Các Phẩm Hạnh Khác Của Rinpoche

Thần Túc Thông Của Ngài Serkong Dorjey-chang, Cha Của Rinpoche

Serkong Rinpoche không bao giờ tuyên bố mình là một hành giả du già (yogi), hay có bất cứ thần thông gì. Nếu muốn có một thí dụ về người nào có thần thông, ngài nói chúng ta không cần phải tìm đâu xa. Cha của ngài, Serkong Dorjey-chang, là một thí dụ rõ rệt. Là một tăng sĩ thuộc Tu Viện Ganden Jangtsey, cha ngài đã thành tựu giai đoạn Tối Thượng Du Già Mật Điển (anuttarayoga tantra) mà ông có thể hành trì các pháp du già đặc biệt với một vị phối ngẫu (consort) để đạt được tầng tâm thức sâu xa nhất. Điểm cấp tiến này trong giai đoạn viên mãn (completion stage) đòi hỏi sự tự chủ toàn bộ hệ thống năng lượng vi tế, với khả năng kiểm soát hoàn toàn cả hai yếu tố vật chất và năng lượng. Thông thường thì giới nguyện sống độc thân sẽ không cho phép ông thực hành một pháp tu như thế. Khi Đức Dalai Lama thứ Mười Ba bảo ông chứng minh thành tựu của mình, Serkong Dorjey-chang đã cột sừng của con yak thành một gút thắt và dâng lên cho Ngài. Khi đã vững tin vào khả năng của ông, Đức Dalai Lama thứ Mười Ba cho phép Serkong Dorjey-chang giữ giới xuất gia, trong khi tu tập ở mức độ này. Trên thực tế, Rinpoche nói rằng ngài đã giữ cái sừng đó ở nhà, khi còn là một đứa bé.

Serkong Dorjey-chang được thừa nhận là vị tái sanh của nhà dịch thuật Marpa thuộc thế kỷ thứ 11. Kế đó, Serkong Rinoche được sanh ra để tiếp nối dòng truyền thừa của cha ngài, và được xem là vị tái sanh của người con trai nổi tiếng của Marpa, Darma-dodey. Tuy vậy, Rinpoche chẳng bao giờ đề cập đến chuyện này với tôi, hay tự so sánh mình với cha của mình. Tuy nhiên, bất chấp sự yên lặng của Rinpoche, đối với những người gần gũi với ngài thì việc ngài cũng kiểm soát được khí vi tế và có thần thông là điều hiển nhiên. Cách ngài đi vào giấc ngủ theo ý muốn là một vài dấu hiệu của điều này. Một lần nọ, Rinpoche được đo điện tâm đồ trong một cuộc khám nghiệm sức khỏe tại Madison, Wisconsin. Khi nằm xuống để làm thử nghiệm, Rinpoche còn năng động và tỉnh táo, nhưng khi bác sĩ bảo ngài thư giãn, một vài giây sau là ngài đã bắt đầu ngáy.

Thần Thông Của Rinpoche

Chúng ta có thế thấy khả năng tiên tri của Ripoche qua một số thí dụ. Rinpoche không chỉ là một trong những vị thầy của Đức Dalai Lama, mà thỉnh thoảng còn giảng dạy cho một vài thành viên trong gia đình của Đức Dalai Lama, kể cả mẹ của Ngài. Thông thường, theo nghi thức, Rinpoche sẽ không bao giờ thăm viếng mẫu thân của Đức Dalai Lama, trừ khi ngài xin một cuộc hẹn chính thức. Tuy nhiên, trước khi bà qua đời, Rinpoche đã bỏ qua nghi thức và bất ngờ viếng thăm bà lần cuối, khi có linh tính về tình trạng cấp bách của bà.

Một lần nọ, Rinpoche đang thuyết pháp ở Vajrayogini Institute ở Lavaur, nước Pháp và có một vài ngày nghỉ ngơi trước khi rời Paris. Tôi có ý muốn đi trước để viếng thăm Paris với bạn bè và có người đã cho tôi quá giang. Khi tôi xin phép để đi Paris vào ngày Chủ Nhật, Rinpoche nói rằng, “Rất tốt, con sẽ đi Paris ngày thứ Hai.”. Khi tôi trả lời, “Không, không. Con sẽ đi ngày mai, Chủ Nhật.”. Rinpoche lập lại, “Rất tốt, con sẽ đi ngày thứ Hai.” Rồi tôi hỏi ngài, “Nếu con đi ngày Chủ Nhật thì có vấn đề gì không? Con có nên hoãn chuyến đi và xuất hành ngày thứ Hai hay không?”. Rinpoche cười và nói, “Không, không. Chẳng có gì quan trọng hết.”.

