Tiếp Cận Đạo Phật Một Cách Quân Bình

Một số người là mẫu người trí thức, một số là mẫu người tình cảm và một số khác thì có lòng sùng mộ, nhưng dù là loại người nào thì ta cũng cần phải cân bằng cả ba cách tiếp cận trong việc tu tập, để rút tỉa được lợi lạc tối đa.

Ba Cách Tiếp Cận

Một số người ở phương Tây đến với Pháp để:

  • thỏa mãn ước muốn có được những điều mới lạ,
  • tìm ra phép lạ chữa bệnh,
  • thích hợp với trào lưu,
  • có được cảm giác hào hứng vì hấp lực của một vị thầy có sức lôi cuốn, giống như một "người nghiện Pháp",
  • thật lòng quan tâm đến những gì Phật pháp mang lại cho họ, dù họ có thể bắt đầu tiếp cận với Pháp bằng một trong những cách nói trên.

Mặc dù trước tiên, chúng ta chỉ muốn thu thập thông tin, ta có ba cách để tiếp cận với Pháp, đó là bằng:

  • lý trí,
  • cảm xúc,
  • lòng sùng mộ.

Chúng ta áp dụng một hay những phương cách nào, thì tùy thuộc vào:

  • vị thầy tâm linh,
  • những gì được truyền thụ và cách vị thầy giảng dạy,
  • văn hóa,
  • khuynh hướng cá nhân.

Từ quan điểm của Pháp, mỗi một trong ba cách tiếp cận trên có thể là chín chắn, hoặc chưa chín chắn.

Tiếp cận bằng lý trí

Những người có cách tiếp cận Pháp bằng lý trí chưa chín chắn thường bị mê hoặc với vẻ đẹp của các hệ thống Phật giáo. Họ muốn học hỏi sự thật và tính chất phức tạp về triết lý và tâm lý học, nói chung là để tạo cảm giác “hào hứng” cho họ, nhưng lại không thể hội nhập các giáo huấn vào tâm thức, hoặc không cảm nhận được điều gì cả. Những người như vậy thường thuộc vào mẫu người thiếu nhạy cảm, hoặc có những trở ngại về xúc cảm.

Những người có cách tiếp cận bằng lý trí chín chắn thì hiểu biết về tính chất phức tạp và chi tiết của Pháp, nhờ vậy, họ có thể hiểu rõ các giáo huấn hơn, có thể hội nhập chúng vào tâm thức, và áp dụng chúng một cách đúng đắn.

Tiếp cận bằng tình cảm

Những người có cách tiếp cận với Pháp bằng tình cảm chưa chín chắn thì chỉ muốn hành thiền để cho tâm được an tĩnh, hoặc cảm thấy thư thái, chẳng hạn như thiền quán về lòng từ đối với mọi người. Điểm đặc trưng của những người này là chỉ muốn nhìn vào khía cạnh “dễ chịu” của Pháp, chứ không phải nhìn vào sự đau khổ, các tái sinh thấp hơn, bản chất ô trược của các bộ phận bên trong cơ thể và vân vân... Họ không muốn thừa nhận, cũng không muốn dụng công để loại trừ những thái độ và cảm xúc phiền não, và họ ít hiểu biết về các giáo huấn. Những người này có khuynh hướng dễ xúc động, hay quá nhạy cảm.

Những người có cách tiếp cận bằng tình cảm chín chắn sẽ đối phó với cảm xúc của họ, để loại trừ những cảm xúc phiền não và gia tăng những cảm xúc tích cực.

Tiếp cận bằng lòng sùng mộ

Người có cách tiếp cận bằng lòng sùng mộ chưa chín chắn thì nghĩ rằng các vị Phật, Bổn Tôn và các vị thầy thật là phi thường, còn mình thì thật tầm thường. Vì vậy, những người với phương cách tiếp cận này hay cầu nguyện để có sự giúp đỡ của các vị mà họ xem như những “vị thánh” trong Phật giáo, và không muốn tự lãnh trách nhiệm để phát triển bản thân mình.

