Dẫn Nhập
Trong khi bàn luận về bất kỳ khía cạnh nào của việc nghiên cứu Phật pháp, thì việc hữu ích là xem xét cách mà các chủ đề phù hợp với bối cảnh rộng lớn hơn trong giáo lý nhà Phật. Điều đó có nghĩa là hiểu cách mà chủ đề đó phù hợp với việc trình bày Tứ diệu đế và Tứ pháp ấn (chos-kyi sdom-pa bzhi). Thuật ngữ “Tứ pháp ấn” có nghĩa là bốn đặc tính hay đặc điểm xác định một quan điểm về đời sống là quan điểm của nhà Phật, dựa trên những điều Đức Phật đã dạy.
Điều quan trọng là phải nhận ra một số lớn giáo pháp trong nhà Phật không phải là giáo pháp đặc thù của đạo Phật. Chúng được thấy trong hầu hết các hệ thống triết học Ấn Độ khác. Dù sao đi nữa thì Đức Phật đã sống ở Ấn Độ, và đã được giáo hóa trong bối cảnh văn hóa đó. Giáo pháp về thiền định và những điều như vậy khá phổ biến trong các giáo lý Ấn Độ. Một số đặc điểm cũng tồn tại trong các hệ thống phương Tây, như Cơ Đốc giáo, chẳng hạn như từ bỏ đời sống này, và muốn có một đời sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Những điều này không đặc biệt thuộc về đạo Phật. Điều khiến cho một giáo lý đặc thù là Phật pháp, là tính nhất quán của nó đối với Tứ diệu đế và Tứ pháp ấn.
Hãy khảo sát và phân tích về cách mà ngũ uẩn phù hợp với bàn luận về bốn điểm này. Ngũ uẩn là hiện tượng vật chất (sắc), cảm giác vui hay buồn (thọ), phân biệt (tưởng), các loại tâm (thức) và các biến thể tác động khác (hành). Một hay nhiều yếu tố hơn từ mỗi một trong ngũ uẩn này tạo nên mỗi một sát na kinh nghiệm của mình.
Tất Cả Các Pháp Đều Vô Thường
Điểm nổi bật đầu tiên trong số Tứ pháp ấn này là tất cả các biến thể tác động ('du-byed) đều không tĩnh tại. Đôi khi, điều này được dịch là “tất cả các pháp đều vô thường”, nhưng điều này có thể tạo ra sự nhầm lẫn. Chữ “vô thường” có thể tạo ra sự hiểu lầm, bởi vì nó có thể tạo ra ấn tượng là điều gì chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Chúng ta không nói về điều đó; trên thực tế thì một số pháp biến đổi trong từng sát na có thể tiếp diễn mãi mãi, như dòng tâm thức. Vậy thì bất tĩnh tại chỉ có nghĩa là bất cứ điều gì trải qua sự biến đổi.
Còn về thuật ngữ “tất cả các biến thể tác động” thì các biến thể là những điều thay đổi, bất kể dòng tương tục của chúng kéo dài bao lâu. Tác động có nghĩa là các biến thể này sẽ tác động đến những pháp khác, và chính những biến thể này cũng bị những pháp khác ảnh hưởng. Điều này mô tả tất cả các pháp bất tĩnh tại.
Ở đây, các biến thể tác động đề cập đến ngũ uẩn, không chỉ là hành uẩn. Ngũ uẩn bao gồm tất cả những pháp biến đổi, và có thể là một phần của một số sát na trong kinh nghiệm của mình.
Tất cả các pháp sinh khởi và thay đổi đều dựa trên nhân duyên, và ảnh hưởng đến những pháp khác. Điều này gồm có cha mẹ, môi trường, cảm xúc của chúng ta, thời tiết và lịch sử. Tất cả mọi thứ sẽ ảnh hưởng đến cảm giác của mình, và những điều mình trải qua trong cuộc sống, đúng không? Cách mình kinh nghiệm cuộc đời và cảm nhận về nó không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm trong tương lai của mình, mà còn ảnh hưởng đến kinh nghiệm của tất cả mọi người mà mình giao tiếp.
