Bất Bạo Động Là Con Đường

Bất bạo động là cách thực tế để giải quyết xung đột và thành tựu hòa bình. Nó phù hợp với kết quả nghiên cứu khoa học, rằng lòng bi mẫn là bản chất tự nhiên của con người. Nếu như nhìn vào lịch sử nhân loại trong các thế kỷ vừa qua, thì ta sẽ thấy bạo động chỉ tạo thêm nhiều thù hận, nhiều xúc cảm tiêu cực. Nếu bạo động được sử dụng để chống lại bạo động thì nó không đem lại tác dụng tích cực. Ở Âu châu, các nhà lãnh đạo đã nhận thức rằng bạo động không phải là phương pháp đúng đắn. Họ đã tư duy rộng rãi hơn, nên sau Thế Chiến thứ Hai thì họ đã thành lập Liên Hiệp Châu Âu (European Union). Tôi thường nói với người ta là làm sao mà Pháp và Đức đã là kẻ thù trong Thế Chiến thứ Nhất và thứ Hai. Người bạn, và cũng là trợ giáo của tôi trong môn vật lý lượng tử, Carl Friedrich von Weizsäcker, khi đã 90 tuổi, nói với tôi rằng lúc ông còn trẻ thì người Đức xem tất cả những người Pháp như kẻ thù, và người Pháp cũng thế, họ xem tất cả những người Đức như thù địch. Nhưng ngày nay thì thái độ đó đã hoàn toàn thay đổi.

Khi thu thập được những kinh nghiệm sâu xa hơn thì người ta nhận thức rằng bạo lực đã lỗi thời. Nó  dựa vào những khái niệm về “chúng ta” và “bọn họ” rất mạnh mẽ, và dựa trên căn bản ấy, dẫn đến sự đấu tranh. Tuy nhiên, vì nghĩ đến tất cả các nước láng giềng như một cộng đồng mà họ đã khởi xướng Liên Hiệp Châu Âu. Tôi luôn luôn nói rằng, từ khi Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu thì sẽ không còn nguy cơ tranh chấp, dẫn đến chiến tranh ở Âu châu. Nếu không có Liên Hiệp Châu Âu thì có lẽ đến nay, lại có những vấn đề nghiêm trọng phát sinh. Nhưng người ta đã hòa hợp với bản chất tự nhiên của con người là bất bạo động.

Cách suy nghĩ của con người đã thay đổi một cách đáng kể, giữa đầu và cuối thế kỷ 20. Lấy thí dụ như phong trào Đoàn Kết ở Ba Lan. 200,000 lính Nga đã có mặt ở đó, nhưng người dân đã quyết chống xâm lược bằng phương pháp bất bạo động. Những điều như vậy là những dấu hiệu rõ ràng, cho thấy sau bao nhiêu khổ đau vì bạo động thì con người trên lục địa này đã nhận thức rằng bất bạo động là phương pháp tốt nhất.

Tôi mong rằng Nga sẽ tham gia Liên Hiệp Châu Âu. Tôi cũng nghĩ một tinh thần như Liên Hiệp Châu Âu nên khởi xướng ở châu Mỹ La-tinh và Phi châu. Phi châu có rất nhiều quốc gia khác biệt, vậy thì trước hết, nó có thể bắt đầu ở Bắc Phi, rồi mở rộng để bao gồm cả Trung, Đông, Tây và Nam Phi. Và rồi cả thế giới! Sau cùng, mục đích của chúng ta là cả thế giới  trở thành một liên minh. Thiết nghĩ, đó là điều khả dĩ. Đó là giấc mơ của tôi.

Ấn Độ là một ví dụ tốt. Ấn Độ là liên hiệp của Bắc, Trung, Đông, Tây và Nam. Các tiểu bang giống như các quốc gia khác biệt, có ngôn ngữ và văn tự riêng, nhưng họ vẫn kết hợp thành một liên hiệp. Giấc mơ của tôi, có thể là một giấc mơ trống rỗng, là một ngày nào đó, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ kết hợp thành một liên hiệp. Khái niệm liên hiệp được dựa trên khái niệm bất bạo động.

Thế kỷ này nên là thế kỷ của đối thoại. Khi có quyền lợi khác nhau thì người ta nên có sự đối thoại, chứ không cần vũ khí. Đó là điều khả dĩ. Trước hết, phải có việc giải trừ hạt nhân. Điều này rất quan trọng. Đúng ra thì hội nghị dành cho những người nhận Giải Nobel Hòa Bình được tổ chức tại Nam Phi, nhưng vì chính phủ nơi này gặp một số khó khăn, nên đã phải dời địa điểm tổ chức sang Rome. Tại đây, chúng tôi đã thảo luận về việc giải trừ hạt nhân, và tôi đã đề nghị chúng ta nên có một thời khóa biểu đối với việc này, và các cường quốc hạt nhân phải dựa vào đó. Nhưng rồi chẳng có điều gì xẩy ra cả. “Giải trừ hạt nhân”, nghe rất hay, nhưng có lẽ không hữu hiệu lắm, nếu không có một thời khóa biểu cố định. Rồi nếu nó trở thành một phong trào toàn cầu, thì có thể thành tựu. Sau đó, chúng ta cần phải loại bỏ tất cả các vũ khí tấn công, rồi vũ khí phòng vệ. Để có được hòa bình thế giới thì chúng ta cần phải phi quân sự hóa từng bước một.

