Vai Trò Thích Hợp Và Ứng Dụng Của Những Cách Nhận Thức

Theo sự diễn giải của phái Gelug từ Tây Tạng thì trường phái Kinh Lượng Bộ (Sautrantika), thuộc về các trường phái học thuyết Phật giáo Ấn Độ, phân tích bảy cách để chúng ta nhận biết các pháp. Đó là: 

  1. Hiện thức (mngon-sum, bare cognition) 
  2. Tỷ lượng thức (rjes-dpag, inferential cognition) 
  3. Tái nhận thức (bcad-shes, subsequent cognition)
  4. Hiển nhi bất định thức (snang-la ma-nges-pa, non-determining cognition)
  5. Giả định thức (yid-dpyod, presumption)  
  6. Hoài nghi thức (the-tsoms, indecisive wavering)
  7. Tà thức (log-shes, distorted cognition)

Khả năng nhận diện cách mà mình nhận biết điều gì là một kỹ năng thiết yếu, giúp cho mình đánh giá những gì mình hiểu biết, hay nghĩ rằng mình biết. Bởi vì đôi khi, tâm mình bị pha trộn với vọng niệm, và tất cả những sự phóng chiếu, rất ít liên quan đến thực tế, tạo ra rất nhiều vấn đề cho bản thân và người khác. Đặc biệt, điều này là một vấn đề, khi không có ý thức rằng điều mà mình nhận thức, hay nghĩ rằng mình nhận thức, là sai lầm, hoặc khi mình nhảy vào kết luận hơi sớm, hay kết luận một cách sai lầm.

Giả sử như người bạn của mình đang đi về phía mình ở ngoài phố, nhưng ta lại không đeo kiếng. Khi nhìn về hướng đó thì ta chỉ thấy một cái bóng mờ đang tiến về phía mình. Thị kiến của mình bị lệch lạc. Thật ra thì không có một cái bóng mờ đang tiến về phía mình.

Giả sử như mình đeo kiếng lên và nhìn lại, nhưng người đó ở quá xa, nên mình không thể thấy rõ họ là ai. Nhãn thức của mình thì hợp lệ, đối với việc nhìn thấy người nào đang đi bộ, nhưng lại không xác định được đó là bạn của mình. Nếu như biết rằng thị kiến của mình là điều không xác định, thì ta sẽ biết chắc rằng người đó phải đến gần hơn, trước khi mình có thể chắc chắn đó là ai. Ta sẽ kiên nhẫn chờ đợi, và không vội vã kết luận đó là ai.

Ta có thể hy vọng rằng đó là bạn của mình, nên có thể cho rằng người này là cô ấy, và phóng chiếu hình ảnh của cô trong nhận thức của mình, đối với người phụ nữ đang đi xuống phố. Nhưng nhận thức khái niệm về người này dường như chỉ là nhận thức trống không; nó không xác thực. Mình sẽ bối rối. Nhận thức khái niệm của mình là dối trá, bởi vì nó đánh lừa mình, để ta nghĩ rằng chắc chắn đó là bạn của mình, nhưng sự mong đợi của mình có thể sai lầm.

Giả sử ta không chỉ hy vọng rằng đó là bạn của mình, dựa trên trực giác, không có lý do thật sự, mà đúng hơn là suy luận rằng đó là cô ấy. Mình nghĩ rằng không cần phải đợi cho đến khi người đó đến gần hơn, để biết chắc họ là ai. Kết luận của mình dựa vào lý do là đáng lẽ bạn mình phải đi gặp mình vào giờ này, và đây là một phụ nữ đi về phía mình. Bạn của mình là một phụ nữ, và bây giờ là lúc mà cô ấy phải đến, nên ta kết luận rằng người phụ nữ này phải là bạn của mình.

Nếu như ta tin chắc rằng cô ấy là bạn của mình, nhưng thật ra lại là người khác, thì suy luận của mình là sai. Nếu như mình không tin chắc, nhưng giả định cô ấy là bạn của mình, và cô ấy đúng là bạn mình trên thực tế, thì mình đã đoán đúng. Nhưng nếu giả định của mình không dựa trên lý do hợp lệ, vì mình đã dựa trên lý luận bất hợp lệ rằng đáng lẽ bây giờ thì cô bạn phải đi gặp mình, rồi có một phụ nữ đi về phía mình, thì cô ấy phải là bạn của mình, vì bạn mình là phụ nữ, và đúng ra thì cô ấy phải tới đây vào giờ này.

