Xã Hội Phương Tây, Từ Quan Điểm Đạo Phật

Tôn Giáo

Đối với vấn đề tôn giáo, thì tôi luôn nói rõ với người Tây phương rằng bạn nên giữ truyền thống riêng của mình. Tất nhiên, trong số hàng triệu người, có một số cá nhân như bạn, người mà... Tôi nghĩ một số các bạn trong thập niên sáu mươi giống như những người hippy (thanh niên lập dị chống lại xã hội) - hơi bối rối về tâm trí của mình, và có một thái độ nổi loạn đối với hiện trạng, kể cả đối với đức tin tôn giáo phương Tây của các bạn, đúng không? Vì vậy mà các bạn đã đi đây đi đó, đi đó đi đây, như thể các bạn không có phương hướng nào cả, và cuối cùng thì đã tìm thấy một số ý tưởng mới mẻ trong đạo Phật. Vậy thì ổn thôi, nếu như bạn thật sự cảm thấy đây là điều gì hữu ích, điều gì lợi lạc, thì cũng ổn thôi.

Giống như người Tây Tạng - hơn 99% là Phật tử, nhưng đồng thời cũng có người Hồi giáo trong số dân chúng Tây Tạng, và tôi nghĩ từ thế kỷ 20, một số tín đồ Cơ Đốc cũng có mặt ở đó. Nên đó là điều khả dĩ. Trong số những người Tây phương xuất thân từ bối cảnh Do Thái-Cơ Đốc (Judeo-Christian) - và cũng có bối cảnh Hồi giáo ở một mức độ nào đó - một số người trong số này thấy truyền thống của mình không hiệu quả cho lắm, nên đã chọn làm người không có tín ngưỡng. Vì họ hơi bồn chồn, và thấy có một vài điều lợi lạc trong giáo lý nhà Phật về việc luyện tâm, nên họ quyết định noi theo đạo Phật. Điều đó ổn thôi. Đó là quyền của mỗi người.

Giáo Dục

Dù là Phật tử, hay thậm chí bất cứ hạng người nào, thì chúng ta phải thực tế. Cách tiếp cận phi thực tế sẽ tạo ra thảm họa, nên mình phải thực tế. Tôi nghĩ rằng mục đích chính của giáo dục là giúp cho mình giảm thiểu khoảng cách giữa hiện tướng và thực tại. Vậy thì nhiều cảm giác phi thực tế sẽ phát triển, vì có khoảng cách giữa hiện tướng và thực tại. Chúng ta có trí thông minh của con người, nên đúng là chúng ta cần có giáo dục. Mục tiêu chính của giáo dục là giúp trí óc của mình trở nên khôn ngoan, hợp lý và thực tế. Mục đích thật sự của giáo dục là chúng ta nên thực tế về toàn bộ đời sống, về tất cả mục tiêu của mình. Ngay cả đối với mục tiêu phá hoại, như những kẻ khủng bố - để đạt được mục tiêu của họ, thì phương pháp của họ phải thực tế; nếu không thì họ có thể chết trước khi đạt được mục tiêu của mình. Bất cứ hành động nào của con người đều phải thực tế.

Hiện nay, có một cuộc khủng hoảng kinh tế. Có quá nhiều suy đoán mà không ai biết một cách chính xác điều gì sẽ xảy ra, rồi giả vờ là mọi việc đều ổn thỏa. Đôi khi, những người này biết điều gì đang xảy ra, nhưng cố tình đưa ra một hình ảnh khác cho công chúng. Đó là vô đạo đức. Đó là vì vô minh và tham lam. Theo một số bạn bè của tôi, thì đó là một phần của nguyên nhân tạo ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nếu như mọi người nói sự thật một cách cởi mở và minh bạch ngay từ đầu, thì khi thông báo cuối cùng được đưa ra, công chúng sẽ không quá sửng sốt. Họ nên làm cho sự việc rất rõ ràng ngay từ đầu. Nhưng bây giờ thì sự việc rất khó khăn, đúng không? Nên chúng ta phải thực tế về toàn bộ đời sống của mình. Và dĩ nhiên, trong quan hệ quốc tế, và cả trong các vấn đề môi trường, hoặc trong bất cứ lãnh vực nào - trong bất cứ lãnh vực nào và bằng mọi cách, chúng ta phải thực tế.

Giáo dục hiện đại còn thiếu một điều, và đó là việc giảng dạy về lòng nhân hậu. Tuy nhiên, hiện nay, có một số tổ chức, một số trường đại học đang thực hiện một số nghiên cứu về điều này. Họ đã thực hiện các thí nghiệm với sinh viên: Nếu họ có một số bài thiền ngắn để rèn luyện tâm thức về lòng bi, như một phần của nghiên cứu hàng ngày của họ, thì nó có thể tạo ra sự khác biệt sau tám tuần. Dù sao thì đó là một khía cạnh.

