Phật Giáo Tây Tạng Đã Phát Triển Như Thế Nào?

Nhờ sự bảo trợ của hoàng gia mà Phật giáo đã được đưa vào Tây Tạng, và tiếp nhận các vị thầy chủ yếu từ Ấn Độ. Theo thời gian, Phật giáo Tây Tạng đã phát triển để trở thành một lực lượng chính, không chỉ ở Tây Tạng, mà trên khắp dãy Hy Mã Lạp Sơn, Mông Cổ và Trung Quốc. Đây này là một bài giới thiệu ngắn về lịch sử Phật giáo ở Tây Tạng, sự phát triển ban sơ của đạo Phật, và cách bốn trường phái chính đã xuất hiện như thế nào.

Hoàng Đế Songsten Gampo

Vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, Hoàng đế Songtsen Gampo đã chinh phục Zhangzhung, một vương quốc ở phía Tây Tây Tạng, nơi truyền thống Bon bắt nguồn, thống nhất Tây Tạng thành một đế quốc rộng lớn. Theo thông lệ để tạo khối đồng minh qua hôn phối, nhà vua đã có một vài người vợ, ít nhất là một người từ Trung Quốc, một người từ Nepal, và một người từ Zhangzhung. Mỗi người vợ mang theo những kinh sách từ truyền thống của họ đến miền Trung Tây Tạng, và sự khởi đầu của Phật giáo ở Tây Tạng thường được truy nguyên từ sự kiện này. Cũng có những bài tường thuật thần thoại về chuyện kinh sách rơi từ trên trời xuống vào thế kỷ thứ Nhất, trước Công nguyên, nhưng dù sao đi nữa, vào thời kỳ đầu thì đạo Phật có rất ít ảnh hưởng đối với xã hội Tây Tạng.

Songtsen Gampo muốn phát triển chữ viết, nên đã gửi thượng thư Thonmi Sambhota đến Khotan, một vương quốc Phật giáo hùng mạnh trên Con Đường Tơ Lụa đến phía Tây Bắc của Tây Tạng, nơi dãy núi Tây Tạng sụp dần xuống thấp hơn mực nước biển từ cao nguyên Tây Tạng. Qua khỏi vùng này còn có sa mạc Taklamakan xinh đẹp nhưng dữ dội, một danh từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, nghĩa là “một đi không trở lại”. Ngày nay, khu vực này là tỉnh Tân Cương ở Trung Quốc, nhưng vào thời Songtsen Gampo, vùng đất nằm dưới chân núi, ngay trước khi sa mạc bắt đầu là Khotan.

Khu vực này theo đạo Phật mạnh mẽ, và chủ yếu chịu ảnh hưởng của văn hóa Iran. Ngôn ngữ của nó có liên quan đến các ngôn ngữ Iran, có ảnh hưởng lớn đối với Tây Tạng, nhưng thường không được nhấn mạnh trong sử ký. Ví dụ, bảng chữ cái Tây Tạng thật sự bắt nguồn từ chữ viết Khotan, đây là bản chuyển thể của họ từ bảng chữ cái tiếng Phạn. Điều đã xảy ra là các giáo viên Thonmi Sambhota người Khotan sẽ gặp nhau ở Kashmir ở thời điểm đó, và người ta cần phải đi qua Kashmir để đến Khotan. Vì lý do này, người ta thường nói rằng chữ viết của Tây Tạng xuất phát từ Kashmir, nhưng qua phân tích lịch sử chi tiết thì chúng ta thấy không phải như vậy. Hơn nữa, hệ thống dịch thuật sang Tạng ngữ chịu ảnh hưởng nặng nề từ phong cách của người Khotan, tách rời các từ ngữ và đem lại ý nghĩa cho các âm tiết riêng lẻ.