Những người có cách tiếp cận bằng lòng sùng mộ chín chắn thì tham dự và thực hiện những nghi lễ, để có được nguồn cảm hứng, giúp họ tự tu sửa bản thân.

Cân Bằng Ba Phương Cách Tiếp Cận

Chúng ta cần cân bằng cả ba phương cách tiếp cận này thì mới hiểu được Pháp, mới cảm nhận được điều gì đó về mặt cảm xúc, và có được nguồn cảm hứng.

Ví dụ, những người giàu tình cảm cần học hỏi cách tiếp cận bằng lý trí. Để làm được điều này, họ cần phải nhận thức rằng, ví dụ như khi họ không cảm thấy thương yêu người khác, thì họ có thể tăng trưởng dần cảm giác yêu thương bằng sự hiểu biết và dựa vào phương pháp lập luận.

Những người thiên về lý trí cần học cách tiếp cận bằng tình cảm. Để làm được điều này, họ cần nhận thức rằng sự căng thẳng tinh thần sẽ làm cho họ trở nên lạnh lùng, và điều này không chỉ ảnh hưởng đến người khác, mà chính họ cũng cảm thấy không thoải mái. Vì vậy, họ cần phải giữ tâm tĩnh lặng hơn, để tiếp xúc với bản chất nồng hậu tự nhiên của họ.

Những người thiếu sự sùng mộ, cần học hỏi cách tiếp cận với Pháp bằng lòng sùng mộ. Để làm được điều này, họ cần nhận thức rằng họ phải phát triển thêm nghị lực, khi họ bị xuống tinh thần.

Mặt khác, những người có lòng sùng mộ cần phải phát triển về mặt lý trí. Để làm được điều này, họ cần nhận thức rằng khi họ không thể thấu hiểu những gì đang xảy ra trong cuộc sống, thì điều mà họ cần không chỉ là sự an ủi và thăng hoa của nghi lễ.

Ba Cách Tiếp Cận và Nghi Lễ

Đối với loại người tình cảm, nghi lễ mang lại cho họ yếu tố hình thức và cách biểu lộ cảm xúc của mình.

Đối với những người thiên về lý trí, nghi lễ mang lại cho họ quy tắc và ý thức về tính tương tục. Hơn nữa, việc tham gia vào các nghi lễ trước khi hiểu biết về những điều này, như khi trì tụng một nghi quỹ Mật tông bằng Tạng ngữ mà hành giả không hiểu ngôn ngữ này, thì tính kiêu mạn sẽ được giảm thiểu. Tính kiêu mạn này thường được biểu lộ qua thái độ, “Tôi sẽ không thực hành bất cứ điều gì, trừ khi tôi được giải thích rõ ràng và hiểu nó”.

Cách Quan Hệ với Vị Thầy Tâm Linh

Chúng ta có thể tiếp cận với những vị thầy tâm linh của mình bằng một trong ba phương cách trên, theo cách chín chắn, hoặc chưa chín chắn.

Theo cách chưa chín chắn, người thuộc loại lý trí sẽ tranh luận với vị thầy của mình; loại người tình cảm thì yêu thầy; còn loại người sùng mộ thì trở thành nô lệ thiếu suy xét, chỉ muốn được thầy bảo mình phải làm gì và nghĩ gì.

Theo cách chín chắn, người thuộc loại lý trí sẽ thấy vị thầy mang lại cho mình sự kích thích và thử thách về mặt trí tuệ; loại người tình cảm thì cảm thấy xúc động đối với thầy; còn loại người sùng mộ thì có nguồn cảm hứng từ các vị thầy.

Những người chín chắn có thể có sự quân bình trong cả ba phương cách tiếp cận, cho dù họ chỉ tu tập "Pháp Nhẹ Nhàng" (Pháp tạm thời, không sắc sảo) cho cuộc đời này, hay hành trì "Pháp Thực Thụ" (Pháp của truyền thống xác thực), để thoát khỏi kiếp tái sanh và đạt giác ngộ.

Top