Áp Dụng Nguyên Tắc Đạo Phật Trong Thời Đại Truyền Thông Xã Hội

Với Internet (mạng lưới điện tử toàn cầu) và vân vân thì giờ đây, thời đại thông tin đã tiến hóa, vào đầu năm 2011, thành thời đại của truyền thông xã hội, với với các mạng xã hội như Facebook, Twitter và việc sử dụng nhắn tin phổ biến bằng điện thoại di động. Điều này đã thay đổi cách mà mọi người liên hệ với nhau. Thêm vào đó là việc sử dụng iPod ngày càng phát triển, nghe nhạc cả ngày và việc phổ biến các trò chơi video, nên nhiều người hiện đang kết nối với âm nhạc, chơi những trò chơi, nhắn tin và mạng xã hội ở mọi lúc, mọi nơi. Mỗi một sự phát triển này đã mang lại cả lợi ích và tác dụng phụ có hại. Bất luận thế nào thì những sự phát triển này có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi người. Tôi muốn tìm hiểu làm thế nào Phật giáo có thể giúp ích với việc khuếch đại lợi ích và giảm thiểu những tác hại từ sự thay đổi xã hội này. Vì vậy, xin cho tôi nêu ra một vài điểm là lợi ích của phương tiện truyền thông xã hội này, và sau đó là những bất lợi, và những gì Phật giáo có thể cung ứng, khi đối mặt với sự phát triển này.

Video: Tiến sĩ Chonyi Taylor — “Truyền Thông Xã Hội Và Tâm Ái Kỷ”
Xin bấm vào ký hiệu tròn như cái hoa (Settings) ở bên mặt, phía dưới màn hình, rồi bấm chữ “Subtitles/CC” và chọn ngôn ngữ "Vietnamese" để xem phụ đề tiếng Việt.

Một Cảm Giác Những Gì Chúng Ta Nghĩ Là Điều Quan Trọng

Trước viễn cảnh đáng sợ do khủng bố, khí hậu biến đổi, vũ khí hạt nhân gia tăng nhanh, kinh tế toàn cầu suy thoái, thất nghiệp, v.v..., người ta thường cảm thấy vô nghĩa, bất lực và cô đơn. Các mạng xã hội, như Facebook, có thể đem lại cho họ cảm giác rằng những gì họ làm và nghĩ thật sự quan trọng, đối với một nhóm bạn có thể hưởng ứng về những gì họ đăng tải về cuộc sống và suy nghĩ hàng ngày của họ, bằng cách báo hiệu là họ thích nó. Theo một cách nào đó, nó có vẻ khẳng định về sự tồn tại của họ, tầm quan trọng của họ trong thế giới này, nơi mà họ cảm thấy quá bất lực.

Tuy nhiên, nhược điểm của điểm đặc trưng này là khi nhận được “tôi thích nó” thì tôi có thể cảm nhận sai về tầm quan trọng của bản thân, và nó có thể thúc đẩy tính tự tôn. Hơn nữa, cái “tôi thích”, có thể rất hời hợt và không thật sự có ý nghĩa gì. Thêm vào đó, mọi người có thể cảm thấy số lượng bạn bè và số lượng “tôi thích nó” mà họ nhận được trên trang Facebook của họ là quan trọng hơn chất lượng và sự chân thành của bạn bè, và nếu họ không nhận được bất cứ hưởng ứng “tôi thích” nào, thì họ cảm thấy thê thảm. Bằng cách đăng những thứ tầm thường nhất đang xảy ra với bạn, chẳng hạn như bạn vừa ăn trưa món gì và bạn thích nó, cũng có thể gia tăng sự lãng phí thời gian của bạn và người khác về việc trò chuyện vô nghĩa một cách đáng kể. Và tất nhiên, nói chuyện phiếm là một trong bốn hành vi tiêu cực của lời nói, như đã được đề cập trong giáo lý nhà Phật, cụ thể là xem những gì vô nghĩa là có ý nghĩa.

Vậy thì Phật giáo có thể cung ứng điều gì đối với việc này? Một trong những bài thiền quán về lòng bi trong nhà Phật nhấn mạnh đến việc chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào lòng tốt của tất cả chúng sinh. Tất cả những gì chúng ta ăn và thưởng thức đều xuất phát từ công lao của người khác. Vì vậy nên chúng ta sự kết nối với nhau. Đó là một thực tế. Và những gì mỗi người làm, kể cả bản thân mình, đều đáng kể và đóng góp vào cuộc sống của người khác. Những người trồng trọt thực phẩm của chúng ta, những người vận chuyển nó, những người xây dựng những con đường mà thực phẩm được vận chuyển, và chế tạo xe cộ, và những người bán nó, v.v. , tất cả mọi việc đều liên hệ với nhau. Chúng ta không cần bạn bè nói rằng “tôi thích nó”, rằng chúng ta rất thích món ăn trưa của mình, để làm cho mình cảm thấy vui hơn, và bằng cách nào đó, chứng minh hay thiết lập sự tồn tại của mình. Chúng ta có tồn tại, và chúng ta liên kết với nhau.

