Đạo Phật Ở Ấn Độ, Trước Sự Xâm Lăng Vào Thế Kỷ 13

Dẫn Nhập

Hai chữ Tiểu thừa (Theg-dman) và Đại thừa (Theg-chen), có nghĩa là cỗ xe khiêm tốn hay “nhỏ hơn”, và cỗ xe “lớn hơn”, xuất hiện lần đầu trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Sher-phyin-gyi mdo, Phạn ngữ: Prajnaparamita Sutras; The Perfection of Wisdom Sutras), như một cách biểu hiện tính thù thắng của Đại thừa. Trong lịch sử, có 18 trường phái ra đời trước Đại thừa, mỗi trường phái có phiên bản hơi khác nhau về giới luật (‘dul-ba, Phạn ngữ: Vinaya). Mặc dù một số người đã đề nghị một danh xưng khác, để chỉ toàn bộ 18 trường phái, nhưng chúng ta sẽ sử dụng thuật ngữ Tiểu thừa thường được biết đến nhiều hơn, mà không có ý xấu nào.

[Xem: Thuật Ngữ Tiểu thừa và Đại thừa]

Phật giáo Nguyên thủy (gNas-brtan smra-ba, Phạn ngữ: Sthaviravada) là trường phái duy nhất trong số 18 trường phái Tiểu thừa mà hiện nay còn tồn tại. Phật giáo Nguyên thủy hưng thịnh ở Tích Lan (Sri Lanka) và Đông Nam Á. Khi kinh sách Đại thừa Ấn Độ và Tây Tạng trình bày quan điểm triết học của các trường phái Tỳ Bà Sa Bộ (Vaibhashika; Bye-brag smra-ba) và Kinh Lượng Bộ (Sautrantika; mDo-sde-pa), thì hai trường phái Tiểu thừa này là các nhánh của Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivada; Thams-cad yod-par smra-ba), một trong số 18 trường phái. Giới luật của tu viện Tây Tạng bắt nguồn từ trường phái Nhất Thiết Hữu Căn Bổn (Mulasarvastivada; gZhi thams-cad yod-par smra-ba), một nhánh khác của Nhất Thiết Hữu Bộ. Vì vậy nên không được nhầm lẫn giữa khai thị của Tây Tạng về Tiểu thừa và Phật giáo Nguyên thủy.

Các truyền thống Phật giáo Đông Á tuân theo giới luật tu viện từ trường phái Pháp Tạng Bộ (Dharmaguptaka; Chos-srung sde), một trong số 18 trường phái này.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Hoàng tử Tất Đạt Đa (Siddhartha), người đã trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sống ở miền Trung Bắc Ấn Độ từ năm 566 đến 486 trước Công nguyên. Sau khi đạt giác ngộ vào 35 tuổi, Ngài đã lang thang như một khất sĩ, giáo hóa cho chúng sinh. Một cộng đồng gồm những người tìm cầu mục tiêu tâm linh, sống đời tiết dục đã sớm đi theo Ngài, và tháp tùng với Ngài, khi Đức Phật vân du khắp nơi. Cuối cùng, khi nhu cầu phát sinh thì Ngài đã đặt ra giới luật cho cộng đồng này. Các “nhà sư” đã tề tựu mỗi tháng bốn lần, để tụng các giới này, và tịnh hóa bất cứ việc phạm giới nào đã xảy ra.

Khoảng hai mươi năm sau khi giác ngộ, Đức Phật bắt đầu phong tục cho các nhà sư an cư tại một nơi trong mỗi năm, như một khóa an cư kiết hạ trong ba tháng. Việc xây dựng các tu viện Phật giáo đã phát triển từ phong tục này. Vài năm trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật cũng khởi đầu truyền thống ni đoàn.

[Xem: Cuộc Đời Của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni]

Hội Đồng Phật Giáo Thứ Nhất

Đức Phật đã thuyết Pháp bằng thổ ngữ Prakrit (Tha-mal-pa) của Ma Kiệt Đà (Magadha; Yul Ma-ga-dha), nhưng không có điều gì được viết thành sách vở trong suốt đời Ngài. Trên thực tế, giáo huấn của Đức Phật chỉ được ghi chép lần đầu tiên vào đầu thế kỷ thứ Nhất trước Công nguyên, và những điều đó được trường phái Phật giáo Nguyên thủy thực hiện. Chúng được viết ở Tích Lan bằng ngôn ngữ Pali. Trong những thế kỷ trước đó, các nhà sư đã bảo tồn giáo huấn của Đức Phật bằng cách ghi nhớ và trì tụng chúng theo định kỳ.

