Lịch Thiên Văn, Lịch Và Niên Giám Tây Tạng
Hệ thống thiên văn học và chiêm tinh học của Tây Tạng vô cùng phức tạp. Phải mất 5 năm để nghiên cứu và quán triệt nó trong Phân Khoa Thiên Văn của Viện Y Học Và Thiên Văn Tây Tạng (Astro Division of the Tibetan Medical and Astro Institute) ở Dharamsala, Ấn Độ. Các học viên sẽ học cách tính toán tất cả mọi thứ bằng tay, theo cách truyền thống, trên một bảng gỗ phủ đầy bồ hóng, mà người ta viết bằng bút trâm (stylus). Không có lịch thiên văn hoàn chỉnh được biên soạn, để mình tìm kiếm số liệu. Một trong những khía cạnh chính của chương trình đào tạo là toán học, liên quan đến tất cả những cách tính toán.
Giống như các truyền thống của Ấn Độ giáo, hệ thống Kalachakra (Thời Luân) đưa ra các công thức, để xác định "năm hành tinh và toàn bộ năm đặc tính của lịch." Năm hành tinh là sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và sao Thổ. Vị trí của chúng, cũng như vị trí của mặt trời, mặt trăng và các giao điểm, sẽ được tính toán cho lịch thiên văn Tây Tạng, theo một mô hình toán học, cũng như trường hợp của hệ thống Hy Lạp cổ xưa. Do đó, nó không giống như thiên văn học Trung Quốc, vốn bắt nguồn từ các vị trí và sự chuyển động của các thiên thể, chủ yếu dựa vào quan sát. Toán học Trung Quốc, điều đôi khi được áp dụng, chủ yếu là đại số.
Người Hy Lạp cổ đại chủ yếu sử dụng hình học, cụ thể là các tỷ lệ hình học khác nhau, để xác định và mô tả sự chuyển động của các hành tinh. Các hệ thống Ấn Độ giáo (Hindu) đã phát triển hàm sin, do đó, họ sử dụng phương pháp lượng giác, thay vì chỉ dùng phương pháp hình học. Mặc khác thì việc tính toán trong hệ thống Tây Tạng không liên quan đến tỷ lệ hình học, cũng như các hàm lượng giác, mà thuần túy là số học.
Việc làm lịch và niên giám đòi hỏi toàn bộ năm đặc tính của lịch: ngày âm lịch trong tuần, ngày của tháng âm lịch, chòm sao của mặt trăng, thời kỳ kết hợp và thời kỳ hành động. Hai đặc điểm đầu liên hệ trong cơ chế giúp cho âm lịch và dương lịch hài hòa với nhau.
Cả hai hệ thống Tây Tạng và Ấn Độ giáo trình bày ba loại ngày. Một ngày hoàng đạo là thời gian cần thiết để mặt trời xoay 1 độ trong 360 độ của cung hoàng đạo. Mặt khác thì một ngày theo hệ mặt trời là từ bình minh của ngày hôm trước, đến bình minh của ngày hôm sau. Một ngày âm lịch tương quan với các giai đoạn của mặt trăng là khoảng thời gian mà mặt trăng sẽ di chuyển 1/30 khoảng cách giữa các vị trí của trăng non trong mỗi cung tiếp theo trong hoàng đạo. Điểm khởi đầu của ngày âm lịch được tính theo quy trình toán học, tương tự như quy trình được sử dụng để xác định vị trí của mặt trời và các hành tinh. Chúng được tính theo chu kỳ bảy ngày âm lịch được đặt tên cho các ngày trong tuần, cũng là tên của bảy hành tinh trong số các hành tinh. Nếu muốn âm lịch tương quan với dương lịch thì những ngày trong tuần âm lịch này phải được điều chỉnh, để phù hợp với những ngày dương lịch. Đó là điều phức tạp.
Thứ nhất, trăng non không xảy ra vào cùng một thời điểm trong ngày của mỗi tháng một cách chính xác. Do đó, mặt trăng có thể bắt đầu di chuyển một trong những khoảng cách nhỏ trong 1/30 chu kỳ của nó vào bất cứ thời điểm nào trong ngày dương lịch. Khoảng thời gian cần thiết để di chuyển 1/30 khoảng cách trong chu kỳ của nó được gọi là ngày trong tuần. Do đó, ngày trong tuần có thể bắt đầu vào những thời điểm khác nhau trong ngày dương lịch.
