Tu Học Với Đạo Sư

Thầy và trò có nhiều mức độ khác nhau. Nhiều sự mê lầm sẽ phát sinh khi những người có tiềm năng trở thành đệ tử tưởng tượng rằng mình và/hay vị thầy có trình độ tu tập cao hơn thực tế, hoặc khi xem thầy như nhà trị liệu. Khi làm sáng tỏ trình độ của mỗi bên, dựa vào việc quán sát nội tâm trung thực và quán xét thực tiễn, rồi thì chúng ta có thể phát triển mối quan hệ thầy trò lành mạnh.

Sự Thật Thực Nghiệm Về Mối Quan Hệ Tâm Linh Giữa Thầy Và Trò

Phải thừa nhận một số sự thật thực nghiệm sau đây, để tránh mê lầm trong mối quan hệ tâm linh giữa thầy và trò: 

  1. Hầu hết tất cả những người truy cầu đời sống tâm linh đều tiến triển qua các giai đoạn trên đường tâm linh.
  2.  Phần đông các hành giả tu học với một vài đạo sư trong kiếp này, và tạo ra những mối quan hệ khác nhau với mỗi một vị thầy.
  3. Không phải vị thầy nào cũng có mức thành tựu giống nhau.
  4. Mối quan hệ thích hợp giữa một người truy cầu đời sống tâm linh nào đó và một vị thầy nào đó phụ thuộc vào mức độ tâm linh của mỗi người.
  5. Người ta thường liên hệ với thầy của mình theo cách ngày càng sâu sắc hơn, khi tiến triển trên đường tâm linh.
  6. Vì một vị thầy có thể đóng những vai trò khác nhau trong đời sống tâm linh của mỗi một người truy cầu đời sống tâm linh, nên mối quan hệ thích hợp nhất mà mỗi người sẽ tạo ra đối với vị thầy đó có thể khác nhau.

Những Cấp Độ Đạo Sư Và Người Truy Cầu Đời Sống Tâm Linh

Do đó, có nhiều cấp độ đạo sư và người truy cầu đời sống tâm linh. Có những:

  • Giáo sư Phật giáo để cung cấp thông tin như ở trường đại học  
  • Người chỉ giáo để hướng dẫn cách áp dụng giáo pháp trong đời sống
  • Người dạy thiền để dạy những phương pháp tương tự như dạy thái cực quyền hay yoga
  • Đạo sư được phân biệt theo mức độ giới nguyện mà họ ban cho đệ tử: giới cư sĩ hay giới xuất gia, bồ tát giới hay Mật giới.

Tương ứng với danh sách như trên thì có:

  • Học sinh học hỏi về đạo Phật muốn tìm hiểu thông tin
  • Học trò giáo pháp muốn học cách áp dụng giáo pháp trong đời sống
  • Người tập thiền muốn học các phương pháp thư giãn hay luyện tâm
  • Đệ tử muốn cải thiện những kiếp tương lai, thành tựu giải thoát hay giác ngộ, và đã sẵn sàng thọ giới ở mức độ nào đó, để đạt được những mục tiêu này. Ngay cả khi họ muốn cải thiện kiếp này, thì sẽ xem điều này như bước đệm trên con đường đưa đến giải thoát và giác ngộ.

Mỗi cấp độ đều có phẩm chất của nó, và với tư cách là người truy cầu đời sống tâm linh, chúng ta phải cân nhắc bối cảnh của mình và bối cảnh của vị thầy – là người Á châu hay Tây phương, Tăng, Ni hay cư sĩ, trình độ học vấn, mức độ trưởng thành về cảm xúc và đạo đức, mức độ cam kết, và vân vân. Do đó, điều quan trọng là tiến triển một cách chậm rãi và cẩn thận.

Trình Độ Của Người Có Khả Năng Trở Thành Đệ Tử Và Người Có Khả Năng Trở Thành Vị Thầy

Là người có khả năng trở thành đệ tử, chúng ta phải phối kiểm mức độ phát triển của tự thân, để không dấn thân vào một mối quan hệ mà mình chưa sẵn sàng. Những phẩm chất chính mà một đệ tử cần phải có là:

  1. Tâm cởi mở, không dính mắc vào định kiến và quan điểm của mình
  2. Lý lẽ thông thường để phân biệc giữa đâu là điều đúng đắn và đâu là điều không đúng đắn
  3. Quan tâm sâu sắc đến giáo pháp và việc tìm một vị thầy có phẩm chất đúng đắn
  4. Cảm kích và tôn trọng giáo pháp và chư đạo sư có phẩm hạnh cao
  5. Chú tâm
  6. Mức độ cơ bản về sự trưởng thành và ổn định về cảm xúc
  7. Ý thức cơ bản về trách nhiệm đạo đức.

