Thông Điệp Phật Đản Từ Đức Dalai Lama

Study buddhism life of buddha

Tôi cảm thấy vô cùng hoan hỷ để gởi lời chào đến tất cả anh chị em Phật Tử trên toàn thế giới, chào mừng ngày Phật Đản hôm nay.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh tại Lâm Tỳ Ni, đã thành tựu giác ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng, và nhập niết bàn ở Kushinagar 2600 năm về trước, nhưng tôi tin rằng giáo lý của Ngài thì phổ quát, và vẫn tiếp tục phù hợp cho đến ngày nay. Vì ý thức sâu sắc, quan tâm đến việc giúp đỡ người khác, nên sau khi giác ngộ, Đức Phật đã trải qua quãng đời còn lại của Ngài như một nhà sư, chia sẻ kinh nghiệm của mình với tất cả những người muốn lắng nghe về hai tri kiến của Ngài về lý duyên khởi và lời khuyên về việc không nên làm hại ai, mà nên giúp đỡ họ theo khả năng của mình. Cả hai tri kiến đều nhấn mạnh về thực hành bất bạo động. Điều này vẫn là một trong những mãnh lực có ảnh hưởng tốt đẹp nhất trên thế giới hiện nay, đối với tinh thần bất bạo động, được thúc đẩy bằng lòng bi, chính là để phụng sự cho đồng loại của chúng ta.

Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, thì phúc lợi và hạnh phúc của riêng mình đều phụ thuộc vào nhiều người khác. Ngày nay, những thử thách mà chúng ta đang phải đối mặt, đòi hỏi mình phải chấp nhận sự thống nhất của nhân loại. Dù có sự khác biệt bên ngoài giữa chúng ta, nhưng đối với niềm khát vọng cơ bản về hòa bình và hạnh phúc, thì tất cả mọi người đều bình đẳng. Một phần trong pháp tu nhà Phật liên quan đến việc rèn luyện tâm thức, bằng cách hành thiền. Nếu như muốn việc tu tập để tĩnh tâm, phát triển các phẩm chất như lòng từ, lòng bi, hạnh bố thí và nhẫn nhục có hiệu quả, thì chúng ta phải thực hành những điều này trong cuộc sống hàng ngày.

Mãi cho đến thời gian gần đây, các cộng đồng Phật giáo đa dạng trên thế giới chỉ có một sự hiểu biết sơ sài về sự tồn tại của nhau, và không có cơ hội để đánh giá cao những điểm tương đồng mà chúng ta chia sẻ. Ngày nay, bất cứ người nào quan tâm đến đạo Phật đều có thể tiếp cận hầu hết các truyền thống Phật giáo phát triển ở những vùng đất khác nhau. Hơn nữa, hiện nay, những người tu tập và giảng dạy về những truyền thống Phật giáo khác nhau trong số chúng ta đã có thể gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau.

Là một nhà sư Phật giáo Tây Tạng, tôi tự xem mình là người thừa kế của truyền thống Na-lan-đà. Cách mà Phật pháp được giảng dạy và nghiên cứu ở Đại Học Na-lan-đà, bắt nguồn từ Nhân minh học, đại diện cho đỉnh cao của sự phát triển của nó ở Ấn Độ. Nếu chúng ta là Phật tử của thế kỷ 21, thì điều quan trọng là phải tham gia vào việc nghiên cứu và phân tích giáo lý của Đức Phật, như rất nhiều người đã thực hiện ở Na-lan-đà, thay vì chỉ dựa vào đức tin.

Từ thời của Đức Phật đến nay thì thế giới đã thay đổi một cách đáng kể. Khoa học hiện đại đã phát triển sự thấu hiểu tinh vi về lãnh vực vật lý. Mặt khác, khoa học Phật giáo cũng đạt được sự hiểu biết chi tiết, từ kinh nghiệm trực tiếp của chủ thể về cách vận hành của tâm thức và cảm xúc, là những lãnh vực vẫn còn tương đối mới mẻ đối với khoa học hiện đại. Do đó, khoa học hiện đại và khoa học Phật giáo đều có kiến thức quan trọng để bổ sung cho nhau. Tôi tin rằng việc kết hợp hai cách tiếp cận này sẽ có tiềm năng lớn lao, đưa đến những sự khám phá để giúp cho hạnh phúc về thể chất, tình cảm và xã hội của chúng ta trở nên phong phú hơn.

Trong khi là Phật tử, thì chúng ta là những người duy trì giáo lý của Đức Phật, nhưng thông điệp của Ngài thì lại thích hợp trong sự giao tiếp rộng lớn hơn của mình đối với thành phần còn lại của nhân loại. Chúng ta cần phải khuyến khích sự hiểu biết giữa các tôn giáo, bằng cách đặt nền tảng thực tế là tất cả các tôn giáo đều nâng cao hạnh phúc của mọi người. Ngoài ra, trong thời điểm của sự khủng hoảng nghiêm trọng mà thế giới đang đối mặt hiện nay, khi mà chúng ta phải đương đầu với mối đe dọa về sức khỏe của mình, và cảm thấy đau buồn vì đã mất đi người thân trong gia đình và bạn bè, thì mình phải tập trung vào những điều sẽ đoàn kết chúng ta lại với nhau, như những thành viên của một gia đình nhân loại. Dựa vào đó thì chúng ta nên giúp đỡ lẫn nhau bằng lòng bi mẫn, vì chỉ có cách phối hợp với nhau bằng nỗ lực toàn cầu, thì chúng ta mới có thể đương đầu với những thử thách to lớn chưa từng có, mà chúng ta đang đối diện.

Dalai Lama, ngày 7 tháng 5, năm 2020

Top