Tổng Quát
Chúng ta đang xem xét tam vô lậu học và cách chúng có thể giúp mình trong đời sống hàng ngày, nhờ việc tu tập bát chánh đạo. Tam vô lậu học là:
- Giới
- Định
- Tuệ
Chúng ta sẽ áp dụng chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, để phát triển giới. Bây giờ, ta có thể xem xét việc tu tập định tâm, bao gồm chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Chánh tinh tấn là tiêu diệt dòng tư tưởng tiêu cực và phát triển tâm thái thuận lợi cho việc hành thiền.
Chánh niệm giống như loại keo tinh thần để giữ gìn và không đánh mất điều gì đó, nên nó ngăn ngừa việc quên lãng điều gì đó:
- Không quên đi bản tánh thật sự của thân, cảm thọ, tâm và các tâm sở, nên chúng không làm ta sao lãng.
- Không mất đi các phương châm đạo đức, giới luật, hay nếu mình đã thọ nhận chúng, thì đó là giới nguyện.
- Không bỏ rơi hay quên đi đối tượng của sự chú tâm.
Nếu như đang hành thiền thì hiển nhiên là mình cần có chánh niệm, để không đánh mất đối tượng mình đang chú tâm vào. Nếu như đang nói chuyện với ai thì mình phải chú ý đến người đó và những điều họ nói.
Định chính là đặt để tâm vào một đối tượng. Vì vậy nên khi lắng nghe ai nói, điều này có nghĩa là tâm mình đang chú ý vào những điều họ nói, ngoại hình của họ ra sao, họ đang cư xử như thế nào, v.v… Chánh niệm giúp ta duy trì định tâm, vì nó là loại keo tinh thần giữ tâm mình ở đó, để không bị hôn trầm hay trạo cử.
Tinh Tấn
Đây là yếu tố đầu tiên trong bát chánh đạo được sử dụng để phát triển định tâm. Mình sẽ nỗ lực để tiêu diệt các vọng tưởng và cảm xúc phóng dật, bất lợi cho định tâm, cũng như cố phát triển các phẩm tính thiện hảo. Nói chung, nếu muốn thành tựu bất cứ điều gì trong đời sống thì mình phải nỗ lực. Mọi sự không xuất xứ từ thinh không, và không ai nói là mọi sự dễ thành tựu, nhưng nếu mình đã phát triển một chút năng lực nhờ việc tu tập giới, liên quan đến cách mình hành động, nói năng và đối xử với người xung quanh thì điều này sẽ tạo ra sức mạnh cho việc nỗ lực rèn luyện tâm thái và cảm xúc của mình.
Bất Tinh Tấn
Bất tinh tấn là dồn năng lực vào những dòng tư tưởng nguy hại, tiêu cực, tạo ra sự phóng dật và khó khăn, nếu như không nói là bất khả dĩ cho việc tập trung tư tưởng. Có ba cách suy nghĩ tiêu cực chính:
- Tham lam
- Ác ý
- Tà kiến
Tham Lam
Ý nghĩ tham lam gồm có sự ganh tỵ với những điều người khác đạt được, hay những niềm vui và vật chất mà họ hưởng thụ. Bạn sẽ nghĩ rằng, “Làm sao mình có thể đạt được những điều này?” Ý tưởng này sinh khởi từ tâm chấp thủ. Mình không chấp nhận là người khác có được những gì mà mình không có, dù đó là thành công, một người bạn đời xinh đẹp, một chiếc xe hơi mới, thật ra thì nó có thể là bất cứ điều gì. Mình luôn nghĩ về điều đó, và nó là một tâm trạng rất phiền não. Điều này sẽ ngăn chận định tâm, đúng không?
Chủ nghĩa cầu toàn có thể thuộc về đề mục này, bởi vì mình luôn luôn tìm cách để qua mặt bản thân mình. Nó gần như là ganh tỵ với chính bản thân!
Ác Ý
Ác ý là ý nghĩ làm sao để hại ai, như là, “Nếu người này nói hay làm điều gì mà mình không thích thì mình sẽ trả đũa.”. Chúng ta có thể nghĩ về điều mình sẽ làm hay nói, khi gặp người đó lần sau, và hối hận là đã không trả đũa khi họ nói điều gì đó với mình. Ta không thể dẹp điều này ra khỏi tâm trí, và cứ nghĩ về nó hoài.
Tà kiến
Ý tưởng lệch lạc, phản kháng là chẳng hạn như, nếu có ai cố gắng cải thiện bản thân hay giúp đỡ người khác thì mình nghĩ rằng, “Họ đúng là ngu xuẩn, những điều họ làm là vô dụng. Giúp đỡ bất cứ ai là điều lố bịch.”
