Vào thời xưa, sự khác biệt về giới tính có lẽ không quá quan trọng. Tuy nhiên, khi nền văn minh phát triển, sức mạnh và quyền lực ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn, để giúp các xã hội chống lại kẻ thù của họ. Do đó, nam giới chiếm ưu thế, vì có thể chất mạnh mẽ hơn. Trong thời gian sau, thì giáo dục và trí thông minh đóng một vai trò quan trọng hơn, và về mặt này, nam và nữ không có sự khác biệt. Tuy nhiên, ngày nay, tình cảm và tính nồng hậu đóng vai trò quan trọng nhất, đối với việc giải quyết sự xung đột và những vấn đề khác. Hai phẩm chất này là điều cần thiết, để kiểm soát việc sử dụng giáo dục và trí thông minh, và ngăn chận việc chúng sẽ hướng về mục tiêu phá hoại. Vì vậy hiện nay, phụ nữ phải đóng vai trò chủ yếu hơn, có lẽ vì yếu tố sinh học, nên họ có khả năng phát triển tình cảm và tính nồng hậu một cách tự nhiên hơn nam giới. Điều này bắt nguồn từ việc cưu mang đứa bé trong bụng, và thường là người chăm sóc trẻ sơ sinh.
Theo truyền thống thì chiến tranh chủ yếu là do nam giới đảm nhiệm, vì họ có thể chất tốt hơn, đối với những hành vi hung hăng. Mặt khác, phụ nữ có xu hướng quan tâm và nhạy cảm hơn với sự khó chịu và đau đớn của người khác. Dù nam và nữ có tiềm năng hung hăng và nồng hậu như nhau, nhưng lại khác nhau ở điểm yếu tố nào sẽ dễ biểu lộ ra hơn, trong con người của họ. Do đó, nếu phần lớn các nhà lãnh đạo thế giới là phụ nữ, thì có lẽ sẽ có ít nguy cơ chiến tranh hơn, và hợp tác nhiều hơn, về mối quan tâm đối với toàn cầu - dù tất nhiên là một số phụ nữ có thể khó khăn! Tôi thông cảm với những người ủng hộ nữ quyền, nhưng họ không được chỉ la hét, mà phải nỗ lực để có những đóng góp tích cực cho xã hội.
Đôi khi, tôn giáo có sự nhấn mạnh về việc trọng nam khinh nữ. Tuy nhiên, trong đạo Phật thì những giới nguyện cao nhất, cụ thể là giới Tỳ kheo và Tỳ kheo ni đều bình đẳng, và có quyền lợi như nhau. Sự thể là như vậy, dù trên thực tế thì trong một vài lãnh vực nghi lễ, vì phong tục xã hội, nên chư Tỳ kheo sẽ đi trước. Nhưng Đức Phật đã ban quyền lợi cơ bản cho cả hai nhóm trong tăng đoàn một cách bình đẳng. Việc thảo luận về vấn đề có nên phục hồi lễ thọ giới Tỳ kheo ni hay không thì không có ích gì, mà câu hỏi chỉ đơn thuần là làm thế nào để thực hiện điều đó một cách đúng đắn, trong bối cảnh Luật tạng.
Ngài Tịch Hộ (Shantarakshita) đã đưa lễ thọ giới Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn (Mulasarvastivada) vào Tây Tạng. Tuy nhiên, tất cả người Ấn Độ trong nhóm của ông đều là nam nhân, và vì việc thọ giới Tỳ kheo ni đòi hỏi phải có cả hai tăng đoàn Tăng và Ni, nên ngài không thể đưa dòng Tỳ kheo ni đến Tây Tạng. Trong thời gian sau đó, một số Lạt ma Tây Tạng đã phong cho mẹ của họ làm Tỳ kheo ni, nhưng theo quan điểm của Luật tạng, thì điều này không được xem là lễ xuất gia đích thực. Kể từ năm 1959, tôi đã cảm thấy hầu hết các ni viện cần phải nâng cao tiêu chuẩn giáo dục, như tiêu chuẩn của các tu viện. Tôi đã ban hành điều đó, và ngày nay, chúng ta đã có những học giả trong số chư Ni. Nhưng đối với việc tái lập việc thọ giới Tỳ kheo ni, thì tôi không thể làm chuyện này một mình. Câu hỏi này phải được quyết định theo Luật tạng.