Hơn nữa, mặt trăng phải mất một khoảng thời gian khác nhau để đi qua mỗi một khoảng cách 1/30 nhỏ bé này, vì tốc độ của nó thay đổi theo vị trí của nó, và theo vị trí của mặt trời trong hoàng đạo. Do đó, số ngày trong tuần âm lịch trôi qua giữa hai bình minh của hai ngày dương lịch liên tiếp sẽ khác nhau, bởi vì tương tự như vậy, độ dài của một ngày trong tuần âm lịch cũng khác nhau.
Các ngày (dates) trong tháng âm lịch, là điều tạo thành đặc điểm toàn bộ thứ hai của bộ lịch, được đánh số từ 1 đến 30, và kéo dài từ bình minh đến bình minh, theo cách của ngày dương lịch. Vấn đề là xác định ngày nào sẽ được chỉ định cho mỗi ngày trong tuần. Giải pháp thì không quá rõ ràng, bởi vì các ngày trong tuần âm lịch, điều quyết định các ngày trong tuần, vì chúng được gọi là Chủ Nhật, thứ Hai, v.v..., thì bắt đầu vào, và kéo dài trong những khoảng thời gian khác nhau.
Quy tắc là ngày trong tuần được quyết định bằng ngày nào trong tuần âm lịch đang xảy ra vào bình minh của ngày âm lịch. Chẳng hạn như một ngày trong tuần âm lịch, chẳng hạn như thứ Hai, có thể bắt đầu vào buổi trưa của mùng 2 trong tháng, và kết thúc vào buổi trưa của mùng 3. Vì vào buổi bình minh của mùng 3, mà ở đây được lấy theo tiêu chuẩn là 5 giờ sáng, thì ngày trong tuần âm lịch vẫn là thứ Hai, nên mùng 3 sẽ được xem là thứ Hai.
Không thể nào lặp lại hay bỏ qua một ngày trong tuần. Ngay sau ngày Chủ Nhật thì phải là thứ Hai, chứ không phải là ngày Chủ Nhật nữa, hay thứ Ba. Tuy nhiên, đôi khi bình minh của hai ngày liên tiếp xảy ra trong cùng một ngày trong tuần âm lịch. Chẳng hạn như ngày thứ Hai âm lịch có thể bắt đầu năm phút trước bình minh của mùng 3 trong tháng, và ngày hôm sau, tức thứ Ba, có thể bắt đầu năm phút sau bình minh của mùng 4 trong tháng. Điều này sẽ làm cho cả mùng 3 và mùng 4 là thứ Hai! Không thể có hai ngày thứ Hai liên tiếp. Một trong những ngày này phải được bỏ. Đây là lý do tại sao trong lịch Tây Tạng thì một số ngày nhất định trong tháng sẽ bị bỏ qua.
Mặt khác, đôi khi sự khởi đầu của hai ngày trong tuần âm lịch xảy ra trước bình minh của ngày tiếp theo. Ví dụ, nếu như ngày thứ Hai âm lịch bắt đầu năm phút sau bình minh của mùng 3, và kết thúc năm phút trước bình minh của mùng 4, thì theo quy tắc thứ nhất, mùng 3 nên là Chủ Nhật và mùng 4 nên là thứ Ba, và sẽ có không có thứ Hai. Vì không thể đi từ Chủ Nhật đến thứ Ba mà không có thứ Hai ở giữa, nên một trong những ngày này phải được nhân đôi, để một ngày trong số đó là thứ Hai. Đây là lý do tại sao đôi khi có hai ngày mùng 8, hoặc hai ngày mùng 25 trong một tháng Tây Tạng.
Để làm cho âm lịch tương ứng hơn với dương lịch thì đôi khi, tháng 13 phải được thêm vào trong năm, dưới dạng của một tháng được nhân đôi, hay tháng nhuần. Quy tắc về ngày nào sẽ được nhân đôi hay bỏ qua, và khi nào thì một tháng nữa sẽ được thêm vào thì khác nhau trong các dòng truyền thừa chiêm tinh Tây Tạng khác nhau. Đây là sự khác biệt lớn của họ. Những bộ lịch khác nhau của Ấn Độ giáo cũng có những ngày được nhân đôi, và những ngày bị bỏ, và cả những lịch này và lịch Trung Quốc cổ điển đều có những tháng nhân đôi. Các quy tắc được tuân theo không giống như quy tắc trong bất cứ hệ thống Tây Tạng nào.
