Có nhiều cách để phân loại giáo pháp của Đức Phật. Một trong những đề án phổ biến hơn là “ba lần chuyển Pháp luân”, hay “ba vòng truyền giáo pháp”. Mỗi vòng được thuyết giảng ở một nơi khác nhau, vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời của Đức Phật, mặc dù một số học giả sau này, chẳng hạn như Tông Khách Ba (Tsongkhapa), đã phân biệt ba lần chuyển Pháp luân theo nội dung của chúng, chứ không đơn thuần theo thứ tự thời gian.
Lần Chuyển Pháp Luân Thứ Nhất
Vòng chuyển Pháp luân đầu tiên đã diễn ra tại vườn Lộc Uyển (Deer Park) ở Sa Nặc (Sarnath). Đức Phật đã đến đó cùng với năm vị đồng tu, sau khi Ngài đạt giác ngộ, và ban cho họ giáo pháp đầu tiên. Trong bài thuyết pháp này, Ngài đã đặt ra cấu trúc cơ bản về tuệ giác của mình, đó là Tứ Diệu Đế. Bốn diệu đế này là khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế, hay đạo lộ tâm thức đưa đến sự chân diệt của khổ, là kết quả của chân đạo.
Chữ "cao quý" được dịch ra từ chữ “arya”, cũng là nguồn gốc của các thuật ngữ “Aryan” và “Iran”. Người Aryan là một bộ lạc Ấn-Âu (Indo-European) xuất xứ từ Trung Á, đã chinh phục Ấn Độ khoảng 2,000 năm trước Công nguyên, và tuyên bố rằng họ ưu việt hơn người bản địa và văn hóa địa phương.
Một vị thánh nhân (arya) trong Phật pháp là một bậc chứng ngộ cao, đã chứng ngộ tứ đế vô niệm. Vậy thì Tứ Diệu Đế là bốn sự kiện mà một vị thánh nhân xem là đúng theo vô niệm, mặc dù phàm nhân và các tín đồ của các hệ thống triết học Ấn Độ khác thời đó thì không hề xem những điều này là đúng.
Điều thú vị là Đức Phật đã sử dụng thuật ngữ “arya”, có nghĩa là một thành phần của giới quý tộc, nhưng lại bãi bỏ hệ thống đẳng cấp và cấu trúc giai tầng trong tăng đoàn mà Ngài đã thành lập. Tuy nhiên, việc trở thành một thánh nhân trong nhà Phật không dựa vào việc sinh ra trong bối cảnh gia tộc nào, thị tộc hay chủng tộc nào, ban địa vị quyền lực chính trị hay kinh tế cho ai; mà lại dựa trên thành tựu tâm linh. Do đó, để phù hợp với tâm lý xã hội nơi Ngài sinh sống, Đức Phật đã sử dụng thuật ngữ này để ám chỉ rằng những người đã chứng ngộ chân lý của những sự kiện này đã vượt lên trên quần chúng, theo ý nghĩa là họ tự mình thoát khỏi một mức độ đau khổ nào đó.
Hơn nữa, nai được xem là một động vật hiền lành, bình an. Bằng cách thuyết Pháp ở vườn Lộc Uyển (vườn Nai), Đức Phật đã sử dụng điều này như một biểu tưởng rằng việc thấu hiểu những lời dạy của Ngài sẽ đem lại một trạng thái tịch tĩnh, thoát khổ.
Lần Chuyển Pháp Luân Thứ Hai
Đức Phật đã chuyển Pháp luân lần thứ hai tại Đỉnh Linh Thứu, ở vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), bên ngoài thành Vương Xá (Rajagaha). Điều này đã diễn ra vào một thời điểm đặc biệt khó khăn trong đời Ngài. Chiến tranh đang hoành hành tại quê nhà của Ngài, là quốc gia Thích Ca (Sakya); và ở Ma Kiệt Đà thì hoàng tử đã đưa vua cha vào tù, chiếm đoạt ngai vàng và bỏ đói cha mình cho đến chết. Đó cũng là lúc mà Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), anh em họ của Đức Phật, đang cố giết hại Ngài và tạo ra một sự ly gián trong tăng đoàn. Hơn nữa, khi Đức Phật đang trên đường đến Ma Kiệt Đà thì lại bị vu khống và hạ nhục ở Bạt Kỳ (Vajji), nên Ngài đã sống trong các hang động trên đỉnh Linh Thứu.
Lần chuyển Pháp luân thứ hai chủ yếu liên quan đến điều được gọi là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Prajnaparamita Sutras, Bát Nhã Tâm Kinh). Kinh này nói về đề tài của Không tướng - tánh Không - và các giai đoạn để thành tựu trí tuệ chứng ngộ tánh Không. Tánh Không là sự vắng bóng của những cách hiện hữu bất khả, như sự tồn tại có tự tánh và độc lập. Mặc dù vạn pháp có vẻ được tự thiết lập, không phụ thuộc vào nhân duyên, nhưng vọng tưởng này không phù hợp với thực tế. Phải phân biệt một cách chính xác giữa ảo tưởng và thực tế, để đạt được giải thoát và giác ngộ. Phải có chứng ngộ vô niệm về tánh Không.