Vào thời điểm này, vẫn chưa có nhiều sự phát triển của đạo Phật ở Tây Tạng. Các bản tường thuật lịch sử nói rằng Tây Tạng được hình thành như một nữ quỷ nằm bẹp trên mặt đất, và để điều phục mãnh lực nguy hại của nữ quỷ thì các chùa chiền phải được xây dựng ở một số huyệt đạo trên cơ thể của nữ quỷ này. Do đó, mười ba ngôi chùa đã được xây dựng trên một khu vực địa lý rất rộng lớn, để điều phục quỷ thần hoang dã ở Tây Tạng. Những ngôi chùa này, cùng với các kinh sách và tôn tượng mà các hoàng hậu đã đem đến Tây Tạng, là sự khởi đầu của Phật giáo Tây Tạng.

Về sau, liên hệ với Trung Quốc và Khotan đã phát triển nhiều hơn, và rồi với Ấn Độ. Công chúa Zhangzhung đã mang đến rất nhiều nghi thức Bon cho nhà nước, mặc dù chúng rất khác biệt, so với những gì chúng ta gọi là Bon ngày nay.

Hoàng Đế Trisong Detsen

Khoảng 140 năm sau, vào giữa thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên, Hoàng đế Trisong Detsen tập trung vào việc mở rộng đế quốc, và tham gia vào các cuộc chiến với Trung Quốc và các vương quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Vì một lời tiên tri nên ngài đã thỉnh mời nhà sư Trụ Trì vĩ đại của Nalanda, ngài Tịch Hộ (Shantarakshita), từ Ấn Độ sang Tây Tạng để thuyết giảng.

Vào thời điểm đó, có một số phe phái chánh trị trong chánh phủ, một trong số đó là phe bảo thủ, chống ngoại bang, nên họ không thích việc Hoàng đế thỉnh mời ngài Tịch Hộ. Thật không may, việc ngài Tịch Hộ đến Tây Tạng lại trùng hợp với dịch đậu mùa, nên ngài đã bị đổ lỗi như một vật tế thần, và bị trục xuất khỏi Tây Tạng.

Ngài Tịch Hộ trở về Ấn Độ, và nhờ ảnh hưởng của Hoàng đế mà Guru Rinpoche, Đức Liên Hoa Sanh (Padmasambhava), đã được thỉnh mời đến Tây Tạng. Tự sự câu chuyện là ngài đến để điều phục ma quỷ, nhưng thật sự là để trừ dịch đậu mùa, hay ma quỷ gây ra bệnh dịch. Tất cả những điều này có tài liệu tham khảo lịch sử, vì vậy nên nó không chỉ là một câu chuyện. Guru Rinpoche đến và dịch bệnh đã chấm dứt, và sau đó, ngài Tịch Hộ được thỉnh mời trở lại Tây Tạng. Cùng với hai vị này, Hoàng đế Trisong Detsen đã xây dựng Samye, tu viện đầu tiên ở Tây Tạng.

Trước đó, đã có những ngôi chùa, nhưng không có tu viện nào có các nhà sư xuất gia. Guru Rinpoche thấy người dân không dễ tiếp thu hay không có tâm thức chín muồi để thọ nhận những giáo pháp cao cấp hơn, nên ngài đã chôn các bản văn về Dzogchen (Đại Viên Mãn), giáo huấn cao nhất của Mật tông từ truyền thống của ngài, trong các bức tường và cột trụ của Tu Viện Samye, và ở nhiều nơi khác tại Tây Tạng và Bhutan. Đó là truyền thống Nyingma (Ninh Mã), bắt nguồn từ Guru Rinpoche.

Lúc đầu, có ba nhóm tại Tu Viện Samye, gồm các học giả từ Trung Quốc, Ấn Độ và Zhangzhung. Mỗi nhóm đều phiên dịch tài liệu sang ngôn ngữ của họ, hoặc từ  ngôn ngữ của họ sang ngôn ngữ khác. Đạo Phật đã trở thành quốc giáo, và Hoàng đế Trung Quốc Dezong đã gởi hai nhà sư Trung Quốc, cứ mỗi hai năm thì đến Tu Viện Samye một lần. Ngài Tịch Hộ đã tiên đoán sự xung đột sẽ phát sinh vì điều này, và khuyên rằng trong tương lai, Tây Tạng nên thỉnh mời Liên Hoa Giới (Kamalashila), đệ tử của ngài, để giải quyết sự xung đột và tranh cãi.

