Bốn Tiền Đề Khảo Nghiệm Giáo Pháp

Nếu muốn khảo sát một giáo pháp trong nhà Phật có ý nghĩa hay không thì phải quán xét một cách cẩn thận. Nếu như muốn phát triển một phẩm chất tốt đẹp nào thì trước tiên, ta phải biết mình cần phải làm gì. Một khi đã phát triển nó thì ta phải biết nó sẽ giúp ích cho mình như thế nào, những lợi lạc này có hợp lý hay không; chúng có phù hợp với bản tính cơ bản của vạn pháp hay không. Nếu như một giáo pháp đạt được tất cả những tiêu chuẩn này thì ta có thể tự tin để thực hành nó.

Thành tựu trong việc hành trì Giáo Pháp tùy thuộc vào một thái độ thực tế. Điều này có nghĩa là ta khảo nghiệm Giáo Pháp một cách phù hợp với cách sự vật thật sự hiện hữu. Để tiến hành sự khảo nghiệm này, Đức Phật đã dạy bốn tiền đề (rigs-pa bzhi), nghĩa là những giả thiết cơ bản trong triết lý nhà Phật. Nên nhớ, Đức Phật đã từng dạy, “Đừng vội chấp nhận những gì ta nói chỉ vì tin tưởng hoặc tôn kính ta, mà hãy tự mình kiểm chứng những điều này như người đi mua vàng.”

Bốn tiền đề đó là:

  1. Tính phụ thuộc (ltos-pa'i rigs-pa),
  2. Công năng (bya-ba byed-pa'i rigs-pa),
  3. Thành lập bằng lý luận (tshad-ma'i rigs-pa),
  4. Bản tính của sự vật (chos-nyid-kyi rigs-pa).

Hãy tìm hiểu luận giải của ngài Tông Khách Ba về bốn tiền đề này trong Đại Luận Về Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ (Lam-rim chen-mo).

Tiền Đề về Tính Phụ Thuộc

Tiền đề thứ nhất là sự vật nào đó phải phụ thuộc vào các sự vật khác để làm nền tảng cho chúng. Đây là tiền đề về tính phụ thuộc. Một quả phải phụ thuộc vào nhiều nhân và duyên mới phát sinh. Đây là tiền đề mà tất cả chúng ta đều có thể thừa nhận. Điều đó có nghĩa là nếu muốn phát triển một phẩm tính tốt đẹp hay thấu hiểu điều gì, ta cần phải tìm hiểu xem điều này dựa vào những nhân duyên nào. Trước hết, ta cần những nhân duyên gì để tạo lập nền tảng cho nó?

Mỗi một mức độ thành tựu tâm linh đều dựa vào những thành tựu và yếu tố khác để làm nền tảng cho nó. Ví dụ, nếu muốn thành tựu trí bát nhã hay sự thấu triệt về tánh Không hay thực tại, ta phải tìm hiểu và biết rõ nó dựa trên những nền tảng nào. Trí tuệ dựa trên định. Nếu không có định, ta không thể nào phát triển tuệ. Đâu là nền tảng của định? Định phụ thuộc vào giới. Nếu không giữ giới để sửa đổi tâm ý khi nó đi lạc lối, ta sẽ không thể nào phát triển định. Do đó, nếu muốn phát triển trí bát nhã về tánh Không, trước hết, ít nhất ta cần phải tạo dựng một ít giới và định.

Việc áp dụng định lý thứ nhất này rất quan trọng trong lúc học hỏi về Giáo Pháp. Nhiều người trong chúng ta muốn thành tựu những điều vi diệu mà mình đọc được trong kinh điển, nhưng nếu có cái nhìn thực tế về những mong ước của bản thân, ta cần phải tìm hiểu những thành quả đó dựa trên những yếu tố nào. Khi biết rõ mình cần phải xây dựng những gì để đạt được mục tiêu, ta sẽ biết cách để hoàn thành mục tiêu. Ta có thể bắt đầu từ nền tảng để đi lên. Điều này sẽ giúp cho mong muốn của ta trở nên thực tế.