Như đã nêu trong pháp ấn đầu tiên này thì tất cả các pháp đều vô thường. Điều đó có nghĩa là chúng thay đổi từ sát na này đến sát na khác. Tại sao? Đó là vì các nhân duyên ảnh hưởng đến chúng thay đổi từ sát na này đến sát na khác. Đó là một điểm rất sâu sắc để nhận thức. Ví dụ như khi có một tâm trạng nào đó, thì mình có khuynh hướng nghĩ rằng tâm trạng này sẽ tồn tại mãi; nhưng thật ra thì nó đang biến đổi trong mỗi một giây, tùy thuộc vào những gì mình đang trông thấy, đang nhìn vào, những gì mình đang nghe, những cảm giác trong thân thể, v.v... Dù mình có tâm trạng nào thì nó cũng đang biến đổi trong mọi thời điểm. Không có gì là thường hằng cả.
Hiện tượng vô thường này, thậm chí chỉ trong một sát na, đề cập đến cái mà chúng ta gọi là “vô thường vi tế”. Điều này giới thiệu hai thuật ngữ: vô thường thô lậu (mi-rtag-pa rags-pa) và vô thường vi tế (mi-rtag-pa phra-mo):
- Vô thường thô lậu là khi điều gì thật sự chấm dứt. Chẳng hạn, nếu mình mua một chiếc xe hơi, hay một cái máy vi tính, thì cuối cùng, nó sẽ bị hư. Đó là vô thường thô lậu. Cuối cùng thì kiếp sống hiện tiền sẽ kết thúc. Khi nó kết thúc vào lúc mình chết, thì đó là vô thường thô lậu.
- Vô thường vi tế không chỉ đề cập đến thực tế là một ngày nào đó, chúng ta sẽ chết; mà là mỗi một sát na trôi qua trong đời sẽ đem mình đến gần với sự chấm dứt của kiếp này hơn. Cái chết chắc chắn phải đến, khi phần thọ mạng còn lại để sống sẽ thì giảm bớt không hề ngừng nghỉ, từ sát na này đến sát na khác. Tại sao? Đó là vì kiếp hiện tiền và thọ mạng của mình là các hành sinh khởi, dựa vào nhân duyên. Hơn nữa, trên thực tế thì các nhân duyên đối với việc thụ thai và chào đời của mình cũng là nhân dẫn đến cái chết của mình. Đó là vì những nhân duyên ấy, việc tinh cha huyết mẹ và tâm thức trung ấm của mình gặp gỡ với nhau thì chỉ xảy ra trong một sát na. Sự hội ngộ của ba yếu tố này là vô thường thô lậu. Nó không kéo dài, và không tiếp tục tạo ra mỗi sát na tiếp theo trong đời sống của mình. Trên thực tế thì cuộc hội ngộ đó là nhân tiên khởi, chịu trách nhiệm cho thực tế là kiếp này sẽ chấm dứt. Nếu như không được thụ thai và sinh ra, thì mình sẽ không chết. Vì đã được thụ thai và sinh ra, nên mình mới chết. Vì vậy, sau mỗi sát na trong đời sống thì mình sẽ đến gần cái chết hơn, khi thọ mạng chịu sự tác động của những nhân duyên bất định khác, mà lại thiếu tiềm năng của các nhân đã bắt đầu nó.
Có những loại biến thể tác động sẽ suy giảm ngay từ đầu, như thọ mạng của mình. Có những loại khác thì thay đổi trong mọi lúc, nhưng không suy thoái, giống như bản tánh quy ước của tâm mình. Nó không suy thoái, nhưng vẫn phải chịu sự tác động của vô thường vi tế, trong trường hợp này là tính vô thỉ và vô chung. Bản tánh quy ước của tâm để trải nghiệm các pháp với tánh quang minh và tánh giác sẽ biến đổi từ sát na này đến sát na khác, theo nghĩa là khi những gì mình kinh nghiệm sẽ thay đổi từng sát na, thì cách mình cảm nhận nó cũng thay đổi. Nói cách khác là cảm nhận của chúng ta về một tình huống nào đó, đều dựa vào rất nhiều nhân duyên tạo ra tình huống đó, và điều đó sẽ thay đổi liên tục. Do đó, những gì mình đang kinh nghiệm đều biến đổi một cách liên tục. Tuy nhiên, như một hiện tượng thì chính sự cảm nhận về các tình huống không bị thoái hóa. Nó không càng ngày càng trở nên yếu ớt hơn, đi đến chung cuộc, mặc dù mỗi một kiếp cụ thể đều có một sự kết thúc.
