Chiêm Tinh Học Tây Tạng Và Nghiệp

Lợi Ích Của Việc Học Môn Chiêm Tinh

Trong bối cảnh đạo Phật, khi phát khởi động lực trước khi nghe thuyết Pháp, thì ta sẽ luôn nhấn mạnh mục đích của việc lắng nghe là để học hỏi điều gì có thể giúp ích cho mình trong đời sống. Cụ thể là không chỉ muốn học hỏi điều gì để giúp ích cho những vấn đề của mình, mà còn học hỏi những điều để mình có thể giúp đỡ người khác một cách tốt đẹp nhất. Khi nghĩ về chiêm tinh học trong bối cảnh đó, thì phải thấy rõ những điều mình có thể rút tỉa được, từ việc nghiên cứu và học hỏi về nó.

Ở một mức độ, thì kiến thức về chiêm tinh học sẽ giúp cho ta biết điều gì có thể xảy ra trong tương lai. Dựa vào kiến thức này, thì ta có thể áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, để tránh khó khăn. Xét đến cùng thì nghĩa đen của Pháp là biện pháp ngăn ngừa. Tuy nhiên, phải cẩn thận, để không mê tín, và nghĩ rằng mọi việc là tiền định, rằng những vấn đề nào đó chắc chắn sẽ xảy ra, vì đây không phải là quan điểm của đạo Phật về đời sống. Đặc biệt là khi nhìn vào việc tiên đoán của chiêm tinh học, thì việc thấu hiểu nó trong bối cảnh giáo lý về nghiệp của nhà Phật là điều rất quan trọng.

Ở một mức độ khác, việc học hỏi môn chiêm tinh sẽ cung cấp sự hướng dẫn, để ta hiểu rõ hơn về bản thân mình, để có một số khái niệm về vấn đề cảm xúc của mình. Ở mức độ tổng quát hơn, thì các đặc tính của nó như những vì sao, các cung, v.v..., sẽ cung cấp một khuôn khổ phân tích nào đó, để xem xét cuộc sống và nhân cách của mình.

Khi muốn giúp đỡ ai, thì mình không dễ có được khái niệm rõ ràng về loại vấn đề mà người đó có thể gặp, hay đâu là cách tốt nhất để giao tiếp với họ. Một số kiến thức về lá số tử vi của người này, và cách so sánh nó với lá số tử vi của mình là điều hữu ích, để có khái niệm về cách tiếp cận người đó vào lúc đầu. Một lần nữa, cũng phải xem xét điều này trong bối cảnh đạo Phật. Điều rất quan trọng là không giam mọi người trong những phạm trù vững chắc, và nghĩ rằng: "Ồ, người đàn ông này là Thiên Xứng (Libra), còn mình là Hải Sư (Leo), thì mình phải hành động như thế này với anh ta. Người phụ nữ đó là Kim Ngưu (Taurus), nên mình phải hành động như thế kia.". Cách suy nghĩ sai lầm như vậy sẽ không dành chỗ cho tính cách cá nhân, và không tạo ra tính linh hoạt. Khi không biết làm thế nào để liên hệ với người nào, thì chiêm tinh học có thể tiết lộ lá bài đầu tiên, để mình giao tiếp với người đó. Phải tiếp cận chiêm tinh học từ quan điểm này, và luôn luôn áp dụng nó cùng với giáo lý nhà Phật về nghiệp và tánh Không.

Trong số nhiều truyền thống chiêm tinh học trên thế giới, thì hệ thống Tây Tạng-Mông Cổ là một trong những hệ thống phức tạp hơn. Nó phức tạp hơn nhiều, so với chiêm tinh học phương Tây. Ở đây, chúng ta chỉ nghiên cứu chủ đề này một cách ngắn gọn, để có một vài khái niệm về việc nó chứa đựng những gì. Chiêm tinh học Mông Cổ là một thể loại hơi khác biệt của hệ thống chiêm tinh học Tây Tạng chính thống, nhưng hiện nay, theo cách giới thiệu, thì hãy nói về hệ thống Tây Tạng-Mông Cổ nói chung. Sau đó, chúng ta có thể chuyển sang mối quan hệ giữa chiêm tinh học, nghiệp và tánh Không. Cuộc thảo luận thứ hai thì không cụ thể hay giới hạn trong chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ; nhưng có liên quan với tất cả các hệ thống chiêm tinh.

Phạm Vi Chiêm Tinh Học Tây Tạng-Mông Cổ

Việc nghiên cứu về chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ liên quan đến nhiều chủ đề. Khi nghĩ về chiêm tinh học thì hầu hết, người ta chỉ nghĩ đến việc tính toán và giải đoán lá số tử vi; và khi học môn chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ, thì chắc chắn bạn phải học cách làm việc này. Tuy nhiên, tử vi Tây Tạng và Mông Cổ không chỉ cung cấp hình ảnh về nhân cách mà khi người nào vừa sinh ra là đã có - đó là lá số cá nhân. Nó cũng giải thích về cách mà đời sống của con người có thể diễn ra theo năm tháng – lá số vận hạn - xuất phát theo một cách rất khác biệt, so với tử vi phương Tây.

Bạn không thể lập lá số tử vi, nếu như không có ngày sinh và tiến trình thọ mạng của người nào, trong bối cảnh của một bộ lịch. Do đó, một phần lớn của việc nghiên cứu, liên quan đến toán học và các tính toán để làm lịch Tây Tạng và Mông Cổ, cũng khá khác biệt so với lịch Tây phương. Hơn nữa, nếu không biết vị trí chính xác của những con sao vào lúc người nào sinh ra và sau này trong đời, thì bạn không thể lập lá số tử vi. Rồi thì một phần lớn khác của khóa đào tạo là toán học, để tính toán lịch thiên văn Tây Tạng-Mông Cổ, nói cách khác là vị trí của những con sao trong mỗi ngày. Một vài bảng thiên văn về các vị trí này đã có sẵn để tham khảo, như ở phương Tây; nhưng các nhà chiêm tinh Tây Tạng và Mông Cổ thì chủ yếu tính toán mọi thứ bằng tay.

Kết hợp với lịch thì các nhà chiêm tinh cũng tạo ra các niên giám. Một niên giám sẽ nêu ra ngày giờ tốt nhất để bắt đầu trồng các loại cây trên đồng ruộng, để thu hoạch chúng, và những điều khác, cũng quan trọng trong xã hội.

Như trường hợp của y học Tây Tạng-Mông Cổ, thì chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ cũng pha trộn những khía cạnh đặc thù, xuất phát từ nguồn gốc Ấn Độ, Hy Lạp cổ xưa, Trung Quốc, Trung Á và Bon bản địa. Tài liệu được chia thành hai khía cạnh chính: "bói toán trắng" và "bói toán đen". Danh pháp này không liên quan gì đến vấn đề tốt hay xấu, như trong chữ yêu thuật "trắng" hay "đen". Trắng và đen là chữ viết tắt của danh hiệu trong tiếng Tây Tạng về Ấn Độ và Trung Quốc, theo đúng thứ tự. Ấn Độ trong tiếng Tây Tạng được xem là "vùng đất rộng lớn, nơi mà người dân mặc đồ trắng", và Trung Quốc là "vùng đất rộng lớn, nơi mà người dân mặc đồ đen".

