Chiêm Tinh Học Tây Tạng: Lịch Sử Và Dòng Truyền Thừa

Lịch Sử Chiêm Tinh Học Tây Tạng

Các tài liệu chiêm tinh Trung Quốc đã đến Tây Tạng sớm hơn các tài liệu bắt nguồn từ Ấn Độ. Điều này xảy ra vào giữa thế kỷ thứ 7, vào thời Hoàng đế Songtsen-gampo (Srong-btsan sgam-po), người sáng lập Đế chế Tây Tạng vĩ đại. Trong số những người vợ của ông là công chúa Trung Quốc và công chúa Nepal, và công chúa Trung Quốc đã mang theo nhiều sách chiêm tinh và y học Trung Quốc đến Tây Tạng. Trong một vài năm, triều đình Tây Tạng đã bắt đầu sử dụng 12 con giáp cho các năm, dù nó chưa phải là chu kỳ 60 năm. Trong hai thế kỷ tiếp theo thì hầu như đó là hệ thống độc quyền được sử dụng ở Tây Tạng.

Sau một thời kỳ văn hóa suy tàn nói chung vào thế kỷ thứ 9, thì một làn sóng ảnh hưởng của thiên văn học mới liên hệ với Trung Quốc xuất phát từ vùng Khotan ở Đông Turkistan, khởi sự từ thế kỷ thứ 10. Đạo sư Tây Tạng Dharmakara đã hợp nhất nó với những gì ông và những người khác nhớ về tài liệu trong thời kỳ cũ, đã bị hư hoại. Ông đã tạo ra một hệ thống mới để tính toán các đại, hiện nay gồm có cái chết, hôn nhân, chướng ngại, phép tính tử vi và bói đất (geomancy). Đến thế kỷ 11, người Tây Tạng đã sử dụng chu kỳ các đại-con giáp 60 năm như tiêu chuẩn.

Lịch Tây Tạng ngày nay cũng đưa ra số năm hoàng gia. Đây là số năm đã trôi qua, kể từ thời vua Tây Tạng đầu tiên, Nyatri Tsenpo (gNya'-khri btsan-po) lên ngôi vào năm 127 trước Công nguyên.

Các tài liệu chiêm tinh từ phía Ấn Độ đã đến Tây Tạng với sự giới thiệu của Mật Điển Thời Luân (Kalachakra Tantra). Nhiều dịch giả và bậc thầy đã dịch các sách Kalachakra cơ bản từ tiếng Phạn, và ban truyền chúng vào Tây Tạng một vài lần giữa thế kỷ 11 và 13. Chúng trở nên nổi bật trong các truyền thống Sakya và Kagyu có mặt sớm, với nhiều luận giải khác được viết, và các đặc điểm mà các bậc thầy Trung Quốc và Ấn Độ đã kết hợp và cải thiện lại, để tạo ra truyền thống chiêm tinh Tây Tạng riêng biệt.

Kalachakra chia sẻ với các hệ thống Ấn Độ giáo việc sử dụng chu kỳ Sao Mộc 60 năm, để đếm số năm, và gọi nó là chu kỳ rabjung (rab-'byung) hay "nổi bật", theo tên của con giáp đầu tiên trong 60 năm.

Năm đầu tiên của chu kỳ 60 năm "nổi bật" đầu tiên của lịch Tây Tạng, được xem là ngày chính thức đưa Kalachakra vào Tây Tạng, là số năm được dự đoán nổi tiếng được tìm thấy trong văn học Kalachakra về "lửa-không gian-đại dương" (me mkha' rgya-mtsho) sau khi khởi sự thời kỳ Hồi giáo năm 624 sau Công nguyên, dù thật ra thì thời kỳ đó bắt đầu vào năm 622.

Cả hai hệ thống Kalachakra và Ấn Độ giáo chỉ định các con số bằng tên, đề cập đến các liệt kê phổ biến trong văn học được tất cả các truyền thống ở Ấn Độ chấp nhận, và liệt kê chúng theo thứ tự của các đơn vị, hàng chục, hàng trăm, v.v... Có ba ngọn lửa; không gian trống rỗng như số 0; và có bốn đại dương. Do đó, "lửa-không gian-đại dương" là 403 năm sau 624, hay 1027 sau Công nguyên.