Một số người không thích thể thao và nghĩ rằng những người yêu chuộng thể thao và xem bóng đá trên truyền hình, hay đi xem trận đấu của một đội banh là điều hoàn toàn ngu xuẩn. Tuy nhiên, chẳng có gì nguy hại về việc yêu thích thể thao cả. Ý nghĩ rằng đó là điều ngu xuẩn hay tốn thì giờ là một tâm trạng rất đối nghịch.
Hay khi ai đó cho tiền cho người ăn xin để giúp đỡ họ thì bạn nghĩ rằng, “Ồ, bạn làm như vậy thật là ngu.” Nếu cứ nghĩ rằng người khác ngu xuẩn như thế nào và bất cứ điều gì họ làm là vô lý ra sao thì mình sẽ không bao giờ có thể tập trung tư tưởng được. Đó là những ý nghĩ mà chúng ta muốn dẹp bỏ.
Chánh Tinh Tấn
Chánh tinh tấn là đưa năng lực của mình rời xa dòng tư tưởng nguy hại, tiêu cực, và hướng về việc phát triển các phẩm tính lợi lạc. Đối với điều này, chúng ta nói về điều gọi là “tứ chánh cần” trong Pali. Trong văn chương Phạn ngữ và Tạng ngữ, chúng được gọi là “bốn yếu tố để thành tựu tâm từ bỏ đúng đắn”, nói một cách khác là loại bỏ các khiếm khuyết, cái gọi là “bốn sự từ bỏ thanh tịnh”:
- Trước hết, ta sẽ nỗ lực ngăn ngừa các tính chất tiêu cực phát sinh, khi chúng chưa phát sinh. Chẳng hạn như, nếu như rất dễ ghiền các thứ thì bạn nên tránh tham gia dịch vụ chiếu phim trên mạng, bởi vì suốt ngày, bạn sẽ xem hết phim tập này đến phim tập khác. Việc này sẽ có hại và đưa đến việc mất định tâm.
- Rồi thì ta phải nỗ lực để diệt trừ các phẩm chất tiêu cực mà mình đã có. Nếu nghiện điều gì thì tốt nhất là cố gắng giới hạn điều đó. Chẳng hạn như, ai cũng biết một số người rất mê iPod, đến nỗi họ không thể đi đâu mà không nghe nhạc, như thể là họ sợ phải đối diện với sự yên lặng, sợ phải nghĩ về bất cứ điều gì, nên phải nghe nhạc liên tục. Dĩ nhiên là nhạc lớn tiếng có thể có ích lợi, như giúp bạn tỉnh táo khi lái xe trên đường trường, hay giữ nhịp độ khi tập thể dục, và nhạc nhẹ có thể giúp bạn bình tĩnh trong khi làm việc, nhưng chắc chắn là nhạc không giúp bạn chú tâm vào người đối diện, khi nói chuyện với họ. Điều không thể tránh khỏi là nó sẽ làm cho bạn lo ra.
- Sau đó, chúng ta cần phải trưởng dưỡng các phẩm tính tích cực mới mẻ.
- Rồi thì nỗ lực duy trì và nâng cao các phẩm tính tích cực mình đã có sẵn.
Việc xem xét các yếu tố này và cố tìm ra ứng dụng thực tế là điều rất thú vị. Một ví dụ từ bản thân tôi là tôi có thói quen rất tệ liên hệ đến trang mạng của mình. Tôi có khoảng 110 người làm việc cho trang mạng này, và lúc nào họ cũng gởi email cho tôi về các bài dịch thuật và hiệu đính của họ. Tôi nhận rất nhiều email mỗi ngày. Tật xấu của tôi là cứ hạ tải tất cả email vào trong một hộp thơ, thay vì phân loại chúng và bỏ chúng vào các hộp thơ đúng đề tài, để người phụ tá và tôi có thể tìm ra chúng một cách dễ dàng. Đó là thói quen rất tệ hại, vì sự bê bối này khiến cho chúng tôi không thể tập trung làm việc, vì mất nhiều thời giờ tìm các email. Vậy thì tính cách tích cực ở đây là gì? Đó là tạo ra một hệ thống phân loại email, để khi email nào vừa đến thì nó sẽ đi vào đúng hộp thơ ngay lập tức. Cách này tạo ra thói quen luôn luôn đưa các tài liệu vào đúng chỗ của nó ngay từ đầu, thay vì lười biếng và để cho email chạy khắp nơi.