Bằng cách nêu ra sự khác biệt, trong triết học Phật giáo, giữa cái mà chúng ta gọi là cái “tôi” thông thường, và cái “tôi” giả tạo, ta có thể cảm thấy sự liên kết với người khác đơn thuần là một sự thật. Cái “tôi” thông thường chỉ là - tôi đây; tôi đang ngồi; tôi đang nói; tôi đang ăn; tôi đang ngủ; v.v ... Và cái “tôi” giả tạo là cái “tôi” được thổi phồng lên, mà chúng ta cảm thấy vô cùng quan trọng, và mọi người thật sự phải biết tôi đã ăn món gì vào bữa trưa; loại bản ngã quan trọng này, một bản ngã vững chắc, to lớn: “tôi”. Thế thì Phật giáo nói rằng mặc dù cái “tôi” thông thường... dĩ nhiên, chúng ta có tồn tại, nhưng cảm giác thổi phồng về cái “tôi” là một ảo ảnh. Đó chỉ là một sự phóng chiếu. Vì vậy, nếu chúng ta có thể tái khẳng định và lánh xa sự nhấn mạnh lớn lao này, sự nhấn mạnh tự tôn về việc “Tất cả mọi việc tôi làm đều rất quan trọng và thú vị đối với mọi người”, và chỉ cần khẳng định lại là “Dĩ nhiên tôi tồn tại”, thì ta có thể thấy việc mình liên kết với người xung quanh đơn giản là một sự thật, và rồi khi biết rằng sự kiện này không làm cho ta trở thành một bản ngã to lớn, tồn tại một cách vững chắc, một cái “tôi” vững chắc, như là trọng tâm cho bản ngã quan trọng và tính ái kỷ. Càng cảm thấy an toàn hơn về cái “tôi” thông thường  mà chúng ta biết nó tồn tại, và không cần khẳng định để chứng minh điều đó, thì ta sẽ không cần tìm kiếm sự chấp nhận từ người khác.

Hơn nữa, đạo Phật dạy chúng ta phải chân thành hơn. Thay vì chỉ làm một người hời hợt vô nghĩa, “tôi thích nó” thì ta có thể viết những điều có ý nghĩa và sâu sắc hơn cho người khác, để giúp họ theo cách mà họ cần thiết. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng về cách chúng ta thực sự giao tiếp. Một câu vô nghĩa như “Vâng, vâng, điều này tuyệt vời”, bạn biết mà, chỉ cần nhấn nút để nói là “tôi thích nó” thì không thực sự kết nối với bất cứ ai. Và nếu nghĩ rằng điều này rất quan trọng, và để cảm thấy vui hơn, bởi vì tôi có mười cái “tôi thích nó” đối với “món  ăn trưa của tôi hôm nay”, cuối cùng thì người ta sẽ nhận ra điều này hoàn toàn vô nghĩa và nông cạn.

Cảm Giác Liên Kết

Một lợi ích khác của truyền thông xã hội này là dành cho những người sống cuộc sống biệt lập, chỉ đi làm rồi về nhà, và sống một mình. Mạng xã hội có thể giúp họ cảm thấy mình là một thành phần của cộng đồng. Điều này đem lại cho họ cảm giác thân thuộc, nuôi dưỡng một cảm giác phúc lạc. Xét cho cùng, là con người thì chúng ta là động vật xã hội; và điều đó rất quan trọng, để chúng ta thấy mình là một thành phần của cộng đồng. Nhược điểm của điều này là chúng ta có thể không có bất kỳ liên hệ có ý nghĩa nào với một nhóm bạn mà mình cảm thấy mình thuộc về nhóm đó, và nhóm này có thể gắn bó với nhau vì điều gì khá tầm thường.

Phật giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của những người bạn tâm linh. Và nó rất hữu ích, khi ta cảm thấy mình là thành phần của một nhóm. Đương nhiên, chúng tôi có điều này trong các tu viện. Chúng tôi có điều này ở các trung tâm Phật giáo trên khắp thế giới, nhưng nó không thực sự phải là một nhóm Phật tử hay một nhóm bạn tâm linh mà mình gắn bó với họ, mà là một nhóm được thành lập bằng những giá trị tích cực và nỗ lực để giúp đỡ người khác. Nói cách khác là nếu chúng ta sẽ tham gia một mạng xã hội nào, nếu mạng xã hội ấy được gắn bó với nhau bằng điều gì tích cực, điều gì mang tính xây dựng mà họ có thể chia sẻ với nhau, thì có nhiều ích lợi hơn.

Một lợi ích khác là các mạng xã hội giúp cho các gia đình liên hệ với nhau và biết mọi người trong gia đình đang làm gì, mỗi một thành viên trong gia đình đều biết. Điều này đặc biệt hữu ích trong trường hợp các gia đình Á châu, mà bản sắc của họ thường dựa vào cả gia đình, thay vì dựa vào một mình họ như một cá nhân, và các thành viên lớn tuổi thường cảm thấy các thành viên trẻ tuổi gần giống như sự tiếp nối của họ. Vì vậy, với Facebook hoặc bất cứ mạng xã hội nào thì gia đình có thể cảm thấy mọi người đều biết những thành viên khác đang làm gì. Nó rất hữu ích. Nhưng nhược điểm về điều đó là chúng ta có thể dễ mất hết sự riêng tư. Mặc dù ta có thể liên lạc với chỉ một người qua Facebook hoặc e-mail, đôi khi những gì chúng ta viết, ý của tôi là, đặc biệt là với Facebook, đôi khi những gì chúng ta viết, ngay cả khi ta chia sẻ nó ở mức độ riêng tư, rồi thì nó lại lan truyền ra công cộng, khi một người khác nhận được nó rồi chia sẻ điều đó, mà không có sự đồng ý của mình. Đối với tin nhắn riêng tư, nhắn tin qua điện thoại di động và e-mail thì thích hợp hơn, nhưng nhắn tin qua điện thoại di động lại có thể biến chất thành chuyện phiếm, vì người ta viết toàn những chuyện vô nghĩa.

Phật giáo dạy chúng ta phát triển trí tuệ. Trong trường hợp này, để phân biệt giữa những gì công cộng và những gì riêng tư. Ví dụ, trong Mật tông, chúng ta học cách giữ một số giáo lý cho riêng mình hay bí mật, vì người khác có thể hiểu lầm, hay sử dụng sai những gì mình nói. Trí tuệ này có thể được mở rộng đến tất cả các lãnh vực trong đời sống của chúng ta, nếu ta không muốn mọi việc về bản thân mình trở thành những điều mà công chúng đều biết. Đó chỉ là vấn đề tự chủ. Nếu bạn đưa một điều gì đó lên Facebook, thì bạn phải sẵn sàng chấp nhận nó sẽ trở thành kiến thức công cộng, nếu không thì tin nhắn bằng điện thoại di động hoặc email (điện thư) sẽ tốt hơn nhiều.