Toàn bộ đặc điểm thứ ba của bộ lịch là chòm sao của mặt trăng. Điều này không đề cập đến vị trí thật sự của mặt trăng vào buổi bình minh của ngày âm lịch, như được tính theo kỹ thuật của 5 hành tinh, mà là về chòm sao tiếp theo của nó. Đối với bất cứ ngày âm lịch cụ thể nào thì đây là vị trí chòm sao mà mặt trăng sẽ có vào đầu ngày âm lịch, xảy ra vào buổi bình minh của ngày đó, theo đó mà ngày này (date) được chỉ định ngày của nó trong tuần.
Đặc điểm thứ tư và thứ năm là thời kỳ kết hợp và thời kỳ hành động. Có 27 thời kỳ kết hợp. Mỗi thời kỳ là khoảng thời gian mà sự chuyển động kết hợp của mặt trời và mặt trăng bằng 1/27 của nguyên một hoàng đạo (complete zodiac). Vậy thì vào bất cứ lúc nào, chúng ta sẽ có được thời kỳ kết hợp, bằng cách bổ sung thêm vị trí đã được sửa chữa của mặt trời vào vị trí của chòm sao tiếp theo liên hệ với mặt trăng. Do đó, mỗi thời kỳ bắt đầu ở một thời gian khác nhau. Chúng đều có tên và cách diễn giải cụ thể, với một số thời kỳ ít cát tường hơn những thời kỳ khác.
Cuối cùng, có 11 thời kỳ hành động, bằng cách chia ba mươi ngày âm lịch ra, theo một cách không đối xứng. Không cần phải nêu ra chi tiết ở đây. Mỗi một giai đoạn trong số 11 thời kỳ hành động đều có tên gọi cụ thể, và tương tự như vậy, một số thời kỳ thì ít thuận lợi hơn các thời kỳ khác, đối với những hoạt động nào đó.
Những Ngày Đặc Biệt Trong Lịch Tây Tạng
Lịch Tây Tạng và niên giám đóng một vai trò lớn trong đời sống Tây Tạng. Một trong những công dụng quan trọng nhất của nó là lập ra ngày cho các lễ cúng dường hay tsog trong đạo Phật. Mùng 10 của cả hai giai đoạn trăng tròn dần đầu tháng và trăng khuyết cuối tháng, nói cách khác là mùng 10 và 25 của mỗi tháng âm lịch, là ngày để thực hiện các nghi lễ cho các Bổn tôn Chakrasamvara, đôi khi được gọi là Heruka, và Vajrayogini, cũng như cho Guru Padmasambhava (Bổn sư Liên Hoa Sanh), người sáng lập truyền thống Nyingma. Trong số tất cả những mùng 10 và 25 thì hai ngày này trong tháng thứ 11 của lịch Tây Tạng là ngày quan trọng nhất đối với Chakrasamvara, và mùng 10 của tháng 12 trong lịch Tây Tạng là ngày quan trọng nhất đối với Vajrayogini. Mùng 8 của mỗi tháng Tây Tạng là ngày đặc biệt để cúng dường Tara. Điều này chỉ xảy ra trong mùa trăng tròn dần đầu tháng.
Chẳng hạn như, nếu một tháng Tây Tạng có hai ngày mùng 10, thì lễ cúng dường sẽ được thực hiện vào mùng 10 đầu tiên. Nếu mùng 10 bị bỏ trong tháng đó, thì buổi lễ sẽ được tổ chức vào mùng 9. Quy tắc này được tuân theo trong tất cả các hành trì tôn giáo được thực hiện vào một ngày cát tường cụ thể của lịch Tây Tạng.
Trong mỗi dòng truyền thừa Phật giáo Tây Tạng, và trong mỗi tu viện của mỗi truyền thống thì lịch trình của các nghi lễ được thực hiện trong suốt năm được xác định theo lịch Tây Tạng. Khóa an cư kiết hạ thường được tổ chức từ ngày 16 tháng 6 cho đến ngày 30 tháng 7 theo lịch Tây Tạng. Đây được gọi là khóa an cư kiết hạ sớm. Các tu viện Mật tông Gyuto và Gyumay ở Lhasa noi theo khóa an cư kiết hạ trễ hơn, từ ngày 16 tháng 7 cho đến ngày 13 tháng 8 lịch Tây Tạng. Hơn nữa, theo truyền thống Gelug thì ngày 29 của mỗi tháng âm lịch là ngày đặc biệt đối với Bổn tôn Vajrabhairava, còn được gọi là Yamantaka, đặc biệt được nương tựa vào, để giúp mình thoát khỏi các chướng ngại và quấy nhiễu. Vì lý do này mà ngày này trong tháng Tây Tạng nào cũng được xem là ngày tốt nhất cho việc khởi đầu các khóa thiền miên mật.