Tiền Đề về Công Năng

Thứ hai là tiền đề về công năng. Tất cả các pháp chịu sự chi phối của nhân duyên đều có công năng riêng của nó. Lửa có chức năng thiêu đốt, chứ không phải nước. Đây lại là một giả định cơ bản của Phật giáo, một tiền đề và là điều mà tất cả chúng ta đều có thể thừa nhận. Sự ứng dụng của tiền đề này là khi học hỏi về Giáo Pháp, ta cần tìm hiểu xem pháp nào có công năng nào. Ta đã được hướng dẫn về một số tâm thái và cảm xúc mà ta cần phải phát triển, như lòng từ và tâm định, và những điều cần loại trừ như vô minh và sân hận. Ta cũng được giảng dạy các phương pháp để tu tập theo. Để thấu hiểu những phương pháp này, ta cần phải tìm hiểu những điều mà chúng thực hiện, và công năng của chúng là gì? Vì có những điều tương hợp với nhau, một số khác thì không, có những tâm thái sẽ hoạt động để nâng cao hay gia tăng những tâm thái khác.

Ví dụ, việc xem xét và trải nghiệm một pháp thiền cụ thể nào đó nhằm phát triển lòng từ sẽ giúp ta tăng trưởng niềm tin vào phương pháp ấy. Ta sẽ xem xét “Điều này có đúng hay không?” và sau đó, cố gắng trải nghiệm nó. Mục đích của việc này là mang đến cho bản thân niềm tin vào phương pháp ấy. Việc tin tưởng một pháp hành nào đó là đúng đắn và hữu hiệu có chức năng gì? Nó sẽ gia tăng khả năng thực hành phương pháp này một cách sâu xa. Nếu không tin tưởng vào việc mình đang làm, ta sẽ không thực hành nó. Nếu hiểu được chức năng của mỗi bước, ta sẽ đặt hết tâm ý vào từng bước một. Nếu không thấu hiểu, ta sẽ không thực hiện bất cứ một bước nào.

Hơn nữa, chúng ta cần hiểu rằng yếu tố nào đó có tác dụng tổn hại hay đối kháng với yếu tố khác. Ví dụ, niềm tin vào một phương pháp diệt trừ sự do dự về phương pháp ấy. Thiếu niềm tin vào một phương pháp, hay không tin tưởng vào khả năng của chính mình trong việc thực hành phương pháp ấy sẽ cản trở ta thành công hay tiến bộ.

Điều vô cùng quan trọng là phải hiểu rõ điều gì sẽ củng cố mỗi một điều ta đã học hỏi và mỗi bước thực hành, và những gì nó sẽ diệt trừ, rồi thì ta sẽ có một thái độ thực tế về những gì mình đang làm. Ví dụ, tại sao ta muốn phát triển một tâm thái hoặc thái độ tích cực nào đó, như lòng từ? Một lý do vững chắc là bởi vì nó có tác dụng mang đến sự an lạc, và khiến ta có khả năng giúp đỡ người khác. Tại sao ta muốn thoát khỏi một tâm thái tiêu cực nào đó như sân hận? Bởi vì tác dụng của nó là gây rắc rối cho người khác và bản thân mình. Nếu muốn chấm dứt những hành vi tiêu cực mà ta đã bám chấp vào, chẳng hạn như hút thuốc lá, thì sự hiểu biết về điều này rất quan trọng. Nếu hiểu rõ tác dụng của một hành động, chẳng hạn như tác dụng của việc hút thuốc lá đối với phổi, ta sẽ hiểu tại sao nên chấm dứt hành động ấy. Đó là cách áp dụng tiền đề về công năng.