Nhiều vị thầy đã được gởi đi tu học ở Ấn Độ, và các vị thầy khác đến từ Ấn Độ để giảng dạy ở Tây Tạng. Phe bảo thủ trong chánh phủ rất phẫn nộ về sự phát triển này, mà họ coi là đàn áp đạo Bon. Nó không thật sự nói về đàn áp tôn giáo, mà đúng hơn là “Bon” ở đây đề cập đến một nhóm người liên quan đến các vấn đề chánh quyền, nên giống như một phe của Zhangzhung. Các nghi lễ chánh quyền vào thời điểm đó tiếp tục là các nghi lễ Bon xưa cũ, nên rõ ràng đó là vấn đề chánh trị, chứ không phải tôn giáo. Tuy nhiên, nhiều tín đồ Bon đã chôn các kinh sách của họ để giữ an toàn, nên rõ ràng là họ cảm thấy truyền thống của mình bị đe dọa. Tôi đã từng ở Tuva, Siberia, nơi mà người ta theo truyền thống Mông Cổ của Phật giáo Tây Tạng. Người dân ở đó đã chôn tất cả các kinh sách của họ trong các hang động trên núi, trong thời Stalin. Từ sự kiện lịch sử gần đây, chúng ta có thể thấy kinh sách được chôn giấu, và nhu cầu làm như vậy đôi khi rất thực tế, không chỉ là huyền thoại.

Cuối cùng, phe Zhangzhung bị đuổi, và người ta cũng nghi ngờ người Trung Quốc. Họ quyết định tổ chức một cuộc tranh luận lớn giữa một nhà sư Ấn Độ và một nhà sư Trung Quốc, để xem người Tây Tạng nên theo truyền thống nào. Nhà tranh luận xuất sắc nhất của truyền thống Ấn Độ là Liên Hoa Giới, người mà ngài Tịch Hộ đã đề xuất, đọ sức với một thiền sư không được đào tạo về môn tranh luận, nên đã rõ rệt ngay từ đầu là ai sẽ thắng. Trên hết, người Tây Tạng đã rất muốn đuổi người Trung Quốc, nên người Ấn Độ được tuyên bố là người chiến thắng. Người Trung Quốc bỏ đi, và truyền thống Ấn Độ đã được chấp nhận ở Tây Tạng.

Tiêu Chuẩn Hóa Thuật Ngữ Và Phong Cách

Kinh sách tiếp tục được phiên dịch, một số từ tiếng Trung Quốc, nhưng chủ yếu từ tiếng Phạn. Vào đầu thế kỷ thứ 9, Tây Tạng đã thành lập một cuốn tự điển và tiêu chuẩn hóa các thuật ngữ và phong cách, dưới sự cai trị của một vị vua vĩ đại khác, Hoàng đế Tri Ralpachen. Trong cuốn tự điển đầu tiên này, ông đã ra lệnh không nên đưa tài liệu Mật tông vào trong sách, bởi vì nó sẽ đưa đến rất nhiều sự hiểu lầm.

Vào giữa thế kỷ thứ 9, Hoàng đế Tri Ralpachen ra lệnh bảy gia đình phải chịu trách nhiệm bảo trợ một nhà sư. Chúng ta có thể nói một cách khách quan rằng ông là một người cuồng tín tôn giáo. Thay vì chánh phủ thâu thuế thì tất cả số tiền đã được dùng để hỗ trợ chư tăng và tu viện, cuối cùng thì nền kinh tế của đất nước và chánh phủ đã bị phá hủy. Ông cũng đã bổ nhiệm các nhà sư thượng thư, và các tu viện ngày càng có nhiều quyền lực hơn.