Lễ Phật đản (Vesak) không chỉ kỷ niệm ngày parinirvana hay nhập niết bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mà còn là ngày đản sanh và giác ngộ của Ngài. Vesak, hay đôi khi là Wosak, bắt nguồn từ tiếng Pali, được sử dụng trong các quốc gia theo Phật giáo Nguyên thủy, của tháng trong tiếng Phạn là Vaishakha, tức là tháng 2 lịch Kalachakra và tháng 4 lịch Tây Tạng. Ngày lễ này được tổ chức vào ngày trăng tròn, tức là ngày 15 trong tháng đó. Vì lịch Phật giáo Nguyên thủy khác với lịch của người Tây Tạng, và bắt nguồn từ một trong những hệ thống Ấn giáo Ấn Độ, nên họ tính ngày Vesak sớm hơn một tháng, so với hệ thống Tây Tạng.
Hai sự kiện khác từ cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng được kỷ niệm. Sau khi Đức Phật hiển lộ giác ngộ dưới cội bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng, thì người đầu tiên mà Ngài đã thuyết Pháp là mẹ của Ngài, người đã qua đời khi trong khi sinh Ngài ra, và đã tái sinh vào cõi Tam Thập Tam Thiên (Thirty-three Gods), hay theo một số nguồn tin là ở cõi Trời Đâu Suất (Tushita). Đức Phật đã đến đó để thuyết Pháp cho bà. Ngày lễ mà Ngài giáng thế từ cõi Trời được tổ chức vào mùng 4 tháng 6 theo lịch Tây Tạng, kỷ niệm ngày Đức Phật trở lại thế gian. Sau đó, Đức Phật đã đến Sa Nặc (Sarnath), và ở Vườn Lộc Uyển (Deer Park), Ngài đã thuyết Pháp cho các đệ tử đầu tiên là người. Ngày lễ Chuyển Pháp Luân vào 22 tháng 9 lịch Tây Tạng là để kỷ niệm sự kiện này.
Mỗi dòng truyền thừa Phật giáo Tây Tạng cũng có những ngày đặc biệt của nó. Chẳng hạn như trong truyền thống Gelug thì có lễ Cúng Dường Ganden Thứ Năm (Ganden Fifth Offerings), vào ngày 25 tháng 10 lịch Tây Tạng, kỷ niệm ngày viên tịch của Tông Khách Ba (Tsongkhapa). Monlam, Đại Lễ Cầu Nguyện ở Lhasa, diễn ra từ ngày 3 đến 24 tháng Giêng Tây Tạng. Vào ngày cuối cùng thì theo truyền thống, sẽ có lễ Ném Bánh Cúng (Tossing Out of a Ritual Cake ceremony) được vị Tiên Tri Nechung thực hiện, khi mà tất cả chướng ngại trong năm mới sẽ được loại bỏ một cách tượng trưng. Điều này được tiếp tục vào ngày hôm sau, tức là 25 tháng Giêng, bằng Lễ Hội Thỉnh Mời Đức Di Lặc (Inviting Maitreya Festival), khi hình ảnh của Đức Di Lặc, Đức Phật kế tiếp, được diễu hành quanh Lhasa trên một chiếc xe kéo được trang trí công phu.
Ngoài ra, còn có ngày cụ thể để tham vấn các nhà tiên tri. Chẳng hạn như theo truyền thống thì chánh phủ Tây Tạng đã tham vấn Nhà Tiên Tri Quốc Gia Nechung (Nechung State Oracle) vào mùng 10 tháng Giêng. Ở Tây Tạng thì vị Trụ Trì Tu Viện Drepung thường xuyên tham vấn Nhà Tiên Tri Nechung vào mùng 2 trong mỗi tháng, theo lịch Tây Tạng.
Lịch Tây Tạng thường xuyên đánh dấu ba loại ngày không may mắn. "Những ngày xấu" được đánh dấu bằng chữ zha trong tiếng Tây Tạng, và kéo dài từ bình minh ngày hôm trước đến bình minh ngày hôm sau. "Ngày đen" được đánh dấu bằng chữ nya, và chỉ gồm có ban ngày. Cả hai đều xảy ra vào những ngày cố định trong mỗi năm, một loại ngày này sẽ xảy ra trong mỗi tháng theo lịch Kalachakra. Loại ngày thứ ba không cát tường thì được đánh dấu bằng chữ ya, kéo dài cả ngày lẫn đêm. Nó được biết như "ngày Yen Kuong", theo tên của một vị Hộ Phật Trung Quốc. Thường thì có 13 ngày này mỗi năm, và chúng xảy ra vào những ngày cố định trong những tháng rộng của Trung Quốc, theo hệ thống tính toán màu vàng. Hơn nữa, theo hệ thống tính toán các đại bắt nguồn từ Trung Quốc, thì mỗi năm có hai tháng "đen", hoặc không may, và đôi khi thì có một năm "đen".