Tiếp Nhận Cảm Hứng

Hãy quay qua Twitter, bạn biết đó, đó là nơi bạn gởi những tin rất ngắn. Một ích lợi là việc nhận thông tin Twitter mỗi ngày, từ những người tạo cảm hứng cho mình, có thể giúp những người sống một đời sống cô lập, cô đơn, cảm thấy có sự liên hệ nào đó với con người, mà không thật sự phải giao tiếp với ai. Nhược điểm là bạn có thể sử dụng tính năng này chỉ để cảm thấy vui vẻ, nhưng không thật sự giúp bạn noi theo gương mẫu hay lời khuyên của người tạo cho mình cảm hứng. Nhiều người nhận được thông tin Twitter từ Đức Dalai Lama, hay từ các nhân vật vĩ đại khác mỗi ngày.

Trong Phật giáo, chúng ta có cái gọi là guru-yoga (bổn sư du già), qua đó, bạn củng cố nguồn cảm hứng mà bạn tiếp nhận từ vị thầy tâm linh, với toàn bộ mục đích để cảm nhận thân, khẩu, ý của bạn và thân, khẩu, ý của vị Bổn sư trở nên hợp nhất. Và điều đó có nghĩa là thật sự cố gắng hành động, nói năng và suy nghĩ như Bổn sư của mình; không chỉ trên lý thuyết mà còn trong cuộc sống thực tiễn. Nên chiến lược này có thể được mở rộng đến những người truyền cảm mà bạn nhận được thông tin của họ trong Twitter, ra khỏi phạm vi chỉ là những nhân vật tâm linh. Nói cách khác, nếu bạn nhận được những thông điệp Twitter này mỗi ngày để giúp mình cảm thấy liên kết một chút với điều gì có ý nghĩa hơn, để cố gắng thật sự kết hợp nó vào cuộc sống, mà không chỉ sử dụng nó để cảm thấy vui vẻ.

Khắc Phục Tính Nhút Nhát

Một ích lợi khác là nó giúp những người nhút nhát giao tiếp với người khác một cách cởi mở hơn nhiều, so với những gì họ có thể làm, khi trực tiếp giao tiếp ngoài đời, đặc biệt là khi bạn của họ ở một quốc gia khác, hay khi mình dùng loại ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ chính của mình. Người ta thường có thể bày tỏ ý tưởng bằng văn viết khá hơn lời nói. Nhược điểm của điều này là nó có thể hạn chế khả năng giao tiếp của chúng ta. Ta có thể mất đi sự nhạy cảm đối với người khác, là một phần của buổi gặp gỡ trực tiếp; đặc biệt, như một số người cũng cảm nhận điều này, nếu chúng ta dùng tên giả trong các phòng trò chuyện, và có khuynh hướng tắt máy của mình, hoặc chỉ không trả lời khi nhận được một tin nhắn kỳ cục, hay khi mình không muốn trả lời. Thật ra, đó là một vấn đề lớn.

Mặt khác, đạo Phật dạy mình đừng giả vờ có những phẩm chất mà chúng ta không có, và không cố che giấu những khiếm khuyết mà mình có. Nếu như có được tự tin nhờ phương tiện truyền thông xã hội này, nhưng trên cơ sở trung thực về bản thân, thì chúng ta cần phải khởi sự mở rộng điều này sang các tình huống thật ở ngoài đời. Vì vậy, điều đó thật sự khá hữu ích đối với phương tiện truyền thông xã hội này, nếu nó giúp ta ngày càng tự tin hơn với việc giao tiếp, thì hãy đi ra ngoài và thật sự gặp gỡ và xã giao; đừng chỉ để nó lẩn trốn đằng sau màn hình máy điện toán của bạn.

Giao Tiếp Hiệu Quả

Một lợi ích khác là Twitter và nhắn tin qua điện thoại di động giúp ta bày tỏ suy nghĩ của mình một cách nhanh chóng và vắn tắt, để có thể truyền đạt điều này một cách hiệu quả. Không cần phải mất nhiều thời giờ hơn để liên lạc với họ, nếu như dùng điện thoại hay nói chuyện qua video Skype. Điều này đặc biệt hữu ích khi đi du lịch, hay trong tình huống khẩn cấp. Ta cũng có thể nhận được tin nhắn khẩn cấp của người khác. Vì vậy, nó rất, rất là hữu ích. Nhưng khuyết điểm của việc chỉ viết một vài chữ, thậm chí không đánh vần đầy đủ là chúng ta có thể mất khả năng thể hiện ý tưởng đầy đủ, hoặc thể hiện ý tưởng một cách tốt đẹp, hay thậm chí duy trì một cuộc trò chuyện. Khả năng tập trung và duy trì sự chú ý cũng có thể bị rút ngắn khá nhiều, khi ta chỉ làm những việc rất, rất là nhanh và chỉ trong một vài khoảnh khắc.

Phật giáo nhấn mạnh rằng việc có khả năng giao tiếp một cách có ý nghĩa và tốt đẹp với người khác để giúp đỡ họ là điều rất quan trọng. Vì vậy, với những thứ như Twitter thì bạn bị giới hạn về số chữ mà bạn có thể viết trong một tin nhắn, nó có thể tập cho mình loại bỏ sự dài dòng dư thừa, khi cố gắng diễn đạt một điều có ý nghĩa trong cuộc gặp gỡ thật sự: chỉ cần nói thẳng vào đề; không phải nói vòng quanh điểm chính. Nhưng phải cẩn thận, cũng nói về Twitter, rằng ta có thể đi thẳng vào điểm có ý nghĩa, nhưng không đến mức thật sự không giao tiếp.

