Tinh Thần và Thể Xác Bất An
Hòa bình là sự quan tâm của mỗi người, cho dù họ sống ở phương Tây, phương Đông, Nam hay Bắc. Dù giàu hay nghèo, mọi người cần có sự quan tâm thật sự đối với hòa bình. Chúng ta đều là con người và vì thế, nói chung, chúng ta đều có cùng một mối quan tâm, đó là làm sao có được sự an lạc và đời sống hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều xứng đáng có một đời sống an lạc. Ở đây, ta đang bàn luận ở mức độ mà mọi người có cảm giác về “tôi” hay “tự ngã”, nhưng ta không thấu hiểu “ tôi” hay “tự ngã” là gì. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có một cảm giác mạnh mẽ về “tôi”. Cảm giác ấy đưa đến sự khao khát hạnh phúc và không muốn khổ đau. Cùng với cảm giác này, ước muốn được hạnh phúc và thoát khổ tự động phát sinh. Dựa trên nền tảng này, chúng ta đều có quyền hưởng hạnh phúc.
Trong khi đó thì có nhiều điều bất toại nguyện và chướng ngại chực chờ xảy ra trong đời sống của chúng ta. Có hai phạm trù trong vấn đề này. Một phạm trù thuộc về đau đớn do những nguyên nhân thể chất, thí dụ bệnh tật và tuổi già. Chính tôi cũng đã có một vài kinh nghiệm về điều này – tôi gặp khó khăn trong việc nghe, thấy và đi lại. Những điều này sẵn sàng xảy ra. Phạm trù khác chủ yếu là ở cấp độ tinh thần. Nếu ở cấp độ vật chất, mọi việc đều thoải mái, xa hoa và đầy đủ, nhưng nếu chúng ta vẫn có sự căng thẳng và hoài nghi về chính mình, ta sẽ thấy cô đơn. Ta có sự ganh tỵ, sợ hãi và thù hận, rồi ta không được vui. Thế nên, dủ cho tình trạng vật chất ra sao, trên cấp độ tinh thần, chúng ta vẫn có thể khổ tâm.
Để có sự thoải mái về vật chất, đúng là ta có thể dùng tiền để giảm thiểu một vài nỗi khổ và mang lại sự thỏa mãn về vật chất. Tuy nhiên phương diện vật chất, kể cả quyền lực, tên tuổi và tiếng tăm, vẫn không có thể mang lại sự bình an nội tại cho chúng ta. Trên thực tế, đôi khi có quá nhiều tiền của và giàu sang chỉ tạo ra thêm nhiều lo lắng cho chính mình. Chúng ta có thể quá lo lắng về tên tuổi và danh vọng của mình, điều này đưa đến thái độ đạo đức giả, sự bất an và căng thẳng. Thế nên sự an lạc tinh thần không quá phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, mà vào cách ta suy nghĩ trong nội tâm.
Ta có thể thấy rằng có một số người tuy nghèo nàn, nhưng trên bình diện nội tâm, họ rất kiên cường và hạnh phúc. Trên thực tế, nếu ta cảm thấy thỏa mãn trong lòng, thì ta có thể chịu đựng bất cứ nỗi khổ, khó khăn vật chất nào và chuyển hóa chúng. Vì vậy, giữa nỗi khổ của thể xác và tinh thần, tôi nghĩ nỗi khổ tinh thần nghiêm trọng hơn. Lý do là vì sự an lạc tinh thần có thể xoa dịu khó khăn về vật chất, nhưng thỏa mãn vật chất không thể loại trừ nỗi khổ tinh thần.
Những rắc rối về mặt tinh thần và vấn đề của con người mạnh mẽ và nghiêm trọng hơn những vấn đề này đối với thú vật. Ở phạm vi thể chất, có lẽ nỗi khổ của cả hai đều như nhau, nhưng khi nói đến con người, vì trí thông minh của mình, ta có những sự nghi ngờ, bất an và căng thẳng. Những điều này đưa đến chứng trầm cảm; và tất cả những sự việc này xảy ra chỉ vì trí thông minh siêu việt của chúng ta. Để ngăn chận điều này, ta cũng phải dùng trí thông minh của mình. Về mặt cảm thọ, ngay lúc vừa phát sinh, một số cảm xúc đã khiến cho ta mất sự an lạc. Trái lại, một số cảm xúc lại giúp cho ta mạnh mẽ hơn. Chúng là nền tảng của sức mạnh, tự tin, đưa chúng ta đến một tâm thức bình an, tĩnh lặng hơn.
