Y Học Tây Tạng: Nguyên Tắc Cơ Bản

Giới Thiệu Và Lịch Sử

Trước khi chúng ta bắt đầu, tôi phải nói rằng mình không phải là bác sĩ, nên xin đừng hỏi tôi về những căn bệnh của các bạn. Tôi đã nghiên cứu một chút về y học Tây Tạng, và đã dùng thuốc Tây Tạng trong nhiều năm, nên chỉ có thể giải thích vài điều về lý thuyết thôi.

Y học Tây Tạng có một lịch sử lâu dài. Có một truyền thống y học bản địa ở Tây Tạng. Với sự hình thành của đế chế Tây Tạng vào thế kỷ thứ 7 của kỷ nguyên hiện đại, các hoàng đế đã mời các bác sĩ từ Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như các khu vực Ba Tư và La Mã ở Trung Á. Sau đó, đến cuối thế kỷ thứ 8 thì họ đã mời thêm các bác sĩ từ những vùng này. Cũng vào thời điểm đó, giáo huấn về y học của Đức Phật đã được mang từ Ấn Độ đến Tây Tạng. Điều này trùng hợp với sự xuất hiện của Đức Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) và giáo lý của phái Nyingma.

Vào thời điểm đó, có một cuộc tranh luận lớn về hình thức Phật pháp và loại thuốc nào sẽ được áp dụng ở Tây Tạng. Các hệ thống Phật giáo Ấn Độ đã thắng cuộc trong cả hai lãnh vực, vì những lý do mà chúng ta sẽ không đề cập đến. Lúc bấy giờ, có một bác sĩ Tây Tạng vĩ đại đã kết hợp một vài khía cạnh của y học Trung Quốc và Hy Lạp, đã có mặt ở Trung Á, vào giáo lý Phật giáo Ấn Độ cơ bản về y học. Vì gặp khó khăn, nên như nhiều sách Phật đã được chôn giấu vào thời điểm đó, và các sách vở y học này cũng vậy. Chúng đã được tìm ra vào thế kỷ thứ 12, được sửa chữa lại và hiện đại hóa một chút. Hệ thống y học Tây Tạng hiện thời đã bắt nguồn từ phiên bản được chỉnh sửa này

Y học Tây Tạng lan truyền từ Tây Tạng đến Mông Cổ, miền Bắc Trung Quốc, Siberia và nhiều khu vực ở Trung Á, đi khắp nơi đến biển Caspian. Y học Tây Tạng, cũng như nhiều khía cạnh khác của văn hóa Tây Tạng, đã hình thành ra điều gì tương tự với văn hóa La-tinh ở châu Âu thời Trung cổ. Ảnh hưởng của nó lan rộng khắp nơi, từ biển Caspian đến Thái Bình Dương và từ Siberia đến Hy Mã Lạp Sơn. Đó là một nền văn minh lớn. Hãy xem xét hệ thống y học Tây Tạng.

Phân Loại Bệnh Tật

Chúng ta thấy các căn bệnh được phân loại thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên là bệnh hoàn toàn thành lập. Các ví dụ bao gồm rối loạn di truyền, dị tật bẩm sinh, vân vân. Bệnh tật và khuyết tật được hoàn toàn thành lập thì bắt nguồn từ những kiếp trước. Theo quan điểm của y học Tây Tạng thì chúng rất khó trị. Người ta chỉ có thể cố gắng giúp cho người bệnh thoải mái thôi. Ví dụ, nếu như mình mắc một căn bệnh như suyễn từ khi còn bé, thì rất khó chữa.

Nhóm thứ hai là những căn bệnh phát sinh từ những điều kiện khác. Điều này bao gồm việc mất sự quân bình trong cơ thể, phát triển vì những hoàn cảnh khác nhau như môi trường, ô nhiễm, vi trùng và những điều kiện khác nhau. Chúng là những loại bệnh thông thường, nên đây là trọng tâm chính của y học Tây Tạng. Một ví dụ sẽ là bệnh suyễn xuất hiện về sau trong đời, vì sống trong thành phố ô nhiễm, và trải qua nhiều căng thẳng.

Nhóm thứ ba có nghĩa đen là bệnh tưởng tượng. Điều này đề cập đến các bệnh rối loạn tâm thể (psychosomatic illnesses), và những bệnh mà người Tây Tạng thường xem là do những lực ám hại gây ra. Thể loại này bao gồm hội chứng chiến tranh (shellshock) và suy nhược thần kinh xảy ra sau một cuộc chiến. Những căn bệnh này chủ yếu được điều trị bằng các nghi lễ. Điều đó có vẻ hơi ngớ ngẩn đối với chúng ta, nhưng nếu như nhìn vào một ví dụ từ Châu Phi, thì có lẽ mình sẽ hiểu vấn đề. Nếu như người nào bị bệnh nặng, thì thái độ của người đó sẽ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch rất nhiều. Điều này đã được y học hiện đại mô tả và nghiên cứu. Nếu như cả cộng đồng sẽ thức suốt đêm, nhảy múa và thực hiện nghi lễ, thì việc này sẽ giúp cho người bệnh cảm thấy mọi người đều thật lòng hỗ trợ họ, và điều đó sẽ cải thiện tinh thần của họ rất nhiều, nhờ vậy mà có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Điều tương tự có thể xảy ra, khi có một nhóm các chư Tăng Ni làm một nghi lễ cho mình. Việc này sẽ tăng cường hệ thống miễn dịch, để người ta có thể hồi phục sức khỏe nhanh chóng hơn.

