Chữ “Tăng đoàn” là một thuật ngữ tiếng Phạn, có nghĩa là “cộng đồng” và được sử dụng chủ yếu để chỉ những tín đồ đã xuất gia của Đức Phật, những người được gọi là tỳ kheo (bhikshus) và tỳ kheo ni (bhikshunis), hay chư Tăng Ni. Ngày nay, khi Phật giáo đã lan rộng khắp thế giới phương Tây, thì việc cộng đồng Phật tử nói chung, hoặc thậm chí chỉ một nhóm nhỏ của các cư sĩ tại gia trong một trung tâm Phật pháp được xem là Tăng đoàn, là điều khá phổ biến.
What is sangha 1

Nguồn Gốc Của Tăng Đoàn

Sau khi Đức Phật thành đạo, Kinh Chuyển Pháp Luân hay Dharmachakrapravartana Sutra cho biết rằng Ngài đã thuyết bài Pháp đầu tiên về Tứ Diệu Đế cho năm người bạn cũ, đã cùng tu pháp tu khổ hạnh với Ngài trong một vài năm. Với khai thị này, cả năm vị đầu đà đều trở thành đệ tử của Ngài, và trong số đó, Kiều Trần Như (Kaundinya) đã đạt quả vị A la hán, bậc giải thoát. Vài ngày sau, trong khi thuyết giảng về tánh Không của bản ngã, hay bản ngã không thể tồn tại theo cách bất khả, thì những vị đầu đà khác cũng đều đạt được quả vị A la hán. Do đó, năm vị đệ tử này đã trở thành những thành viên đầu tiên của Tăng đoàn, hay chư Tăng đầu tiên trong nhà Phật.

Sau đó, Đức Phật đã trải qua quãng đời còn lại, tổng cộng khoảng 45 năm, để truyền bá giáo pháp mà Ngài đã khám phá ra, trong khi các đệ tử của Ngài cũng đi đến các làng mạc và thị trấn trên khắp vùng đồng bằng phía Bắc Ấn Độ để truyền bá thông điệp của Ngài. Đức Phật đã nhanh chóng thu hút nhiều tín đồ từ nhiều tầng lớp trong xã hội: các đạo sư tâm linh khác, các nhà vua và hoàng hậu, nông dân và đồ tể, v.v... Trong khi phần lớn các đệ tử không muốn từ bỏ đời sống thế gian, những người muốn rời bỏ đời sống cư sĩ và gia nhập Tăng đoàn đều được hoan nghênh. Các đệ tử tại gia, những người tiếp tục làm việc và lập gia đình, đã hỗ trợ vấn đề ăn mặc cho Tăng đoàn.

Theo thời gian, khi ngày càng có nhiều người chính thức đi theo Đức Phật, thì điều cần thiết là phải lập ra quy tắc cho đệ tử tuân theo, để tạo ra cộng đồng tâm linh hài hòa. Giới luật đã được thành lập khi cần thiết, thông qua quá trình thử nghiệm và sai sót, để ứng phó với sự cố với kết quả không như ý đã xảy ra trong Tăng đoàn. Vào cuối đời của Đức Phật, đã có hàng trăm giới luật cho chư Tăng Ni.

Truyền Giới Xuất Gia Cho Phụ Nữ

Vào lúc đầu, Đức Phật chỉ thu nhận nam giới vào hàng ngũ Phật tử. Năm năm sau khi thành lập Tăng lữ, người dì của Đức Phật là Ma Ha Ba Xà Ba Đề Kiều Đàm Di  (Mahaprajapati Gautami) đã yêu cầu Ngài cho bà xuất gia làm ni cô, nhưng Ngài đã từ chối. Tuy nhiên, Ma Ha Ba Xà Ba Đề không hề nao núng, và quyết định cùng với 500 phụ nữ khác cạo đầu và mặc áo cà sa vàng, đi theo Đức Phật.

Ma Ha Ba Xà Ba Đề dâng lên hai thỉnh cầu nữa với Đức Phật, và mỗi lần Đức Phật đều từ chối, không cho họ xuất gia. Lần thứ tư, A Nan (Ananda), em họ của Đức Phật, đã thay mặt bà thỉnh cầu, và hỏi Ngài liệu phụ nữ có khả năng để tu tập trên đường tu và thành tựu giác ngộ như nam giới hay không, và Đức Phật đã khẳng định điều này. Sau đó, A Nan đề nghị rằng việc phụ nữ trở thành ni cô là tốt, và Đức Phật đã cho phép các nữ đệ tử xuất gia.

Tăng Đoàn Thông Thường Và Tăng Đoàn Thánh Nhân

Thông thường thì thuật ngữ Tăng đoàn được dùng để chỉ hai nhóm tỳ kheo ( bhikshus) và tỳ kheo ni (bhikshunis), chư Tăng Ni noi theo lời dạy của Đức Phật. Thuật ngữ bhikshu thật ra có nghĩa là "người ăn xin", và đã được sử dụng, bởi vì đúng ra thì cộng đồng xuất gia phải từ bỏ hầu hết của cải vật chất và lang thang từ nơi này đến nơi khác, phụ thuộc vào người khác để kiếm ăn. Phải có tối thiểu bốn vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni, hoặc bốn vị Sa di hay Sa di ni, bất kể mức độ ý thức hay chứng ngộ của họ ra sao, để tạo ra một Tăng đoàn. Chúng ta gọi đây là Tăng đoàn thông thường. Ngoài ra còn có Tăng đoàn thánh nhân, dùng để chỉ những cá nhân, đã xuất gia hay chưa xuất gia, đã thật sự thành tựu một số chứng ngộ trên đường tu nhà Phật.