Trong ví dụ này, chúng ta đã tìm ra tính tiêu cực, một thói quen rất phản năng suất, cũng như một tính cách tích cực. Vậy thì mình phải cố tránh tính tiêu cực và sáng tạo ra một hệ thống phân loại tài liệu, để ngăn chận thói quen tiêu cực tiếp tục xảy ra. Đây là điều mà chúng ta đề cập đến ở mức độ thực hành vô cùng đơn giản.
Khắc Phục Năm Chướng Ngại Của Định Tâm
Chánh tinh tấn còn đòi hỏi việc rèn luyện để khắc phục năm chướng ngại của định tâm, đó là:
Ý Định Theo Đuổi Bất Cứ Đối Tượng Nào Của Ngũ Trần
Ngũ trần là là sắc, thanh, hương, vị và xúc, có tính chất lôi cuốn. Chướng ngại mà mình phải nỗ lực khắc phục là khi đang cố tập trung tinh thần vào điều gì đó, chẳng hạn như công việc, nhưng tâm trí cứ sao lãng vì ý nghĩ như “Tôi muốn xem phim”, hay “Tôi muốn mở tủ lạnh.”. Ở đây, chúng ta đang xem xét dục vọng hay lạc thú giác quan, như muốn ăn, nghe nhạc, v.v… Khi cảm giác phát sinh, chúng ta phải cố gắng không theo đuổi những thú vui này, để có thể tập trung tinh thần.
Ác Ý
Đó là ý nghĩ muốn hãm hại ai. Nếu luôn luôn có ý nghĩ xấu xa như, “Người này làm mình tổn thương, mình không thích hắn, làm sao để trả thù đây?”, thì đó là một chướng ngại lớn đối với định tâm. Cần phải cố gắng tránh những ý nghĩ xấu xa hay có hại, không chỉ về người khác, mà còn về bản thân.
Hôn Trầm Và Uể Oải
Đó là khi tâm trí u mê, trống rỗng và không thể suy nghĩ một cách sáng suốt. Cảm giác uể oải là khi buồn ngủ. Phải cố khắc phục điều này. Dù là uống cà phê hay hít thở không khí trong lành thì mình phải cố gắng không ngủ gục, nhưng nếu quá khó tập trung tinh thần thì cần phải đặt ra giới hạn. Nếu bạn làm việc tại nhà thì, “Tôi sẽ ngủ một chút, hay nghỉ mệt 20 phút.”. Nếu bạn đang ở văn phòng thì, “Tôi sẽ nghỉ giải lao để uống cà phê 10 phút.”. Hãy đặt ra giới hạn nghỉ ngơi, rồi trở lại làm việc.
Trạo Cử Và Hối Hận
Trạo cử là khi tâm nghĩ đến Facebook hay Youtube, hay điều gì khác. Hối hận là khi mình có cảm giác tội lỗi, “Tôi cảm thấy vô cùng tội lỗi vì đã làm điều này hay điều kia.”. Những điều này làm tâm náo động, và thật sự cản trở định tâm.
Thiếu Quả Quyết Và Nghi Ngờ
Điều cuối cùng mà chúng ta cần phải nỗ lực khắc phục là tâm thiếu quả quyết và nghi ngờ. “Mình phải làm gì bây giờ?”, “Mình nên ăn trưa món gì? Chắc là nên ăn món này. Hay nên ăn món đó?”. Việc không thể quyết định làm tốn rất nhiều thì giờ. Mình không thể tập trung tinh thần và bắt tay vào việc, nếu như tâm luôn tràn đầy sự hoài nghi và thiếu quả quyết, nên cần phải nỗ lực để khắc phục vấn đề này.
Tóm lại, chánh tinh tấn là nỗ lực để:
- Tránh cách suy nghĩ phiền não và tiêu cực
- Tiêu diệt các thói quen xấu và khiếm khuyết mà mình có thể có
- Trưởng dưỡng các phẩm tính tốt đẹp mà mình có sẵn, và phát triển những phẩm tính còn thiếu sót
- Tiêu diệt các chướng ngại ngăn trở định tâm.
Chánh Niệm
Khía cạnh kế tiếp của bát chánh đạo, liên quan đến định là chánh niệm:
- Chánh niệm đơn giản là loại keo tinh thần. Khi đang tập trung tinh thần thì bạn chú tâm vào một đối tượng. Sự chú tâm này, tức chánh niệm, ngăn ngừa việc bỏ rơi đối tượng.
