Nghiệp Và Tứ Diệu Đế
Nghiệp là một chủ đề chính trong đạo Phật. Ta có thể thấy tầm quan trọng của nó bằng cách nhìn vào cách nó ăn khớp với Tứ Diệu Đế, bốn chân lý được các bậc chứng ngộ cao cả xem là đúng. Đức Phật đã thuyết giảng bốn điều này như cấu trúc cơ bản trong giáo lý của Ngài.
Sự thật đầu tiên về đời sống là cuộc sống thì khó khăn và đầy dẫy vấn đề. Những vấn đề này là gì? Về cơ bản thì chúng là những cảm giác ở những mức độ hạnh phúc và bất hạnh khác nhau mà mình cảm nhận trong từng khoảnh khắc. Đây là vấn đề thật sự.
Đôi khi, chúng ta có những kinh nghiệm thô thiển về đau khổ, bất hạnh và đau đớn, chúng rõ ràng là một vấn đề. Nhưng rồi đôi khi mình cảm thấy hạnh phúc, nhưng điều đó chỉ thoáng qua, không lâu bền. Hạnh phúc thoáng qua này có rất nhiều vấn đề. Nó được gọi là “hạnh phúc ô nhiễm”, ô nhiễm vì vô minh. Điều đó có nghĩa là nó không chỉ không bền lâu, mà còn không đem lại sự mãn nguyện. Chúng ta thấy hạnh phúc khi ăn một bữa ăn ngon và no nê, nhưng nó không kéo dài, không loại bỏ vấn đề đói khát mãi mãi. Ngoài ra, càng ăn nhiều thì mình phải càng hạnh phúc hơn, nhưng nó không phải như vậy. Nếu ăn nhiều quá thì mình sẽ bị bệnh. Ngoài ra, khi hạnh phúc này kết thúc thì không có gì chắc chắn về những gì sẽ xảy ra sau đó. Chúng ta có thể thấy vui về điều gì khác, hay có thể không vui, hoặc chỉ trung lập. Chúng ta không thể tìm thấy bất cứ sự an toàn nào từ hạnh phúc thoáng qua này, nên đó là một vấn đề. Ta có thể tận hưởng niềm hạnh phúc thoáng qua như vậy, nhưng nó không phải là điều thật sự giải quyết tất cả những vấn đề của mình. Mình luôn muốn nhiều hơn và nhiều hơn nữa.
Loại vấn đề thật sự thứ ba là kinh nghiệm mà qua đó, mình có cảm giác trung lập. Chúng ta đi ngủ và cảm thấy trung lập, không có nhiều việc xảy ra. Nhưng điều đó cũng không giải quyết được vấn đề của mình, vì ta không thể ngủ mãi.
Một trong những cảm giác này, hạnh phúc, bất hạnh hay trung lập, sẽ đồng hành với từng khoảnh khắc của sự hiện hữu trong luân hồi của chúng ta. Đây là những gì Đức Phật mô tả như vấn đề thật sự, không phải chỉ là vấn đề tôi không tìm được việc làm. Điều rất quan trọng để nhận ra là chúng ta đang nói về mỗi một khoảnh khắc, không chỉ đôi khi.
Tất cả những kinh nghiệm có vấn đề trong đời sống xuất phát từ một nguyên nhân. Trên cơ bản thì nguyên nhân của những kinh nghiệm có vấn đề này là nghiệp và phiền não. Hãy để chúng ở đó. Khổ đế là nghiệp trổ và tập đế là nghiệp; nên diệt đế là sự chân diệt của nghiệp và phiền não, và đạo đế hay đạo lộ trong tâm thức là sự chứng ngộ, đưa đến chân diệt. Do đó, nghiệp là một chủ đề rất trọng yếu trong giáo lý nhà Phật, nên việc hiểu nó là gì là điều rất quan trọng.
Định Nghĩa Về Nghiệp
Nghiệp được định nghĩa theo những cách khác biệt trong các hệ thống Phật giáo khác nhau, như hầu hết mọi việc trong đạo Phật. Ở đây, hãy theo phiên bản đơn giản nhất, mà nghiệp là một sự thôi thúc trong tinh thần (sems-pa). Đó là sự thôi thúc trong tinh thần thúc đẩy mình theo hướng của một kinh nghiệm cụ thể. Nghiệp tự nó không phải là một hành động. Mọi người thường lầm lẫn, nghĩ rằng nó đề cập đến hành động, đặc biệt là vì một số dịch giả dịch chữ nghiệp là “hành động”. Nó hoàn toàn không phải là hành động. Nghiệp là sự thôi thúc bắt buộc phải hành động. Nếu tự thân của nghiệp là hành động thì điều duy nhất mà mình phải làm là ngưng làm bất cứ điều gì, để chấm dứt việc tích tập thêm nghiệp! Đó là điều vô lý.
Sự thôi thúc này khiến ta hành động là một tâm sở, và luôn luôn đi kèm với ba tâm sở khác. Trước hết là tưởng (‘du-shes), thường được dịch là “nhận biết”. Chúng ta phân biệt một đối tượng bằng một giác quan: người này khác với người nọ, món này khác với món kia. Cần phải phân biệt đối tượng mà hành động của mình sẽ nhắm vào. Thứ hai là tư (‘dun-pa), cũng giống như mục đích: mình dự định sẽ làm gì? Chúng ta định làm tổn thương người này, hay giúp đỡ họ. Rồi thứ ba là có một cảm xúc đi cùng với nó. Nó có thể là một cảm xúc phiền não, như sân hận, hay cảm xúc tích cực, như lòng từ. Vì tức giận nên mình muốn làm tổn thương họ, hay vì thương yêu mà muốn giúp đỡ họ. Sự thôi thúc khiến mình thực hiện hành động là nghiệp.
