Nền Tảng: Một Vị Thầy Hội Đủ Điều Kiện Và Kiếp Người Quý Báu

Tông Khách Ba, Tác Giả Bản Văn

Tất cả quý vị ở đây rất quan tâm đến giáo pháp, và có chủ ý tu tập theo giáo huấn. Quý vị đã mời tôi đến đây để thuyết pháp, và tôi rất hoan hỷ có mặt ở đây với quý vị. Tôi đã được yêu cầu thuyết giảng tác phẩm có tựa đề là Nền Tảng Mọi Phẩm Chất Tốt Đẹp (The Foundation for Good Qualities; Yon-tan gzhi-gyur-ma) của bậc thầy Tây Tạng vĩ đại, Tông Khách Ba (Tsongkhapa; Tsong-kha-pa Blo-bzang grags-pa).

Nền Tảng Mọi Phẩm Chất Tốt Đẹp không dài lắm, vì có rất ít lời lẽ. Tuy nhiên, những gì được viết trong một vài lời này thì cực kỳ sâu rộng. Bản văn đặc biệt này được sử dụng trong các puja (lễ cúng dường) như Jorcho (sByor-chos) – Lễ Cúng Dường Sơ Khởi (The Preliminary Puja), đôi khi được gọi là Lễ Cúng Dường Lam-rim (The Lam-rim Puja). Lễ Cúng Dường Sơ Khởi tạo nên một phần mà lời thỉnh cầu được nêu ra trong đó. Bản văn này đề cập đến tất cả những điểm trong Kinh điển cao cả, và được sắp xếp theo cách mà một hành giả sẽ tu tập. Nói một cách cụ thể thì nó được sắp xếp theo giai đoạn, hay pháp tu cho các hành giả thuộc cấp độ động lực sơ căn, trung căn và thượng căn, như trong Đèn Soi Nẻo Giác (A Lamp for the Path to Enlightenment, the Bodhipathapradipa (Byang-chub lam-sgron) của bậc thầy tối thượng A Đề Sa (Atisha), học giả vĩ đại nhất trong tất cả các học giả uyên bác của Ấn Độ.

Các chỉ giáo và giáo huấn được tìm thấy trong bản văn này bắt nguồn từ dòng truyền thừa của các hành giả tiên phong vĩ đại của Ấn Độ, Long Thọ (Nagarjuna) và Vô Trước (Asanga). Hai vị này giống như mặt trời và mặt trăng, nổi bật trong số tất cả các bậc thầy uyên bác của Ấn Độ. Long Thọ nhận được chỉ giáo từ Đức Văn Thù Sư Lợi, trong khi Vô Trước thọ nhận chỉ giáo từ Đức Di Lặc. Các dòng truyền thừa nối dài từ hai vị đạo sư này được gọi theo đúng thứ tự là “dòng truyền thừa của tri kiến thậm thâm” và “dòng truyền thừa công hạnh quảng đại”. Tuy nhiên, vị Phật thứ tư của thời đại chúng ta, bổn sư Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là nguồn gốc tối hậu của cả hai dòng truyền thừa.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chuyển Pháp luân ba lần. Trong ba vòng Pháp luân này, Ngài đã khai thị về những đường tu khác nhau, để làm chín muồi tâm thức của tất cả chúng sinh. Đức Phật có rất nhiều đệ tử, trong số đó là năm vị đệ tử thuộc nhóm đầu tiên, rồi đến hàng Thanh văn (shravakas), Độc giác Phật (pratyekabuddhas), và chư Bồ tát. Nhiều tín đồ của Ngài đã đạt được quả vị giải thoát (A la hán).

Pema Nangsu-chen, một trong những đệ tử của Phật, đã cúng dường Ngài một chuỗi tràng hạt pha lê với bồ đề tâm chân thành. Ông khấn nguyện tha thiết rằng giáo pháp sẽ lan xa. Sau đó, Đức Phật đã tiên đoán rằng người cúng dường chuỗi tràng hạt pha lê một trăm hạt sẽ tái sinh ở vùng đất phía Bắc, gọi là “Tây Tạng”. Trong một kiếp tương lai, người này sẽ truyền bá giáo pháp xa rộng, và sẽ cúng dường vương miện cho một tượng Phật ở Tây Tạng, và cúng dường vô số phẩm vật cho tôn tượng

Một lần khác, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang nhập thất trong mùa an cư kiết hạ thì cậu bé Luchig đã cúng dường một Pháp loa (Dharma conch) cho Đức Phật trong hội chúng nhập thất. Đức Phật đã giao nó cho đệ tử của Ngài là Mục Kiền Liên (Maudgalyayana; Mo'u 'gal-gyi bu), người cực kỳ thiện xảo về oai lực hóa thân, và bảo ông hãy chôn nó ở vùng đất phía Bắc của xứ Tuyết, tại một nơi mà một hồ nước và vách đá nối liền nhau. Ngài nói rằng trong tương lai, một sự truyền bá vĩ đại của Phật pháp sẽ phát sinh từ nơi đó.

