Lam-rim Được Cấu Trúc Theo Tứ Diệu Đế

Tứ Diệu Đế

Sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiển lộ thành tựu giác ngộ, Ngài đã giảng dạy nhiều phương pháp khác nhau, để chúng ta cũng thành tựu quả vị ấy. Phương pháp cơ bản là thực hiện các pháp ngăn ngừa, nói cách khác là tu tập Pháp. Trước tiên, có (1) khổ đế, mà tất cả chúng sinh đều phải trải qua. Những nỗi khổ chân thật này có (2) tập đế, tức nguyên nhân chân thật. Tuy nhiên, chúng ta có thể đạt được (3) diệt đế của những nỗi khổ này, bằng cách chấm dứt nguyên nhân của chúng, và nếu muốn tạo ra những chân diệt này, thì phải phát triển (4) đạo đế trong tâm thức.

Mức Độ Sơ Khởi

Tứ diệu đế có thể được hiểu ở nhiều mức độ khác nhau. Ở mức độ sơ khởi, thì có nỗi khổ thật sự của việc tái sinh trong những cõi tồi tệ hơn. Nếu như ở trong tình trạng cực kỳ đau khổ, trải qua nhiều bệnh tật, đói khát, hay luôn bị hành hạ vì đau đớn, chúng ta sẽ không có thời gian hay khả năng để phát triển về mặt tâm linh. Đó là vì tâm ta sẽ tràn ngập những nỗi khổ và khó khăn nghiêm trọng.

Nguyên nhân thật sự tạo ra nỗi khổ là ác nghiệp. Như Đức Phật đã dạy, nếu như ta tạo ra nỗi đau đớn hay đau khổ, thì chính mình phải trải qua nỗi khổ đó. Mặt khác, nếu như mình hành động một cách thiện hảo, nếu tạo ra hạnh phúc, thì cuối cùng, ta sẽ tự mình trải nghiệm hạnh phúc này. Do đó, nếu muốn đạt được chân diệt của những vấn đề nghiêm trọng này, thì phải noi theo một chân đạo, để không tạo ác nghiệp.

Trước tiên, phải nhận thức rằng mình có một kiếp người quý báu. Hiện nay, chúng ta có tất cả cơ hội để có thể phát triển về mặt tâm linh. Chúng ta không sống trong trại tập trung, hay chịu đựng nạn đói nghiêm trọng, chẳng hạn vậy. Tuy nhiên, những cơ hội này sẽ không tồn tại mãi mãi, vì chắc chắn tất cả chúng ta sẽ chết, và sẽ mất đi kiếp người quý báu này. Khi nào điều này sẽ xảy ra thì không chắc chắn. Chúng ta có thể bị một chiếc xe tải đụng bất cứ lúc nào. Nếu như chết đi ngay bây giờ, và nếu như mình đã luôn tạo ác nghiệp, thì điều này sẽ dẫn đến những tình trạng tồi tệ hơn trong tương lai. Chúng ta sẽ tái sinh trong những tình huống mà chính mình sẽ phải trải nghiệm nỗi đau đớn và khổ đau mà ta đã tạo ra. Do đó, vì lo sợ cho một tương lai như vậy, chúng ta sẽ tìm kiếm, để xem liệu có phương hướng nào để thoát khỏi vấn đề này hay không. Chúng ta sẽ nhìn vào chư Phật.

Chư Phật là những bậc đã thoát khỏi mọi giới hạn, để thân, khẩu và ý không bị giới hạn, và sáng suốt. Tâm của các ngài không bị giới hạn vì phiền não như sân hận, tham ái hay vô minh. Các ngài không bị giới hạn vì tâm hôn trầm hay tán loạn. Tấm lòng của các ngài, cũng được xem là một khía cạnh của tâm thức, không bị giới hạn vì lòng ích kỷ hay thiên vị. Lời nói của các ngài không bị giới hạn về khả năng truyền đạt thông tin, và thân của các ngài không bị giới hạn về mặt năng lượng. Vậy thì tất cả mọi việc đối với thân, khẩu, ý và tấm lòng của các ngài đều sáng suốt. Hơn nữa, chư Phật đã chứng ngộ mọi tiềm năng của mình, nên đã phát triển đến trạng thái cao nhất.

Chư Phật không chỉ đã làm điều này, mà còn nêu ra cách các ngài đã thực hiện nó. Đó là bằng cách tu tập Pháp, để không bị áp đảo vì những sự hạn chế của mình, điều sẽ tạo ra vấn đề cho tự thân và tha nhân. Ngoài ra, còn có cộng đồng của những người có chủ ý hướng về những mục tiêu như vậy, và đang tiến đến mục tiêu này, đó là Tăng đoàn. Sau đó, khi đã thấy những phẩm chất tốt đẹp của Phật, Pháp, Tăng, và không muốn tiếp tục trải qua đời sống đi theo chiều hướng tạo ra thêm vấn đề cho chính mình, và hơn nữa, khi thấy rằng nếu như noi theo phương hướng của Phật, Pháp và Tăng, thì nó sẽ giúp mình tránh những vấn đề như vậy, nên chúng ta sẽ quy y Tam Bảo. Quy y có nghĩa là đưa phương hướng an toàn vào trong đời sống của mình.