Tùy theo trình độ của vị thầy mà người này ngày càng cần có một vị thầy có trình độ cao hơn. Nói chung, những phẩm chất chính là:

  1. Có quan hệ lành mạnh với chư đạo sư của mình
  2. Có kiến thức về giáo pháp nhiều hơn đệ tử 
  3. Kinh nghiệm và thành công đối với việc áp dụng các phương pháp trong công phu hành thiền và đời sống hàng ngày ở mức độ nào đó
  4. Khả năng nêu gương sáng về kết quả lợi lạc của việc áp dụng giáo pháp trong đời sống. Điều này có nghĩa là có:
  5. Giữ giới 
  6. Trưởng thành và ổn định về mặt cảm xúc, dựa trên việc đã thoát khỏi những vấn đề cảm xúc thô trọng
  7. Có lòng quan tâm chân thành để tạo lợi lạc cho đệ tử, là động lực hàng đầu trong khi giảng dạy
  8. Kiên nhẫn trong khi giảng dạy
  9. Không giả vờ (không giả vờ có những phẩm hạnh mà mình không có) và không đạo đức giả (không che giấu lỗi lầm, chẳng hạn như thiếu kiến thức và kinh nghiệm).

Cần phải điều chỉnh mọi việc để phù hợp với thực tại của tình huống - trình độ của chư đạo sư trong thành phố của mình, chúng ta có bao nhiêu thời gian và cam kết, mục tiêu tâm linh của mình là gì (trên thực tế, không chỉ trên lý tưởng "để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh"), v.v... Nếu ta tìm hiểu trình độ của một người có khả năng trở thành thầy của mình trước khi dấn thân vào mối quan hệ tâm linh, thì có thể tránh những cực đoan biến vị thầy thành thần thánh hay ma quỷ. Khi biến đạo sư thành thần thánh, thì lòng ngây thơ có thể khiến cho mình bị lạm dụng. Nếu biến họ thành ma quỷ, thì tâm hoang tưởng sẽ khiến cho mình không được lợi lạc.  

Sự Khác Biệt Giữa Việc Trở Thành Đệ Tử Của Một Đạo Sư Và Trở Thành Thân Chủ Của Một Nhà Trị Liệu

Một trong những nguyên nhân chính tạo ra mê lầm trong mối quan hệ thầy trò tâm linh là muốn thầy của mình giống như nhà trị liệu. Ví dụ, hãy xem xét một người muốn được hạnh phúc và có những mối quan hệ tốt đẹp trong quãng đời còn lại của mình. Theo nhiều cách thì việc trở thành đệ tử của một đạo sư để đạt được mục tiêu này giống như trở thành thân chủ của một nhà trị liệu, với cùng một mục đích.

Cả đạo Phật và phương pháp trị liệu đều:

  1. Phát sinh từ việc nhận diện và thừa nhận nỗi khổ trong đời mình, và mong muốn làm vơi nỗi khổ
  2. Đòi hỏi mình phải làm việc với ai đó để nhận ra và thấu hiểu vấn đề của mình, cũng như nguyên nhân tạo ra chúng. Trên thực tế, nhiều hình thức trị liệu đồng ý với đạo Phật rằng sự hiểu biết đóng vai trò chính đối với việc tự chuyển hóa.
  3. Bao gồm các trường phái tư tưởng nhấn mạnh sự hiểu biết sâu sắc về nguyên nhân tạo ra vấn đề của mình, các truyền thống nhấn mạnh các phương pháp thực dụng để khắc phục các yếu tố này, và các hệ thống đề cử sự kết hợp cân bằng giữa hai cách tiếp cận.
  4. Chủ trương việc thiết lập mối quan hệ tình cảm lành mạnh với vị thầy hay nhà trị liệu như một phần quan trọng của quá trình phát triển bản thân.
  5. Tuy hầu hết các hình thức trị liệu cổ điển tránh sử dụng nguyên tắc đạo đức để điều chỉnh hành vi và cách suy nghĩ của thân chủ, một số trường phái hậu cổ điển ủng hộ các nguyên tắc đạo đức tương tự như trong đạo Phật. Những nguyên tắc như thế bao gồm việc có thái độ công bằng đối với tất cả các thành viên trong một gia đình bất hòa và kềm chế việc hành động theo xung động tiêu cực, chẳng hạn như giận dữ.