Theo lời tiên tri này, Tông Khách Ba vĩ đại đã ra đời ở vùng đất phía Bắc của xứ Tuyết, và khai quật Pháp loa đã được chôn giấu ở đó. Ông giao bảo vật này cho một trong các đệ tử của mình, Jamyang Chojey (‘Jam-dbyangs Chos-rje), người đã xây dựng tu viện vĩ đại Drepung (‘Bras-spungs), là nơi trú ngụ của 7,700 nhà sư. Nhờ vậy mà Tông Khách Ba đã truyền bá giáo pháp ở Tây Tạng.

Cũng theo lời tiên tri thì Tông Khách Ba đã nghiên cứu Kinh điển và Mật Điển một cách sâu rộng. Ngài đã tinh thông việc nghiên cứu và lắng nghe giáo pháp một cách hoàn hảo. Không chỉ lắng nghe, mà ngài còn tư duy và thiền định về giáo pháp, tạo dựng chúng thành những tập khí thiện hảo trong tâm trí. Nhờ vậy mà ngài đã hoàn toàn quán triệt toàn bộ quá trình văn, tư, tu về giáo pháp. Nhờ vậy mà ngài đã làm chín muồi dòng tâm thức của vô số đệ tử, và ban truyền nhiều công hạnh khai sáng.

Trong tất cả những công hạnh giác ngộ từ thân, khẩu, ý thì Tông Khách Ba đã có sự quán triệt tối thượng về những phẩm hạnh tốt đẹp của ngôn từ giác ngộ. Giáo pháp của ngài đã được kết hợp thành nhiều tập trong các tác phẩm sưu tập, bao gồm tất cả các chủ đề chính của Kinh điển Phật giáo Ấn Độ vĩ đại. Các bản văn mà ngài sáng tác là những tác phẩm chính mà chúng ta đang nghiên cứu hiện nay. Những giáo pháp này cực kỳ rõ ràng và sâu rộng, cực kỳ xứng đáng để được xem là có thẩm quyền. Đối với chúng ta thì giáp pháp này giống như một đại lộ, hay đường cao tốc cực kỳ dễ du hành.

Trong số các tác phẩm này thì ở đây, chúng ta có một bản văn cụ thể, rất ít ỏi về ngôn từ, nhưng lại nói về chủ đề cực kỳ rộng lớn. Bản văn bản này được gọi là Nền Tảng Mọi Phẩm Chất Tốt Đẹp, và là điều mà chúng ta quan tâm đến ở đây, ngày hôm nay.

Động Lực

Để nghiên cứu văn bản này một đúng đắn thì phải có thái độ tuyệt hảo nhất làm động lực. Nếu như lắng nghe và nghiên cứu tác phẩm này, chỉ vì quý vị nghĩ rằng nó có một vài điều kỳ lạ trong đó, hay vì tò mò về mặt trí thức, để khám phá điều gì mới lạ mà mình chưa từng nghe qua, thì đó sẽ là một động lực rất nhỏ nhoi, rất tầm thường. Nếu như quý vị lắng nghe điều này để cải thiện hoàn cảnh trong kiếp này, và giúp cho mọi việc hanh thông, thì đó cũng là tư tưởng của phạm vi sơ căn.

Chúng ta có thể ý thức về những kiếp tương lai, và khả năng rơi vào một trong những tái sinh tồi tệ hơn. Chúng ta có thể nghĩ về tất cả những nỗi khổ và khó khăn mà mình có thể trải qua ở đó, và có chánh niệm về cái chết và vô thường theo cách này. Khi xem xét khả năng mình có thể rơi vào một tái sinh thấp hơn thì ta có thể lắng nghe những giáo huấn này để giúp cho điều này không xảy ra, và cải thiện những kiếp tương lai. Việc có những mối quan tâm như vậy làm động lực cũng không phải là chuyện lớn.

Nếu như nghĩ về tất cả những tình huống cứ tái diễn một cách bất tự chủ trong luân hồi thì cõi cao nhất trong số này là tái sinh như một vị trời. Trong số những tái sinh như vậy thì ta có thể tái sinh thành Đế Thích (Indra), chẳng hạn vậy. Tuy nhiên, ngay cả khi được tái sinh thành Đế Thích thì ta sẽ không trải nghiệm được gì, ngoài những khó khăn và đau khổ. Vì nhận thức được điều này, nên ta có thể phát tâm mong muốn thoát khỏi tất cả những mọi tình huống cứ tái diễn một cách bất tự chủ trong luân hồi. Nếu như có được điều này làm động lực thì cũng không quá lớn lao.