- Điều này được tỉnh giác đi kèm. Tỉnh giác sẽ phát giác khi sự chú tâm bắt đầu lơi lỏng, hay khi bạn bắt đầu buồn ngủ, hoặc hôn trầm.
- Rồi thì sử dụng sự chú ý, đó là cách ta xem xét hay chú tâm vào đối tượng trọng tâm.
Ở đây, chúng ta sẽ chú ý đến cách mình quán thân, tâm, cảm thọ, và các tâm sở. Cần phải tránh việc bám chấp và không buông bỏ tri kiến sai lầm về thân thể và cảm thọ, bởi vì nếu không buông bỏ thì tâm sẽ sao lãng, và mình không thể định tâm. Vì vậy nên hãy xem xét các hình thức chánh niệm sai lầm và đúng đắn.
Về Thân Thể
Khi nói về thân, nói chung thì điều này có nghĩa là thân thể thật sự của mình, cùng các cảm giác trong thân thể, hay những khía cạnh của thân. Tri kiến sai lầm về thân là xem thân mình có bản chất thú vị hay sạch sẽ và đẹp đẽ. Chúng ta tốn rất nhiều thời giờ phân tâm hay lo lắng về bề ngoài của mình, về tóc tai và trang điểm, cách ăn mặc, v.v… Dĩ nhiên, có bề ngoài sạch sẽ và đẹp mắt là tốt, nhưng khi đi đến cực đoan cho rằng bề ngoài của thân thể là nguồn vui, và luôn luôn phải hoàn hảo để thu hút người khác thì mình sẽ không có thì giờ để chú trọng vào bất cứ điều gì có ý nghĩa hơn.
Hãy xem xét thân này một cách thực tế. Nếu ngồi quá lâu thì bạn sẽ cảm thấy khó chịu và muốn xê dịch. Nếu nằm xuống trong một tư thế thì sẽ khó chịu, và khi chuyển sang tư thế khác một hồi sau thì cũng vậy. Chúng ta bị bệnh, và thân thể già nua. Điều quan trọng là chăm sóc thân thể, và có sức khỏe tốt bằng cách tập thể thao và ăn uống đàng hoàng, nhưng sự việc sẽ trở thành một vấn đề, nếu như mình quá chú trọng vào điều này, với ý tưởng rằng thân này là nguồn hạnh phúc lâu dài.
Chánh niệm sai lầm này là điều mình phải loại bỏ. Ta phải từ bỏ ý tưởng tóc mình là điều quan trọng nhất, hay mình phải luôn luôn ăn mặc với màu sắc hài hòa, và điều này sẽ mang lại hạnh phúc. Chúng ta sẽ không bám vào những ý tưởng này, và trưởng dưỡng chánh niệm đúng đắn, đó là “Tóc và quần áo không thật sự là cội nguồn hạnh phúc. Suy nghĩ quá nhiều về chúng chỉ làm mất thì giờ, và mình không thể chú tâm vào những điều có nhiều ý nghĩa hơn.”.
Về Cảm Thọ
Ở đây, chúng ta đang nói về cảm thọ bất hạnh hay hạnh phúc, mà cuối cùng thì điều này liên quan đến cội nguồn của đau khổ. Khi đau khổ, mình có cái gọi là “khát khao”, chúng ta khát khao để chấm dứt cội nguồn của nỗi khổ. Tương tự như vậy, khi có một chút hạnh phúc thì bạn thật sự khao khát thêm hạnh phúc. Điều này đơn thuần là nguồn gốc của vấn đề.
Khi xem nỗi bất hạnh là điều tệ hại nhất trên đời thì nó sẽ tạo ra vấn đề với việc tập trung tinh thần. Nó sẽ xảy ra như thế nào? “Tôi thấy hơi khó chịu”, hay “Tôi không thấy vui vẻ”, hay “Tôi đau khổ”, vậy thì sao? Chỉ cần tiếp tục làm bất cứ điều gì bạn đang làm. Nếu bạn thật sự nghĩ tâm trạng của mình là điều tệ hại nhất trên thế gian, và bám chấp vào đó thì nó sẽ trở thành chướng ngại cho việc tập trung vào bất cứ điều gì mình đang làm.
Khi cảm thấy hạnh phúc thì không nên lo ra, mong ước hạnh phúc sẽ gia tăng và tồn tại mãi mãi. Điều này có thể xảy ra khi hành thiền, và bạn bắt đầu cảm thấy thật an lạc, rồi sao lãng tinh thần vì cảm giác này tuyệt vời làm sao. Hay khi gặp người nào bạn thích, hay ăn món gì ngon thì chánh niệm sai lầm là bám chấp vào ý tưởng “Cái này quá hết xảy”, và bị chia trí vì điều này. Hãy hưởng thụ nó, nhưng đừng phóng đại nó.
