Sơ Đồ Căn Bản Của Ngũ Uẩn

Mỗi sát na kinh nghiệm của chúng ta được tạo ra từ vô số biến. Ngũ uẩn (phung-po, Phạn ngữ: skandha, uẩn) tạo ra một sơ đồ phân loại cho các biến đó - nói cách khác là cho các thành phần vô thường.

Chữ uẩn có nghĩa là một tập hợp, nên mỗi uẩn là một tập hợp của nhiều thành phần. Các thành phần của một uẩn có thể là các loại hiện tượng khác nhau, chẳng hạn như lòng từ và sân hận, hay có thể là những khả năng khác nhau của một hiện tượng, chẳng hạn như cảm giác về hạnh phúc ở những mức độ khác nhau. Khi là một phần của kinh nghiệm, mỗi biến sẽ thay đổi từ sát na này đến sát na khác, và có độ dài khác nhau.

Vì định nghĩa của điều gì tồn tại là những gì có thể được nhận thức một cách xác thực, và vì mọi thứ có thể được nhận biết một cách xác thực, có thể là một đối tượng trong kinh nghiệm của mình, nên tất cả những điều tồn tại có thể là một đối tượng trong kinh nghiệm của chúng ta. Điều này có nghĩa là tất cả các pháp vô thường có thể được phân loại trong số ngũ uẩn. Một số thì liên kết với dòng tâm thức của mình (sems-rgyud), chẳng hạn như hạnh phúc của mình, và một số thì liên kết với dòng tâm thức của những chúng sinh khác, chẳng hạn như hạnh phúc của người khác. Những pháp vô thường khác thì không liên kết với dòng tâm thức nào cả, chẳng hạn như một tảng đá. Các pháp thường hằng, chẳng hạn như không gian, có thể là một phần trong kinh nghiệm của mình, nhưng chúng không được kể đến trong sơ đồ phân loại của ngũ uẩn.

Vậy thì ngũ uẩn giống như năm chiếc túi. Mỗi sát na trong kinh nghiệm của mình có một hay nhiều thành phần từ mỗi một chiếc túi, và mỗi một biến tạo nên kinh nghiệm của mình sẽ nằm trong túi này hay túi khác. Tuy nhiên, những chiếc túi chỉ là những thứ trừu tượng, dựa vào tập hợp của các thành phần. Những chiếc túi và các thành phần của chúng không tồn tại một mình ở đâu đó, bên trong hay bên ngoài thân mình. Khi một uẩn như hạnh phúc hay sân hận, không phải là một phần trong kinh nghiệm của mình vào lúc này, thì nó không tồn tại như điều gì có thể tìm thấy ở một nơi khác.

Sắc Uẩn

Mỗi sát na kinh nghiệm của mình có một hay nhiều sắc tướng, như một phần của nó. Chúng nằm trong mười một nhóm của sắc uẩn (gzugs-kyi phung-po).

Ngũ trần

  1. Sắc
  2. Thanh
  3. Hương
  4. Vị
  5. Xúc

Ngũ căn (dbang-po):

  1.   Tế bào cảm quang của mắt
  2.   Tế bào cảm quang của tai
  3.   Tế bào cảm quang của mũi
  4.   Tế bào cảm quang của lưỡi
  5. Tế bào cảm quang của thân

Loại thứ mười một là tất cả các sắc tướng chỉ có thể được nhận thức bằng ý thức. Về mặt kỹ thuật, đó là:

  1. Sắc tướng chỉ được kể trong số các xứ (ayatana) đó là (tất cả) các pháp (chos-kyi skye-mched-kyi gzugs). Chúng bao gồm các sắc tướng không thể nhận thức được bằng các căn của mình, chẳng hạn như hình ảnh và âm thanh mà mình trải nghiệm trong giấc mơ. Mười thành phần trước của uẩn này bao gồm năm xứ bên ngoài và năm xứ bên trong, ví dụ như các xứ là sắc (gzugs-kyi skye-mched), các xứ là (các tế bào cảm quang của) mắt (mig-gi skye-mched), vân vân.     

Theo ý nghĩa lỏng lẻo, thì ngay cả khi đang ngủ say mà không có chiêm bao, ta vẫn có một cơ thể như nền tảng cho kinh nghiệm của mình trong giấc ngủ. Do đó, mỗi sát na của giấc ngủ của mình có một sắc uẩn.