Không có ai tử tế với mình hơn những chúng sinh khác. Giống như mình muốn được hạnh phúc và không muốn phải gặp bất kỳ khó khăn hay nỗi khổ nào, thì tương tự như vậy, tất cả những chúng sinh khác cũng như vậy. Hơn nữa, nếu như nghĩ kỹ thì mọi người đều đã đối xử tốt với mình bằng cách này hay cách khác. Do đó, nếu như mình quan tâm đến tất cả những chúng sinh nhân từ này thì cũng đúng thôi. Sau đó, ta sẽ suy nghĩ để cố tạo ra hạnh phúc cho họ, và làm vơi bớt những khó khăn và khổ đau của họ. Nếu như tự hỏi liệu mình có khả năng làm điều này hay không, thì câu trả lời là “không”, vậy thì ai có thể làm như vậy? Chỉ có một vị Phật giác ngộ viên mãn, một đấng toàn tri và chứng ngộ viên mãn mới có khả năng này. Thế thì điều mà ta phải làm là cố gắng thành tựu Phật quả viên mãn, để có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh một cách tối đa. Chính với động lực cao cả nhất này mà quý vị cần phải lắng nghe giáo huấn này. Phải có động lực của bồ đề tâm, và với động lực ấy, hãy lắng nghe giáo pháp này.

Tính Vĩ Đại Của Nguồn Giáo Lý

Cách lợi lạc nhất để lắng nghe giáo pháp bao gồm một vài bước. Bước thứ nhất là xem trọng tính vĩ đại của nguồn gốc của giáo pháp này. Điều này đã được nói đến, khi buổi thuyết pháp hôm nay bắt đầu. Nguồn gốc của giáo pháp này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trước hết, Đức Phật đã phát tâm vị tha thanh tịnh cho tất cả chúng sinh, và cho mục tiêu giác ngộ. Nói cách khác là Ngài đã phát bồ đề tâm. Sau đó, Ngài đã tích tập vô lượng công đức. Cuối cùng, Ngài đã thành tựu giác ngộ viên mãn, và thực hiện nhiều công hạnh giác ngộ. Dòng truyền thừa của Ngài tiếp tục qua Đức Văn Thù và Đức Di Lặc, và từ hai vị này, đến Long Thọ và Vô Trước, và cuối cùng là từ A Đề Sa đến Tông Khách Ba vĩ đại. Đây là chư đạo sư của dòng truyền thừa của đường tu tuần tự đến giác ngộ (lam-rim), và mỗi một vị này đều có một tiểu sử khai sáng. Việc nghiên cứu các tiểu sử này rất tốt. Có lẽ chúng đã được dịch sang tiếng Anh, hay chưa được dịch. Nếu như điều này chưa được thực hiện, thì nên làm như vậy. Nếu như đi sâu vào chi tiết về những điều này thì sẽ rất là bao la, khó mà kết thúc được.

Nguồn gốc chính của giáo lý này là Tam Tạng (The Tripitaka), đặc biệt là Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (The Perfection of Wisdom Sutras; The Prajnaparamita) trong Kinh Tạng. Kinh này nói trực tiếp về tánh Không, hay thực tại, và gián tiếp về các giai đoạn chứng ngộ tánh Không. Chủ đề này đã được kinh sách xuất xứ từ Đức Di Lặc và Vô Trước khai triển thêm. Cụ thể là Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (Abhisamayalamkara; mNgon-rtogs rgyan), bàn luận về những giai đoạn này, bắt nguồn từ những điểm trong Kinh điển và luận giải (shastras; các bản văn Ấn Độ giải thích chúng). Nếu như đi ngược thời gian thì có những bài luận giải và bản văn của Tông Khách Ba vĩ đại, đã khai triển và cô đọng những điểm chính của chúng.

Vậy thì nguồn gốc chính của giáo huấn trong bản văn này, Nền Tảng Mọi Phẩm Chất Tốt Đẹp, là các bản văn mà tôi đã đề cập. Tông Khách Ba đã viết hai tác phẩm toàn diện hơn, bao gồm các chỉ giáo này, liên quan đến đường tu tuần tự đến giác ngộ: Lam-rim chen-mo (Đại Luận Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ) và Lam-rim chung-wa (Tiểu Luận Trình Tự Đường Tu Giác Ngộ). Nền Tảng Mọi Phẩm Chất Tốt Đẹp kết hợp tất cả các điểm chính mà Tông Khách Ba đã nêu ra trong các đại luận và tiểu luận về giai trình tu tập, và sắp xếp chúng theo cách dễ lãnh hội và thực hành.

