chờ đại hội triệu tập thì ngài A Nan đã gặp Vassakara (dByar-gyi rnam-pa, Phạn ngữ: Varshakara), Thừa tướng của vua A Xà Thế. Vassakara báo tin rằng ngoài cuộc tấn công vào xứ Bạt Kỳ mà lực lượng Ma Kiệt Đà đang chuẩn bị, thì họ cũng đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công của Vua Đăng Quang Vương (Pajjota; Rab-gsal, Phạn ngữ: Pradyota) từ nước Avanti (A-banti'i yul, Phạn ngữ: Avanti), vương quốc ở phía Tây của Ma Kiệt Đà. Do đó, dù Đức Phật không có ý định có dòng truyền của các vị tổ trong Tăng đoàn, nhưng việc ngài Ma Ha Ca Diếp tiếp nhận chức lãnh đạo Tăng đoàn chắc chắn đã đóng góp cho sự tồn tại của Phật pháp và Tăng đoàn, qua thời kỳ đầy hiểm họa và bấp bênh này.

500 vị A la hán đã tham dự Đại Hội Phật Giáo Thứ Nhất, được tổ chức tại Sattipanniguha (Lo-ma bdun-pa'i phug, Phạn ngữ: Saptaparnaguha), ở Hang Động Bảy Chiếc Lá (Seven Leaf Cave), gần thành Vương Xá. Tôn giả Ma Ha Ca Diếp đã chủ trì đại hội, tôn giả A Nan đã tụng hầu hết các kinh điển từ trí nhớ của mình, và tôn giả Ưu Bà Ly (Upali, Nye-bar ‘khor, Phạn ngữ: Upali) đã tụng giới luật của Tăng già. Theo phiên bản của Phật giáo Nguyên thủy về đại hội này thì A tỳ đạt ma (chos mngon-pa, Phạn ngữ: abhidharma), giáo pháp về các chủ đề kiến thức đặc biệt, đã không được tụng vào thời điểm này. Tuy nhiên, trong truyền thống Nhất Thiết Hữu Bộ thì phiên bản Tỳ Bà Sa Bộ có đề cập đến việc ngài Ma Ha Ca Diếp đã tụng một số, chứ không phải là tất cả giáo pháp A tỳ đạt ma. Nhưng theo lời khẳng định của Kinh Lượng Bộ thì những giáo pháp A tỳ đạt ma này không thật sự là lời Phật dạy, mà đã được bảy vị A la hán trong số các vị này sáng tác.

Theo truyền thống Tây Tạng thì ngài Ma Ha Ca Diếp đã khởi đầu dòng truyền thừa của bảy vị tổ (bstan-pa'i gtad-rabs bdun). Truyền thống Chan của Trung Quốc được nối tiếp bằng truyền thống Trưởng Tử Hàn Quốc (Korean Son) và Thiền tông Nhật Bản (Japanese Zen tradition), truy ngược về dòng truyền thừa của 28 vị tổ ở Ấn Độ, mà Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) là vị tổ thứ 28. Bồ Đề Đạt Ma là bậc thầy Ấn Độ đã mang giáo lý Chan đến Trung Quốc. Ở Đông Á, ngài được xem là vị Tổ Thiền tông đầu tiên.

Tóm lại, văn học Pali của tín đồ Phật giáo Nguyên thủy cho thấy hình ảnh về Đức Phật như một nhà lãnh đạo tinh thần đầy sức lôi cuốn, gần như bi thảm, người đã đấu tranh để thiết lập và hỗ trợ Tăng đoàn của các đệ tử và tín đồ ngày càng lớn mạnh, trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Ngài phải đối mặt với những mưu đồ chánh trị, cuộc chiến đã tàn sát người dân trên quê hương của mình, bị tố cáo trước một chánh phủ, bị một đệ tử thách thức về cách lãnh đạo của mình, một trong những đệ tử thân cận nhất của Ngài đã bị thảm sát, và cuối cùng, trải qua cái chết vì ngộ độc. Tuy nhiên, qua tất cả những thử thách này, Đức Phật đã giữ tâm an lạc và không nản lòng. Trong suốt 46 năm thuyết Pháp sau khi thành đạo, Ngài vẫn kiên định với cam kết của mình, để chỉ cho thế giới con đường đi đến giải thoát và giác ngộ.

Top