Tục lệ trì tụng lời Phật dạy bằng ký ức bắt đầu vài tháng sau khi Đức Phật nhập Niết bàn. Điều này xảy ra trong Hội Đồng Phật Giáo Thứ Nhất, được tổ chức tại Rajagrha (rGyal-po'i khab, là Rajgir, Vương Xá ngày nay), có năm trăm đệ tử tham dự. Những bài tường thuật truyền thống viết rằng tất cả những người tham gia là các vị A la hán (arhats; dgra-bcom-pa), những bậc giải thoát.

Theo phiên bản Tỳ Bà Sa Bộ thì ba trong số các vị A la hán đã tụng các giáo huấn từ trí nhớ của các ngài. Nếu tất cả các thành viên khác trong hội đồng nhất trí rằng những điều các vị này tụng là chính xác với lời Phật dạy, thì nó sẽ xác nhận giáo huấn ấy là chính xác.

  • Tôn giả A Nan (Ananda, Kun-dga'-bo) đã tụng Kinh điển (mdo) - những bài thuyết Pháp liên quan đến nhiều chủ đề tu tập. 
  • Tôn giả Ưu Bà Ly (Upali; Nye-bar 'khor) đã tụng Giới luật (Vinaya) - giới luật tăng đoàn.
  • Tôn giả Đại Ca Diếp (Mahakashyapa; 'Od-bsrung chen-po) đã tụng A tỳ đạt ma (abhidharma; chos mngon-pa), liên quan đến các chủ đề kiến thức đặc biệt.

Ba nhóm giáo huấn của Đức Phật đã tạo thành Tam Tạng Kinh Điển (sDe-snod gsum, Phạn ngữ: Tripitaka, Three Baskets).

  • Luật Tạng chứa đựng giáo huấn về Giới vô lậu học.
  • Kinh Tạng, gồm có giáo huấn về Định vô lậu học.
  • Luận Tạng, giáo huấn về Tuệ vô lậu học.

Bài tường thuật của Tỳ Bà Sa Bộ bao gồm những điểm trong giáo huấn A tỳ đạt ma của Đức Phật, đã không được tụng trong Hội Đồng Kết Tập Kinh điển lần thứ Nhất. Một số đã được truyền khẩu ngoài thẩm quyền của hội đồng, và được bổ sung thêm về sau.

Theo phiên bản của Kinh Lượng Bộ thì giáo pháp A tỳ đạt ma được tụng trong hội đồng không phải là lời Phật dạy. Bảy tác phẩm A tỳ đạt ma bao gồm trong Luận Tạng thật ra là được bảy vị A la hán trong số các vị A la hán này sáng tác.

Hội Đồng Phật Giáo Thứ Hai Và Việc Sáng Lập Trường Phái Đại Chúng Bộ

Hội Đồng Phật Giáo Thứ Hai đã diễn ra với một hội chúng gồm bảy trăm nhà sư, tại Tỳ Xá Ly (Vaishali; Yangs-pa-can) vào năm 386, hay 376 trước Công nguyên. Mục tiêu của hội đồng là giải quyết mười vấn đề liên quan đến giới luật. Quyết định chính được thống nhất là các nhà sư không được phép nhận vàng. Trong điều kiện ngày nay, điều này có nghĩa là các nhà sư không được phép dùng tiền. Sau đó, hội đồng đã tụng Giới Tạng, để xác nhận lại tánh thanh tịnh của nó.

Theo bài tường thuật của Phật giáo Nguyên thủy thì sự chia rẽ đầu tiên trong tăng đoàn xảy ra trong hội đồng này. Các nhà sư không hài lòng đã rời bỏ hội đồng, để thành lập trường phái Đại Chúng Bộ (Mahasanghika; dGe-'dun phal-chen-po), trong khi các vị trưởng lão còn lại đã được biết như trường phái Phật giáo Nguyên thủy (Theravada). Theo tiếng Pali thì chữ “Theravada” có nghĩa là “tín đồ của chư trưởng lão”. “Mahasanghika” nghĩa là “cộng đồng đa số”.