Sức Khỏe

So với thú vật và các dạng sống khác, thì chúng ta rất may mắn có được cơ thể con người, bởi vì chúng ta có bộ não kỳ diệu này - chúng ta có khả năng phát triển lòng vị tha vô hạn, và có khả năng điều tra thực tại tối hậu. Bất cứ dạng sống nào có bộ não kém tinh vi hơn con người, đều không có khả năng làm điều đó. Tất cả chúng sinh phàm trần đều là nô lệ của vô minh. Chỉ có bộ não con người mới có khả năng biết lỗi lầm của sự vô minh này. Do đó, thân người là điều quý giá, nên chúng ta phải bảo vệ đời sống này. Trong một ngàn năm, tất cả những gì chúng ta có thể làm là cầu nguyện với một số Hộ Phật mà lẽ ra, các ngài sẽ gia trì tuổi thọ cho mình. Nhưng bây giờ thì chúng ta có y học hiện đại và thể dục, kể cả thể dục yoga, và điều này cũng rất hữu ích, để bảo vệ cơ thể quý giá này, đúng không? Nó là như thế.

Kinh Tế

Dĩ nhiên, kiến thức của tôi rất hạn chế trong lãnh vực này. Thứ nhất, về lý thuyết kinh tế của Karl Marx thì điểm liên quan đến sự phân chia tài sản đồng đều đã thu hút tôi rất nhiều. Đó là đạo đức, trong khi chủ nghĩa tư bản không nói về điều đó, mà chỉ nói về cách làm sao để tạo ra lợi nhuận. Do đó, về mặt lý thuyết kinh tế xã hội thì tôi vẫn là người theo chủ nghĩa Mác (Marxist).

Cái gọi là “chủ nghĩa xã hội” (“socialism”) đã được thực hiện ở Liên Xô (Soviet Union) thời trước, và thời kỳ đầu của Trung Quốc hiện đại - và ở một số nước xã hội chủ nghĩa khác – cuối cùng thì nền kinh tế của họ phải đối mặt với sự trì trệ. Đó là sự thật. Về mặt phát triển kinh tế thì chủ nghĩa tư bản phương Tây là một lực lượng năng động hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), Trung Quốc đã hy sinh việc áp dụng chủ nghĩa Mác cho nền kinh tế, và tự nguyện noi theo chủ nghĩa tư bản. Hiện nay, tôi không nghĩ rằng người ta có thể đổ lỗi cho hệ thống tư bản, đối với tất cả những khó khăn mà Trung Quốc đang phải đối diện ngày nay. Tôi nghĩ một đất nước tự do có thể theo chủ nghĩa tư bản, mà không có những vấn đề này, nhưng đồng thời, bạn phải có một nền tư pháp độc lập và báo chí tự do. Nếu các phương tiện truyền thông noi theo nguyên tắc minh bạch, thì chánh phủ được dân bầu phải chịu trách nhiệm. Đối với chủ nghĩa tư bản thì chúng ta cần có những phương pháp khác, để giúp cho xã hội quân bình hơn.

Hiện nay, Trung Quốc chỉ là chủ nghĩa tư bản - không có tư pháp độc lập, không có báo chí tự do, không có trách nhiệm. Tư pháp được đảng kiểm soát, nền kinh tế được đảng kiểm soát, và báo chí được những người theo đảng kiểm soát, nên đó là lý do chính, khiến cho Trung Quốc phải đối mặt với những vấn đề hiện nay. Có rất nhiều việc tham nhũng, và không có phương pháp đúng đắn để kiểm soát điều này. Những người nghèo liên quan đến vấn đề tham nhũng thì lãnh án tử hình, còn những người ở vị trí cao hơn thì ở ngoài vòng luật pháp. Thế thì đó là lý do.

Khi Bức Tường Berlin sụp đổ thì các quốc gia Đông Âu cũ có được tự do - ví dụ như Cộng hòa Séc (Czech Republic) và Slovakia. Tôi nghĩ tôi là người khách đầu tiên đã đến Cộng hòa Séc, theo lời mời của Tổng thống Havel, và sau đó, tôi cũng đã đến thăm các quốc gia Baltic, cũng như Hungary và Bulgaria. Tôi chưa bao giờ đến Romania, nhưng đã đến thăm Nam Tư cũ (Yogoslavia) - Kosovo, Croatia và Slovenia. Khi đến thăm Cộng hòa Séc lần đầu tiên, tôi đã nói rằng: “Bây giờ là lúc để thực hiện nhiều công việc nghiên cứu hơn. Hãy lấy những điều tốt của hệ thống xã hội chủ nghĩa, lấy những điều tốt của chủ nghĩa tư bản, và có thể tổng hợp chúng thành một hệ thống kinh tế mới. Tôi đã nói điều này, nhưng những điều đó chỉ trở thành ngôn từ trống rỗng. Nhưng tất nhiên là tôi không có kiến thức gì về kinh tế.