Hãy nghĩ về một dòng tâm thức như một đường thẳng, kéo dài mãi mãi, vô thỉ vô chung. Nói chung thì nó không đi từ sát na này đến sát na khác đến sự kết thúc của nó, bởi vì không có sự kết thúc. Tuy nhiên, trong mỗi kiếp thì đường thẳng đó sẽ đi lên vào lúc thụ thai, rồi đi xuống như một ngọn đồi, ở đoạn cuối của kiếp này. Sau đó, nó lại đi lên ở sự khởi đầu của kiếp kế tiếp, rồi lại đi xuống. Theo cách này, mỗi kiếp sống đang đi đến chung cuộc của nó, nhưng sự tương tục của đường thẳng thì cứ tiếp nối mãi mãi.
Tùy theo nghiệp của mình trong những kiếp trước, mà phiền não sẽ kích thích chúng, và chủng tử nghiệp tác động vào chúng sẽ tích tập - khuynh hướng và tập khí lặp lại những hành động đó – mà dòng tâm thức của mình sẽ chứa đựng những kinh nghiệm của ngũ uẩn trong kiếp hiện tiền, hay một kiếp tương lai. Các uẩn này sinh khởi như nền tảng và nội dung của những gì mình sẽ trải nghiệm trong kiếp đó. Trong kiếp sống đó thì dòng tâm thức của mình sẽ nối kết với một sắc tướng cụ thể, và những loại kinh nghiệm của nó, như trải qua kiếp sống như một con chó, một con gián, một phụ nữ người Mễ Tây Cơ (Mexico), một người đàn ông người Nga, v.v... Sắc tướng mà dòng tâm thức của mình sẽ khoác lấy sẽ thay đổi từ kiếp này sang kiếp khác. Không phải là dòng tâm thức của mình vốn dĩ là phái nữ hay là con chó. Mỗi một dòng tâm thức là một cá thể, nhưng nó không có một danh tính cụ thể của một kiếp cụ thể nào, là điều sẽ tồn tại mãi mãi với nó.
Hiển nhiên là cần có một thời gian dài để thẩm thấu tất cả ẩn ý của điều này, về cách mình liên hệ với bản thân trong sắc tướng hiện tại, và với tất cả những chúng sinh khác, kể cả con gián. Vì đây chỉ là phần giới thiệu về Tứ pháp ấn, nên hãy đi sang pháp ấn kế tiếp.
Tất Cả Các Pháp Hữu Lậu Đều Là Đau Khổ
Pháp ấn thứ hai là tất cả pháp hữu lậu đều là đau khổ, nói cách khác là có vấn đề. Hữu lậu (zag-bcas) thường được dịch là ô nhiễm, nhưng thật ra thì thuật ngữ đó hơi nặng nề. Theo định nghĩa của Thế Thân (Vasubandhu) trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá (Chos mngon-pa'i mdzod, Phạn ngữ: Abhidharmakosha), thì các pháp hữu lậu là những pháp khiến cho pháp hữu lậu "gia tăng". Nói cách khác thì chúng là điều khiến cho nhiều pháp hữu lậu hơn nữa sẽ xảy ra. Nếu muốn hiểu định nghĩa này, thì phải biết rằng “hữu lậu” có ý nghĩa chung của điều gì sinh khởi dựa vào phiền não và nghiệp.
Pháp hữu lậu trổ theo dạng ngũ uẩn về kinh nghiệm của mình, từ chủng tử nghiệp trong dòng tâm thức của mình. Dựa vào phiền não mà nghiệp lưu lại chủng tử nghiệp này mới phát sinh. Phiền não, nghiệp, và ngũ uẩn của mình, lại bắt nguồn từ tâm vô minh về cách chúng ta tồn tại. Nếu như vô mình đi kèm với các uẩn hữu lậu của mình, thì chúng sẽ tạo tác thêm các uẩn hữu lậu. Chu kỳ này sẽ tiếp tục một cách bất tự chủ, cho đến khi mình đạt được một sự chân diệt của vô minh. Trước khi điều này xảy ra thì ngũ uẩn của mình sẽ có vấn đề, và những dạng khổ, vì chúng là các pháp hữu lậu.
Các Loại Khổ
Có ba loại khổ, hay kinh nghiệm có vấn đề:
- Loại thứ nhất là khổ vì đau đớn và bất hạnh (khổ khổ).
- Loại thứ hai là vấn đề lúc nào mọi việc cũng thay đổi (hoại khổ). Điều này nói về việc hạnh phúc bình thường của mình sẽ không bền lâu, chẳng bao giờ đầy đủ, bất toại nguyện, và mình hoàn toàn không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Điều này rất bất an.
