Kiến Thức Phương Đông Và Khoa Học Phương Tây
Đối với việc đâu là những điểm giao thoa giữa phương Đông và phương Tây, thì tôi nghĩ 30 hay 40 năm trước, tôi đã đề cập đến điều này một lần, rằng kiến thức của phương Đông, chủ yếu là ở đây, ở Ấn Độ, cụ thể là kiến thức về cảm xúc và tâm thức thì khá chi tiết; và đó là vì có pháp tu samadhi [định] và vipashyana [tuệ]. Những điều này không dựa trên tín tâm hay lòng sùng mộ; vì chúng rèn luyện tâm thức của mình. Bất cứ giáo lý nào có pháp tu định và tu tuệ, thì sẽ có lời giải thích về tâm thức: cách tâm hoạt động, cách cảm xúc hoạt động.
Rồi thì trong đạo Phật cũng có prajna hay trí tuệ [trí phân biệt], và trong đạo Phật, còn có tri kiến chủ yếu là vô ngã hay thuyết anatma. Vì vậy, nếu muốn tranh biện về thuyết anatma, thì tự nhiên bạn phải có sự hiểu biết chi tiết hơn về vô minh và tà kiến. Đối với tà kiến thì lực đối trị duy nhất là chánh kiến, chứ không phải là cầu nguyện, không chỉ là thiền định. Rồi trong Mật thừa (Tantrayana) thì có việc bàn luận về những mức độ khác nhau của các trạng thái tinh thần - trạng thái tỉnh thức, trạng thái chiêm bao, trạng thái ngủ sâu hay trạng thái ngất xỉu. [Đây là tất cả các ví dụ của kiến thức phương Đông về tâm thức.]
Dĩ nhiên là khoa học xuất phát từ phương Tây. Trong hầu hết các trường hợp thì các nhà khoa học xuất thân từ bối cảnh Do Thái-Cơ Đốc (Judeo-Christian), nên tự nhiên là họ không chú ý nhiều đến tâm thức, cảm xúc và những điều như vậy. Trong truyền thống Do Thái-Cơ Đốc thì mức độ thực hành cũng giống như [trong các tôn giáo phương Đông] – tu tập lòng bi, tha thứ, khoan dung, cũng như lòng toại nguyện và giới luật. Trong tất cả các tôn giáo lớn thì điều này giống nhau. Sự khác biệt giữa các tôn giáo này là cách phát huy giá trị cơ bản của con người.
Có những tôn giáo dựa trên đức tin về một đấng sáng tạo, bao gồm các truyền thống Ấn Độ giáo [chấp nhận một đấng sáng tạo]; và bởi vì cuối cùng mọi việc đều phụ thuộc vào đấng sáng tạo, nên có đức tin thôi là đủ rồi. Để giảm thiểu thái độ vị kỷ, thì bạn phải có đức tin mạnh mẽ vào Thượng đế, đấng sáng tạo. Bạn hoàn toàn phục tùng Thượng đế. Điều đó sẽ giảm bớt thái độ vị kỷ của mình. Trong khi đó, đạo Phật không có khái niệm về đấng sáng tạo - cũng như Kỳ Na giáo (Jain) và một thành phần của trường phái Số Luận (Samkhya) thì không có đấng sáng tạo - nên chính bạn phải nỗ lực để thay đổi tâm thức của mình. Điều này không thể thay đổi bằng cách cầu nguyện.
Cuối cùng thì mọi người đã phát triển đức tin tôn giáo trong ít nhất ba hoặc bốn ngàn năm qua. Bất cứ lúc nào gặp khó khăn thì họ sẽ cầu nguyện, và đặt hy vọng vào đấng sáng tạo, hay Thượng đế, hay đặt niềm tin vào Phật. Giống như người Tây Tạng - chúng tôi chỉ đặt niềm tin vào Phật, nhưng đã sơ suất về mặt hành động ở mức độ của con người. Nên đó là lý do mà chúng tôi đã mất nước, đúng không?
