Trí bát nhã là sự phân biệt giữa điều gì đúng hay sai, có lợi hay có hại. Đối với điều này thì ta có hai chánh đạo cuối cùng trong bát chánh đạo: chánh kiến và chánh tư duy (động lực đúng đắn trong tư tưởng).
Chánh kiến liên quan đến những gì mình tin là sự thật, dựa vào sự phân biệt đúng đắn giữa điều đúng hay sai, hoặc có hại hay có lợi. Động lực đúng đắn là tâm thái tích cực, dẫn đến chánh kiến.
Tri Kiến
Chúng ta có thể có trí phân biệt đúng hay sai:
- Ta có thể phân biệt một cách đúng đắn và tin rằng đó là sự thật
- Ta có thể phân biệt một cách sai lầm và tin rằng đó là sự thật
Tri kiến sai lầm là khi mình có sự phân biệt sai lầm, nhưng lại cho đó là sự thật, và tri kiến đúng đắn là có sự phân biệt đúng đắn, và cho đó là sự thật.
Tà Kiến
Tà kiến là chẳng hạn như khẳng định và tin rằng hành vi của mình không có chiều sâu đạo đức, với một số hành vi tiêu cực và một số hành vi tích cực, và tin rằng chúng không đem lại hậu quả về mặt những gì mình sẽ trải nghiệm sau này. Ngày nay, điều này được biểu hiện bằng thái độ “sao cũng được” của nhiều người. Không sao hết; không có gì quan trọng. Sao cũng được; nếu tôi làm hay không làm điều này thì cũng không sao. Như thế là sai. Dù có hút thuốc hay không hút thuốc thì cũng không sao, nhưng nếu hút thuốc thì bạn sẽ tạo ra những hậu quả không tốt cho sức khỏe.
Một loại tà kiến khác là tin rằng không có cách nào để cải thiện bản thân và khắc phục khiếm khuyết, nên không cần phải nhọc sức làm gì. Điều này là sai, bởi vì sự việc không đứng yên một chỗ, cố định như được xây dựng trên bê tông. Một số người tin rằng không cần phải gắng sức giúp đỡ hay tử tế với người khác, mà nên cố lợi dụng mọi người để tạo lợi ích cho bản thân càng nhiều càng tốt, vì điều này sẽ mang lại hạnh phúc cho mình. Điều này sai, vì nó không hề đem lại hạnh phúc. Nó tạo ra sự mâu thuẫn, ganh tỵ và lo âu về việc người khác trộm cắp tài sản của mình.
Có quá nhiều hình thức phân biệt sai lầm. Nó có thể liên quan đến khổ và nhân tạo khổ, ví dụ vậy. Hãy xem trường hợp con mình học kém. Phân biệt sai lầm là khi bạn nghĩ rằng, “Tất cả là tại tôi. Đó là lỗi của người làm cha mẹ.”. Đó là phân biệt sai lầm về luật nhân quả. Vấn đề không phát sinh hay xảy ra chỉ vì một nguyên nhân. Sự việc xảy ra là do sự tụ họp của rất nhiều nhân duyên, không chỉ một nguyên nhân. Mình có thể đóng góp phần nào, nhưng không phải là nhân duy nhất tạo ra vấn đề. Đôi khi, thậm chí mình không phải là nguyên nhân, và kết luận mình là nguyên nhân là hoàn toàn sai lầm. Tôi đang nghĩ đến ví dụ về một người khá phiền não: anh ta đi xem một trận đá banh và đội của anh đã thua. Thế rồi anh tin rằng lý do mà đội banh của anh thua là vì anh đã đi xem trận đấu, nên đã đem lại xui xẻo cho họ: “Đội banh của mình thua là lỗi của tôi.”. Điều này đúng là lố bịch. Đó là sự phân biệt sai lầm về luật nhân quả.
Chánh Kiến
Trí bát nhã đúng đắn là điều tiên quyết, và để có được điều này, mình cần phải học hỏi về thực tại, thực tại của nhân tướng (causation), và v.v… Giống như thời tiết chịu tác động của rất nhiều nhân duyên thì cũng như vậy, mình không nên xem bản thân giống như Thượng Đế, và chỉ cần làm một việc là giải quyết được vấn đề con mình học kém. Đó không phải là cách.