- Loại khổ thứ ba được gọi là nỗi khổ thâm nhập khắp nơi (hành khổ). Điều này đề cập đến kinh nghiệm trong từng sát na của mình, bao gồm các uẩn hữu lậu bất tự chủ. Nếu như những điều mà mình kinh nghiệm đang xảy ra như kết quả của phiền não và nghiệp, và nếu như không phải là A la hán (bậc giải thoát), thì mình vẫn còn phiền não để tích tập thêm chủng tử nghiệp, và sẽ tiếp tục tạo ra nhiều sát na đầy phiền não và nghiệp hơn nữa. Các uẩn hữu lậu trổ quả từ chủng tử nghiệp này sẽ là cơ sở cho việc trải nghiệm hai loại khổ đầu, một là đau đớn và bất hạnh, hai là hạnh phúc bất toại nguyện và thông thường. Đó là vấn đề thâm nhập khắp nơi.
Điều này cũng rất sâu sắc. Điều mà chúng ta đang cảm nhận trong từng sát na, những sự khó khăn và vân vân, đang sinh khởi vì phiền não và nghiệp trong quá khứ của mình. Chúng ta vẫn còn vô minh, nên sẽ phản ứng đối với điều mà mình kinh nghiệm bằng tâm vô minh về cách mình hiện hữu, và khi làm như vậy, thì ta lại tạo ra thêm vấn đề. Tệ hơn nữa là nếu như không làm điều gì để thay đổi tình trạng này, thì nó sẽ tiếp diễn mãi mãi. Nó sẽ tạo ra hết vấn đề này đến vấn đề khác, từ kiếp này sang kiếp khác, vĩnh viễn. Bất kể điều gì sẽ xảy ra với mình, thì ta sẽ có phiền não, hành xử dựa vào những xung động vô minh, bốc đồng, và chỉ tạo ra thêm rắc rối. Đó là nỗi khổ thâm nhập khắp nơi.
Tất Cả Các Pháp Đều Vô Ngã
Pháp ấn thứ ba là tất cả các pháp đều thiếu vắng và vắng bóng một bản ngã bất khả (bdag-med). Thuật ngữ này thường được dịch là “Không và vô ngã”, nhưng thay vì vô ngã thì tôi thích dùng thuật ngữ “không có linh hồn bất khả” hơn, vì thuật ngữ tiếng Phạn là anatman, có nghĩa là không phải là atman mà các hệ thống Ấn Độ ngoại đạo khẳng định.
Một bản ngã bất khả nói về điều gì? Trong các hệ thống học thuyết nhà Phật thì tất cả đều bác bỏ một bản ngã bất khả của chúng sinh hữu tình, trong khi chỉ có các học thuyết Đại thừa mới bác bỏ một bản ngã bất khả của các pháp. Vì Tứ pháp ấn này liên quan đến tất cả các hệ thống học thuyết của nhà Phật, nên trong bối cảnh này, pháp ấn thứ ba chỉ bác bỏ việc các uẩn của mình không có một bản ngã bất khả của chúng sinh hữu tình. Còn về tất cả các pháp thì nó chỉ bác bỏ việc tất cả các pháp có thể là đối tượng khả dĩ, thuộc quyền sử dụng hay nhận thức của một bản ngã bất khả của chúng sinh hữu tình.
Trong hầu hết các hệ thống học thuyết thì có hai loại bản ngã bất khả của một chúng sinh hữu tình.
- Ngã thô lậu bất khả là một cái ngã mà mình xác định là cái “tôi” chân thật - một cái “tôi” vô thường, nhất thể, không có các thành phần, và có thể tồn tại độc lập với thân tâm, nói cách khác là độc lập với ngũ uẩn. Nó giống như có một “bản ngã” riêng biệt, không phụ thuộc vào tất cả những gì mình trải nghiệm, một cái “tôi” riêng biệt đang sử dụng thân và tâm của mình như một cỗ máy, để trải nghiệm mọi thứ, và là chủ nhân của giọng nói trong đầu mình.
- Ngã vi tế bất khả là một cái “tôi”, một chúng sinh hữu tình có sự hiện hữu tự túc trên thực chất. Việc là một “sự hiện hữu tự túc trên thực chất” có nghĩa là một “bản ngã”, một cái “tôi” mà tự nó có thể được tri giác, độc lập với các uẩn.