Thế là tôi ra đi vào ngày Chủ Nhật để đến Paris. Nửa đường, chiếc xe bị hư. Vì các tiệm sửa xe đóng cửa vào Chủ Nhật ở Pháp nên chúng tôi phải ngủ qua đêm ở một ngôi làng nhỏ. Chúng tôi sửa xe vào sáng thứ Hai, và như Rinpoche đã tiên đoán, tôi đã đến Paris trễ hơn, vào ngày thứ Hai, thay vì Chủ Nhật.

Đôi khi, Rinpoche chứng tỏ khả năng thấu thị. Một ngày nọ ở Dharamsala, vị giám đốc của Tushita Retreat Centre (Trung Tâm Nhập Thất Tushita) thỉnh mời Rinpoche làm chủ lễ cho một nghi lễ. Khi chiếc xe jeep gần đến trung tâm, Rinpoche bảo, “Nhanh lên! Hãy đi xem phòng thờ! Một cây đèn cầy đã bị ngã!”. Khi vị giám đốc chạy nhanh vào trong nhà, cô thấy một cây đèn cầy thật sự đã bị ngã và ngọn lửa sắp sửa cháy lan ra.

Rinpoche không chỉ cảm nhận được mình có quan hệ nhân duyên như thế nào với mọi người, mà thỉnh thoảng tỏ ra là ngài biết nhiều về những người lạ mà không cần ai nói. Một lần nọ ở Madison, Wisconsin, một người bạn cũ của tôi đến gặp Rinpoche lần đầu tiên. Mặc dù bạn tôi cư xử hoàn toàn bình thường, và cả anh lẫn tôi đều không hề nói gì với ngài về thói quen hút cần sa (marijuana) của anh ấy, nhưng Rinpoche bảo bạn tôi phải ngưng hút. Việc này làm tổn hại sự phát triển của anh ta. Trong số bạn bè Tây phương của tôi mà Rinpoche đã gặp, anh này là người duy nhất mà ngài đã khuyên bảo về việc hút cần sa.

Khéo Léo Giúp Người Khác Nhận Ra Khuyến Điểm Và Sửa Đổi

Dù thấy người khác có nhiều thói quen có hại, Rinpoche luôn luôn chỉ cho họ thấy sự sai sót và lỗi lầm của họ một cách khéo léo. Một lần nọ, trong lúc ngài đi Nepal một vài tháng, tôi gặp khó khăn trong công việc. Chúng tôi gặp lại nhau ở Bồ Đề Đạo Tràng, nơi mà tôi đang dịch một bài thuyết pháp của Đức Dalai Lama về Bồ Tát Hạnh (Engaging in Bodhisattva Behavior). Thay vì nói với tôi một cách thẳng thừng là cách lo liệu công việc của tôi hoàn toàn ngu xuẩn, Rinpoche lấy quyển sách mà tôi đang dịch. Vừa lật sách, ngài vừa chỉ một số từ ngữ và hỏi tôi có biết chúng có nghĩa gì hay không. Những từ ngữ đó nêu ra đúng ngay vấn đề mà tôi đang gặp phải. Rinpoche đã giải thích tường tận ý nghĩa của các từ ngữ này và đưa ra giải pháp để giải quyết vấn đề.

Một lần nọ, một phụ nữ Thụy Sĩ lớn tuổi, giàu có đưa Rinpoche đi bằng taxi đến cửa hàng sang trọng, đắc tiền nhất của Zurich. Khi ra khỏi cửa hàng, Rinpoche nói rằng tiệm này chẳng có bán một món gì người ta thật sự cần. Rồi ngài hỏi bà là mọi người có thể đi xe điện về nhà bà hay không, vì xem cách người ta dùng phương tiện giao thông bình thường là điều thú vị. Người phụ nữ ra vẻ xấu hổ và thú nhận rằng suốt đời bà không bao giờ đi xe điện, không biết cách dùng xe điện hay xuống xe ở trạm nào. Nhờ vậy, Rinpoche chứng tỏ một cách rất nhẹ nhàng cho bà thấy sự cách biệt giữa sinh hoạt của bà với đời sống bình thường.

