Đức Phật Lịch Sử
Theo hầu hết các tiểu sử truyền thống thì người đàn ông sau này trở thành Đức Phật đã được sinh ra trong dòng họ quý tộc Thích Ca (Shakya) ở miền Bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Ngài được đặt tên là Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama), và trong lễ ăn mừng ngày ông ra đời, một ẩn sĩ thông thái tên là A Tư Đà (Asita) đã tuyên bố rằng đứa trẻ sẽ trở thành một nhà vua vĩ đại, hay một bậc thầy cao cả. Cha của Tất Đạt Đa là Tịnh Phạn (Shuddhodhana), là tộc trưởng của gia tộc Thích Ca, vì rất mong muốn đứa con trai bé bỏng sẽ nối gót của mình, nên ông đã quyết định bảo bọc con trai, để tránh khỏi bất cứ điều gì có thể khiến cho nó đi lệch hướng, trên đường trở thành một nhà vua vĩ đại.
Chàng trai trẻ Tất Đạt Đa phải sống biệt lập trong cung điện của gia đình, và được cung phụng tất cả những thứ xa hoa như đồ trang sức quý giá và phụ nữ xinh đẹp, hồ sen và những bầy thú hoang hiếm có đầy thú vị. Chàng đã được bảo bọc, để không phải chứng kiến bất cứ khổ đau hay nỗi bất hạnh nào, vì người bệnh và người già bị cấm vào cung điện. Theo thời gian, Tất Đạt Đa trở nên xuất sắc trong việc học và các môn thể thao, và đã kết hôn với Da Du Đà La (Yasodhara), người đã hạ sinh một đứa con trai cho ngài, đó là La Hầu La (Rahula).
Tất Đạt Đa sống một cuộc sống xa hoa gần 30 năm, ngày càng tò mò hơn về những điều đang xảy ra bên ngoài những bức tường của cung điện. “Nếu mảnh đất này thuộc về ta, thì chắc chắn ta nên nhìn thấy nó và thần dân của mình chứ?”, Ngài nghĩ như thế. Cuối cùng thì Tịnh Phạn đã sắp xếp cho con trai ra khỏi cung điện để du ngoạn. Đường phố được quét dọn sạch sẽ, những người già và bệnh tật được giấu kín, và người đánh xe của Ngài là Xa Nặc (Channa) đã đưa Ngài đi qua những đường phố mà dân địa phương vẫy tay chào mừng và mỉm cười. Tuy nhiên, trong đám đông, Tất Đạt Đa để ý đến một người đang cúi xuống, gương mặt nhăn nheo bên lề đường. Vừa kinh ngạc vừa bị sốc, Ngài hỏi Xa Nặc chuyện gì đã xảy ra với kẻ đáng thương này. Xa Nặc đáp rằng “Điều mà Ngài thấy trước mắt là một người già, đây là số phận đang chờ đợi tất cả chúng ta.”. Khi đi xa hơn nữa thì Tất Đạt Đa tình cờ thấy một người bệnh và một xác chết, cả hai đều mở rộng tầm mắt của Ngài về những điều không thể tránh khỏi, nhưng hoàn toàn bình thường trong cuộc sống, mà cuối cùng cũng sẽ ảnh hưởng đến ngài.
Cuối cùng, Ngài gặp một thánh nhân, người đang tìm cầu giải thoát để thoát khổ. Ba cảnh tượng đầu tiên này khiến cho Tất Đạt Đa nhận ra mình đã bị đời sống trong cung điện lừa dối, bảo bọc để tránh khỏi mọi khổ đau. Cảnh tượng của vị thánh nhân đã đánh thức Ngài về khả năng tìm kiếm con đường thoát khổ.
Không chắc là Tất Đạt Đa chưa bao giờ gặp người già hay người bệnh trước đây, nhưng đây là điều tượng trưng, cho thấy cách mà Ngài, và quả thật là tất cả chúng ta, thường sống một cuộc đời bỏ mặc nỗi khổ. Khi trở về cung điện, Tất Đạt Đa cảm thấy vô cùng bất an. Ngài đã sống một đời an nhàn với người thân, nhưng giờ đây, làm sao Ngài có thể tận hưởng đời sống này, hay thoải mái, khi biết rằng một ngày nào đó, Ngài và tất cả những người thân yêu sẽ trở nên già nua, bệnh tật và qua đời? Trong cơn tuyệt vọng, mong tìm ra lối thoát cho tất cả mọi người, một đêm nọ, Ngài đã trốn ra khỏi cung điện, để sống đời của một người khổ hạnh lang bạt khắp nơi.