Hiện nay, chúng ta có cơ hội để thảo luận về câu hỏi này với các truyền thống Phật giáo khác, chẳng hạn như truyền thống Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, là những truyền thống vẫn còn truyền giới Tỳ kheo ni. Đã có khoảng hai mươi phụ nữ Tây Tạng thọ giới Tỳ kheo ni theo truyền thống Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka). Hiện nay thì không ai bác bỏ việc họ là Tỳ kheo ni.
Trong ba mươi năm qua, chúng tôi đã nghiên cứu các bản Luật tạng của Nhất Thiết Hữu Căn Bổn và Pháp Tạng Bộ. Vì Luật tạng được tìm thấy trong cả hai truyền thống dựa vào tiếng Phạn, cũng như trong truyền thống Pali, nên điều hữu ích là các vị trưởng lão trong Tăng đoàn của cả ba truyền thống Luật tạng nên thảo luận vấn đề, và chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Lễ truyền giới Tỳ kheo ni đã được tái lập ở Sri Lanka, và người ta cũng quan tâm đến việc thực hiện điều này ở Thái Lan. Việc nghiên cứu thêm sẽ hữu ích, để một ngày nào đó, chúng ta có thể vượt qua điều mà ngài Tịch Hộ đã thất bại. Tuy nhiên, là một cá nhân, tôi không có quyền quyết định vấn đề này. Việc này sẽ không phù hợp với quy cách trong Luật tạng. Tôi chỉ có quyền khởi xướng việc nghiên cứu thôi.
Tất cả chúng ta đều chấp nhận và thừa nhận những người Tây Tạng và Tây phương đã thọ giới Tỳ kheo ni của Pháp Tạng Bộ là chư Tỳ kheo ni Pháp Tạng Bộ. Đó không phải là vấn đề. Vấn đề là phải tìm ra cách để ban giới Tỳ kheo ni phù hợp với các bản Luật tạng Nhất Thiết Hữu Căn Bổn. Cần phải có một vị Phật sống có mặt ở đây ngay bây giờ, để chúng ta tham vấn. Nếu tôi là Phật, thì tôi có thể quyết định, nhưng sự thể không phải như vậy. Tôi không phải là Phật. Tôi có thể hành xử như một nhà độc tài về một số vấn đề, nhưng không liên quan đến vấn đề trong Luật tạng. Tôi có thể ban hành việc chư Tỳ kheo ni Tây Tạng xuất gia theo truyền thống Pháp Tạng Bộ sẽ tề tựu theo nhóm, để thực hiện ba nghi lễ tăng đoàn, đó là: lễ Bố tát (sojong) [tịnh hóa việc phạm giới hai lần mỗi tháng (gso-sbyong, Phạn ngữ: poshadha, Pali: uposatha); an cư kiết hạ (dbyar-sbyor, Phạn ngữ: varshopanayika, Pali: vassopanayika); và lễ Tự tứ (dgag-dbye, Phạn ngữ: pravarana, Pali: pavarana)]. Nhưng đối với việc thiết lập lại lễ thọ giới, thì lại là chuyện khác. Mặc dù tôi có thể mong muốn điều này xảy ra, nhưng các cao tăng phải nhất trí về điều đó. Một số người trong số các vị này đã phản đối một cách mạnh mẽ. Vì không có sự nhất trí, nên đó là vấn đề. Tuy nhiên, tôi có thể cho dịch những bản văn thích hợp với phiên bản Pháp Tạng Bộ về ba nghi lễ tăng đoàn này từ tiếng Hoa sang tiếng Tây Tạng ngay lập tức, và không ai có thể phản đối điều đó.
Còn về những khía cạnh khác, thì chúng ta phải thảo luận thêm. Sự hỗ trợ từ tăng đoàn của các truyền thống Phật giáo khác rất quan trọng, nên buổi họp này là một giai đoạn hữu ích trong quá trình này. Bước tiếp theo, tôi sẽ mời nhóm Tăng đoàn trưởng lão quốc tế này đến Ấn Độ. Hãy để các ngài thảo luận vấn đề này với các trưởng lão Tây Tạng có tâm địa hẹp hòi, những người phản đối việc tái thiết lập lễ thọ giới Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn.
Ngày hôm nay, nếu như Đức Phật có mặt ở đây, thì chắc chắn Ngài sẽ cho phép. Nhưng tôi không thể hành xử như Đức Phật. Tuy chế độ tu viện đã có mặt ở Tây Tạng từ thế kỷ thứ tám, nhưng chưa bao giờ có các tỳ kheo ni thực hiện ba nghi lễ tăng đoàn trong tăng đoàn của chúng ta, nên bây giờ thì điều này sẽ xảy ra. Nhưng còn quá sớm để quyết định về lễ thọ giới.