Quy y được chỉ định bằng cách tuân theo luật nhân quả. Do đó, nếu như muốn tránh những vấn đề trong tương lai, thì ta sẽ noi theo chân đạo, để không tạo ác nghiệp, chẳng hạn như không sát sanh, trộm cắp, nói dối, vân vân. Thế thì chúng ta sẽ tạo ra thiện nghiệp. Đây là mức độ hiểu biết sơ khởi về Tứ diệu đế.

Mức Độ Trung Bình

Ở mức độ trung bình, dù có tái sinh trong tình huống nào đi nữa, chúng ta vẫn phải trải qua chân khổ của sinh, lão, bệnh, tử. Có những nỗi khổ thật sự, khi không có được những gì mình muốn, ngay cả khi cố gắng để đạt được nó, và những vấn đề xảy ra, mà mình không muốn xảy ra. Chúng ta có nhiều vấn đề cứ tái diễn một cách bất tự chủ, như thất vọng khi luôn có những mối quan hệ khó khăn với người khác, v.v... Nguyên nhân thật sự cho những điều này trước hết là vô minh về thực tại - về việc chúng ta là ai, và tồn tại như thế nào. Vì vậy mà chúng ta chấp vào một bản ngã vững chắc, nhưng lại không cảm thấy an toàn về nó. Do đó, để bảo vệ hay khẳng định một bản sắc như vậy, tâm ta sẽ tràn đầy phiền não như tham, sân, si, kiêu mạn, ganh tỵ, nghi ngờ, v.v... Dựa vào những điều này, những xung lực hay nghiệp sẽ phát sinh trong tâm trí, khiến cho ta hành xử một cách bốc đồng. Chúng ta sẽ làm điều này, với nỗ lực để giúp cho bản sắc của mình an toàn hơn, chẳng hạn như bằng cách cố gắng tích lũy càng nhiều của cải, vật chất hay bạn bè càng tốt, hay cố gắng xua đuổi hoặc tiêu diệt mọi thứ, và những người mà mình không ưa thích. Khi hành xử một cách bốc đồng như vậy, chẳng hạn như la hét, hay xử sự một cách tàn nhẫn, thì điều này sẽ tạo ra cho mình nỗi khổ thật sự.

Nếu như muốn thành tựu chân diệt của những nỗi khổ này, thì phải noi theo chân đạo. Trước tiên, phải phát khởi động lực đúng đắn, đó là quyết tâm mạnh mẽ để thoát khổ, điều đôi khi được gọi là tâm xả ly. Với điều này làm động lực, chúng ta phải phát triển trí tuệ để thấy thực tại, hay chứng ngộ tánh Không. Để có được trí tuệ như vậy, thì phải có định tâm, và nếu muốn làm chủ tâm thức của mình như vậy, thì phải có khả năng kiểm soát những hành vi thô thiển hơn của thân và khẩu của mình. Do đó, chúng ta phải trì giới. Bằng cách noi theo đường tu tam vô lậu học – giới, định và tuệ vô lậu học - chúng ta có thể đạt được trí tuệ chứng ngộ tánh Không, đó là sự hoàn toàn vắng bóng của tất cả những cách hiện hữu bất khả.

Vì vô minh về thực tại và mê lầm về việc mình là ai, cách ta và thế giới tồn tại như thế nào, nên ta chấp chúng tồn tại theo những cách bất khả, chẳng hạn như vạn pháp đều vững chắc và độc lập. Tuy nhiên, không có gì tồn tại theo cách ảo tưởng, bất khả như vậy. Vạn pháp đều không hiện hữu theo cách bất khả như vậy. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có gì tồn tại cả, mà đúng hơn là bất cứ điều gì tồn tại, sẽ tồn tại nhờ duyên khởi, với vạn pháp sinh khởi dựa vào nhân duyên, vào các thành phần, hay vào mối quan hệ với một tâm thức và quá trình định danh. Nhờ một chân đạo hiểu biết và chứng ngộ như vậy, chúng ta có thể vượt qua phiền não chướng, là những phiền não, và thành tựu giải thoát. Đây là mức độ trung bình của sự hiểu biết về Tứ diệu đế.

Mức Độ Cao 

Ở mức độ cao, chúng ta sẽ thấy rằng không chỉ bản thân mình chịu khổ, mà tất cả chúng sinh cũng đều trải qua những nỗi khổ như vậy. Vì vậy, ở mức độ này, chân khổ là những nỗi khổ mà tất cả chúng sinh phải đối diện. Hơn nữa, một chân khổ khác là mình không có khả năng giúp chúng sinh khắc phục nỗi khổ của họ. Nguyên nhân thật sự của những nỗi khổ này, trước hết là lòng ích kỷ mà chúng ta chỉ quan tâm đến tự thân, và bỏ mặc người khác. Rồi cũng có những chướng ngại, khiến cho mình không biết tất cả những phương tiện thiện xảo, để tạo lợi lạc cho tha nhân, nói cách khác là sở tri chướng. Chân diệt của điều này là không chỉ thoát khỏi nỗi khổ của mình, mà còn vượt qua điều đó, để thành tựu Phật quả, khi mà ta đã vượt qua mọi giới hạn, và chứng ngộ mọi tiềm năng, để có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh càng nhiều càng tốt.