Khi chu kỳ 60 năm "nổi bật" của Kalachakra được tương quan với chu kỳ 60 năm của các đại và con giáp của Trung Quốc, thì năm 1027 không tương ứng với sự khởi đầu của một chu kỳ của Trung Quốc. Các chu kỳ của Trung Quốc luôn bắt đầu bằng năm Mộc-Tý, và đây là năm thứ tư của một chu kỳ, hỏa-nữ-thỏ. Đây là lý do tại sao chu kỳ 60 năm của Tây Tạng bắt đầu bằng năm hỏa-nữ-thỏ, và việc liệt kê 12 con giáp bắt đầu bằng con thỏ, chứ không phải con chuột. Do đó, vì có ba năm khác biệt, nên chu kỳ thứ 17 của Tây Tạng hiện nay bắt đầu vào năm 1987, trong khi chu kỳ thứ 27 của Trung Quốc thì hiện nay bắt đầu vào năm 1984.

Tuy sự khởi đầu của chu kỳ 60 năm "nổi bật" đầu tiên là năm 1027, nhưng phải đến nửa phần sau của thế kỷ 13 thì lịch Kalachakra mới trở thành luật lệ ở Tây Tạng. Tuy nhiên, mọi người vẫn thường xuyên nhắc đến các năm theo tên của các đại-con giáp của chúng, như ngày nay họ vẫn thường làm, thay vì theo tên của chúng trong chu kỳ "nổi bật". Tuy nhiên, phép toán học để tính lịch thì bắt nguồn từ hệ thống Kalachakra.

Một trong những bậc thầy và tác giả thuộc phái Sakya kiệt xuất về nghiên cứu chiêm tinh là Chogyal Pagpa (Chos-rgyal 'Phags-pa) trong nửa phần sau của thế kỷ 13. Ngài là giáo thọ của nhà cai trị Mông Cổ của Trung Quốc, Khubilai (Kublai) Khan, và là bậc thầy tâm linh, cùng với chú của ngài là Sakya Pandita (Sa-pan Kun-dga' rgyal-mtshan), được ghi nhận về công trạng đã đưa Phật giáo Tây Tạng đến Mông Cổ. Vì là một bậc thầy lừng danh về giáo lý Kalachakra, nên không nghi ngờ gì là Chogyal Pagpa cũng đã mang toàn bộ hệ thống chiêm tinh Tây Tạng đến Mông Cổ. Hơn nữa, có lẽ nhờ người Mongol Khans đã lập người chú đầu tiên của ngài, rồi đến ngài, thành người cai trị thế tục của Tây Tạng, mà bắt đầu từ Khubilai, tức hoàng đế của triều đại nhà Nguyên (Yuan) ở Trung Quốc, lịch Kalachakra đã trở thành chính thức ở Tây Tạng.

Vào đầu thế kỷ 13, Chingis Khan, ông nội của Khubilai Khan, đã áp dụng cách đếm năm theo 12 con giáp từ người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs), và biến nó thành tiêu chuẩn cho đế chế của ông. Theo một bản tường thuật thì Chingis Khan là người đã giới thiệu thuật ngữ "tháng Mông Cổ", tương ứng với, và là tên gọi thay thế cho tháng Trung Quốc, nhân dịp ông chinh phục vương quốc Tangut vào năm 1207, khu vực ngày nay là phía Đông Cam Túc (Eastern Gansu) và Nội Mông (Inner Mongolia).