Để đạt được hòa bình bên ngoài thì trước hết, ta phải quan tâm đến mức độ hòa bình bên trong. Có quá nhiều sự sân hận, ganh tị và tham lam. Do đó, chúng ta cần phải giải trừ vũ khí bên ngoài và bên trong, cả hai kết hợp với nhau. Giải trừ vũ khí bên trong bắt nguồn từ giáo dục. Khi có nhiều lòng bi mẫn hơn thì ngay cả sức khỏe thể chất của chúng ta cũng tốt hơn.

Liên hệ với chuyện này, điều quan trọng là mỉm cười. Người ta thích nhìn nụ cười, nhưng lại không thích một bản mặt cau có hay nghiêm nghị. Trẻ con hay ngay cả chó cũng thích nụ cười hơn. Khi bạn cười với con chó thì nó sẽ vẫy đuôi. Nếu bạn cho chó ăn và có một bộ mặt rất nghiêm trọng thì nó sẽ lấy thức ăn rồi đi chỗ khác.

Loài động vật xã hội có mối quan tâm xã hội, vì sự sống còn của chúng tùy thuộc vào các thành viên khác trong cộng đồng. Con người là sinh vật xã hội, và toàn thế giới là cộng đồng của chúng ta. Theo lối suy nghĩ này thì chúng ta sẽ có lòng tôn trọng người khác. Rồi thậm chí, khi có những quan điểm dị biệt, những mối quan tâm khác nhau thì chúng ta có thể đi đến sự thỏa thuận về cách tiến hành như thế nào.

Trước hết, cần phải tôn trọng quyền lợi của người khác, các anh chị em của chúng ta. Dù muốn hay không thì tất cả chúng ta phải sống chung trên địa cầu này. Trong Liên Hiệp Châu Âu, Đông và Tây tùy thuộc lẫn nhau, Nam và Bắc tùy thuộc lẫn nhau. Tương lai của tất cả tùy thuộc vào từng thành phần, mà chính thành phần này lại tùy thuộc vào những thành phần khác. Đối với kinh tế toàn cầu thì biên giới quốc gia không quan trọng lắm.

Hâm nóng toàn cầu là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu nó cứ tiếp tục thì sẽ có nhiều khó khăn nghiêm trọng trên thế giới trong thế kỷ tới. Tôi là một tăng sĩ, nên không có con cái. Nhưng các bạn là các bậc cha mẹ và ông bà, quý vị có trách nhiệm đối với các con và cháu của mình. Xin hãy xem xét vấn đề hâm nóng địa cầu một cách nghiêm chỉnh.

Dân số cũng đang gia tăng. Khi tôi mới đến Ấn Độ thì dân số là sáu tỷ người. Hiện giờ là bảy tỷ. Các nhà khoa học nói vào cuối thế kỷ này sẽ có mười tỷ người. Hãy nghĩ đến phúc lạc của tất cả mọi người, cùng với môi trường và xã hội.

Bất bạo động là đường lối duy nhất để giải quyết khó khăn. Ở Ấn Độ, tôi đang cố gắng phục hồi triết lý cổ đại của Ấn Độ về bất bạo động và đạo đức thế tục. Đất nước này là trú xứ của bất bạo động. Hòa hợp tôn giáo đã có mặt ở đây hơn 3,000 năm. Tôi đã đề nghị người Hồi giáo Ấn Độ phải trợ giúp các bạn Sunni và Shia ở Afghanistan, Syria v.v... Tại Ấn Độ, không có vấn đề gì giữa Sunni và Shia. Ở Ấn Độ, những người theo đạo Hindu, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, Parsi v.v... sống hài hòa với nhau. Tương tự như vậy, tôi đã đưa ra những bước để thúc đẩy hòa hợp tôn giáo.

Có quá nhiều sự nhấn mạnh về vật chất. Tại Ấn Độ, việc phối hợp nền giáo dục vật chất hiện đại với truyền thống bất bạo động thời cổ đại, trách nhiệm đạo đức và kiến thức về cảm xúc là việc dễ dàng. Tôi hoàn toàn dấn thân vào việc giúp đỡ Ấn Độ phục hồi truyền thống cổ đại về cảm xúc. Trung Quốc cũng có những truyền thống cổ đại của họ. Hiện nay, có 400 triệu Phật tử ở đó. Nếu phối hợp Ấn Độ và Trung Quốc thì đó là một dân số khổng lồ.

Từng bước một, sử dụng những nghề nghiệp khác nhau, chúng ta có thể tạo dựng một thế giới hòa bình, từ bi. Đó là việc khả dĩ, rồi thì nửa giai đoạn sau của thế kỷ 21 có thể hòa bình hơn. Hiện tại, tôi đã 84 tuổi, nên trong mười hay hai mươi năm nữa thì sẽ đến lúc tôi phải nói lời từ biệt. Nhưng chúng ta phải bắt đầu ngay bây giờ, với viễn kiến và những phương pháp thực tiễn. Chỉ có thế thôi. Cảm ơn.

Top