Theo những bài tường thuật khác thì sự phân chia đã xảy ra về sau, vào năm 349 trước Công nguyên. Đề tài tranh luận không phải là vấn đề giới luật, mà là quan điểm triết học. Sự bất đồng liên quan đến việc một vị A la hán, một bậc giải thoát, có bị hạn chế hay không.

  • Các trưởng lão Phật giáo Nguyên Thủy thừa nhận rằng A la hán có sự hạn chế về kiến thức. Chẳng hạn như khi đi xa thì các ngài có thể không biết đường, và có thể nhờ người khác chỉ dẫn đường đi. Tuy nhiên, các ngài biết tất cả mọi điều về giáo pháp. Thậm chí, A la hán có thể nghi ngờ thành tựu của chính mình, dù các ngài sẽ không rơi trở lại tình trạng trước khi giải thoát. Tuy nhiên, Phật giáo Nguyên thủy nhấn mạnh rằng A la hán hoàn toàn dứt sạch phiền não, chẳng hạn như dục vọng.
  • Nhóm Đại Chúng Bộ hay “nhóm đa số” thì không đồng ý về vấn đề phiền não. Họ khẳng định rằng A la hán vẫn có thể bị quyến rũ trong giấc mơ, và xuất tinh về đêm, bởi vì A la hán vẫn còn dấu vết của dục vọng. Do đó, Đại Chúng Bộ đã phân biệt rõ ràng giữa một A la hán và một vị Phật.

Các tín đồ của trường phái Phật giáo Nguyên thủy đã đi về vùng phía Tây của Bắc Ấn Độ. Các tín đồ Đại Chúng Bộ đã đi về vùng phía Đông của Bắc Ấn Độ, rồi lan truyền đến Andhra, ở phía Đông của Nam Ấn Độ. Chính ở đó, tại Andhra mà Đại thừa đã xuất hiện sau này. Các học giả Tây phương xem Đại Chúng Bộ là tiền thân của Đại thừa.

Hội Đồng Phật Giáo Thứ Ba, Và Sự Sáng Lập Của Hai Trường Phái Nhất Thiết Hữu Bộ Và Pháp Tạng Bộ

Vào năm 322 trước Công nguyên, Chandragupta Maurya đã thành lập Đế chế Maurya ở trung tâm của Bắc Ấn Độ, nơi được gọi là Ma Kiệt Đà, quê hương của đạo Phật. Đế chế nhanh chóng phát triển đến mức tối đa dưới sự cai trị của Hoàng đế A Dục (Ashoka, Mya-ngan med-pa), 268 - 232 trước Công nguyên. Trong thời của ngài, Đế chế Maurya trải dài từ miền Đông A Phú Hãn (Afghanistan) và Balochistan ngày nay đến Assam, và bao trùm hầu hết miền Nam Ấn Độ.

Trong triều đại của Hoàng đế A Dục, vào năm 237 trước Công nguyên thì trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ cũng đã tách ra khỏi Phật giáo Nguyên thủy, vì vấn đề triết học. Vào lúc sự rạn nứt này xảy ra thì Phật giáo Nguyên thủy mở Hội Đồng Phật Giáo Thứ Ba, được tổ chức dưới sự bảo trợ của đế quốc tại thủ đô Maurya, Pataliputra, ngày nay là Patna. Tuy nhiên, họ lại ghi nhận rằng hội đồng này đã diễn ra vào năm 257 trước Công nguyên, 20 năm sớm hơn, so với kỷ lục của Nhất Thiết Hữu Bộ về sự chia rẽ giữa hai bên. Theo Phật giáo Nguyên thủy thì đó là vì chỉ sau khi hội đồng này tái khẳng định tính thanh tịnh của tri kiến Phật giáo Nguyên thủy thì đến năm sau, Hoàng đế A Dục mới gởi đoàn truyền giáo để giới thiệu đạo Phật đến những vùng đất mới, cả trong đế chế của mình, và hơn thế nữa. Nhờ có đoàn truyền giáo này mà Phật giáo Nguyên thủy đã được giới thiệu đến Pakistan ngày nay (Gandhara và Sindh), Đông Nam A Phú Hãn (Bactria), Gujarat, vùng phía Tây của Nam Ấn Độ, Tích Lan và Miến Điện. Sau khi Hoàng đế A Dục băng hà thì con trai của ông là Jaloka đã giới thiệu trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ cho Kashmir. Từ đó, cuối cùng thì trường phái này đã lan truyền sang A Phú Hãn ngày nay.