Bản ngã bất khả có nghĩa là như vậy. Một bản ngã như vậy thì không thể hiện hữu; không có cái ngã riêng rẽ nào có thể tự mình nó được tri giác, mà chúng ta có thể tìm thấy và nói rằng, “Đó là tôi.”. Không có điều gì là một bản ngã tồn tại một cách riêng rẽ, được nhận thức một cách riêng biệt.
Trong pháp ấn thứ ba này, chúng ta có hai thuật ngữ: “thiếu vắng” và “vắng bóng một bản ngã bất khả”. Theo một số quan điểm thì “thiếu vắng” có nghĩa là các uẩn của mình, kinh nghiệm của mình, không có, hay thiếu vắng một hữu tình, một cái “tôi” tồn tại như một bản ngã thô lậu bất khả dĩ. “Vắng bóng một bản ngã bất khả” nói về các uẩn vắng bóng một bản ngã bất khả. Theo một quan điểm khác thì “thiếu vắng” có nghĩa là các uẩn của mình không có một hữu tình, một cái “tôi” tồn tại như một bản ngã bất khả, giống hệt hay hoàn toàn tách rời với các uẩn. Thuật ngữ “vắng bóng một bản ngã bất khả” là một kết luận hợp lý theo sau. Chúng ta có thể kết luận rằng trong số tất cả các pháp khả tri, thì không có cái gì là bản ngã bất khả của một chúng sinh hữu tình. Theo quan điểm của phái Cụ duyên (Prasangika), thì pháp ấn thứ ba đề cập đến một hữu tình, một cái “tôi” thiếu vắng và vắng bóng một bản sắc tự lập cố hữu.
Việc thấu hiểu pháp ấn thứ ba này là điều thiết yếu. Các uẩn tạo nên kinh nghiệm của mình không có một bản ngã riêng biệt mà chính nó có thể được nhận thức, hay một bản ngã giống hệt với một hay tất cả các uẩn. Điều đó rất quan trọng. Việc không có sự hiểu biết này sẽ tạo ra nhiều sự khó khăn và nhầm lẫn. Ví dụ như mình có thể nghĩ rằng, “Tôi đang cố tìm ra con người thật của mình, và hiểu biết con người thật của mình”, như thể ta có thể biết một cái “tôi” chân thật, tách rời với kinh nghiệm của mình. Không có bản ngã hay linh hồn nào thường hằng, bất biến, nhất thể và tồn tại một cách độc lập, điều có thể “được tìm thấy”, và được biết đến như là “cái tôi chân thật”, độc lập với bất cứ điều gì khác.
Niết Bàn Là Chân Lạc
Pháp ấn thứ tư là niết bàn là chân lạc. Điều này có nghĩa là ta có thể đoạn trừ các uẩn ô nhiễm, và thành tựu giải thoát. Nói cách khác là nếu như có thể chứng ngộ pháp ấn thứ ba, rằng các uẩn này không có bản ngã riêng rẽ, tự túc, có thể được nhận thức, và không hề có điều gì như vậy, thì mình sẽ thành tựu giải thoát. Đó là niết bàn, là chân lạc, vì đó là sự chấm dứt của nỗi khổ thâm nhập khắp nơi.
Chúng ta có thể thấy cách mà điều này cũng ăn khớp một cách rất hài hòa với giáo pháp về Tứ diệu đế. Hai pháp ấn đầu, đó là tất cả các pháp đều vô thường, và tất cả các pháp ô nhiễm đều là khổ, mô tả hai diệu đế đầu: khổ đế và tập đế. Pháp ấn thứ ba và thứ tư, đó là tất cả các pháp đều vô ngã và niết bàn là chân lạc, nói về diệu đế thứ ba, sự chân diệt của khổ và nhân tạo khổ. Chúng cũng gián tiếp nói về diệu đế thứ tư, chân đạo hay chứng ngộ vô niệm về vô ngã, là điều đưa đến chân diệt.
Vậy thì như các biến thể tác động, ngũ uẩn của mình đều vô thường, bởi vì chúng chứa đựng và sinh khởi từ vô minh, nên bị ô nhiễm; và vì bị ô nhiễm vì vô minh, nên chúng tiếp tục tạo ra nỗi khổ, và trên thực tế là khổ đau. Tuy nhiên, các uẩn đều vô ngã. Nhờ nhận thức vô niệm về tánh vô ngã đó, mà ta mới thành tựu niết bàn, đó là chân lạc, theo nghĩa là các uẩn của mình thoát khỏi sự phiền toái của khổ đế và tập đế.