Ý Nghĩa Của “Động Lực” Trong Nhà Phật
Ở đây, một chữ khác mà đôi khi tạo ra sự nhầm lẫn cho chúng ta ở Tây phương là “động lực” (kun-slong). Cách sử dụng chữ này ở Tây phương thì thường đề cập đến cảm xúc đằng sau điều gì đó. Chúng ta nói mình được thúc đẩy vì lòng sân hận hay lòng từ. Tuy nhiên, khi nghe chữ động lực trong bối cảnh đạo Phật thì nó phiên dịch một chữ không có nghĩa là động lực theo ý nghĩa ở phương Tây. Từ quan điểm của đạo Phật thì chủ ý hay mục tiêu là khía cạnh chính của động lực, và cảm xúc hỗ trợ nó chỉ là thứ yếu. Thay vì dịch chữ này là “động lực” thì có lẽ tốt hơn nên dịch nó là “cơ cấu tinh thần thúc đẩy”.
Chẳng hạn như khi bắt đầu bất cứ buổi thuyết pháp nào, khi nghe câu “hãy tái khẳng định động lực của mình”, thì nó chủ yếu có nghĩa là khẳng định lại mục tiêu, nghĩa là mục đích của mình: tại sao chúng ta ở đây? Mục đích là để học hỏi một điều gì đó, để giúp mình đi theo phương hướng quy y an toàn, hay đạt được giác ngộ, để có thể tạo lợi lạc cho tất cả chúng sinh một cách trọn vẹn hơn. Đó là những điều mình sẽ củng cố, hay tái khẳng định. Cảm xúc đi kèm với mục tiêu đó là lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, nhưng nó không phải là điểm nhấn chính trong việc củng cố động lực của mình. Tất nhiên, cũng cần phải khẳng định lại lòng từ bi của mình, mà theo quan điểm của phương Tây là cảm xúc thúc đẩy điều mình đang làm. Tuy nhiên, đạo Phật đang đề cập đến một khuôn khổ tinh thần rộng lớn hơn nhiều.
Việc phân biệt tất cả các tâm sở được thảo luận sẽ rất hữu ích, bởi vì sau đó, nếu như có gì thiếu sót đối với bất cứ tâm sở nào trong số này thì mình có thể điều chỉnh chúng. Nếu không có sự phân biệt này thì rất khó để biết cách sửa chữa hay điều chỉnh tâm trạng của mình.
Nghiệp Thân, Khẩu, Ý
Thế thì mình có một sự thôi thúc, hay nghiệp. Khi nói về nghiệp của thân, khẩu, ý thì đó là sự thôi thúc để làm một điều gì đó, nói một điều nào đó, và nghĩ về một điều gì. Điều sau cùng thường không khiến cho mình phải suy nghĩ về điều gì chỉ trong một khoảnh khắc, mà là nghĩ về điều gì trong một khoảng thời gian, như nghĩ về cách trả thù ai đó, vạch ra kế hoạch. Khi nói về các hành vi thân và khẩu thì những điều này thường bắt đầu bằng những sự thôi thúc trong tâm trí, một ý nghiệp. Sự thôi thúc để làm một điều gì đó sẽ xảy ra trước. Giống như, “Tôi nghĩ là mình sẽ gọi điện thoại cho ai.”. Đó là một sự thôi thúc trên tinh thần. Nó có cảm xúc riêng đi kèm với nó, mục tiêu của nó và vân vân, và sự phân biệt riêng của nó về đối tượng. Rồi thì thân nghiệp hay khẩu nghiệp là sự thôi thúc mà qua đó, mình bắt đầu thực hiện hành động, và sự thôi thúc sẽ phát sinh trong từng khoảnh khắc để mình duy trì hành động, cho đến khi sự thôi thúc ấy kết thúc. Đó là thân nghiệp và khẩu nghiệp.
Tất nhiên, các tâm sở đi kèm có thể thay đổi so với lúc đầu. Ví dụ như mình nghĩ là sẽ nói chuyện với bạn của mình, nhưng con gái của bạn mình lại trả lời điện thoại, và mình nghĩ đó là giọng mẹ của nó, và bắt đầu nói chuyện. Hay lúc đầu cảm xúc là thương yêu, nhưng khi nói chuyện giữa chừng thì mình giận họ. Mình có ý định nói điều gì tốt đẹp, hay điều gì khó nghe với họ, nhưng trong khi đang nói chuyện thì mình bị phân tâm và quên mất điều đó. Tất cả những điều này là những yếu tố thay đổi liên tục, và nghiệp chỉ là sự thôi thúc để làm điều đó, giống như sự thôi thúc để nói chuyện. Dĩ nhiên, sự thôi thúc không tự nó xảy ra, mà xảy ra với tất cả những yếu tố này gom lại, nhưng không có điều nào trong số chúng là hành động. Hành động tự nó là một điều gì khác.
Bản thân hành động này là cái mà tôi gọi là một “nghiệp lực tích cực” (bsod-nams) hay một “nghiệp lực tiêu cực” (sdig-pa). Hai chữ này thường được dịch là “công đức”, hay “ác nghiệp”. Nó nói về chính hành động này, hoạt động như một nghiệp lực. Khi nó kết thúc thì có chủng tử nghiệp, điều được tiếp tục quy gán vào dòng tâm thức của chúng ta – nghiệp lực, xu hướng và tập khí. Chúng không có tính chất tĩnh tại, nên có thể bị ảnh hưởng vì hoàn cảnh, và không phải là sắc của hiện tượng vật chất, cũng không phải là tâm nhận thức điều gì. Tôi sẽ không bàn luận về những loại chủng tử nghiệp khác nhau, vì nó quá phức tạp. Nhưng khi phiền não kích hoạt chúng thì chủng tử nghiệp này sẽ trổ thành những hệ quả khác nhau trong kinh nghiệm của mình trong từng khoảnh khắc.
Nghiệp Trổ Quả
Nghiệp quả trổ thành cái gì?
- Cảm giác hạnh phúc, bất hạnh, hay trung lập - ta có thể làm điều tương tự hôm nay và hôm qua, nhưng hôm qua thì thấy vui vẻ khi làm điều đó, và hôm nay thì cảm thấy không vui khi làm như vậy. Đó là nghiệp trổ quả. Tôi sẽ sử dụng “nghiệp trổ quả” một cách rất lỏng lẻo ở đây.
- Việc trải nghiệm các uẩn tái sinh của mình, và môi trường mà mình được sinh ra, mà ta tìm thấy mình trong đó - loại cơ thể mà mình có, tâm thức mà mình có, trí thông minh hay thiếu thông minh của chúng ta vân vân - và trong tái sinh đó, cảm nhận những khoảnh khắc khác biệt về hạnh phúc và bất hạnh.