Khi những người kế vị của Chingis giới thiệu lịch Tây Tạng cho Đế quốc Mông Cổ vào giữa thế kỷ đó, họ đã làm cho tháng của người Mông Cổ tương đương với tháng của Kalachakra, thay vì là tháng Trung Quốc, là điều khá khác biệt. Tuy nhiên, họ đã giữ tháng Mông Cổ đầu tiên như đầu năm, theo đúng phong tục của người Trung Quốc, dù nó sẽ sớm hơn hai tháng, so với tháng Kalachakra đầu tiên. Điều này cũng được điều chỉnh ở Tây Tạng, nên có sự đồng nhất tương đối, liên quan đến đầu năm trên khắp Đế quốc Mông Cổ. Tuy nhiên, năm mới của Trung Quốc và Tây Tạng không phải lúc nào cũng trùng hợp. Đó là vì mỗi một hệ thống lịch này có công thức toán học riêng, để cộng thêm tháng nhuần, và xác định thời điểm bắt đầu và độ dài của mỗi tháng. Ở Tây Tạng thì tháng của người Mông Cổ được nói đến như tháng Tây Tạng, và thậm chí ngày nay, hai tên gọi này được sử dụng thay thế cho nhau.

Dòng Truyền Thừa Của Chiêm Tinh Học Tây Tạng

Hiện tại, có hai dòng truyền thừa lớn của khoa học chiêm tinh học Tây Tạng là Tsurpu (Tshur-phu) và Pugpa (Phug-pa). Dòng truyền thừa đầu xuất phát từ các luận giải về Kalachara vào đầu thế kỷ 14 của Đức Karmapa thứ Ba, Rangjung Dorje (Kar-ma Rang-'byung rDo-rje), của Tu Viện Tsurpu. Dòng truyền này được tìm thấy một cách độc quyền trong truyền thống Karma Kagyu, sử dụng hệ thống tính toán precis, để xác định vị trí của mặt trời và mặt trăng, và hệ thống học thuyết đầy đủ cho các hành tinh.

Bắt nguồn từ hệ thống Tsurpu (Tshur-lugs) là hệ thống tính toán Chatuhpitha-Kalachakra. Drugchen Pemakarpo ('Brug-chen Padma dkar-po) đã khởi đầu nó vào cuối thế kỷ 16. Vì truyền thống Drugpa Kagyu và người Bhutan theo hệ thống này, nên đôi khi, người ta gọi nó là "phép tính của người Bhutan". Nó kết hợp tài liệu từ cả Kalachakra Chatuhpitha hay Mật Điển Bốn Pháp Tòa. Sự khác biệt chính giữa hệ thống này và hệ thống Tsurpu là nó lấy ngày trong tuần âm lịch được tính như ngày đã trôi qua, chứ không phải ngày hiện tại. Chẳng hạn, nếu một thứ Tư cụ thể được tính là mùng 9 của tháng trong hệ thống Tsurpu, thì mùng 9 đó được xem là ngày trôi qua, và mùng 10 được xem như thứ Tư trong hệ thống Bhutan. Mặt khác thì truyền thống Drigung Kagyu noi theo một hệ thống kết hợp hai truyền thống Tsurpu và Pugpa.

Hệ thống Pugpa (Phug-lugs) hay dòng truyền thừa đã được khởi đầu từ thế kỷ 15 bằng ba vị đạo sư với "gyatso" như một phần trong quý danh của các vị: Pugpa Lhundrub Gyatso (Phug-pa Lhun-grub rgya-mtsho), Kedrub Norzang Gyatso (mKhas-grub Nor-bzang rgya-mtsho) và Tsangchung Jigrag Gyatso (gTsang-chung Chos-grags rgya-mtsho). Dựa vào truyền thống của bậc thầy Buton (Bu-ston Rin-chen grub) của phái Sakya vào thế kỷ thứ 14, một nhà luận giải tuyệt vời về Mật Điển Thời Luân, thì nó nhấn mạnh hệ thống học thuyết đầy đủ được tái lập về phép toán học. Trong tác phẩm giữa thế kỷ 17, tức Trắng Ngọc Xanh Biển (White Aquamarine; Bai-dyur dkar-po), thì Desi Sangye Gyatso (sDe-srid Sang-rgyas rgya-mtsho) đã sửa đổi truyền thống, bằng cách trình bày các hệ thống học thuyết đầy đủ và hệ thống precis chung với nhau. Ông đã chỉ định việc sử dụng hệ thống học thuyết đầy đủ cho lịch và niên giám, và cũng để đưa vào niên giám các dữ liệu từ hệ thống precis, để sử dụng cách tính cho các thiên thực. Các truyền thống Gelug, Sakya, Nyingma và Shangpa Kagyu noi theo dòng truyền thừa Pugpa, và người Mông Cổ Kalmyk của Nga cũng làm như vậy. Do đó, nó là hệ thống chiêm tinh phổ biến nhất.