Thọ Uẩn

Chữ thọ trong tiếng Anh có rất nhiều ý nghĩa. Nó bao gồm các mức độ lạc thọ hay khổ thọ; cảm thọ của xúc giác, chẳng hạn như mịn hoặc thô; và cảm thọ của thân, chẳng hạn như nóng hay lạnh, lạc thú hay đau đớn, hay sự chuyển động. Thọ cũng có thể đề cập đến cảm xúc, chẳng hạn như cảm giác tức giận, hay trực giác, chẳng hạn như linh tính là ngày mai, trời sẽ mưa. Nó cũng có thể có nghĩa là tính nhạy cảm về thẩm mỹ, chẳng hạn như cảm giác nghệ thuật, hoặc tính nhạy cảm, chẳng hạn như cảm giác bị tổn thương.

Thọ uẩn (tshor-ba'i phung-po) chỉ bao gồm loại cảm thọ đầu tiên trong danh sách này. Mỗi sát na kinh nghiệm của chúng ta, dù là bằng các thức của giác quan hay ý thức, có một cảm thọ như một trong những thành phần của nó, về một mức độ hạnh phúc nào đó trên quang phổ từ hoàn toàn hạnh phúc đến vô ký, đến hoàn toàn bất hạnh hay khổ đau.

Tưởng Uẩn

Mỗi sát na kinh nghiệm của chúng ta cũng bao gồm một yếu tố từ tưởng uẩn ('du-shes-kyi phung-po). Tưởng là một tâm sở (sems-byung), là một phần của các thức của giác quan, hay ý thức về bất cứ điều gì. Nó phân biệt đặc tính của một đối tượng tiêu điểm, với các đặc tính của những gì không phải là đối tượng tiêu điểm. Ví dụ, khi thấy mặt người nào, thì nó sẽ phân biệt hình dạng và màu sắc của khuôn mặt, với hình dạng và màu sắc của mọi thứ mà không phải là mặt - nói cách khác là với tất cả những thứ khác được nhìn thấy trong lãnh vực nhận thức của thị giác.

Do đó, nhận ra không phải là cách dịch chính xác cho loại tâm sở này. Việc nhận ra ngụ ý là trước đây, ta đã trải nghiệm điều gì tương tự như những điều mình đang trải nghiệm hiện nay, so sánh hai đối tượng của kinh nghiệm, và nhận thức chúng như thuộc về cùng một loại. Do đó, tuy quá trình nhận ra bao gồm việc phân biệt, nhưng cũng đòi hỏi Bình đẳng tánh trí (mnyam-nyid-kyi ye-shes), là điều không phải là một thành phần của uẩn này.

Hành Uẩn

Hành uẩn ('du-byed-kyi phung-po) bao gồm tất cả các hành ảnh hưởng đến kinh nghiệm, mà không được tính trong bốn uẩn kia.

Một số hành thì tương ưng (ldan-pa'i 'du-byed) với tâm vương (rnam-shes) của kinh nghiệm, chẳng hạn như cảm xúc tích cực và tiêu cực, sự chú ý và quan tâm. Các hành khác là những hành bất tương ưng (ldan-min 'du-byed), chẳng hạn như tập khí. Tương ưng có nghĩa là đều có năm tính năng giống nhau, chẳng hạn như cùng một đối tượng tiêu điểm. Mỗi sát na trong kinh nghiệm chứa đựng nhiều thứ từ uẩn này.

Thức Uẩn

Thức uẩn (rnam-shes-kyi phung-po) bao gồm sáu loại tâm vương:

  1. Nhãn thức
  2. Nhĩ thức
  3. Tỷ thức
  4. Thiệt thức
  5. Thân thức
  6. Ý thức

Hầu hết các lý thuyết nhận thức phương Tây thảo luận về ý thức như một yếu tố duy nhất, có thể nhận thức tất cả các loại đối tượng của nhận thức như sắc, thanh, hương, vị, xúc, và các đối tượng thuần túy trong tinh thần, chẳng hạn như khi suy nghĩ. Ngược lại, sơ đồ của ngũ uẩn chỉ định các loại tâm vương khác nhau về mặt các căn mà nó dựa vào, để phát sinh.

Tâm vương chỉ nhận thức được bản tánh tinh túy (ngo-bo) hay loại hiện tượng của điều gì. Ví dụ như nhãn thức nhận ra một cảnh chỉ đơn thuần là một cảnh thôi.

Top