Về Tâm Thức
Nếu như nghĩ rằng bản tánh của tâm mình tràn đầy sân hận hay ngu si, hoặc vô minh, và nghĩ rằng tâm mình có điều gì sai lầm hay khiếm khuyết một cách cố hữu thì sẽ khó tập trung tinh thần. Chúng ta thường nghĩ về bản thân theo khía cạnh chưa đủ tốt: “Tôi không được như vầy. Tôi không được như thế kia. Tôi không là gì cả.”. Hay “Tôi không thể hiểu nổi”, dù chưa hề thử tìm hiểu vấn đề. Nếu như bám chấp vào những ý tưởng này thì sự việc sẽ trở thành vô vọng, trong khi với chánh niệm đúng đắn, khi nghĩ rằng, “Tạm thời thì mình có thể không hiểu, có thể nhầm lẫn, nhưng không có nghĩa đó là bản tánh của tâm mình”, thì mình sẽ có tự tin để tập trung tinh thần và giải quyết vấn đề.
Về Tâm Sở
Yếu tố thứ tư là về các tâm sở, như trí thông minh, lòng nhân từ, kiên nhẫn, v.v… Chánh niệm sai lầm là nghĩ rằng chúng cố định và “Tôi là như vậy đó, và mọi người phải chấp nhận tôi. Không có cách nào để thay đổi hay trưởng dưỡng các tâm sở của mình.”. Chánh niệm đúng đắn là biết rằng tất cả các yếu tố này không chỉ đông đặc ở mức độ nào đó, mà có thể được phát triển và trưởng dưỡng trong bối cảnh này, để tăng trưởng định tâm.
Làm Chủ Bản Thân
Thật kỳ lạ, khi tự phân tích bản thân để xem cách mình đối phó với tâm trạng vô cùng tiêu cực, hay khi cảm thấy tội lỗi thì ta sẽ thấy mình chỉ bám chấp vào tâm trạng đó và mắc kẹt trong đó, hay với mặc cảm tội lỗi thì mình mắc kẹt với lỗi lầm mình đã tạo ra. Đã là người thì ai cũng lầm lỗi. Chánh niệm sai lầm xảy ra khi mình bám chấp vào đó, không chịu buông bỏ và tự hành hạ bản thân vì cứ nghĩ rằng mình tệ hại biết bao nhiêu. Chánh niệm đúng đắn là hiểu rằng các tâm trạng sẽ thay đổi, vì chúng phát sinh từ nhân duyên, và nhân duyên thì luôn luôn thay đổi, không có điều gì tồn tại mãi mãi.
Một lời khuyên rất hữu ích mà chúng ta thấy trong Phật pháp đơn giản là “hãy làm chủ bản thân”. Nó giống như khi thức dậy vào buổi sáng, nằm trên giường và thật không muốn ra khỏi giường, bởi vì bạn đang buồn ngủ, và nằm trên giường thì quá thoải mái. Nhưng bạn phải tự chủ và ra khỏi giường, đúng không? Mình có khả năng làm việc này, nếu không thì phân nửa dân số sẽ không bao giờ ra khỏi giường vào buổi sáng! Khi có tâm trạng xấu hay cảm thấy hơi xuống tinh thần thì cũng vậy. Ta có thể làm chủ bản thân, “Cứ làm việc đi nào!”, không bỏ cuộc, mà vẫn tiếp tục với những gì mình cần phải làm.
Các Khía Cạnh Khác Của Chánh Niệm
Nói chung, chánh niệm thật sự rất quan trọng. Nó ngăn ngừa mình quên đi mọi việc. Nếu có những việc cần phải làm thì chánh niệm đúng đắn giúp mình tập trung vào đó. Chánh niệm liên quan đến trí nhớ, nên bạn có thể nhớ rằng chương trình mà bạn thích nhất sẽ được chiếu trên truyền hình tối nay, nhưng đó là bám chấp vào điều không quá quan trọng, rồi khiến bạn quên đi những điều quan trọng hơn.
Nếu đang tập luyện môn gì thì có loại chánh niệm đúng đắn để gắn bó với việc này. Nếu đang tập thể dục thì phải tiếp tục tập mỗi ngày. Nếu đang kiêng ăn thì phải giữ chánh niệm về việc này, để không cầm lấy miếng bánh, khi có ai mời mình ăn bánh.
Chánh niệm là giữ gìn điều mình đang thực hiện, và không bị phân tâm vì tất cả những điều ngoài lề, không quan trọng.