Tuy có những điểm tương đồng, nhưng ít nhất có năm điểm khác biệt đáng kể giữa việc trở thành đệ tử của một đạo sư nhà Phật và trở thành thân chủ của một nhà trị liệu:

(1) Giai đoạn cảm xúc khi người ta thiết lập mối quan hệ. Những người có khả năng trở thành thân chủ thường tiếp cận nhà trị liệu khi đang bị xáo trộn về cảm xúc. Thậm chí họ có thể bị loạn thần và cần uống thuốc như một phần của việc trị liệu. Ngược lại, những người có khả năng trở thành đệ tử không thiết lập mối quan hệ với vị thầy như bước đầu trên đường tâm linh. Trước đó, họ đã nghiên cứu giáo lý Phật đà và bắt đầu tự cải thiện bản thân. Do đó, họ đã đạt đến mức độ trưởng thành và ổn định về cảm xúc đủ để mối quan hệ thầy trò mà họ thiết lập có tính cách xây dựng theo  ý nghĩa nhà Phật về thuật ngữ này. Nói cách khác thì đệ tử nhà Phật phải không có thái độ và hành vi loạn thần, nói một cách tương đối. 

(2) Sự tương tác mà người ta mong đợi trong mối quan hệ. Hầu hết những người có khả năng trở thành thân chủ đều quan tâm đến việc có người lắng nghe mình nói. Do đó, họ mong nhà trị liệu chú ý đến mình và những vấn đề cá nhân của họ, ngay cả khi trong bối cảnh trị liệu theo nhóm. Mặt khác, các đệ tử thường không chia sẻ những vấn đề cá nhân với đạo sư của mình, và không mong đợi hay đòi hỏi thầy chú ý đến mình. Ngay cả khi tham vấn ý kiến của đạo sư về lời khuyên cho mình, họ cũng không gặp thầy thường xuyên. Trọng tâm trong mối quan hệ là nghe thuyết Pháp. Các Phật tử chủ yếu học hỏi phương pháp từ chư đạo sư của họ, để khắc phục những vấn đề chung mà mọi người đều gặp phải. Sau đó, họ sẽ gánh trách nhiệm đối với việc áp dụng các phương pháp vào tình huống cụ thể của mình.

(3) Kết quả mà người ta mong đợi từ mối quan hệ làm việc với nhau. Trị liệu nhắm vào việc học hỏi cách chấp nhận và chung sống với vấn đề trong đời sống, hoặc giảm thiểu chúng, để có thể chịu đựng chúng. Nếu chúng ta tiếp cận một đạo sư nhà Phật để có được hạnh phúc trong kiếp này, thì cũng có thể mong đợi việc giảm thiểu các vấn đề của mình. Dù đời sống có khó khăn – sự thật đầu tiên về đời sống (diệu đế) mà Đức Phật đã dạy – chúng ta có thể làm cho nó bớt khó khăn.

Tuy nhiên, việc làm cho đời sống của mình ít khó khăn hơn về mặt cảm xúc chỉ là bước sơ khởi để tiếp cận đường tu nhà Phật cổ điển. Đệ tử của chư đạo sư ít nhất sẽ được hướng tới những mục tiêu lớn hơn như tái sinh thuận lợi, giải thoát và giác ngộ. Hơn nữa, Phật tử sẽ có một sự hiểu biết thông tuệ về tái sinh như đạo Phật đã giải thích, và ít nhất chấp nhận sự tồn tại của điều này. Thân chủ của pháp trị liệu không cần nghĩ về tái sinh hay những mục tiêu ngoài việc cải thiện hoàn cảnh trước mắt của mình.