Một dịp khác, Rinpoche được mời đến ở trong một biệt thự lộng lẫy, rộng lớn gần Zurich mà bà chủ nhà cảm thấy không thoải mái với sự sang trọng ngột ngạt như vậy. Bà thích sống một cách giản dị và thực tế. Bà đã chuẩn bị căn phòng thư viện xây bằng gỗ sồi để Rinpoche ngủ trong đó, vì nó là gian phòng uy nghi nhất trong nhà. Rinpoche nhìn qua căn phòng và khăng khăng bảo ngài sẽ ngủ ở hàng hiên có lưới rào. Ngài nói với bà là ngài rất thích sống trong lều. Nhờ có cảnh đẹp của khu vườn và hồ nước phía dưới, hàng hiên trong nhà bà làm ngài nhớ đến thời gian sống trong lều. Nhờ vậy, ngài giúp bà biết nhận thức giá trị và thưởng thức những thú vui giản dị mà ngôi biệt thự đã dành cho bà.

Giúp Đỡ Người Khác Một Cách Linh Hoạt

Rinpoche giúp đỡ người khác bằng bất cứ cách nào, tùy theo nhu cầu của họ và khả năng của ngài. Ở Pomaia, nước Ý, khi ban lễ cho phép hành trì Đức Quan Âm Vàng (Yellow Tara), vị Bồn Tôn liên hệ đến sự thịnh vượng, Rinpoche đã bảo một người họa sĩ nghèo người Ý vẽ tranh của Bổn Tôn này cho buổi lễ. Việc này sẽ thiết lập nghiệp liên kết mạnh mẽ để người họa sĩ có được sự thịnh vượng nhờ pháp thiền này. Một dịp khác, cũng ở cùng một trung tâm, Rinpoche tặng một số tiền nhỏ cho một thanh niên mà căn nhà của cha mẹ anh đã bị ăn trộm không lâu trước đó. Món quà tượng trưng cho một sự khởi đầu cát tường cho gia đình anh, để khôi phục lại của cải trong nhà. Đối với Alan Turner, một đệ tử người Anh thân cận với ngài, người không có hứng thú hay tự tin vào khả năng học Tạng ngữ thì Rinpoche ban một lễ truyền khẩu các chữ cái Tây Tạng, để gieo dấu ấn cho anh trong tương lai. Khi việc nghiên cứu Tạng ngữ của tôi đã đi đến cao điểm và không tiến xa hơn nữa, Rinpoche bắt đầu dò tự điển Tạng ngữ với tôi và bắt tôi đặt câu với từng chữ một.

Rinpoche là một nhà ngoại giao thượng thặng. Ngài bảo hãy luôn luôn nhận bất cứ thứ gì người khác cúng dường cho mình một cách chân thành, đặc biệt là nếu người ta sẽ phiền lòng nếu mình từ chối, và việc nhận quà không có thiệt hại gì. Vì vậy, dù không thích đồ ngọt, ngài sẽ vui vẻ ăn một miếng bánh, nếu người nào đã đặc biệt làm bánh để cúng dường cho ngài. Trên thực tế, Rinpoche sẽ bảo Ngawang ghi chép cách làm bánh, nếu điều này giúp họ có thêm tự tin.

Trên hết, Rinpoche vô cùng cởi mở và linh hoạt. Bất cứ trung tâm Phật giáo của trường phái nào thỉnh mời ngài, dù là Kagyu (Ca-nhĩ-cư), Nyingma (Ninh-mã), Sakya (Tát-ca), Gelug (Cách-lỗ), Zen hay Nguyên Thủy (Theravada), ngài cũng sẽ giảng dạy theo phong cách của truyền thống đó. Sự linh động này còn mở rộng hơn giới hạn trong Phật giáo. Một lần nọ, ở Milan, nuớc Ý, một phụ nữ theo đạo Công giáo hỏi ngài, “Bây giờ con đã quy y, nhận bồ tát giới và Mật giới, nếu con đi nhà thờ thì có gì sai trái không?”. Rinpoche trả lời rằng, “Không có gì sai trái hết. Nếu con chú trọng vào giáo huấn về lòng từ bi từ một tôn giáo khác thì không phải là con đang theo cùng một phương hướng với việc quy y và giới nguyện của mình hay sao?”.

Top