Tiền Đề về Sự Thành Lập bằng Lý Luận

Thứ ba là tiền đề về sự thành lập bằng lý luận. Điều này có nghĩa là một điểm được thiết lập hay chứng minh nếu như một tri kiến xác thực không mâu thuẫn với nó. Trước hết, ta cần phải tìm hiểu bất cứ điều gì mình đã học hỏi như Giáo Pháp để xác định nó có mâu thuẫn với kinh điển hay không. Làm thế nào để biết một giáo lý nào đó là Giáo Pháp? Nó phải phù hợp với những gì Phật đã dạy. Vì Đức Phật đã giảng nhiều loại giáo lý cho các đệ tử khác nhau và trên bề mặt, các giáo lý này có vẻ như mâu thuẫn nhau, làm sao ta có thể hiểu được ngụ ý sâu xa của Ngài? Đại sư Pháp Xứng (Dharmakirti) người Ấn Độ, đã giải thích rằng nếu một giáo huấn là một chủ đề được lặp đi lặp lại trong những lời dạy của Đức Phật thì ta biết rằng Ngài thật sự ngụ ý như vậy. Đây là điều quan trọng, đặc biệt là về vấn đề đạo đức.

Cách thứ hai để hiểu biết một điều gì đó với căn cứ rõ rệt là bằng cách suy luận và luận lý. Nó hợp lý hay không hợp lý? Nó phù hợp với lẽ thường hay hoàn toàn khác thường? Cách thứ ba để hiểu biết điều gì một cách xác thật là bằng nhận thức đơn giản. Khi ta thật sự hành thiền, kinh nghiệm của ta sẽ xác nhận hay mâu thuẫn với nó?

Hãy lấy một ví dụ về cách áp dụng tiền đề này. Ta có thể thọ nhận một giáo huấn trong việc áp dụng một biện pháp đối trị để loại trừ một khuyết điểm hay vấn đề nào đó, ví dụ như “tình thương sẽ khắc phục sân hận”. Trước hết, ta sẽ xem xét điều này có phù hợp với những gì Phật đã dạy hay không? Đúng vậy, nó không mâu thuẫn với bất cứ lời dạy nào của Đức Phật.

Nó có đúng theo lý lẽ không? Đúng, tình thương là ước muốn người khác được hạnh phúc. Tại sao người này hãm hại tôi và tôi đang giận dữ với ai đây? Họ làm những việc tồi tệ như vậy là vì họ bất hạnh, cảm xúc và tinh thần của họ bị rối loạn. Nếu thương yêu người đó, tôi đã phải mong cho họ được hạnh phúc; tôi đã phải ước mong họ không bị khó chịu và khổ sở đến thế. Một thái độ như thế sẽ giúp ta tránh sự giận hờn với người đó, phải không? Nó hoàn toàn hợp lý. Nếu người này gây nhiều tổn hại, nếu tôi muốn họ chấm dứt những hành động ấy, tôi phải mở rộng tình thương hơn nữa. Tôi cần phải mong cho họ được hạnh phúc, vì nếu có hạnh phúc thì người này đã không gây tổn hại như vậy. Nổi giận với họ không giúp cho họ chấm dứt việc hãm hại tôi. Lời dạy này rất hợp lý.

Cuối cùng, chúng ta sẽ khảo sát vấn đề bằng nhận thức đơn giản, hay kinh nghiệm hành thiền. Nói cách khác, ta sẽ thử xem điều đó có hữu hiệu hay không. Nếu thiền quán về lòng từ thì cơn giận của tôi có thuyên giảm không? Có. Đó là cách thứ ba để thử nghiệm một điều nào đó có phải là giáo huấn hợp lý hay không. Đây là cách áp dụng tiền đề của sự thành lập bằng lý luận.

Tiền Đề về Bản Tính của Sự Vật

Tiền đề cuối cùng là tiền đề về bản tính của sự vật. Đây là tiền đề cho rằng các sự kiện nào đó chỉ đơn thuần là bản tính của sự vật, giống như lửa thì nóng còn nước thì ẩm ướt. Vì sao lửa lại nóng và nước lại ẩm ướt? Đó chỉ là tính cách của chúng. Đối với Giáo Pháp, chúng ta phải tìm hiểu những điểm nào đúng chỉ vì đó là bản tính của sự vật, chẳng hạn như tất cả chúng sinh đều muốn hạnh phúc và không một ai muốn đau khổ. Vì sao? Vì sự việc là như vậy. Hãy lấy một thí dụ khác. Đau khổ là kết quả của những hành vi tiêu cực, còn hạnh phúc phát sinh từ những hành vi tích cực. Vì sao? Đó chỉ là cách vũ trụ vận hành. Không phải Phật đã sáng tạo nó như thế, mà đó chỉ là tính cách của sự việc. Nếu ta tìm hiểu và khám phá ra rằng một số điều chỉ đơn giản là tính cách của sự việc, ta cần phải chấp nhận chúng như sự thật của cuộc sống. Điên tiết lên vì chúng là một việc lãng phí thời gian.