Dù cho hội đồng diễn ra vào lúc nào, thì công việc chính là phân tích giáo pháp của Đức Phật, và bác bỏ những gì mà các trưởng lão Phật giáo Nguyên thủy chính thống xem là tri kiến sai lầm. Vị Sư Trưởng của hội đồng, Moggaliputta Tissa, đã biên soạn những lời phân tích bác bỏ này trong Những Điểm Tranh Luận (tiếng Pali: Kathavatthu), trở thành tác phẩm thứ năm trong bảy tác phẩm trong Luận Tạng của Phật giáo Nguyên thủy.

Các truyền thống Tiểu thừa khác không ghi nhận lại hội đồng này theo cách tương tự như Phật giáo Nguyên thủy. Trong trường hợp nào thì một trong những điểm triết học chính, đã tạo ra sự chia rẽ là sự tồn tại của các pháp trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

  • Nhất Thiết Hữu Bộ khẳng định rằng tất cả các pháp đều tồn tại - những pháp không còn xảy ra, các pháp hiện đang xảy ra, và các pháp chưa xảy ra. Đó là vì những nguyên tử tạo ra các pháp thì bất diệt, và chỉ thay đổi hình thức thôi. Do đó, sắc tướng mà các nguyên tử biểu hiện có thể chuyển hóa từ những pháp chưa xảy ra thành những pháp hiện đang xảy ra, và sau đó thành những pháp không còn xảy ra nữa. Nhưng các nguyên tử tạo nên những pháp này là những nguyên tử bất diệt y chang với nhau.
  • Không chỉ Phật giáo Nguyên thủy, mà cả Đại Chúng Bộ cũng khẳng định rằng chỉ có những điều đang xảy ra mới tồn tại, cũng như những điều không còn xảy ra mà chưa tạo ra kết quả thì mới tồn tại. Điều thứ hai tồn tại, bởi vì chúng vẫn có thể thực hiện một công năng.
  • Nhất Thiết Hữu Bộ đồng ý với Đại Chúng Bộ, tuy nhiên, các A la hán có những hạn chế về mặt còn những dấu vết của phiền não.

Năm 190 trước Công nguyên, trường phái Pháp Tạng Bộ cũng tách ra khỏi Phật giáo Nguyên thủy.

  • Pháp Tạng Bộ đồng ý với Phật giáo Nguyên thủy rằng A la hán không còn phiền não.
  • Tuy nhiên, giống như Đại Chúng Bộ, Pháp Tạng Bộ có xu hướng thăng hoa Đức Phật. Trường phái này khẳng định rằng việc cúng dường chư Phật thì quan trọng hơn là cúng dường chư Tăng, và nó đặc biệt nhấn mạnh việc cúng dường các stupa (bảo tháp) - những di tích an trí xá lợi Phật.
  • Pháp Tạng Bộ đã bổ sung thêm một Tạng thứ tư, Đà la ni Tạng (The Dharani Basket). Một “đà la ni” (dharani; gzungs), có nghĩa là “thể thức duy trì”, là một chuỗi từ ngữ hay âm tiết sùng mộ bằng tiếng Phạn, khi được trì tụng, sẽ giúp cho hành giả duy trì từ ngữ và ý nghĩa của giáo pháp, để duy trì các pháp thiện hảo, và loại bỏ những pháp xấu ác. Sự phát triển này của đà la ni đi song song với thời điểm của tinh thần sùng mộ, đã được đánh dấu bằng sự xuất hiện của tác phẩm kinh điển Ấn Độ giáo (Hindu), Bhagavad Gita.

Trường phái Pháp Tạng Bộ bắt nguồn từ Gandhara, khu vực bao gồm vùng Tây Bắc Pakistan và Đông Bắc A Phú Hãn ngày nay. Kinh điển trong sách vở được tìm thấy sớm nhất là vào thế kỷ thứ Nhất trước Công nguyên, theo ngôn ngữ của nó, Gandhari Prakrit, và chủ yếu là từ trường phái Pháp Tạng Bộ. Gandhari Prakrit được viết theo chữ viết Kharoshti, có bảng chữ cái được đọc theo những chữ cái đầu tiên, “a ra pa ca na”. Điều đáng chú ý là mật chú phổ biến nhất của Đức Văn Thù Sư Lợi, vị Hộ Phật hiện thân cho trí tuệ của chư Phật, là Om arapacana dhih. Pháp Tạng Bộ lan rộng từ Gandhara đến Iran, Trung Á và đến Trung Quốc. Người Trung Quốc đã áp dụng giới nguyện của chư Tăng Ni từ phiên bản của Pháp Tạng Bộ. Qua nhiều thế kỷ, phiên bản này về giới luật dành cho Tăng đoàn đã được ban truyền sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Hội Đồng Phật Giáo Thứ Tư

Các trường phái Phật giáo Nguyên thủy và Nhất Thiết Hữu Bộ đều tổ chức các Hội Đồng Thứ Tư riêng biệt. 

