Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Mối Quan Hệ Với Đạo Sư

Nhận Xét Mở Đầu 

Tất cả các truyền thống Phật giáo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo sư trên đường tu. Chư đạo sư không chỉ:

  • Trao truyền thông tin 
  • Giải đáp thắc mắc
  • Xem xét sự hiểu biết của đệ tử
  • Xem xét sự phát triển về trí thức, cảm xúc và hành thiền của đệ tử

Mà chư đạo sư còn: 

  • Truyền giới và ban lễ quán đảnh
  • Làm gương cho người khác
  • Tạo cảm hứng cho người khác bằng tấm gương của mình
  • Là sự kết nối với một truyền thống noi theo Đức Phật.

Có chư đạo sư và đệ tử ở nhiều cấp độ khác nhau, nên có nhiều cách khác nhau để liên hệ trên đường tu.

Bối Cảnh Văn Hóa

Bối cảnh tu học với một đạo sư ở phương Tây hiện đại hoàn toàn khác với bối cảnh truyền thống ở Á châu.

Trong truyền thống Á châu, hầu hết các Phật tử: 

  • Là chư Tăng hay chư Ni, hoàn toàn dấn thân trên đường tu
  • Không có sinh hoạt lớn nào khác ngoài việc tu học giáo pháp
  • Là trẻ con thất học, khi bắt đầu học giáo pháp 
  • Do đó, khi trưởng thành, họ chỉ có học vấn tối thiểu về các môn học "ngoài đời", chẳng hạn như toán học, nghiên cứu xã hội và khoa học.
  • Chấp nhận giá trị của xã hội truyền thống Á châu về vai trò của phụ nữ và quan điểm về cấu trúc thẩm quyền – phụ nữ thấp kém hơn và hệ thống cấp bậc là chuẩn mực.

Ở phương Tây hiện đại thì hầu hết các đệ tử:

  • Là cư sĩ, bận rộn với công việc và đời sống riêng 
  • Có ít thì giờ dành cho giáo pháp 
  • Bắt đầu học Pháp khi đã là người lớn có học thức
  • Đòi hỏi sự bình đẳng về giới tính và cấu trúc xã hội dân chủ.

Về mặt tài chánh, truyền thống Á châu dành sự hỗ trợ xã hội cho chư đạo sư. Ngay cả những người không phải là đệ tử cũng cúng dường cho các ngài. Ở phương Tây hiện đại, chư đạo sư phải tự lo cho mình. Nhiều người điều hành trung tâm Phật giáo mà phải lo lắng về mặt tài chánh, tổ chức và hành chánh.

Tất cả những yếu tố này ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa thầy trò. Nhiều người tìm cầu về mặt tâm linh đã được lợi lạc, nhưng cũng có nhiều sự hiểu lầm, sai lầm và tổn thương về mặt tâm linh. 

Nguy Cơ

Trong trường hợp của truyền thống Tây Tạng thì nguy cơ trở nên trầm trọng hơn vì những bản văn về “lòng sùng mộ đạo sư”. Độc giả của những bản văn này là chư Tăng Ni đã dấn thân vào giới nguyện, cần ôn lại giáo pháp để chuẩn bị cho lễ quán đảnh Mật tông. Chỉ giáo này chưa bao giờ dành cho người sơ cơ ở trung tâm Phật giáo, không biết gì về Phật pháp.

Phải tránh hai cực đoan:

  1. Thần thánh hóa chư đạo sư, mở cửa cho sự ngây thơ và lạm dụng
  2. Biến các ngài thành quỷ, mở cửa cho hoang tưởng và đóng cửa đối với việc thọ nhận nguồn cảm hứng chân chính và lợi lạc sâu xa.

Sơ Đồ Phân Tích Phi Truyền Thống

Tôi đã phân tích vấn đề này và đề xuất cách làm cho mối quan hệ trở nên lành mạnh trong tác phẩm Liên Hệ Với Đạo Sư Tâm Linh: Xây Dựng Mối Quan Hệ Lành Mạnh (Ithaca: Snow Lion, 2000). Ở đây, tôi muốn giới thiệu một sơ đồ bổ sung phi truyền thống để phân tích vấn đề, được đề xuất và mở rộng từ công trình của bác sĩ tâm thần người Hungary, Tiến sĩ Ivan Boszormenyi-Nagy, một trong những người sáng lập ra liệu pháp gia đình và liệu pháp bối cảnh. 

Sáu Khía Cạnh Của Mối Quan Hệ 

Chúng ta có thể phân tích mối quan hệ từ cả hai phía thầy và trò theo sáu yếu tố hay khía cạnh. Nếu có vấn đề trong mối quan hệ, thì điều này có thể xác định vấn đề nằm ở đâu, để mỗi bên cố gắng điều chỉnh và thích ứng, để tạo ra tính quân bình lành mạnh hơn. 