Các phép tính rộng rãi theo kiểu Trung Quốc (rgya-rtsis) hay phép tính màu vàng (gser-rtsis), được phát triển trong cả hai hệ thống Pugpa và Tsurpu. Khi Đức Dalai Lama thứ Năm (rGyal-dbang lnga-pa chen-po Ngag-dbang blo-bzang rgya-mtsho) đã đến Trung Quốc vào năm 1652, theo lời mời của Hoàng đế Mãn Châu đầu tiên của triều đại nhà Thanh (Qing Dynasty), tại hoàng cung đầu tiên của nhà Thanh ở Bắc Kinh, Ngài đã nhìn thấy các yết thị và tài liệu được vẽ theo lịch và hệ thống chiêm tinh học truyền thống của Trung Quốc. Vì có ấn tượng mạnh, nên Ngài đã bảo dịch giả của mình là Mergen Kachupa (Mer-rgan dKa'-bcu-pa) ghi chép lại những điều này. Khi trở về Tây Tạng, Mergen Kachupa đã biên soạn 13 tập về những phép tính rộng rãi theo kiểu này của Trung Quốc. Những sách này được giấu trong cung điện Potala của Đức Dalai Lama, và chưa bao giờ được sử dụng. Trong quyển sách được đề cập ở trên của Desi Sangye Gyatso, người từng là Thượng Thơ của Đức Dalai Lama thứ Năm, thì không có đề cập đến hệ thống màu vàng này. Tuy nhiên, Mergen Kachupa được ghi nhận là có công khởi đầu truyền thống chiêm tinh và lịch này.

Thế kỷ thứ 18 đã chứng kiến việc người Tây Tạng lại quan tâm đến lịch và chiêm tinh học Trung Quốc một lần nữa. Điều này được cổ vũ một cách đặc biệt, dưới sự khuyến khích của Hoàng Đế Mãn Châu của Trung Quốc, tức Càn Long (Qianlong). Từ dòng truyền thừa Tsurpu thì Đức Karmapa thứ 12, và sau đó là ngài Tai Situ đời thứ 8, đã đến thăm triều đình Mãn Châu, và yêu cầu có thêm các bản dịch. Trong dòng truyền thừa Pugpa thì có nhiều sự quan tâm, trong số các đại sư Gelug trong tỉnh Amdo, phía đông bắc Tây Tạng, đặc biệt là ở Học Viện Chiêm Tinh của Tu Viện Labrang Tashikyil. Họ cũng đã dịch nhiều tác phẩm. Nội Mông đã noi theo dòng truyền thừa của họ.

Trong trường phái Pugpa ở miền Trung Tây Tạng thì một phiên bản tóm tắt của hệ thống màu vàng (yellow system) xuất hiện trong một tác phẩm của Chagdzo Sungrab (Phyag-mdzod gSung-rab) vào đầu thế kỷ 19. Dựa vào ghi chú từ Gen Lodro-gyatso (rGan Blo-gros rgya-mtsho), trong thập niên 80, Professor Tragton (Brag-ston) đã biên soạn hệ thống hiện đang được sử dụng tại Viện Y Học Và Thiên Văn Học Tây Tạng (Tibetan Medical and Astro Institute) ở Dharamsala. Viện Y Học Và Thiên Văn Học Tây Tạng tại Lhasa sử dụng một hệ thống được Tseten Zhabdrung (Tshe-brtan Zhabs-drung) và Muge Samten (Mu-ge bSam-gtan) biên soạn gần đây.