Tránh Chướng Ngại Trong Việc Tu Tập Bản Văn Này

Để có thể tu tập giáo pháp trong bản văn này một cách thành công thì phải loại bỏ những thái độ tạo ra chướng ngại – chẳng hạn như nghĩ rằng một số giáo lý của Đức Phật thì tốt, còn những giáo lý khác thì xấu. Cách suy nghĩ như vậy sẽ tạo ra ác nghiệp lớn đối với Phật pháp, khiến cho mình mất hết khả năng tu tập thành công. Có một số người hạ thấp Tiểu thừa, và những người khác nói rằng pháp Tiểu thừa thì tốt, trong khi pháp Đại thừa không phải là lời Phật dạy. Vậy thì cả hai đều chê bai giáo pháp. Tuy có những người chấp nhận pháp Đại thừa, nhưng lại nói rằng giáo pháp Mật tông không phải là lời Phật dạy. Khi nói như vậy thì họ đã hạ thấp những giáo pháp này. Điều này sẽ làm hỏng mọi khả năng tu tập thành công.

Phải ghi nhớ những điểm rất quan trọng từ giáo pháp Tiểu thừa. Chẳng hạn như Tiểu thừa gồm có giáo pháp về vô thường, tứ niệm xứ - cách đưa chánh niệm vào bốn đối tượng một cách chặt chẽ. Đây là những điểm cực kỳ quan trọng mà tất cả chúng ta đều phải nhận thức và tu tập.

Có một số người xem xét giáo pháp Đại thừa về mặt chỉ giáo liên quan đến Bồ tát hạnh, rồi xem xét giáo pháp Tiểu thừa về mặt nhấn mạnh vào việc trì giới (Vinaya). Rồi thì họ xem thường điều này hay điều kia, nghĩ rằng hai loại giáo pháp này không hài hòa với nhau. Những định kiến như vậy cũng làm hỏng mọi khả năng tu tập thành công.

Phải nhận thức rằng tất cả những điểm này trong giáo pháp của Đức Phật phải được tu tập như nhau, và cần được thực hành theo đúng thứ tự. Khi tu tập những điểm này theo trình tự tiệm tiến, thì sẽ dễ chứng ngộ chúng hơn. Đó là vì các chứng ngộ sẽ xảy ra theo trình tự tiệm tiến. Khi tu tập theo cách này thì ta có thể sử dụng trọn vẹn nền tảng của kiếp người quý báu, với tất cả những yếu tố tự do và thuận lợi của kiếp người, để tu tập Pháp và thành tựu giác ngộ.

Lòng Sùng Mộ Bổn Sư

Nếu muốn noi theo đường tu tiệm tiến này thì phải biết căn nguyên của nó là gì, rồi dựa vào đó mà rút tỉa tinh túy của nó. Căn nguyên của nó là noi theo chỉ giáo của một đạo sư nhân từ và hoàn hảo, người thấu hiểu mọi điểm liên hệ đến những đường tu này, không chút sai lầm. Vị thiện tri thức và bậc thầy thông thái chính là nền tảng mà mình nương tựa vào, để đạt được tất cả những phẩm chất tốt đẹp. Trên thực tế thì thành công của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào một người như vậy.

Hơn nữa, việc đấng đạo sư thật sự là một vị Phật, một bậc giác ngộ viên mãn thì tự nó không phải là việc hỗ trợ cụ thể cho mình. Đúng hơn thì điều giúp ích cho mình, về mặt tu tập như một đệ tử, là có thể nhận ra thầy mình là một đấng giác ngộ. Đó là điểm chính, đối với việc rèn luyện cách xem thầy là Phật. Vì khả năng này là căn nguyên sẽ đem lại thành công trên đường tu, nên điều cực kỳ quan trọng là phải tìm hiểu thầy một cách cẩn thận, trước khi cam kết và phó thác bản thân cho thầy.

Một sự tìm hiểu và phân tích như vậy không giống như việc khám sức khỏe cho ai ở bệnh viện Tây phương. Nó không phải là một cuộc kiểm tra sức khỏe. Những điều mình đang tìm hiểu là liệu người này có tu tập tam vô lậu học hay không, đó là giới, định và tuệ. Người này có lòng nhiệt tình, nhân từ hay không? Liệu người này có trí tuệ cao cả hay không? Đây là những điều mình cần phải tìm hiểu. Nếu như người đó có những phẩm chất như vậy, thì mình mới hết lòng sùng mộ và phó thác bản thân cho họ.