Bệnh Tật Phát Sinh Từ Những Điều Kiện Khác: Ngũ Đại Và Ba Năng Lượng

Hãy nhìn vào loại bệnh tật thứ hai. Trước tiên, chúng ta sẽ xem xét bản chất của bệnh tật. Tính quân bình của ngũ đại hay ba năng lượng trong cơ thể sẽ được kiểm tra. Ngũ đại là thổ, thủy, hỏa, khí và không gian. Đây không phải là những điều trừu tượng, kỳ lạ, không liên quan đến cơ thể. Thổ đề cập đến khía cạnh rắn chắc của cơ thể, thủy là chất lỏng, hỏa là nhiệt (bao gồm nhiệt tiêu hóa và độ axit) và khí không chỉ liên quan đến các loại khí trong cơ thể, mà còn liên hệ với năng lượng trong cơ thể, bao gồm cả năng lượng điện của hệ thần kinh. Không gian nói về những khía cạnh không gian trong cơ thể, như vị trí của những cơ quan khác nhau, và các cơ quan rỗng không như dạ dày, vân vân. Bệnh tật được xem như việc thiếu quân bình trong những yếu tố này. Có điều gì không ổn với hệ thống ngũ đại này.

Cách mà y học Tây Tạng xem bệnh tật như việc ba năng lượng không quân bình bắt nguồn từ người Hy Lạp, nhưng từ ngữ thật sự trong cả tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng theo nghĩa đen là "những điều có thể không ổn". Các năng lượng là ba hệ thống trong cơ thể, mỗi hệ thống có năm phần. Tôi không rõ tại sao năm thành phần lại được gộp lại thành một hệ thống. Ba hệ thống chính được gọi là khí, mật và đờm. Hãy xem những gì liên quan đến những hệ thống này.

Khí chủ yếu nói về khí trong cơ thể. Có những khí liên quan đến phần trên của cơ thể: năng lượng đi vào và ra khỏi phần trên của cơ thể, như khi mình đang nuốt, nói chuyện, vân vân. Có những khí liên quan đến phần dưới của cơ thể: năng lượng đi vào và ra khỏi phần dưới của cơ thể, chẳng hạn như khi mình chứa hay thải các chất bài tiết, kinh nguyệt và cực khoái. Một khía cạnh của năng lượng liên quan đến sự lưu thông trong cơ thể và huyết áp. Chúng ta cũng có năng lượng thể chất, liên quan đến sự chuyển động, và các loại năng lượng khác nhau, liên hệ với tim.

Mật liên quan với những khía cạnh nào đó của việc tiêu hóa, như mật tiết ra từ gan. Nó liên hệ đến những khía cạnh khác nhau về sắc tố của da, như khi mình bị ăn nắng, với huyết sắc tố, hồng cầu và với những thứ liên quan đến mắt.

Đờm liên quan đến các hệ thống chất nhầy và hệ thống bạch huyết trong cơ thể. Nó liên quan đến bệnh cảm, các vấn đề về xoang (sinus) và những loại bệnh này, cũng như về mặt chất nhờn để các khớp xương chuyển động – ở đây thì tôi không biết chắc về thuật ngữ y học phương Tây. Tôi nghĩ nó được gọi là hoạt dịch (sinovial fluid). Chẳng hạn như thấp khớp và viêm khớp là chứng rối loạn đờm. Tiêu hóa là một quá trình phức tạp mà trong đó, các khía cạnh nào đó của khí, mật và đờm có liên quan với những giai đoạn khác nhau. Đây là tất cả những hệ thống rất phức tạp. Như tôi đã nói, không dễ gì thấy cách mà năm thể loại của mỗi một năng lượng trong ba loại năng lượng này phù hợp với nhau trong một năng lượng.

Bệnh tật được xem là việc mất quân bình của ba năng lượng này, có thể có nghĩa là một trong ba loại này quá mạnh mẽ, hay một trong ba loại này quá yếu ớt. Có thể có những chứng rối loạn đơn giản, và có thể có những chứng rối loạn của một số hệ thống trong cùng một lúc. Y học Tây Tạng là một hệ thống tổng thể, điều trị toàn bộ cơ thể, vì tất cả các hệ thống của cơ thể đều liên hệ với nhau.

