Ông có thể nói một chút về nghi lễ chữa bệnh không?
Việc thảo luận về nghi lễ chữa bệnh thì cũng tương tự như những điều chúng ta đã thảo luận về nghiệp. Bệnh tưởng tượng hay rối loạn về tâm thể (psychosomatic disease), do những lực ám hại tạo ra, thường được điều trị bằng các nghi lễ và cầu nguyện. Thường thì người Tây Tạng sẽ có các pujas (lễ cúng dường), hay những bài cầu nguyện được thực hiện như một cách bổ sung cho trị liệu y tế. Người ta không chỉ thực hiện puja, mà không dùng thuốc. Nếu như họ làm như vậy, thì sẽ giống như trò đùa sau đây.
Một người đàn ông đã cầu nguyện với Thượng đế, để Ngài giúp anh ta. Cuối cùng, Thượng đế nói rằng: "Con muốn gì?". Người đàn ông nói: "Con muốn trúng số."."Được.". Thế là người đàn ông đợi hoài và đợi mãi, mà không có gì xảy ra. Sau đó, anh ta bắt đầu cầu nguyện lần nữa: "Thượng đế ơi, tại sao Ngài lại bỏ rơi con?". Thượng đế trả lời rằng: "Đồ ngốc, đi mua vé số đi!".
Các nghi lễ sẽ không có hiệu quả, cho đến khi nào mình mua vé số, cho đến khi mình uống thuốc. Rồi thì nó có thể giúp ích, nhưng sẽ không mang lại phép màu. Nó sẽ chỉ giúp ích, nếu như mình có đúng nghiệp lực để được giúp đỡ bằng loại nghi lễ này. Người ta phải tiếp cận những nghi lễ này một cách thực tiễn. Chúng có thể tăng cường lòng tự tin của mình, nhưng thật sự chỉ được thực hiện như một sự bổ sung cho trị liệu y tế. Chúng không phải là phép thuật hay phép màu.
Ông có thể nói một chút về thuốc được làm bằng đá quý không?
Y học Tây Tạng có cái gọi là "những viên thuốc quý", thường được chế tạo bằng thủy ngân giải độc, một số đá quý và kim loại quý. Tôi biết là họ sử dụng bụi kim cương, vàng và bạc. Một số khoáng chất được sử dụng, nhưng tôi không biết chi tiết cụ thể. Những viên thuốc quý này được sử dụng để giải độc và vân vân. Chúng thường được bọc trong lụa màu, với một con dấu bằng sáp, vì chúng nhạy cảm với ánh sáng. Phải cố gắng không đưa chúng ra ánh sáng. Đôi khi, phải ngâm chúng trong nước, nên phải lấy một cái tách bằng sứ, và để một cái nắp lên trên đó. Hay chỉ cần cắt miếng lụa ra và bỏ nó vào miệng ngay lập tức.
Khi ông đang chữa trị chứng rối loạn về khí thì các bác sĩ có bảo ông tắm nước nóng hay nước lạnh không?
Không, họ không nói điều gì cụ thể về việc tắm rửa. Một số chứng rối loạn về khí được phân loại là nóng, và một số là lạnh. Đối với một số người thì việc giữ ấm sẽ có ích, nên việc tắm nước nóng có thể hữu ích, nhưng không phải là tắm hơi. Chúng ta có thể thấy nếu như mình đi tắm hơi, chẳng hạn vậy, thì không tốt cho khí, và sẽ làm tăng huyết áp. Hơi nóng khá có hại cho chứng rối loạn về mật. Đối với rối loạn về đờm thì cách làm đổ mồ hôi rất hữu ích, vì nó sẽ đưa đờm dư ra ngoài, nên tắm hơi sẽ rất tốt.
Có thể phát hiện những căn bệnh chưa biểu lộ triệu chứng hay không?
