Nguồn Gốc Của Hoàng Mão

04:43

Dưới thời vua Langdarma (Glang-dar-ma), có một sự đàn áp Phật giáo nghiêm trọng. Điều này xảy ra, theo một số nguồn tin, từ năm 836 đến năm 842. Theo các nguồn tin khác thì đó là từ năm 901 đến 907. Tất cả các nhà sư đều bị giết, hay bắt buộc phải hoàn tục, ngoại trừ ba vị sư: Mar Shakya (dMar Sha-kya), Yo Gejung (g.Yo dGe-'byung) và Tsang Rabsel (gTsang Rab-gsal). Cả ba vị đã trốn thoát bằng cách đi qua miền Tây Tây Tạng, và xin tị nạn tạm thời ở lãnh thổ Qarakhanid Thổ Nhĩ Kỳ (Qarakhanid Turk) của Kashgar, tại Đông Thổ Nhĩ Kỳ (Tân Cương). Họ tiếp tục đi qua các vùng văn hóa Tây Tạng xa hơn về phía Đông, tại Đôn Hoàng (Tunhuang) và Cam Túc (Kansu), nơi cách xa Lhasa, những vùng đã thoát khỏi sự khủng bố.

Tsenzhab Serkong Rinpoche
Tsenzhab Serkong Rinpoche

Theo một số nguồn tin của người Mông Cổ thì chư vị đã đi qua Mông Cổ do người Kyrgyz cai trị, và cuối cùng, ẩn náu tại bờ phía Đông của hồ Baikal, ở Tây Bá Lợi Á (Siberia). Ở đó, các ngài đã ban lễ điểm đạo và giáo pháp cho Hortsa Mergen, cháu nội trai của vua Mông Cổ Borti Chiney, tổ tiên thế hệ thứ năm của Chinggis Khan. Theo các nguồn tin khác thì các ngài đã tị nạn tại Vương quốc Phật giáo Tangut của Mi-nyag (Mi-nyag), kéo dài suốt khu vực từ phía Bắc Amdo đến Nội Mông (Inner Mongolia). Tuy nhiên, các nguồn tin khác xác định một cách chính xác hơn khu vực trong vùng này, nơi mà các ngài đã định cư vào lúc đầu, là một phần của vương quốc Tsongka (Tsong-kha), vào thời điểm này. Sau đó, hang động tu viện Martsang (dMar-gtsang) ở phía Bắc Amdo được xây dựng trong hang động, được cho là nơi mà các ngài đã ở lại.

Serkong Dorjechang
Serkong Dorjechang

Sau vài năm, ba nhà sư Tây Tạng đi đến tỉnh Kham (Khams, mDo-smad) phía Đông Nam Tây Tạng, nơi các ngài đã sống ở miền ẩn dật Dentigshel (Dan-tig-shel-gyi yang-dgon). Một người chăn gia súc địa phương mong muốn trở thành một nhà sư. Các ngài đã ban cho anh giới Sa di, và pháp danh Gewa-rabsel (dGe-ba rab-gsal), nhưng không thể ban cho anh giới tỳ kheo, vì cần có năm nhà sư để ban lễ xuất gia đầy đủ.

Vào thời điểm đó, nhà sư Lhalung Pelgyi-dorje (Lha-lung dPal-gyi rdo-rje), sát thủ giết hại vua Langdarma, đã trốn đến Longtang (Klong-thang) gần đó. Ông được yêu cầu giúp việc ban lễ xuất gia, nhưng ông giải thích rằng ông không còn đủ điều kiện để thực hiện vai trò này nữa. Tuy nhiên, ông hứa sẽ giúp chư tăng tìm các nhà sư khác. Ông tìm ra hai nhà sư Trung Quốc, Ki-bang và Gyi-ban, và gởi họ đến để có đủ con số các nhà sư cần thiết. Nhờ vậy, với Tsang Rabsel làm sư Trụ Trì, người chăn gia súc lúc trước đã thọ giới tỳ kheo, với pháp danh là Gongpa-rabsel (dGongs-pa rab-gsal), trước sự hiện diện của năm nhà sư này. Vào thời sau, người ta đã tặng thêm danh hiệu Lachen (Bla-chen, Bậc Tối Thượng Cao Cả), trước pháp danh của ông.

Một số thanh niên từ các tỉnh miền Trung Tây Tạng của U (dBus) và Tsang (gTsang) đã nghe nói về các nhà sư ở Kham. Lumey Tsultrim-sherab (Klu-mes Tshul-khrims shes-rab) đã dẫn đầu một nhóm gồm mười người, mong được thọ giới tỳ kheo. Đây là 53 hoặc 70 năm sau cuộc đàn áp của Langdarma. Họ thỉnh cầu Tsang Rabsel làm Trụ Trì, nhưng ông đã từ chối, vì tuổi già. Rồi họ hỏi Gongpa-rabsel, nhưng ông giải thích rằng ông chỉ mới làm một tỳ kheo được năm năm, và chưa đủ điều kiện. Theo kinh sách thì tối thiểu phải làm một tỳ kheo được mười năm mới có đủ điều kiện. Tuy nhiên, Tsang Rabsel đã cho phép đặc biệt để ông làm sư Trụ Trì, và nhóm mười người này đã thọ giới tỳ kheo.

Lumey đã ở lại một năm để nghiên cứu giới luật của tu viện, còn chín vị kia trở về miền Trung Tây Tạng. Trước khi Lumey ra đi, Gongpa-rabsel đã cho ông nhuộm chiếc mũ Bon thành màu vàng. Ngài bảo ông đội mũ này như một kỷ niệm về việc nghiên cứu và tu tập giáo pháp. Lumey trở về miền Trung Tây Tạng, và thành lập một số chùa chiền ở đó. Sự lan truyền của Phật pháp sau này, đặc biệt là giới nguyện của nhà sư, bắt đầu từ ngài mà ra.

Vài thế kỷ sau, giới luật tu viện lại suy giảm lần nữa ở Tây Tạng.  Tsongkhapa (rJe Tsong-kha-pa Blo-bzang grags-pa) (1357-1419) đã bắt đầu một cuộc cải cách, phát triển thành Tân Kadam (bKa'-gdams gsar-pa), hay truyền thống Gelug (dGe-lugs). Ngài bảo các đệ tử đội mũ màu vàng. Ngài giải thích rằng đây là một dấu hiệu cát tường, để họ có thể đem lại giới luật thanh tịnh cho các tu viện Tây Tạng, giống như Lumey đã làm trong thời trước. Nhờ vậy nên truyền thống Gelug còn được gọi là Truyền Thống Hoàng Mão (Mũ Vàng).

Đức Dalai Lama thứ Mười Bốn
Đức Dalai Lama thứ Mười Bốn

Chiếc mũ đỏ được sử dụng trong các truyền thống Phật giáo Tây Tạng trước đó, theo phong tục các vị pandit (các vị học giả) đội mũ đỏ ở Tu Viện Phật giáo Ấn Độ Nalanda.

A-đề-sa
A-đề-sa

Top