Có nhiều cách để phân loại bệnh tật. Đôi khi máu được xem như một hệ thống thứ tư, bao gồm các bắp thịt trong cơ thể. Theo cách phân chia đó, thì mình có thể phân chia các hệ thống rối loạn về mật, máu và nhiệt như một thể loại, và rối loạn về khí, đờm và cảm lạnh như một loại khác. Người Tây Tạng thường phân tích bệnh tật về mặt họ bị bệnh nóng hay lạnh, nhưng tôi không biết chắc ý nghĩa của nóng hay lạnh. Chắc chắn là nó không liên quan đến nhiệt độ.

Nguyên Nhân Tạo Ra Bệnh Tật

Nói chung thì bệnh tật có thể xảy ra vì chế độ ăn uống, khi dùng những thức ăn không thích hợp với mình, hay có quá nhiều dầu mỡ. Chúng có thể là vì vấn đề về hành vi của mình, như ra ngoài trời lạnh mà không mặc đủ đồ ấm. Ngồi trên mặt đất lạnh, hoặc trên một tảng đá ướt lạnh, là nguyên nhân chắc chắn tạo ra vấn đề cho thận. Bệnh tật có thể do các sinh vật nhỏ, vi trùng hay vi khuẩn tạo ra. Điều này tương tự như những điều mà Tây y nói. Tuy nhiên, những điều mà y học Tây Tạng nói thì vượt qua những điều này, đó là chúng ta có thể xem xét mức độ sâu sắc hơn của nguyên nhân gây bệnh. Tôi nghĩ có lẽ cách nhìn thú vị và hữu ích nhất về y học Tây Tạng theo cách suy nghĩ của chúng ta là ý tưởng rằng nguyên nhân cơ bản tiềm tàng cho việc mất quân bình thể chất là vì mất quân bình về cảm xúc và tinh thần.

Nếu muốn vượt qua bệnh tật một cách hoàn toàn, thì phải giúp cho tất cả các mức độ được quân bình, đặc biệt là mức độ cảm xúc/tinh thần. Có ba phiền não chính. Trước tiên là tham. Đó là dục vọng loạn thần mà tôi cảm thấy mình phải có được thứ này, và nếu không có được nó, thì tôi sẽ điên lên. Thứ hai là sân. Thứ ba là si, tâm khép kín và bướng bỉnh. Những phiền não này tương quan với những chứng rối loạn của ba năng lượng. Dục vọng tạo ra chứng rối loạn về khí; tâm sân đưa đến sự rối loạn về mật; tâm khép kín tạo ra sự rối loạn về đờm. Điều này rất thú vị. Hãy xem xét chúng kỹ hơn một chút.

Khi khí bị rối loạn thì cảm giác rất bồn chồn thường là một triệu chứng rất đặc trưng. Nó có liên quan với huyết áp cao. Chúng ta cũng có cảm giác căng thẳng trong ngực. Chúng ta cảm nhận được điều mà mình mô tả như là cõi lòng tan nát; phiền muộn kinh khủng. Đây là những chứng rối loạn khí rất phổ biến, liên quan đến dục vọng. Chẳng hạn, nếu như mình rất dính mắc với việc kiếm được nhiều tiền, nên cứ làm việc quần quật, rồi bị huyết áp cao, và luôn bồn chồn lo lắng. Nếu như quá quyến luyến với người nào, rồi họ chết đi, hay rời xa mình, thì ta sẽ mắc phải hội chứng cõi lòng tan nát. Những người thiền không đúng cách và tự thúc đẩy bản thân quá mạnh, cũng bị chứng rối loạn khí. Khi thúc đẩy bản thân quá mạnh về bất cứ điều gì, thì nó sẽ đè nén năng lượng trong cơ thể, tạo ra sự căng thẳng ở ngực, hồi hộp, hoang tưởng và vân vân. Ruột hay dạ dày căng thẳng cũng là chứng rối loạn khí. Nguyên nhân tâm lý tiềm ẩn tạo ra những vấn đề này là quá nhiều tham ái hay dục vọng.

Chứng rối loạn mật bắt nguồn từ tâm sân. Chứng loét bao tử, khi có quá nhiều mật trong dạ dày, có liên quan đến tâm quá sân hận. Khi tức giận thì mặt mình sẽ đỏ lên. Mật ảnh hưởng đến sắc tố. Khi mắc bệnh vàng da thì da sẽ bị vàng, và khi tức giận thì da sẽ đỏ. Cũng có những cơn đau đầu vì mật, thường đi kèm với sự tức giận, khi mắt bị rát, đầu đau rát.

Đờm có liên quan đến tâm si mê và khép kín. Chúng ta chấp chặt những ý tưởng rất bướng bỉnh, và không muốn lắng nghe người khác. Hay là lòng mình khép kín đối với một số người nào đó, vì không muốn giao thiệp với họ. Giống như tim óc của mình khép kín, thì xoang của mình cũng đóng lại, và ta sẽ có vấn đề về xoang, hay vấn đề với ngực, như viêm phổi hay suyễn, hoặc cơ thể khép kín và cứng nhắc vì viêm khớp hay thấp khớp. Cơ thể sẽ phản ảnh tính thiếu linh hoạt của tâm trí.