Giữ Gìn Chánh Niệm Với Gia Đình
Nhiều người cảm thấy khó giữ chánh niệm về đạo đức đối với gia đình hơn là lúc gặp gỡ bạn bè hay người lạ. Nếu đó là trường hợp của mình thì lời khuyên tổng quát là nên có chủ ý rất mạnh mẽ ngay từ đầu. Nếu như sắp gặp bà con thì bạn có thể nghĩ rằng, “Tôi sẽ cố gắng không nổi nóng. Tôi sẽ ráng nhớ là họ rất tử tế với mình. Họ gần gũi với mình, và cách mình đối xử với họ sẽ ảnh hưởng đến cảm giác của họ.”. Điều này rất quan trọng ngay từ đầu.
Chúng ta còn phải tự nhắc nhở mình rằng họ là những con người. Mình không nên chỉ nhận diện họ trong vai trò người mẹ, người cha, người chị, anh, hay bất cứ quan hệ nào bạn có với họ. Nếu như xem họ trong một vai trò nào đó thì mình hay phản ứng với những điều họ làm bằng những vọng tưởng về người mẹ hay cha là gì, cùng với tất cả lịch sử, mong đợi và thất vọng mà mình đã có về họ. Tốt hơn là nên quan hệ với họ như giữa người và người. Nếu họ không có chánh niệm về điều này và vẫn đối xử với mình như trẻ con thì mình sẽ không rơi vào thói quen hành xử như một đứa trẻ. Ta sẽ nhớ rằng họ là một con người, và sẽ không nhập cuộc vào trò chơi; bởi vì cuối cùng thì phải có hai người thì mới nhảy được điệu tango.
Gần đây, chị tôi đến thăm tôi một tuần lễ. Chị ấy thường ngủ sớm và nói với tôi là “Đi ngủ đi”, giống như chị là mẹ của tôi vậy. Tuy nhiên, nếu tôi phản ứng như một đứa trẻ vả nói rằng, “Không, còn sớm quá mà. Em không muốn đi ngủ. Em còn muốn thức, tại sao chị lại kêu em đi ngủ?”, thì tôi sẽ chỉ chơi cùng một trò chơi, và cả hai sẽ bực bội, nên tôi phải tự nhắc nhở mình rằng chị ấy cho tôi lời khuyên vì chị lo lắng cho tôi, chứ không phải vì chị muốn tôi nổi giận. Chị ấy nghĩ là nếu tôi đi ngủ sớm thì sẽ tốt hơn cho tôi. Nên chúng ta phải cố gắng có cái nhìn thực tiễn hơn về điều gì đang xảy ra, thay vì chỉ phóng chiếu ý tưởng riêng của mình.
Vậy thì trước khi gặp người trong gia đình, chúng ta có thể giữ chánh niệm về động lực của mình, điều này có nghĩa là:
- Mục tiêu của mình: mục tiêu là có quan hệ tốt đẹp với gia đình, là những người mà mình quan tâm, và họ cũng quan tâm cho mình.
- Tình cảm đi kèm: lo lắng cho gia đình, như những con người.
Một cách khác để nhìn vấn đề là thay vì nghĩ rằng đó là một cái ải gay go thì hãy xem nó là sự thử thách và dịp may để trưởng thành: “Liệu mình có thể ăn tối với gia đình mà không nổi giận hay không?”
Và khi gia đình bắt đầu rầy la bạn, như các bậc cha mẹ thường làm, “Tại sao không lập gia đình? Tại sao không tìm công việc tốt hơn? Tại sao không sinh con?” (Điều đầu tiên mà chị tôi nói khi nhìn thấy tôi là “Em cần phải cắt tóc!”), rồi bạn sẽ nhận ra là họ hỏi han những điều như vậy là vì họ quan tâm đến mình, và mình chỉ cần nói, “Cảm ơn cha mẹ đã lo lắng cho con!”.
Ta cũng có thể nghĩ đến hoàn cảnh của họ, vì nhiều bạn bè của họ sẽ hỏi, “Con trai của anh chị đang làm gì? Con gái của anh chị ra sao rồi?”, và họ phải xã giao với bạn bè của họ. Họ không hỏi tại sao bạn chưa kết hôn vì ác ý, mà vì họ quan tâm đến hạnh phúc của bạn. Bước đầu tiên là ghi nhận điều này, và cảm kích sự quan tâm của họ, và nếu muốn thì bạn cũng có thể giải thích một cách bình tĩnh về lý do tại sao bạn chưa lập gia đình!