Bói Toán Trắng Và Kalachakra 

Nhiều hệ thống chiêm tinh học giống nhau được phát triển ở Ấn Độ, một số thuộc về Ấn Độ giáo, và một số thuộc về Phật giáo. Pháp bói toán trắng chủ yếu bắt nguồn từ hệ thống Phật giáo Ấn Độ, được tìm thấy trong các tài liệu Mật Điển Thời Luân (Kalachakra tantra). Thời Luân có nghĩa là "chu kỳ thời gian", với ba cấp độ: chu kỳ ngoại tại, chu kỳ nội tại và chu kỳ luân phiên. Các chu kỳ ngoại tại đề cập đến các chu kỳ mà vũ trụ trải qua. Nhờ những chu kỳ này mà bạn có thể đo lường thời gian bên ngoài, bằng cách nhìn vào quỹ đạo của mặt trời, mặt trăng và các vì sao trên trời. Cuối cùng thì đạo Phật định nghĩa thời gian là thước đo sự biến đổi. Hơn nữa, từ chu kỳ của các mô hình mà các thiên thể tạo ra, liên quan với nhau bằng sự chuyển động của chúng, mà ta có thể lập lá số tử vi. Toàn bộ việc nghiên cứu về thiên văn học và chiêm tinh học được liên kết với các chu kỳ ngoại tại này.

Ở bên trong thì bạn cũng có thể đo lường thời gian trôi qua theo chu kỳ trong cơ thể. Ví dụ như bạn có thể đo lường thời gian bằng số hơi thở mà một người sẽ thở. Bạn cũng có thể đo lường nó bằng chu kỳ đời người như thời thơ ấu, thanh thiếu niên, tuổi trưởng thành và tuổi già, hay chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Vậy thì có những chu kỳ ngoại tại và nội tại của thời gian; và theo giáo pháp Thời Luân thì chúng song hành với nhau.

Khi nhìn từ quan điểm của đạo Phật, thì chúng ta sẽ nói rằng những chúng sinh vật phàm trần không làm chủ được những chu kỳ này. Các chu kỳ xảy ra theo nghiệp lực, hay năng lượng xung động. Các chu kỳ ngoại tại giải thích các biểu đồ đi ngang (transit chart) các vị trí hàng ngày của các thiên thể, "trổ" hay kết quả từ cộng nghiệp chung. Các chu kỳ nội tại giải thích lá số cá nhân (natal chart) và lá số vận hạn (progressed chart) của mọi người, xuất phát từ nghiệp riêng của họ. Chúng ta gặp đủ loại vấn đề, vì không kiểm soát được việc trổ quả của nghiệp chướng, và ảnh hưởng của chúng đối với mình.

Ví dụ như một số người bị ảnh hưởng mạnh mẽ vì cấu trúc lá số tử vi cá nhân của họ. Họ không chỉ gặp khó khăn trong việc đối phó với đời sống cá nhân, mà còn với các chu kỳ ngoại tại như mùa đông dài, hay trăng tròn. Một số người hơi điên rồ vào lúc trăng tròn, như người sói! Người ta cũng gặp khó khăn, khi phải đối phó với các chu kỳ ngoại tại, như chu kỳ phát triển hóc môn (hormone) khi đến tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, quá trình lão hóa, v.v... Trong đạo Phật thì chúng ta cố gắng thành tựu giải thoát, để thoát khỏi những chu kỳ cứ tái diễn một cách bất tự chủ này, mà ta gọi là luân hồi, và tiếp tục tu tập để trở thành những vị Phật giác ngộ, để có thể giúp đỡ tất cả chúng sinh một cách tốt đẹp nhất.

Các chu kỳ luân phiên của thời gian đòi hỏi các pháp tu thiền quán về Kalachakra để thành tựu giải thoát và giác ngộ. Điểm quan trọng này cho thấy định hướng cơ bản của đạo Phật đối với chiêm tinh học. Chúng ta muốn giải thoát khỏi sự khống chế của các đặc điểm chiêm tinh, chẳng hạn như tử vi. Theo đạo Phật thì dòng tâm thức tương tục, hay dòng tâm thức của mỗi cá nhân, đã trải qua những vấn đề từ vô thỉ, và nếu như không làm gì để thay đổi tình hình, thì tâm sẽ tiếp tục trải nghiệm chúng mãi mãi, từ đời này sang đời khác. Điều này có nghĩa là mình không chỉ phải giải thoát bản thân ra khỏi lá số tử vi cá nhân cho kiếp này, mà còn phải thoát khỏi tất cả những lá số tử vi khả dĩ trong bất cứ tái sinh nào sẽ xảy ra trong tương lai. Nói cách khác là mình phải hướng đến việc giải thoát bản thân ra khỏi hoàng đạo (zodiac).

Chúng ta có thể thấy từ cách tiếp cận này thì tử vi không phải là điều gì cụ thể và cố định, không phải là điều gì điều khiển cách mà mình chắc chắn phải trải qua, và không thể làm gì để thay đổi nó. Chúng ta muốn giải thoát bản thân khỏi mọi sự bó buộc được tưởng tượng ra như vậy, và để làm điều đó thì mình phải có một số khái niệm về chi tiết trong lá tử vi của mình, và của tất cả các lá số tử vi nói chung. Vậy thì đây là bối cảnh mà chúng ta phải nghiên cứu chiêm tinh học - cho dù đó là chiêm tinh Tây Tạng-Mông Cổ, Ấn giáo Ấn Độ, Trung Quốc, Ả Rập, Maya hay Tây phương. Chúng ta không chỉ muốn khắc phục sự khống chế của lá số tử vi cá nhân của mình trong kiếp này, mà còn khắc phục sự kiểm soát của tất cả các chu kỳ thời gian luôn biến đổi, được đo lường bằng sự chuyển động của các thiên thể. Việc thấu hiểu điểm này là điều rất quan trọng. Nếu không thì mình có thể dễ dàng rơi vào bẫy mê tín về chiêm tinh, đặc biệt là chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ, vì nó nói rất nhiều về "ngày tốt" và "ngày xấu".

Mối Liên Hệ Với Chiêm Tinh Học Phương Tây

Mật Điển Thời Luân là nguồn gốc cho việc tính toán hầu hết các đặc điểm của lịch Tây Tạng và Mông Cổ, về vị trí của các thiên thể trong lịch thiên văn, và hầu hết các yếu tố trong niên giám, chẳng hạn như ngày tốt và ngày xấu. Vì giáo lý Kalachakra phát triển mạnh ở Ấn Độ, trước khi lan truyền sang Tây Tạng, rồi đến Mông Cổ, nên có rất nhiều điểm tương đồng với các hệ thống chiêm tinh học của Ấn Độ giáo. Ngược lại, chiêm tinh học Ấn Độ giáo và nhiều khía cạnh khác của văn hóa Ấn Độ cổ đại lại có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Hy Lạp cổ đại, vì hai nền văn minh có mối liên hệ chặt chẽ, đặc biệt là từ thời Alexander Đại Đế. Trước tiên, hãy xem xét một số đặc điểm tương đồng này. Chiêm tinh học phương Tây hiện đại cũng chia sẻ những đặc điểm này, vì nó bắt nguồn từ truyền thống Hy Lạp cổ đại.