Có thể khó khởi đầu ba nghi lễ tăng đoàn này cho Tỳ kheo ni trong năm nay, nhưng sang năm, chúng ta có thể bắt đầu. Tỳ Kheo Ni Ba La Đề Mộc Xoa (Bhikshuni Pratimoksha) đã được dịch từ tiếng Hoa sang tiếng Tây Tạng. Bản này dài khoảng ba mươi đến bốn mươi trang. Các Tỳ kheo ni Pháp Tạng Bộ Tây Tạng sẽ phải học thuộc lòng. Nhưng sách cho ba nghi lễ tăng đoàn thì vẫn phải được dịch.
Tuy chư Ni Tây Tạng có thể mong muốn được thọ giới như Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn, nhưng việc thọ giới Tỳ kheo ni Pháp Tạng Bộ không thể được chấp nhận như giới Tỳ kheo ni của Nhất Thiết Hữu Căn Bổn. Nếu cả hai có thể hoán chuyển với nhau, thì không có lý do gì để ngài A-đề-sa (Atisha) đã được yêu cầu đừng truyền giới Tỳ kheo Đại Chúng Bộ (Mahasanghika) ở Tây Tạng. [Khi đại sư Ấn Độ A-đề-sa được Vua Jangchub Wo (Tạng ngữ: Byang-chub 'od) mời đến Tây Tạng vào đầu thế kỷ 11 sau Công Nguyên, thì ông nội của nhà vua, tức Vua Yeshe Wo, đã bảo trợ cho việc tái thiết lập lễ thọ giới Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn trong vương quốc của mình, khi ngài thỉnh mời và sau đó thì đạo sư Hộ Pháp (Dharmapala) từ miền Đông Ấn đã viếng thăm Tây Tạng. A-đề-sa được yêu cầu đừng truyền giới Tỳ kheo Đại Chúng Bộ, vì điều đó sẽ đưa hai dòng truyền thừa của Luật tạng đến Tây Tạng.]
Hơn nữa, nếu như lễ xuất gia Pháp Tạng Bộ là lễ xuất gia Nhất Thiết Hữu Căn Bổn, thì lễ xuất gia Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) cũng là lễ xuất gia Nhất Thiết Hữu Căn Bổn, và đó là điều vô lý. Chúng ta phải thiết lập lại lễ thọ giới Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn, hoàn toàn theo Luật tạng của Nhất Thiết Hữu Căn Bổn.
Vậy thì mùa đông này, hãy tổ chức một hội nghị tương tự như hội nghị này, nhưng ở Ấn Độ, tại Bồ Đề Đạo Tràng, Sarnath, hay Delhi. Ngoài các trưởng lão Tăng đoàn quốc tế đã tham dự hội nghị Hamburg này, chúng ta sẽ mời tất cả các nhà lãnh đạo Tăng đoàn Tây Tạng, và tất cả các vị Trụ Trì của các tu viện lớn của cả bốn truyền thống Tây Tạng, thậm chí có thể bao gồm cả các hành giả đạo Bon. Đạo Bon vẫn có Tỳ kheo ni. Chúng ta sẽ mời các học giả Tỳ kheo cao cấp, được tôn trọng nhất. Vậy thì số người tổng cộng khoảng một trăm vị. Sau đó, tôi sẽ yêu cầu các trưởng lão Tăng đoàn quốc tế trực tiếp trình bày trước mặt các vị này những lý lẽ hợp lý của họ, để ủng hộ việc tái lập lễ truyền giới Tỳ kheo ni. Điều này sẽ rất hữu ích. Người Tây Tạng chúng tôi sẽ tài trợ cho một hội nghị như vậy, và quyết định ai sẽ là người tốt nhất để tổ chức hội nghị này.