- Cảm thấy muốn làm điều gì tương tự như những gì mình đã làm trước đây – chẳng hạn như, “Tôi cảm thấy muốn gọi ai đó; tôi muốn la hét với bạn.”. “Bạn muốn làm điều gì?”, “Tôi muốn gãi đầu.”. Đó là nghiệp trổ quả: những gì mình thấy thích làm. Từ cảm giác muốn làm điều gì có thể đưa đến sự thôi thúc để làm điều đó. Cảm giác muốn làm một điều gì đó ('dod-pa) và sự thôi thúc làm điều đó là hai điều khác nhau.
- Kinh qua một tình huống tương tự như những gì mình đã làm, khi những điều tương tự đang xảy ra với mình - ví dụ như mình luôn luôn la hét người khác, và bây giờ thì mình lại bị người khác la hét, hoặc mình luôn tốt với người khác, và mọi người đối xử tốt với mình.
Tất cả những điều này đều thăng trầm, mỗi thứ ở một tốc độ khác nhau. Điều đó có nghĩa là những điều khác nhau đang trổ ở những thời điểm khác nhau, trộn lẫn với nhau theo những cách khác nhau, và mình không bao giờ biết thì điều gì sẽ xảy ra kế tiếp. Ta sẽ không bao giờ biết liệu mình sẽ thấy vui vẻ hay đau buồn trong khoảnh khắc kế tiếp, và không biết mình sẽ muốn làm gì năm phút sau. Điều đó lúc nào cũng thay đổi. Người ta gọi điện thoại cho tôi, và muốn bán cho tôi món gì đó, hay là ai mà biết điều gì sắp xảy ra? Đôi khi, những điều này tốt đẹp, và đôi khi thì chúng rất khó chịu. Chúng thăng trầm trong mọi lúc, và mình không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo - đó là điều bất định. Thật là kinh khủng, đúng không? Không chỉ vậy, mà ở mức độ thô thiển hơn thì những trạng thái tái sinh của chúng ta cũng sẽ thăng trầm.
Từ quan điểm Đại thừa thì có một điều khác chín muồi từ nghiệp: mỗi một khoảnh khắc, chúng ta không ngừng tạo tác và trải nghiệm cái mà tôi gọi là:
- “Nhận thức kính tiềm vọng” - mình chỉ có thể thấy một chút ít về những gì đang xảy ra và những nguyên nhân của nó. Ta không biết tại sao sự việc đang xảy ra với mình, hay kết quả hành động của mình sẽ ra sao, nên mình có tầm nhìn của đường hầm rất hạn chế. Đó cũng là kết quả của nghiệp. Nó khiến cho chúng ta trở thành “những chúng sinh bị giới hạn”, những hữu tình có tâm thức hạn chế, trái ngược với những vị Phật toàn tri.
Tất cả những nghiệp trổ này là diệu đế thứ nhất, khổ đế. Tôi nghĩ rằng giờ đây, chúng ta có thể có cảm kích nhiều hơn một chút về điều mà Đức Phật nói về thực tế đầu tiên của đời sống, chân khổ, đó là nghiệp trổ. Điều vô cùng khủng khiếp là mình đầy dẫy vô minh đến nỗi lại khiến cho nghiệp trổ, và khiến cho nhiều sự thúc dục phát sinh thêm, để chu kỳ này tồn tại mãi mãi. Điều đó được mô tả bằng thập nhị nhân duyên.
Điều quan trọng cần phải nhớ là việc thảo luận về nghiệp bao gồm những sự thôi thúc, dẫn đến không chỉ hành vi phá hoại, mà cả hành vi xây dựng, trộn lẫn với vô minh và hành vi bất định (bất định nghiệp) trộn lẫn với vô minh. Một hành vi mang tính xây dựng, trộn lẫn với vô minh sẽ như sau: “Tôi muốn giúp bạn, vì tôi muốn bạn thích tôi và đối xử tốt với tôi.”. Hay “Tôi muốn giúp bạn, để cảm thấy được người khác cần mình, vì nó sẽ khiến tôi cảm thấy quan trọng và hữu ích.”. Hay có thể đó là sự thôi thúc để làm điều gì bất định, có nghĩa là không mang tính xây dựng hay phá hoại, như liên tục vặn ngón tay, hay gõ lên bàn, hoặc đưa đầu gối lên xuống, hay điều gì giống như vậy. Nó lẫn lộn với vô minh. Chúng ta mê muội, vì không hiểu rằng điều này thật sự làm phiền người khác, hay làm cho mình trông thật lố bịch.
Nghiệp nói về tất cả các loại hành vi này, những sự thôi thúc làm cho chúng phát sinh.
Bốn Định Luật Chung Về Nghiệp
Có bốn định luật chung về nghiệp.
Nghiệp Quả Chắc Chắn Sẽ Xảy Ra
Điều này được viết theo một cách rất đặc biệt. Nếu mình gặp bất hạnh, thì chắc chắn điều này đang trổ từ hành vi phá hoại trước đây của mình. Nó không nói rằng nếu mình tạo tác hành động phá hoại thì chắc chắn nó sẽ trổ thành nỗi khổ. Tại sao? Bởi vì ta có thể tịnh hóa nghiệp tiêu cực. Nếu như được tuyên bố theo cách thứ hai thì nó sẽ gợi ý rằng nghiệp không thể được tịnh hóa. Nếu mình gặp bất hạnh thì chắc chắn là nó xuất phát từ hành vi phá hoại; nếu như được hạnh phúc thì ta có thể chắc chắn nó đã trổ từ hành vi xây dựng. Mối quan hệ này giữa hành vi và việc cảm nhận một mức độ hạnh phúc hay bất hạnh là điều rất quan trọng để thấu hiểu. Chúng ta không nói rằng nếu bạn hành động một cách phá hoại thì nó sẽ tạo ra khổ đau.