Trong chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ, chúng ta sẽ tính vị trí của các hành tinh chỉ đến Sao Thổ, chứ không phải các hành tinh ngoài sao Thổ, và đặt tên các ngày trong tuần theo các thiên thể, như Chủ Nhật cho mặt trời, và thứ Hai cho mặt trăng. Bởi vì các hành tinh ngoài sao Thổ không thể thấy bằng mắt thường, nên thế giới cổ đại không hề biết đến chúng. Ngoài ra, còn có sự phân chia hoàng đạo thành mười hai cung, với cùng tên gọi như trong hệ thống Hy Lạp và Ấn giáo Ấn Độ. Đây cũng là những cái tên giống như tên gọi mà hệ thống phương Tây hiện đại đang sử dụng – Dương Cưu (Aries), Kim Ngưu (Taurus), v.v... Ngoài ra, còn có sự phân chia của 12 cung địa bàn (12 houses), một vài cung địa bàn trong số này có cách diễn dịch hơi khác với các cung địa bàn tương ứng của chúng trong chiêm tinh học phương Tây. Như trong một lá số tử vi phương Tây thì mỗi thiên thể nằm trong một cung (sign) và một cung địa bàn (house), sự kết hợp của chúng tác động đến ý nghĩa và tầm quan trọng của thiên thể đó trong biểu đồ. 

Các Cung Và Cung Địa Bàn

Đối với những người không quen thuộc với chiêm tinh học, thì tôi sẽ giải thích về cung và cung địa bàn là gì một cách ngắn gọn. Cả hai đều liên quan đến các đặc điểm thiên văn.

Nếu nhìn lên bầu trời, thì bạn sẽ thấy mặt trời, mặt trăng và các hành tinh - hãy gọi chúng là các thiên thể - tất cả đều di chuyển theo một quỹ đạo nhất định từ Đông sang Tây. Vào thời cổ đại, con người không nghĩ rằng trái đất quay. Họ nghĩ rằng bầu trời và các thiên thể xoay quanh trái đất. Họ tưởng tượng rằng quỹ đạo mà các thiên thể lớn di chuyển qua đó – đường hoàng đạo - giống như một cái bánh xe khổng lồ quay ngược chiều kim đồng hồ một cách rất chậm rãi. Một nửa bánh xe ở dưới mặc đất. Nếu sử dụng một ví dụ hiện đại, thì viễn cảnh của mình giống như một người đứng ở trung tâm của bánh xe Ferris  (Ferris wheel) quay rất chậm: một nửa của nó ở phía trên của mình, một nửa thì ở phía dưới.

Nếu như nhìn vào quỹ đạo trên trời này như bánh xe Ferris quay chậm, thì bạn có thể chia bánh xe thành mười hai phần, chỉ sáu phần trong số này thì được thấy rõ ràng trên bầu trời bất cứ lúc nào. Trong mỗi phần của bánh xe Ferris là một chòm sao nổi bật, giống như ghế ngồi trên bánh xe Ferris. Những chòm sao này là 12 cung hoàng đạo (12 signs of the zodiac).

Bây giờ, giả sử bánh xe Ferris đang quay từ từ vào trong một tòa nhà có hình dạng của một quả cầu khổng lồ. Nếu bạn chia quỹ đạo dọc theo bức tường phía trong của quả cầu thành 12 phần, mà bánh xe Ferris sẽ quay vào trong đó, thì đó là 12 cung địa bàn. Chúng không di chuyển. Do đó, phần quỹ đạo hình cầu đi xuống từ phía Đông trực tiếp của mình, đến một phần sáu của quãng đường về phía Tây trực tiếp là cung địa bàn đầu tiên. Một phần sáu tiếp theo là cung địa bàn thứ hai, v.v.... Sáu cung địa bàn đầu tiên ở phía dưới của mình - nói cách khác là dưới đường chân trời - sáu cung địa bàn cuối cùng thì ở trên. Giả sử như chiếc ghế đầu tiên, Dương Cưu, ở cạnh điểm trên bức tường bên trong của quả cầu trực tiếp về phía Đông của mình – cung Mọc (the ascendant). Bánh xe Ferris quay rất chậm, đến mức phải mất một tháng để chiếc ghế tiếp theo, tức là Kim Ngưu, đi đến điểm đó. Khi chiếc ghế Dương Cưu trở về điểm đó trên tường, thì một năm đã trôi qua.

Bây giờ, giả sử bánh xe Ferris từ từ quay ngược chiều kim đồng hồ bên trong tòa nhà hình cầu, có hình dạng như một cái lốp xe (tire) trống rỗng, và có chín quả bóng lăn theo chiều kim đồng hồ bên trong nó, với tốc độ khác nhau. Chín quả bóng là các thiên thể. Quả bóng mặt trời mất một ngày để lăn hết vòng lốp xe; quả bóng mặt trăng thì mất một tháng để lăn hết lốp xe; và vân vân. Do đó, ở bất cứ thời điểm nào thì một thiên thể được an vị trong một cung và một cung địa bàn nào đó, và vị trí này liên tục thay đổi. Lá số tử vi giống như một bức ảnh được chụp vào một thời điểm cụ thể, chẳng hạn như vào lúc người nào ra đời, cho thấy vị trí của mỗi thiên thể trong quỹ đạo của hoàng đạo sẽ quay một cách chậm rãi trong một phần nào đó của bầu trời, một là ở trên đầu, hai là ở dưới mặt đất.

Hệ thống này của các thiên thể, cung và cung địa bàn giống nhau trong các hệ thống chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ, Ấn giáo Ấn Độ, Hy Lạp cổ đại và phương Tây hiện đại. Tuy nhiên, không giống như hai hệ thống cuối cùng, hệ thống Ấn Độ và Tây Tạng-Mông Cổ cũng chia bánh xe Ferris của đường hoàng đạo thành một cung hoàng đạo thứ hai, gồm 27 cung. Đôi khi, họ đặt 27 chiếc ghế trên bánh xe Ferris, chứ không chỉ 12 ghế. Họ sử dụng 27 cung hoàng đạo, chủ yếu để tính lịch, lịch thiên văn và niên giám, và 12 cung hoàng đạo chủ yếu dành cho tử vi.

Sao Cố Định Và Vòng Hoàng Đạo Thiên Văn 

Các hệ thống Ấn giáo Ấn Độ và Tây Tạng-Mông Cổ có chung một đặc điểm khác liên quan đến hoàng đạo, có sự khác biệt đáng kể, so với hệ thống Hy Lạp cổ đại và phương Tây hiện đại. Hai hệ thống đầu sử dụng một sao cố định (fixed-star), hay vòng hoàng đạo thiên văn (sidereal zodiac), trong khi hai hệ thống sau thì sử dụng hoàng đạo nhiệt đới (tropical zodia). Thật ra thì điều đã xảy ra là hệ thống Kalachakra chỉ trích việc các hệ thống chiêm tinh Ấn giáo Ấn Độ sử dụng sao hoàng đạo cố định, và ủng hộ hoàng đạo nhiệt đới. Tuy nhiên, người Tây Tạng đã bỏ qua đặc điểm này, khi áp dụng hệ thống hoàng đạo Kalachakra, và trở lại với việc sử dụng hệ thống sao cố định, dù đó là điều khác biệt với bất cứ hệ thống nào của Ấn giáo Ấn Độ.

Thay vì giải thích chi tiết về sự khác biệt về các cung hoàng đạo trong các hệ thống Tây Tạng-Mông Cổ, Kalachakra và Ấn giáo Ấn Độ, thì ở đây, việc giải thích sự khác biệt chung giữa một sao cố định và hoàng đạo nhiệt đới, về mặt 12 cung hoàng đạo mà tất cả các hệ thống này đều dùng chung là đủ rồi. Sự khác biệt xảy ra về mặt các hệ thống đặt mười hai chiếc ghế trên bánh xe Ferris, và những chiếc ghế ở vị trí cố định, hay di chuyển rất chậm rãi.