Vậy thì đạo Phật khá phong phú về các phương pháp giúp ta tập trung nhiều hơn, để thấy đâu là trọng điểm của điều gì, và tất nhiên, có rất nhiều pháp thiền giúp ta phát triển sức tập trung tinh thần. Tôi nghĩ điều này sẽ là một điều rất quan trọng, mà hy vọng Phật giáo sẽ được sử dụng trong tương lai. Thậm chí khi xem tin tức, chẳng hạn, bạn có phóng viên tin tức nói điều gì đó, rồi lại có dòng tin tức ở phía dưới nói điều gì khác nữa. Đôi khi, bạn có hai hoặc ba điều xảy ra cùng một lúc trên màn hình, và rất khó để người ta chú ý, tập trung. Người ta chú ý ở đây một chút, ở kia một chút, và hình ảnh và mọi thứ thay đổi rất, rất là nhanh. Vì vậy, điều này rất, rất là có hại cho sự tập trung. Tuy nhiên, như tôi có nói, nếu người ta thật sự muốn tiến xa hơn về mặt phát triển bản thân, thì đạo Phật sẽ đặc biệt hữu ích về việc phát triển sự tập trung. Thật ra, có lẽ mọi người sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách hơn, vì ảnh hưởng của truyền thông sẽ rút ngắn thời gian chú ý của họ; nhưng tôi phải tìm hiểu điều này.

Luôn Luôn Liên Kết

Một điểm khác là với điện thoại di động có Internet thì ta có thể liên lạc mọi lúc, mọi nơi, và người khác có thể liên lạc với mình vào mọi lúc, mọi nơi. Khuyết điểm của điều này là, vì bản chất của chúng là chiếu đèn nhấp nháy trên màn hình nên các thiết bị điện tử này lôi cuốn và thu hút sự chú ý của bạn, và có xu hướng khiến bạn ghiền sử dụng nó. Nó có một chút hấp dẫn. Thật khó khăn... Điều rất thú vị trên xe điện ngầm ở Berlin (chúng tôi gọi nó là U-Bahn) là họ đã gắn một màn truyền hình (thật ra là hai màn truyền hình) trên mỗi chiếc xe, cung cấp tin tức, quảng cáo và thời tiết, và những điều tương tự. Thật hết sức ngạc nhiên, dù không muốn xem nó, nhưng nó vẫn thu hút sự chú ý của bạn; đại loại như chúng ta là một côn trùng hay một con vật, hay thứ gì đó, có một ánh sáng nhấp nháy, rồi thì rất khó mà không nhìn vào điều này.

Giống như vậy, điện thoại di động và màn hình máy điện toán cũng rất, rất là hấp dẫn đối với chúng ta, và chúng ta bị ghiền. Và vì chúng rất dễ ghiền, nên bạn cảm thấy mình phải liên tục kiểm tra tin nhắn, để không bỏ lỡ bất cứ điều gì. Thêm vào đó, bạn luôn cảm thấy hơi bất an, và có một cảm giác an toàn sai lầm, khi cầm điện thoại di động trong tay suốt cả ngày. Nó luôn làm tôi nhớ đến những nhà tu khổ hạnh đi vòng quanh với một ít lota, một cái xô nhỏ đựng nước sông Hằng (Ganga), cách mà lúc nào người ta cũng phải có thứ này trong tay. Rồi lại xem và trả lời tin nhắn qua điện thoại di động, và tin nhắn Facebook cả ngày, khiến bạn lãng phí một lượng thời gian khổng lồ, vì thường xuyên nhất là những chuyện vặt vãnh.

Với ý thức sai lầm về tầm quan trọng của bản thân, chúng ta cũng có thể cảm thấy mình có thể làm phiền bất cứ người nào, bất cứ lúc nào, bằng tin nhắn, hay một cú điện thoại. Và chúng ta cũng có thể có xu hướng khá thô lỗ và phản xã hội (antisocial); bởi vì ngay cả khi có mặt với ai đó thì mình vẫn có thể nhắn tin hoặc nói chuyện với ai khác trên điện thoại di động. Việc này rất, rất là phổ biến đối với thanh thiếu niên.

Vì vậy, một lần nữa, đạo Phật dạy ta giảm bớt sự tham ái. Tham ái là gì? Tham ái là phóng đại những phẩm chất tốt đẹp của điều gì đó, lợi ích của nó, đôi khi còn phóng chiếu nhiều hơn những gì không có mặt ở đó, và hoàn toàn bỏ qua những phẩm chất tiêu cực. Rồi thì bạn không muốn buông bỏ nó. Đây là tham ái. Và nếu chúng ta có thể khách quan hơn một chút về lợi ích của phương tiện truyền thông xã hội này, và chắc chắn có những lợi ích ở đó, nhưng cũng thừa nhận những khuyết điểm, thì điều đó sẽ giúp ta khắc phục chút ít tâm tham ái, và hành vi khá vô tâm mà bạn thực hiện, đối với những máy móc này.

Đạo Phật còn dạy chúng ta quan tâm đến người khác, không làm gián đoạn và lãng phí thời gian của họ với việc chuyện trò vô nghĩa. Khi nhìn vào hành vi tiêu cực của việc chuyện trò vô nghĩa, nói chuyện phiếm thì tại sao nó lại tiêu cực? Đó không đơn giản là việc nghĩ rằng những điều vô nghĩa lại có ý nghĩa lớn lao, mà nó còn làm gián đoạn công việc của người khác. Chúng ta lãng phí thời gian của mình và lãng phí thời gian của người khác. Đặc biệt là làm gián đoạn ai đó, khi họ đang làm điều gì khá quan trọng và ích lợi, bằng câu chuyện vô nghĩa của mình thì rất là tiêu cực, rất có hại. Vì vậy, điều này có thể giúp ích rất nhiều, nếu chúng ta học hỏi được nó từ đạo Phật.