(4) Mức độ dấn thân về việc chuyển hóa bản thân. Thân chủ của nhà trị liệu trả phí theo giờ, nhưng không cam kết thay đổi thái độ và hành vi suốt đời. Mặt khác thì đệ tử nhà Phật có thể trả tiền hoặc không trả tiền để thọ Pháp; nhưng họ sẽ chính thức thay đổi phương hướng trong đời sống. Khi quy y (noi theo phương hướng an toàn), thì các đệ tử sẽ cam kết thực hiện lộ trình phát triển tự thân mà chư Phật đã trải qua rồi giảng dạy, và tăng thân có chứng ngộ cao cố gắng noi theo.

Hơn nữa, đệ tử nhà Phật cam kết với việc thực hiện lộ trình đạo đức, có tính xây dựng về hành động, lời nói và suy nghĩ trong cuộc sống. Họ cố gắng tránh những lề thói tiêu cực càng nhiều càng tốt và thay vì vậy, thực hiện những lề thói có tính xây dựng. Khi các đệ tử chân thành mong muốn thoát khỏi luân hồi, thì sẽ có một cam kết thậm chí còn mạnh mẽ hơn, bằng cách chính thức thọ giới tại gia hay xuất gia. Các đệ tử ở giai đoạn phát triển bản thân này sẽ nguyện suốt đời luôn tránh những cách hành xử cụ thể có tính chất hủy hoại tự nhiên (tánh tội), hay những cách mà Đức Phật khuyên một số người nên tránh vì những mục tiêu cụ thể (giá tội). Một ví dụ về trường hợp thứ hai là chư Tăng Ni từ bỏ y phục cư sĩ và thay vào đó, sẽ đắp cà sa, để giảm bớt tâm tham ái. Ngay cả trước khi phát nguyện giải thoát viên mãn, các đệ tử thường thọ giới cư sĩ hay giới xuất gia.

Mặt khác, thân chủ của các nhà trị liệu đồng ý tuân theo một số quy tắc thủ tục như một phần của hợp đồng trị liệu, chẳng hạn như tuân theo lịch trình của các cuộc hẹn dài 50 phút. Tuy nhiên, những quy tắc này chỉ áp dụng trong quá trình trị liệu. Chúng không được áp dụng bên ngoài môi trường trị liệu, không đòi hỏi thân chủ phải kềm chế hành vi phá hoại tự nhiên và không kéo dài  suốt đời.

(5) Thái độ đối với đạo sư hay nhà trị liệu. Đệ tử xem thầy như tấm gương sống động về những điều họ cố gắng thành tựu. Họ xem các ngài như vậy, dựa trên nhận thức đúng đắn về những phẩm hạnh tốt đẹp của thầy, và họ duy trì và củng cố quan điểm này trong suốt đường tu tuần tự đến giác ngộ. Ngược lại, thân chủ có thể xem nhà trị liệu như tấm gương về sức khỏe cảm xúc, nhưng không cần phải có nhận thức đúng đắn về phẩm chất tốt đẹp của nhà trị liệu. Việc trở thành một người giống như nhà trị liệu không phải là mục tiêu của mối quan hệ này. Trong quá trình trị liệu, các nhà trị liệu sẽ dẫn dắt thân chủ vượt khỏi sự phóng chiếu về lý tưởng.  

Việc Sử Dụng Chữ “Đệ Tử” Không Phù Hợp

Đôi khi, người ta tự gọi mình là đệ tử của chư đạo sư, dù trên thực tế thì họ, vị thầy hay cả hai đều không đáp ứng được ý nghĩa chuẩn mực của những danh xưng này. Sự ngây thơ thường đưa họ đến những kỳ vọng không thực tế, hiểu lầm, cảm giác tổn thương, và thậm chí bị lạm dụng. Trong bối cảnh này, việc trở thành đối tượng của sự lạm dụng, nghĩa là bị bóc lột tình dục, tình cảm hay tiền bạc, hay bị ai đó thao túng để phô trương quyền lực. Hãy xem xét ba loại đệ tử giả thường thấy ở phương Tây, những người đặc biệt dễ có vấn đề với đạo sư.

(1) Một số người đến trung tâm Phật giáo để thỏa mãn ảo tưởng của mình. Họ đã đọc hoặc nghe về “phương Đông huyền bí”, hay các vị thầy siêu sao, và muốn khắc phục đời sống dường như không thú vị, bằng cách có được kinh nghiệm kỳ lạ hay thần bí. Họ gặp chư đạo sư và tuyên bố mình là đệ tử của các ngài ngay lập tức, đặc biệt nếu các thầy là người Á châu hay đắp y,  hay cả hai. Họ có xu hướng hành xử như vậy đối với các vị thầy Tây phương, những người có danh hiệu hay tên Á châu, dù họ có đắp y hay không.