Hãy xem xét nhiều hình thức khác nhau của mối quan hệ này giữa cảm xúc và hành động. Ở đây, chúng ta không nói về hạnh phúc hay bất hạnh mà hành động của mình gây ra cho người khác; không có gì chắc chắn về điều đó. Ví dụ như, gần đây, tôi đã đem máy vi tính của mình đến một cửa hàng để được sửa chữa, và nó đã bị ăn cắp từ cửa hàng đó. Tôi rất vui mừng, vì máy vi tính đó luôn bị hỏng, và bây giờ, tôi có thể nhận tiền bảo hiểm để mua một cái mới. Vụ trộm đó không khiến tôi đau buồn. Định luật về nghiệp này nói về kinh nghiệm hạnh phúc hay bất hạnh của người thực hiện hành vi.
Cũng không chắc chắn là mình sẽ cảm nhận điều gì trong khi thực hiện một hành vi nào đó; nó không nhất thiết liên quan đến hành động. Chúng ta có thể kềm chế việc thực hiện một hành vi tình dục không phù hợp, như quan hệ tình dục với bạn đời của người khác, và khi làm điều đó thì mình cảm thấy rất không vui. Cũng không chắc chắn là mình sẽ cảm nhận điều gì ngay sau hành động đó: “Tôi đang giúp người nào đó, rồi họ đi về nhà, và tôi rất chán nản.”. Và như chúng ta đã nói, thậm chí không chắc chắn là những cảm giác này sẽ trổ về sau, vì mình có thể tự tịnh hóa những hệ quả từ hành động của mình. Điều duy nhất chắc chắn là nếu mình đang trải qua những cảm giác này, bất kể điều đó xảy ra vào lúc nào, thì chúng là kết quả của một số hành động xây dựng hay phá hoại trước đó. Nếu mình cảm thấy không vui trong khi kềm chế việc ngoại tình thì đó là việc quả trổ từ một số hành động phá hoại trước đó.
Ngoài ra, tôi nên đề cập thêm, vì một số người có thể bị lầm lẫn về điều này: hành vi mang tính xây dựng là gì? Việc kềm chế bản thân không giết hại là một trong mười thiện nghiệp. Tôi không có ý nghĩ về việc ra ngoài để giết người, nên việc tôi không giết người không phải là hành vi xây dựng của việc kềm chế việc giết người. Hành vi mang tính xây dựng sẽ ra sao, nếu có một con muỗi vo ve quanh đầu tôi, và tôi muốn giết nó, nhưng rồi tôi nghĩ về hậu quả của việc giết nó và không muốn làm như vậy. Vào thời điểm đó, việc kềm chế bản thân để không giết hại là hành vi mang tính xây dựng của việc không giết chóc. Khi nói về loại hành vi xây dựng này của việc kềm chế hành động phá hoại thì nó rất tích cực; nó không chỉ là, “Tôi không bao giờ giết hại, nên cũng nên thọ giới không giết hại luôn cho rồi.”. Điều đó không đủ mạnh. Tất nhiên là việc thọ giới luôn luôn có lợi, nhưng hành động xây dựng thật sự là kềm chế bản thân không tạo tác một hành vi phá hoại, khi mình cảm thấy muốn làm điều đó, nhưng lại kềm chế bản thân, vì mình hiểu được hậu quả. Đương nhiên, cũng có những hành động mang tính xây dựng của việc thật sự giúp đỡ ai đó, hoặc cho ai món gì. Đó là một loại khác.
Sự Tăng Trưởng Của Nghiệp Quả
Từ một hành động nhỏ mà những kết quả rất lớn có thể theo sau. Mình có thể nói điều gì ác độc với người bạn đời, và nếu không cố gắng giải quyết vấn đề sớm hơn thì sự phẫn nộ của người kia càng tăng lên. Chúng ta đều hiểu vấn đề này từ kinh nghiệm riêng của mình.
Nếu Chưa Thực Hiện Một Hành Vi Nào Đó Thì Ta Sẽ Không Trải Nghiệm Kết Quả Của Nó
Nhiều người chết vì bị rớt máy bay, nhưng một số ít thì sống sót. Tại sao? Vì có những người đã không tạo ra nhân để chết trong tai nạn đó, nên họ không phải trải nghiệm kết quả. Nếu ta đã hoàn toàn tịnh hóa tất cả nghiệp chướng của mình thì không có gì để lo sợ. Ngay cả khi mình đến một nơi nguy hiểm, có trộm cướp v.v.., thì vẫn không bị cướp giựt, bởi vì mình đã tịnh hóa nhân của việc bị cướp bóc. Ví dụ như không ai có thể làm tổn thương Đức Phật.
Nếu Đã Thực Hiện Một Hành Vi Thì Nghiệp Quả Trong Dòng Tâm Thức Sẽ Không Tự Nó Biến Mất
Nghiệp quả sẽ không trở nên cũ kỹ đến nỗi nó sẽ không trổ. Cuối cùng, ở một thời điểm nào đó thì trừ khi mình tịnh hóa nó, còn không thì nó sẽ trổ. Có thể mất một triệu năm, nhưng nó sẽ trổ, trừ khi mình tịnh hóa nó.
Đây là những định luật chung của nghiệp. Ngoài ra, một hành động có thể tạo ra nhiều kết quả trong nhiều kiếp. Ví dụ được sử dụng trong kinh sách là có người gọi một vị Bồ tát là một con khỉ, và người đó đã tái sinh thành một con khỉ năm trăm lần. Liệu chúng ta có thể liên hệ với một ví dụ như vậy hay không là chuyện bên lề; điểm quan trọng là toàn bộ điều này không phải là một đường thẳng. Một hành vi có thể có nhiều kết quả trong nhiều kiếp, và nhiều hành động gọp lại với nhau có thể tạo ra một kết quả. Ví dụ này rất hữu ích, nếu như nó khiến cho mình phải suy nghĩ lại về việc gọi cảnh sát là “con lợn”.
Bốn Yếu Tố Cần Thiết Để Nghiệp Quả Trở Nên Trọn Vẹn Nhất
Khi nói về hành nghiệp thì bốn yếu tố cần phải được hoàn tất để kết quả trở nên trọn vẹn nhất. Nếu như thiếu bất cứ yếu tố nào trong số này thì kết quả sẽ không quá mạnh, nhưng không có nghĩa là không có kết quả.