Sáu yếu tố là:

  1. Dữ kiện liên quan đến mỗi bên và việc thiết lập mối quan hệ
  2. Mục tiêu của mối quan hệ đối với mỗi bên và các yếu tố tâm lý tác động đến mối quan hệ
  3. Vai trò của mỗi bên sẽ định nghĩa tự thân và người kia trong mối quan hệ, do đó, sẽ xác định kỳ vọng của mỗi bên và cách mỗi người cảm nhận về mình
  4. Mức độ cam kết và dấn thân của mỗi bên trong mối quan hệ và các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến điều này
  5. Các yếu tố tâm lý khác của mỗi bên
  6. Cách mà mối quan hệ vận hành và tác động của nó đối với mỗi bên. 

Dữ Kiện Về Mỗi Bên Và Việc Thiết Lập Mối Quan Hệ

Dữ kiện về mỗi bên sẽ ảnh hưởng mối quan hệ bao gồm:

  • Giới tính và tuổi tác
  • Nguồn gốc văn hóa – Á châu hay Tây phương
  • Đồng ngôn ngữ hay cần thông dịch viên – để đàm đạo và/hay  thuyết pháp
  • Xuất gia hay cư sĩ
  • Số kiến thức về giáo pháp và học vấn ngoài đời
  • Trình độ để làm đạo sư hay đệ tử về mặt trưởng thành về cảm xúc và đạo đức
  • Thời gian mà mỗi bên dành cho người kia
  • Số lượng đệ tử 
  • Vị thầy là người cư trú ở địa phương hay chỉ thỉnh thoảng viếng thăm.

Bối cảnh có thể là:

  • Một trung tâm Phật giáo phương Tây – trung tâm trong thành phố hay khu dân cư
  • Nếu là trung tâm Phật giáo, thì đó là trung tâm độc lập hay là thành phần của một tổ chức Phật giáo lớn
  • Một tu viện – ở Á châu hay phương Tây. 

Mục Tiêu Của Mối Quan Hệ Đối Với Mỗi Bên Và Các Yếu Tố Tâm Lý Tác Động Đến Mục Tiêu 

Đối với cả hai bên trong bất cứ mối quan hệ nào, thì mục tiêu của mối quan hệ gần như luôn luôn hỗn hợp. Mối quan hệ thầy trò cũng không ngoại lệ.

Đệ tử có thể đến với đạo sư để:

  • Thu thập kiến thức và tìm hiểu sự thật
  • Học thiền
  • Cải thiện nhân cách của mình
  • Cải thiện hoàn cảnh trong kiếp này
  • Cải thiện những kiếp tương lai
  • Giải thoát khỏi vòng tái sinh bất tự chủ (luân hồi)
  • Thành tựu giác ngộ để giúp tất cả chúng sinh giải thoát hay thành tựu giác ngộ giống như mình
  • Học cách thư giãn
  • Tạo mối liên hệ xã hội với bạn đồng tu có cùng chí hướng
  • Được tiếp cận với điều kỳ lạ
  • Tìm kiếm liệu pháp thần kỳ cho một số vấn đề về thể chất hay cảm xúc
  • Có được "giáo pháp chữa trị" từ một đạo sư có sức lôi cuốn thú vị, giống như "người nghiện giáo pháp".

Hơn nữa, đệ tử có thể trông cậy vào vị thầy để được:

  • Hướng dẫn và ban nguồn cảm hứng trên đường tu
  • Trị liệu
  • Hướng dẫn mục vụ
  • Thay thế cha mẹ của mình
  • Chấp thuận
  • Là người dạy bảo họ  phải làm gì trong cuộc sống.

Ngược lại, vị thầy có thể muốn: 

  • Trao truyền sự thật
  • Ban pháp truyền khẩu và bảo trì giáo pháp
  • Cải thiện nhân cách của đệ tử
  • Gieo chủng tử để tạo lợi lạc cho những kiếp tương lai của đệ tử
  • Giúp đệ tử có được tái sinh tốt hơn, giải thoát và giác ngộ
  • Xây dựng một trung tâm Phật giáo hay liên hội Phật giáo
  • Thu nhận đệ tử từ các dòng truyền thừa khác vào trong dòng truyền thừa của mình
  • Quyên góp tịnh tài để hỗ trợ tu viện ở Ấn Độ hay tái thiết tu viện ở Tây Tạng
  • Tìm một nơi an toàn để sinh sống như người tỵ nạn
  • Mưu sinh hay trở nên giàu có
  • Có quyền lực bằng cách khống chế người khác
  • Có được sự ưu ái về tình dục.

Các yếu tố tam lý tiêu cực tác động đến cả hai bên gồm có: 

  • Cô đơn
  • Buồn chán 
  • Đau khổ
  • Bất an
  • Muốn là người hợp thời trang
  • Áp lực từ nhóm của mình.  

Vai Trò Mà Mỗi Bên Xác Định Bản Thân Mình Và Người Khác Sẽ Đóng Trong Mối Quan Hệ, Và Từ Đó, Có Kỳ Vọng Và Cách Mà Mỗi Bên Cảm Nhận Về Chính Mình

Vị thầy có thể tự xem mình, hay đệ tử có thể xem vị thầy như:

  • Giáo sư Phật học, cung cấp thông tin về Phật giáo
  • Người chỉ giáo  Phật pháp, chỉ cách áp dụng giáo pháp trong đời sống
  • Người huấn luyện về cách hành thiền hoặc nghi lễ
  • Cố vấn tâm linh, truyền giới
  • Đạo sư Mật tông, ban lễ quán đảnh Mật điển.