Nhưng cách tìm hiểu này không phải là điều mình cần phải làm sau khi đã dấn thân tu tập với một đạo sư, mà phải thực hiện điều này trước đó. Nếu như không cẩn thận, thì một khi đã dấn thân tu tập với một vị thầy, rồi lại từ bỏ cam kết đó, và mất hết niềm tin với thầy thì hậu quả có thể rất thảm khốc và tai hại cho mình. Ví dụ, nếu như trong kiếp này mà mình đã tạo ra một hành vi cực ác, giả sử như một trong ngũ nghịch, và nếu như công khai thừa nhận một cách trung thực là mình đã làm sai, và áp dụng tất cả các lực đối trị, thì ta có thể tự tịnh hóa ác nghiệp mà mình đã tích tập. Trên cơ sở đó, ta có thể đạt được giác ngộ ngay trong kiếp này. Nhưng nếu như đã hết lòng sùng mộ một vị thầy, rồi lại từ bỏ cam kết ấy, cắt đứt mối quan hệ và mất hết niềm tin nơi thầy, thì có một hiểm họa lớn là mình không thể thành tựu giác ngộ trong kiếp này.

Làm thế nào để có lòng sùng mộ? Hãy sùng mộ thầy bằng tư tưởng và hành vi của mình. Cách để sùng mộ bằng ý nghĩ là phát triển cái gọi là “căn nguyên” của lòng sùng mộ, cụ thể là tín tâm. Có ba cách để có được tín tâm: tín tâm sáng suốt; tín tâm khao khát, liên hệ đến điều này; và tín tâm dựa vào lý lẽ. Bất kể mình có khả năng phát triển loại tín tâm nào, thì phải có lòng tin tưởng và vững tin rằng thầy của mình chắc chắn là một vị Phật giác ngộ viên mãn.

Nếu như có lòng sùng mộ tận tụy bằng tư tưởng, thì mình sẽ có được nhiều lợi lạc, và nếu như phá vỡ lòng sùng mộ ấy, thì nhiều điều bất lợi và thảm họa sẽ xảy ra. Đây là những chủ đề rất rộng lớn, có quá nhiều chi tiết để bàn luận ở đây, nhưng quý vị có các thầy ở đây, nên có thể nghiên cứu những điều này với các thầy. Phải nghiên cứu nó một cách cẩn thận, vì những điều này cực kỳ quan trọng.

Đối với cách để sùng mộ bằng hành vi thì tuy có nhiều cách, nhưng điểm chính là noi theo giáo pháp và chỉ giáo một cách chính xác như lời thầy đã dạy. Trong bối cảnh đó, điều chủ yếu là trì giới nghiêm ngặt, để tránh thập ác, và cư xử đúng đắn. Đây là cách tốt nhất để tỏ lòng sùng mộ đạo sư bằng hành động.

Trở lại với cách sùng mộ bằng tư tưởng thì không chỉ cần có tín tâm làm cội nguồn, mà còn phải có lòng kính trọng lớn lao, bằng cách liên tục chánh niệm về lòng nhân từ của đạo sư. Vì vậy, điều rất quan trọng là phải nhớ đến lòng nhân từ của thầy.

Như đã giải thích ở trên, nhờ những công hạnh giác ngộ vĩ đại, không thể nghĩ bàn mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã có thể làm chín muồi dòng tâm thức của vô số đệ tử. Nhưng chúng ta đã không sinh ra vào thời điểm đó, nên không thể gặp gỡ hóa thân tối thượng này, tức là Đức Thích Ca Mâu Ni Phật. Thậm chí, nếu như một đấng giác ngộ có thị hiện ngày hôm nay, với tất cả 32 tướng tốt và 80 tướng phụ, thì có thể mình vẫn không có đủ công đức hay thiện nghiệp để hội ngộ với một đấng giác ngộ như vậy. Tuy nhiên, những gì mình có được là khả năng gặp gỡ chư đạo sư, những người có thể giáo hóa chúng ta trong sắc tướng phù hợp với căn cơ và nhu cầu của mình. Do đó, trong một hoàn cảnh đáng tiếc như vậy thì thầy đúng là người vô cùng nhân từ, khi đã giảng dạy cho mình.