Tuy điều này có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng cũng có thể áp dụng cách suy nghĩ này cho những căn bệnh khác. Thông thường thì với bệnh ung thư, chúng ta sẽ thấy người ta có thái độ tự hủy hoại bản thân rất nặng nề. Sau khi cô của tôi qua đời, thì chú của tôi không muốn sống nữa. Lối sống của ông bắt đầu trở nên tự hủy hoại, và ông đã bị ung thư khá nhanh, là chứng bệnh mà cơ thể tự hủy hoại. Ông đã qua đời trong vòng một năm. Người ta có thể nghĩ rằng tâm trạng được phản ảnh vì tính tự hủy diệt của bệnh ung thư. Hiển nhiên là điều này không đúng với tất cả các trường hợp ung thư, nhưng nó cung cấp cho ta điều gì thú vị để tư duy.

Đối với bệnh AIDS thì cơ thể không có khả năng chống lại những vấn đề khác. Một số người bị AIDS thì không thể chống lại chứng nghiện ma túy, hoặc quan hệ tình dục bừa bãi. Giống như họ không thể khống chế dục vọng của mình, thì cơ thể không thể tự bảo vệ, để thoát khỏi bất cứ bệnh tật nào. Đây là khía cạnh của y học Tây Tạng mà tôi thấy phấn khởi nhất, ngoài việc sử dụng  thuốc men thực tiễn.

Chẩn Bệnh

Hãy tiếp tục với hệ thống y tế thật sự. Nếu muốn chẩn bệnh, thì mình phải đặt câu hỏi, khám bệnh và bắt mạch. Người Tây Tạng không quá chú trọng đến việc hỏi người bệnh vấn đề của họ là gì. Yếu tố thứ hai được nhấn mạnh nhiều hơn. Việc khám bệnh bao gồm cả việc khám lưỡi, nhưng điểm chính là xem xét nước tiểu. Bác sĩ sẽ xem đợt nước tiểu đầu tiên vào buổi sáng. Nước tiểu này sẽ được đem đến cho bác sĩ trong một hộp trong suốt, hay màu trắng, rồi bác sĩ sẽ dùng một cái que để quậy nó. Bác sĩ sẽ tìm kiếm nhiều yếu tố. Đầu tiên, họ sẽ nhìn vào màu sắc. Sau đó, họ sẽ nhìn vào loại bong bóng hình thành, khi nước tiểu được quậy lên, kích cỡ của bong bóng, và thời gian mà chúng sẽ tồn tại. Khi chúng phân tán, thì sẽ phân tán như thế nào, và có một loại chất nhờn nào ở trong đó hay không? Nước tiểu mỏng hay dày? Có chất kết tủa nào hay không? Họ cũng kiểm tra mùi nước tiểu. Nếu họ nhận được nước tiểu ngay lập tức vào buổi sáng, thì cũng có thể quan sát màu sắc của nó sẽ thay đổi như thế nào, khi nó nguội bớt. Với tất cả các yếu tố này, người ta có thể chẩn bệnh một cách rất chính xác.

Việc khám nước tiểu thật ra là một hệ thống chẩn bệnh rất tuyệt vời, vì khi bắt mạch thì bác sĩ phải xem xét tuổi và giới tính của người bệnh, và thời gian trong năm. Khi khám nước tiểu thì bác sĩ cũng cân nhắc xem nó cũ bao lâu rồi. Điều này sẽ cho phép bác sĩ khám nước tiểu đã cũ, sau một hay hai tuần. Điều này rất hữu ích ở Tây Tạng, nơi mà một người thân trong gia đình có thể phải mang mẫu nước tiểu bằng yak trong một hoặc hai tuần để đến gặp bác sĩ. Trong thời hiện đại, có thể chúng ta phải gởi nó qua đường hàng không, để đến Ấn Độ.

Người bệnh cũng được bắt mạch. Điều này cũng rất tinh vi. Bác sĩ thường bắt mạch trên cổ tay, xa hơn ngón tay cái một chút, bằng cách sử dụng ba ngón tay. Với mỗi ngón tay thì bác sĩ sẽ ấn xuống với một lực khác nhau. Ngón trỏ chỉ bắt mạch trên bề mặt. Ngón giữa ấn xuống một chút nữa, rồi ngón áp út sẽ ấn xuống càng sâu càng tốt. Mỗi ngón tay sẽ lăn nhẹ từ bên này sang bên kia. Điều này được thực hiện trên cả hai cổ tay. Dựa vào cách này thì mỗi bên của ngón tay sẽ chẩn đoán một bộ phận khác nhau trong cơ thể.