Đem Lại Không Gian An Toàn, Cách Biệt Với Thế Giới Căng Thẳng

Một lợi ích khác, nói chung, khi đối diện với các vấn đề phức tạp quá to lớn của thế giới, truyền thông xã hội, iPod, trò chơi điện tử, vân vân... là giúp cho người ta hạn chế sự chú ý và chăm chú vào một đối tượng kích thích và những hoạt động có phạm vi tập trung rất cao. Nhờ vậy, nó cung ứng cho người ta một nơi trú ẩn, tránh khỏi sự tuyệt vọng khi nghĩ về tình huống thế giới và vấn đề cá nhân của họ. Thế giới quá phức tạp và rất khó khăn, và những vấn đề cá nhân của bạn như nạn thất nghiệp, hay bất cứ điều gì, khó khăn kinh tế, nó quá to lớn, đến nỗi bạn chỉ muốn hòa mình vào một thế giới nhỏ bé được bảo vệ trên màn hình với bạn bè và chơi trò chơi, hoặc làm bất cứ điều gì như nghe nhạc, đại loại những điều như vậy. Ở một khía cạnh nào đó thì bạn cảm thấy mình đang ở trong một khu vực an toàn.

Vậy thì điểm bất lợi của điều đó là gì? Điểm bất lợi là bạn không thật sự đối diện với vấn đề của mình. Đó là sự trốn chạy thực tế. Và đối với điều này, tất nhiên là đạo Phật đưa ra Tứ Diệu Đế. Cuối cùng thì đây là giáo pháp chính của Đức Phật; cốt tủy của giáo lý của Đức Phật là đối diện với những vấn đề của mình, thừa nhận những vấn đề của mình, những khó khăn của chúng ta; chấp nhận thực tại về những điều này, rằng chúng có mặt ở đó; và đối phó với chúng, không chỉ giả vờ là chúng không có ở đó. Và làm sao để thực hiện điều đó? Chúng ta sẽ xem xét nguyên nhân tạo ra vấn đề. Nên bạn phải thực sự nghĩ về nó, điều tra, và vân vân, và đào sâu đủ để tìm ra nguyên nhân sâu xa nhất, không chỉ là những nguyên nhân thiển cận. Và không chỉ đổ lỗi cho một nguyên nhân, mà thấy rằng các vấn đề phát sinh từ một sự giao thoa lớn của rất nhiều nhân duyên. Rồi ta sẽ nhận ra mình có thể thật sự chấm dứt những vấn đề này, loại bỏ chúng, để chúng không bao giờ tái diễn nữa.

Nếu như dấn thân vào hành trì Phật pháp, thì có một điều thật sự hoàn toàn sâu sắc và một điều mà đúng ra là một điểm lớn, to lớn mà chúng ta cần phải tin chắc, là mình thật sự có thể tiêu diệt những vấn đề này, để chúng không bao giờ tái diễn nữa, rằng ta không chỉ thực hành một phiên bản Phật pháp rất nhẹ nhàng, chỉ cố giảm thiểu vấn đề của mình, nhưng lại nghĩ rằng, chắc chắn nó sẽ quay trở lại, vì vậy, tôi sẽ cố gắng nhìn hoàn cảnh của mình một cách lạc quan nhất. Điều đó không thật sự là Phật pháp “thực thụ”. Do đó, ta sẽ tu học để cố gắng hiểu là mình có thể đạt được sự chân diệt của những vấn đề này, để chúng không bao giờ xảy ra nữa. Rồi thì ta sẽ thấy những điều gì sẽ mang lại chân diệt. Và điều sẽ mang lại điều đó, thường được gọi là chân đạo. Đạo ở đây có nghĩa là một đường lối suy nghĩ, hành động, nói năng, nhưng chủ yếu là cách thấu hiểu rằng nó trái ngược hoàn toàn với sự hiểu lầm, mê lầm của chúng ta. Vì vậy, thay vì càng ngày càng tạo ra nhiều vấn đề hơn cho bản thân vì sự mê lầm thì ta sẽ thay thế nó bằng sự hiểu biết. Nếu như lúc nào mình cũng có thể có được sự hiểu biết đó, thì những vấn đề này sẽ không tái diễn.

Thế thì thay vì chỉ nhìn vào việc trốn chạy vấn đề bằng cách hòa mình vào một trò chơi video, hay trò chuyện trên Facebook, ta sẽ cố gắng đối diện với chúng. Điều đó không có nghĩa là mình không thể tạm thời giải trí bằng những trò này. Điều thú vị trong Phật pháp là nói rằng nếu có ai đến với những đối tượng quy y khác thì cũng được thôi, nhưng đó là một điều tạm bợ; chỉ là một điều thiển cận, chứ không phải là đối tượng quy y tối hậu của mình. Quy y ở đây có nghĩa là ta sẽ đi theo chiều hướng nào trong cuộc sống, và sẽ làm gì để giúp mình vượt qua những khó khăn mà mình đối diện.

Chia Sẻ Thông Tin

Bây giờ, nếu chúng ta tiếp tục xem xét những lợi ích thì mặc dù, một mặt, các phương tiện truyền thông xã hội này có thể giới hạn phạm vi về những điều mình có thể tham gia, như Facebook và Twitter, về mặt khác thì chúng có thể giúp mình truyền bá thông tin đến độc giả một cách dễ dàng. Ví dụ như nó có thể được sử dụng để truyền bá thông điệp chánh trị và tinh thần. Nó cho phép bạn quảng bá địa chỉ của các trang mạng mà bạn bè và mọi người nói chung có thể xem là hữu ích. Vậy thì nó cũng có thể được sử dụng để mở mang trí óc của mình, để giúp người khác mở mang trí óc của họ nữa. Hiện nay, điều bất lợi là nó cũng có thể được sử dụng để truyền bá tài liệu tuyên truyền và kích động sự thù hận. Đây là một vấn đề thật sự nghiêm trọng ở đây, không chỉ với Twitter và các mạng xã hội này, mà với Internet nói chung.