Một loại ngày khác trong lịch Tây Tạng được đánh dấu bằng một chữ, lần này là sa, dành cho lễ sojong, để chư Tăng Ni tịnh hóa và phục hồi giới nguyện hai lần trong mỗi tháng. Mỗi năm, lễ sojong đầu tiên được tổ chức sau năm mới, vào ngày 15 dương lịch. Tháng Tây Tạng bắt đầu với thời kỳ trăng tròn dần trong tháng. Lễ sojong thứ hai mỗi tháng, vào cuối thời kỳ trăng khuyết, được tổ chức cách buổi lễ trước đó mười bốn ngày theo âm lịch. Nếu như có một ngày nhân đôi, thì cả hai ngày đó đều được tính là một, trong khi đếm số ngày. Nếu có một ngày bị bỏ qua, thì số của một ngày được thêm vào phải được tính, để có được số mười bốn. Lễ sojong đầu tiên trong mỗi tháng, vào cuối thời kỳ trăng khuyết thì được tổ chức cách lễ sojong trước đó mười lăm ngày theo dương lịch, không cần biết đến ngày nhân đôi hay bị bỏ qua.
Nên lưu ý rằng nói chung thì thời gian trăng tròn dần trong tháng được xem là tốt lành hơn là thời gian trăng khuyết vào cuối tháng. Do đó, hầu hết người Tây Tạng sẽ bắt đầu những công việc thiện hảo trong nửa tháng đầu theo âm lịch, để kết quả sẽ gia tăng và khuếch đại như trăng tròn dần.
Những Ngày Tốt Và Ngày Xấu
Ngoài ra, một số ngày nhất định được xem là ngày tốt, và những ngày khác là ngày xấu cho các hoạt động cụ thể. Chẳng hạn như mùng 9, 19 và 29 trong tháng âm lịch là ngày tốt, để bắt đầu các chuyến đi xa, trong khi các ngày gọi là ngày "lọc nước" vào mùng 2, 8, 14, 20 và 26 thì không thuận lợi cho việc du lịch. Đây là lý do tại sao nếu người Tây Tạng không thể bắt đầu một chuyến đi vào một ngày tốt, thì họ thường lấy một giỏ hành lý và di chuyển nó xa hơn trên đường một chút, đến một ngôi nhà khác vào ngày tốt, để bắt đầu cuộc hành trình một cách tượng trưng vào ngày đó. Tuy nhiên, nếu như có người chết vào mùng 9, 19, 29, hoặc khi mặt trăng ở chòm sao thứ chín, hay vào Chủ Nhật, đặc biệt là vào ngày mà cả ba loại ngày này đều xảy ra, thì điều này được xem là xui xẻo, đối với những người còn sống trong gia đình.
Ngày xấu nhất trong năm là "chín ngày điềm xấu". Nó bắt đầu vào buổi trưa của ngày mùng 6 tháng 11 lịch Tây Tạng, và kéo dài đến trưa ngày mùng 7. Trong thời kỳ này thì hầu hết người Tây Tạng sẽ không cố gắng thực hiện hoạt động tôn giáo đặc biệt nào, hay hoạt động tích cực nào khác, mà sẽ đi dã ngoại (picnic), thư giãn và vui chơi. Lịch sử của phong tục này là vào thời Đức Phật, một người đã cố gắng thực hiện nhiều hành vi thiện hảo trong ngày này, nhưng chín điều xấu đã xảy ra với anh ta. Đức Phật đã khuyên rằng trong tương lai, vào ngày này trong mỗi năm thì tốt nhất là không nên cố gắng hoàn thành những điều tốt đẹp.
Tuy nhiên, khoảng thời gian 24 giờ ngay sau đó, từ trưa ngày mùng 7 tháng 11 đến trưa ngày mùng 8 là "mười ngày điềm lành". Vào ngày này, vào thời Đức Phật thì mười điều tuyệt diệu đã xảy ra với cùng một người, khi anh ta tiếp tục cố gắng làm những điều thiện hảo. Vì vậy nên thời kỳ này được xem là rất thuận lợi cho các dự án tích cực, nhưng nói chung thì người Tây Tạng cũng dành thời gian này cho các buổi dã ngoại và trò chơi.