Vì tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc và không phải trải qua bất cứ khó khăn hay đau khổ nào, nên phải tạo ra nhân để đem lại hạnh phúc. Đạo sư đã nêu ra những pháp tu khác nhau, theo trình tự tiệm tiến, để giúp ta thực hiện điều này. Vị thầy đã giảng dạy những phương pháp khác nhau, theo cách mà mình không phải trải qua những thử thách và khó khăn lớn lao. Nếu như áp dụng tất cả các phương pháp này vào việc tu tập, thì cuối cùng, ta có thể có những kinh nghiệm hành thiền và chứng ngộ thật sự. Trên cơ sở đó thì mình có thể thật sự gặp gỡ một vị Phật, thọ nhận giáo pháp và thực hành theo đó. Đây là điều sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó, khi mà mình đã đạt được mức độ chứng ngộ khá cao. Nhưng hiện nay, tại thời điểm này, khi đang ở trong hoàn cảnh đáng tiếc hơn nhiều, thì có sự hiển lộ của chư Phật, là những đạo sư trong sắc tướng phù hợp hơn với mình, những người mà ta có thể liên hệ đến.

Nếu như nghĩ về những điều này thì ta sẽ nhận ra thầy của mình nhân từ như thế nào. Hãy xem xét mọi việc sẽ ra sao, trong tình huống mà mình rất tuyệt vọng, và cần sự giúp đỡ. Chẳng hạn, nếu như mình không có thức ăn và sắp chết đói, hay nếu như không có quần áo, mà trời thì lạnh cóng, và mình sắp chết vì lạnh. Nếu như người nào cho ta thức ăn và quần áo vào thời điểm đó thì họ vô cùng tốt bụng. Nhưng nếu như mình trở nên rất giàu có, có nhiều của cải vật chất, có giáo dục tốt, và có nhiều kỹ năng và phẩm chất, rồi người nào lại cho mình món gì để ăn và quần áo để mặc, thì điều đó không phải là một hành động cao cả. Đó không phải là lòng tốt cao cả đối với mình.

Thế thì nếu như chúng ta thắc mắc lý do tại sao phải có khả năng xem thầy mình đúng là một vị Phật giác ngộ viên mãn, và nếu như ta thắc mắc tại sao cần phải có lòng sùng mộ trọn vẹn trong hành vi và suy nghĩ, thì đây là lý do tại sao: lý do cơ bản, điểm cốt yếu là mình cần có khả năng đạt được giác ngộ, qua những điều mà thầy đã dạy. Vì vậy, nếu như nghĩ về vấn đề này thì vị thầy dạy cho mình tất cả những đường tu tiệm tiến và thực hành sẽ đưa ta đến giác ngộ. Đây là công hạnh khai sáng của một vị Phật, và do đó mà đạo sư của mình là một vị Phật, từ quan điểm của việc vị này đang thực hiện công hạnh của một vị Phật. Đây là lòng nhân từ vĩ đại của thầy mà mình phải ghi nhớ và cảm kích một cách trọn vẹn.

Có rất nhiều bàn luận về guru-yoga (bổn sư du già), các hành trì để hợp nhất bản thân mình với vị thầy. Đây là một hành trì rất quan trọng, được tìm thấy trong cả bốn truyền thống Phật giáo ở Tây Tạng. Không có gì mâu thuẫn trong bất cứ truyền thống nào trong bốn truyền thống này, vì tất cả các truyền thống đều hoàn toàn đồng ý về lòng sùng mộ đối với bậc thầy.

Thế thì vần kệ đầu tiên của bản văn là:

(1) Nền tảng của mọi phẩm chất tốt đẹp là vị bổn sư nhân từ, hoàn hảo và thanh tịnh; sùng mộ ngài một cách đúng đắn là cội nguồn của đường tu. Nhờ thấy rõ điều này và gắng sức xin hộ trì cho con thành kính nương tựa nơi ngài.

Vần kệ này bao gồm chủ đề về lòng sùng mộ đối với vị thầy, hay còn gọi là “lòng sùng mộ bổn sư”. Đó là điều quan trọng ở đoạn đầu, đoạn giữa, và đoạn cuối của đường tu. Vào lúc đầu thì đây là điều thiết yếu nhất, đóng vai trò như điểm khởi đầu cho việc tu tập của mình. Trong quá trình tu tập thì nó là cội nguồn để thành tựu mọi phẩm chất tốt đẹp. Vào lúc cuối thì việc viên thành tất cả những đường tu này cũng phụ thuộc vào lòng sùng mộ bổn sư. Vì vậy, lòng sùng mộ đúng đắn, lành mạnh là điều cần thiết trong toàn bộ quá trình để thành tựu giác ngộ.

