Lời Khuyên Của Đức Dalai Lama Cho Các Trung Tâm Phật Giáo

Tầm Quan Trọng của Việc Đạt Được Tâm An Lạc và Thoải Mái

Tôi thật sự rất vui sướng và đây là niềm vinh dự lớn lao được gặp quý vị, kể cả những người Tây Tạng, những người đã thật sự cống hiến cho Phật pháp. Tôi có một vài điều muốn chia sẻ với quý vị.

Có bảy tỷ người, và như quý vị đã biết, tôi luôn luôn nói rằng tất cả mọi người đều muốn có một cuộc sống hạnh phúc. Cho đến nay, nhiều người cảm thấy nguồn gốc cứu cánh của một cuộc đời hạnh phúc là tiền bạc, hay phương tiện vật chất. Hiện tại, trong vài năm gần đây, tôi nghĩ có lẽ do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những người này có một sự thức tỉnh nào đó, những người hầu như đương nhiên cho rằng miễn họ có tiền thì mọi chuyện đều ổn thỏa. Hiện nay, người ta có một số nghi vấn về lối sống lâu nay của chúng ta đã thật sự đúng đắn, hay vẫn còn thiếu sót điều gì đó. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là một số nhà khoa học đã bắt đầu cảm nhận rằng tâm an lạc và thoải mái là những yếu tố rất quan trọng, dù chỉ để có một cơ thể lành mạnh.

Theo tôi biết, hiện có Viện Tâm Thức và Đời Sống (Mind and Life Institute), vốn đang thật sự nỗ lực để giáo dục mọi người. Chúng ta phải quan tâm đến sự an lạc nội tâm của mình nhiều hơn nữa, để có được tâm tĩnh lặng. Tất nhiên, ở đây tôi nghĩ rằng những truyền thống tôn giáo khác nhau đều có tiềm năng giúp ích trong việc đề xướng những giá trị nội tâm.

Những Quan Điểm Triết Học Khác Nhau trong Đạo Phật

Trong Phật giáo, Đức Phật đã thuyết giảng ba thừa, gọi là Thanh văn thừa (shravaka-yana), Độc giác thừa (pratekyabuddha-yana), và Bồ tát thừa (bodhisattva-yana). Trên phương diện triết học, chúng ta có bốn trường phái tư tưởng khác nhau – Tỳ Bà Sa Bộ (Vaibhashika), Kinh Lượng Bộ (Sautrantika), Duy Thức (Chittamatra) và Trung Quán (Madhyamaka). Nói chung, chúng ta có thể nói rằng một người duy nhất, một nhà tư tưởng, triết gia đã giảng dạy những quan điểm triết học khác nhau. Vì sao? Đức Phật đã hiểu rõ hay nhận ra rằng những người khác nhau có căn tánh rất khác nhau, do đó Ngài phải chỉ bày nhiều phương tiện khác nhau, hay nhiều quan điểm triết học khác nhau. Chúng ta, là đệ tử của truyền thống Na-lan-đà (Nalanda), rất quen thuộc với những điều này. Do đó, dựa trên thí dụ này, việc công nhận tất cả các truyền thống tôn giáo khác nhau rất hữu ích.

Nguyên Tắc Đạo Đức cho Những Người Theo Tôn Giáo và Ngoại Đạo

Gần đây, tôi thấy trong một báo cáo rằng trong số bảy tỷ người, có một tỷ người đã chính thức từ bỏ tôn giáo của họ. Đó là một con số khá lớn! Một trong bảy người không có tín ngưỡng. Và trong số những người có tín ngưỡng, quý vị thường nghe nói đến những vụ tai tiếng, lạm dụng hay những điều không lành mạnh khác, điều này cho ta thấy rõ là ngay cả trong số sáu tỷ người có tín ngưỡng, nhiều người trong số này không thật sự nghiêm túc. Đôi khi, tôi đã diễn tả tôn giáo như một điều gì dạy cho chúng ta thực hành đạo đức giả – nói những lời tốt đẹp, nhưng lại hành động khác biệt. Do đó, điều này cho ta thấy rõ người ta chỉ theo truyền thống tín ngưỡng của họ như một tập quán – có thể là họ có một vài khoảnh khắc nghiêm túc trong một ngày, nhưng phần còn lại của hai mươi bốn tiếng đồng hồ thì lại không nghiêm túc. Điều này không tốt, và nó cho thấy sự thiếu tin tưởng vào đạo đức. Vì vậy hiện nay, chúng ta cần có một sự nỗ lực nghiêm túc để mang lại niềm tin về đạo đức. Đạo đức không phải là vấn đề tín ngưỡng, hoặc vấn đề của Chúa hay của Phật; đó là vấn đề của chúng ta, là mối quan ngại của chính chúng ta.