Chân đạo để đưa đến điều này, trước tiên, là phát khởi động lực bồ đề tâm, đó là mở rộng lòng mình đối với tất cả chúng sinh, và đối với giác ngộ, trạng thái của một vị Phật, để có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Với điều này làm động lực, chúng ta sẽ phát triển và tu tập các ba la mật, tất cả đều dựa vào lòng từ bi. Đó là hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Với trí tuệ ba la mật, chúng ta sẽ thấy cùng một thực tại, hay tánh Không mà ta phải nhìn thấy, để đoạn trừ phiền não, và thành tựu giải thoát. Tuy nhiên, vì mãnh lực bồ đề tâm làm động lực của mình mạnh mẽ hơn nhiều, so với tâm xả ly, nên có nhiều năng lượng hơn đối với sự hiểu biết này.

Nếu chỉ có tâm xả ly, thì điều này sẽ cung cấp một số năng lượng hạn hẹp, đằng sau tâm chứng ngộ tánh Không của mình. Tuy nhiên, nếu như động lực để chứng ngộ tánh Không còn có thêm động lực để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, thì điều này sẽ bổ sung thêm rất nhiều năng lượng. Do đó, sự hiểu biết của mình có thể vượt qua cả hai mức độ ám chướng, không chỉ là phiền não chướng, mà còn cả sở tri chướng nữa.

Giả sử như có một bài giảng y khoa về cách chữa rắn cắn. Nếu một sinh viên theo học mà chỉ học hỏi điều này để trở thành bác sĩ, để có thể kiếm được nhiều tiền và khắc phục vấn đề khó khăn về tài chánh, thì chỉ sẽ nghe bài giảng này với một lượng năng lượng nào đó thôi. Tuy nhiên, nếu một người mẹ có một đứa con vừa bị rắn cắn chạy vào lớp học, thì vì rất quan tâm đến việc chữa trị cho con mình, nên bà sẽ muốn học cách chữa trị rắn cắn một cách mạnh mẽ hơn nhiều. Tương tự như vậy, khi chúng ta có động lực bồ đề tâm đằng sau trí tuệ chứng ngộ tánh Không, thì điều này sẽ bổ sung thêm mãnh lực mạnh mẽ hơn nhiều cho nó, để tâm chứng ngộ của mình có thể vượt qua tất cả những ám chướng trong tâm thức.

Loại phương tiện này đòi hỏi một đường tu, kết hợp phương tiện và trí tuệ. Tuy nhiên, cách mà chúng được kết hợp ở đây, ở mức độ Kinh điển, không phải là cách mà cả hai đều xảy ra trong cùng một lúc. Đúng hơn thì ở đây, nó là một phương pháp mà mỗi một yếu tố sẽ xảy ra trong bối cảnh của yếu tố kia. Do đó, phương pháp mở rộng lòng mình với tất cả chúng sinh và thành tựu giác ngộ, để làm lợi lạc cho họ, sẽ nằm trong bối cảnh của việc mình có trí tuệ, hay hiểu biết về thực tại, và ngược lại. Nói cách khác là khi mở lòng với tất cả chúng sinh, thì điều này nằm trong bối cảnh, hay tâm thức của mình sẽ mở rộng về thực tại. Khi tâm thức đang mở rộng với thực tại, đó là trong bối cảnh mà lòng mình sẽ mở rộng với tất cả chúng sinh. Dựa theo cách này, một yếu tố sẽ nằm trong bối cảnh của yếu tố kia, và cho đến khi mình là Phật, thì hai điều này không thể xảy ra một cách đồng thời trong một tâm thức.

Với cách kết hợp phương tiện và trí tuệ này, thì phải mất một thời gian rất dài, để có thể đoạn trừ mọi ám chướng trong tâm thức. Trên thực tế, phải trải qua cái gọi là ba vô lượng a tăng kỳ kiếp, vô lượng là con số hữu hạn lớn nhất, là số 10, tiếp theo là 60 con số 0. Hãy gọi nó là hàng tỷ. Đây là một khoảng thời gian rất dài, và tha nhân không thể chờ đợi chúng ta mất mất quá nhiều thời gian để vượt qua những giới hạn, và chứng ngộ tất cả tiềm năng của mình, để có thể tạo lợi lạc tốt nhất cho họ. Đây chính là điểm mà Mật tông sẽ được sử dụng. Mật tông là một pháp tu Đại thừa, hay tâm lượng quảng đại, mà ta sẽ thể nhập vào, để có thể thành tựu Phật quả một cách nhanh chóng và hữu hiệu nhất, để tạo lợi lạc cho tha nhân càng nhiều càng tốt, và càng sớm càng tốt. Điều này dựa vào tất cả các phương tiện mà chúng ta vừa bàn luận về Tứ diệu đế.

Top