Trí bát nhã đòi hỏi lý lẽ thông thường, trí thông minh và định tâm để chú tâm vào sự phân biệt đúng đắn. Để thực hiện được điều này thì ta cần phải giữ giới. Đây là cách mà mọi yếu tố ăn khớp với nhau.
Tư Duy (Động Lực)
Một khi đã phân biệt được đâu là điều hữu ích, đâu là điều có hại, đâu là thực tại và đâu không phải là thực tại thì chủ ý hay động lực sẽ liên hệ với cách trí phân biệt tác động hay hình thành cách mình nói năng hay hành động, hoặc thái độ của mình đối với sự việc. Nếu mình phân biệt sai lầm thì động lực trong tư tưởng sai lầm sẽ theo sau, và khi phân biệt đúng đắn thì động lực đúng đắn sẽ theo sau.
Tư Duy Sai Lầm
Có ba lãnh vực chính mà tư duy hay động lực trong tư tưởng ảnh hưởng đến:
Lạc Thú Giác Quan
Một loại động lực sai lầm dựa trên lạc thú giác quan, một sự thèm khát và tham luyến các đối tượng của giác quan, dù chúng là những món đồ đẹp đẽ, nhạc hay, thức ăn ngon, quần áo đẹp, v.v… Động lực của mình có ý theo đuổi sự ham muốn, dựa trên sự phân biệt sai lầm rằng những thứ này là quan trọng nhất. Nếu như có sự phân biệt đúng đắn thì mình sẽ bình thản, đó là một tâm thức quân bình, không tham luyến các đối tượng của giác quan.
Một ví dụ là khi bạn phân biệt sai làm rằng việc mình ăn tối ở đâu và ăn món gì là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta nghĩ rằng nếu như chọn đúng nhà hàng và ăn đúng món thì mình sẽ sung sướng. Nếu như phân biệt một cách đúng đắn thì bạn sẽ thấy rằng điều đó không quá quan trọng, mà còn có nhiều việc khác quan trọng hơn trong cuộc sống, thay vì là nên ăn tối món gì hay truyền hình chiếu phim gì. Tâm mình sẽ thoải mái và quân bình hơn.
Ác Ý
Động lực hay tư duy sai lầm thứ hai là ác ý, ý muốn làm tổn thương người khác hay hãm hại họ. Ví dụ như khi ai đó làm sai điều gì và bạn tức giận, nghĩ rằng họ thật là tệ và nên bị trừng phạt; đó là phân biệt sai lầm.
Chúng ta có sự phân biệt sai lầm là con người không bao giờ lầm lỗi, nhưng đó là điều vô lý. Mình có thể quá giận dữ đến nỗi muốn đánh ai đó, trong khi nếu như có sự phân biệt đúng đắn thì mình sẽ có lòng nhân từ. Đó là ước muốn giúp đỡ người khác và đem lại hạnh phúc cho họ, nó bao gồm cả sức mạnh và lòng tha thứ. Nếu ai làm sai điều gì thì bạn sẽ nhận ra đó là chuyện tự nhiên, và sẽ không giữ nó trong lòng.
Tàn Nhẫn
Loại tư duy sai lầm thứ ba là tâm thức chất chứa sự tàn nhẫn, gồm có nhiều khía cạnh khác nhau:
- Lưu manh – tính tàn ác, không có lòng bi mẫn, khi mà mình muốn cho người khác đau khổ và bất hạnh. Ví dụ như mình có tâm phân biệt những người ủng hộ đội banh khác, cho rằng họ ghê gớm và có thể đánh lộn với họ, đơn thuần chỉ vì họ thích đội banh kia.
