Giải Thích
Tha thứ có nghĩa là không tức giận đối với việc vi phạm, thiếu sót hoặc sai lầm, và không ôm hận. Đây là một tâm trạng tích cực mà ta cần phải phát triển, để đáp lại không chỉ những điều tai hại mà người khác đã tạo ra, và những sai lầm họ đã mắc phải, mà còn đáp lại những hành vi tiêu cực và sai lầm của chính mình. Nếu muốn làm như vậy, thì phải phân biệt giữa bản thân mình như một con người, với bất cứ hành vi hay sai lầm cụ thể nào mà mình đã tạo ra. Khi nghĩ về bản thân, thì phải nghĩ về toàn bộ đời sống của mình - và nếu chấp nhận giáo huấn của nhà Phật về việc tái sinh, thì cũng phải chấp nhận tất cả những kiếp quá khứ và vị lai của mình. Khi mở rộng tâm thức để xem xét tự thân trong bối cảnh rộng lớn hơn, ta sẽ thấy bất cứ hành vi tiêu cực hoặc sai lầm nào mà mình đã tạo ra chỉ là một sự cố. Chúng ta đã làm rất nhiều việc khác trong đời, trừ khi mình là Phật, còn không thì không thể tránh khỏi lỗi lầm. Nếu như chỉ đồng hóa mình với những lỗi lầm hay hành vi sai trái mà mình đã tạo ra, và xem đó là bản thể chân thật của mình, thì kết quả là ta sẽ cảm thấy tội lỗi. Càng cố chấp thì càng cảm thấy tội lỗi và tồi tệ hơn.
Tha thứ cho mình không có nghĩa là quên đi những gì chúng ta đã làm, như thể nó không quan trọng. Chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại mà mình đã gây ra, hay những sai lầm mình đã tạo ra, nhưng không chấp chặt vào chúng với cảm giác tội lỗi, và không tự giận mình. Chúng ta sẽ thừa nhận những sai trái và lỗi lầm của mình, bỏ qua việc chỉ đồng hóa mình với chúng - nghĩ rằng mình là “người xấu” hay “kẻ ngốc” - và áp dụng bốn lực đối trị:
- Ăn năn hối hận.
- Quyết tâm cố gắng hết sức để không lặp lại hành vi tai hại hay lỗi lầm.
- Xác định lại phương hướng an toàn (quy y) mà mình đang cố gắng áp dụng trong đời sống.
- Hãy sửa chữa sai lầm, đối trị điều tai hại mà mình đã làm bằng cách xin lỗi, nếu như có khả năng làm như vậy, cũng như bù đắp điều đó với những hành vi tích cực, nếu như có thể làm như vậy.
Thiền
- Hãy tĩnh tâm bằng cách chú trọng vào hơi thở.
- Nhớ lại điều tai hại mà bạn đã làm - có thể là làm tổn thương ai đó với hành vi hay lời nói của mình - và sau đó, cách mà bạn cứ nghĩ về những gì mình đã làm hay đã nói, và cảm thấy tội lỗi về điều đó, và giận bản thân mình.
- Hãy mở rộng phạm vi và nghĩ về tự thân trong toàn bộ kiếp sống này, và nhận ra đây chỉ là một sự cố, và ngay cả khi nó sẽ tái diễn, thì vẫn còn và sẽ còn có nhiều điều khác xảy ra trong cuộc sống của mình.
- Hãy nhận ra nếu chỉ đồng hóa mình với hành vi này, và mắc kẹt vào đó, thì chỉ khiến cho bạn cảm thấy tội lỗi và tồi tệ thôi. Bạn đang nghĩ về tự thân trong phạm vi quá giới hạn.
- Hãy buông bỏ sự nhận diện ấy, bằng cách thấy rằng điều này không tương ứng với tính tổng thể của mình.
- Rồi hãy xem xét tự thân lần nữa, về mặt toàn bộ đời sống, và tùy hỷ với tất cả những điều tích cực, xây dựng mà bạn đã làm.
- Thừa nhận việc bạn đã làm là điều phá hoại và tai hại. Bạn chưa phải là một bậc giải thoát, và đôi khi, sẽ làm những điều tai hại.
- Tuy không thể thay đổi điều mình đã làm, nhưng bạn thấy hối hận về điều đó. Điều đó có nghĩa là bạn ước gì mình chưa hề tạo ra nó.