Giả sử như bánh xe Ferris được chia thành mười hai phần, mỗi phần mang tên của một trong các cung này. Mỗi chiếc ghế cũng mang tên của một trong những cung này. Các hệ thống Ấn Độ-Mông Cổ và Ấn giáo Ấn Độ đặt mười hai chiếc ghế ở các vị trí chính xác trên bánh xe Ferris, mà ở đó, các phần có cùng tên sẽ bắt đầu. Chiếc ghế của Dương Cưu nằm ở đầu phần Dương Cưu trên bánh xe Ferris, và không bao giờ di chuyển ra khỏi vị trí đó. Do đó, chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ và Ấn giáo Ấn Độ sử dụng hoàng đạo sao cố định (fixed-star zodiac).

Các hệ thống Hy Lạp cổ đại, Kalachakra và phương Tây hiện đại đặt chiếc ghế Dương Cưu ở bất cứ điểm nào trên bánh xe Ferris mà quả bóng mặt trời được định vị vào thời điểm chính xác của điểm xuân phân (vernal equinox) ở Ấn Độ - thời điểm vào mùa xuân, khi ngày và đêm có khoản thời gian dài như nhau. Bởi vì mặt trời trực tiếp đi qua trên đầu vào ngày hôm đó ở hạ chí tuyến (Tropic of Cancer), nên vị trí của các cung trên bầu trời được gọi là hoàng đạo nhiệt đới.

Vì mục tiêu thảo luận của mình thì hãy bỏ qua việc xem xét hệ thống Hy Lạp cổ đại. Vào khoảng năm 290 sau Công nguyên thì điểm xuân phân thật ra được định vị ở đầu phần Dương Cưu của bánh xe Ferris, như được quan sát trên trời. Kể từ đó, nó đã di chuyển ngược lại rất chậm, với tốc độ khoảng một độ trong mỗi 72 năm. Hiện tượng này được gọi là tuế sai của phân điểm (precession of the equinox). Sự sai biệt giữa vị trí được quan sát của 0 độ Dương Cưu và vị trí của 0 độ Dương Cưu được xác định theo điểm xuân phân, bởi vì trục của trái đất quay dần theo hướng của nó, đối với các ngôi sao “cố định”, có chu kỳ quay 26, 000 năm.

Điểm xuân phân hiện nằm giữa 23 và 24 độ trở lại phần Song Ngư của bánh xe Ferris, là phần trực tiếp ngay sau phần Dương Cưu. Do đó, hiện giờ, hệ thống phương Tây hiện đại đang đặt chiếc ghế Dương Cưu ở điểm giữa 6 và 7 độ trong phần Song Ngư của bánh xe Ferris. Mỗi năm, hệ thống phương Tây hiện đại di chuyển các chiếc ghế trở lại một khoảng cách nhỏ. Nó đề cập đến vị trí của các thiên thể theo hoàng đạo, được xác định bằng những chiếc ghế, trong khi các hệ thống Ấn Độ-Mông Cổ và Ấn giáo Ấn Độ đề cập đến vị trí của họ theo hoàng đạo được xác định bằng chính bánh xe Ferris. Do đó, một hành tinh ở 0 độ Dương Cưu của hoàng đạo nhiệt đới nằm ở vị trí nào đó giữa 6 và 7 độ Song Ngư (Pisces) của sao hoàng đạo cố định - nói cách khác là vị trí nhiệt đới âm, giữa 23 và 24 độ.

Việc quan sát bầu trời cho thấy 0 độ Dương Cưu của hệ thống phương Tây thật sự tương ứng với vị trí được quan sát ở đầu chòm sao Dương Cưu, trừ đi yếu tố tuế sai giữa 23 và 24 độ. Vì các hệ thống Tây Tạng-Mông Cổ và Ấn giáo Ấn Độ truyền thống không bao giờ dựa vào quan sát thực nghiệm để tính toán yếu tố tuế sai, và hơn nữa, còn rút tỉa vị trí của các thiên thể chỉ từ các mô hình toán học, nên việc các vị trí được tính toán không tương ứng với các vị trí được quan sát không phải là điều quan trọng. Các nhà chiêm tinh truyền thống Ấn Độ, Tây Tạng và Mông Cổ không quan tâm đến việc xác nhận sự tính toán của họ bằng cách nhìn lên trời.

Các Vị Trí Được Tính Toán Và Quan Sát Của Các Hành Tinh

Lần đầu tiên Ấn Độ làm quen với các đài quan sát thiên văn là vào thế kỷ 17, nhờ các nhà chinh phục Mughal, người đã học cách xây dựng chúng từ dân Ả Rập. Các vị trí được quan sát của các thiên thể khác biệt một cách đáng kể, so với những vị trí được tính toán theo truyền thống. Ngay cả khi người Ấn Độ đã cộng thêm giữa 23 và 24 độ vào các vị trí được tính toán, nhưng các mô hình toán học của họ vẫn không đưa ra kết quả chính xác. Dưới sự cai trị của nước Anh trong thế kỷ tiếp theo thì các nhà chiêm tinh Ấn Độ đã học các công thức châu Âu, để tính toán vị trí của các hành tinh, và thấy rằng chúng đã đưa ra kết quả quan sát được xác minh, và hầu hết các nhà chiêm tinh này đã quyết định từ bỏ các hệ thống tính toán truyền thống của Ấn giáo Ấn Độ, và các lịch thiên văn có nguồn gốc từ truyền thống này. Thay vì vậy, các nhà cải cách đã áp dụng các vị trí được toán học phương Tây quan sát và tính toán, chỉ cần trừ đi giữa 23 và 24 độ, để biến chúng thành sao hoàng đạo cố định.

Một cuộc khủng hoảng tương tự đang xảy ra trong chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ, như điều đã xảy ra vài thế kỷ trước đây đối với chiêm tinh Ấn giáo Ấn Độ. Khi các nhà chiêm tinh Tây Tạng và Mông Cổ đang làm quen với các hệ thống phương Tây và Ấn Độ, thì họ nhận ra rằng tuy các công thức toán học Kalachakra đưa ra các vị trí cho các thiên thể thì khác biệt với các vị trí được rút tỉa từ các hệ thống Ấn Độ giáo cổ điển, nhưng chúng vẫn không đưa ra một bức tranh chính xác, tương ứng với sự quan sát. Câu hỏi lớn là liệu có nên bỏ toán học truyền thống hay không, và làm theo ví dụ của những nhà cải cách Ấn Độ giáo, bằng cách áp dụng các vị trí cung hoàng đạo phương Tây, được điều chỉnh cho tuế sai của phân điểm. Ưu điểm và nhược điểm đều tồn tại đối với một trong hai sự lựa chọn. Thậm chí ngày nay, cuộc tranh luận vẫn tiếp tục giữa các nhà chiêm tinh Ấn giáo Ấn Độ.

Mối Liên Hệ Với Nghiệp

Giáo lý nhà Phật nói khá rõ ràng là chiêm tinh học không nói về sự ảnh hưởng của chư Thiên sống trên các thiên thể, là những vị có thể khiến cho sự việc xảy ra trong đời sống của mình một cách độc lập, bằng oai lực của họ. Chính các thiên thể cũng không tạo ra ảnh hưởng thật sự. Những điều như vậy đều bất khả dĩ. Thay vì vậy, đạo Phật khẳng định rằng vị trí của các thiên thể trong tử vi chỉ đơn thuần phản ảnh một phần của nghiệp lực mà một người được sinh ra.