Chắc chắn là người Tây Tạng có thể điều trị những căn bệnh chỉ nằm trong dạng có tiềm năng. Hiện nay, tôi đang dùng thuốc Tây Tạng vì lý do đó, vì mắt của tôi ngày càng yếu đi. Tôi thấy là mắt mình chưa có vấn đề gì, nhưng cách điều trị này thường là phương pháp lâu dài.
Nếu như không có cơ hội gặp bác sĩ Tây Tạng, thì có những điều gì có sẵn trong văn hóa của mình mà giống với văn hóa Tây Tạng nhất, đặc biệt là nếu như mình đang dùng thuốc Tây Tạng, mà lại hết thuốc?
Khó mà nói hệ thống nào ở phương Tây giống với Tây Tạng nhất. Tuy nhiên, ngoài các phương pháp Tây y ra thì có lẽ y học Trung Quốc hay Ayurveda là gần nhất. Đôi khi, theo truyền thống Tây Tạng thì mình được cho một loại bột được pha thành một loại trà, nhưng nó không giống như các loại trà trong hệ thống y học Trung Quốc. Trong hệ thống của Trung Quốc thì họ không trộn lẫn các thành phần của thuốc, mà chỉ cho bốn hoặc năm thành phần riêng, rồi mình phải tự pha thành trà. Trong thời hiện đại thì người Trung Quốc đã sản xuất thuốc, nhưng theo truyền thống thì họ không là như vậy.
Nếu như thấy thuốc Tây Tạng có hiệu quả, thì có thể mua thêm. Nếu như mình có toa thuốc, thì có thể gởi một bản sao và mẫu nước tiểu của lượng nước tiểu đầu tiên trong ngày trong một chai nhựa nhỏ, loại không bể. Chỉ cần viết "mẫu nước tiểu" ở ngoài chai, để hải quan biết đó là cái gì.
Các biện pháp khử trùng nào sẽ được áp dụng với việc chế tạo những loại thuốc này?
Cây thuốc sẽ được rửa sạch và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, nhưng tôi không nghĩ là người ta tuân theo các tiêu chuẩn khử trùng của phương Tây. Tuy nhiên, tôi chưa nghe nói về trường hợp người nào có vấn đề về dạ dày vì loại thuốc này. Tôi chỉ biết một ví dụ về một ông già ở phương Tây bị ung thư tiến triển, và đã bị tiêu chảy vì dùng thuốc này.
Liệu nước tiểu có bị ô nhiễm trong chai nhựa nhỏ không?
Hy vọng là trước hết, chúng ta sẽ rửa sạch thuốc gội đầu ở trong chai! Nhựa sẽ không phản ứng nhiều với nước tiểu.
Có thể kết hợp việc điều trị với thuốc Tây Tạng và thuốc Tây y hay không?
Đôi khi, điều đó được thực hiện. Người ta khuyên là không nên dùng những thuốc này trong cùng một lúc, mà nên có khoảng cách một vài tiếng đồng hồ, rồi mới uống loại thuốc khác. Đôi khi, loại thuốc vitamin mạnh sẽ làm cho nước tiểu có màu khác, nên tốt nhất là không nên uống vitamin vào ngày trước khi mình đi gặp bác sĩ Tây Tạng, đặc biệt là vitamin B.
Nếu như không thể chữa được bệnh, thì bác sĩ Tây Tạng có bao giờ thực hiện phương pháp trợ tử cho người bệnh hay không?
Không, họ không làm như vậy. Họ sẽ cố gắng làm giảm cơn đau, và giúp cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái càng nhiều càng tốt. Thái độ của đạo Phật là để cho nghiệp tự kết thúc một cách tự nhiên. Và tất nhiên là họ không có máy móc để kéo dài cuộc sống một cách giả tạo.
Ví dụ, ở phương Tây thì loài chó thường được chích một liều thuốc để chết. Liệu họ có làm điều đó hay không?