Dù mình có tham dự vào bất cứ hoạt động thế gian nào, hay muốn làm điều đó, thì vẫn cần có một người hội đủ điều kiện để chỉ cho ta cách làm điều đó. Nếu như sự việc là như vậy, thì việc phải có một đạo sư, một thiện tri thức hội đủ điều kiện để chỉ cho mình cách đạt được một trạng thái thù thắng hơn tất cả các pháp thế gian dễ hư hoại càng là điều cần thiết hơn nữa. Do đó, điều quan trọng là phó thác tự thân, và hết lòng sùng mộ một người như vậy, và không phá hủy cam kết ấy, hay từ bỏ nó. Do đó, vần kệ đầu tiên của bản văn này bàn luận về một chủ đề cực kỳ thiết yếu và quan trọng, đó là mấu chốt cho sự thành công trong toàn bộ quá trình tu tập.

Nền Tảng Tu Tập: Kiếp Người Quý Báu

Sau khi đã có lòng sùng mộ bổn sư hết lòng và lành mạnh làm nền tảng, rồi thì chủ đề tiếp theo là xem trọng nền tảng tu tập tuyệt vời mà mình có được, đó là kiếp người quý báu có đầy đủ tự do và thuận lợi cho việc tu tập Pháp, và việc có được kiếp người thì khó khăn như thế nào, vân vân. Vần kệ bốn dòng tiếp theo trình bày chủ đề này:

(2) Khi hiểu rằng kiếp người tự do quý báu này chỉ có được một lần, tràn đầy ý nghĩa lớn lao và khó tìm, xin hộ trì cho tâm con không sao lãng, ngày cũng như đêm, sử dụng tinh túy kiếp người.

Có rất nhiều người và nhiều hạng người khác nhau. Loại nền tảng cụ thể mà mình có được là một thân người được phú bẩm đầy đủ tự do và thuận lợi, là điều thậm chí còn cao cả hơn cả nền tảng của một người bình thường. Trên thực tế thì việc có được thân người không phải là điều nằm trong tầm kiểm soát của mình. Khi qua đời thì mình sẽ mất đi thân này, và không có cách nào để biết mình sẽ tái sinh ở đâu, hay trong sắc tướng nào. Vì vậy nên nói chung thì rất khó có được loại thân người nào.

Nếu như ta thắc mắc tại sao rất khó để đạt được một thân người như vậy, thì lý do là phải tích tập nhân duyên cho một tái sinh như vậy. Nguyên nhân chính là mình đã tích lũy vô lượng công đức từ việc giữ giới. Nếu như xem những người có hành vi xây dựng và tích cực, trái ngược với những người có hành vi tiêu cực và phá hoại, thì ta có thể dễ dàng nhận ra bên nào có nhiều người nhất. Hơn nữa, nếu như chúng ta bay vòng quanh thế giới bằng máy bay, và nhìn xuống dưới thì điều hiển nhiên là phần lớn diện tích của trái đất là đại dương. Những đại dương này chứa đầy các dạng sống, nhưng không có loài nào trong số này có được thân người. Và nếu như nhìn vào tất cả các quốc gia trên đất liền và tất cả người dân trong những quốc gia ấy, và nếu như cố tìm kiếm những người quan tâm đến việc tạo ra lợi lạc cho những kiếp tương lai và hơn thế nữa, thì những người như vậy cực kỳ hiếm hoi. Đây là điều mà tất cả chúng ta có thể tự mình thấy, vì nó khá rõ ràng. Chỉ cần lấy quốc gia này làm ví dụ. Có rất ít người ở đất nước này chân thành quan tâm đến việc tạo ra lợi lạc cho những kiếp tương lai của họ, và tu tập Pháp, để có được tái sinh làm người trong tương lai. Đây là điều mà ta có thể thấy rõ.

Do đó, được tái sinh thành một người quan tâm đến vấn đề tâm linh và cải thiện những kiếp tương lai là một điều cực kỳ hiếm hoi và khó xảy ra. Sự kiện mình đã được tái sinh thành một con người, được phú bẩm đầy đủ nhân duyên thuận lợi, thì đó là điều rất quý giá, hiếm hoi và rất khó đạt được. Nên cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.

Lý do để cảm thấy hạnh phúc vì kiếp người quý giá như vậy là vì nó cực kỳ quan trọng, vì nhờ có nền tảng này mà ta có thể thành tựu nhiều việc. Có những người sử dụng kiếp người để được giàu sang, có nhiều của cải vật chất và tiền bạc trong cuộc sống. Không thể xem cách sống như vậy là việc sử dụng cơ hội của họ một cách có ý nghĩa. Do đó, nếu như chỉ dồn hết sức lực vào việc mua sắm thức ăn và thỏa mãn nhu cầu vật chất, thì đó là điều mà thú vật cũng làm như vậy. Nó sẽ khiến cho mình không khác biệt hay tốt hơn loài thú bao nhiêu. Ngay cả loài thú không đáng kể nhất, như một con chuột nhỏ, cũng có khả năng tự đi tìm thức ăn cho mình.