Tôi nghĩ có lẽ một trong những thách thức lớn nhất của Internet là có rất nhiều thông tin có sẵn. Làm sao để phân biệt những thông tin này? Bất cứ ai có một trang mạng, và đã nghiên cứu một chút về nó sẽ biết rằng có những thủ thuật để có thể đưa trang mạng của bạn lên đầu danh sách trong trang đầu tiên của Google, khi có ai tìm thông tin về một từ ngữ nào đó. Đó chỉ là một mánh khóe mà bạn làm, và điều đó không có nghĩa là những gì nằm trong trang đầu là bài viết hay nhất cho đề mục cụ thể này, nên điều này rất nghiêm trọng. Nếu bạn đánh chữ “Phật giáo” vào một công cụ tìm kiếm thông tin như Google, thì trời ơi, có bao nhiêu triệu bài viết và trang Internet đây? Vậy thì làm sao mình có thể phân biệt giữa tất cả những dữ liệu đó, bởi vì rất nhiều thông tin trong số đó có thể là rác rến? Một số rất đáng tin cậy; còn một số thì không.

Thế thì trước tiên, từ quan điểm của những gì bạn đưa ra và những gì bạn gởi bằng Twitter và Facebook, vân vân, đương nhiên là đạo Phật nhấn mạnh việc có một động lực đúng đắn. Động lực của chúng ta là gì? Động lực là một điều thú vị trong Phật giáo, bởi vì nó có hai mặt. Một là, mục tiêu của chúng ta là gì? Có phải ta đang nhắm đến, giống như trong bài thuyết pháp lam-rim cổ điển (trình tựu đường tu giác ngộ), có phải bạn đang nhắm vào một trong những tái sinh tốt hơn, có phải bạn đang nhắm đến giải thoát, có phải bạn đang nhắm đến giác ngộ không? Và khía cạnh thứ hai của động lực là tại sao? Cảm xúc đằng sau đó là gì, mà nó thúc đẩy bạn muốn đạt được mục tiêu đó? Có phải là tâm xả ly, rằng bạn đã chán ngấy với nỗi khổ và tái sinh, nên muốn giải thoát? Có phải là lòng bi, lòng từ, bồ đề tâm thúc đẩy bạn muốn đạt giác ngộ? Có phải là nỗi sợ về các cõi thấp và việc thấy rằng có một lối thoát đã thúc đẩy bạn nỗ lực để có được tái sinh tốt hơn? Đại loại là những điều này. Vậy thì có hai khía cạnh. Rồi điều cũng khá thú vị (thường thì không được đề cập ở đây) là bạn sẽ làm gì khi đã đạt được mục tiêu ấy, mục đích ấy? Điều đó, theo tôi nghĩ, cũng là một phần của động lực. Chúng ta sẽ làm lợi lạc, hay cố gắng tạo lợi lạc cho người khác càng nhiều càng tốt, nếu mình đạt được mục tiêu của bồ đề tâm. Vậy thì với mục tiêu giác ngộ, bồ đề tâm sẽ đưa ta đến đó.

Nếu chúng ta quảng bá thông tin trên Internet, dù đó là Twitter, dù đó là một trang mạng, bất kể đó là gì, hoặc chỉ trên Facebook cho bạn bè của mình thôi, thì tôi nghĩ động lực rất là quan trọng. Tại sao tôi muốn để thông tin này ở đó? Tôi sẽ hoàn thành được điều gì khi nói với mọi người là tôi đã ăn trưa món gì hôm nay và tôi thích nó? Hoặc tôi đã xem một chương trình truyền hình và nó không hay; tôi không thích nó? Mục đích là gì? Bạn đang nhắm vào điều gì khi làm như vậy? Và tại sao? Tại sao bạn lại gởi thông tin này? Và khi gởi thông tin đó thì điều này sẽ làm lợi lạc như thế nào cho những người biết được điều đó? Tôi nghĩ đó là những điều quan trọng để suy xét. Nếu người nào được đào tạo về Phật pháp trong các khía cạnh này thì họ có thể sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội này một cách lợi lạc hơn nhiều, theo cách có ý nghĩa hơn nhiều, hơn là chỉ gởi thông tin về việc bạn đã ăn món gì cho bữa trưa.

Phát Biểu Ý Kiến

Một khía cạnh khác ở đây, hay lợi ích khác là, ví dụ như trong trường hợp của Twitter, người ta có thể bày tỏ suy nghĩ của mình, mà không cần phải quan tâm đến việc người khác thích nó hay không. Facebook thì người khác nói “tôi thích nó” hay không. Twitter thì không ai phê bình những gì bạn nói. Điều này hữu ích, đặc biệt là khi người ta cảm thấy thất vọng và tức giận về những vấn đề, và chỉ muốn bày tỏ những cảm xúc bị dồn nén cho thế giới biết mà không thực sự muốn đối phó với những gì người khác nghĩ về những điều họ đã phát biểu. Vì vậy, khuyết điểm của điều này là nó cũng có thể cho phép người ta tuôn ra những lời chửi rủa và lại kích động sự hận thù và bạo lực.