Chúng ta thường ôm ấp những điều hoàn toàn không có ích lợi, khi có chánh niệm không đúng đắn. Nó có thể là chuyện xa xưa, như là “Tại sao mười năm trước, cha mẹ lại làm như vậy?”, hay “Ba mươi năm trước, cha mẹ nói như vậy.”. Chúng ta chấp chặt vào đó và không cho ai cơ hội nào, không cho mình chú tâm vào hoàn cảnh hiện tại của họ ra sao. Chúng ta bám chấp vào thành kiến rằng “Kinh khủng lắm! Cha mẹ sắp tới nhà rồi”, khi mà mình đã quyết định điều này sẽ là chuyện kinh khủng. Nó sẽ khiến cho mình rất căng thẳng trước buổi ăn tối! Vậy thì mình sẽ lật ngược vấn đề lại bằng chánh niệm đúng đắn, nghĩ về nó như một cơ hội để xem cha mẹ mình lúc này ra sao, và cơ hội để phản ứng với hoàn cảnh khi nó xảy ra mà không có thành kiến với sự việc.
Lời Khuyên Thực Tiễn Cho Việc Duy Trì Chánh Niệm
Làm sao để duy trì chánh niệm trong những hoàn cảnh khó khăn? Chúng ta cần trưởng dưỡng:
- Tác ý – chủ ý mạnh mẽ để cố gắng không quên lãng
- Quen thuộc – ôn đi ôn lại cùng một quá trình, để tự động nhớ đến chánh niệm
- Tỉnh giác – hệ thống báo động, phát hiện ra khi mình mất chánh niệm.
Tất cả những điều này dựa trên thái độ quan tâm, khi bạn quan tâm rằng hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến bản thân và người khác ra sao. Nếu bạn thật sự không quan tâm về cách mình hành động như thế nào thì điều đó sẽ không duy trì chánh niệm, vì kỷ luật sẽ không có mặt ở đó. Tại sao mình nên quan tâm lo lắng? Bởi vì bạn là một con người. Cha mẹ của bạn là con người. Tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc. Không ai muốn đau khổ. Cách mình cư xử và nói năng với người khác sẽ ảnh hưởng đến cảm giác của họ, vì vậy, nên quan tâm đến cách mình cư xử với người xung quanh.
Chúng ta cần phải quán xét bản thân và động lực của mình. Nếu chỉ muốn làm người tốt, để người khác ưa thích mình thì hơi trẻ con, hơi khờ dại. Lý do tốt nhất để có chánh niệm và duy trì chánh niệm là vì quan tâm đến người xung quanh, dựa trên thái độ quan tâm, lo lắng.
Định
Khía cạnh thứ ba trong bát chánh đạo mà chúng ta áp dụng cho định được gọi là chánh định (đúng vậy, chính là định). Định chính là sự chú tâm vào một đối tượng. Một khi đã nắm giữ được bất cứ điều gì mình muốn chú tâm vào đó thì chánh niệm sẽ duy trì tâm ở đó, để mình không đánh mất đối tượng. Nhưng trước hết, giữ gìn được đối tượng là điều mà định đề cập đến.
Chúng ta dùng sự chú ý để đưa sự tập trung tinh thần đến điều gì. Ngày nay, so với quá khứ thì điều đang xảy ra thường xuyên hơn là mình bị phân tâm, nên không bao giờ hoàn toàn tập trung vào bất cứ điều gì một cách trọn vẹn. Khi bạn xem tin tức trên truyền hình thì có một người ở giữa màn hình đọc tin tức trong ngày, rồi phía dưới, có một hàng chữ đưa ra các tin tức khác, và ở trong góc thì có thể có những thông tin khác. Chúng ta không thể chú ý hay hoàn toàn tập trung vào bất cứ điều gì. Thậm chí, nếu nghĩ rằng mình có thể làm nhiều việc trong cùng một lúc thì không có ai, ngoại trừ bạn là một vị Phật, có thể tập trung 100% vào tất cả mọi việc mà bạn đang làm.
Đôi lúc, khi người khác nói chuyện với mình thì mình lại chú ý vào điện thoại di động. Đó là sự chú tâm sai lầm, vì người ta đang nói chuyện với mình, mà mình lại không chú ý nghe họ. Ngay cả khi mình chú tâm vào điều gì thì cũng khó mà duy trì sự chú ý. Giờ đây, ta đã quá quen với mọi việc thay đổi quá nhanh chóng, và quen nhìn hết cái này đến cái kia, nên rất mau chán. Cách tập trung tinh thần như vậy, chỉ chú tâm một vài khoảnh khắc vào cái này, một vài khoảnh khắc vào cái kia, là một chướng ngại. Đó là định tâm sai lầm. Khả năng tập trung tinh thần một cách đúng đắn có nghĩa là có thể chú tâm vào một đối tượng lâu dài khi cần thiết mà không chán nản và quay qua đối tượng khác, bởi vì mình không còn thích thú vào đối tượng đầu tiên nữa.