Hai thời kỳ khác trong năm được nêu ra trong niên giám, và rất đáng chú ý. Thời kỳ đầu tiên được gọi là "bình minh của sao Rishi." Thời kỳ này được tính từ một loại điểm nào đó trong tháng 8 của Tây Tạng, và kéo dài trong bảy ngày. Trong thời kỳ này thì ánh sáng từ ngôi sao "Rishi" sẽ chiếu vào viên ngọc quý trên vương miện của một bức tượng tuyệt vời nào đó, khiến cho cam lồ tuôn ra từ đó. Điều này khiến cho các suối nước nóng trở nên hữu hiệu nhất, nên bảy ngày này được gọi là những ngày tắm rửa, khi dân Tây Tạng đi đến suối nước nóng để trị liệu và chữa bệnh.
Thời kỳ khác được gọi là "ngày heo độc". Nó cũng kéo dài trong bảy ngày, và được tính từ một loại điểm khác trong tháng 5 của Tây Tạng. Trong những ngày này, vì ảnh hưởng của trận mưa gây ô nhiễm, nên nước có độc. Bất cứ dược thảo nào được hái vào những ngày này đều sẽ có độc. Tương tự như vậy, suối nước nóng sẽ rất bất lợi, nên mọi người đều tránh chúng.
Mặc dù từ hệ thống tính toán các đại bắt nguồn từ Trung Quốc thì có rất nhiều giai đoạn chướng ngại trong đời, nhưng điều quan trọng nhất được tất cả những người Tây Tạng lưu ý đến là "năm tuổi". Đây là năm có cùng con giáp với năm sinh của mình. Vì vậy, nếu như mình sinh năm Tý, thì mỗi khi tới năm Tý là mình sẽ gặp chướng ngại. Vậy thì cứ mỗi 12 năm là điều này sẽ xảy ra. Theo cách tính tuổi của người Tây Tạng thì mỗi năm mà mình sống được tính là một tuổi, thì trong năm Tý đầu tiên là mình được một tuổi, trong năm Tý lần thứ hai thì mình sẽ mười ba tuổi, v.v...
Chiêm Tinh Học Rất Thông Dụng Đối Với Người Tây Tạng
Chiêm tinh học vấn thời (horary astrology), tức là việc phối kiểm tính tốt lành của các giờ trong ngày, là đặc điểm chiêm tinh chính, bắt nguồn từ niên giám Tây Tạng. Nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người Tây Tạng. Nó liên quan đến hai đặc điểm toàn bộ đầu tiên của lịch, đó là ngày âm lịch trong tuần và chòm sao của mặt trăng.
Mỗi chòm sao trong số 28 chòm sao thuộc về mặt trăng, và mỗi ngày trong bảy ngày trong tuần và các thiên thể được nối kết với một trong tứ đại. Đây là tứ đại thổ, thủy, hỏa và khí trong số ngũ đại của Ấn Độ. Đại của chòm sao kế tiếp của mặt trăng dành cho một ngày cụ thể được so sánh với đại của ngày trong tuần âm lịch đang xảy ra. Mỗi một kết hợp trong số mười kết hợp của các đại có thể có một cách lý giải khác nhau, dựa vào đó mà mình có thể quyết định tốt hơn hết là một hành động nào đó có nên được thực hiện vào thời điểm đó hay không.
Đây là hệ thống ít hơn mười ghép đôi (ten lesser matchings). Chẳng hạn, nếu như mình đang làm lễ hỏa tịnh khi kết thúc khóa nhập thất, thì việc chọn một giờ trong thời gian hỏa kép (double fire period) là tốt nhất, vì nó sẽ giúp cho ngọn lửa mạnh hơn, thay vì thời gian thủy-hỏa (water-fire period) thì sẽ dập tắt ngọn lửa.
Đối với người Tây Tạng thì các nhà chiêm tinh thường được tư vấn nhiều nhất về tử vi cho trẻ sơ sinh, về hôn nhân và cái chết. Các khía cạnh từ cả hai hệ thống bói toán trắng và đen được kết hợp trong việc lập lá số tử vi. Hệ thống trắng bắt nguồn từ chiêm tinh học Ấn Độ, còn hệ thống đen thì từ chiêm tinh học Trung Quốc. Cha mẹ người Tây Tạng đặc biệt quan tâm đến tuổi thọ của con cái. Nếu như chúng có thọ mạng ngắn, và sẽ gặp nhiều chướng ngại, thì các nghi lễ tôn giáo được đề nghị trong lá tử vi sẽ được thực hiện, các tôn tượng và tranh vẽ sẽ được thực hiện.