Theo quan điểm nhà Phật thì đó là điều không nên. Tất nhiên là tùy theo hoàn cảnh. Chúng tôi phải xem xét riêng từng trường hợp. Đức Dalai Lama cũng nói như vậy. Nếu như mình ở trong tình trạng thuốc men bị hạn chế, và phải lựa chọn giữa việc sử dụng nhiều phương tiện để kéo dài thọ mạng của một người mà trước sau gì cũng sẽ chết, và có những người khác có khả năng phục hồi, sẽ được lợi lạc, nếu như họ có thể sử dụng những phương tiện đó, thì người ta phải có một sự chọn lựa khó khăn.
Đối với việc điều trị những căn bệnh khác nhau thì liệu có giới hạn về thời gian hay không?
Tôi không biết. Người Tây Tạng thường sẽ nhờ một vị Lạt ma bói một quẻ, trước khi họ bắt đầu điều trị, hay khi việc trị liệu không hiệu quả. Sau đó, vị Lạt ma sẽ đề nghị nên thực hiện một nghi lễ hay puja nào đó, để bổ sung cho việc điều trị. Ở Ấn Độ, thường thì người ta sẽ hỏi nên sử dụng hệ thống y tế nào, Tây phương hay Tây Tạng, và trong hệ thống Tây Tạng thì nên đi bác sĩ nào là tốt nhất. Một số người có thể có nhiều duyên nghiệp với bác sĩ này hơn là bác sĩ kia, hay đối với một loại bệnh nào đó thì bác sĩ này có thể tốt hơn bác sĩ kia.
Ở phương Tây, rất khó có được những tiên đoán như vậy. Y học Tây Tạng không cung cấp phương pháp chữa trị tức thời cho hầu hết các chứng bệnh. Nếu mình lên cơn suyễn, thì y học Tây Tạng sẽ không tự động giúp cho phổi nở ra bằng cách sử dụng thuốc xịt. Tuy nhiên, có một lần tôi bị viêm gan ở Ấn Độ, và sau một ngày rưỡi dùng thuốc Tây Tạng thì tôi đã có thể ra khỏi giường, đó là điều không thể xảy ra ở phương Tây.
Có một sự hỗn hợp giữa y học Tây Tạng và Shaman giáo của đạo Bon không?
Toàn bộ hệ thống tiên đoán để xem nghi lễ nào sẽ phù hợp hay không phù hợp, và vong linh nào có thể liên quan trong đó là khía cạnh bắt nguồn từ đạo Bon. Chiêm tinh học cũng nằm trong hệ thống đạo Bon.
Y học Tây Tạng trị bệnh răng như thế nào?
Như đã nói ngay từ đầu rằng tôi không phải là bác sĩ, nên không thể trả lời những câu hỏi cụ thể về mặt kỹ thuật. Xin lỗi nhé. Tuy nhiên, tôi biết vấn đề về răng thường được xem là do vi khuẩn gây ra, đó cũng là cách mà chúng ta nhìn vấn đề sâu răng. Họ không có hệ thống nha khoa tinh vi. Tôi chưa bao giờ thấy họ làm bất cứ trị liệu nha khoa nào. Có việc "lấy con sâu ra khỏi răng", mà tôi nghĩ có nghĩa là lấy tủy răng. Ngoài việc nhổ một cái răng hư thì tôi không nghĩ nha khoa được nhấn mạnh. Người Tây Tạng là chủng tộc có hàm răng tuyệt vời. Tôi nghĩ đó có thể là nhờ các sản phẩm làm từ sữa là yếu tố chính trong chế độ ăn uống của họ qua nhiều thế hệ.
Bác sĩ Choedak đã nói rằng một số bệnh tật là do vong linh tạo ra. Ông có thể nói thêm về điều đó không?