- Hãy quyết tâm cố gắng hết sức, để không lặp lại hành vi tai hại ấy. Bạn sẽ cố gắng chánh niệm về cách mình hành xử và nói năng, và kềm chế bản thân, khi muốn làm hay nói điều gì tiêu cực.
- Khẳng định lại phương hướng tích cực (quy y) mà mình đang đưa vào đời sống - bạn đang nỗ lực để khắc phục những khiếm khuyết và những mặt có vấn đề, và chứng ngộ tiềm năng viên mãn của mình.
- Hãy xin lỗi, ít nhất là trong tâm mình, với đương sự, hay những người mà bạn đã làm tổn thương, và tưởng tượng mình sẽ làm điều gì tốt đẹp cho họ, để bù đắp cho những gì bạn đã làm. Hãy quyết tâm là nếu bạn gặp lại người đó, thì bạn sẽ thật sự làm những điều mình đã tưởng tượng.
Lặp lại những bước này, đối với lỗi lầm mà bạn đã tạo ra:
- Nhớ lại một vài lỗi lầm mà bạn đã mắc phải - có thể là xóa nhầm một tập hồ sơ quan trọng nào đó trong máy vi tính - bạn đã giận và rất bực bội như thế nào, có thể đã chửi thề và gọi mình là đồ ngốc.
- Hãy mở rộng phạm vi và nghĩ về tự thân trong cả kiếp này, và nhận ra đây chỉ là một sự cố, và ngay cả khi nó tái diễn, thì vẫn còn và sẽ còn có nhiều điều khác xảy ra trong cuộc sống của mình. Bạn đã làm hầu hết những điều đúng đắn.
- Hãy nhận ra là nếu chỉ đồng hóa mình với hành động này, và mắc kẹt vào đó, thì chỉ khiến cho bạn cảm thấy tệ hại và buồn bực thôi. Bạn đang nghĩ về tự thân trong phạm vi quá giới hạn.
- Hãy buông bỏ sự nhận diện ấy, bằng cách thấy rằng điều này không tương ứng với tính tổng thể của mình.
- Rồi hãy xem xét bản thân một lần nữa, về mặt toàn bộ cuộc đời, và tùy hỷ với tất cả những điều tích cực, xây dựng mà bạn đã làm một cách đúng đắn và tốt đẹp.
- Thừa nhận việc bạn đã làm là điều sai lầm, và đôi khi, bạn sẽ phạm lỗi lầm, nên không có gì đặc biệt.
- Sự thật là bạn không thể thay đổi điều mình đã làm, nhưng bạn thấy hối hận về điều đó. Nó có nghĩa là bạn ước gì mình chưa hề làm như vậy.
- Hãy quyết tâm cố gắng hết sức, để không lặp lại lỗi lầm ấy. Bạn sẽ cố gắng giữ chánh niệm và tỉnh giác trong khi làm việc bằng máy vi tính, để luôn luôn cẩn thận..
- Khẳng định lại phương hướng tích cực (quy y) mà mình đang đưa vào đời sống - bạn đang cải thiện bản thân, để khắc phục những khiếm khuyết và lỗi lầm, như không chú tâm vào việc mình đang làm, và chứng ngộ tiềm năng viên mãn của mình.
- Hãy bình tĩnh và quyết tâm cố gắng nhớ lại tập hồ sơ này đã chứa dữ liệu gì trong đó, để đánh máy lại những dữ liệu ấy.
Tóm Tắt
Việc tha thứ cho bản thân, đối với những tổn hại mà mình đã gây ra, hoặc những lỗi lầm mình đã mắc phải, có nghĩa là không tự giận mình, hoặc cảm thấy mình là người xấu, và cảm thấy tội lỗi, hay tự nguyền rủa mình là một tên ngốc. Ta sẽ không đồng hóa bản thân chỉ với hành vi sai trái hay lỗi lầm mà mình đã mắc phải một cách hạn hẹp, bằng cách thấy rằng điều này không tương ứng với tính tổng thể trong đời sống của mình. Ta sẽ chịu trách nhiệm về hành vi của mình, và giải quyết chúng. Hãy thừa nhận rằng những điều ta đã làm là sai, hối hận, và hứa sẽ cố gắng hết sức, để không lặp lại điều đó, khẳng định lại phương hướng tích cực (quy y) mà mình đang cố gắng noi theo trong cuộc sống, một là xin lỗi và làm điều gì tốt đẹp để bù đắp cho những tổn hại mà mình đã gây ra, hai là sửa sai.