Dựa vào nền tảng kiếp người quý báu thì ta có thể thành tựu được điều gì cao cả hơn? Chúng ta có thể thực hành giáo pháp, để không rơi vào bất kỳ tái sinh tồi tệ nào trong những kiếp tương lai. Đây là điều mà trên thực tế mình có thể làm, đó là một công dụng mà ta có thể tạo ra, từ nền tảng kiếp người quý báu của mình. Hơn nữa, dựa vào nền tảng thân người quý giá này mà ta có thể đoạn trừ tất cả những nỗi khổ cứ tái diễn, mà mình không kiểm soát được. Đây cũng là điều mà ta có thể thành tựu, dựa trên nền tảng kiếp người quý báu. Ta không chỉ loại bỏ tất cả những khó khăn và đau khổ của chính mình, mà còn có thể đạt được khả năng giảm bớt những khó khăn và đau khổ của tha nhân. Chúng ta có thể đạt được một trạng thái toàn tri và thành tựu viên mãn của một vị Phật giác ngộ, dựa trên nền tảng kiếp người quý báu này. Đây là điều mà mình cũng có thể thực hiện.

Điểm chính cần phải nhớ ở đây là có được khả năng tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, và thành tựu trạng thái giác ngộ, điều sẽ giúp mình thực hiện điều đó tối đa. Trong bối cảnh đó thì phải nghĩ về những điểm trong giáo pháp, liên quan đến kiếp người quý báu, cái chết và vô thường. Phải sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, để đảm bảo mình sẽ không tái sinh vào một trong những cõi giới tồi tệ hơn.

Khi họa hình của một vị Phật thì ngay từ đầu, ta đã có đầy đủ hình ảnh về vị Phật đó trong đầu. Việc tu tập này cũng giống như vậy, khi mà ngay từ đầu, ta sẽ ghi nhớ  mục tiêu tối hậu là đạt giác ngộ, để có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Với nhận thức ấy thì mình sẽ trải qua quá trình tu tập.

Chúng ta có cả ngày lẫn đêm để sử dụng, và cần phải sử dụng cả hai để nỗ lực hết mình, để tận dụng tinh túy của kiếp người quý báu này. Tinh túy của cuộc đời là gì? Điểm cốt yếu của sự sống là mình có thể đạt được trạng thái giác ngộ viên mãn của một vị Phật, để có thể tạo lợi lạc cho tất cả chung sinh. Đây là điều quan trọng nhất để sống như một con người, được phú bẩm đầy đủ tự do và thuận lợi. Đó là điều mà lúc nào mình cũng nên cố gắng ghi nhớ, không bao giờ mất đi ý thức về điều đó.

Nên cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được sống làm người, với tất cả những yếu tố tự do và thuận lợi, giúp cho mình tu tập Pháp, để thành tựu giác ngộ. Sau đó, với tâm trạng hạnh phúc vì đã có được cơ hội này, hãy cố gắng để có lòng nhiệt tâm và nhân từ. Chúng ta có thể dấn thân vì tha nhân, và để đạt giác ngộ. Chúng ta có thể nỗ lực hết mình để cố gắng giúp đỡ và tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh, và không bao giờ làm tổn thương bất kỳ chúng sinh nào.

Tóm Tắt

Hôm nay, tôi đã bàn luận về cội nguồn của tất cả đường tu, đó là lòng sùng mộ bổn sư. Tôi cũng đã bàn luận về những khó khăn trong việc có được kiếp người quý báu, với tất cả những tự do và thuận lợi, để tiến triển trên đường tâm linh. Tôi đã đưa ra lời giải thích này bằng dẫn nhập sơ bộ ngắn gọn, thân bài, và cuối cùng là hồi hướng.

Đối với những điều có thể được thành tựu với nền tảng kiếp người mà mình đang hiện có, thì có cả hai mục tiêu tạm thời và tối hậu mà mình có thể đạt được. Ở mức độ tạm thời hay thiển cận thì ta có thể được tái sinh làm người một lần nữa, với những cơ hội tuyệt vời, và cũng được tái sinh thành một vị trời. Hơn nữa, ở mức độ tối hậu thì có thể đạt được giải thoát hay giác ngộ, cũng bằng nền tảng của kiếp người quý báu này. Vì vậy, từ quan điểm tạm thời và tối hậu thì việc có được kiếp người quý báu là điều cực kỳ quan trọng. Thế thì điều quan trọng là thiền quán về tất cả những điểm này, có ý thức và xem trọng chúng như những tập khí ích lợi cho tâm mình.

Top