Những chiếc gương khác nhau sẽ phản ảnh những phần nghiệp lực của mình, và làm như vậy theo hình thức của các mô hình. Chúng ta có thể thấy những mô hình này không chỉ trong cấu trúc của các thiên thể, lúc mình sinh ra, mà còn trong bản chất di truyền, nhân cách, hành vi và đời sống của mình nói chung. Đối với bất cứ người nào thì tất cả những mô hình này đều đồng bộ. Nói cách khác là tất cả đều xảy ra trong một gói, như kết quả của nghiệp lực được tích tập từ những kiếp trước. Từ quan điểm đó thì việc vị trí được tính toán cho các thiên thể có tương ứng với những gì được quan sát trên bầu trời hay không là điều không hệ trọng. Do đó, việc quyết định giữ các vị trí của các thiên thể được tính theo công thức Kalachakra truyền thống, hay chấp nhận các vị trí được quan sát và chấp nhận ở phương Tây, điều chỉnh tuế sai của phân điểm, không phải là một vấn đề đơn giản. Nó đòi hỏi rất nhiều việc nghiên cứu và phân tích, để xác định sự lựa chọn nào sẽ cung cấp thông tin chiêm tinh tương ứng một cách chính xác hơn với đời người.

Tử Vi Dự Đoán

Một mục để điều tra là tử vi dự đoán, tiên đoán những gì có khả năng xảy ra nhất, trong các giai đoạn khác nhau trong đời của một người. Như trong lá số tử vi cá nhân và lịch thiên văn thì có chín thiên thể liên quan trong đó: mặt trời, mặt trăng, sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ và cái mà chúng ta gọi ở phương Tây là "các giao điểm mặt trăng Bắc và Nam" (“the North and South luna nodes”). Hãy trở lại hình ảnh về bánh xe Ferris, trong hình dạng của chiếc lốp xe, với những quả bóng mặt trời và mặt trăng lăn trong vòng bên trong của lốp xe. Điều này mô tả quỹ đạo của mặt trời và mặt trăng. Hai quỹ đạo không song song nhau một cách chính xác, mà nằm chéo nhau ở hai bên đối diện của lốp xe. Các điểm giao nhau là các giao điểm Bắc và Nam của mặt trăng. Khi mặt trời ở một trong những điểm này, và mặt trăng ở điểm kia một cách chính xác, thì nguyệt thực sẽ xảy ra. Nhật thực sẽ xảy ra, khi mặt trời và mặt trăng gặp nhau tại một trong hai giao điểm. Hầu hết các hệ thống thiên văn học và chiêm tinh học cổ đại đều xem các giao điểm mặt trăng như các thiên thể. Đạo Phật gọi chúng là Rahu (La Hầu) và Kalagni (Kế Đô), trong khi các hệ thống của Ấn Độ giáo đặt tên cho chúng là Rahu và Ketu. Chúng tạo thành thiên thể thứ tám và thứ chín.

Chiêm tinh dự đoán Tây Tạng-Mông Cổ tính toán thọ mạng có xác suất xảy ra nhiều nhất trong đời của một người. Sau đó, nó sẽ chia thọ mạng thành các khoảng thời gian được điều khiển bằng mỗi một trong số chín thiên thể, theo thứ tự cố định. Mỗi thiên thể sẽ điều khiển một khoảng thời gian nhất định - một tỷ lệ phần trăm nào đó của thọ mạng - theo tỷ lệ cố định. Tỷ lệ phần trăm cho mỗi thiên thể thì khác nhau. Bạn sẽ tính thiên thể nào sẽ điều khiển thời kỳ đầu tiên của cuộc đời một người, và bằng cách tính tỷ lệ phần trăm của thọ mạng được thiên thể đó điều khiển, thì bạn sẽ tính được độ dài của thời kỳ đầu tiên. Bạn có thể chia nhỏ thêm mỗi giai đoạn của thọ mạng theo tỷ lệ giống nhau, và chia nhỏ thêm các phần nhỏ này. Bằng cách so sánh các điểm mạnh trong lá số cá nhân của các thiên thể điều khiển một thời kỳ cụ thể, thời kỳ phụ (subperiod) và sự phân chia của thời kỳ phụ, bạn sẽ có được sự diễn giải về những gì có khả năng xảy ra nhiều nhất cho người này, trong thời gian đó.

Các hệ thống dự đoán chiêm tinh của Ấn Độ giáo giống như hệ thống Tây Tạng-Mông Cổ, nhưng có sự khác biệt đáng kể về một số khía cạnh. Các hệ thống Ấn Độ giáo không tính toán tuổi thọ. Chín thiên thể điều khiển theo thứ tự và tỷ lệ cố định, giống như trong hệ thống Tây Tạng-Mông Cổ, nhưng trong mọi trường hợp thì các thời kỳ được điều khiển bằng chín thiên thể cộng ra tới 120 năm. Do đó, nếu tỷ lệ phần trăm mà một thiên thể điều khiển là 10%, thì nó sẽ điều khiển 12 năm trong đời của mọi người. Sự khác biệt duy nhất giữa các lá số của mọi người là khi nào thì 12 năm đó sẽ xảy ra trong cuộc sống. Bạn sẽ xác định điều này bằng cách tính toán cuộc đời của người nào bắt đầu trong chu kỳ 120 năm đó. Hầu hết mọi người sẽ chết trước 120 tuổi, nên thời gian đó thậm chí có thể không xảy ra trước khi họ qua đời. Trong hệ thống Tây Tạng-Mông Cổ thì tất cả chín thời kỳ xảy ra trong đời của tất cả mọi người, và nếu tỷ lệ phần trăm mà một thiên thể điều khiển là 10%, và tuổi thọ chỉ là 60 năm, thì thời gian của thiên thể đó chỉ là 6 năm.

Bói Toán Đen Và Chiêm Tinh Học Trung Quốc

Bói toán đen trong chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ, xuất phát từ các hệ thống Trung Quốc, sẽ bổ sung thêm vài yếu tố nữa cho dự đoán chiêm tinh. Một khía cạnh xuất phát từ chu kỳ 12 con giáp - Tý, Sửu, Thân, v.v... - và từ ngũ đại - thổ, thủy, hỏa, mộc và kim. Khi kết hợp với nhau thì chúng tạo ra 60 cặp, chẳng hạn như Kim Ngọ hay Mộc Dần trong biến thể của chiêm tinh học Tây Tạng. Truyền thống Mông Cổ thay thế tên của các đại bằng tên của các màu liên quan đến chúng, chẳng hạn như Hắc Ngọ (ngựa đen) hay Lam Dần (hổ xanh dương). Lá số tử vi cá nhân có sự kết hợp cho năm, tháng, ngày và khoảng thời gian hai tiếng đồng hồ của giờ sinh. Bạn sẽ tính toán bộ thú vật-đại (animal-element) cầm tinh mỗi năm trong cuộc đời, và so sánh chúng với chi tiết ngày tháng năm sinh, thì sẽ có được lời tiên đoán xa hơn cho năm đó.

Bói toán đen cũng có một hệ thống gồm bát quái (eight trigrams) và cửu ma phương (nine magic square numbers). Một bát quái là kết hợp của ba dòng, liên tục hay đứt đoạn, như được thấy trong tác phẩm cổ điển Kinh Dịch (I Ching, Sách Về Sự Biến Đổi) của Trung Quốc. Các ma phương bắt nguồn từ một hình vuông, được chia thành chín ô như trong trò chơi tick-tack-toe grid, và trong mỗi hộp có một số, 1 đến 9, được sắp xếp theo cách mà khi cộng ba số theo chiều ngang, chiều dọc hay theo chiều xéo, thì tổng số sẽ luôn luôn là 15. Từ bát quái và cửu ma phương của năm sinh, bạn sẽ tính toán vận hạn bát quái và số cho mỗi năm trong cuộc đời, là điều cung cấp thêm lời tiên đoán. Tất cả các thông tin có được từ bói toán trắng và đen được kết hợp với nhau và diễn giải, để tạo ra tử vi Tây Tạng-Mông Cổ tiên đoán đầy đủ. Nếu muốn biết chính xác hơn thì bạn có thể cộng thông tin trắng và đen từ niên giám liên quan đến những ngày giờ tốt và xấu. Phải cân nhắc tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến một giai đoạn nhất định, bởi vì từ quan điểm của một biến số thì thời điểm này có thể thuận lợi, nhưng từ quan điểm của một biến số khác thì nó có thể không thuận lợi. Bản lý giải lá số trong chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ là một nghệ thuật phức tạp.