Trước khi kết hôn thì tính tương hợp của hai người sẽ được phối kiểm, bằng cách so sánh các đại của sỏi và bát quái của họ, là hai đặc điểm từ hệ thống bói toán đen. Thứ Bảy là ngày thịnh vượng trong tuần. Do đó, trong quẻ bói cho hôn nhân thì nó được xem là ngày tốt nhất trong tuần, để cô dâu dọn về nhà chồng. Gia đình của hai bên sẽ cho nhà chiêm tinh biết họ muốn tổ chức đám cưới vào khoảng tuần nào. Sau đó thì ngày tốt nhất trong tuần và thời khắc trong khoảng thời gian này sẽ được chọn theo hệ thống của ít hơn mười ghép đôi. Nếu thứ Bảy là ngày tốt, thì luôn luôn là ngày tốt nhất để tổ chức đám cưới. Nếu như thứ Bảy là ngày xấu, thì ngày tốt gần ngày thứ Bảy nhất sẽ được chọn, mặc dù cô dâu vẫn được khuyên nên về nhà chồng vào ngày thứ Bảy trước đó.
Hầu như mọi người Tây Tạng sẽ tham vấn một nhà chiêm tinh khi một người qua đời. Dựa vào thời điểm mà cái chết xảy ra, phép tính toán sẽ được thực hiện bằng hệ thống các đại bắt nguồn từ Trung Quốc, để xem nên đưa thi thể ra khỏi nơi nó đang nằm vào thời gian nào, theo hướng nào, và đưa đến nơi chôn cất hay hỏa táng vào giờ nào, hướng nào. Thời gian của lễ hỏa táng hay đám tang thì không được tính, và những ngày tốt hay xấu được xác định bằng phương pháp ít hơn mười ghép đôi không được sử dụng. Loại nghi lễ để thực hiện cho người chết cũng được xác định, đặc biệt nếu các linh hồn ám hại có liên quan đến cái chết.
Người Tây Tạng thường xin lời khuyên của một chiêm tinh gia về ngày tốt để dọn nhà, mở cửa hàng mới, và bắt đầu việc đầu cơ kinh doanh. Ở Tây Tạng, việc bắt đầu kinh doanh liên quan đến ngày và giờ, để đoàn người bắt đầu đi buôn, trong khi ở Ấn Độ thì dịp thường xuyên nhất là khi rời khỏi nhà để đi bán áo len và quần áo may sẵn trên đường phố, ở những thành phố Ấn Độ xa xôi. Đây là phương tiện sinh kế phổ biến nhất của người Tây Tạng lưu vong.
Trong những dịp khác, khi những ngày tốt luôn được chọn, là khi một vị Lạt ma tái sinh trẻ đăng quang, khi mà sau đó, ngài sẽ cúng dường cho tu viện, để bắt đầu việc tu học; khi một gia đình gởi con của họ vào tu viện hay ni viện; và khi một vị Geshe mới hoàn thành chương trình tu học, và vượt qua kỳ thi sẽ cúng dường cho tu viện. Ngoài ra, phong tục Tây Tạng là cho trẻ sơ sinh cắt tóc lần đầu tiên khoảng một năm sau khi chào đời. Điều này phải được thực hiện vào một ngày cát tường, nếu không thì người ta tin rằng đứa bé sẽ có khả năng phát triển áp xe, hay vết thương.
Các y sĩ Tây Tạng sẽ tham khảo chiêm tinh y học, khi xác định những ngày tốt nhất trong tuần để tiến hành những phương pháp điều trị đặc biệt cho bệnh nhân, chẳng hạn như ngải cứu (moxibustion) hay châm cứu bằng kim vàng. Ngày sinh lực và ngày vía của bệnh nhân, được xác định bằng con giáp theo năm sinh của họ, sẽ được chọn, và tránh những ngày chết chóc.
Khi lễ cầu nguyện trường thọ được cúng dường cho một vị Lạt ma, thì sẽ được thực hiện vào buổi sáng sớm của ngày sinh lực, hay ngày vía của ngài. Đức Dalai Lama thứ Mười Bốn sinh năm Thổ Hợi. Vì ngày vía của Ngài là thứ Tư, nên nhiều Lạt ma sẽ bắt đầu thuyết Pháp vào ngày này trong tuần, vì lý do cát tường. Khi các nghi lễ được thực hiện để giúp đỡ người nào bị bệnh, thì những ngày sinh lực hay ngày vía của người đó cũng được chọn.