Vị vua kế tiếp, Hoàng đế Langdarma, được biết đến như yêu quái thật sự của Tây Tạng, vì việc đàn áp Phật giáo. Nếu nhìn vào bối cảnh thì ông thật sự chỉ đóng cửa các tu viện, vì họ quá mạnh, và đuổi các nhà sư thượng thư ra khỏi ban nghị sự của chính phủ. Ông không phá hủy bất kỳ thư viện của tu viện nào. Khi A Đề Sa (Atisha) đến Tây Tạng 150 năm sau, ông rất hài lòng về việc các thư viện đã được thành lập. Điều này cho thấy không có việc đàn áp tôn giáo nghiêm trọng mà lịch sử đã làm cho nó có vẻ như vậy.

Tuy nhiên, việc đóng cửa tất cả các tu viện đã tạo ra những trở ngại lớn cho đạo Phật. Đất nước trở nên rời rạc, và khi tất cả các nhà sư bị buộc phải trở thành cư sĩ thì dòng truyền thừa đã bị phá vỡ và phải được phục hồi. Không có tổ chức tu viện để hỗ trợ các giáo pháp và hành trì cơ bản, tất cả mọi việc đã tiếp tục ở một mức độ nào đó một cách ngấm ngầm, hay kín đáo. Rất nhiều sự hiểu lầm và lạm dụng phát sinh, đặc biệt là liên quan đến Mật tông, khi người ta hiểu theo nghĩa đen, đặc biệt là về khía cạnh tình dục và ý tưởng giải thoát tâm thức. Vì sự hiểu lầm cực đoan mà người ta bắt đầu tham gia vào những việc tế thần và ám sát.

Thời Kỳ Tân Dịch

Vào cuối thế kỷ thứ 10, một vương quốc có tổ chức lại khởi lên một lần nữa ở phía Tây Tây Tạng, và đã có sự quan tâm về việc làm sáng tỏ giáo pháp. Có quá nhiều sự hiểu lầm trong truyền thống Nyingma, nên nhiều dịch giả đã được gởi đến Ấn Độ và Nepal, đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ tân dịch. Thật ra, đó là giai đoạn “truyền thừa” mới nhiều hơn. Từ làn sóng này, chúng ta có truyền thống Kadam, Sakya (Tát ca) và Kagyu (Ca nhĩ cư). Nếu ta nhìn thấy chữ “pa” ở cuối một từ, như Kagyupa, thì nó đề cập đến một người theo truyền thống đó, mặc dù ngày nay, những người không phải là dân Tây Tạng không hề tạo ta sự phân biệt đó.

Kadam Và Gelug

Truyền thống Kadam xuất xứ từ A Đề Sa, một bậc thầy vĩ đại từ Bengal. Nó nhấn mạnh các giáo huấn luyện tâm lojong. Truyền thống phân chia thành ba dòng truyền thừa, mà sau đó đã được Tông Khách Ba (Tsongkhapa) thống nhất vào thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 15, để trở thành truyền thống Gelug.

Các truyền thống Nyingma, Sakya và Kagyu phần lớn theo cùng một phong cách diễn dịch, với sự khác biệt nhỏ. Tông Khách Ba đã thật sự cấp tiến, và trên cơ bản, đã lập lại việc giải thích hầu hết tất cả các điểm trong triết học Phật giáo. Tông Khách Ba đã nghiên cứu từ lúc tuổi rất nhỏ, và khảo sát tất cả các bản dịch khác nhau của kinh sách, để xem phần nào được diễn dịch không chính xác. Ngài đã chứng minh tất cả các điểm, bằng cách bảo vệ nó bằng lý lẽ và các nguồn kinh điển khác nhau.

Vì vậy mà một lần nữa, đã có một cuộc khảo sát sâu sắc về các bản dịch Tạng ngữ của một số kinh sách Ấn Độ khó hơn. Không giống như nhiều tác giả trước đây, ngài đã không bỏ qua những phần tối nghĩa. Những đoạn văn khó là những đoạn mà ngài Tông Khách Ba đã thích thú, khi cố gắng lãnh hội và giảng giải. Nhờ vậy, ngài đã có những sự diễn giải cấp tiến khác nhau về hầu hết mọi điều. Trên thực tế, Tông Khách Ba là một nhà cách mạng vĩ đại. Trong số nhiều đệ tử của ngài có một nhà sư, người sau này được gọi là Đức Dalai Lama thứ Nhất. Danh hiệu này đã được đặt cho ông vào thời Đức Dalai Lama thứ Ba. “Dalai” là tên tiếng Mông Cổ, có nghĩa là “đại dương”.