Trong hai mươi sáu thế kỷ qua, nhiều sự khác biệt đã phát triển giữa các phiên bản A Tỳ Đạt Ma (Abhidharma) trong tiếng Pali và tiếng Phạn. Ngài Long Thọ (Nagarjuna) đã làm sáng tỏ những điểm nào đó, còn những sự khác biệt hiển nhiên khác giữa hai truyền thống thì có thể được làm sáng tỏ, bằng cách khảo sát. Dựa trên tinh thần này, chúng ta có thể tự do xem xét lời Phật dạy, chẳng hạn như liên quan đến núi Tu Di (Mount Meru), trái đất bằng phẳng, mặt trời và mặt trăng có kích thước gần giống nhau, và có cùng khoảng cách với trái đất. Đây là những điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Ngay cả vị Giáo Thọ của tôi ở Lhasa đã sử dụng kính viễn vọng của tôi, và cũng nhìn thấy bóng của những ngọn núi trên mặt trăng, và phải đồng ý rằng mặt trăng không tự phát ra ánh sáng, như A Tỳ Đạt Ma đã nói. Vì vậy, đối với sự minh giải của ngài Long Thọ, thì Tăng đoàn không cần phải thảo luận. Điều này cũng đúng về vấn đề Kinh điển, nhưng lại hoàn toàn khác biệt, khi nói đến Luật tạng.
Tất cả các bản dịch Luật tạng đều bắt đầu bằng lời kính lễ đấng Toàn Giác. Điều này có nghĩa là chính Đức Phật đã ấn chứng những kinh sách này, vì chỉ có một vị Phật toàn giác mới biết những hành vi nào phải được thực hành, và những hành vi nào phải được từ bỏ. Mặt khác, trong các sách A Tỳ Đạt Ma thì lời kính lễ được dâng lên cho Đức Văn Thù Sư Lợi. Ngoài ra, sau khi Đức Phật nhập niết bàn, thì một đại hội Tăng đoàn đã được tổ chức, và đã tạo ra một vài sự thay đổi trong Luật tạng. Đức Phật đã cho phép Tăng đoàn thực hiện điều này, và nó có thể được mở rộng đến những điểm khác. Ví dụ như người Tây Tạng chúng tôi tu tập Bồ tát thừa và Mật thừa, mỗi thừa đều có giới nguyện riêng của nó. Một số điểm và một số giới trong các thừa này sẽ mâu thuẫn với nhau, và trong Luật tạng. Đối với vấn đề như vậy, thì những giới cao hơn phải được ưu tiên hơn những giới thấp hơn.
Trong thế kỷ 21, khái niệm về chiến tranh đã lỗi thời. Thay vì vậy, chúng ta phải đối thoại với nhau, để giải quyết sự tranh chấp, và đối với việc này mà chỉ có trí thông minh thôi thì chưa đủ. Chúng ta còn phải có lòng nồng hậu và quan tâm đến phúc lợi của người khác một cách nghiêm túc. Đối với sự đối thoại chân thành, thì lòng bi quan trọng hơn. Vì yếu tố sinh học, nên phụ nữ nhạy cảm với nỗi khổ của người khác hơn nam giới. Ví dụ như không có nhiều phụ nữ làm nghề giết mổ hay bán thịt. Vì vậy, đối với những cuộc đàm phán quốc tế, thì phụ nữ rất cần thiết, và nên đóng vai trò lớn hơn.
Tứ chúng của Đức Phật gồm có chư Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc (cận sự nam) và Ưu bà di (cận sự nữ). Rõ ràng là phụ nữ và nam giới có vai trò bình đẳng. Tuy nhiên hiện nay, tứ chúng chưa hoàn thiện trong cộng đồng Tây Tạng. Trong số tám tự do và mười thuận lợi của kiếp người quý giá, thì một trong những điều này là sinh ra nơi trung thổ, được xác định về mặt địa lý hoặc tâm linh. Tây Tạng không được xác định như trung thổ, về mặt địa lý. Còn về mặt được xác định như vùng đất tâm linh, thì phải là nơi có đủ tứ chúng. Rõ ràng là Tây Tạng không có Tỳ kheo ni, nên không đầy đủ. Nhiều người Tây Tạng nói rằng nếu chư Tỳ kheo có mặt ở nơi nào, thì đó là trung thổ, vì chư Tỳ kheo là nhóm quan trọng nhất trong tứ chúng. Nhưng điều đó chỉ xác định tính tương đồng với một trung thổ, và tính tương đồng với kiếp người quý báu. Đáng lẽ chư đạo sư trước đây ở Tây Tạng phải chú ý đến điều này.