Lối Sống Duy Vật

Hôm qua, tôi đã đề cập ngắn gọn về lối sống phương Tây. Không chỉ là phương Tây, mà còn có một xã hội duy vật hơn ở Ấn Độ, không phải là có một cộng đồng duy vật hơn hay sao? Họ tìm kiếm việc hưởng thụ qua các cửa giác quan - kịch, phim, âm nhạc, thức ăn ngon, hương thơm và cảm giác thể chất dễ chịu, kể cả tình dục. Vậy thì họ chỉ tìm kiếm sự hài lòng bằng những phương tiện bên ngoài, ở mức độ giác quan.

Tuy nhiên, nguồn gốc tối hậu của sự mãn nguyện trong nội tâm là rèn luyện tâm trí của mình, không dựa vào những kinh nghiệm giác quan này. Hành vi hữu lậu của chúng ta phải chấm dứt. Tính ô trược của hành vi không phải là vì môi trường, mà hành vi của chúng ta trở nên ô trược vì tà kiến hay vô minh. Do đó, nếu muốn chấm dứt nghiệp ô trược, điều tạo ra vấn đề của mình thì trước tiên, chúng ta phải loại bỏ tâm vô minh ở đây, trong đầu mình. Đó là cách của đạo Phật. Như tôi đã đề cập trước đó, các trung tâm học thuật ngày càng cảm thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc cảm xúc, tâm thức của chúng ta. Đây là dấu hiệu rất lành mạnh.

Tuy nhiên, vẫn tốt hơn khi có thể nói rằng, “Đời sống của tôi rất tốt đẹp.”. Đạo Phật cũng đề cập điều đó, và đối với điều này thì có bốn yếu tố thù thắng cho một đời sống tốt đẹp (phun-tshogs sde-bzhi) (1) tái sinh cao hơn; (2) mưu cầu vật chất; (3) giáo pháp; và (4) giải thoát. Hai yếu tố thù thắng đầu tiên là tái sinh cao hơn, hoặc chỉ là tái sinh làm người, rồi có những nhu cầu thiết yếu như sự thịnh vượng, tài sản, bạn đồng hành, v.v... để có được đời sống hạnh phúc, một đời sống tốt. Bạn cần các phương tiện, và để có được những điều này thì bạn phải có tiền, nên tiền được đề cập ở đây. Nhưng rồi về lâu dài thì mục tiêu của chúng ta nên là niết bàn - sự chấm dứt vĩnh viễn của tâm vô minh và những cảm xúc tiêu cực này. Vì vậy, đó là giải pháp lâu dài, và chúng ta phải thực hành Pháp.

Khoảng Cách Giữa Người Giàu Và Người Nghèo

Một vấn đề khác là khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Khi tôi ở Washington, trong một cuộc họp mặt với công chúng đông đảo, tôi đã nói rằng: “Đây là thủ đô của quốc gia thịnh vượng nhất, nhưng ở vùng ngoại ô ở Washington có nhiều người nghèo và gia đình nghèo. Điều này không chỉ sai lầm về mặt đạo đức, mà còn là nguồn gốc của nhiều vấn đề.”. Giống như sự kiện ngày 11 tháng 9, điều này cũng liên quan đến khoảng cách lớn đó. Thế giới Ả Rập vẫn nghèo nàn, và tài nguyên thiên nhiên của họ bị phương Tây khai thác tối đa, nên công chúng ở đó đôi khi cảm thấy có sự bất công.

Đây là những tình huống rất, rất là phức tạp. Tôi nghĩ cộng đồng Phật giáo cũng phải có một số hành động. Ít nhất là hãy cố gắng chăm sóc những người láng giềng của các bạn; cho họ một chút hy vọng, một chút tự tin về mặt tinh thần.

Tôi thường nói với những người bạn Ấn Độ của mình, những người thuộc về cái gọi là “đẳng cấp thấp”, những người đi theo Tiến sĩ Ambedkar - nhiều người trong số họ là Phật tử - tôi luôn nói với họ rằng khoảng cách giàu nghèo phải thay đổi. Thay vì có những khẩu hiệu và biểu hiện sự thất vọng, thì tầng lớp của những nghèo hơn phải tạo dựng lòng tự tin rằng họ đều giống như nhau. Tôi nói với họ rằng, “Phạm Thiên (Brahma) đã tạo ra bốn đẳng cấp này từ bốn cái đầu của ngài. Nhưng đó là cùng một vị Phạm Thiên, đúng không? Vậy thì tất cả chúng ta phải đều bình đẳng.