Bất cứ ai, những người thật sự sống cuộc đời dựa trên nguyên tắc đạo đức, sẽ trở thành một người hạnh phúc hơn nhiều, vì nhờ có nguyên tắc đạo đức, tất cả mọi hành vi, lời nói hay hành động của thân thể, đều trở nên tích cực. Kết quả là quý vị sẽ giải quyết mọi công việc của mình một cách thông suốt. Nhờ vậy, quý vị có nhiều bằng hữu hơn, và cũng trở nên tự tin hơn.

Chủ Nghĩa Thế Tục

Tôi nghĩ một vài tôn giáo thật sự ngần ngại về chữ “thế tục.” Theo đạo Phật, và tất nhiên nói chung theo truyền thống Ấn Độ, khái niệm “chủ nghĩa thế tục” đã có từ hơn ba nghìn năm về trước. Theo sự hiểu biết của người Ấn Độ về chủ nghĩa thế tục, chúng ta phải tôn trọng những người không có tín ngưỡng. Như tôi đã nói ở trên, nếu Đức Phật đến đây trong ngày hôm nay, tôi nghĩ Ngài cũng sẽ nghiêm túc xem những người không có tín ngưỡng như con người và không áp đặt họ vào một hệ thống tín ngưỡng nào đó mà họ phải chấp nhận. Do đó, đối với những trung tâm Phật giáo và cộng đồng Phật giáo, trước hết, chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về cách đóng góp vào việc đề xướng đạo đức, chủ yếu là sử dụng phương thức tiếp cận thế tục.

Tôi luôn nói rằng là những Phật tử, chúng ta không nên cố gắng tuyên truyền cho truyền thống của riêng mình. Qua vài thập niên, tôi đã có cơ hội nói chuyện và giảng giải về triết học Phật giáo, về Phật pháp ở Mỹ, châu Âu và ở nhiều quốc gia không theo Phật giáo, và tôi luôn nói rõ tốt hơn hết là quý vị nên duy trì truyền thống của riêng mình. Thay đổi tôn giáo không phải là điều dễ dàng. Tôi nghĩ quý vị đều biết như vậy, nên tôi không bao giờ cố gắng tuyên truyền đạo của mình. Tất nhiên, tôi là một Phật tử và nếu có ai thể hiện mối quan tâm thật sự về đạo Phật, tôi sẽ cảm thấy vui sướng. Nhưng tôi không bao giờ nói với người khác rằng họ nên theo đạo Phật. Điều đó cũng giống như là can thiệp vào quyền lợi cá nhân của họ, đặt biệt là ở phương Tây hoặc các nước không theo Phật giáo.

Lấy Bản Thân làm Thí Dụ

Có một câu nói ở Tây Tạng rằng bạn hãy dùng bản thân mình làm thí dụ cho việc không làm tổn hại người khác. Hãy tưởng tượng nếu một truyền thống ngoại đạo xây dựng một ngôi đền ở một trong những khu định cư của người Tây Tạng tại Ấn Độ, tôi nghĩ người Tây Tạng có thể cảm thấy khó chịu. Vì vậy nên đây là một đất nước có bối cảnh Do Thái-Cơ Đốc giáo, nếu chúng ta bắt đầu xây dựng những trung tâm Phật giáo Tây Tạng to lớn, một số người có thể cảm thấy ổn thỏa, nhưng đồng thời, điều đó sẽ gây trở ngại cho tín ngưỡng của họ. Có một lần ở Pháp, một vị thí chủ muốn xây dựng một trung tâm Phật giáo lớn, nhưng tôi đề nghị là làm như vậy ở Pháp thì không thích hợp. Nếu quý vị thật sự muốn cúng dường hoặc xây cất một trung tâm Phật giáo lớn nào đó, thì nên xây dựng nó ở Thái Lan hoặc ở các nước theo Phật giáo, hoặc Ấn Độ, sẽ thích hợp hơn. Đây là điều quý vị cần ghi nhớ, có một chút tế nhị. Quý vị nên nghĩ về bản thân mình và chuyện gì sẽ xảy ra với quý vị, nếu người khác làm những điều tương tự đối với mình.

