Nguyên Tắc Đạo Đức Ứng Dụng Trong Đời Sống Hàng Ngày

Việc áp dụng đạo đức và các giá trị trong cuộc sống hàng ngày được gọi là “đạo đức ứng dụng”. Thuật ngữ hiện đại có thể là “giáo dục đời sống”, đưa ra giải pháp cho sự thách thức từ cả hai mặt, về sự thất vọng của cá nhân và bất ổn trong xã hội. Ở cấp độ cá nhân, nó giúp người ta thấu hiểu đời sống của mình, trong khi ở cấp độ xã hội, giúp cho người ta học hỏi cách hình thành quan hệ tích cực với người khác, là điều cần thiết cho sự tiến bộ và phát triển. Đạo đức phổ quát đóng một vai trò trọng yếu.

Chúng ta sẽ có được đạo đức như vậy từ đâu? Chúng ta có thể học hỏi chúng từ những cội nguồn thế tục, chẳng hạn như Aristotle hay các nhà lãnh đạo như John F. Kennedy, người đã nói: "Đừng hỏi đất nước của bạn có thể làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước của mình.". Chúng ta cũng có thể học hỏi từ tôn giáo. Trong khi một số người có thể lập luận rằng các tôn giáo chỉ chia rẽ con người, thì nên lưu ý rằng tôn giáo có hai khía cạnh: khía cạnh thần học khác biệt giữa các tôn giáo, và các hệ thống đạo đức chung, dành cho tất cả các tôn giáo. Vì chúng ta tiếp thu những nguyên tắc trong đời sống từ tất cả những điều này, tôi muốn nói thêm rằng tôn giáo cũng đóng một vai trò trong việc hình thành đạo đức ứng dụng phổ quát. 

Tại Trung Tâm Hòa Bình Và Tâm Linh (Center for Peace and Spirituality), do Maulana Wahiduddin Khan thành lập, chúng tôi đã phát triển một mô hình thực tế cho đạo đức ứng dụng, mà Maulana đã mở các lớp học vào cuối tuần, trong 17 năm qua. Chúng tôi đã chuẩn bị cho hàng ngàn nhà giáo dục đời sống, những người đầu tiên đã áp dụng các nguyên tắc này cho bản thân họ, rồi sau đó, nói về những điều này với người khác. Đó là điều mà các giáo viên phải làm. Trước tiên, họ phải áp dụng các nguyên tắc này cho bản thân, và tiếp tục thực hiện điều này, vì đó là quá trình lâu dài trong suốt cuộc đời. Chúng ta sẽ bắt đầu, rồi trong quá trình này, cũng giúp cho học sinh áp dụng những nguyên tắc tương tự. Những gì mà chúng ta đã phát triển là một giải pháp. Tôi đã nghiên cứu về cách thiết lập hòa bình trong thế giới hiện đại, và nhận ra con người phải được chuyển hóa, để hướng về một nền văn hóa hòa bình. Khi điều này xảy ra, con người sẽ phát triển về mặt trí thức, trở nên an lạc và đóng góp cho hòa bình, cho sự tiến bộ và phát triển trong xã hội. Điều này sẽ phát triển các quốc gia trên phạm vi quốc tế.

Vì mục tiêu này, chúng tôi đã phát triển một chương trình phát triển nhân cách mà tôi muốn chia sẻ ba nguyên tắc chính trong đó. Những nguyên tắc này được rút ra từ hai lãnh vực đạo đức thế tục và tôn giáo: 

1. Thái Độ Tích Cực

Đầu tiên là một thái độ tích cực, hay khuynh hướng tích cực. Có một câu chuyện về hai người đàn ông trong tù nhìn ra cửa sổ đằng sau song sắt. Một người chỉ thấy bùn, trong khi người kia nhìn thấy các vì sao. Điều này có nghĩa là trong khi những người khác nhau có thể ở trong cùng một hoàn cảnh, nhưng người ta có thể chọn thái độ tiêu cực và chỉ nhìn thấy bùn, hay có thể nhìn thấy cơ hội mà hoàn cảnh này đã tạo ra. Càng phát triển nhiều quan điểm, thì chúng sẽ giúp mình nhìn thấy cơ hội. 

2. Hành Vi Tích Cực

Thứ hai là hành vi tích cực. Tất cả các tôn giáo đều có khuôn vàng thước ngọc về đạo đức. Cơ đốc giáo có câu: "Hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn họ đối xử với mình.". Điều đó có nghĩa là chúng ta biết một cách chính xác loại hành vi mà mình mong đợi người khác sẽ biểu hiện với mình. Chúng ta không cần được dạy dỗ quá nhiều quy tắc đạo đức, mà chỉ cần cư xử theo cách ta muốn người khác cư xử với mình. Chúng ta sẽ bắt đầu trao tặng cho người khác, và biết rằng khi cho đi, thì mình cũng nhận được. Chúng ta sẽ nhận được quyền lợi, nhân loại – tất cả mọi thứ. 

3. Hòa Bình Và Bất Bạo Động

Theo nghiên cứu của tôi thì tinh túy của tất cả đạo đức có thể được chứa đựng trong hòa bình. Đây là mái vòm che chở tất cả những nguyên tắc sống tích cực, chẳng hạn như cầu chúc, tôn trọng, tha thứ. Dựa vào cách này, tất cả những điều này đều có thể nằm dưới chiếc dù hòa bình và bất bạo động. Khi sử dụng những nguyên tắc này và áp dụng chúng trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không chỉ tiến bộ và phát triển tự thân, mà còn trở thành những người đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội. 

Tôi cảm thấy nếu giáo viên và học sinh đều tham gia những chương trình như vậy, thì sẽ có ích lợi. Trường Cao Đẳng Ramanujan đã cho chúng tôi cơ hội giới thiệu các học phần này với giáo viên và sinh viên của họ, và điều này rất thành công. Để thực hiện điều này xa hơn, Trung Tâm Hòa Hình Và Tâm Linh đã phát triển các khóa học cho trường học, chẳng hạn như khóa “Chúng Ta, Những Người Đang Sống” của chúng tôi có sách vở, tài liệu nghiên cứu và tài liệu dành cho giáo viên giảng dạy lớp 1 đến lớp 12. Đối với các trường cao đẳng và học xá, chúng tôi đã phát triển khóa học “Văn Hóa Hòa Bình”, mà chúng tôi hy vọng sẽ giới thiệu cho trường Cao Đẳng Ramanujan. Đối với những người và tập đoàn ngoài học xá, chúng tôi đang phát triển “Chương Trình Đời Sống Tốt”. Thông qua những chương trình này, chúng tôi muốn quảng bá chúng trên thế giới. Chúng tôi đã thành lập các trung tâm ở khắp nơi trên Ấn Độ. Trên phạm vi quốc tế, chúng tôi đang đưa những chương trình này lên mạng, để các trung tâm của chúng tôi và các nhà giáo dục đời sống ở đó có thể quảng bá chúng xa hơn. Tôi hy vọng đây là một bước nhỏ, để phát triển các nhà giáo dục đời sống, hay các nhà đạo đức. Dựa vào cách này, chúng ta có thể tự mình phát triển trí năng, và trở thành những người đóng góp cho sự tiến bộ và phát triển.

Top