Tôi luôn nhấn mạnh về giáo dục cho tầng lớp của những người nghèo hơn. Tầng lớp giàu có hơn, thịnh vượng hơn phải cung cấp các phương tiện cho họ - giáo dục, đào tạo và thiết bị - để giúp họ cải thiện mức sống. Tôi cũng đã bày tỏ điều này ở Châu Phi trong một vài dịp. Miền Nam của thế giới gặp rất nhiều khó khăn. Miền Bắc của thế giới thì thường thặng dư của cải. Những người ở miền Nam thậm chí còn không có được nhu cầu căn bản. Nhưng tất cả những người này đều là anh chị em trong loài người giống nhau.

Nhân Quyền

Một điều khác mà tôi muốn chia sẻ với các bạn là chúng ta nhấn mạnh quá nhiều vào tầm quan trọng của những điều ở mức độ thứ yếu như quốc tịch, tín ngưỡng tôn giáo, đẳng cấp, những điều như vậy. Chúng ta quên đi mức độ cơ bản của con người, để tạo ra một số lợi ích ở mức độ thứ yếu. Đó là một vấn đề. Tôi nghĩ, không may mắn là giống như tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Hiệp Quốc Về Vấn Đề Khí Hậu Thay Đổi ở Copenhagen năm 2009 (Copenhagen Summit 2009 United Nations Climate Change Conference), các nước quan trọng thì quan tâm nhiều hơn về lợi ích quốc gia của họ, hơn là lợi ích toàn cầu, nên đó là lý do tại sao chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề không cần thiết.

Chúng ta phải cố gắng hết sức để giáo dục mọi người, rằng chúng ta đều là con người. Sau đó, ưu tiên số một của chúng ta phải là quyền lợi cơ bản của con người. Mối quan tâm của các quốc gia và cộng đồng tôn giáo khác nhau là vấn đề thứ yếu. Giống như với Trung Quốc - tôi luôn nói với mọi người rằng: “Dù có mạnh mẽ đến đâu thì Trung Quốc vẫn là một thành phần của thế giới. Nên trong tương lai, Trung Quốc sẽ phải đi theo chiều hướng của thế giới.”. Như vậy đó.

Chúng ta phải xem gần bảy tỷ người trên hành tinh này giống như một thực thể, một gia đình nhân loại lớn. Tôi nghĩ rằng đó là điều mà chúng ta thật sự cần thiết. Nhưng chúng ta không thể làm điều đó bằng cách truyền đạo, mà chỉ bằng cách giáo dục và sử dụng lý lẽ thông thường. Điều đó rất quan trọng.

Chiến Tranh

Khi nói về một nhân loại hạnh phúc, hòa bình, bi mẫn hơn, thì phải nỗ lực tìm kiếm đáp án thật sự cho những kẻ khủng bố, và việc sử dụng lực lượng quân sự. Trên thực tế ngày nay, tất cả mọi thứ đều phụ thuộc lẫn nhau. Nền kinh tế Châu Âu và tương lai của Châu Âu phụ phụ thuộc vào Châu Á và Trung Đông. Mỹ cũng vậy. Tương lai Trung Quốc cũng phụ thuộc vào phần còn lại của châu Á, và phần còn lại của thế giới. Đó là thực tại. Vì vậy, theo thực tại này thì chúng ta không thể tạo ra ranh giới và nói rằng: “Đây là một kẻ thù. Đây là một người bạn.”. Không có cơ sở vững chắc cho việc phân chia kẻ thù và đồng minh. Theo thực tại ngày nay thì chúng ta phải tạo ra cảm giác về một “Chúng Ta” to lớn, chứ không phải là “chúng ta” và “họ”.

Vào thời cổ xưa, một ngàn năm trước, cơ sở vững chắc này của “chúng ta” và “họ” đã có mặt ở đó. Và trên cơ sở đó, theo thực tại đó, việc tiêu diệt kẻ thù của bạn - “họ” - là chiến thắng của bạn. Thế thì khái niệm chiến tranh là một phần của lịch sử loài người. Nhưng hiện giờ, ngày nay, thực tại của thế giới hoàn toàn mới mẻ, nên chúng ta phải xem tất cả mọi nơi trên thế giới là một phần của “Chúng Ta”. Chúng ta phải quan tâm đến phúc lạc của họ một cách nghiêm túc. Không có chỗ cho bạo lực trong một thế giới mà tất cả chúng ta phải chung sống với nhau, phụ thuộc lẫn nhau.

Top