Phủ Nhận Tôn Giáo so với Phủ Nhận Đạo Đức

Như đã đề cập trước đây, Phật pháp phải phù hợp với căn tánh của người nghe, nên Đức Phật đã dạy nhiều triết lý và phương tiện khác nhau. Hiện tại, chúng ta đã đến thế kỷ hai mươi mốt và một số đông người không có tín ngưỡng, do đó, chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về cách giúp đỡ những người không có tín ngưỡng trở thành những người có ý thức cao hơn và bi mẫn hơn. Cách duy nhất là bằng phương pháp giáo dục, từ những khám phá khoa học, sử dụng lý lẽ thông thường và kinh nghiệm của mình – bằng cách này, chúng ta có thể đào tạo những người không có tín ngưỡng. Đúng, quý vị có thể vẫn là một người không có tín ngưỡng, hoàn toàn đúng. Thậm chí nếu quý vị là một người chống tôn giáo, cũng được, không có vấn đề gì cả. Nhưng quý vị phải là một người giàu lòng bi mẫn hơn, vì đó là lợi lạc của quý vị. Do đó, phủ nhận tôn giáo thì được, nhưng phủ nhận những nguyên tắc đạo đức thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy đồi.

Tôi nghĩ những trung tâm Phật giáo hiện tại ở các nơi nên suy nghĩ nhiều hơn, không chỉ về việc cung cấp thông tin cho các Phật tử, mà còn về cách đóng góp cho một xã hội tốt đẹp hơn nơi quý vị đang sinh sống, dù chỉ là một đóng góp nhỏ. Một lần tôi đến thăm trung tâm tế bần của Lama Zopa ở Úc, nơi giúp đỡ người hấp hối. Ở đó có một số ni sư theo Phật giáo Tây Tạng và một số ni sư người châu Âu chăm sóc cho bệnh nhân, họ thật sự đang làm những việc có ích.

Điều Phục Phiền Não trong Kinh Điển Nhà Phật

Thông qua việc gặp gỡ và nhiều buổi thảo luận với các nhà khoa học và những người khác trong suốt ba thập niên vừa qua, cuối cùng thì rõ ràng là một số nhà khoa học đã thật sự tìm thấy nhiều thông tin bổ ích về tâm, về cảm xúc và phương cách điều phục phiền não trong kinh điển nhà Phật. Trong hai hay ba năm qua, tôi đã đề nghị là nội dung của ba trăm bộ Kinh (Kangyur) và Luận (Tengyur) có thể được chia thành ba phần. Một phần nói về vật chất, thời gian, tâm thức và cảm xúc – phần này chúng ta có thể xem như phần khoa học. Phần thứ hai là triết học và liên quan tới triết lý Trung Quán (Madhyamaka), vốn rất giống vật lý lượng tử. Do đó, chúng ta cũng không xem phần này là liên quan đến việc thực hành tôn giáo. Vậy là chúng ta đã có hai phần – khoa học, triết học, và cuối cùng chúng ta có phần thứ ba, đó là tôn giáo.

Các trung tâm của chúng ta nên bắt đầu giảng dạy về tâm thức, về cảm xúc, v.v…, nhưng đừng đề cập đến niết bàn hay giải thoát. Tất nhiên chúng ta rất tin tưởng vào giải thoát, nhưng rất khó để đạt được điều này! Chúng ta thường nói giải thoát, giải thoát và nguyện cho tất cả chúng sinh …[được hạnh phúc], nguyện cho tất cả chúng sinh … [thoát khổ], nhưng trên thực tế, hành động của ta không đạt đến mức đó! Vì vậy, đối với những người khác, tôi nghĩ không đề cập đến niết bàn hoặc đời sau thì việc học hỏi khoa học và triết học Phật giáo có thể rất hữu ích để họ chỉ đơn thuần trở thành một người hạnh phúc hơn. Như tôi đề cập trước đó, cội nguồn của hạnh phúc cứu cánh là tâm ta, và kẻ gây phiền toái thật sự chính là cảm xúc của mình.