- Đối tượng - cần phải có một nền tảng, một chúng sinh hay một đối tượng mà hành động đó nhắm vào. Mình nghĩ rằng ai đó đã ở trong phòng tắm quá lâu, nên bắt đầu la hét với họ, nhưng sau đó hóa ra là không có ai ở trong đó. Điều này không mạnh bằng khi thật sự có ai ở trong phòng tắm. Phải có ai nghe tiếng la hét của mình, hiểu nó và tin là mình có chủ ý. Nếu người đó bị điếc hay đang nghe radio, nên không thể nghe mình la hét thì nó không quá mạnh.
- Động lực - sự kết hợp của ba thành phần. Trước tiên, cần phải có một sự phân biệt không thể lẫn lộn về đối tượng. Ví dụ, tôi nghĩ rằng tôi đã lấy cây dù của mình, nhưng tôi đã lầm và lấy lộn cây dù của bạn. Nếu như làm điều này vì nhầm lẫn, thì nó có kết quả yếu hơn nhiều, so với việc chọn cây dù tốt nhất và lấy nó. Tuy nhiên, dù đã lầm lẫn, nhưng nó vẫn là một hành động phá hoại, chỉ là không phải là một hành vi phá hoại mạnh mẽ. Thành phần thứ hai đi kèm theo là chủ ý. Nếu không có chủ ý thì giống như khi mình nhảy đầm với người nào mà không có ý định giẫm lên chân họ, nhưng đã làm như vậy. Điều đó ít nặng nề hơn nhiều, so với việc mình cố tình làm điều đó. Rồi thành phần thứ ba là cần phải có một phiền não thúc đẩy, nếu đang nói về hành động phá hoại. Nếu mình giết một con muỗi đang vo ve quanh đầu đứa bé, và ta làm điều đó không phải vì ghét con muỗi, mà vì lòng thương con, và muốn bảo vệ nó; điều đó rất khác với việc giết muỗi vì mình ghét nó. Tất cả những điều này là yếu tố thứ hai, động lực.
- Việc thực hiện một phương thức, khiến cho hành động xảy ra - mình phải thật sự làm điều gì đó, để hành động diễn ra. Nếu tôi định la hét với bạn, nhưng sau đó có người tới trước cửa, hoặc điện thoại reo, và tôi đã không làm như vậy, nên nó không nặng nề như việc thật sự làm điều đó. Nếu tôi nằm mơ thấy tôi giết bạn, thì thật ra tôi không thực hiện điều đó ở ngoài đời. Mặc dù việc giết hại trong giấc mơ là một hành động phá hoại, và có thể đi kèm với rất nhiều sân hận và vân vân, và rất có thể mình cố tình giết người đó trong giấc mơ, nhưng nó không nặng nề như việc giết người thật, vì không có hành động liên quan trong đó.
- Đi đến kết cuộc - nếu mình bắn ai, và có ý định giết họ, nhưng lại bắn hụt, và chỉ bắn vào tay họ, thì hành động của mình đã không đi đến kết cuộc như ý muốn, nên nó không nặng nề bằng. Nếu mình thật sự muốn làm tổn thương ai đó bằng những điều mình đã nói, và điều đó không làm họ tổn thương, bởi vì họ không tin mình hay sao đó, thì nó không nặng nề như trường hợp lời nói của mình đã thật sự đã làm tổn thương người đó. Điều tương tự cũng xảy ra, nếu như mình nói dối, và người kia không tin. Ta có thể thấy rằng kết quả hành động của mình thật sự khá phức tạp, vì có nhiều yếu tố khác nhau liên quan trong đó.
Hành vi tích cực cũng giống như vậy. Ví dụ như tôi có ý muốn giúp bạn, nhưng thay vì vậy, lại giúp đỡ người khác. Tôi không có ý định giúp bạn, nhưng điều mà tôi làm cũng đã giúp bạn, hoặc tôi đã làm gì đó để giúp bạn, nhưng điều đó đã không giúp ích cho bạn chút nào. Điều này thường xảy ra. Chúng ta nấu một bữa ăn ngon cho ai đó. để làm họ vui lòng, nhưng họ bị mắc nghẹn, và phải vào bệnh viện. Hoặc họ ghét món ăn đó, vì nó ăn không ngon. Tất cả những điều này cũng hiện diện đối với hành vi xây dựng.
Dẫn Nghiệp Và Viên Mãn Nghiệp
Một phân loại khác của nghiệp là cái được gọi là “dẫn nghiệp và viên mãn nghiệp”.
- Dẫn nghiệp (‘phen-byed-kyi las) là một sự thôi thúc, dẫn dắt ta đến một kiếp tương lai. Nói cụ thể hơn thì đó là một sự thôi thúc để làm một điều gì quá mạnh mẽ đến mức chủng tử nghiệp của nó có thể đẩy mình vào một kiếp tương lai. Nó có thể định hình loại tái sinh mà mình sẽ thọ nhận, chẳng hạn như thành một con chó hay con người. Đây là khi sự thôi thúc được đi kèm với một chủ ý và cảm xúc rất mạnh mẽ. Nếu như mình thể hiện sự thôi thúc bằng hành vi, và nó đi đến kết cuộc như ý muốn, thì nó có thể định hình loại tái sinh mà mình sẽ thọ nhận. Đó gọi là “dẫn nghiệp”.
- Viên mãn nghiệp (rdzogs-byed-kyi las) là khi chủ ý hay động lực và cảm xúc đi kèm không quá mạnh mẽ. Điều này sẽ đưa đến những hoàn cảnh hoàn thành việc tái sinh trong trạng thái tái sinh cụ thể này, ví dụ như dù mình là một con chó ghẻ lở đi lạc trên đường phố Ấn Độ, hay là một con chó lông xù trong một ngôi nhà giàu có ở Tây phương. Có bốn khả năng: có thể có dẫn nghiệp tích cực và viên mãn nghiệp tiêu cực; dẫn nghiệp tích cực và viên mãn nghiệp tích cực; dẫn nghiệp tiêu cực và viên mãn nghiệp tiêu cực, dẫn nghiệp tiêu cực và viên mãn nghiệp tích cực.