Một trong những điểm thuộc về bản tính của sự vật, có liên quan mật thiết đến việc hành trì Giáo Pháp là sự thăng trầm của kiếp luân hồi. Điều này không chỉ nói đến việc trải qua những tái sinh may mắn và bất hạnh, mà còn là sự biến đổi từng phút từng giây trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Tâm trạng của ta và những gì ta muốn làm cũng thay thổi thất thường. Nếu như chấp nhận được điều này, bởi vì bản tính của sự việc là như thế, ta sẽ không buồn phiền nữa. Bạn mong chờ điều gì đối với kiếp luân hồi? Tất nhiên, có những ngày công phu hành thiền của ta sẽ diễn tiến tốt đẹp, còn những ngày khác thì không. Sẽ có những ngày tôi cảm thấy hứng thú với việc tu tập, còn những ngày khác thì không. Không có điều gì to tát cả! Đó chỉ là cách mọi việc xảy ra. Hãy bỏ qua và đừng buồn phiền nữa. Điều này rất quan trọng.

Nếu chúng ta muốn tiếp cận Giáo Pháp một cách thực tế, bốn điều mà Đức Phật đã dạy rất hữu ích. Để xác định sự hiểu biết của mình về bốn điểm này và cách áp dụng chúng vào một giáo lý mà ta đã học hỏi, hãy xem một ví dụ, như tâm buông bỏ cơ thể của mình.

  1. Sự phát triển của tâm buông bỏ này dựa vào những yếu tố nào? Nó dựa trên sự thấu hiểu về lẽ vô thường, tái sinh, cách hiện hữu của tự ngã, mối liên hệ giữa thân, tâm và tự ngã, v.v…
  2. Công năng của sự phát triển tâm buông bỏ cơ thể là gì? Nó giúp ta không buồn bã hay nổi giận khi bị bệnh, già nua và suy yếu do tuổi già.
  3. Nó có được thành lập bằng lý luận không? Có, Đức Phật dạy rằng tâm buông bỏ cơ thể sẽ loại trừ một trong những nguyên nhân của đau khổ: tâm chấp thủ dựa trên sự đồng nhất với những điều tạm bợ. Nó có hợp lý không? Có, vì cơ thể thay đổi và lão hóa từng phút từng giây. Ta có trải nghiệm được công năng của nó không? Có, khi phát triển tâm buông bỏ, ta thấy rằng mình thật sự trải qua ít bất hạnh và rắc rối hơn.
  4. Còn bản tính của sự vật thì sao? Nếu tôi thiền quán về tâm buông bỏ cơ thể, hạnh phúc của tôi có tăng trưởng hàng ngày không? Không. Đây là cõi luân hồi; nó sẽ thay đổi thất thường. Cuối cùng, về mặt lâu dài, tôi có thể hạnh phúc hơn và cuộc sống của tôi có thể tốt đẹp hơn, nhưng việc này sẽ không diễn ra một cách đều đặn. Đó không phải là bản tính của sự việc.
Video: Khandro Rinpoche — “Thông Điệp Cho Giới Trẻ”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Qua ví dụ này, ta có thể thấy rằng bằng cách áp dụng bốn tiền đề để khảo nghiệm một giáo lý, chẳng hạn như sự phát triển tâm buông bỏ cơ thể, ta sẽ phát triển được thái độ thực tế về cách tiếp cận giáo lý. Do đó, khi Đức Phật nói, “Đừng tin những gì ta giảng dạy chỉ vì đức tin hay tôn kính ta, mà hãy tự mình kiểm chứng những điều này như người đi mua vàng,” ý của Ngài là hãy khảo nghiệm giáo lý bằng cách áp dụng bốn tiền đề.

Top