Tất Đạt Đa đã gặp nhiều vị thầy vĩ đại, dù với sự chỉ dạy của họ, Ngài đã đạt được định tâm rất cao nhờ thiền định, nhưng vẫn không hài lòng, vì những trạng thái thiền định này không chấm dứt nỗi khổ. Ngài đã chuyển sang pháp tu khổ hạnh, nhịn ăn và từ bỏ mọi tiện nghi vật chất, dành hầu hết thời gian để hành thiền. Sau sáu năm tu hành theo pháp tu này, cơ thể Ngài vô cùng gầy gò ốm yếu, chỉ còn da bọc xương.
Một ngày nọ, khi đang ngồi bên bờ sông, Ngài tình cờ nghe một người thầy dạy cho đứa trẻ cách chơi đàn: “Dây đàn không được quá chùng, nếu không thì con không thể chơi đàn. Tương tự như vậy, dây đàn cũng không thể quá căng, nếu không thì chúng sẽ đứt.". Khi nghe thấy điều này, Tất Đạt Đa nhận ra rằng những năm tháng tu khổ hạnh không có ích lợi gì. Cũng giống như đời sống xa hoa trong cung điện của Ngài, pháp tu khổ hạnh là một cực đoan không khắc phục được nỗi khổ. Ngài nghĩ rằng đáp án phải là trung đạo giữa các cực đoan này.
Vào lúc đó, một cô gái trẻ tên là Tu Già Đa (Sujata) đi ngang qua và cúng dường cho Tất Đạt Đa một ít sữa gạo, món ăn đầu tiên của Ngài sau sáu năm trời. Ngài đã dùng thức ăn này, khiến cho những người bạn đạo tu pháp khổ hạnh bị sốc, rồi Ngài an tọa dưới một cây sung. Lúc đó, Ngài quyết định rằng, "Ta sẽ không rời khỏi chỗ này, cho đến khi đạt được giác ngộ viên mãn.". Dưới cội cây này, mà ngày nay được gọi là cây bồ đề, Tất Đạt Đa đã thành tựu giác ngộ viên mãn, và được gọi là Đức Phật, bậc tỉnh thức.
Ngay sau khi giác ngộ, Đức Phật đã thuyết Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Trong 40 năm tiếp theo, Ngài đã đi khắp các vùng đồng bằng phía Bắc Ấn Độ để thuyết giảng về các chứng ngộ mà mình đã thành tựu. Ngài đã thành lập một cộng đồng tăng lữ gọi là Tăng đoàn, những người sẽ tiếp tục truyền bá giáo lý của Đức Phật trên khắp Ấn Độ, và cuối cùng là khắp châu Á và thế giới.
Đức Phật đã nhập niết bàn vào khoảng 80 tuổi tại Câu Thi Na (Kushinagar). Trước khi nhập diệt, Ngài đã hỏi Tăng đoàn xem họ có thắc mắc gì không, hoặc có điều gì trong giáo pháp cần phải làm sáng tỏ hay không. Ngài khuyên các đệ tử nên nương tựa vào giáo pháp và giới luật, rồi nói lời cuối cùng: “Này các thầy, đây là lời khuyên cuối cùng của ta dành cho các ông. Tất cả các pháp hữu vi trên thế gian đều vô thường. Hãy tu hành tinh tấn, để độ tự thân.”. Sau đó, ngài nằm nghiêng bên phải và nhập diệt.
Chư Phật Là Gì?
Chúng ta đã biết vị Phật lịch sử là ai, nhưng thật ra việc trở thành Phật có nghĩa là gì?