Nghiệp Tạo Tác Và Nghiệp Tích Lũy
Rồi thì có một phân loại khác, thật sự khá thú vị, là “nghiệp tạo tác” và “nghiệp tích lũy”.
- Nghiệp tạo tác (byas-pa'i las) đề cập đến bất cứ sự thôi thúc của thân nghiệp hay khẩu nghiệp nào dẫn đến việc mình thực hiện một hành động của thân hay khẩu, dù nó có được cân nhắc trước đó hay không.
- Nghiệp tích lũy (bsags-pa'i las) đề cập đến bất cứ sự thôi thúc nào sẽ củng cố nghiệp lực và chủng tử nghiệp mà nó lưu lại trong dòng tâm thức của mình, theo ý nghĩa tăng cường sức mạnh của chúng. Đây là những sự thôi thúc xuất phát từ việc cân nhắc trước việc có nên thực hiện một hành động nào đó hay không, rồi quyết định thực hiện nó.
Từ sự phân biệt này, ta có thể thấy có bốn khả năng. Ví dụ, tôi dự định sẽ làm tổn thương bạn hay giúp bạn, nhưng đã không làm điều đó; tôi không định giúp bạn, nhưng lại làm như vậy; tôi đã dự định làm điều đó, và đã làm như vậy; hoặc tôi không định làm điều đó, và đã không làm.
Chỉ với những hành động mà mình đã dự định thực hiện, rồi thật sự hành động thì mới chắc chắn có việc trải nghiệm kết quả.
Hiện nay, người ta rất thường hiểu lầm phân loại này, và nghĩ rằng có một số hành động không chắc chắn sẽ tạo ra bất cứ kết quả nào, và có những hành động khác chắc chắn sẽ tạo ra kết quả. Đó không phải là sự phân biệt được rút ra ở đây, mặc dù đó là trường hợp, nếu như chúng ta tịnh hóa chủng tử nghiệp của hành vi phá hoại trong dòng tâm thức, thì sẽ không phải trải nghiệm kết quả của chúng. Nhưng khi nói về sự chắc chắn của kết quả trong bối cảnh ở đây, thì chủ yếu là mình đang nói về việc chắc chắn khi nào chúng sẽ trổ quả. Đối với những hành động mà mình dự trù, nhưng lại không làm thì không có gì chắc chắn chúng sẽ trổ quả vào lúc nào. Chúng có thể trổ quả bất cứ lúc nào - trong kiếp này, kiếp sau, hoặc bất cứ kiếp nào sau đó. Nếu mình không tin vào những kiếp tương lai, như nhiều người phương Tây không tin, thì điều quan trọng là phải biết những hành động nào sẽ trổ quả trong kiếp này. Hãy nhớ rằng những điều này phải được dự trù và thực hiện.
Những Loại Nghiệp Mà Quả Của Nó Sẽ Trổ Trong Kiếp Này
Nói chung thì có bốn loại nghiệp, có thể là tích cực hay tiêu cực, đem lại quả trổ trong kiếp này. Tuy nhiên, nghiệp trổ của chúng có thể tiếp tục trong những kiếp tương lai.
- Những hành động phá hoại được tạo tác vì lòng quyến luyến cực độ với thân thể, tài sản hay đời sống của mình, và những hành động xây dựng xuất phát từ việc xem thường quá đáng đối với bất cứ điều nào trong ba yếu tố này. Ví dụ như tôi rất quyến luyến với chiếc xe hơi của mình, và bạn đụng nhằm nó, nên tôi đập vỡ xe của bạn bằng gậy đánh bóng chày. Hoặc có thể là tôi rất chấp thủ với vấn đề sức khỏe, nên đã từ chối giúp đỡ một người mắc bệnh truyền nhiễm. Mặt khác, tôi có thể không dính mắc với thân mình đến mức sẽ lao vào một tòa nhà đang cháy để giải cứu một đứa trẻ bị mắc kẹt bên trong.
- Những hành động phá hoại được tạo ra vì những ý tưởng cực đoan có ác ý đối với bất cứ người nào, như tra tấn tù nhân là kẻ thù, hay một hành động có tính xây dựng, được tạo ra từ những ý tưởng cực đoan về lòng vị tha và bác ái, như nuôi dưỡng một người lính của kẻ địch đang bị thương.
- Những hành động phá hoại được thực hiện vì ý muốn cực kỳ mạnh mẽ để làm hại Phật, Pháp hay Tăng, các bậc thầy tâm linh, v.v..., như phá hủy một tu viện và hành quyết các nhà sư. Nó cũng bao gồm những hành động có tính xây dựng, được tạo ra bằng niềm tin cực kỳ mạnh mẽ về những phẩm chất tốt đẹp của Tam Bảo và các bậc thầy tâm linh, như xây dựng bảo tháp, hay quyên góp cho một ấn phẩm Phật pháp, hoặc xây dựng trung tâm Phật giáo.
- Những hành động phá hoại dựa vào việc hoàn toàn không biết ơn và tôn trọng đối với người đã giúp đỡ mình rất nhiều, chẳng hạn như cha mẹ hay thầy cô của mình, hay hành động mang tính xây dựng hướng về họ, dựa vào ước muồn đền đáp lòng tốt của họ. Ví dụ như không chăm sóc cha mẹ của mình khi họ già yếu, hay giúp đỡ các dự án của thầy mình. Nhưng hãy nhớ rằng mình phải thật sự nghĩ về việc tham gia vào những hành động như vậy, và không chỉ thực hiện chúng một cách tự phát, hay bị ép buộc làm điều đó.
Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Cường Độ Của Nghiệp Trổ
Chủng tử nghiệp từ hành động của chúng ta có thể trổ thành điều gì mạnh mẽ hay nặng nề, hoặc thành điều gì nhẹ nhàng và tầm thường. Vì vậy, điều cuối cùng mà tôi muốn thảo luận là một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến cường độ của quả trổ từ nghiệp tích cực hay tiêu cực. Danh sách này khá dài.
- Bản chất của hành động hay hiện tượng liên quan - đó là về mặt đau khổ hay hạnh phúc mà một hành động như vậy sẽ tạo ra cho người khác, nói chung. Việc giết người nặng hơn ăn cắp xe của họ; cứu mạng người nào thì mạnh hơn là cho họ một số tiền.