Trường phái Phật giáo Nguyên thủy đã tổ chức Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển lần thứ Tư vào năm 29 trước Công nguyên tại Tích Lan. Đối với việc nhiều nhóm đã tách ra khỏi Phật giáo Nguyên thủy, vì sự khác biệt trong cách diễn dịch lời Phật dạy, tôn giả Maharakkhita và 500 trưởng lão Phật giáo Nguyên thủy đã họp lại để trì tụng và ghi lại lời Phật dạy, để bảo tồn tính xác thực của chúng. Trong trường hợp này, chúng được ghi chép theo tiếng Pali. Phiên bản này của Tam Tạng Kinh Điển, The Tipitaka, thường được gọi là Kinh điển Pali (The Pali Canon). Tuy nhiên, các trường phái Tiểu thừa khác tiếp tục truyền đạt giáo pháp theo hình thức khẩu truyền.

Trong trường phái Nhất Thiếu Hữu Bộ thì nhiều cách diễn dịch giáo pháp khác nhau dần dần phát sinh. Diễn dịch đầu tiên xuất hiện là tiền thân của trường phái Tỳ Bà Sa Bộ. Sau đó, khoảng 50 sau Công nguyên thì Kinh Lượng Bộ đã phát triển. Mỗi trường phái đều có sự khẳng định riêng của họ về nhiều điểm trong A tỳ đạt ma.

Trong khi đó, tình hình chính trị ở miền Bắc Ấn Độ, Kashmir và A Phú Hãn sắp trải qua một sự thay đổi lớn, với cuộc xâm lăng của Yuezhi (Wade-Giles: Yüeh-chih) từ Trung Á. Yuezhi là người Ấn-Âu (Indo-European), lúc đầu thì sống ở Đông Turkistan. Họ đã chinh phục một vùng lớn ở phía Tây, rồi đến phía Nam, vào cuối thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, cuối cùng, họ đã thành lập triều đại Quý Sương (Kushan Dynasty), tồn tại đến năm 226 sau Công nguyên. Vào thời cao trào, Đế quốc Quý Sương kéo dài từ Tajikistan, Uzbekistan, A Phú Hãn và Pakistan ngày nay, qua Kashmir và Tây Bắc Ấn Độ, đến miền Trung Bắc Ấn Độ và miền Trung Ấn Độ. Nhờ việc liên kết Con đường Tơ lụa (Silk Route) với các hải cảng ở cửa sông Indus, triều đại này đã giúp cho đạo Phật tiếp xúc với nhiều thế lực ngoại bang. Tương tự như vậy, nhờ có sự liên lạc này mà đạo Phật đã đến Trung Quốc.

Người trị vì lừng danh nhất trong số những người cai trị Quý Sương là Vua Kanishka, người đã trị vì, theo một số nguồn tin là từ 78 đến 102 sau Công nguyên, và theo các nguồn khác thì từ 127 đến 147 sau Công nguyên. Trong cả hai trường hợp thì trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ đã tổ chức Hội Đồng Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Tư trong triều đại của Vua Kanishka, tại thủ đô Purushapura (ngày nay là Peshawar) hay ở Srinagar, Kashmir. Hội đồng đã bác bỏ A tỳ đạt ma của Kinh Lượng Bộ, và đã mã hóa A tỳ đạt ma của chính họ trong Đại Tỳ Bà Sa Luận (The Great Commentary; Phạn ngữ: Mahavibhasha). Hội đồng cũng giám sát việc dịch thuật phiên bản Tam Tạng Kinh Điển của Nhất Thiết Hữu Bộ từ tiếng Prakrit sang tiếng Phạn, và việc ghi chép những bản văn tiếng Phạn này.