Đó là điều mà tôi đã đề cập đến như loại bệnh tưởng tượng. Tôi nghĩ rằng rất nhiều sự hiểu biết của chúng ta phụ thuộc vào cách mình hiểu về vong linh, liệu điều đó có nghĩa là một con ma mặc áo trắng, và nói 'boo' để dọa mình, hay liệu mình xem điều đó theo cách ẩn dụ hơn một chút, như những thế lực nguy hại trong một cuộc chiến tranh, khiến cho người nào hoảng sợ. Nguyên nhân từ hoàn cảnh tạo ra vấn đề suy nhược thần kinh, hay các yếu tố môi trường có thể được xem như vong linh hãm hại. Người Tây Tạng thường nói về những căn bệnh do thiên long (naga) gây ra. Thiên long là một loại thần linh liên quan đến hồ ao, cây và rừng, và khi mình làm ô nhiễm lãnh thổ của họ, thì họ sẽ tạo ra vấn đề. Đó là một cách để xem bệnh tật xuất phát từ việc tàn phá sinh thái.
Còn về những căn bệnh được tạo ra bằng tà thuật hay phù thủy thì sao?
Có những nghi lễ mà người Tây Tạng sử dụng, để khắc phục những điều như vậy. Người Tây Tạng xem tất cả những điều này việc rất nghiêm trọng. Chúng thuộc về nhóm bệnh tưởng tượng. "Tưởng tượng" không phải là cách tốt nhất để dịch chữ này, nhưng đó là nghĩa đen của nó.
Có pháp thiền cụ thể nào mà người ta có thể hành trì, đối với những loại bệnh cụ thể không?
Tôi không biết về pháp thiền dành cho bệnh cảm, trái ngược với pháp thiền dành cho chứng đau dạ dày, nhưng chắc chắn có những cách thiền để chữa bệnh, có thể được sử dụng cho bất cứ loại bệnh nào. Chúng thường được thực hiện với pháp quán tưởng về các Bổn tôn cụ thể như Tara, Phật Dược Sư, hay Phật A Di Đà. Chúng thường được hành trì theo ngũ đại mà mình đã thảo luận vào lúc đầu, nên chúng liên quan đến việc tưởng tượng mỗi một đại trong thân thể lần lượt được chữa lành. Ta cũng có thể tưởng tượng một người khác bị bệnh ở trong tim mình, và thực hiện cùng một pháp quán tưởng chữa bệnh. Rồi có pháp thiền chữa bệnh gọi là "cho và nhận", một lần nữa, cũng được thực hiện bằng trí tưởng tượng. Trong y học hay pháp thiền Tây Tạng thì không có điều gì giống như việc để tay trên người của bệnh nhân. Nếu như cách này không hữu hiệu, thì mình sẽ trở thành thằng ngốc, và trong nhiều trường hợp thì nó sẽ không có hiệu quả, nên khi giả vờ rằng mình có thể làm việc này là điều nguy hiểm. Pháp quán tưởng về việc nhận lấy bệnh tật của người khác và trao tặng cho họ sức khỏe tốt là điều phổ biến.
Dĩ nhiên là có những hệ thống không thuộc về Tây Tạng, chẳng hạn như Reiki, v.v..., liên quan đến việc chữa bệnh bằng tay. Theo quan điểm của Phật giáo Tây Tạng thì những cách chữa bệnh này không được hoàn thành một cách đơn giản, chỉ bằng thao tác vật lý, giống như đặt tay lên cơ thể, mà là nhờ hành vi chữa bệnh bằng tinh thần.
Dù có sử dụng hệ thống nào, thì sẽ có những trường hợp mà nó không hữu hiệu. Tùy theo cách chúng ta trình bày nó. Nếu như trình bày điều gì như một phương pháp hữu hiệu, mà nó không có hiệu quả, thì ta sẽ trở thành tên ngốc. Trong bất kỳ hệ thống y tế nào thì tốt nhất là nên nói rằng nó có thể hữu hiệu; và chúng ta sẽ thử nó xem sao.
Có phải việc trừ tà là một phần của y học Tây Tạng không?
Không phải trong y học Tây Tạng, nhưng trong các nghi lễ có thể được thực hiện, để bổ sung cho việc điều trị.