- Cường độ của cảm xúc, phiền não hay tích cực, đi kèm với sự thôi thúc – việc làm tổn thương ai đó bằng lòng thù hận thật mạnh mẽ thì mạnh hơn nhiều, so với làm tổn thương họ chỉ vì một chút tức giận. Để tiết kiệm thời gian, tôi sẽ đưa ra các ví dụ cho phần còn lại của danh sách, hầu hết là cho các hành động phá hoại, nhưng bạn cũng có thể suy ra các ví dụ cho các hành động có tính xây dựng.
- Động lực méo mó, bắt buộc - nói cách khác là dù có một thái độ đối nghịch lệch lạc đi kèm với hành động hay không, và mình nghĩ rằng không có gì sai trái khi làm điều đó, làm điều đó là tốt. Ví dụ như mình tham gia vào chiến tranh để giết tất cả mọi người từ một nhóm dân tộc nào đó, và nghĩ rằng điều này hoàn toàn đúng, và những ai nghĩ rằng điều này sai là ngu ngốc. Đó là một thái độ đối nghịch méo mó. Hay giết thú vật là hoàn toàn đúng, vì chúng đã được tạo ra để mình sử dụng. Nếu như mình có thái độ này thì đó là điều nặng nề.
- Hành động - điều này nói về khi hành động được thực hiện thì sẽ gây ra bao nhiêu khổ đau cho nạn nhân. Việc rứt cánh của một con ruồi thì nặng hơn nhiều, so với việc đập nó bằng cây đập ruồi.
- Đối tượng mà hành động nhắm vào - điều này khác nhau, tùy theo mức độ lợi lạc mà mình hay những người khác đã nhận được từ chúng sinh này trong quá khứ, hoặc sẽ nhận được trong hiện tại và tương lai, và tùy theo những phẩm chất tốt đẹp của chúng sinh ấy. Những phẩm chất tốt đẹp đó bao gồm mục tiêu mà chúng sinh ấy đã đạt được, hay đang hướng đến. Chẳng hạn như việc giết một vị tăng hay ni thì nặng hơn giết một người cư sĩ, vì mục tiêu và phẩm hạnh của họ. Hay việc ám sát Mahatma Gandhi thì nặng hơn là xử tử một tội phạm, hay giết một con gà.
- Địa vị hay thành tựu của chúng sinh đó đối với việc mà hành vi của họ hướng đến - nếu như nạn nhân là người vừa hoàn tất một khóa nhập thất thì nghiệp trổ sẽ nặng nề hơn. Nếu mình làm tổn thương một người bị bệnh, thay vì là người khỏe mạnh, thì sẽ nặng nề hơn.
- Mức độ cân nhắc và tôn trọng mà mình có đối với chúng sinh đó - làm tổn thương người mà mình tôn trọng khác với việc làm tổn thương người mà mình không quen biết. Tôi rất tôn trọng vị thầy tâm linh của mình, nên việc nói dối với thầy thì nặng nề hơn nói dối với một người xa lạ mà tôi không đặc biệt tôn trọng.
- Trợ duyên – việc giết người sẽ nặng nề hơn, khi mình đã thọ giới không cướp đoạt sinh mạng của một chúng sinh khác, so với lúc mình chưa thọ bất kỳ giới nguyện nào.
- Số lần hành động hoặc thói quen - nếu mình đã thực hiện một hành động nào đó nhiều lần trong quá khứ thì nó sẽ nặng hơn. Nếu như mình luôn săn bắn cả đời thì nặng hơn là chỉ bắn một con nai.
- Số người thực hiện hành động - nếu ta là thành viên của cả một băng đảng đánh đập ai đó thì sẽ nặng nề hơn, so với việc mình tự làm điều đó. Ngược lại thì việc thực hiện một lễ cúng dường (puja) với một nhóm đông người là một hành vi tích cực mạnh mẽ hơn là chỉ làm điều đó một mình trong phòng của mình. Đó là lý do tại sao người Tây Tạng thích làm lễ cúng dường với những nhóm lớn.
- Tiếp tục hành động sau đó – liệu mình có lặp lại hành động trong tương lai hay không.
- Sự hiện diện hay vắng mặt của các lực đối trị - nói cách khác thì nếu như làm điều gì phá hoại thì mình có làm cho nó cân bằng với nhiều điều xây dựng hay không; hoặc nếu mình đã làm một điều gì có tính xây dựng trong quá khứ, thì nó có bị sa sút vì rất nhiều điều phá hoại hay không.
Dù đây có vẻ là một danh sách rất dài, và có lẽ hơi tẻ nhạt để xem xét, tuy nhiên, nó đã nêu ra một số điểm rất hữu ích, nếu chúng ta cần làm điều gì tiêu cực hay tích cực, và muốn biết cách để làm cho điều tiêu cực yếu hơn, hay điều tích cực mạnh hơn. Nếu mình phải làm điều gì đó tiêu cực, như xông khói trong nhà để diệt gián, hay điều gì tương tự thì có thể cố làm điều đó mà không hận thù, không làm điều đó thường xuyên, và không mời tất cả bạn bè đến để làm một bữa tiệc ăn mừng việc giết gián, và nghĩ rằng đó là niềm vui lớn. Ngược lại, nếu mình đang làm điều gì tích cực thì việc mời bạn bè tham gia, và làm điều đó với một cảm giác tích cực mạnh mẽ, và làm điều đó thường xuyên, như làm lễ cúng dường (puja) ở nhà, thì rất tốt.
Thế thì các yếu tố này cho mình thấy cách ảnh hưởng đến kết quả xuất phát từ hành động của mình, ngay cả khi mình vẫn bắt buộc phải hành xử một cách vô minh. Nếu như sắp giúp đỡ người khác thì ta có thể bắt đầu bằng cách giúp đỡ những người tử tế nhất với mình như cha mẹ của mình, ví dụ vậy. Nếu phải làm tổn thương hay làm ai thất vọng, như khi không có thời gian để gọi điện thoại cho mọi người mà mình cần gọi, thì đừng làm thất vọng người nào đã rất tử tế với mình, như cha mẹ. Đây không chỉ là một danh sách, mà là điều mà mình phải cải thiện trong cuộc sống hàng ngày, trong hành động của mình đối với người khác.