Tôi có thể khởi xướng việc cải thiện giáo dục cho chư Ni Tây Tạng, mà không cần tham khảo ý kiến của một nhóm Tăng đoàn. Tôi đã làm việc này, và nhiều chư Ni đã đạt được trình độ học thức cao. Trong các tu viện ở Mundgod, tôi đã thông báo rằng chúng ta phải chuẩn bị cho kỳ khảo thí Geshema. Một số cao tăng đã phản đối việc này, nhưng tôi nói với họ rằng Đức Phật đã ban cho nam giới và nữ giới quyền bình đẳng, để trở thành Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, vậy thì tại sao không có quyền bình đẳng, để trở thành Geshe và Geshema? Tôi nghĩ vấn đề là những vị cao tăng này không quen với cách suy nghĩ này.
Vào đầu thập niên sáu mươi, tôi đã triệu tập không chỉ chư Tăng, mà cả chư Ni, và nói rằng họ cũng có thể tham gia lễ sojong (Bố tát) hai lần mỗi tháng. Trong những năm đó, không có Tỳ kheo ni, nên mặc dù các Sa di ni (shramanerika) thường không được phép tham dự lễ sojong của chư Tăng, nhưng các vị Giáo Thọ của tôi đã cho phép các Sa di ni làm như vậy. Vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu thực hiện điều này. Đã có một vài sự phản đối châm biếm từ các tu viện ở Nam Ấn, vì chưa bao giờ có trường hợp chư Tăng Ni hành trì lễ sojong với nhau, nhưng không có nhà sư nào hoàn tục vì việc này!
Từ những năm bảy mươi, một số người Tây Tạng đã thọ giới Tỳ kheo ni theo truyền thống Trung Quốc. Một trong những lý do chính mà tôi đã viếng thăm Đài Loan, là để tận mắt chứng kiến dòng truyền thừa Tỳ kheo ni ở đó, và phối kiểm tình hình của nó. Tôi đã chỉ định Losang Tsering nghiên cứu về giới Tỳ kheo ni, và cho đến nay, ông đã làm việc này được hai mươi năm. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức. Tôi đã yêu cầu các vị Tỳ kheo chuyên truyền giới Tỳ kheo của Trung Quốc tổ chức một cuộc họp tăng đoàn quốc tế, nhưng các vị này không thể làm như vậy. Bản thân tôi không thể triệu tập một cuộc họp như vậy, vì những khó khăn và phức tạp sẽ xảy ra từ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Tôi cảm thấy nếu một tổ chức khác triệu tập một cuộc họp như vậy thì tốt hơn, nên đã yêu cầu Jampa Chodroen làm điều đó. Tất cả những gì một nhà sư có thể làm, đều đã được thực hiện. Bây giờ, chúng ta cần có sự nhất trí rộng rãi từ các vị trưởng lão Tỳ kheo Tây Tạng.
Lễ thọ giới Sa di và Sa di ni có nói rằng người ta nên biết những đối tượng thích hợp với lòng tôn kính. Nó nói rằng dù về mặt giới nguyện, thì Tỳ kheo ni cao hơn, nhưng họ không phải là đối tượng để các Sa di tôn kính. Có lẽ điều này cũng cần được sửa đổi lại, khi nghĩ đến Bồ tát giới và Mật giới, đặc biệt là Mật giới về việc không được miệt thị phụ nữ. Từ quan điểm đó, thì việc giữ điểm này trong Luật tạng là điều bất tiện. Vì vậy, để giữ gìn ba loại giới nguyện, thì cũng phải sửa đổi một vài điểm nhỏ. Còn đối với việc nghiên cứu giới Tỳ kheo ni Nhất Thiết Hữu Căn Bổn trước khi thọ nhận chúng, thì những người đã trở thành Tỳ kheo ni trong dòng truyền thừa Pháp Tạng Bộ có thể đọc và nghiên cứu, dù họ phải thực hiện nghi lễ theo Pháp Tạng Bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề, đối với việc những người không phải là Tỳ kheo ni sẽ nghiên cứu những giới nguyện này.
Khi thực hiện tất cả những sự sửa đổi này, đặc biệt là về mặt thiết lập lại lễ truyền giới Tỳ kheo ni của phái Nhất Thiết Hữu Căn Bổn, thì điều cực kỳ quan trọng là việc này không chỉ được một số Tăng đoàn Tây Tạng thực hiện. Chúng ta phải tránh việc chia rẽ Tăng đoàn. Phải có sự nhất trí rộng rãi trong tăng đoàn Tây Tạng nói chung. Do đó, chúng tôi đang thực hiện những bước xa hơn theo chiều hướng đó. Xin cảm ơn tất cả những nỗ lực của quý vị.