Giữa thế kỷ thứ 4 và thứ 5 sau Công nguyên thì trường phái Nhất Thiết Hữu Căn Bổn tách ra khỏi trường phái Tỳ Ba Sa Bộ Nhất Thiết Hữu Bộ (Vaibhashika Sarvastivada) chính thống ở Kashmir. Vào cuối thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên thì người Tây Tạng đã áp dụng phiên bản giới luật của Nhất Thiết Hữu Căn Bổn. Trong những thế kỷ sau đó, nó đã lan truyền từ Tây Tạng sang Mông Cổ, đến với người Mông Cổ và một số vùng Thổ Nhĩ Kỳ của Nga.

Các Nhánh Của Trường Phái Đại Chúng Bộ

Trong khi đó thì trường phái Đại Chúng Bộ chủ yếu là ở miền Đông Nam Ấn Độ, đã phân chia thành năm trường phái. Cả năm trường phái đều đồng ý rằng A la hán thì có những sự hạn chế, và chư Phật thì tối thượng, và mỗi trường phái trong số này đã phát triển thêm sự khẳng định này nữa, mở đường cho Đại thừa. Về ba trường phái lớn thì đó là:

  • Trường phái Thuyết Xuất Thế Bộ (Lokottaravada; ‘Jig-rten 'das-par smra-ba) khẳng định Đức Phật là đấng siêu việt, có thân tướng vượt qua thân biến hoại trên thế giới này. Lời khẳng định này đã hình thành cơ sở cho lời giải thích của Đại thừa về Tam thân của một vị Phật. Trường phái Thuyết Xuất Thế Bộ đã lan truyền đến A Phú Hãn, nơi mà vào khoảng thời gian giữa thế kỷ thứ 3 và thứ 5 sau Công nguyên, các tín đồ của trường phái này đã xây dựng những tượng Phật khổng lồ tại Bamiyan, phản ảnh quan điểm của họ về chư Phật thù thắng.
  • Trường phái Bahushrutiya (Mang-du thos-pa) khẳng định Đức Phật đã trao truyền cả giáo pháp thế tục và giáo pháp xuất thế. Điều này dẫn đến sự phân chia trong Đại thừa, giữa Hóa thân (Corpus of Emanations; spul-sku, Phạn ngữ: nirmanakaya) và Báo thân của một vị Phật (Corpus of Full Use; longs-sku, Phạn ngữ: sambhogakaya).
  • Trường phái Chaitika đã tách ra khỏi trường phái Bahushrutiya, và khẳng định rằng Đức Phật đã giác ngộ trước khi Ngài xuất hiện trên thế giới này, và chỉ hiển lộ việc giác ngộ, để chỉ cách cho người khác tu tập. Sự khẳng định này về sau cũng được Đại thừa chấp nhận.

Sự Xuất Hiện Của Đại Thừa

Kinh điển Đại thừa xuất hiện lần đầu tiên giữa thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên, và thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên ở Andhra, Đông Nam Ấn Độ, nơi mà Đại Chúng Bộ đang hưng thịnh. Theo những bài tường thuật truyền thống của đạo Phật thì những Kinh điển này là lời Phật dạy, nhưng đã được truyền khẩu một cách kín đáo hơn Kinh điển Tiểu thừa. Thậm chí, một số đã được giữ gìn trong các cõi phi nhân.

Kinh điển quan trọng nhất của Đại thừa xuất hiện vào thời điểm đó là:

  • Trong hai thế kỷ đầu tiên thì có Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Phạn ngữ: Prajnaparamita Sutras) và Duy Ma Cật Sở Vấn Kinh (Dri-ma med-pa grags-par bstan-pa'i mdo; Phạn ngữ: Vimalakirti-nirdesha Sutra) - kinh thứ nhất nói về Không tướng (tánh Không) của vạn pháp; trong khi kinh thứ hai miêu tả vị Bồ tát tại gia.
  • Khoảng năm 100 sau Công nguyên thì Kinh A Di Đà (bDe-ba-can-gyi bkod-pa'i mdo, Phạn ngữ: Sukhavati-vyuha Sutra) giới thiệu cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức A Di Đà (Amitabha), Đức Phật Vô Lượng Quang.
  • Khoảng năm 200 sau Công nguyên thì Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Dam-pa'i chọs padma dkar-po'i mdo, Phạn ngữ: Saddharmapundarika Sutra), nhấn mạnh khả năng mà tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật, do đó, tất cả giáo pháp trong các thừa của Đức Phật ăn khớp với nhau như là phương tiện thiện xảo. Sự trình bày của kinh này có tính chất rất mộ đạo.