Một điều nữa mà người Tây Tạng thường xuyên tham vấn các nhà chiêm tinh là liệu việc kinh doanh của họ có thành công trong năm nay hay không. Chiêm tinh gia sẽ thực hiện việc tiên đoán theo một sơ đồ được tìm thấy trong hệ thống "sinh khởi từ các nguyên âm". Câu hỏi phải được nêu ra, và một phép tính được thực hiện theo số chữ trong câu hỏi, và số người có mặt trong phòng, nơi mà câu hỏi được đặt ra, và thời điểm nó được hỏi.
Cách Đạo Phật Tiếp Cận Chiêm Tinh Học
Có rất nhiều biến số có thể ảnh hưởng đến việc lý giải bất cứ giai đoạn cụ thể nào, theo một cách tổng quát và đối với một cá nhân, rằng hầu như bất cứ thời điểm nào cũng sẽ có điều gì bất ổn. Không phải tất cả các yếu tố đều quan trọng như nhau. Chỉ có một số biến số nào đó được khảo sát trong tình huống này hay tình huống kia, và một vài biến số sẽ áp đảo các biến số khác. Do đó, nếu như một chuyến đi có thể bắt đầu vào mùng 9, 19 hoặc 29, hay lễ quán đảnh Kalachakra được ban truyền vào một ngày trăng tròn, thì điều đó không quan trọng đến mức các yếu tố khác có thể bất lợi.
Mục tiêu của hệ thống này không phải là làm tê liệt con người với lòng mê tín dị đoan. Thay vì vậy, nó cung cấp cho người dân điều gì như một dự báo thời tiết. Nếu có một khái niệm chung là một ngày nào có thể không thuận lợi, thì ta có thể áp dụng các biện pháp ngăn ngừa cụ thể như thực hiện các nghi lễ, hành động một cách tử tế, cẩn thận, v.v..., như một cách để khắc phục hay tránh các vấn đề. Nó giống như việc đem theo cây dù, khi nghe dự báo thời tiết là trời có thể mưa.
Đạo Phật không xem chiêm tinh học về mặt ảnh hưởng của các thiên thể như những thực thể tồn tại độc lập, hoàn toàn không liên hệ đến dòng tâm thức của mỗi cá nhân, mà như sự phản ảnh của kết quả từ hành vi bốc đồng hay tiền nghiệp của mình. Thật ra thì một lá số tử vi gần giống như một bản đồ, để đọc những khía cạnh về nghiệp của mình. Một trong những kết quả toàn diện về tiền nghiệp của mình là sự phản ảnh về tình huống nghiệp của mình trong các cấu trúc thiên văn và chiêm tinh mà mình đã được sinh ra. Do đó, thông tin chiêm tinh có thể đưa ra manh mối về kết quả có thể xuất phát từ tiền nghiệp của mình, trừ khi ta sẽ thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, để thay đổi tình hình. Do đó, nó sẽ giúp ta biết cách xử lý mọi tình huống khó khăn. Tương tự như vậy, một niên giám nêu ra kết quả toàn diện, đã được rất nhiều người cùng nhau tích tập và trải nghiệm.
Thế giới quan của đạo Phật không có gì là định mệnh cả. Hoàn cảnh hiện tại đã phát sinh từ nhân duyên. Nếu có thể thấy tình huống này một cách chính xác, thì mình có thể hành động theo cách để tạo ra những nhân duyên khác, để cải thiện nó, ngay cả trong kiếp này, vì lợi lạc của tự thân và tha nhân. Điều này không có nghĩa là bằng cách cúng dường hay cúng tế cho các vị Hộ Phật của các thiên thể, để xoa dịu các ngài, và ngăn ngừa tác hại của các vị, mà là bằng cách sửa đổi thái độ và hành vi của mình.
Ở mức độ phổ biến thì đôi khi, khi được khuyên phải xây một bức tượng hay vẽ tranh của một vị Bổn tôn nào đó, để kéo dài tuổi thọ của mình, thì có vẻ như mình làm như vậy, để có được lòng ưu ái của vị Bổn tôn đó. Đây là một quan niệm sai lầm thiếu hiểu biết. Thái độ nên có về một việc làm như vậy là đó là điều có hiệu quả nhiều nhất. Nếu như đó là một thái độ sợ hãi hay ích kỷ, thì hiệu quả xảy ra sẽ là điều tối thiểu. Việc kéo dài thọ mạng, cải thiện tình trạng sức khỏe và vật chất của mình bằng những pháp hành thiền cụ thể, khi được thực hiện với động lực để tạo lợi lạc cho tha nhân, thì sẽ hiệu quả hơn nhiều.