Vệ Sinh Cảm Xúc

Để giải quyết kẻ gây phiền phức, đó là những cảm xúc tiêu cực này, chúng ta cần phải hiểu biết về toàn bộ hệ thống cảm xúc. Thời buổi này, tôi nói về “vệ sinh cảm xúc,” giống như “vệ sinh thân thể.” Ta thường tiếp thu một vài lời khuyên về cách chăm sóc thân thể như một phần trong chương trình giáo dục, và tương tự như thế, chúng ta cần tiếp thu một số lời khuyên nào đó về cách chăm sóc cảm xúc của mình, dưới chủ đề học thuật, liên hệ đến sức khỏe, chứ không liên quan đến bất cứ truyền thống nào. Tất nhiên, Phật tử chúng ta có kiến thức rộng rãi về những cảm xúc và tâm thái này, cách chuyển hóa cảm xúc của mình thành niết bàn, nhưng trong phạm vi thế tục, điều đơn giản ta cần phải biết là cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực như sân hận, sợ hãi, hận thù và v.v…

Do đó, thay vì chỉ tổ chức các puja (lễ cúng dường) hay cầu nguyện, hoặc tụng niệm, trong lúc một số người ngủ gục trong góc phòng [Ngài cười], đối với tín đồ Phật giáo thì dĩ nhiên là tốt, các trung tâm của chúng ta cũng nên có những bài giảng về cảm xúc, tâm thức và về lorig, hay nghiên cứu về tâm, cũng như A-tỳ-đạt-ma-câu-xá luận (Abhidharmakosha) và A-tỳ-đạt-ma tập luận (Abidharma-samuccaya) cũng có khá nhiều kiến thức về các cảm xúc. Nhưng tôi nghĩ chỉ bấy nhiêu thì chưa đủ. Giải thích chi tiết và sâu sắc hơn về các chức năng của tinh thần có thể được tìm thấy trong Lượng Thích Luận (Một Luận Giải [Toát Yếu] về Tâm Nhận Thức Chân Chính [của Trần Na]). Trong tất cả các chương và đặc biệt trong chương thứ ba, ngài Pháp Xứng giảng về nhận thức và cách vận hành của nhận thức trong mối tương quan với các đối tượng. Tôi xem những điểm này thuần túy là một chủ đề học thuật.

Cuối cùng, tôi nghĩ các trung tâm của chúng ta có thể là những trung tâm học tập và giáo dục, không phải là các trung tâm tôn giáo. Thỉnh thoảng, có thể có các lễ puja, các buổi hành thiền và những hoạt động tương tự cho các Phật tử nào muốn tu tập như vậy. Nhưng nói chung, bắt đầu chương trình giảng dạy hoàn toàn ở trình độ học thuật, với kiến thức khoa học Phật giáo và tâm thức thì rất hữu ích. Thính chúng có thể được chia làm hai thành phần – một nhóm Phật tử và nhóm kia gồm những người ngoại đạo (nhưng cũng có thể bao gồm Phật tử) – đơn thuần được giảng dạy về kiến thức về tâm, về cảm xúc, hay về điều mà tôi gọi là một bản đồ cảm xúc, hoặc bản đồ tâm.

Để đối trị với những cảm xúc tiêu cực này, trước tiên, chúng ta phải có cái nhìn toàn diện về lãnh vực bao la của kiến thức liên quan đến cảm xúc và tâm thức. Hiện tại, tôi nghĩ các nhà khoa học hiện đại không được huấn luyện đầy đủ về các đề tài này, và khoa học tâm thức chưa được phát triển đầy đủ. Tôi nghĩ rằng các truyền thống Ấn Độ cổ xưa có thể rất hữu ích ở điểm này.

Làm Một Phật Tử của Thế Kỷ Hai Mươi Mốt

Đối với chúng ta, là những người Phật tử, tôi thường nói rằng chúng ta cần phải là những Phật tử của thế kỷ hai mươi mốt. Điều này có nghĩa là việc cầu nguyện và hành thiền của chúng ta nên được thực hành với kiến thức trọn vẹn về toàn bộ hệ thống Phật giáo. Tu học và hành thiền rất quan trọng, nhưng thực chất của hành thiền là tri thức, vốn là điều tất yếu. Các trung tâm của chúng ta nên cố gắng giảng giải toàn bộ hệ thống Phật giáo.