Việc truy cầu sự huyền bí thường làm cho mối quan hệ giữa những người như vậy và chư đạo sư không ổn định. Ngay cả khi đã tuyên bố mình là đệ tử của các vị thầy hội đủ phẩm chất cao quý, nhưng họ thường rời bỏ những vị thầy này, khi nhận ra không có điều gì siêu nhiên đang xảy ra, ngoại trừ có lẽ trong trí tưởng tượng của họ mà thôi. Hơn nữa, thái độ thiếu thực tế và kỳ vọng cao của các “đệ tử tức thời” thường che mờ khả năng phê bình của họ. Những người như vậy dễ bị các lang băm tâm linh khôn ngoan lừa gạt, khi những kẻ bịp này giả bộ có hành vi tử tế.

(2) Những người khác có thể đến các trung tâm trong tuyệt vọng, mong có sự giúp đỡ để khắc phục nỗi đau tinh thần hay thể xác. Có lẽ họ đã thử nhiều hình thức trị liệu khác nhau, nhưng không hiệu quả. Giờ đây, họ lại tìm kiếm cách chữa trị bằng phép mầu từ một nhà ảo thuật/người chữa bệnh. Họ tuyên bố mình là đệ tử của bất kỳ ai có thể ban cho họ một viên thuốc gia trì, dạy cho họ bài cầu nguyện hay mật chú đặc biệt để trì tụng, hoặc dạy cho họ pháp tu hiệu nghiệm để thực hành – như lạy một trăm ngàn lạy – là những điều sẽ tự động khắc phục vấn đề của họ. Đặc biệt là họ hay hướng về loại thầy mê hoặc những người truy cầu tính huyền bí. Tâm lý “sửa chữa vấn đề” của những người truy cầu phép màu thường đưa đến thất vọng và tuyệt vọng, khi họ noi theo lời khuyên của những vị thầy hội đủ phẩm hạnh, nhưng lại không có hiệu quả  thần kỳ. Tâm lý “sửa chữa vấn đề” cũng thu hút sự lạm dụng từ các lang băm tâm linh.

(3) Còn những người khác, đặc biệt là những thanh niên thất nghiệp, vỡ mộng, đến trung tâm giáo pháp của các tà giáo, với hy vọng đạt được quán đảnh hiện sinh. Những kẻ hoang tưởng tự đại có tính cách lôi cuốn sẽ thu hút họ bằng cách sử dụng những phương tiện “phát xít tâm linh”. Đối với những người được xem là đệ tử, thì họ hứa hẹn sức mạnh dựa trên con số, nếu như những người này một lòng trung thành với giáo phái. Họ còn lôi cuốn đệ tử bằng những sự mô tả đầy kịch tính về những vị hộ pháp dũng mãnh, những vị sẽ đập tan kẻ thù của họ, đặc biệt là những người theo các truyền thống Phật giáo thấp kém, bất tịnh. Với những câu chuyện hoành tráng về sức mạnh siêu phàm của những người cha sáng lập phong trào, họ cố gắng hoàn thành ước mơ của các môn đệ về một nhà lãnh đạo hùng mạnh, người sẽ nâng họ lên những vị trí có quyền lợi về mặt tâm linh. Để đáp lại lời hứa hẹn này, những người như vậy sẽ nhanh chóng tuyên bố mình là đệ tử, và noi theo bất cứ chỉ giáo hay mệnh lệnh nào một cách mù quáng, mà các vị thầy độc đoán sẽ ban cho. Kết quả thường là thảm họa. 

Tóm Tắt

Nói tóm lại, không phải tất cả những người giảng dạy ở trung tâm Phật giáo đều là đạo sư đích thực. Tương tự như vậy, không phải tất cả những người tu học ở một trung tâm đều là đệ tử đích thực. Chúng ta phải sử dụng cả hai thuật ngữ đạo sư và đệ tử một cách chính xác. Điều này đòi hỏi sự trung thực về mặt tâm linh và không giả vờ.

Top