Việc giảng dạy chủ đề này có ý nghĩa lớn lao trong bối cảnh của thời điểm này trong đời của Đức Phật. Rất nhiều điều khủng khiếp đã xảy ra cho riêng Ngài và thế giới xung quanh Ngài, nên tăng đoàn của Ngài cần có một phương pháp để thấu hiểu và đối phó với cú sốc và sự kinh hoàng của tất cả những điều này. Việc chứng ngộ tánh Không sẽ giúp họ giải tỏa tình huống khó khăn này, và hiểu rằng bi kịch của chiến tranh và vân vân không tồn tại như những con quái vật rắn chắc, mà phát sinh phụ thuộc vào nhiều nhân duyên. Nếu như nhìn vào lần chuyển Pháp luân thứ hai dưới ánh sáng này thì việc Đức Phật thuyết tánh Không vào thời điểm ấy trong cuộc đời của Ngài có ý nghĩa rất lớn.
Lần Chuyển Pháp Luân Thứ Ba
Lần chuyển Pháp luân thứ ba diễn ra tại Tỳ Xá Ly (Vesali), thủ đô của Cộng hòa Vajji. Đức Phật đã đi ngang qua Vajji một vài lần trên đường đi lại giữa Kosala và Magadha, và chính tại nơi này mà cuối cùng, Ngài đã đồng ý thành lập ni đoàn. Vajji là một nước cộng hòa nghèo nàn, nên ni đoàn đã khởi xướng trong một môi trường bình đẳng, một nơi mà giai cấp Bà la môn cao cấp và bảo thủ không quá mạnh mẽ, và đó là điều trọng đại.
Có hai cách để phân định nội dung của lần thuyết Pháp thứ ba này. Theo một trong hai cách này thì lần chuyển Pháp luân thứ ba đề cập đến những giáo lý của trường phái Duy Thức (Chittamatra) của Đại thừa. Quan điểm triết học chánh của trường phái này là nội dung nhận thức của mình và các tâm sở mà mình sử dụng để nhận thức nó không xuất phát từ những nguồn gốc khác nhau. Tất cả đều xuất phát từ cùng một nguồn gốc - một chủng tử nghiệp hay khuynh hướng trong tàng thức của chúng ta. Vì vậy mà ta chỉ có thể thiết lập sự tồn tại của bất cứ pháp gì liên quan đến một tâm thức đang nghĩ về nó, hay nhìn thấy nó, hoặc mô tả nó, v.v... Vì vậy, khi hai người đang nhìn vào một điều gì đó, chẳng hạn như một thành viên của ni đoàn mới thành lập thì không có mẫu số chung, không có người khách quan mà cả hai đang nhìn vào. Cách mà ni sư xuất hiện đối với mỗi người phát sinh từ chủng tử nghiệp trong tâm thức của người xem. Do đó, nếu có ai xem việc làm một ni sư là điều không phù hợp với phụ nữ thì đó không phải là thực tế khách quan, mà chỉ là quan điểm chủ quan của người đó thôi.
Theo cách thứ hai để xác định nội dung của lần chuyển Pháp luân thứ ba thì Đức Phật đã khai thị về Phật tánh, yếu tố bẩm sinh mà tất cả mọi người đều có, sẽ giúp họ trở thành những vị Phật giác ngộ. Vì có Phật tánh mà tất cả chúng sinh đều bình đẳng, và điều này bao gồm cả nam lẫn nữ. Khai thị về Phật tánh giúp ích rất nhiều cho các những người nam trong tăng đoàn của Ngài, để chấp nhận tổ chức mới của chư ni, và cũng khuyến khích chư ni cố gắng tu tập để đạt giác ngộ. Sau đó, điều trọng đại là Đức Phật đã dạy đề tài này ở Vajji, một quốc gia bình đẳng, nơi mà nó cũng có ý nghĩa hơn với quần chúng. Hơn nữa, việc mọi người nhận thức rằng bất chấp mọi sự xung đột và chiến tranh đang diễn ra thì bản chất cơ bản của tâm thức của tất cả mọi người đều thanh tịnh, bao gồm cả tâm trí của kẻ thù của mình, là điều hữu ích.
Tóm Tắt
Đức Phật đã giảng dạy một cách thiện xảo các đề tài khác nhau, theo nhiều cách khác nhau, vào những thời điểm khác nhau trong đời của Ngài. Ngài đã xây dựng giáo pháp của mình, và chọn các chủ đề thích hợp với địa điểm và thời gian của dịp thuyết pháp, để đáp ứng và giải quyết nhu cầu của thính chúng. Nhờ vậy mà Đức Phật thật sự là một bậc thầy tinh thông về phương tiện thiện xảo.