Hệ thống màu vàng sử dụng phép tính toán lịch Kalachakra cơ bản, nhờ vậy mà hoàn toàn khác về khuôn khổ của nó, so với lịch Trung Quốc cổ điển. Tuy nhiên, cách mà nó cộng thêm hai tháng thì rất giống nhau, dù không phải lúc nào cũng tương đương với cách được sử dụng trong hệ thống Trung Quốc. Không giống như các hệ thống Tây Tạng và Ấn Độ khác, là tất cả các hệ thống đều có ngày nhân đôi, và bỏ qua ngày của tháng âm lịch, còn lịch theo phép tính rộng theo kiểu Trung Quốc thì giống như phép tính của Trung Quốc, nên thiếu đặc điểm này. Các tháng có 29 hoặc 30 ngày, được đánh số liên tiếp, và được xác định theo một số truyền thống tính toán. Ngày bắt đầu mỗi tháng không phải lúc nào cũng trùng với ngày của lịch Trung Quốc cổ điển, hay với ngày của hệ thống Pugpa hoặc Tsurpu, mặc dù chúng thường trùng với nhau.

Chẳng hạn, có một số khác biệt giữa dòng truyền thừa Pugpa ở Nội Mông (Inner Mongolia) và Trung Tây Tạng, theo cách cộng thêm hai tháng. Lịch của Nội Mông được sắp xếp theo hệ thống màu vàng, trong khi dữ liệu của hệ thống này thì chỉ được bao gồm trong các niên giám Pugpa của miền Trung Tây Tạng. Việc sử dụng chính của phép tính màu vàng là để nêu ra dự đoán "thổ-sửu” cho các mô hình thời tiết và điều kiện chung trong năm.

Người Khalkha Mongols của Mông Cổ và cả người Buryats và Tuvinians của Siberia đều noi theo một hình thức khác của truyền thống Pugpa, được gọi là dòng truyền thừa Tân Geden (New Geden), hay Tân Tích cực (New Positive lineage; dGe-ldan gsar-lugs). Điều này đã được Sumpa Kenpo Yeshe Paljor (Sum-pa mKhan-po Yes-shes dpal-'byor) khởi xướng vào năm 1786, ông là một bậc thầy Mongour Mongol từ Amdo, về cả hai môn chiêm tinh và y học. Hệ thống này dựa trên các bài luận giải Kalachakra vào thế kỷ 15 của Kedrub Je (mKhas-grub rJe dGe-legs dpal-bzang). Hầu hết các phép tính tuân theo quy tắc giống như các quy tắc của hệ thống Pugpa, và các chu kỳ 60 năm cũng được tính như nhau. Tuy nhiên, mặc dù chu kỳ 60 năm "nổi bật" bắt đầu bằng một năm hỏa-nữ-thỏ, nhưng điểm khởi đầu cho phép tính của thời kỳ 60 năm được chọn là năm hỏa-nam-ngọ, năm thứ 40 của chu kỳ . Đó là vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đản sinh trong một năm như vậy. Vì sự khác biệt này mà lịch Mông Cổ mới có tính đặc thù.

Hệ thống chiêm tinh học của Bon được gọi là "phép tính thuần túy của ba cách phân tích" (dpyad-gsum dag-rtsis). Tuy các tín đồ đạo Bon xem hệ thống Bon là cổ xưa nhất, đi trước bất cứ hệ thống Phật giáo nào, nhưng việc hệ thống hóa theo hình thức sách vở đã được Kyongtrul Jigme Namkey Dorje (sKyong-spul 'Jig-med nam-mkha'i rdo- rje) (1880 – 1953) thực hiện. Hệ thống này có phép tính thuần túy ngoại tại, nội tại, bí mật và bí mật hơn. Những phép tính ngoại tại và nội tại tương ứng với truyền thống Pugpa, chỉ có một số khác biệt nhỏ, và cách tiếp cận một số phép tính thì hơi khác nhau. Những phép tính bí mật và bí mật hơn thì có phép tính chính xác hơn phép tính ngoại tại và nội tại. Lịch của Bon hoàn toàn giống với lịch của Pugpa.

Sự khác biệt giữa các hệ thống Tây Tạng này xuất hiện một cách rõ ràng nhất theo cách mà âm lịch tương quan với dương lịch. Để đánh giá cao điều này thì phải thảo luận về lịch Tây Tạng, chủ yếu xuất phát từ Mật điển Thời Luân.

Top