Tuy nhiên, ta có thể hoài nghi về việc liệu đó là bạn của mình đang đi đến, hay là người khác. Ta có thể lưỡng lự giữa hai kết luận, và điều đó khiến cho mình không yên tâm. Ta cảm thấy bất an trong tình huống này, bởi vì mình không xác định được người phụ nữ này là ai. Ta cảm thấy như vậy, bởi vì tâm sở nghi đi kèm với sự lưỡng lự, do dự, là một tâm trạng phiền não. Nó khiến cho mình không an tâm, và mất tự chủ. Ta có thể bắt đầu lo lắng vì thiếu tự chủ.

Khi bạn của mình ở quá xa, để ta có thể thấy rõ cô ấy là ai, thì mình đang nhìn thấy cái gì? Có phải ta chỉ thấy một sát na của hình thù có màu sắc, rồi sau đó là một sát na khác của hình thù có màu sắc khác nhau? Không, ta đang nhìn thấy toàn bộ đối tượng, mà lý lẽ thông thường cho mình biết rằng nó có thể được nhìn thấy, nghe thấy, ngửi, nếm và chạm vào, và nó tồn tại trong một khoảng thời gian, không chỉ một giây. Có phải đối tượng này không phải là cái gì hết? Không, nói một cách khách quan thì nó là một cơ thể, một cơ thể của con người, cơ thể của một phụ nữ. Có phải mình chỉ thấy một thân thể đi trên đường? Không, ta đang nhìn thấy một người được quy gán vào cơ thể ấy. Có phải một người chỉ là một thân thể? Không, một người là cả một đối tượng mà lý lẽ thông thường nói với mình rằng họ cũng có một tâm trí, cảm xúc, cảm giác và vân vân, và cũng tồn tại trong một khoảng thời gian.

Giả sử người mà ta thấy đang đi về phía mình thật sự là Mary, bạn của mình. Khi nhìn thấy cô ấy, thì liệu mình chỉ nhìn thấy một người, hay là thấy Mary? Người mà  ta thấy không phải là không có ai cả, mà thật sự là Mary. Nếu như hỏi cô ấy rằng cô là ai, thì cô sẽ đồng ý, và những người khác quen biết cô cũng sẽ đồng ý cô là Mary. Nhưng bây giờ, khi cô ở quá xa để mình có thể phân biệt cô là ai, thì mình không biết rằng đó là Mary mà ta đang nhìn thấy. Dù sao đi nữa thì mình đang hẹn với Mary. Mình không hẹn hò với ai khác, và không phải là không có hẹn hò với ai.

Khi bạn của mình đến đủ gần, để mình thấy rõ ràng đó là Mary, thì làm sao biết đó là Mary? Ta sẽ biết điều đó về mặt khái niệm, có nghĩa là qua phạm trù tinh thần mà mình có về cá nhân cụ thể này. Bất cứ khi nào mình nhìn thấy cơ thể của cô ấy, hoặc nghe giọng nói của cô, hay chạm vào người cô ấy, không cần biết cô ấy đang làm gì, hay đang nói gì, hay mình đang có cảm giác gì về mặt thể chất, thì ta đều đưa chúng vào trong phạm trù của cùng một cá nhân mà mình đang nhận thức. Phạm trù đó thường hằng, bất biến. Nó không làm bất cứ điều gì, và không bị ảnh hưởng bởi những điều mình thấy hoặc nghe cô ấy làm. Hơn nữa, phạm trù đó được định danh là “Mary”, và bất cứ khi nào mình nhìn thấy hoặc nghe thấy, hay chạm vào cô ấy, thì có thể gọi cô ấy bằng cái tên này.