Nhịp mạch được đo bằng cách so sánh nó với hơi thở của bác sĩ. Vì không có đồng hồ đeo tay vào thời Tây Tạng cổ xưa, nên họ sẽ đếm số nhịp của mạch, cho là trong mười hơi thở của mình. Ngoài ra, khi ấn tay xuống thì họ sẽ xem điều gì xảy ra với mạch. Liệu nó có biến mất hay không? Nó có đập trở lại một cách mạnh mẽ không? Người ta sẽ nhìn vào cách mà mạch di chuyển trong động mạch, bằng cách cảm nhận cách nó chảy qua ba ngón tay. "Hình dạng" của mạch được ghi nhận. Nó có lăn không? Liệu nó có nhảy theo cao điểm sắc nét không? Nó có lượn từ bên này sang bên kia không? Có nhiều khả năng. Rõ ràng là điều này đòi hỏi bác sĩ có ngón tay rất nhạy cảm. Trong khi có những cách bắt mạch trong hệ thống Ayurveda Ấn Độ, bắt nguồn từ Ấn Độ giáo, cũng như trong y học Trung Quốc, nhưng nó được thực hiện theo một cách khác nhau trong mỗi hệ thống. Việc khám nước tiểu dường như là điểm đặc thù trong hệ thống Tây Tạng.

Trị Liệu

Nhờ cách kiểm tra những yếu tố khác nhau, mà bác sĩ có thể định bệnh. Sau đó, chúng ta phải trị bệnh. Việc trị liệu bao gồm việc điều chỉnh chế độ ăn uống, hành vi và uống thuốc, nhưng có nhiều cách khác để điều trị những tình trạng khác nhau, kể cả châm cứu và ngải cứu, tức là đốt các bộ phận trong cơ thể.

Chế Độ Ăn Uống

Nếu như khí bị rối loạn, thì một số thực phẩm sẽ rất có hại. Chẳng hạn như chất caffeine trong cà phê sẽ làm cho chứng rối loạn khí trầm trọng thêm. Chúng ta rất bồn chồn, và huyết áp sẽ cao. Đậu lăng (lentil), giống như đậu, sẽ tạo ra hơi – và việc đánh rắm là dấu hiệu của điều này. Đối với chứng rối loạn mật thì trứng và thực phẩm có nhiều dầu mỡ, hay đồ chiên là những món không tốt. Đối với chứng rối loạn đờm thì phải tránh các sản phẩm làm từ sữa và gạo, vì chúng sẽ tạo ra rất nhiều chất nhầy. Chúng ta cũng lưu ý điều này ở phương Tây. Các loại thực phẩm khác có thể rất hữu ích cho những chứng rối loạn này. Ví dụ như uống nước nóng rất tốt cho đờm, vì nó sẽ rửa sạch chất nhầy. 

Sửa Đổi Hành Vi

Còn về việc sửa đổi hành vi, nếu như mình bị rối loạn khí, thì điều quan trọng là giữ ấm, và ở gần bạn bè yêu thương mình. Việc vui cười là điều tuyệt vời cho chứng rối loạn khí. Nếu mình rất buồn bực và bồn chồn, thì tiếng cười sẽ giải tỏa những vấn đề này. Việc nhìn vào viễn cảnh dài lâu sẽ rất hữu ích. Ngoài ra, ta có thể tránh những việc như đứng trước quạt máy hay đứng ngoài trời có gió lớn. Người ta thường thấy những cỗ máy có công suất rất cao sẽ tạo ra tiếng ồn, như máy cắt cỏ công suất hoặc máy lạnh, sẽ khiến cho họ càng bồn chồn hơn. Đối với chứng rối loạn mật thì việc giữ cho cơ thể mát mẻ và tránh ánh nắng mặt trời là điều rất hữu ích. Đối với đờm thì việc tập thể dục và giữ ấm sẽ rất tốt. Điều đó sẽ giúp cho các khớp xương dẻo dai hơn, và làm sạch chất nhầy.

Thuốc Men

Uống thuốc là phương pháp điều trị chính trong y học Tây Tạng. Chủ yếu là thuốc được bào chế từ các loại thảo mộc. Nó cũng bao gồm các chất khoáng và vân vân. Mỗi loại thuốc có thể có 50 hay nhiều thành phần hơn, được trộn với nhau. Thường thì chúng được trộn và nghiền thành dạng thuốc viên. Người ta sẽ nhai và uống những viên thuốc này bằng nước nóng. Nếu như không nhai, mà chỉ nuốt chúng, thì có lẽ chúng sẽ trôi qua cơ thể mình và đi ra ngoài, mà không hề tan rã. Chúng rất cứng. Người Tây Tạng có hàm răng rất chắc. Nếu như thấy chúng khó nhai, thì mình có thể bọc chúng bằng cái gì như khăn tay, và dùng búa để giã chúng ra.

Các loại thuốc được dùng nửa tiếng trước hay sau bữa ăn. Thỉnh thoảng, một viên thuốc thứ tư sẽ được uống vào khoảng 4 giờ chiều, vì giờ ăn trưa đối với người Tây Tạng có nghĩa là buổi trưa. Ở Mễ Tây Cơ và các nước La-tinh khác, nếu đã được kê bốn loại thuốc khác nhau, thì bạn phải uống loại thuốc dành cho bữa ăn trưa vào buổi trưa, và uống loại thuốc dành cho bốn giờ chiều vào sau bữa ăn chiều.