Đoán Tuổi Thọ

Kỹ năng lý giải thậm chí còn khó khăn hơn, vì nhiều vấn đề sẽ phát sinh trong hệ thống. Đôi khi, khi tính tuổi thọ của một người, thì bạn sẽ phát hiện ra rằng theo các công thức toán học thì đáng lẽ người này phải chết cách đây nhiều năm rồi. Một tính toán khác cho thấy rằng nếu người đó làm rất nhiều điều thiện, thì có thể kéo dài tuổi thọ thêm một tỷ lệ nào đó. Ngay cả như vậy, thì đáng lẽ nhiều người đã phải chết rồi. Hơn nữa, bạn phải làm bao nhiêu điều thiện để kéo dài tuổi thọ đây? Và liệu chỉ có hai khả năng, tuổi thọ bình thường và tuổi thọ kéo dài, hay nếu bạn chỉ làm một số điều thiện nhỏ, hay động lực của bạn bất tịnh, thì bạn có thể kéo dài thêm tuổi thọ chỉ một chút hay không?

Tình hình càng trở nên khó hiểu hơn, khi xem các tác phẩm của các bậc thầy chiêm tinh Tây Tạng và Mông Cổ ở nhiều thời điểm khác nhau trong lịch sử phát triển của nó. Họ không đồng ý với nhau về cách tính tuổi thọ của một người. Một số người xem tuổi thọ lý tưởng nhất là 120 năm, một số người thì cho là 100 năm, và một số nghĩ là 80 năm. Tùy theo con số mà bạn chọn, thì việc tính toán thời gian người nào sẽ sống bao lâu, và điều gì sẽ xảy ra trong cuộc đời của người đó sẽ khác nhau. Điều nào là đúng? Nếu như làm theo ví dụ của chiêm tinh Ấn giáo Ấn Độ, và không tính toán tuổi thọ, thì có tốt hơn không? Ngay cả khi mình thực hiện bước đó, thì có một số truyền thống chiêm tinh Tây Tạng-Mông Cổ mà lịch được tính toán theo mỗi truyền thống sẽ hơi khác nhau; nên thậm chí còn có nhiều dự đoán hơn, liên quan đến diễn biến cuộc đời của một người.

Bám Chấp Vào Sự Thật

Chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ không phải đặc thù đối với việc có một số truyền thống biến thể khác nhau, mà mỗi truyền thống sẽ đưa ra bản dự đoán hơi khác nhau. Các hệ thống phương Tây, Ấn giáo Ấn Độ và Trung Quốc cũng có cùng đặc điểm này. Khi nhận thức ra tình huống này thì người ta thường trở nên khó chịu. Vì cảm thấy bất an, nên họ chấp trước rằng bản thân tồn tại như một "cái tôi" vững chắc, có thể tìm thấy một cách cố hữu, và những gì sẽ xảy ra trong cuộc sống của họ sẽ tồn tại một cách cố hữu, như những sự kiện cố định. Dựa vào sự lầm lẫn này, họ rất muốn cái “tôi" tồn tại một cách độc lập của họ làm chủ những điều sắp xảy ra, hay ít nhất là biết điều gì sắp xảy ra, để có thể chuẩn bị. Khi phải đối mặt với nhiều khả năng của những điều có thể xảy ra, thì họ cảm thấy đời sống của họ như cái "tôi" tồn tại một cách vững chắc sẽ ở ngoài tầm kiểm soát của họ.

Sự thất vọng của họ giống như phản ứng của họ, khi một bậc thầy Tây Tạng hay Mông Cổ giảng dạy một tác phẩm kinh điển trong nhà Phật, và giải thích rằng theo quan điểm của hệ thống học thuyết này trong sách giáo khoa của tu viện này, thì nó có nghĩa là như vậy. Tuy nhiên, theo mỗi một sách giáo khoa khác, thì nó có nghĩa là như thế này, hay thế kia. Từ quan điểm của các hệ thống học thuyết khác, thì mỗi sách giáo khoa có một cách diễn giải khác nhau, và mỗi một truyền thống Phật giáo Tây Tạng-Mông Cổ khác sẽ giải thích nó một cách khác nhau. Khi phải đối diện với quá nhiều cách diễn giải, thì hầu hết những người Tây phương sẽ phản ứng là: "Nhưng, nó thật sự có nghĩa là gì?". Có lẽ tư tưởng Kinh Thánh đã vô tình ảnh hưởng đến họ, về vấn đề một Thượng Đế, một Chân Lý, nên họ chấp trước vào một sự thật duy nhất, vốn có về ý nghĩa của một giáo lý. Họ xem thông tin của chiêm tinh học theo cùng một cách, và tìm kiếm câu trả lời chắc chắn về những điều sẽ xảy ra.

Nếu như chấp trước rằng thực tại tồn tại theo cách bất khả này, thì ta sẽ thất vọng và bực bội về những thông tin mà mình có được từ chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ. Để có được bất cứ điều gì từ nó, thì phải xem xét thông tin từ một quan điểm hoàn toàn khác biệt, đó là quan điểm của giáo lý nhà Phật về nghiệp và tánh Không. Thông tin chiêm tinh mô tả luân hồi - tái sinh và quá trình của mỗi cuộc đời xảy ra một cách bất tự chủ, theo tác động của nghiệp. Để giải thoát bản thân ra khỏi vòng luẩn quẩn này, thì phải chứng ngộ tánh Không - thực tế là vạn pháp, bao gồm cả nhân cách của mình và các sự kiện trong đời mình không có những cách tồn tại bất khả. Do đó, cần phải hiểu nghiệp và tánh Không.

Nghiệp Lực So Với Tiền Định

Kedrub Je, một bậc thầy vĩ đại của Tây Tạng đã viết rất hay. Trong một luận giải về Mật Điển Thời Luân, ngài đã viết rằng nếu chiêm tinh học tiết lộ tất cả thông tin về người nào, thì một con người và một con chó sinh ra ở cùng một nơi và cùng một lúc, sẽ có cùng tính cách, cùng một tuổi thọ, và những điều tương tự sẽ xảy ra trong đời của họ. Rõ ràng là không phải như vậy. Lý do là chiêm tinh học không cung cấp tất cả thông tin về người nào. Nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến đời sống của một cá nhân. Ảnh hưởng xuất phát từ mạng lưới nguyên nhân và hoàn cảnh rộng lớn; nghiệp và luật nhân quả cực kỳ phức tạp. Từ vô thỉ, chúng ta đã tích tập nghiệp nhân cho những kinh nghiệm trong mỗi lần tái sinh. Một lá số chiêm tinh, cho dù có phức tạp và tinh vi đến đâu, chỉ cung cấp một bức tranh nhỏ về một khía cạnh của một lề thói về nghiệp của mình. Một xác suất cao có thể tồn tại là một số sự kiện nào sẽ xảy ra theo lá số đó; nhưng bạn không thể loại bỏ những xác suất nhỏ hơn, mà những điều khác có thể xảy ra bên cạnh đó, hoặc thay vào đó. Không có điều gì cố định một cách cố hữu. Bằng cách bác bỏ cách tồn tại bất khả đó, ta sẽ khắc phục tập khí thâm căn cố đế của việc chấp trước vào một cái tôi tồn tại một cách vững chắc, biết điều gì sẽ thật sự xảy ra, nên luôn luôn tự chủ.