Điều quan trọng là phải phân biệt giữa Tăng đoàn thông thường và Tăng đoàn thánh nhân. Tuy có rất nhiều Tăng Ni bình thường xuất sắc, nhưng có thể có những người cũng bị rối loạn cảm xúc như chúng ta - và điều đó có thể khiến ta thắc mắc tại sao mình nên quy y với họ. Vì vậy, là một trong Tam Bảo, Tăng đoàn thánh nhân là Bảo thật sự để mình quy y, vì chư vị là những người thật sự có thể giúp mình đi đúng hướng.

Phẩm Chất Của Tăng Đoàn

Vậy thì Tăng đoàn có những phẩm chất nào mà chúng ta muốn tự mình phát triển?

  1. Khi thuyết Pháp thì họ không chỉ lặp lại những điều đã học từ sách vở, mà nói từ kinh nghiệm thực thụ của chính mình, và điều này thật sự tạo ra cảm hứng.
  2. Mong muốn duy nhất của họ là giúp đỡ người khác, và họ thực hành những gì họ thuyết giảng. Hãy nghĩ về một người hút thuốc mà lại mắng chúng ta về sự nguy hiểm của việc hút thuốc, thì ta sẽ thật sự tự hỏi tại sao mình nên làm theo lời khuyên của họ, đúng không? Vì lẽ đó, Tăng đoàn luôn chân thành trong những việc họ làm, nên chúng ta có thể thật sự tin tưởng họ.
  3. Khi ở cạnh người xấu, thường thì thậm chí ta không nhận ra rằng bản thân mình cũng đã bị lây những tính xấu của họ. Tương tự như vậy, nếu như chơi với bạn tốt, thì ngay cả khi không cần cố gắng nhiều, ta sẽ nhanh chóng có được những tính tốt. Vì vậy, Tăng đoàn có ảnh hưởng rất tốt đối với mình, để cải thiện việc tu tập của chúng ta.

Tầm Quan Trọng Của Tăng Đoàn

Đức Phật đã nhập niết bàn khoảng 2500 năm trước, để lại giáo huấn của Ngài, đó là Pháp, để chúng ta tu tập. Tất cả những điều này chính là Phật pháp, nhưng nếu muốn tu tập tốt, thì phải có những tấm gương đáng tin cậy, những người đã thật sự học hỏi, nghiên cứu và thực hành giáo huấn của Đức Phật, và đạt được một vài mục tiêu của giáo huấn ấy, để giúp đỡ và hướng dẫn chúng ta. Cộng đồng của những người như vậy chính là Tăng đoàn.

Ngày nay, chúng ta thường xem những người nổi tiếng là tấm gương của mình, như các nam và nữ diễn viên, người mẫu, ca sĩ và vận động viên thể thao. Nhưng những người này có vấn đề riêng của họ, đúng không? Chúng ta biết rằng đời tư của họ thường rất lộn xộn! Không chỉ vậy, mà khi bị ám ảnh vì những người nổi tiếng và đời sống của họ, thì chúng ta chỉ thường tán gẫu với bạn bè, thậm chí còn chấp thủ nhiều hơn bình thường về sự tham ái về vật chất; nên những hoạt động này không thật sự mang lại cho tự thân hay tha nhân bất kỳ lợi lạc hay hạnh phúc chân thật nào. Mặt khác, Tăng đoàn là những người đã đoạn trừ một số vấn đề ở mức độ nào đó, không phải đó là điều cao cả hay sao, và họ đang tu tập để đoạn trừ phần còn lại. Nếu chúng ta cũng muốn loại bỏ vấn đề của chính mình, thì việc noi gương của họ không phải là điều hợp lý hay sao?

Nhờ có Tăng đoàn mà ngày nay, trong thế giới hiện đại này, chúng ta có những giáo huấn tuyệt vời của Đức Phật được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tăng đoàn truyền cảm hứng cho chúng ta, để mình nhìn những vấn đề trước mắt xa hơn, và thấy rằng có một con đường giúp mình hoàn toàn thoát khổ. Tăng đoàn không chỉ truyền cảm hứng cho chúng ta, mà còn hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ mình trên mỗi một bước trên đường tu. Đây là lý do mà đôi khi người ta nói rằng nếu không có Tăng đoàn, thì không có đạo Phật.

Tóm Tắt

Làm thế nào để chọn một tấm gương tốt trong đời sống? Mặc dù chúng ta có thể không gặp một thành viên thật sự trong Tăng đoàn, một người có thành tựu thật sự, một Tăng đoàn thánh nhân, nhưng vẫn có thể gặp những người có kinh nghiệm hơn về giáo pháp, và có được nguồn cảm hứng từ họ. Khi nhìn thấy tấm gương của họ, ta sẽ cảm thấy khuyến khích để noi theo bước của họ.

Nhờ sự cống hiến của chư Tăng Ni, Tăng đoàn thông thường, mà giáo pháp đã lan truyền khắp thế giới. Giống như Đức Phật được ví như một y sĩ và Pháp là y dược, thì Tăng đoàn giống như những y tá khuyến khích và hướng dẫn mình trên đường tu, khi chúng ta nỗ lực hướng về tự do, để thoát khỏi tất cả các vấn đề của mình mãi mãi.

Top