Làm sao mình biết, để đặt người này vào phạm trù tinh thần “Mary”? Chúng ta sẽ phân biệt một số đặc điểm khác thường của người mà mình đã thấy, và cũng phân biệt một số đặc điểm tổng hợp của phạm trù “Mary”. Một đặc điểm khác thường là một đặc điểm mà chỉ một mình Mary mới có, và không có ai khác có. Đặc điểm tổng hợp là đặc điểm chung của tất cả những điều cụ thể, phù hợp với một phạm trù. Nó là một đặc điểm tổng hợp của tất cả những lần mà mình nhìn thấy, nói chuyện với Mary, hay nghĩ về cô ấy. Dựa trên lý luận thì mình đã suy luận đây là Mary. Nếu một người có những đặc điểm khác thường như vậy và như vậy, thì nó sẽ phù hợp với phạm trù có những đặc điểm tổng hợp như vậy và như vậy.

Nếu như mình tưởng lầm cô ấy là Susan, thì khi nhìn thấy Mary ở đàng xa, ta đã thấy cô ấy qua phạm trù của cá nhân, được định danh với cái tên “Susan”. Vì suy xét sai lầm, nên mình xem đặc điểm khác thường của Mary là đặc điểm khác thường của Susan. Dựa vào đó, nên mình đã suy luận sai lầm rằng đó là Susan, bởi vì tiền đề của mình, rằng cô ấy có những đặc điểm khác thường của Susan, là sai. Dựa trên sự sai lầm này, ta đã đưa Mary vào trong phạm trù Susan, hay có thể nói là mình đã phóng chiếu Susan vào Mary. Nhận thức khái niệm của mình về Mary như Susan là sai lầm. Mặc dù cô ấy trông giống Susan, nhưng điều đó không đúng.

Khi Mary đến gần hơn, và mình biết chắc cô ấy là Mary, thì cũng biết rằng cô ấy không phải là Susan. Chúng ta phủ nhận việc cô ấy là Susan. Làm sao để nhận thức điều đó? Trước hết, mình chỉ có thể biết rằng đây không phải là Susan, nếu như trước đó, mình đã biết Susan. Nếu như không biết Susan, thì không thể phủ nhận đó là Susan, và nhận ra Mary “không phải là Susan”. Khi biết chắc người mà mình đang nhìn thấy là Mary, thì ta đã loại trừ khả năng cô ấy là bất cứ người nào khác, ngoài Mary ra; và tất nhiên bất cứ ai khác ngoài Mary ra thì cũng tính luôn Susan trong đó. Nhưng khi xác định chắc chắn rằng đây là Mary, trong khi trước đó thì mình đã nghĩ đó là Susan, hoặc có thể là Susan, thì ta đã loại trừ khả năng cụ thể đó là Susan. Cách mà mình biết điều này là bằng cách nhận thức một cách rõ ràng bằng khái niệm rằng cô ấy là Mary, trong khi mình nhận ra cô ấy là “không phải là Susan”, cũng như “không phải là ai khác, ngoài Mary” một cách ngấm ngầm. “Rõ ràng” là có nghĩa là Mary xuất hiện trong nhận thức của mình, và “ngấm ngầm” có nghĩa là dù mình biết đó không phải là Susan hay người nào khác ngoài Mary ra, thì một khoảng trống đại diện cho sự vắng mặt của Susan, hay sự vắng mặt của bất kỳ ai khác ngoài Mary ra không xuất hiện.

Hơn nữa, khi mới vừa nhận ra đây là Mary, thì sát na đầu tiên của suy luận bằng khái niệm của mình là mới mẻ. Ta nghĩ rằng, “Ồ, đó là Mary đang đi tới.”. Sau sát na đó thì mình không còn chủ động suy luận nữa. Bây giờ thì mình có sự tái nhận thức rằng đó là Mary, và nhận thức của mình về điều này không còn mới mẻ nữa. Ta biết rằng đó là Mary, nhưng việc nhận thức điều đó không có nhiều ý thức như khi mình mới nhận ra đó là ai.

Vậy thì những ví dụ này minh họa bảy cách nhận thức là gì, và cách chúng được áp dụng, và việc nhận diện chúng trong đời sống hàng ngày là điều hữu ích.

Top