Hãy xem xét thông tin mà mình rút tỉa từ các truyền thống y học khác nhau. Tây y mô tả cơ thể như một mạng lưới phức tạp của các hệ thống khác nhau: hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, vân vân. Y học Tây Tạng-Mông Cổ mô tả các hệ thống luân xa và kinh mạch. Y học Trung Quốc phác họa kinh tuyến và các huyệt đạo. Nếu như bạn phản đối và hỏi rằng, "Nhưng điều nào là sự thật? Hệ thống nào mô tả những gì đang thật sự diễn ra trong cơ thể?", thì mình sẽ phải trả lời rằng tất cả đều đúng. Mỗi truyền thống đều đưa ra một thông tin hợp lệ về cơ thể, để giúp cho việc điều trị thành công.

Điều này cũng đúng với chiêm tinh học. Các hệ thống phương Tây với hoàng đạo nhiệt đới tạo ra một bộ thông tin. Các hệ thống Ấn giáo Ấn Độ và Tây Tạng-Mông Cổ với sao hoàng đạo cố định thì đưa ra những kết quả khác. Các hệ thống chiêm tinh truyền thống của Trung Quốc tiết lộ thêm thông tin, trong khi bói toán đen có nguồn gốc từ Trung Quốc mà người Tây Tạng và người Mông Cổ sử dụng thì đưa ra những điểm khác. Trong truyền thống chiêm tinh Tây Tạng-Mông Cổ, nếu bạn sử dụng các hệ thống tính toán tuổi thọ tối đa là 120, 100 hay 80 năm, thì sẽ có được ba bức tranh khác nhau về những điều có thể xảy ra trong suốt cuộc đời. Cách để đối phó với tất cả các thông tin dường như mâu thuẫn này là để thấy rằng mỗi hệ thống mô tả một cấu trúc nghiệp khả dĩ, với một xác suất nào đó, rằng nó có thể xảy ra.

Mỗi chúng ta đều có tiềm năng cho một số lượng nghiệp lớn lao, nên mình có thể sống một số lượng lớn những cuộc đời có thể xảy ra. Định hướng không phải là về mặt cố gắng tìm hiểu điều gì chắc chắn sẽ xảy ra vào ngày mai – ngày mai, tôi có nên mua thêm cổ phiếu hay không; liệu nó sẽ là ngày may mắn của mình hay không? Định hướng đúng đắn là về việc xác suất hoạt động ra sao. Nếu lá số của mình tiết lộ là đáng lẽ mình đã phải chết mười năm trước rồi, thì sẽ cho ta một vài khái niệm là mình đã tích tập nghiệp để có một kiếp ngắn ngủi. Đó là một khả năng về di sản nghiệp của mình. Tuy nhiên, những gì sẽ trổ trong một kiếp cụ thể thì phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện. Hãy xem xét việc có nhiều người chết trong một thảm họa tự nhiên, như một trận động đất, hay bom nguyên tử. Chắc chắn là không phải tử vi của tất cả những người này đều cho thấy là họ sẽ chết vào ngày hôm đó. Những hoàn cảnh và điều kiện bên ngoài không được nêu ra trong lá số sẽ ảnh hưởng đến việc gì sẽ xảy ra.

Do đó, một lá số chiêm tinh giống như một bản dự báo thời tiết: nó cung cấp một bức tranh về những điều rất có thể xảy ra, nhưng trên thực tế, có thể không xảy ra. Hôm nay, trời có thể mưa, nên chúng ta sẽ mang theo dù, để đề phòng, nếu trời mưa. Nếu trời không mưa, thì không có hại gì cả. Tương tự như vậy, nếu như tử vi của mình cho thấy rằng hôm nay, ta sẽ gặp một tình yêu chân thật, thành công trong kinh doanh hay bất cứ điều gì, nếu như mình nhận thức điều này là một khả năng mạnh mẽ, thì sẽ tiếp nhận những cơ hội có thể phát sinh trong ngày đó. Nếu như không có gì xảy ra, thì ta sẽ nhắc nhở bản thân rằng không có điều gì là định mệnh trong lá số tử vi cả.

Tịnh Hóa Nghiệp

Nếu như muốn tịnh hóa tất cả các lá số chiêm tinh có thể xảy ra, mà sau cùng là mục tiêu của việc nghiên cứu chiêm tinh trong đạo Phật, thì phải cố gắng học hỏi những bài học giáo pháp từ các lá số của mình. Ví dụ như ta có thể học hỏi rằng trong mọi hoàn cảnh thì mình phải cởi mở và đón nhận những cơ hội tốt, và cẩn thận khi đối mặt với nguy cơ hay sự đình trệ có thể xảy ra. Nếu lá số của mình cho thấy rằng đáng lẽ mình đã phải chết từ lúc 10 tuổi, và rõ ràng là lúc đó mình đã không chết, thì điều này khiến cho mình nghĩ về những nghiệp nhân tạo ra một kiếp ngắn ngủi. Việc chết yểu là kết quả từ việc cướp mạng sống của người khác, hay làm hại họ. Ngay cả khi nghiệp quả như vậy chưa trổ trong đời này, thì ta sẽ được nhắc nhở là mình đã tích tập nghiệp như vậy, và có lẽ có xu hướng tích tập nhiều hơn. Ví dụ như mình có thể vô tình đập chết con ruồi, và nghĩ rằng việc làm điều đó hầu như không quan trọng. Thọ mạng ngắn ngủi trong lá số của mình có thể truyền cảm hứng để ta tu tập, để tịnh hóa những xu hướng này.

Thế thì một trong những điểm chính mà chúng ta học hỏi từ tử vi Tây Tạng-Mông Cổ, là đối phó với nghiệp nhân cụ thể trong bản thân mình. Sự nhấn mạnh không phải là cố gắng tìm hiểu điều gì chắc chắn sẽ xảy ra trong những ngày như vậy và như vậy trong đời sống của mình, mà việc nghiên cứu sẽ giúp cho mình có trách nhiệm hơn, thay vì ít có trách nhiệm hơn. Nếu như mọi việc xảy ra đều là tiền định, thì bất cứ điều gì mà mình làm hiện nay đều không có kết quả. Chúng ta không thể ảnh hưởng đến bất cứ điều gì xảy ra với mình. Mặt khác, khi thấy rằng có một số khả năng nào đó về những điều có thể xảy ra, không nhất thiết là những gì sẽ xảy ra, thì ta phải chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình. Thay vì kiến thức về thông tin chiêm tinh học sẽ thu hẹp tâm trí, để làm cho nhân cách của mình, quá trình trong đời sống và sự giao tiếp của người khác với mình có vẻ vững chắc và cố định, thì sự hiểu biết của mình sẽ dẫn đến kết luận ngược lại. Chúng ta sẽ thấy rằng vạn pháp xảy ra đều sinh khởi dựa vào vô số nguyên nhân và hoàn cảnh, và những gì ta làm sẽ đóng góp cho quá trình trong đời sống của mình.