Đệ tử có thể tự xem mình, hoặc vị thầy có thể xem đệ tử như:

  • Sinh viên Phật giáo, thu thập kiến thức
  • Học trò Phật giáo, học cách ứng dụng giáo pháp trong đời sống
  • Người học thiền hay nghi lễ
  • Một đệ tử chỉ thọ giới với thầy
  • Một đệ tử được thầy đích thân chỉ dạy.

Một mặt khác của khía cạnh này là cách mỗi bên cảm nhận về mình vì mối quan hệ.

Đệ tử có thể cảm thấy mình được:

  • Bảo vệ
  • Thuộc về ai đó
  • Trọn vẹn
  • Đáp ứng
  • Là người hầu 
  • Thành viên của một tà giáo

Vị thầy có thể cảm thấy mình là: 

  • Đạo sư
  • Hành giả khiêm tốn
  • Một vị cứu tinh
  • Mục sư
  • Tâm lý gia
  • Nhân viên hành chánh của các trung tâm Phật giáo hay liên hội   Phật giáo
  • Nhà bảo trợ cho tu viện.

Mức Độ Cam Kết Và Dấn Thân Của Mỗi Bên Trong Mối Quan Hệ Và Các Yếu Tố Tâm Lý Ảnh Hưởng Đến Điều Này

Đệ tử có thể:

  • Trả học phí cố định, cúng dường dana, hay học mà không đóng tiền hay cúng dường bất cứ thứ gì cho thầy
  • Tình cờ tham gia hoặc dấn thân sâu đậm đối với đạo Phật, với thầy và/hay một dòng truyền thừa
  • Có ý định thọ giới hay đã thọ giới với thầy hay không
  • Gánh trách nhiệm giúp đỡ thầy
  • Cảm thấy mắc nợ
  • Cảm thấy bị ép buộc
  • Cảm thấy mình phải trung thành – vai trò của áp lực trong nhóm đối với vấn đề này là điều đáng kể
  • Cảm thấy mình sẽ đọa địa ngục nếu làm điều gì sai trái.

Vị thầy có thể:

  • Gánh trách nhiệm hướng dẫn đệ tử về mặt đạo đức
  • Muốn điều khiển đời sống của đệ tử và bảo họ phải làm gì
  • Thi hành nhiệm vụ, vì thầy của mình đã gởi đệ tử đến cho mình giảng dạy
  • Xem như mình đang làm việc.

Các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến khía cạnh này gồm có:

  • Sợ phải cam kết
  • Sợ người có thẩm quyền, có thể vì có bối cảnh từng bị ngược đãi
  • Có nhu cầu làm người hữu dụng hay được thương yêu
  • Cần sự chú ý
  • Có nhu cầu kiểm soát người khác
  • Có nhu cầu chứng minh bản thân. 

Những Yếu Tố Tâm Lý Khác Đối Với Mỗi Bên

Những yếu tố này bao gồm hai bên là loại người:

  • Hướng ngoại hay hướng nội
  • Thiên về trí óc, tình cảm hay sùng mộ
  • Nồng hậu hay lạnh lùng
  • Bình tĩnh hay nóng tánh
  • Ham muốn thời gian và sự chú ý
  • Ganh tỵ với đệ tử khác hay vị thầy khác
  • Đầy lòng tự ti hay kiêu căng

Cách Mối Quan Hệ Diễn Biến Và Ảnh Hưởng Của Nó Đối Với Mỗi Bên:

Liệu hai thầy trò có tạo ra:

  • Một nhóm tốt hay xấu
  • Một nhóm mà cả hai đều phát huy những khả năng tốt nhất của nhau, hay cản trở khả năng của nhau
  • Một nhóm làm lãng phí thời giờ của hai bên, vì có kỳ vọng khác nhau
  • Một nhóm mà cấu trúc thứ bậc được duy trì và người đệ tử cảm thấy bị lợi dụng, khống chế, do đó kém cỏi hơn (củng cố lòng tự ti), và vị thầy cảm thấy mình là người có thẩm quyền và là cấp trên – xin lưu ý rằng điều mà một bên cảm nhận có thể không tương ứng với điều người kia cảm nhận
  • Một nhóm mà một người hay cả hai đều cảm thấy được truyền cảm hứng hay kiệt sức.

Tóm Tắt

Phải đánh giá mối quan hệ giữa thầy và trò theo cả sáu khía cạnh, và mỗi một yếu tố cấu thành của chúng. Nếu các yếu tố không phù hợp với nhau thì hai bên phải cố gắng dung hòa và điều chỉnh, hoặc thích nghi. Nếu một bên không chấp nhận phương pháp giải quyết vấn đề này, vì sự khác biệt về văn hóa hay yếu tố tình cảm, thì bên kia phải tự điều chỉnh hoặc duy trì khoảng cách trong mối quan hệ.

Top