Có một cuộc nội chiến khủng khiếp kéo dài khoảng 150 năm, và người Mông Cổ đã đến để chấm dứt nó. Vào thời điểm đó, người Mông Cổ đã biến Đức Dalai Lama thứ Năm trở thành nhà cai trị chánh trị và lãnh đạo tinh thần chung của Tây Tạng, và vị thầy của ông được gọi là Đức Panchen Lama thứ Tư. Năm 2011, Đức Dalai Lama thứ 14 đã chấm dứt truyền thống Đức Dalai Lama nắm giữ bất kỳ vị trí chánh trị nào.

Sakya

Truyền thống thứ hai phát sinh từ thời kỳ truyền thừa mới, vào cuối thế kỷ thứ 10, là truyền thống Sakya, với dòng truyền thừa bắt nguồn từ Virupa và một số dịch giả khác. Giáo pháp chính của họ từ Virupa được gọi là “lamdre” –  lam là đường tu và dre là kết quả. “Đường tu và kết quả” của hệ thống này là một sự kết hợp tài liệu thuộc thể loại lam-rim với pháp tu Mật tông Hevajra.

Các bậc thầy Sakya thật sự tạo ra một dòng truyền thừa gia đình, và dòng Sakya luôn được kế thừa. Sau khi Tây Tạng được thống nhất dưới thời Mông Cổ vào thế kỷ 13, gia đình Sakya đã cai trị Tây Tạng về mặt chánh trị, trong khoảng một thế kỷ. Điều này đã xảy ra, bởi vì Sakya Pandita, có lẽ là bậc thầy nổi tiếng nhất trong các vị thầy của Sakya, đã liên kết chặt chẽ với người Mông Cổ, và cùng với cháu trai Phagpa của ngài, trở thành vị trợ giáo của Kublai Khan.

Người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs), tức người Thổ Nhĩ Kỳ ở Tân Cương, về phía Tây Bắc của Tây Tạng, là những người duy nhất không có chiến tranh với Chinggis Khan, vì vậy nên họ bị bỏ rơi một mình. Người Duy Ngô Nhĩ đã mang đến cho người Mông Cổ hương vị đạo Phật đầu tiên, với hệ thống chữ viết và công thức hành chánh về cách tổ chức nhà nước, trong khi người Tây Tạng cung cấp một hình thức Phật giáo có tổ chức hơn. Chính trong hoàn cảnh này mà Phagpa và các vị Lạt ma Sakya sau đó đã được trao quyền cai trị chánh trị ở Tây Tạng, trong khoảng một thế kỷ.

Dòng truyền thừa Sakya cũng bao gồm các dòng tiểu truyền thừa của Ngor, Tsar và Jonang, với trường phái Jonang đôi khi được coi là trường phái thứ năm của Phật giáo Tây Tạng. Mỗi dòng tiểu truyền thừa này có những vị thầy riêng.

Kagyu

Trong truyền thống Kagyu, có hai dòng truyền thừa chánh là Shangpa Kagyu và Dagpo Kagyu. Shangpa Kagyu xuất xứ từ vị thầy Tây Tạng Kyungpo Naljor, người đã nắm giữ cả ba bộ, gồm sáu bài pháp du già (yoga) cao cấp. Thật ra, những bài du già này nên được gọi là “giáo pháp”, hay “giáo huấn”, nhưng chữ “du già” ở đây đã trở nên phổ biến. Một bộ là từ Naropa, “sáu pháp du già của Naropa”, còn hai bộ khác là từ các nữ hành giả vĩ đại, Niguma và Sukhasiddhi. Dòng truyền thừa Shangpa Kagyu đã trao truyền ba bộ gồm sáu giáo huấn này. Kalu Rinpoche quá cố, người lừng danh ở phương Tây, xuất thân từ truyền thống này.

