Đạo Phật thường liên quan đến hành thiền, nhưng cũng đem lại nhiều tuệ giác cho những cách suy nghĩ có thể được áp dụng trong bất cứ lãnh vực nào. Hãy xem xét một số nguyên lý của đạo Phật có thể giúp ta điều hành bất kỳ dự án hay doanh nghiệp nào.
Xác Định Mục Tiêu
Đạo Phật nhấn mạnh việc thấu hiểu mục tiêu và phương hướng rõ rệt, trước khi dấn thân vào hành trì Phật pháp. Mục tiêu là tận diệt phiền não và chứng ngộ tiềm năng viên mãn trong tâm thức. Trạng thái sau cùng được gọi là “giác ngộ”.
Tương tự như thế, khi bắt đầu một dự án hay doanh nghiệp thì việc xác định mục tiêu là điều quan trọng. Có phải mục tiêu là lợi nhuận không? Có phải mục tiêu là tạo ra một giá trị nào đó cho khách hàng, hay giải quyết vấn đề khó khăn mà họ đang gặp? Mục tiêu được xác định càng chính xác thì việc tìm ra con đường đưa đến mục tiêu sẽ càng dễ dàng hơn, và xác suất đạt được mục tiêu sẽ càng cao hơn.
Theo Nguyên Lý Nhân Quả
Một khi mục tiêu đã được xác định thì cần phải tìm ra nguyên nhân đưa đến mục tiêu này. Đối với giác ngộ thì nguyên nhân là chấm dứt hành vi tiêu cực và rèn luyện các phẩm chất tốt đẹp trong tâm thức, quen thuộc với những cách nhận thức và đối phó với thế giới một cách tích cực, thực tiễn.
Trong trường hợp của dự án kinh doanh thì cần phải sử dụng lý lẽ, để tìm ra các nguyên nhân đem đến mục tiêu sau cùng của mình. Quá trình này giống như kỹ thuật đảo ngược (reverse engineering). Ta bắt đầu theo dõi chuỗi hành vi hợp lý sẽ đưa đến mục tiêu đã được xác định. Quá trình này sẽ giúp mình xác định những bước cần thiết để đạt được mục tiêu, và tạo cơ sở cho lộ trình của dự án.
Lòng Bi: Giải Quyết Vấn Đề Cho Khách Hàng
Lòng bi là một trong những nguyên lý quan trọng nhất của đạo Phật. Theo giáo pháp của Đức Phật thì:
Lòng bi là ước nguyện cho chúng sinh thoát khổ.
Điều này có liên quan gì đến việc kinh doanh? Các doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho vấn đề của khách hàng. Nếu một doanh nghiệp đưa ra một giải pháp tốt hơn các giải pháp hiện hữu thì công ty này sẽ thắng cuộc thi đua. Vì vậy, việc thấu hiểu vấn đề mà những người có khả năng trở thành khách hàng của mình có thể gặp phải và có thái độ đồng cảm đối với vấn đề này là điều quan trọng. Ta cần phải xác định và luôn ghi nhớ một số vấn đề thật sự mà các đối tượng ta chú trọng đến đang đương đầu trong cuộc sống của họ, và dựa vào sự thấu hiểu đó, cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách tốt nhất. Đối với một doanh nghiệp thì lòng bi là nền tảng cho cách tiếp cận khách hàng-ưu tiên, hay người tiêu dùng-là tâm điểm.
Vô Thường: Thích Ứng Với Thế Giới Thay Đổi
Cách phân tích của đạo Phật đưa ta đến một tuệ giác quý giá khác về thực tại: tất cả mọi việc đều thay đổi liên tục – chính bản thân ta, môi trường và tất cả mọi người xung quanh ta. Trong một thực tại thay đổi quá nhanh chóng thì ta rất dễ mắc kẹt với một ý tưởng dường như rất hiển nhiên và vững chắc, nhưng nó thường trở thành nguyên nhân cho tư tưởng hẹp hòi, ngoan cố và cứng nhắc.
Hãy lấy Netflix làm một ví dụ. Họ đã nhận ra rằng Internet (Mạng Lưới Điện Tử Toàn Cầu) đã thay đổi mô hình sử dụng phương tiện truyền thông. Tư tưởng xưa chỉ có một giải pháp cho việc sử dụng nội dung video, đó là mướn một DVD. Tuy nhiên, Netflix ý thức rằng có một cách để làm việc này dễ dàng hơn, đó là video streaming. Toàn bộ kỹ nghệ sử dụng phương tiện truyền thông đã không nhận ra tính vô thường của thị trường và thói quen của người tiêu thụ, nhưng Netflix đã nhận ra điều này trước hết, và đã vĩnh viễn thay đổi toàn bộ ngành kỹ nghệ.
Đạo Đức: Tôn Trọng Bản Thân, Nhóm Làm Việc Của Mình Và Người Tiêu Dùng
Đạo đức nhà Phật dựa trên nguyên lý bất bạo động. Chúng ta nhận thức rằng tất cả mọi người đều muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau. Nếu như ta hành động dựa trên sự thấu hiểu này và cố tránh làm hại người khác, thì họ sẽ tôn trọng và tin tưởng ta.
Nếu tôn trọng các đồng nghiệp thì ta sẽ tạo ra lòng tin cậy và cảm thông trong nhóm làm việc. Ta sẽ cố tránh nói điều gì xấu xa sau lưng họ, hay trước mặt họ, và cố gắng làm người minh bạch. Hơn nữa, càng tôn trọng khách hàng hơn thì ta sẽ càng được khách hàng tin cậy và trung thành nhiều hơn. Mô hình kinh doanh của các công ty lớn như Zappos dựa trên lòng tôn trọng nhu cầu của khách hàng, tính bình đẳng và minh bạch giữa các nhân viên.
Tóm Tắt
Chúng ta có thể sử dụng năm nguyên lý trong đạo Phật để giúp cho doanh nghiệp của mình lớn mạnh hơn. Các nguyên lý này là:
- Xác định mục tiêu
- Nương tựa luật nhân quả
- Phát tâm đồng cảm và bi mẫn với khách hàng
- Chánh niệm về lẽ vô thường, có tính uyển chuyển và sáng tạo
- Noi theo nguyên tắc đạo đức, tôn trọng đồng nghiệp và khách hàng.