Các Thể Loại Phật Giáo

05:56
Khi giáo pháp của Đức Phật lan truyền đến những vùng đất châu Á và các nền văn hóa khác nhau thì người dân địa phương đã thích ứng với những khía cạnh cộng hưởng hài hòa của đạo Phật với tín ngưỡng bản xứ của họ. Do đó, nhiều hình thức Phật giáo đã phát triển, mỗi hình thức có sự tiếp cận đặc thù và phong cách riêng của nó, nhưng tất cả vẫn giữ những nét đặc trưng quan trọng nhất của Phật pháp. Điều này phù hợp với phương pháp mô phạm của Đức Phật, đó là điều chỉnh thông điệp của mình để phù hợp với căn cơ của mỗi một đệ tử.

Hãy xem xét một số nét khác biệt giữa các hình thức Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Trung Quốc và Phật giáo Tây Tạng, là đại diện của các hệ thống Phật giáo chính còn tồn tại đến ngày nay.

Phật Giáo Nguyên Thủy

Phật giáo Nguyên thủy, được tu tập ở Đông Nam Á, nhấn mạnh việc hành trì thiền chánh niệm. Điều này được thực hiện bằng cách tập trung vào hơi thở và cảm thọ trong thân thể trong lúc ngồi, vào các động tác và ý định muốn cử động trong khi đi hết sức chậm rãi. Với chánh niệm về sự sinh diệt của từng khoảnh khắc, hành giả sẽ đạt được chứng ngộ về lẽ vô thường. Khi áp dụng sự hiểu biết này vào việc phân tích tất cả các kinh nghiệm của mình, hành giả sẽ nhận thức rằng không có một bản ngã thường hằng, bất biến, tồn tại độc lập với mọi người và mọi vật. Tất cả đều thay đổi theo từng khoảnh khắc. Nhờ vậy, hành giả sẽ đạt được sự hiểu biết về thực tại, giúp họ thoát khỏi sự lo âu về bản thân và niềm bất hạnh mà nó mang lại.

Phật giáo Nguyên thủy cũng dạy các pháp thiền về lòng từ, bi, hỷ, xả, nhưng chỉ trong những thập niên gần đây, Phật giáo Nguyên thủy mới có một phong trào gọi là “Đạo Phật Nhập Thế” (“Engaged Buddhism”), bắt đầu ở Thái Lan, để các Phật tử tham gia vào các chương trình trợ giúp xã hội và môi trường.

Các nhà sư Phật giáo Nguyên thủy tu học, trì tụng kinh điển và thực hiện nghi lễ cho giới cư sĩ. Hàng ngày, chư tăng đi khất thực trong im lặng, và các gia chủ thực hành hạnh bố thí bằng cách cúng dường thức ăn cho chư tăng.

Đại Thừa Đông Á

Các truyền thống Đại thừa Đông Á xuất xứ từ Trung Quốc có hai hình thức chính: Tịnh Độ (Pure Land), và một hình thức khác được biết như Zen ở Nhật Bản.

  • Truyền thống Tịnh Độ chú trọng việc trì tụng hồng danh của Đức Phật A Di Đà, tức Vô Lượng Quang Phật (Buddha of Infinite Light), như một phương tiện để đến cõi Cực Lạc Tịnh Độ của ngài, một loại thiên đường mà ở đó, mọi việc đều thuận lợi cho việc tu tập để thành Phật.
  • Zen nhấn mạnh việc hành thiền nghiêm ngặt, nhờ vậy mà tâm hành giả trở nên vắng lặng, không còn tạp niệm, thì bản chất thanh tịnh của tâm như lòng bi mẫn và trí tuệ sẵn có mới chiếu sáng được.
  • Chư tăng ni trong cả hai truyền thống đều tụng kinh, và để phù hợp với nền văn hóa Nho giáo, các vị còn thực hiện các nghi lễ, đặc biệt là cho liệt vị tổ tiên đã qua đời trong cộng đồng cư sĩ.

Đại Thừa Tây Tạng

Hình thức Phật giáo Đại thừa ở Tây Tạng hiện diện ở khắp Trung Á, bảo tồn sự phát triển lịch sử toàn diện của Phật giáo Ấn Độ, đặc biệt là các truyền thống của những học viện lớn như Na-lan-đà. Vì vậy, nó nhấn mạnh vào việc tu học, đặc biệt về bản tánh của tâm, các cảm thọ và thực tại, qua trung gian của luận lý học và tranh luận, cùng với việc hành thiền mien mật về những đề mục này.

Ở Tây Tạng, cách tiếp cận này được kết hợp với hành trì Mật điển của truyền thống Phật giáo Ấn Độ, trong đó, hành giả sử dụng năng lực của trí tưởng tượng và làm việc với những năng lượng vi tế trong cơ thể, để chuyển hóa bản thân thành một vị Phật. Điều này được thực hiện bằng cách chú tâm vào tánh Không và lòng bi mẫn, và trong bối cảnh đó, hành giả tưởng tượng mình đã trở thành sắc thân của một vị Phật cụ thể nào đó. Mặc dù những sắc thân Phật như vậy đôi khi được gọi là "bổn tôn", nhưng các bổn tôn này không tương đương với Thượng Đế về mặt ý nghĩa hay chức năng, và đạo Phật hoàn toàn không phải là một tôn giáo đa thần. Mỗi sắc thân Phật là một biểu tượng thể hiện cho một phương diện giác ngộ của một vị Phật, chẳng hạn như trí tuệ hay lòng bi. Việc quán tưởng mình trong thân Phật như vậy và  trì tụng những âm tiết thiêng liêng (chú) liên hệ đến vị Phật ấy, giúp cho hành giả khắc phục ý niệm về bản ngã mê lầm và tiêu cực, cũng như phát triển những phẩm chất mà vị Phật đó biểu hiện. Cách hành trì như vậy rất cao cấp và cần có sự giám sát chặt chẽ của một vị thầy hội đủ các phẩm chất cao quý.

Phật giáo Tây Tạng cũng có nhiều nghi lễ và tụng niệm, thường để loại trừ những năng lực tiêu cực và sự quấy nhiễu, được hình dung dưới dạng ma quỷ. Trong khi thực hành những nghi lễ như vậy, hành giả tưởng tượng mình trong một sắc thân cực kỳ mạnh mẽ như một sự trợ giúp của pháp thiền quán, để có thêm năng lượng và lòng tự tin, hầu vượt qua những khó khăn. Các pháp thiền quán trưởng dưỡng lòng từ ái và bi mẫn cũng được nhấn mạnh, và cũng liên quan đến việc sử dụng pháp quán tưởng.

Tóm Tắt

Dù là xem xét hành trì chánh niệm của Phật giáo Nguyên thủy, trì tụng hồng danh Phật A Di Đà ở Trung Quốc, hay pháp tu biện luận và quán tưởng ở Tây Tạng thì tất cả các hình thức của Phật giáo đều phù hợp trong cùng một bối cảnh. Mỗi một pháp tu đều cung cấp phương tiện hữu hiệu để khắc phục khổ đau và chứng ngộ tiềm năng của hành giả, không chỉ vì lợi ích của bản thân, mà còn có khả năng tạo lợi lạc tối đa cho chúng sanh.

Top