Phật giáo du nhập vào Tích Lan (Sri Lanka) lần đầu tiên vào năm 249 trước Công Nguyên, qua sứ mệnh của Mahinda – con trai của Hoàng Đế Ấn Độ, vua A Dục (Ashoka). Vị tỳ kheo Tích Lan đầu tiên đã xuất gia vào thời điểm ấy. Mặc dù thời điểm tên gọi Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) được bắt đầu sử dụng hiện vẫn còn trong vòng tranh cãi, để thuận tiện, chúng ta sẽ sử dụng danh từ “Phật giáo Nguyên thủy” để nói đến dòng truyền thừa này. Sau đó, dòng truyền thừa tỳ kheo ni đã được truyền vào Tích Lan vào năm 240 trước Công Nguyên, trong chuyến viếng thăm của con gái Vua A Dục, Sanghamitta, đến quốc đảo. Đến năm 1050 sau Công Nguyên, dòng truyền thừa xuất gia này đã chấm dứt vì sự xâm lược của người Tamil, và sau đó là sự thống trị của Đế chế Chola tại Tích Lan.
Theo truyền thống khẩu truyền, Vua A Dục cũng đã gửi hai sứ giả, Sona và Uttara, đến vương quốc Suwannaphum (tiếng Phạn: Suvarnabhumi), và họ đã thành lập Phật giáo Nguyên thủy và dòng truyền thừa tỳ kheo tại đó. Hầu hết các học giả đồng hóa vương quốc này với người Mon (Tailang) và thành phố cảng của Thaton ở miền Nam Miến Điện (Burma). Tuy nhiên, dòng truyền thừa tỳ kheo ni đã được du nhập vào thời điểm này hay muộn hơn thì không rõ.
Mặc dù đã hiện diện tại nhiều thành phố Pyu ở Bắc Miến Điện ít nhất là từ thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, Phật giáo Nguyên thủy đã pha trộn với Phật giáo Đại thừa (Mahayana), Ấn Độ giáo (Hinduism), và tôn giáo địa phương Ari, một tôn giáo dùng động vật để tế thần. Giữa thế kỷ 11 sau Công Nguyên, Vua Anawrahta thống nhất Bắc Miến Điện, chinh phục vương quốc Mon ở Thaton, thành lập thủ đô ở Pagan, thỉnh mời vị tỳ kheo người Mon, Arahanta, để thành lập Phật giáo Nguyên thủy và dòng truyền thừa xuất gia khắp nơi trong vương quốc của mình.
Cùng với sự chiến bại của người Chola tại Tích Lan vào năm 1070 sau Công Nguyên và thủ đô mới được thành lập ở Polonnaruwa, dòng truyền thừa tỳ kheo Phật giáo Nguyên thủy đã được tái lập tại Tích Lan, do công lao của các vị tỳ kheo được thỉnh mời từ Pagan. Tuy nhiên, Vua Anawrahta đã nghi ngờ sự thanh tịnh của dòng truyền thừa tỳ kheo ni người Mon, do đó, ngài đã không cử một vị tỳ kheo ni nào để tái lập dòng truyền thừa tỳ kheo ni. Vì vậy, dòng truyền thừa tỳ kheo ni Phật giáo Nguyên thủy đã không được khôi phục tại Tích Lan vào thời điểm ấy. Di tích cuối cùng của những lời ghi khắc về một giáo đoàn tỳ kheo ni ở Miến Điện là vào năm 1287 sau Công Nguyên, khi Pagan bị người Mông Cổ (Mongol) xâm lược.
Vua Magha xứ Kalinga (nay là Orissa, Đông Ấn Độ), đã thống trị Tích Lan phần lớn khoảng thời gian khi nước này bị xâm lược từ năm 1215 đến năm 1236 sau Công Nguyên. Trong suốt gian đoạn này, tăng đoàn tỳ kheo Tích Lan đã suy yếu trầm trọng. Vào năm 1236 sau Công Nguyên, khi Vua Magha thất trận, các vị tỳ kheo Phật giáo Nguyên thủy từ Kanchipuram, một trung tâm Phật giáo thuộc Vương quốc Chola đã suy yếu, nay là Tamilnadu, Nam Ấn Độ, đã được mời đến Tích Lan để khôi phục dòng truyền thừa tỳ kheo. Việc không có một vị tỳ kheo ni Tamil nào được mời cho thấy giáo đoàn tỳ kheo ni Phật giáo Nguyên thủy đã không còn hiện diện ở Nam Ấn Độ lúc bấy giờ. Di tích cuối cùng của những lời ghi khắc còn lưu lại về một giáo đoàn tỳ kheo ni ở Bắc Ấn Độ, bao gồm cả Bengal, là từ cuối thế kỷ 12 sau Công Nguyên. Chư ni đã thọ giới từ dòng truyền thừa tỳ kheo ni nào thì không rõ.
Tại Thái Lan, vua Ramkhamhaeng của Vương quốc Sukhothai đã thành lập Phật giáo Nguyên thủy xuất xứ từ Tích Lan vào cuối thế kỷ 13 sau Công Nguyên. Do giáo đoàn tỳ kheo ni đã không còn hiện diện ở Tích Lan vào thời điểm ấy, dòng truyền thừa tỳ kheo ni Phật giáo Nguyên thủy đã không thể du nhập vào Thái Lan. Chỉ có dòng truyền thừa tỳ kheo đã được truyền đến Thái Lan. Bởi vì Phật giáo Nguyên thủy thành lập ở Cao Miên (Cambodia) bắt nguồn từ Thái Lan vào đầu thế kỷ 14 sau Công Nguyên, và không lâu sau đó đã được thành lập ở Lào, xuất xứ từ Cao Miên, dòng truyền thừa tỳ kheo ni đã không bao giờ du nhập vào các quốc gia này.
Trong các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, chỉ có Tích Lan đã chính thức tái lập dòng truyền thừa tỳ kheo ni Phật giáo Nguyên thủy vào năm 1998 sau Công Nguyên. Trước đó, nữ giới ở Tích Lan chỉ được phép trở thành dasasil matas, “hành giả thọ mười giới,” chứ không phải là tỳ kheo ni. Mặc dù những nữ cư sĩ này đắp y và sống độc thân, họ không được xem là thành viên của ni đoàn trong tu viện. Ở Miến Điện và Cao Miên, nữ giới chỉ được phép trở thành “hành giả thọ tám giới,” ở Miến Điện gọi là silashin và ở Cao Miên gọi là donchi hay yieychi. Một số phụ nữ ở Miến Điện cũng thọ mười giới. Ở Thái Lan, họ có thể trở thành “hành giả thọ tám giới,” gọi là maechi (maeji). Vào năm 1864 sau Công Nguyên, Phật giáo Nguyên thủy ở Quận Chittagong và các Vùng Đồi Chittagong thuộc Bangladesh đã hồi sinh từ quận Arakan của miền duyên hải Miến Điện, vì vậy nữ giới ở đó đã trở thành các hành giả thọ tám giới.