Hai Phạm Trù của Cảm Xúc
Thế thì có hai phạm trù của cảm xúc. Một loại rất có hại cho tâm thức an lạc và đây là những cảm xúc tàn phá như giận dữ, thù hận. Chúng không chỉ hủy diệt sự an lạc của ta ngay trong khoảnh khắc này, mà chúng còn tạo ra rất nhiều tai hại cho cơ thể và lời nói của ta. Nói một cách khác, chúng ảnh hưởng đến hành động của ta. Chúng khiến ta gây ra tổn hại và vì thế, chúng là những cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, những cảm xúc khác như lòng bi mẫn cho ta niềm an lạc và sức mạnh nội tâm. Ví dụ, chúng mang đến cho ta năng lực tha thứ. Ngay cả khi ta gặp rắc rối với ai vào một lúc nào đó, sự tha thứ cuối cùng sẽ hướng ta đến sự tĩnh lặng, để có được tâm an lạc. Thậm chí người mà chúng ta vô cùng tức giận có thể trở thành bạn thân của mình.
Hòa Bình Ngoại Tại
Khi ta nói đến hòa bình, ta phải đề cập đến những cảm xúc và bình an nội tại. Thế nên ta phải nhận diện những cảm xúc nào đem lại sự bình an nội tại. Tuy nhiên, trước hết, tôi muốn nói một vài điều về hòa bình ngoại tại.
Hòa bình bên ngoài không chỉ đơn thuần là sự vắng bóng của bạo động. Có lẽ trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, rõ ràng là chúng ta có hòa bình, nhưng nền hòa bình ấy được căn cứ trên sự sợ hãi, lo ngại về sự hủy diệt hàng loạt của chiến tranh nguyên tử. Đôi bên đều sợ phía bên kia ném bom vào nước họ, thế nên, đây không phải là hòa bình thật sự. Nền hòa bình chân thật phải xuất phát từ sự bình an trong nội tâm. Mỗi khi có sự xung đột, tôi cảm thấy rằng chúng ta phải tìm một giải pháp an hòa và có nghĩa là ta cần có sự đối thoại. Thế nên hòa bình liên quan rất nhiều với sự nồng hậu và tôn trọng đời sống của người khác, tránh làm tổn hại cho tha nhân, với quan niệm rằng đời sống của người khác cũng thiêng liêng như của chính mình. Chúng ta cần tôn trọng điều này, và trên cơ sở ấy, nếu ta cũng có thể giúp đỡ người khác, thì ta nên nỗ lực hoạt động.
Khi chúng ta đối diện với khó khăn và ai đó ra tay giúp đỡ mình, dĩ nhiên chúng ta cảm kích điều ấy. Nếu người nào khác đang đau khổ và chúng ta chỉ cần mở rộng sự cảm thông giữa con người với nhau thôi, người ấy cũng sẽ cảm kích điều này và cảm thấy rất hạnh phúc. Thế thì nhờ có lòng bi mẫn và bình an nội tại mà tất cả mọi hành vi trở nên an hòa. Nếu ta có thể thiết lập được tâm bình an, thì ta cũng có thể đem lại hòa bình ngoại tại.
Là con người, chúng ta luôn luôn có những quan điểm khác nhau trong sự giao tiếp với nhau. Tuy nhiên, căn cứ trên những khái niệm manh mẽ về “tôi” và “họ”, rồi thì thêm vào đó, chúng ta có những quan niệm về “quyền lợi của tôi” và “quyền lợi của bạn”. Trên căn bản ấy, thậm chí ta có thể lâm vào chiến tranh. Ta nghĩ rằng sự điêu tàn của kẻ thù sẽ mang lại chiến thắng cho mình. Thế nhưng, hiện nay lại có một thực tại mới. Chúng ta có một sự tương quan chặt chẽ với nhau về quan điểm sinh thái và kinh tế. Thế nên, những khái niệm về “chúng ta” và “họ” không còn thích hợp nữa. Những người mà ta xem như “họ”, bây giờ trở nên một thành phần của “chúng ta.” Vì vậy, nhân tố chính để phát triển sự bình an trong tâm thức là lòng bi mẫn, căn cứ trên sự thừa nhận rằng chúng ta là sáu tỷ người trên hành tinh này, và tất cả mọi người đều có quyền hưởng thụ sự an lạc hạnh phúc. Căn cứ vào điều này, chúng ta tiếp nhận mọi người một cách nghiêm chỉnh, và trên cơ sở ấy, ta có thể thiết lập một nền hòa bình ngoại tại.
Khởi Đầu ở Mức Độ Thấp
Thế thì vì hòa bình, chúng ta cần phải phát triển tâm an lạc cho chính mình, rồi cho gia đình của mình và tiếp đến, cho cộng đồng của mình. Thí dụ, ở Mễ Tây Cơ, một người bạn của tôi đã phát triển một “Vùng Hòa Bình” trong cộng đồng của ông ấy. Ông thiết lập điều này với sự thỏa hiệp của mọi người trong cộng đồng của ông. Mọi người đều đồng ý cố gắng tránh bạo động trong Vùng Hòa Bình này. Nếu họ phải đấu tranh hay bất đồng ý kiến, họ đều chấp thuận sẽ ra khỏi ranh giới của vùng ấy. Điều này rất tốt.
Việc đòi hỏi hòa bình cho thế giới là một việc khó khăn, mặc dù cuối cùng ở cấp độ hoàn cầu, đây là điều tốt nhất. Tuy nhiên, việc thực tiễn hơn là ta bắt đầu ngay bây giờ, ở một mức độ thấp với chính mình, với gia đình, cộng đồng, cấp quận và v.v… bằng cách thiết lập những khu vực như vùng hòa bình. Thế thì sự bình an nội tại liên quan đến lòng bi mẫn rất nhiều.
Thật ra mọi việc hiện nay đang thay đổi rất nhiều trên thế giới. Tôi nhớ vài năm trước đây, một người bạn người Đức của tôi, ông Friedrich von Weizsäcker đã quá cố, người mà tôi xem như một vị thầy của mình, đã nói với tôi rằng, khi ông còn trẻ, từ nhãn quan của mỗi một người Đức, họ xem người Pháp như kẻ thù, và từ nhãn quan của mỗi một người Pháp, thì người Đức là kẻ thù của họ. Nhưng sự việc giờ đây đã khác. Hiện nay, chúng ta đã có một lực lượng thống nhất, đó là Liên Hiệp Âu châu. Điều này tốt đẹp vô cùng. Trước đây, mỗi quốc gia, từ quan điểm của riêng họ, xem chủ quyền của mình vô cùng quý giá. Nhưng giờ đây đã có một thực tại mới ở Âu châu; quyền lợi chung trở nên quan trọng hơn quyền lợi riêng của một cá thể. Nếu kinh tế cải thiện, mỗi quốc gia thành viên đều hưởng lợi. Vì thế, hiện nay, điều quan trọng là mở rộng tư tưởng này đến sáu tỷ người trên hành tinh này. Chúng ta cần nghĩ đến mỗi người như thành viên của một gia đình nhân loại to lớn.
Tâm Bi như một Nhân Tố Sinh Học
Nói về lòng bi mẫn, tất cả những động vật có vú đều được sinh ra từ những bà mẹ và v.v... – sự phát triển của chúng tùy thuộc vào việc tiếp nhận sự thương yêu và chăm sóc của mẹ. Điều này là sự thật, ngoại trừ một vài chủng loại như rùa biển, bươm bướm, cá hồi, vì chúng chết sau khi đẻ trứng - những loài vật này có một chút ngoại lệ. Ví dụ về rùa biển. rùa mẹ đẻ trứng trên bờ biển và sau đó bỏ đi; thế nên sự sống còn của những con rùa con hoàn toàn tùy thuộc vào nỗ lực của riêng chúng. Chúng không cần tình cảm của bà mẹ mà vẫn tồn tại. Vì vậy, tôi nói với một số thính chúng rằng ta sẽ có một cuộc thí nghiệm khoa học rất thú vị, khi một trứng rùa nở, ta để rùa con và rùa mẹ bên cạnh nhau để xem chúng có tình cảm với nhau hay không. Tôi không nghĩ là chúng sẽ bộc lộ tình cảm với nhau. Thiên nhiên đã tạo ra chúng như thế, nên chúng không cần có tình cảm giữa mẹ con. Nhưng đối với những động vật có vú, đặc biệt là con người, nếu không có sự chăm sóc của bà mẹ, thì tất cả chúng ta đều sẽ chết.
Việc chăm sóc một đứa bé đòi hỏi một số cảm xúc, đó là lòng bi mẫn, thương yêu và sự quan tâm, chăm sóc. Các nhà khoa học nói rằng trong khoảng thời gian vài tuần lễ sau khi ra đời, sự tiếp xúc với người mẹ là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển não bộ của đứa bé. Chúng ta để ý rằng những đứa bé sống trong một gia đình ấm cúng, đầy tình cảm và yêu thương, có khuynh hướng vui vẻ hơn. Thậm chí chúng khỏe mạnh hơn về mặt thể chất. Còn những đứa bé thiếu sự yêu thương, đặc biệt là khi chúng còn nhỏ, có khuynh hướng gặp nhiều khó khăn.
Một số nhà khoa học đã từng làm các thí nghiệm bằng cách tách rời những con khỉ con khỏi mẹ chúng, và họ nhận xét rằng những con khỉ con ấy luôn luôn không được vui và hay đánh nhau. Chúng không nô đùa vui vẻ với nhau. Còn những khỉ con được giữ bên cạnh mẹ thì vui tươi và nô đùa vui vẻ với nhau. Và đặc biệt là trẻ con khi thiếu tình cảm lúc thơ ấu thì chúng có khuynh hướng trở nên lạnh lùng. Chúng gặp khó khăn trong việc biểu lộ tình cảm đối với người khác, và trong nhiều trường hợp, chúng trở nên hung bạo với người xung quanh. Vì thế mà tình cảm là một nhân tố sinh học, một nhân tố sinh học căn bản.
Hơn nữa, tôi nghĩ vì lòng bi và các cảm xúc liên hệ đến phạm vi sinh học vật lý của con người, theo một số nhà khoa học cho biết, nếu chúng ta có sự giận dữ, thù hằn và sợ hãi liên tục, điều này sẽ ăn mòn hệ thống miễn nhiễm của chúng ta và nó trở nên yếu ớt hơn. Tuy nhiên, lòng từ bi thì hỗ trợ và tăng cường hệ thống miễn nhiễm của chúng ta.
Lấy một thí dụ khác nữa. Nếu chúng ta nhìn trên lãnh vực y học, nếu có sự tin tưởng giữa các y tá, bác sĩ và các bệnh nhân, thì đây là điều quan trọng đối với sự cải thiện sức khỏe của bệnh nhân. Thế thì nền tảng của sự tin tưởng là gì? Nếu về phía bác sĩ và y tá có một sự quan tâm chân thành và chăm sóc cho bệnh nhân sớm bình phục, thì người bệnh sẽ có sự tin tưởng. Trái lại, thậm chí khi bác sĩ là một nhà chuyên môn, nhưng nếu họ đối xử với bệnh nhân như những cái máy, thì người bệnh sẽ có rất ít tin tưởng. Có thể nếu bác sĩ có kinh nghiệm dồi dào, thì cũng có một sự tin tưởng nào đấy, nhưng nếu bác sĩ có lòng từ bi hơn, thì bệnh nhân sẽ có nhiều tin tưởng hơn nữa. Bệnh nhân sẽ có giấc ngủ tốt hơn và ít lo âu hơn. Nếu họ bị giao động ở một mức độ sâu hơn, thì tâm trí họ sẽ rối loạn và điều này ảnh hưởng đến sự bình phục sức khoẻ của họ.
Tuy nhiên, ta không thể tránh khỏi những nan đề trong cuộc sống. Ngài Tịch Thiên (Shantideva), một đạo sư vĩ đại của Phật giáo Ấn Độ, đã khuyên rằng khi đối diện với các vấn đề, chúng ta cần phải phân tích chúng. Nếu ta có thể vượt qua vấn đề bằng một phương pháp nào đó, thì ta không cần lo lắng và chỉ việc áp dụng phương pháp đó là xong. Nhưng nếu ta không thể giải quyết được vấn đề, thì cũng không cần phải lo lắng, vì việc này sẽ không có ích lợi gì cho ta cả. Suy tư về điều này là một việc hữu ích lớn. Ngay cả khi chúng ta có một vấn đề lớn, ta có thể làm cho nó nhỏ lại, nếu chúng ta suy nghĩ theo cách này.
Ngày nào chúng ta còn cần sự chăm sóc của người khác, ví dụ như khi ta là trẻ thơ, ta có được sự thương yêu và bi mẫn từ người lớn. Nhưng khi ta trở nên độc lập hơn khi đã trưởng thành, ta có khuynh hướng cho rằng, để đạt được ý muốn của mình thì sự gây hấn quan trọng hơn lòng bi mẫn. Nhưng tất cả sáu tỷ con người đều được sanh ra từ những bà mẹ. Mọi người có được hạnh phúc và toại nguyện nhờ sự chăm sóc bằng tình thương của mẹ, hay nếu không phải là mẹ, thì cũng là tình thương của ai đấy khi chúng ta là những đứa bé. Tuy nhiên, dần dần, những phẩm chất trở này nên ít ỏi hơn khi chúng ta lớn lên, rồi ta có khuynh hướng xung đột, vì sự bắt nạt xảy ra nhiều hơn, và chúng ta tạo ra nhiều vấn đề hơn.
Thấy Được Thực Tại là Điều Tất Yếu
Khi ta nổi giận và não bộ bị sự sân hận khống chế, một nhà khoa học ở Thụy Điển đã nói với tôi rằng, 90% sự biểu hiện của con người ghê gớm mà chúng ta đang giận hờn là một sự phóng chiếu tinh thần. Nói cách khác, 90% của sự tiêu cực là do tâm ta phóng chiếu mà ra. Điều này cũng tương tự như khi chúng ta có sự luyến ái và khát khao mạnh mẽ đối với một người nào đấy, thì ta thấy người này xinh xắn và đẹp đẽ 100%. Nhưng phần lớn của 100% ấy cũng là một sự phóng chiếu tinh thần, chứ ta không nhìn thấy thực tại. Vì vậy, thấy được thực tại là điều vô cùng quan trọng.
Còn một điểm quan trọng khác, đó là không ai muốn bị rắc rối, nhưng tại sao vấn đề lại phát sinh? Đó là vì sự ngây thơ, mê lầm và cách tiếp cận của chúng ta, vì ta không thấy được thực tại. Từ những quan điểm hạn hẹp của mình, ta không nhìn thấy toàn bộ bức tranh của thực tại. Chúng ta chỉ thấy hai chiều, nhưng như thế thì không đủ. Ta cần có khả năng thấy được sự vật trong ba, bốn hay sáu chiều. Trước tiên, chúng ta cần giữ tâm tĩnh lặng, để khảo sát sự việc một cách khách quan.
Ở đây cũng thế, sự khác nhau giữa các cảm xúc xây dựng và phá hoại là điều quan trọng để ta có thể thấu hiểu tất cả những điểm này. Khi chúng ta trưởng thành, dần dần, những nhân tố sinh học của tâm bi biến mất, nên chúng ta cần sự giáo dục và rèn luyện tâm bi để ủng hộ nó một lần nữa. Tuy nhiên, tâm bi thuộc về yếu tố sinh học thì có sự thiên vị, vì nó căn cứ trên sự tiếp nhận tình thương yêu của người khác. Tuy nhiên, nếu ta sử dụng điều này như nền tảng, rồi bổ sung thêm các yếu tố lý lẽ và khoa học từ sự khảo sát của mình, thì ta sẽ không chỉ duy trì bi tâm ở mức độ sinh học này, mà còn có thể làm cho nó tăng trưởng hơn nữa. Thế nên, với sự rèn luyện và giáo dục, tâm bi thiên vị hạn hẹp có thể trở thành lòng bi mẫn vô hạn không thiên vị, mở rộng cho sáu tỷ con người và hơn thế nữa.
Tầm Quan Trọng của Học Vấn
Học vấn là chìa khóa cho tất cả những điều nêu trên. Nền học vấn hiện đại chú ý đến sự phát triển của bộ não và trí tuệ, nhưng điều này không đủ. Ta còn cần phải phát triển sự nồng hậu trong hệ thống học vấn nữa. Ta cần áp dụng điều này, bắt đầu từ nhà trẻ cho đến trường đại học.
Ở Hoa Kỳ, một số nhà khoa học đã phát triển các chương trình giáo dục để rèn luyện thiếu nhi phát triển thêm lòng bi mẫn và chánh niệm. Điều này không nhắm vào việc giúp các em cải thiện những kiếp sống tương lai và đạt được niết bàn, mà vì lợi ích của đời sống hiện tại. Thậm chí trong vài trường đại học, đã có một vài chương trình giáo dục về việc phát triển tấm lòng nồng hậu và bi mẫn. Lòng bi mẫn không thiên vị này không chú trọng vào thái độ của người khác, mà chỉ đơn thuần vào việc họ đều là những con người. Tất cả chúng ta đều là một thành phần của sáu tỷ người trên hành tinh này, vì vậy, trên căn bản của yếu tố bình đẳng, mọi người đều xứng đáng với lòng bi mẫn của chúng ta.
Giải Trừ Vũ Khí Nội Tại và Ngoại Tại
Thế thì, để có được bình an nội tại và hòa bình thế giới, chúng ta cần có sự giải trừ quân bị bên trong lẫn bên ngoài. Điều này có nghĩa là ở phạm vi nội tại, ta phát triển lòng bi mẫn và dựa trên nền tảng ấy, cuối cùng, ta có thể giải trừ vũ khí ở mọi lãnh vực, ở tất cả các quốc gia, ở phạm vi ngoại tại. Điều này giống như có một lực lượng hợp nhất của Quân Đoàn Châu Âu Pháp – Đức thì thật là tốt đẹp. Nếu như ta có một lực lượng vũ trang hợp nhất cho toàn thể Liên Hiệp Âu châu, thì sẽ không có sự xung đột vũ trang giữa các thành viên nữa.
Một lần ở Brussels, có một cuộc họp của các nhà ngoại trưởng và tôi đã nói rằng trong tương lai, nếu trụ sở chính của Liên Hiệp Âu Châu được di chuyển xa hơn về phía Đông, ở một trong các nước Đông Âu, thí dụ như Ba Lan, thì sẽ có rất nhiều lợi ích. Dần dần, nó mở rộng để bao gồm cả nước Nga thì sẽ rất tốt, rồi cuối cùng thì nên di chuyển trụ sở chính của NATO đến Mạc Tư Khoa. Nếu điều này xảy ra, thì sẽ có hòa bình thật sự và không còn hiểm họa chiến tranh ở Âu châu nữa. Hiện nay, có một vài khó khăn giữa Nga và Georgia, nhưng chúng ta cần giữ sự hy vọng.
Trên cơ sở của một nền hòa bình mở rộng hơn, thì nền công nghiệp quân sự ở Pháp quốc chẳng hạn, cuối cùng có thể đóng cửa, và chúng ta có thể chuyển nền kinh tế sang các phương diện sản xuất nhiều hơn. Thay vì sản xuất xe thiết giáp, các nhà máy có thể được thay đổi để chế tạo xe ủi đất, thí dụ vậy!
Các quốc gia Phi châu cũng rất cần sự giúp đỡ của chúng ta. Khoảng cách giữa giàu và nghèo là một vấn nạn lớn, không chỉ trên bình diện toàn cầu, mà còn ở phạm vi quốc gia nữa, khoảng cách giữa giàu và nghèo này thật vô cùng đáng sợ. Thí dụ như ở Pháp, có một sự tương phản lớn giữa người giàu và người nghèo. Thậm chí một số người còn phải đối diện với nạn đói. Nhưng tất cả chúng ta là con người và đều có những hy vọng, nhu cầu và khó khăn như nhau. Chúng ta cần quan tâm đến tất cả những điều này để phát triển hòa bình qua sự bình an nội tại.