Vì vậy, một lần nữa, mọi việc đều phụ thuộc vào động lực. Phật giáo dạy chúng ta luôn phối kiểm động lực của mình, trước khi làm hay nói bất cứ điều gì. Hơn nữa, về kỹ năng giao tiếp thì đạo Phật dạy ta cố gắng tìm hiểu đối tượng, và sử dụng các phương tiện thiện xảo để nói chuyện với họ. Đó là ngụ ý của phương tiện thiện xảo. Thiện xảo về phương tiện thật sự nghĩa là như vậy; thiện xảo trong cách giao tiếp, giúp đỡ người khác. Thế thì, một lần nữa, đối tượng rất quan trọng. Lời nói của chúng ta sẽ có ảnh hưởng gì đối với người khác, nếu tôi chỉ nói: “Chao ơi, tôi quá thất vọng về cuộc sống. Nó quá kinh khủng!”, và những điều như vậy? Kết quả của việc thông tin điều này sẽ là gì, đối với người khác? Nó có thể làm cho mình cảm thấy nhẹ nhõm một chút, rằng chúng ta thật sự có thể bày tỏ sự thất vọng và tức giận này, nhưng chắc chắn, nó không hữu ích cho người khác. Vì vậy, với việc tu học Phật pháp thì ta sẽ quan tâm về cách người khác sẽ phản ứng như thế nào, không chỉ nghĩ đến bản thân và nhu cầu bày tỏ suy nghĩ của bản thân, liệu có ai quan tâm đến điều mình nói hay không, và liệu có ai được lợi lạc gì hay không.

Tin Cấp Báo

Một lợi ích khác là Twitter cho phép thông tin của mình được người khác biết ngay lập tức về các sự kiện đáng chú ý mà bạn đang chứng kiến, khi mà những điều này có thể không được thông báo trên các phương tiện truyền thông khác. Qua máy chụp hình từ điện thoại di động và Facebook, bạn có thể đăng ảnh và video về các sự kiện khi chúng đang diễn ra. Vì vậy, điều này rất hữu ích, đặc biệt là ở những khu vực khó khăn, nơi có chiến tranh, biểu tình, những việc như thế. Hoặc chỉ thông tin những điều không bao giờ thật sự được đưa lên tin tức, thường là những sự kiện tốt đẹp, hơn là những sự kiện khủng khiếp.

Điều bất lợi là bạn cũng có thể sử dụng phương tiện truyền thông này để gởi những điều vô nghĩa. Người ta gởi những điều ngớ ngẩn nhất, và thậm chí có thể đi theo chiều hướng khiêu dâm, bạo lực, và vân vân. Đạo Phật dạy chúng ta trí bát nhã, và tôi nghĩ điều này là một khía cạnh rất, rất là quan trọng của việc tu tập Phật pháp. Trí bát nhã không chỉ ở mức độ sâu sắc nhất, để phân biệt giữa thực tế và ảo tưởng, thật sự thì hoàn cảnh của thế giới ra sao, về cách chúng ta tồn tại, để suy xét, phân biệt giữa điều đó với vọng tưởng mê lầm, mà nó còn dạy chúng ta ở mức độ thông thường, để phân biệt giữa những điều có ý nghĩa và những điều vô nghĩa; những gì hữu ích và những gì có hại. Đây là một kỹ năng rất quan trọng mà chúng ta cần phải trưởng dưỡng.

Lắng Dịu Tâm Hay Trở Nên Năng Động Bằng Nhạc

Lợi ích cuối cùng mà tôi muốn đề cập đến, liên quan đến iPod; tất cả những loại nhạc này. Nó thật sự rất xuất sắc khi... ở quê nhà, tại Berlin, tôi đi tàu điện ngầm (họ gọi nó là U-Bahn) và dễ có đến 80% người dân có tai nghe (earphones) và nghe nhạc. Bất cứ khi nào họ đi bộ trên đường, vân vân, là họ nghe nhạc. Vậy thì việc nghe rất nhiều nhạc trên iPod trong ngày, tùy theo người ta nghe loại nhạc nào, có thể giúp cho họ bình tĩnh, đối với những người chịu áp lực rất lớn. Hoặc nếu họ chơi nhạc techno, loại nhạc thật sự rất là mạnh mẽ, nó có thể giúp họ cảm thấy tràn đầy năng lượng, nếu họ thấy kiệt sức. Thế thì rõ ràng là việc này có lợi ích. Nhưng khuyết điểm lớn là nó cản trở việc suy nghĩ, và nó cũng có thể là một trở ngại khá lớn cho việc làm tâm trí lắng dịu xuống.

Vì vậy, nhiều người có cái mà chúng tôi gọi theo tiếng Đức là “con sâu tai”, đó là khi bạn có một giai điệu hay một bài hát mà bạn không thể vứt bỏ nó ra khỏi tâm trí, nên nó cứ lặp đi lặp lại trong đầu nhiều lần. Vì vậy, đương nhiên là việc nghe nhạc liên tục sẽ thật sự ngăn cản việc suy nghĩ. Và  lại nữa, nếu người ta cảm thấy rằng, “Nếu tôi nghĩ về bất cứ điều gì thì tôi chỉ bị trầm cảm. Vậy nên tôi không muốn nghĩ gì hết.”. Điều này chắc chắn không giúp ích gì cho bất kỳ loại phát triển hay tiến triển tâm linh nào. Và tâm họ không bao giờ yên tĩnh. Để thật sự tạo ra một sự tiến bộ trong việc phát triển bản thân thì ta cần phải làm cho tiếng ồn trong đầu lắng xuống, và có được một điều gì đó có ý nghĩa hơn một chút.