Một trong những lợi thế lớn của y học Tây Tạng là trong hầu hết các trường hợp, dù có các trường hợp ngoại lệ, nhưng không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, nó hơi giống với thuốc vi lượng đồng căn (homeopathy), không phải theo nghĩa là liều thuốc rất nhỏ, mà là thuốc sẽ gom căn bệnh lại, để nó tụ lại một chỗ, rồi thì thuốc sẽ tiêu diệt căn bệnh. Vì vậy mà trong nhiều trường hợp, mặc dù không phải lúc nào cũng vậy, lúc đầu thì bệnh sẽ tệ hơn một chút. Đó chỉ là dấu hiệu cho thấy thuốc đang gom căn bệnh lại, để có thể tiêu diệt nó. Người ta phải kiên nhẫn, và vượt qua giai đoạn đầu.

Khi dùng thuốc thì điều quan trọng là phải nhai nó, không chỉ để giúp cho nó được tiêu hóa, mà mình còn có thể nếm vị thuốc. Vị nếm của thuốc thường khá ngán ngẫm. Nó có thể có vị mà người ta không bao giờ tưởng tượng là có thể tồn tại. Vị nếm rất quan trọng, vì nó sẽ kích thích những chất khác nhau trong miệng và đường tiêu hóa. Một phần của cách mà thuốc hoạt động là kích thích cơ thể tiết ra nhiều loại enzyme khác nhau. Người ta phải kiên nhẫn một chút với vị nếm của thuốc.

Điều khá thú vị là các loại thực phẩm và các thành phần khác nhau trong thuốc Tây Tạng được phân loại theo vị nếm, chứ không phải phân loại theo ngũ đại hay âm dương của Trung Quốc, cũng không phải là phân loại theo Ayurvedic về ba phẩm chất của rajas, sattva và tamas. Bác sĩ Tây Tạng phân loại chúng theo vị nếm chính và dư vị. Một số vị nếm thì thích hợp cho những chứng rối loạn khác nhau.

Ngoài ra, còn có một hệ thống khoảng 18 phẩm chất của thực phẩm, cũng như các loại thảo mộc. Điều thú vị ở đây là nơi mà thức ăn hay thảo mộc mọc lên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của chúng. Loại nào mọc ở một nơi có nhiều gió thì sẽ có một chất lượng nào đó, khác với loại mọc ở nơi khô ráo. Điều này trở thành một vấn đề khá lớn, đối với việc trồng dược thảo, bởi vì chúng phải mọc trong môi trường tự nhiên.

Xoa Bóp Và Châm Cứu

Y học Tây Tạng không nhấn mạnh quá nhiều vào phương pháp xoa bóp (massage). Đối với một số bệnh thì người ta sẽ thoa dầu thuốc, nhưng nó sẽ được thoa, mà không áp dụng cách xoa bóp nào cả. Y học Tây Tạng không tác động đến hào quang như hệ thống Reiki của Nhật Bản. Có một hình thức châm cứu, khác với châm cứu Trung Quốc. Các điểm châm cứu thì khác nhau, và việc mô tả về các kênh mà năng lượng di chuyển trong cơ thể thì khác nhau. Các loại kim được sử dụng cũng khác nhau. Người Tây Tạng sử dụng kim làm bằng những chất khác nhau. Kim vàng là một trong những loại kim phổ biến nhất. Nó được đưa vào phần mềm trên đỉnh đầu, để kích thích dây thần kinh. Điều này được sử dụng cho những bệnh như động kinh.

Đốt

Ngải cứu là cách ứng dụng nhiệt, hay đốt các bộ phận khác nhau trong cơ thể. Chúng được thực hiện trên cùng một điểm mà bạn sẽ châm cứu. Ở độ cao, những nơi lạnh thì ngải cứu sẽ hiệu quả hơn; ở những nơi nóng hơn, ở độ thấp hơn thì kim sẽ có hiệu quả hơn trên cùng một điểm. Tuy nhiên, đối với những căn bệnh cụ thể thì ngải cứu là phương pháp trị liệu nên sử dụng.

Lý thuyết cho điều này là có dòng chảy của năng lượng qua các kinh mạch chính bị nghẽn, nên nhờ cách đốt hay kích thích những điểm này bằng kim, thì chỗ bị nghẽn sẽ lưu thông trở lại. Phương pháp đốt có thể được thực hiện theo nhiều nhiệt độ khác nhau. Hình thức nhẹ nhất là bằng một loại đá nào đó, được gắn trong một tay cầm bằng gỗ. Đó là một loại đá trắng có sọc đen, gọi là đá zi, một loại đá rất đặc biệt được tìm thấy ở Tây Tạng. Nó được làm nóng bằng cách ma sát nó trên một tấm gỗ, rồi đặt vào những điểm cụ thể trên cơ thể. Cách này rất hiệu quả. Tôi đã sử dụng cách trị liệu này có lẽ một trăm lần cho một vài chứng bệnh. Hãy để tôi mô tả nó.