- Thù ghét bản thân - thiếu tình thương cho bản thân, khi tự phá hoại hạnh phúc của mình, vì nghĩ mình là người xấu, không đáng được hạnh phúc. Chúng ta thường làm như vậy bằng cách có những mối quan hệ không lành mạnh, tiếp tục những thói quen xấu, ăn quá nhiều, v.v…
- Thú vui kỳ quặc – khi thấy hay nghe chuyện người khác đau khổ thì mình lại hoan hỷ một cách tàn nhẫn. Bạn nghĩ rằng ai đó là người xấu, và họ khổ là đáng đời, giống như trường hợp vị chính khách mà mình không thích bị thất cử. Ở đây, chúng ta có tâm phân biệt sai lầm là một số người là người xấu, đáng bị trừng phạt và gặp những điều rủi ro, trong khi những người khác, đặc biệt là đối với mình, thì mọi việc nên hanh thông.
Chánh Tư Duy
Chánh tư duy dựa trên sự phân biệt đúng đắn là thái độ bất bạo động, không hung ác. Bạn sẽ có tâm thái không muốn hãm hại những người đang đau khổ, không làm phiền hay làm họ khó chịu. Ta sẽ không hoan hỷ khi họ gặp chuyện không may. Ở đây, chúng ta cũng có lòng bi mẫn, khi mong cho tha nhân thoát khổ và nhân tạo khổ, bởi vì mình thấy rằng tất cả mọi người đều khổ, mà không có ai muốn khổ, và không có ai đáng để khổ. Nếu như người ta lầm lỗi thì mình sẽ thấy đó là vì tâm vô minh của họ, chứ không phải họ có bản chất xấu xa. Trí phân biệt và chủ ý đúng đắn sẽ tự nhiên dẫn đến chánh ngữ và chánh nghiệp.
Tám Yếu Tố Hài Hòa Với Nhau
Tám yếu tố của đường tu đều hài hòa với nhau:
- Chánh kiến và chánh tư duy sẽ tạo ra nền tảng đúng đắn để tu tập, dẫn đến việc thực hành chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng một cách tự nhiên. Ta sẽ phân biệt được điều gì là đúng, về mặt hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến người khác ra sao, và muốn giúp đỡ họ, không làm hại họ.
- Trên cơ sở này, mình sẽ nỗ lực cải thiện bản thân, phát triển các phẩm chất tốt đẹp, và không tán tâm vì những ý tưởng kỳ quặc về thân thể và cảm xúc của mình, v.v… Chúng ta sẽ sử dụng định tâm để chú tâm vào những điều lợi lạc, rồi thì tư duy sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Theo cách này thì tất cả đều tương quan với nhau.
Dù có thể trình bày tam vô lậu học và bát chánh đạo theo trình tự, nhưng mục tiêu tối hậu của chúng ta là có thể đưa tất cả vào việc thực hành như một khối hợp nhất.
Tóm Tắt
Các giác quan luôn khao khát những trò giải trí, từ khi mình vừa thức dậy vào buổi sáng, cho đến lúc đi ngủ vào ban đêm. Mắt thì tìm kiếm những sắc tướng đẹp đẽ, tai thì muốn nghe âm thanh êm dịu, và miệng thì muốn nếm những vị ngon. Tuy ước muốn hưởng thụ lạc thú không phải là điều gì sai trái, nhưng nếu như đời mình chỉ ở trong phạm trù này thì chúng ta sẽ không bao giờ được mãn nguyện, và chẳng bao giờ có thể phát triển một chút định tâm nào.
Tam vô lậu học giới, định, tuệ giúp mình sống một cách tốt đẹp nhất trong từng khoảnh khắc. Thay vì chỉ tìm kiếm lạc thú cho tự thân thì bát chánh đạo cung cấp cho mình một khuôn mẫu để không chỉ tạo lợi lạc cho bản thân, mà còn tạo lợi lạc cho tha nhân. Khi chịu quán sát và hiểu tại sao chánh kiến là đúng và bất chánh kiến là sai, tại sao chánh nghiệp là điều hữu ích và bất chánh nghiệp thì có hại, vân vân, rồi hành xử theo những điều đúng đắn thì cuộc sống tự động sẽ cải thiện một cách tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ có được điều mà mình có thể gọi là “đời sống trọn vẹn của một Phật tử”.