Một lần nọ ở Mỹ, tôi đang dùng bữa trưa sau một cuộc họp và một phụ nữ người Mỹ đã nói với tôi rằng khi tôi nói truyền thống Tây Tạng là truyền thống Na-lan-đà, vài người theo phái Kagyu (Ca-nhĩ-cư) và Sakya (Tát-ca) đã không hoàn toàn đồng tình, và lúc đó, tôi đã không tranh biện hay giải thích thêm điều gì. Tuy nhiên, thật sự thì phái Sakya xuất phát từ ngài Virupa, một trong những học giả thông tuệ nhất của Na-lan-đà. Khi ngài đang nghiên cứu và giảng dạy như một học giả Phật giáo, tên của ngài là Neten Chokyong (gNas-brtan chos-skyong), hoặc Hộ Pháp (Dharmapala). Trong bài luận giải về Giải Thâm Mật Kinh (Samdhinirmocana Sutra) của Wonch'uk, có rất nhiều trích dẫn từ tác phẩm của ngài Hộ Pháp – và sau đó, tên ngài trở thành Virupa. Thế là truyền thống Sakya ra đời từ đó, và bản thân ngài Virupa là một đạo sư Na-lan-đà. Còn về dòng truyền thừa Kagyu, khởi đầu từ ngài Marpa, Milarepa, và Gampopa, vị thầy chính của ngài Marpa là ngài Naropa, cũng là một đạo sư Na-lan-đà vĩ đại.

Chủ Nghĩa Bộ Phái và Sự Hòa Hợp giữa các Giáo Phái Khác Nhau

Tôi nghĩ hiểu biết về những điều này là việc khá quan trọng, nếu không thì có vẻ như phái Sakya đã tự họ sáng lập ra môn phái mà không có liên hệ với một dòng truyền thừa. Và trường hợp của phái Gelug hay Kadam cũng tương tự như vậy. Mỗi một tông phái thì có ít nhiều sự độc lập, nhưng khi ý niệm “chúng ta” và “họ” nảy sinh, tiếp theo là chủ nghĩa bộ phái, rồi những điều không may xảy ra, nên chúng ta phải tránh điều này. Tôi thấy rằng Phật pháp Tây Tạng là hình thức hoàn chỉnh và phong phú nhất của một truyền thống Phật giáo. Không có thắc mắc gì về điều đó cả.

Tiếng Tây Tạng cũng quan trọng, vì đó là ngôn ngữ tốt nhất để diễn đạt những chi tiết về tư tưởng và triết lý của truyền thống Na-lan-đà, và tôi nghĩ quý vị biết rằng có rất nhiều dịch giả giỏi ở đây. Quý vị biết rõ hơn tôi. Ngày nay, truyền thống phong phú này đang đối mặt với nhiều khó khăn, và trong một thời điểm như vậy, tất cả các hành giả tu tập theo Phật giáo Tây Tạng phải nghĩ đến việc tìm ra sự hòa hợp. Vì vậy, những mối liên hệ chặt chẽ là điều rất cần thiết. Thật ra thì chủ nghĩa bộ phái khá ngớ ngẩn và hoàn toàn biểu lộ việc thiếu nhận thức về thực tại. Đôi lúc, tôi nghĩ chủ nghĩa bộ phái ra đời đơn thuần vì sự khác biệt giữa màu sắc của chiếc mũ. Chúng ta có phái mũ đỏ, phái mũ vàng, mũ đen và trắng. Từ trước đến nay, không có phái mũ xanh lá cây. Tôi nghĩ tôi có thể bắt đầu phái mũ xanh lá cây để tượng trưng cho nền sinh thái học [Ngài cười]. Vì vậy tất cả những điều này đều ngớ ngẩn, xuất phát từ tâm địa hẹp hòi, và không có đủ tầm nhìn bao quát. Đặc biệt là với tình hình nghiêm trọng hiện tại, những điều ngớ ngẩn, vớ vẩn như vậy đang diễn ra!

Vì thế, hãy cẩn trọng. Đó là điều tôi muốn nói với quý vị, chỉ có vậy thôi. Hôm nay trời mưa, thời tiết xấu. Sau khi lên phi cơ, tôi nghĩ chúng tôi đã phải chờ gần một giờ. Nhưng rồi cuối cùng, nhờ ơn Trời, chúng tôi đã đến đây [Ngài cười]!

Top