Tôi đã có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh viêm khớp phong thấp, có những cục u bị đau ở vai và hông. Bác sĩ đã cho tôi thuốc để gom tụ cái mà người Tây Tạng gọi là "bạch huyết" vào những điểm đau đớn này, rồi đốt chúng. Ông đã làm như vậy trong một quá trình ba hoặc bốn năm. Vết phỏng không tệ lắm, giống như vết phỏng vì thuốc lá, và không đau lắm, mặc dù nó trông giống như thời Trung cổ. Tôi không biết bạn sẽ mô tả nó như thế nào theo quan điểm y học phương Tây, nhưng cách giải thích của tôi về những điều đang diễn ra là các hạch bạch huyết trên khớp bị sưng, hay có lẽ đó là vấn đề về hoạt dịch (synovial fluid) xung quanh khớp xương. Trong bất kỳ trường hợp nào, khi bác sĩ đốt những điểm đó thì chất dịch bên trong gây ra áp lực đau đớn sẽ tạo ra một vết phồng, bởi vì khi bác sĩ đốt chỗ đó thì cơn đau chấm dứt ngay lập tức. Một cách khác mà tôi xem phương pháp này là nếu cơ thể bị cháy ở những điểm nào đó, thì nó sẽ gởi tin báo động; và một lượng lớn tế bào bạch cầu sẽ di chuyển đến điểm đó, và sẽ chữa lành bất cứ sự rối loạn nào đang xảy ra ở đó, bên cạnh vết phỏng. Tôi thấy cách điều trị này rất hữu ích, và tôi đã hết bệnh.

Tôi có một bệnh khác. Đôi lúc, khi bạn đi bộ lên xuống núi nhiều lần thì một sợi gân bắt đầu cọ vào xương trên đầu gối, nên khá đau. Tôi đã đến một bác sĩ phương Tây để khám bệnh, và bác sĩ nói rằng: "Khi nào đi bộ thì ông chỉ cần bó một miếng băng thun giãn xung quanh nó." Cảm ơn rất nhiều. Tôi đã thực hiện châm cứu theo kiểu Trung Quốc, và nó không giúp ích gì cả. Cuối cùng, tôi đã trở lại Ấn Độ và gặp bác sĩ Tây Tạng của mình. Ông ấy đã đốt ngay trên đầu gối, và một nơi khác ở phần trên của chân, và tôi đã hoàn toàn khỏi bệnh. Vì vậy, từ kinh nghiệm cá nhân, tôi đã thấy cách đốt ngải cứu là một phương pháp trị liệu rất hiệu quả.

Một kiểu đốt mạnh mẽ hơn được thực hiện bằng một giùi sắt hay giùi bạc, được nung lên bằng than. Tôi đã thấy phương pháp này được sử dụng cho vấn đề với cột sống, khi có điều gì không ổn với một đĩa đệm, hay cột sống bị trật, vì lý do nào đó. Họ sẽ đốt những điểm cụ thể kế bên cột sống, và điều đó sẽ tạo ra một cú sốc mạnh mẽ cho cơ thể, đến mức cơ thể sẽ tự động điều chỉnh lại. Một lần nữa, nó trông rất giống như thời Trung cổ, nhưng lại có hiệu quả.

Kiểu đốt thậm chí còn nghiêm trọng hơn là đốt một hình nón nhỏ của một loại bột nhão nào đó. Nó sẽ cháy từ từ. Đó là cách đốt được sử dụng cho viêm khớp và thấp khớp rất nặng nề, khi các khớp xương không thể chuyển động được.

Những Phương Pháp Trị Liệu Khác

Có một số loại dầu, làm bằng dầu hay bơ trộn với các loại thảo mộc, được sử dụng cho những loại bệnh về da. Thậm chí, còn có những hỗn hợp dược thảo rất hữu ích cho các chứng rối loạn ruột dưới. Ngoài ra, còn có một số loại bột được hít như thuốc hít, để trị bệnh về xoang (sinus). Người Tây Tạng cũng rất tận dụng các suối nước nóng có chất khoáng.

Đào Tạo

Hệ thống y học Tây Tạng đòi hỏi một thời gian đào tạo rất dài. Các bác sĩ thường học bảy năm, và không chỉ học cách chữa bệnh cho con người, mà còn cho thú vật; và không chỉ học về y học, mà cả dược lý nữa. Họ học cách xác định cây thuốc, cách hái chúng và cách làm thuốc.

Chiêm Tinh Học

Hệ thống Tây Tạng cũng liên quan đến một số nghiên cứu về chiêm tinh học. Trong chiêm tinh học Tây Tạng, một khía cạnh là con giáp của năm sinh. Đối với mỗi con giáp thì những ngày cụ thể trong tuần sẽ hỗ trợ sinh mạng, hoặc gây tử vong. Nếu bác sĩ sẽ thực hiện một thủ thuật mạnh mẽ như đốt, thì nếu có thời gian, họ sẽ tham khảo chiêm tinh, để xác định ngày thích hợp nhất trong tuần cho thủ thuật này. Không phải lúc nào việc này cũng khả thi, vì khi có trường hợp khẩn cấp, hay không có đủ thời gian, thì không thể tham khảo chiêm tinh.