Thế thì trong mấy ngàn năm qua - tôi nghĩ ít nhất bốn hoặc năm ngàn năm – người ta đã đặt hy vọng và niềm tin tối hậu vào Thượng đế. Tuy nhiên, hiện nay, trong hai thế kỷ qua, khoa học và công nghệ đã phát triển và bắt đầu đáp ứng nhiều hy vọng của chúng ta. Trong một ngàn năm qua, chúng ta đã hoàn toàn dựa vào đức tin; nhưng hiện giờ, không có đức tin, mà kết quả cụ thể đang được khoa học và công nghệ cung ứng. Mọi người, kể cả người phương Đông, đang nương tựa vào khoa học và công nghệ, và đúng là nhiều người đã bị khoa học và công nghệ lôi cuốn.
Tuy nhiên, từ cuối thế kỷ 20 thì càng ngày càng có nhiều người gặp phải những sự hạn chế, khi chỉ có giá trị về vật chất. Vật chất cung cấp cho chúng ta tiện nghi về mặt thể chất, và thật sự đem lại cho mình một sự thỏa mãn ở mức độ giác quan, nhưng không phải ở mức độ tinh thần thật sự. Nếu như so sánh kinh nghiệm ở mức độ tinh thần và kinh nghiệm ở mức độ giác quan, thì kinh nghiệm ở mức độ tinh thần sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm là khi mình cảm thấy vui vẻ và bình tĩnh, thì nỗi đau về mặt thể xác có thể lắng dịu. Nhưng sự thoải mái về thể chất không thể làm lắng dịu tinh thần, khi chúng ta có quá nhiều sự khổ não về mặt tinh thần, quá nhiều lo lắng. Vậy thì rõ ràng tinh thần của mình là yếu tố nghiêm trọng hơn.
Càng ngày càng có nhiều bác sĩ và khoa học gia nhận thức rằng trạng thái tinh thần của chúng ta rất, rất là quan trọng, đối với sức khỏe của mình. Tâm thức lành mạnh rất liên quan đến cơ thể lành mạnh, nhưng tâm thức lành mạnh không thể được tạo ra bằng thuốc men, rượu hay thuốc phiện. Không thể có tâm thức lành mạnh, bằng cách chích thuốc hay mua nó ở siêu thị. Tâm thức lành mạnh phải phát triển trong chính tâm thức ấy - từ đức tin, ở một mức độ nào đó; nhưng không, không thật sự là như vậy. Niềm tin xác tín chân thật chỉ có thể phát sinh từ việc nghiên cứu và khảo sát.
Vì vậy, tôi cảm thấy điểm giao thoa giữa phương Đông và phương Tây không phải là vì lý do tôn giáo, mà đơn giản là vì khoa học tâm thức.
Những Khía Cạnh Khoa Học Của Truyền Thống Na-lan-đà
Tôi đã tham gia các buổi họp với các nhà khoa học trong 30 năm qua. Lúc đầu - tôi nghĩ là 40 năm trước - tôi đã bày tỏ với một số thân hữu rằng tôi muốn có một cuộc đối thoại với các nhà khoa học. Một phụ nữ người Mỹ đã nói với tôi rằng, “Khoa học là điều giết hại tôn giáo. Hãy cẩn thận.". Nhưng sau đó, tôi đã nghĩ về truyền thống Na-lan-đà (Nalanda). Họ sẽ tìm hiểu và thử nghiệm các giáo pháp, và nếu như tìm ra sự mâu thuẫn nào, thì đúng là họ sẽ bác bỏ lời Phật dạy. Chính Đức Phật cũng đã nói rõ rằng: “Không ai trong số các tín đồ của ta nên chấp nhận giáo pháp của ta vì đức tin, vì lòng sùng mộ, mà đúng hơn là bằng việc khảo sát và thử nghiệm kỹ càng.”. Các vị đạo sư này đã tùy tiện thực hiện việc khảo sát, thậm chí khảo sát những lời Phật dạy. Vì vậy nên chúng ta có những chữ trong tiếng Tây Tạng như drangdon (drang-don) và ngedon (nges-don) - pháp bất liễu nghĩa [giáo pháp có thể được diễn giải] và pháp liễu nghĩa. Do đó, tôi đã nhận ra điểm nhấn mạnh của truyền thống Na-lan-đà là việc khảo sát, hơn là đức tin.