Lực Đối Trị Có Mặt Hay Không
Điểm cuối cùng đặc biệt quan trọng trong danh sách đó là lực đối trị có mặt hay không. Đây là lúc chúng ta bắt đầu buổi thảo luận về việc tịnh hóa nghiệp, mà tôi sẽ không đi vào chi tiết. Nhưng hãy cho phép tôi đề cập đến một vài điểm quan trọng. Một hành động phá hoại sẽ rất nặng nề, nếu như:
- Mình không xem đó là một sự sai lầm, và nó sẽ có những hậu quả tiêu cực - điều trái ngược với việc đó là công khai thừa nhận rằng đó là một sai lầm và không đúng đắn. Ngay cả khi mình không nghĩ có điều gì sai trái khi làm điều đó, rồi sau đó mình thừa nhận đó là một sai lầm, thì nó sẽ bắt đầu tịnh hóa hậu quả, và ít nhất là làm cho chúng bớt nặng nề hơn.
- Mình đã làm điều đó với niềm vui, không hối hận và vui mừng vì đã làm điều đó – việc trái ngược với điều đó là phát tâm hối hận.
- Không có ước muốn hay ý định chấm dứt việc lặp lại điều đó, giống như suy nghĩ rằng, “Tôi sẽ tiếp tục chơi nhạc lớn suốt đêm. Không cần biết nó có làm cho hàng xóm thức dậy hay không.”. Điều trái ngược với ý nghĩ đó là, “Mình sẽ cố gắng không lặp lại hành động đó.”.
- Không nghĩ đến việc đền bù thiệt hại - điều đối lập với việc này là áp dụng hành động xây dựng, trái ngược với hành động phá hoại này.
Đây là cách mình có được bốn lực đối trị rất quan trọng, để áp dụng vào pháp thiền quán Kim Cang Tát Đỏa, hay bất kỳ pháp tịnh hóa nào. Mỗi một pháp tu được nêu ra cho một mục đích cụ thể.
Cần phải bổ sung thêm một điểm nữa vào điểm này, về việc các lực đối trị có mặt hay không:
- Làm một điều gì thiếu ý thức về lòng tự trọng hay quan tâm về cách hành vi của mình sẽ phản ảnh về người khác như thế nào - ta không quan tâm đến danh dự cá nhân của mình, và không quan tâm mọi người nghĩ gì về gia đình, thầy cô, đồng hương của mình vân vân. Pháp đối trị điều đó là, với ý thức về lòng tự trọng và quan tâm đến cách hành động của mình sẽ phản ảnh về người khác như thế nào, tái khẳng định tâm quy y và bồ đề tâm, “Tôi đang làm điều gì tích cực trong cuộc sống.”. Một ví dụ là một người Đức đến nơi nào đó và rất lớn tiếng, làm đủ điều phiền hà, và không quan tâm về việc người ta nghĩ về người Đức, vì cách hành xử này.
Thắc Mắc Về Cộng Nghiệp
chánh quyền đã quyết định diệt trừ tất cả các gia súc, vì bệnh dịch về chân và miệng hiện nay. Vì tôi là một thành viên trong xã hội mà điều này đang diễn ra, nên việc giết tất cả các gia súc sẽ là một hành động tập thể, đúng không? Liệu tôi có phải gánh chịu nghiệp quả của cộng nghiệp đó hay không? Làm sao để tránh điều đó?
Trước hết, hãy nhớ định luật thứ tư của nghiệp: nếu chưa hề thực hiện một hành động thì ta sẽ không nhận lãnh kết quả. Nếu như không giết thú vật thì mình không có tham gia vào hành động này. Những ai đang thực hiện việc giết hại là những người thật sự liên quan đến nghiệp này.
Tuy nhiên, có một điểm liên quan đến việc tùy hỷ hành động của người khác. Nếu chúng ta tùy hỷ về hành động xây dựng của người khác thì sẽ tích tập công đức. Nếu mình tùy hỷ với những hành động phá hoại của người khác thì sẽ tích tập ác nghiệp. Vì vậy, nếu ta thật sự nghĩ rằng việc giết hại gia súc này là một điều tuyệt vời thì đó là một việc. Nhưng nếu ta nghĩ rằng đây là một điều khủng khiếp, rằng chúng đang bị giết và phát tâm đại bi vân vân đối với thú vật, thì đây là một cách suy nghĩ tích cực.
Tuy nhiên, cần phải cẩn thận để không có sự ngây thơ đi kèm với điều này. Những con vật này, những gia súc này, dù sao cũng sẽ bị giết để lấy thịt, nên đó chỉ là vấn đề khi nào thì chúng sẽ bị giết. Có lòng thương xót đối với chúng chỉ vì chúng bị giết vì bệnh dịch này, nhưng lại không quan tâm nếu chúng bị giết để lấy thịt là ngây thơ. Việc suy nghĩ với lòng trắc ẩn ở đây là một hành vi mang tính xây dựng, nhưng nó đi kèm với phiền não của sự ngây thơ, nên chúng ta phải luôn luôn phân tích cẩn thận tất cả những ý nghĩ và hành động của mình.
Tóm Tắt
Chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của việc thấu hiểu các yếu tố khác nhau của nghiệp, bởi vì, dù nó phức tạp - đó là điều phức tạp nhất trong đạo Phật – nhưng càng hiểu nó thì mình càng có thể bắt đầu tạo ra ảnh hưởng và uốn nắn hành vi của mình, cũng như mức độ nghiêm trọng về hệ quả của nó. Giống như trong ví dụ này, ta có thể cố phát triển lòng trắc ẩn nói chung đối với gia súc, không chỉ vì chúng mắc bệnh.
Nguyện cho bất kỳ công đức nào được tạo ra bằng việc này sẽ ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn, và nguyện cho bất kỳ sự hiểu biết nào mà chúng ta có được sẽ ngày càng trở nên sâu sắc hơn, để khởi sự làm cho tác động của nghiệp suy yếu đi dần, và cuối cùng, khắc phục toàn bộ nghiệp chướng của mình, để có thể giúp đỡ tất cả chúng sinh một cách tốt đẹp nhất.