Hệ thống chiêm tinh Tây Tạng-Mông Cổ có vẻ phức tạp, nhưng đời sống thì phức tạp hơn nhiều. Có rất nhiều biến số ảnh hưởng đến những điều đang xảy ra, so với những điều mà một vài thiên thể, cung, cung địa bàn, thú vật, các đại, bát quái và số ma phương có thể đại diện. Với chánh niệm về vô số các biến số ảnh hưởng đến những điều xảy ra với mình trong đời sống, thì những quan điểm mê lầm, cứng nhắc về thế giới, về cuộc sống, về bản thân và người khác sẽ bắt đầu nới lỏng. Sự nới lỏng này sẽ mở ra con đường, để có thể thấy tánh Không về mặt duyên khởi. Quá trình sống của mình không có sự hiện hữu như các pháp được thiết lập một cách độc lập, vững chắc, cố định. Thay vì vậy, chúng xảy ra dựa vào vào hàng triệu yếu tố. Thông tin chiêm tinh và tử vi chỉ phản chiếu một phần rất nhỏ của các biến số ảnh hưởng. Dù sao đi nữa, nhờ cách tiết lộ một số sự kiện có thể xảy ra, có xác suất xảy ra cao hơn, mà chúng có thể giúp ta duy trì chánh niệm về nghiệp, tánh Không và duyên khởi. Dưới ánh sáng này, sự kiện là thông tin mà mình có được từ chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ thường không chính xác, thật ra lại là điều hữu ích. Nó cho ta thấy rằng đời sống không vững chắc và cố định. Nhiều nghiệp trổ là điều có thể xảy ra.

Câu Hỏi

Năm Tây Tạng-Mông Cổ được tính bằng mặt trăng, và năm phương Tây thì bằng mặt trời. Sự khác biệt là gì?

Lịch Tây Tạng và Mông Cổ kết hợp các đặc điểm thuộc về mặt trăng và mặt trời. Theo định nghĩa của đạo Phật thì thời gian là thước đo của sự biến đổi. Việc định danh năm, tháng ngày có thể dựa vào việc đo lường các chu kỳ biến đổi. Lịch Tây Tạng và Mông Cổ đo một tháng từ trăng non đến trăng non. Mười hai chu kỳ trăng non, nói cách khác là mười hai tháng âm lịch, cộng lại thì ít hơn một năm dương lịch - cách đo lường thời gian mà mặt trời phải có, để hoàn thành chu kỳ của nó, và trở về cùng một điểm trong hoàng đạo. Vì lịch Tây Tạng và Mông Cổ có tháng âm lịch, nhưng năm dương lịch, nên chúng cần phải có một sự bù đắp, để hai yếu tố này ăn khớp với nhau.

Giống như lịch phương Tây có những năm nhuần, trong đó, cứ sau bốn năm lại có thêm một ngày, để bù cho một năm dương lịch không bao gồm toàn bộ số ngày dương lịch. Tương tự như vậy, lịch Tây Tạng và Mông Cổ cũng có đặc điểm "nhuần", để đưa những tháng âm lịch vào những năm dương lịch. Đôi khi, họ thêm một tháng nhuận; và đôi khi, để làm cho trăng non và trăng tròn rơi vào những ngày cụ thể trong tháng âm lịch, thì họ sẽ tăng gấp đôi, hoặc bỏ một số ngày nhất định. Các công thức toán học và quy tắc khá phức tạp.

Nguồn gốc của 12 và 27 cung hoàng đạo là gì?

12 cung hoàng đạo xuất phát từ các chòm sao nổi bật nhất trên đường chân trời phía Đông, khi mặt trời mọc vào mỗi kỳ trăng non của 12 kỳ trăng non trong một năm. 27 cung hoàng đạo, trong một số tính toán là 28, thì xuất phát từ các chòm sao nổi bật nhất ở đường chân trời phía Đông, khi trăng lên vào mỗi 27 hoặc 28 đêm, từ trăng non này đến trăng non sau.

Liệu chiêm tinh Tây Tạng-Mông Cổ có phân biệt giữa việc ra đời ở bán cầu Bắc và bán cầu Nam không?

Không nó không phân biệt điều đó. Chiêm tinh học Tây Tạng-Mông Cổ không chỉ thiếu bất cứ đặc điểm nào để bù đắp cho việc sinh ra ở bán cầu Bắc hay bán cầu Nam, mà còn không xem xét về những nơi sinh ra khác nhau, hoặc các múi giờ khác nhau trong bán cầu Bắc. Một lần nữa, điều này nêu ra câu hỏi là liệu có nên sửa đổi hệ thống này, và bổ sung các đặc điểm này không, như các hệ thống Ấn giáo Ấn Độ truyền thống đã làm, hay điều này thật sự không quan trọng?

Việc quyết định vấn đề này đòi hỏi nghiên cứu sâu rộng. Chương trình máy tính mà tôi đã phát triển với một đồng nghiệp, để tính toán một số đặc điểm trắng của lịch Tây Tạng và lịch thiên văn được sử dụng rộng rãi nhất, sẽ cung cấp một trong những công cụ cơ bản để thực hiện dự án này. Những bước tiếp theo là bổ sung thêm các tài liệu bói toán đen và lập trình trong việc tính toán cho các hệ thống Tây Tạng-Mông Cổ khác nhau, bằng cách thay đổi các thuật toán (algorithms) cho các biến thể khác biệt với nhau. Sau đó, các nhà nghiên cứu phải nhập dữ liệu sinh và tử của một số người có ý nghĩa về mặt thống kê, là những người có cuộc đời và nhân cách nổi tiếng, và phối kiểm biến thể nào đối với mỗi biến số sẽ đưa ra kết quả đáng tin cậy nhất, khi được phân tích theo hệ thống Tây Tạng-Mông Cổ của bản lý giải. Tất nhiên, họ phải cân nhắc là chiêm tinh học không bao giờ chính xác hoàn toàn. Họ cũng phải kiểm tra kết quả thu lượm được, bằng cách áp dụng các vị trí của các thiên thể từ lịch thiên văn phương Tây, được tính bù cho tuế sai của phân điểm, và điều chỉnh các bán cầu, nơi sinh và múi giờ khác nhau.

Cá nhân tôi tin tưởng rằng bên cạnh vấn đề hệ thống chiêm tinh Tây Tạng-Mông Cổ hữu ích cho việc có được tuệ giác về nghiệp và tánh Không, nó còn có thể cung cấp thông tin thông thường hữu ích như những thông tin thu lượm được từ tử vi phương Tây, Ấn giáo Ấn Độ và Trung Quốc. Sau cùng thì các bậc thầy vĩ đại của Tây Tạng và Mông Cổ trong quá khứ đã dựa vào những giáo lý chiêm tinh này, và tán thán chúng rất nhiều. Các ngài không phải là những người ngốc.

Hồi Hướng

Hãy kết thúc với lời hồi hướng. Nguyện cho bất cứ năng lượng tích cực, công đức và sự hiểu biết tích cực nào được tích tập bằng việc lắng nghe bài nói chuyện này, đều giúp cho tất cả mọi người, kể cả bản thân, có thể vượt qua tất cả những khía cạnh khó khăn trong lá số tử vi của họ, và tất cả những cách hành động vô tự chủ. Lá số chiêm tinh không đơn giản là những lá bài được chia cho mình, mà mình muốn học cách chơi bài một cách khéo léo, để thắng ván bài. Nguyện cho chúng ta có thể thoát khỏi việc phải chơi bất cứ ván bài ngu si nào, để có thể sử dụng tất cả tiềm năng của mình một cách đầy đủ, để giúp đỡ mọi người một cách tốt đẹp nhất. 

Top