Toàn bộ hệ thống đạo Phật dựa trên thực tại, thực tại của ngày nay. Nhị đế [quy ước và tối hậu] là những sự giải thích về thực tại. Rồi theo thực tại ấy, chúng ta có thể phân biệt tà kiến và chánh kiến. Nếu muốn chứng minh đây là tà kiến, thì chúng ta phải khảo sát thực tại là gì. Luôn luôn có một khoảng cách giữa hiện tướng và thực tại. Nhiều tà kiến dựa vào hiện tướng, và hầu hết các cảm xúc tiêu cực bắt nguồn từ tà kiến – chấp thủ, chấp ngã. Vậy thì trên cơ sở đó, chúng ta có ý tưởng về Tứ diệu đế. Nếu như chỉ dựa vào lời Phật dạy, mà nói rằng, “Ồ, Đức Phật đã tuyên thuyết Tứ diệu đế”, là sai. Chúng ta phải chứng minh Tứ diệu đế. Chúng ta phải hiểu biết hệ thống hay cấu trúc thật sự của Tứ diệu đế.
Do đó, tôi đã nhận thức rằng khoa học cũng đang cố gắng truy tầm thực tại, chân lý, nhưng dĩ nhiên là trong một lãnh vực khác. Phật tử cũng đang cố gắng truy tầm thực tại. Tôi nghĩ cả hai đang thật sự thực hiện lời tuyên bố nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping): “Tìm kiếm chân lý từ các sự kiện.”. Cả hai truyền thống đều cố gắng tìm kiếm chân lý, bằng cách điều tra. Do đó, tôi nhận ra là không có sự mâu thuẫn. Phương cách khoa học của việc tiếp cận, của việc điều tra, là có một thái độ hoài nghi. Đạo Phật cũng giống y như vậy.
Phân Biệt Giữa Khoa Học Phật Giáo, Triết Học Phật Giáo Và Đạo Phật
Từ các buổi họp và hội nghị của chúng tôi với các nhà khoa học, nên một số người đã sử dụng những từ ngữ như: “Sự gặp gỡ của khoa học và Phật giáo”, nhưng điều này sai. Chúng tôi không thảo luận với các nhà khoa học về đạo Phật, mà chỉ về khoa học Phật giáo thôi. Vì vậy, tôi đã phân biệt giữa khoa học Phật giáo [khoa học bắt nguồn từ văn học Phật giáo], triết học bắt nguồn từ văn học Phật giáo và đạo Phật. Vậy thì đạo Phật dành cho Phật tử; còn khoa học Phật giáo và triết học Phật giáo thì phổ quát.
Tôi cảm thấy đã có một vài cuộc họp giữa Đông và Tây. Các nhà khoa học hàng đầu phương Tây hiện đang thật sự chú ý đến giá trị của việc rèn luyện tâm thức, bởi vì điều này rất quan trọng, và rất liên quan đến sức khỏe của chúng ta, dù là cho xã hội, gia đình hay cá nhân. Giống như ở Đại Học Wisconsin, dưới sự lãnh đạo của Richard Davidson. Ông đã thực hiện một số chương trình đặc biệt về việc rèn luyện tâm thức, những điều như vậy; và vài năm gần đây thì Đại Học Stanford cũng vậy. Tôi mới vừa đến thăm họ. Tất cả những thí nghiệm của họ thật sự là nghiên cứu tuyệt vời. Rồi đến Đại Học Emory. Vậy thì những điều này không liên quan gì đến tôn giáo, mà chỉ đơn giản là cố gắng lấy một số tài liệu từ kinh sách nhà Phật, để sử dụng như một phương pháp khoa học, để rèn luyện tâm thức của chúng ta, để củng cố những phẩm chất cơ bản tốt đẹp trong tâm thức của mình [như lòng bi và tình thương] xuất phát từ những bà mẹ của chúng ta.
Vậy thì tôi nghĩ rằng đó là nơi thích hợp để phương Đông và phương Tây gặp gỡ với nhau. Đó là cảm giác của tôi. Không phải về tôn giáo, mà chỉ về khoa học.