Phẫu Thuật

Y học Tây Tạng thời cổ đại đã có hình thức phẫu thuật. Chúng tôi có hình ảnh trong sách, nói về dụng cụ phẫu thuật. Nhưng một lần nọ, khi một y sĩ thực hiện phẫu thuật tim cho nữ hoàng, và đã không thành công. Sau đó, việc mổ xẻ và phẫu thuật bị cấm. Y học Tây Tạng có thể điều trị nhiều thứ bằng dược thảo, mà ở phương Tây thì phải giải phẫu, như viêm ruột dư. Nếu bạn bị tai nạn xe hơi, thì thuốc Tây Tạng có thể chỉnh xương lại, có một loại thuốc rất tốt để trị cơn sốc, và để gia tăng quá trình lành lặn, nhưng nếu như mình thật sự cần một cuộc giải phẫu, thì nên đi bác sĩ Tây y.

Vấn đề là không nên đặt mọi hy vọng vào một hệ thống y tế. Các hệ thống y tế khác nhau ở khắp nơi trên thế giới rất hữu ích cho những căn bệnh cụ thể. Có một số điều mà y học Tây Tạng chưa bao giờ điều trị được, như bệnh đậu mùa hay bệnh lao. Nhưng nó có khả năng chữa trị những bệnh khác một cách tuyệt vời, mà chúng ta không có phương pháp điều trị ở phương Tây, như viêm khớp và viêm gan. Y học Tây Tạng có thể điều trị một số loại ung thư nào đó khá tốt đẹp, nhưng không phải là có thể điều trị tất cả các loại ung thư. Ngay cả khi không chữa được ung thư, thì nó có thể làm giảm đau, và cải thiện chất lượng đời sống của một người đang hấp hối.

Thích Nghi Với Hiện Đại

Điều cũng khá thú vị là các sách vở cổ xưa đã tiên đoán sự phát triển của những bệnh mới trong tương lai. Hiện nay, chúng ta có những thứ như bệnh AIDS, và những bệnh liên quan đến vấn đề ô nhiễm. Công thức bào chế các loại thuốc chữa những bệnh này thì nằm trong sách vở, nhưng hơi mơ hồ. Ngoài việc là bác sĩ cao cấp của Đức Dalai Lama, Tiến sĩ Tenzin Choedak còn là người có thể giải mã những công thức này, và bào chế các loại thuốc mới.

Rất nhiều những loại thuốc này được chế tạo từ thủy ngân giải độc. Chúng được nấu với những dược liệu khác trong vài tháng, trong một quá trình giải độc rất chậm rãi. Loại thuốc này rất hữu ích đối với những bệnh liên quan đến vấn đề ô nhiễm - và rất nhiều căn bệnh hiện đại của chúng ta liên quan đến vấn đề ô nhiễm. Loại thuốc này khá thành công trong việc điều trị cho những người bị ô nhiễm vì thảm họa hóa học Bhopal ở Ấn Độ. Tôi đã có vinh dự được đi du lịch với bác sĩ Tenzin Choedak ở Nga vài năm trước, khi ông đang thử nghiệm loại thuốc này cho các nạn nhân bị bức xạ ở Chernobyl, theo lời mời của Bộ Y tế Nga. Kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Vì vậy, tuy hệ thống y tế Tây Tạng cổ xưa và phức tạp, nhưng nó có thể thích nghi với những căn bệnh hiện đại, và có thể rất hữu ích đối với nhiều chứng rối loạn trong cơ thể.

Thái Độ Thực Tế Về Phương Pháp Trị Liệu 

Không nên mong đợi phép màu từ việc dùng thuốc Tây Tạng, mà còn phải cân nhắc yếu tố nghiệp nữa. Có thể có hai người mắc bệnh giống nhau, uống cùng một loại thuốc, và nó sẽ có tác dụng với người này, nhưng lại không hữu hiệu cho người kia. Có nhiều yếu tố liên quan trong đó. Một là mối liên hệ nghiệp lực từ kiếp trước với một phương pháp trị liệu nào đó, và một bác sĩ nào đó. Nếu người ta chưa tích tập đủ nghiệp lực để chữa hết bệnh, thì dù có loại thuốc hay bác sĩ nào đi nữa, cũng không giúp ích được gì. Phải thực tế khi tiếp cận bất cứ hệ thống y tế nào, kể cả hệ thống y tế Tây Tạng. Chúng ta cũng nên cố gắng có thái độ tích cực, vì chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch. Nhưng không được mong đợi phép màu, rồi lại đi kiện bác sĩ, nếu thuốc không hữu hiệu như mình mong muốn.

Top