Nói một cách đơn giản, thì một vị Phật là người đã tỉnh thức. Chư Phật đã tỉnh thức từ giấc ngủ say. Đây không phải là cách mà chúng ta ngủ say, sau khi tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, mà là giấc ngủ say trong vô minh, bao trùm mỗi một sát na trong đời sống; vô minh về cách mình và vạn pháp thật sự tồn tại ra sao trên thực tế.
Chư Phật không phải là chư Thiên, cũng không phải là những đấng sáng tạo. Toàn thể chư Phật đều khởi đầu giống như chúng ta, tràn đầy vô minh, phiền não và rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, bằng cách noi theo con đường từ bi và trí tuệ, và tinh tấn trưởng dưỡng hai phẩm chất tích cực này, hành giả có thể thành tựu giác ngộ.
Chư Phật có ba phẩm hạnh chính:
- Trí tuệ - Một vị Phật không có sở tri chướng, nên toàn tri về tất cả các pháp một cách đúng đắn và đầy đủ, đặc biệt là cách phổ độ chúng sinh.
- Lòng bi – Nhờ có trí tuệ đã nêu ra ở trên, thấy rằng tất cả chúng sinh đều tương quan với nhau, nên chư Phật phát tâm đại bi, và biết rằng mình có khả năng phổ độ tất cả chúng sinh. Trí tuệ mà không có lòng bi thì có thể giúp cho một người có học thức cao, nhưng điều này chẳng ích lợi gì cho xã hội. Lòng bi là điều thúc đẩy họ làm việc vì lợi lạc của tất cả chúng sinh. Đó là lý do mà chư Phật phát khởi phẩm chất thứ hai này, để tạo ra mối liên hệ với tất cả chúng ta.
- Oai lực - Với hai phẩm hạnh biết cách diệt khổ và có tâm nguyện mạnh mẽ phổ độ chúng sinh, chư Phật có oai lực và khả năng thật sự để tạo lợi lạc cho tha nhân, bằng cách dạy cho chúng ta những đường tu đưa đến giác ngộ, bằng nhiều phương tiện thiện xảo khác nhau.
Chư Phật hiểu rằng nếu mình không muốn khổ, thì cũng không có ai khác muốn khổ bao giờ. Tất cả chúng sinh đều muốn được hạnh phúc. Vì vậy, chư Phật không chỉ làm việc cho tự thân, mà còn cho mỗi một chúng sinh trong vũ trụ. Các ngài quan tâm đến tha nhân nhiều như các ngài quan tâm cho chính bản thân mình.
Với sự thúc đẩy của lòng bi vô cùng mạnh mẽ, chư Phật dạy các phương tiện để đoạn trừ mọi nỗi khổ, gọi là trí tuệ - tâm sáng suốt để phân biệt giữa thực tại và hư cấu một cách đúng đắn. Với trí tuệ này, cuối cùng chúng ta có thể đoạn trừ tất cả những điều tiêu cực, mọi sự mê lầm, ích kỷ và cảm xúc tiêu cực. Chúng ta cũng có thể trở thành những vị Phật hoàn hảo, và có nội tâm hoàn toàn an lạc.
Tóm Tắt
Chư Phật là những bậc thầy hoàn hảo, biết cách giúp đỡ chúng ta một cách chính xác, bằng các phương tiện thiện xảo. Chư vị giàu lòng trắc ẩn, luôn sẵn sàng và sẵn lòng giúp đỡ chúng ta, bằng cách dẫn dắt chúng ta trên chánh đạo.
Giống như Tất Đạt Đa, chúng ta cũng thường mù quáng trước nỗi khổ của thế gian, nhưng dù có cố gắng trốn tránh hay phớt lờ nó bao nhiêu đi chăng nữa, thì tuổi già, bệnh tật và cái chết sẽ đến với chúng ta. Sự tích về cuộc đời của Đức Phật truyền cảm hứng cho chúng ta, để thấy rằng khi đối mặt và thấu hiểu thực tại của nỗi khổ giống như Ngài đã làm, chúng ta cũng có thể thoát khỏi tất cả những nỗi thất vọng trong cuộc sống. Cuộc đời và giáo huấn của Ngài nhắc nhở chúng ta rằng mình phải cố gắng hết sức để khắc phục phiền não và vô minh, để giống như Ngài, chúng ta có thể tự mình làm việc để tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh.