Các Truyền Thống Phật Giáo Tây Tạng Khác Nhau Như Thế Nào?

Bốn truyền thống Tây Tạng có nhiều điểm chung, với hầu hết sự khác biệt bắt nguồn từ cách diễn dịch của họ về tánh Không, và cách tâm vận hành. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét một số điểm tương đồng và khác biệt giữa các phái Nyingma, Sakya, Kagyu và Gelug.

Truyền Thống Tu Viện

Trong 18 trường phái khác nhau của Tiểu thừa đã được phát triển ở Ấn Độ, hiện nay, chỉ có ba dòng truyền thừa giới luật chính của giới xuất gia là còn tồn tại. Đó là: 

  • Phật giáo Nguyên thủy – ở Đông Nam Á
  • Pháp Tạng Bộ – ở Tây Á
  • Nhất Thiết Hữu Căn Bổn – ở Tây Tạng và Trung Á

Tất cả bốn truyền thống Tây Tạng đều có chung dòng truyền thừa Nhất Thiết Hữu Căn Bổn (Mulasarvastivada) cho giới tỳ kheo và tỳ kheo ni, và tất cả bốn truyền thống đều có hành giả tại gia. Tuy nhiên, giống như Phật giáo Nguyên thủy (Theravada), Nhất Thiết Hữu Căn Bổn không còn giới tỳ kheo ni nữa, mà chỉ có Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka) mới có giới này, vì dòng truyền thừa này không bao giờ được ban truyền đến Tây Tạng.

Truyền thống Nyingma cũng có các vị ngagpa (mantrika). Các vị ngagpa giữ nhiều Mật giới, chuyên hành thiền và thực hiện nghi lễ cho giới cư sĩ. Việc trở thành một ngagpa chưa bao giờ là cách thay thế cho tổ chức tu viện, nên những vị này luôn luôn rất hiếm hoi.

Tu Học, Nghi Lễ Và Hành Thiền

Tất cả bốn truyền thống Tây Tạng kết hợp việc nghiên cứu Kinh điển và Mật điển với nghi lễ và hành thiền. Giáo dục nhà Phật trong mỗi một truyền thống đòi hỏi việc học thuộc lòng kinh sách từ bốn hệ thống học thuyết Ấn Độ, và tranh biện về ý nghĩa của chúng. Sự khác biệt trong cách diễn dịch các điểm vi tế không chỉ xuất hiện trong bốn trường phái Tây Tạng, mà ngay cả trong mỗi một trường phái, trong các sách vở khác nhau. Những sự khác biệt như vậy khiến cho các cuộc tranh biện trở nên sôi nổi, và người ta sẽ hiểu rõ hơn.

Sau khi hoàn thành việc học, các hành giả Gelugpa sẽ nhận được danh hiệu “Geshe”, và ba truyền thống khác thì nhận danh hiệu “Khenpo”. “Khenpo” cũng là danh hiệu được ban cho các vị Trụ trì. Tất cả bốn truyền thống cũng có hệ thống “tulku” của các Lạt ma tái sinh. Các tulku và các vị Trụ trì đều nhận được danh hiệu “Rinpoche”, không cần biết trình độ học vấn của họ ra sao.

Hành trì nghi lễ trong cả bốn truyền thống bao gồm việc tụng niệm, kèm theo chập chỏa, trống, kèn, điêu khắc và cúng dường torma hình nón, những chiếc bánh làm bằng bột lúa mạch và bơ. Phong cách tụng niệm và âm nhạc nói chung thì giống nhau, mặc dù việc trì tụng trong cổ họng bằng âm bội được các nhà sư trong phái Gelug áp dụng thường xuyên hơn.

Cả bốn truyền thống đều hướng dẫn tín đồ tu tập pháp tu sơ khởi ngondro, hành trì mỗi pháp tu khác nhau 100,000 lần, chẳng hạn như lễ lạy và guru-yoga (bổn sư du già). Tuy nhiên, những bài trì tụng và con số cụ thế dành cho các pháp tu thì hơi khác nhau. Thiền trong mỗi truyền thống bao gồm pháp tu hàng ngày, các khóa nhập thất ngắn trong vài tháng, và nhập thất ba năm. Hầu hết thì chúng khác nhau về mặt khi nào thì các hành giả sẽ nhập thất. Các hành giả Sakya, Nyingma và Kagyu có xu hướng tu tập ngondro và nhập thất sớm hơn trên đường tu của họ, trong khi các hành giả Gelugpa thì thực hành ngondro trễ hơn trên đường tu.

Định Nghĩa Và Quan Điểm

Một vài sự khác biệt chính trong lời giải thích mà bốn truyền thống đưa ra về giáo pháp bắt nguồn từ cách định nghĩa và sử dụng thuật ngữ chuyên môn của họ, cũng như từ việc trình bày giáo pháp từ những quan điểm khác nhau.

Chẳng hạn, cặp “thường hằng/vô thường” có thể có nghĩa là tĩnh tại/không tĩnh tại, hay vĩnh cửu/tạm thời. Khi các hành giả Gelug nói rằng tâm vô thường, thì họ đang đề cập đến sự kiện tâm mình nhận thức những đối tượng khác nhau trong từng sát na, nên chúng không bao giờ tĩnh tại. Mặt khác, khi các hành giả phái Kagyu và Nyingma giải thích rằng tâm thường hằng, thì họ đang đề cập đến sự kiện bản tánh của tâm không bao giờ thay đổi, và vô thỉ, vô chung. Tuy nhiên, cả hai bên đều đồng ý với những sự khẳng định khác của các hành giả từ trường phái kia, dù lập trường của họ về tính vô thường hay thường hằng của tâm thì trái ngược nhau trên bề mặt.

Một điểm khác biệt nữa là Gelug giải thích giáp pháp theo quan điểm của chúng sinh phàm trần, Sakya giải thích theo quan điểm của thánh nhân có chứng ngộ cao trên đường tu, trong khi Kagyu và Nyingma thì giải thích theo quan điểm của bậc giác ngộ. Vậy thì, chẳng hạn như phái Gelug nói rằng tâm vi tế nhất vẫn có những tập khí của vô minh, như vào phút lâm chung; còn phái Sakya thì nói rằng nó hỷ lạc, như nó được phát khởi trên đường tu; trong khi Kagyu và Nyingma thì giải thích rằng nó đã viên mãn và hoàn hảo rồi, như trong trường hợp của chư Phật. Hơn nữa, Gelug và Sakya giải thích từ quan điểm của các hành giả có tiến triển tu tập chậm rãi trong các giai đoạn, trong khi Kagyu và Nyingma thường trình bày đường tu như cách nó xảy ra với các hành giả hiếm hoi mà “mọi việc đều xảy ra trong cùng một lúc” đối với họ.

Giải Thích Và Cách Thiền Quán Về Tánh Không

Cả bốn truyền thống đều đồng ý rằng giải thích về tánh Không – Không tướng của sự tồn tại thật sự được thiết lập - được nêu ra trong kinh sách Trung đạo là thậm thâm nhất. Tuy nhiên, họ khác nhau về cách phân chia Trung đạo thành các trường phái nhỏ, và cách mà những trường phái nhỏ này khác nhau. Điểm cuối cùng là để đạt được nhận thức vô niệm về tánh Không - với mức độ tâm thô trọng trong Kinh điển, và tâm thanh quang vi tế nhất, hay rigpa, tánh giác thanh tịnh trong Mật điển cao nhất. Điều này có nghĩa là đạt được cả hai yếu tố, một tâm trạng nào đó, và một đối tượng nào đó, tánh Không, như đối tượng của nó. Gelug nhấn mạnh việc hành thiền về phía đối tượng, trong khi Sakya, Kagyu và Nyingma nhấn mạnh về phía tâm thức.

Mỗi truyền thống cũng dạy những phương pháp riêng của mình, để thành tựu sự hiểu biết vô niệm, để tiếp cận và kích hoạt tâm vi tế nhất. Cái mà Gelug gọi là vô niệm, thì Sakya, Kagyu và Nyingma gọi là “vượt qua ngôn từ và khái niệm”.

Đối với mối quan hệ giữa tâm và đối tượng của nó, thì phái Gelug giải thích rằng mình chỉ có thể giải thích sự tồn tại của các đối tượng như là điều gì mà ngôn từ và khái niệm dành cho chúng nói đến; nhưng dĩ nhiên, việc định danh bằng khái niệm và chỉ định bằng ngôn từ sẽ không tạo ra đối tượng nào mình có thể tìm thấy. Sakya, Kagyu và Nyingma nhấn mạnh tính bất nhị của tâm và đối tượng của nó; nhưng điều đó không có nghĩa là cả hai giống hệt nhau. Đúng hơn là chúng không thể tồn tại độc lập với nhau. Điều này được gọi là tính bất khả phân của tâm và hiện tướng. Hai lập trường của các trường phái Tây Tạng không mâu thuẫn với nhau.

Hơn nữa, cả hai bên đều đồng ý rằng khi phân tích, thì không có điều gì có thể được tìm thấy, tự nó tồn tại một cách hoàn toàn độc lập, tự thiết lập sự tồn tại từ phía nó; tuy nhiên, nhân và quả vẫn vận hành. Gelug giải thích rằng hiện tướng của sự tồn tại thật sự được thiết lập giống như ảo ảnh, ở chỗ chúng không tương ứng với bất cứ điều gì có thật; trong khi ba truyền thống kia nhấn mạnh rằng trên thực tế thì sự tồn tại thật sự được thiết lập chỉ là một ảo ảnh.

Lý Thuyết Nhận Thức

Các trường phái không phải là phái Gelug nói rằng những gì mình cảm nhận một cách vô niệm chỉ là điều gì có thể được cảm nhận - dữ liệu của một giác quan, chẳng hạn như hình dạng có màu sắc theo thị giác của mình. Hơn nữa, trong mỗi một lúc thì mình chỉ nhận thức được một sát na. Tuy nhiên, các đối tượng quy ước có thể được nhận thức bằng nhiều giác quan khác nhau: chúng ta có thể biết một quả táo bằng thị giác, khứu giác, vị giác hoặc xúc giác trên tay mình, và thông qua một loạt sát na nhận thức. Vì vậy mà Sakya, Kagyu và Nyingma khẳng định rằng mình chỉ có thể nhận biết các đối tượng quy ước, như một quả táo, bằng khái niệm. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là táo chỉ tồn tại trong tâm khái niệm, nhưng mình chỉ có thể biết chúng nhờ những cấu trúc khái niệm.

Phái Gelug khẳng định rằng ngay cả khi trong vô niệm thì mình không chỉ thấy một sát na của các hình dạng có màu sắc, mà trong mỗi sát na, còn thấy các đối tượng quy ước như táo, có thể được biết nhờ những giác quan khác nhau, và tồn tại theo thời gian. Mối quan hệ giữa tư tưởng khái niệm và các đối tượng quy ước không phải là đối tượng chỉ có thể được biết bằng khái niệm, mà cũng không phải là chúng chỉ là sự sáng tạo của tư tưởng khái niệm. Đúng hơn thì mình chỉ có thể nói về sự tồn tại của chúng về mặt định danh bằng khái niệm, như đã giải thích ở trên. Do đó, cả hai bên đều đồng ý rằng việc hiểu biết vai trò của tư tưởng khái niệm trong cách nhận thức về thế giới của mình là điều thiết yếu, để khắc phục và đoạn trừ tâm mê lầm và vô minh về thực tại mãi mãi, là nguyên nhân sâu xa nhất của mọi nỗi khổ.

Tóm Tắt

Điều rất quan trọng là noi theo cách tiếp cận bất bộ phái, như Đức Dalai Lama luôn nhấn mạnh. Không cần phải có tâm lý của một đội bóng đá đối với dòng truyền thừa, khi nghĩ rằng dòng truyền thừa này tốt hơn dòng truyền thừa kia. Pháp đối trị tốt nhất đối với tinh thần bộ phái là giáo dục. Càng học hỏi nhiều hơn về các truyền thống khác nhau, thì ta càng thấy cách mà tất cả các truyền thống đều ăn khớp với nhau ra sao, ngay cả khi chúng thường mô tả mọi việc một cách rất khác biệt. Nhờ vậy mà mình có thể tôn trọng giáo pháp từ tất cả các dòng truyền thừa.

Top