Truyền thống Dagpo Kagyu xuất phát từ dòng Tilopa, Naropa, Marpa, Milarepa và Gampopa. Gampopa đã kết hợp các giáo huấn Đại Thủ Ấn (mahamudra) từ các đại thành tựu giả  Ấn Độ (mahasiddhas, các vị thầy Mật tông có thành tựu cao), với các giáo huấn Kadampa lojong. Từ Gampopa, mười hai dòng Dagpo Kagyu đã phát triển, tức mười hai truyền thống Kagyu từ các đệ tử của ngài, và các đệ tử của một trong những đệ tử của ngài, Pagmodrupa. Phổ biến nhất trong số  các truyền thống này là Karma Kagyu, mà Đức Karmapa là nhân vật chánh trong đó. Ngoài ra, còn có truyền thống Drugpa Kagyu và Drigung Kagyu, cũng được thấy ở phương Tây ngày nay.

Nyingma

Như đã đề cập trước đó, các bậc thầy của truyền thống Nyingma cũ đã chôn các bản văn Dzogchen (Đại Viên Mãn), nhưng các bản khác vẫn được trao truyền suốt thời gian qua, vẫn còn rất nhiều sự hiểu lầm. Họ bắt đầu khám phá các bản văn vào đầu thế kỷ 11, khoảng một thế kỷ sau khi các tín đồ đạo Bon bắt đầu khai quật chúng. Điều này trùng hợp với làn sóng của các vị thầy từ Ấn Độ đến Tây Tạng.

Rất nhiều bản văn đã được phát hiện, và việc thấu hiểu cách chúng ăn khớp với nhau như thế nào là một điều rắc rối. Chúng đã được tiêu chuẩn hóa và làm sáng tỏ vào thế kỷ 13, nhờ vị thầy Nyingma vĩ đại Longchenpa, người thật sự là cha đẻ của truyền thống Nyingma mà chúng ta tìm thấy ngày nay. Có một sự phân chia thành Dòng Truyền Thừa Kho Báu Phía Bắc (Northern Treasure Lineage) và Dòng Truyền Thừa Kho Báu Phía Nam (Southern Treasure Lineage). Truyền thống Nyingma rời rạc hơn các truyền thống khác, và không được hình thành theo phong cách cụ thể.

Phong Trào Rime

Một yếu tố lớn khác trong lịch sử Phật giáo ở Tây Tạng là phong trào Rime (bất bộ phái) được một số nhân vật khởi đầu từ thế kỷ 19, trong đó, nổi bật nhất là Kongtrul Rinpoche. Nó được dự trù để bảo tồn các dòng truyền thừa ít ai biết đến, đang chết dần và không có mặt ở bất cứ truyền thống nào trong bốn truyền thống.

Phong trào Rime đã hồi sinh, và nhấn mạnh dòng truyền thừa Jonang, từ quan điểm lịch sử, đã bị đàn áp và áp bức vì quan điểm học thuyết của họ. Một lần nữa, cũng có các yếu tố chánh trị liên quan trong đó, vì nó được liên kết với một phe nào đó trong cuộc nội chiến thời đó. Nhờ cách nào đó mà phong trào Rime cũng phát sinh, đặc biệt là ở Kham, như một sự phản ứng đối với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của dòng truyền thừa Gelug trong chánh quyền trung ương.

Tóm Tắt

Xuất phát chủ yếu từ Ấn Độ qua nhiều thế kỷ, nhờ sự nỗ lực của một số lớn các vị thầy và dịch giả, Phật giáo Tây Tạng đã dần dần phát triển thành bốn truyền thống chánh. Nyingma bắt nguồn từ Thời Kỳ Cựu Dịch, trong khi Sakya, Kagyu và Kadam, sau này trở thành Gelug, được phát triển trong Thời Kỳ Tân Dịch. Mặc dù hiện nay, đạo Phật bị hạn chế nghiêm trọng ở Tây Tạng, nhưng nó đang phát triển mạnh ở Ấn Độ, Nepal và khắp vùng Hy Mã Lạp Sơn, và đang dần lan rộng đến phần còn lại của thế giới.

Top