Một trong những chướng ngại chủ yếu là mình muốn được giải trí. Điều này đi trở lại chánh niệm sai lầm, cho rằng lạc thú tạm thời sẽ làm mình thỏa mãn, thay vì tạo ra sự khao khát xa xôi hơn. Các nhà khoa học xã hội khám phá ra rằng càng có nhiều thứ để làm và xem xét, và Internet cung cấp điều này, với khả năng vô giới hạn, thì mình càng mau chán, khẩn trương và căng thẳng hơn. Khi xem xét điều gì, bạn nghĩ rằng có thể có điều gì khác tiêu khiển hơn thế nữa, và e rằng mình sẽ bỏ lỡ nó. Cứ như vậy, bạn tiếp tục xem và không chú tâm vào bất cứ điều gì. Tuy khó thực hiện, nhưng cố gắng đơn giản hóa cuộc sống thật sự là một ý tưởng tốt, để bạn không có quá nhiều việc xảy ra trong cùng một lúc. Khi định tâm phát triển thì bạn sẽ có thể gia tăng phạm vi của những điều mình có thể ứng phó.
Nếu như có định tâm tốt thì bạn có thể tập trung vào điều này, rồi điều khác; nhưng mỗi một lần thì chỉ tập trung vào một đối tượng thôi, và không bị phân tâm. Giống như mỗi một lần khám bệnh thì bác sĩ cần phải lo cho một bệnh nhân mà thôi, và hoàn toàn chú tâm vào họ, không nghĩ về bệnh nhân trước hay bệnh nhân sau. Dù một bác sĩ có thể gặp nhiều bệnh nhân trong ngày, mỗi một lần khám bệnh, họ luôn luôn hoàn toàn chú tâm vào một người thôi. Làm như vậy thì tốt hơn cho sức tập trung của mình.
Tuy nhiên, đó là điều rất thử thách. Đối với bản thân tôi thì phải lo rất nhiều việc khác nhau cho trang mạng và các ngôn ngữ khác nhau, v.v… Rất khó để chú tâm vào một việc. Quá nhiều việc đến cùng một lúc. Những ai làm việc trong các nghề nghiệp phức tạp đều có cùng một vấn đề, nhưng sức tập trung tư tưởng có thể được phát triển theo giai đoạn.
Tóm Tắt
Có khá nhiều cách để tiêu diệt chướng ngại đối với sức tập trung tư tưởng. Một phương pháp đơn giản là tắt điện thoại di động khi làm việc, hay chọn một thời điểm nào đó trong ngày để xem email (điện thư) một hay hai lần, để có thể hoàn toàn tập trung vào việc mình cần làm. Giống như bác sĩ hay giáo sư có giờ làm việc trong văn phòng thì bạn không thể đến gặp họ bất cứ lúc nào, vì họ chỉ tiếp khách theo giờ giấc có giới hạn. Chúng ta có thể và cũng nên làm như vậy đối với bản thân, vì nó sẽ giúp cho mình phát triển việc tập trung tư tưởng.
Thật thú vị khi nhìn vào sự phát triển xã hội. Vào thời trước, chướng ngại chính đối với sức tập trung tư tưởng là tâm trạng của mình, tâm trí tản mạn, mơ mộng, v.v… Giờ thì còn có nhiều hơn nữa, và phần đông xuất phát từ bên ngoài, như điện thoại di động, Facebook và email. Thật sự là mình phải cố gắng để không bị tất cả những thứ này làm choáng ngộp, và để có khả năng làm như vậy, ta phải thật sự nhận ra những điểm bất lợi của những phương tiện truyền thông này. Điều hiển nhiên nhất mà nhiều người có thể kinh nghiệm là thời gian tập trung tinh thần ngày càng trở nên ngắn hơn và ngắn hơn. Twitter có một số ký tự giới hạn và trang Facebook thì cập nhật liên tục. Tất cả đều hoạt động nhanh đến nỗi nó tạo ra một thói quen tệ hại, gây bất lợi cho sức tập trung, bởi vì bạn không thể duy trì sự chú ý vào bất cứ điều gì; mọi thứ phải thay đổi liên tục. Đây là điều mình cần lưu ý.