Thế thì đạo Phật dạy ta tu tập để phát triển kỷ luật tự giác. Làm thế nào để phát triển kỷ luật tự giác? Bằng cách lại suy nghĩ về những lợi điểm và bất lợi từ hành vi của mình, để hy vọng là ta chỉ nghe nhạc khi cần thiết, và nó chỉ là một công cụ trợ giúp để làm lắng dịu tâm thức qua việc hành thiền. Giáo pháp về phát tâm tinh tấn, hoan hỷ tinh tấn, nói rằng mình phải biết khi nào thì nên nghỉ ngơi. Nếu bạn thúc đẩy bản thân quá mạnh, và vân vân, thì điều đó có thể trở nên hoàn toàn bất lợi. Nên phải biết khi nào nên nghỉ ngơi, nhưng không lạm dụng điều đó; không nên đối xử với bản thân như một đứa bé và nghỉ ngơi hoài. Bạn sẽ áp dụng một pháp đối trị, như nghỉ ngơi một chút,nhưng rồi bạn biết khi nào không nên áp dụng pháp đối trị ấy.

Đặt Ra Giới Hạn

Vì vậy, điều này rất quan trọng để áp dụng không chỉ cho việc nghe nhạc, mà còn xem truyền hình, xem DVD, những điều tương tự như vậy. Phương tiện truyền thông này rất dễ nghiện ngập, như tôi đã đề cập, đèn nhấp nháy, và tất cả những thứ này. Vì vậy, giống như một con thú, chúng ta bị nó làm mê hoặc, nên khó mà tắt nó. Nhưng thường thì phương pháp hữu ích có thể là đưa ra giới hạn thời gian: Tôi sẽ nghe cái này hoặc xem truyền hình, hay xem Internet, bất cứ điều gì trong nửa giờ hoặc bất cứ khoảng thời gian nào. Khoảng thời gian đó dài bao lâu thì không quan trọng.

Những giáo huấn về trì giới thì khá thú vị. Tôi nhớ đã thảo luận về vấn đề này với Geshe Wangchen (ngài là vị giáo thọ của Ling Rinpoche trẻ) và ngài nói rằng điều chủ yếu là thiết lập ranh giới. Đối với những người khác nhau, tất nhiên, ranh giới có thể hơi khác nhau. Bởi vì nếu bạn xem những buổi thảo luận về hành vi tiêu cực và vân vân trong các bản văn của những tác giả khác nhau thì có sự giải thích hơi khác nhau; ranh giới của điều gì tiêu cực và điều gì không tiêu cực hơi khác nhau. Chẳng hạn, đối với hành vi tình dục không phù hợp, nếu bạn nhìn vào lịch sử của điều này thì nó đã được giải thích hơi khác nhau trong những sách vở khác nhau. Cái mà Geshe Wangchen nói là điều quan trọng là phải có một ranh giới, để nói rằng “Tôi sẽ làm việc này bấy nhiêu thôi, nhưng sẽ không làm nhiều hơn thế. Tôi sẽ không vượt qua khỏi ranh giới đó.”.

Vấn đề là phải phát triển trí tuệ để thấy rằng một số tình huống, những điều nào đó, có hại và bất lợi. Điều đơn giản là tôi sẽ không làm những điều đó, bởi vì nó chỉ mang lại bất lợi. Và nếu chúng ta có thể đặt ra ranh giới như vậy, bất kể ranh giới đó có thể là gì, và hãy giữ gìn nó... và dĩ nhiên là ngay từ đầu, hãy đặt ra một ranh giới hợp lý mà ta có thể giữ gìn, và cũng đặt nó trong một khoảng thời gian ngắn hơn, nếu đó là vấn đề đặc biệt khó khăn đối với mình. Bạn biết đó, chẳng hạn như tôi sẽ không dùng Internet trong một tuần, hoặc bất cứ điều gì. Không cần biết nó là vấn đề gì. Vấn đề là phát triển kỷ luật, sống trong những ranh giới nhất định mà mình đã đặt ra. Không phải tùy tiện, không phải là luật pháp hay cơ quan nào đó đã áp đặt nó cho mình, mà dựa vào trí phân biệt của mình, rằng có một số điều chỉ có hại, có hại cho bản thân, có hại cho người khác, và tôi không muốn làm điều đó, vì nó chỉ tạo ra vấn đề và rắc rối. Nếu có thể giữ một số ranh giới nhất định thì bạn có thể làm cho nó chặt chẽ hơn, chặt chẽ hơn và hơn nữa, bất kể đó là điều gì mình đang xử lý, bất kể đó là vấn đề gì mà chúng ta cần đặt ra ranh giới.

Điều này rất quan trọng, khi đối phó với điều gì có khả năng tạo ra cơn nghiện như iPod và nhắn tin bằng điện thoại di động, và đại loại những thứ này, mà chắc chắn là chúng có lợi ích, không phải là chúng xấu xa hay đại loại như thế, nhưng mình biết chúng có nhược điểm. Nếu mình biết những nhược điểm của chúng, và hạn chế việc sử dụng chúng, chỉ sử dụng khi thật sự hữu dụng, hãy cố gắng sử dụng chúng một cách có ý nghĩa, ví dụ như với iPod thì hãy nghe những bài giảng về tâm linh, thuyết pháp, thay vì chỉ nghe cùng một loại nhạc hết lần này đến lần khác, rồi tìm kiếm những loại nhạc khác, và đại loại như thế. Hãy cố gắng sử dụng nó một cách có ý nghĩa hơn.

Thế thì đây là những suy nghĩ của bản thân mà tôi muốn chia sẻ với các bạn về những gì đang xảy ra trên thế giới. Bởi vì nếu có liên hệ với đạo Phật, và tham gia vào việc cố gắng làm cho giáo pháp đến với người khác, hữu ích và phù hợp với người khác, thì chúng ta cần phải suy nghĩ về những gì đang xảy ra trên thế giới ngày nay. Và thế giới đang thay đổi rất, rất là nhanh và rất đáng kể, với tất cả các phương tiện truyền thông xã hội này, và đó là điều mà chúng ta chắc chắn cần phải giải quyết, và xem đạo Phật có thể giúp đỡ như thế nào trước sự phát triển xã hội này hay không.

Top