Trong Đại thừa thì các trường phái Trung quán (Madhyamaka; dBu-ma) và Duy thức (Chittamatra; Sems-tsam-pa) cũng xuất hiện trước tiên ở Andhra, Nam Ấn Độ.

  • Trường phái Trung quán (Madhyamaka) được truy nguyên về Long Thọ (Nagarjuna), người đã sống ở Andhra giữa năm 150 đến 250 sau Công nguyên, đã luận giải Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa. Theo những bài tường thuật truyền thống thì Long Thọ đã tìm lại những kinh này dưới biển, nơi chư thiên long (nagas) đã bảo vệ chúng từ thời Đức Phật đã thuyết giảng kinh này trên đỉnh Linh thứu (Bya-rgod phung-pa'i ri, Phạn ngữ: Grdhrakuta) gần Vương Xá, miền Trung Ấn Độ. “Nagas” là những chúng sinh nửa người nửa rắn, sống dưới mặt đất và dưới nước.
  • Trường phái Duy thức (Chittamatra) dựa trên Kinh Lăng Già (Lan-kar gshegs-pa'i mdo; Phạn ngữ: Lankavatara Sutra). Tuy kinh này xuất hiện trước ở Andhra, nhưng giáo pháp của Duy thức đã được ngài Vô Trước (Asangha) phát triển thêm, người đã sống ở Gandhara, ngày nay là miền Trung Pakistan, trong phần đầu của thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên. Vô Trước đã nhận được giáo pháp này bằng linh kiến về Đức Phật Di Lặc.

Sự Phát Triển Của Các Tu Viện Đại Học Và Mật Tông

Tu viện đại học Phật giáo đầu tiên, Nalanda, được xây dựng gần Vương Xá (Rajagrha) vào đầu thế kỷ thứ 2, sau Công nguyên. Ngài Long Thọ đã giảng dạy ở đó, cũng như nhiều bậc thầy Đại thừa sau đó. Các tu viện đại học này đặc biệt phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, với sự thành lập của triều đại Gupta vào đầu thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên thì chương trình giảng dạy nhấn mạnh việc nghiên cứu các hệ thống học thuyết triết học, và các nhà sư tham gia vào việc tranh biện nghiêm ngặt với những người đề xướng của sáu trường phái Ấn Độ giáo (Hindu) và Kỳ Na giáo (Jain), là những trường phái đã phát triển giữa thế kỷ thứ 3 và thứ 6 sau Công nguyên.

Mật tông cũng xuất hiện giữa thế kỷ thứ 3 và thứ 6 sau Công nguyên, một lần nữa, với sự xuất hiện sớm nhất ở Andhra, Nam Ấn Độ. Đây là Mật điển Guhyasamaja (dPal gSang-ba dus-pa Taii rgyud). Long Thọ đã viết một vài luận giải về nó. Theo truyền thống nhà Phật thì các Mật điển cũng đã được truyền khẩu từ thời Đức Phật thuyết giảng chúng, nhưng thậm chí còn kín đáo hơn, so với Kinh điển Đại thừa.

Mật tông sớm lan rộng về phương Bắc. Từ giữa thế kỷ thứ 8 đến giữa thế kỷ 9 sau Công nguyên thì Mật tông đã đặc biệt phát triển mạnh ở Oddiyana (U-rgyan), thung lũng Swat ngày nay ở phía Tây Bắc Pakistan. Mật điển xuất hiện trễ nhất là Mật điển Thời Luân (Kalachakra Tantra; dPal Dus-kyi 'khor-lo'i rgyud), vào giữa thế kỷ thứ 10 sau Công nguyên.

Các tu viện đại học Phật giáo đi đến cao trào trong triều đại Pala (750 - cuối thế kỷ 12 sau Công nguyên) ở Bắc Ấn Độ. Nhiều tu viện mới, chẳng hạn như Vikramashila, được xây dựng với sự bảo trợ của hoàng gia. Nghiên cứu về Mật tông đã được đưa vào một số tu viện, đặc biệt là Nalanda. Nhưng việc nghiên cứu và thực hành Mật tông phát triển mạnh mẽ hơn bên ngoài tu viện, đặc biệt là với truyền thống 84 đại thành tựu giả (mahasiddhas; grub-thob chen-po), giữa thế kỷ 8 và 12 sau Công nguyên. Các vị “đại thành tựu giả” (“mahasiddha”) là những hành giả Mật tông có thành tựu cao cả.

Top