Đức Phật nói rằng đừng chấp nhận những điều Ngài dạy, chỉ dựa vào tín tâm, mà hãy thử nghiệm nó bằng lý luận và thí nghiệm, giống như thử vàng.
Có hai loại lý luận được sử dụng trong đạo Phật. Một là chứng minh hay thiết lập một luận đề (tôn) liên quan đến việc có hay không có một tính chất nào đó, áp dụng cho điều gì, bằng cách dựa vào các dòng lý luận. Chẳng hạn như luận đề: dự án mà tôi đang làm việc thì vô thường (sẽ thay đổi), bởi vì nó chịu sự ảnh hưởng của nhân duyên, giống như cơ thể của tôi. Phương pháp khác là bác bỏ luận điểm về việc một tính chất nào đó có áp dụng cho điều gì hay không, bằng cách nêu ra những kết luận vô lý, nếu như nó xảy ra. Chẳng hạn như luận đề: dự án tôi đang làm việc thì thường hằng (cố định, sẽ không bao giờ thay đổi). Mục tiêu của cả hai loại lý luận là để khắc phục sự thất bại và đảm bảo thành công, bằng cách sử dụng một chiến lược thực tế, dựa vào lý do.
Thứ nhất: dự án tôi đang làm việc thì vô thường (sẽ thay đổi), bởi vì nó chịu sự ảnh hưởng của nhân duyên, giống như cơ thể của tôi. Có ba đặc điểm của một lý do hợp lệ, để chứng minh luận đề phải được hoàn thành. Lý do ở đây là "bởi vì nó chịu sự ảnh hưởng của nhân duyên, giống như cơ thể của tôi.".
- Lý do phải áp dụng cho đề tài của luận đề - Vấn đề của tôi trong công việc có bị ảnh hưởng vì nhân duyên không? Có, nếu tình hình tài chánh thay đổi, nếu một số nhân viên trong dự án bị bệnh, nếu tôi bị bệnh, thì sẽ ảnh hưởng đến dự án.
- Lý do phải áp dụng cho những trường hợp tương tự của tất cả các hiện tượng có chung tính chất phải được chứng minh - Đúng, tất cả các hiện tượng thay đổi đều bị nhân duyên ảnh hưởng, giống như cơ thể của tôi. Cơ thể của tôi là một ví dụ tương tự. Vậy thì bạn cũng nghĩ đến những ví dụ khác, chẳng hạn như mối quan hệ của tôi với người bạn đời, với cha mẹ tôi, với con cái - tất cả đều thay đổi, và tất cả đều chịu sự ảnh hưởng của nhân duyên, chẳng hạn như việc lão hóa. Rồi thì bạn phải loại trừ việc có bất cứ trường hợp ngoại lệ nào.
- Lý do không được áp dụng cho trường hợp đối nghịch của tất cả các hiện tượng không có tính chất phải được chứng minh - Đúng, tất cả các hiện tượng thường hằng và không bao giờ thay đổi đều không chịu sự ảnh hưởng của nhân duyên, giống như sự kiện rằng ở đây, trên trái đất, thì chỉ có 24 tiếng trong một ngày. Những sự kiện này là những ví dụ đối nghịch, và chúng không bị ảnh hưởng vì bất cứ điều gì - cho dù mình có thuê bao nhiêu nhân viên đi nữa, thì vẫn chỉ có 24 tiếng trong một ngày, để hoàn thành công việc.
Dựa vào tính hợp lệ của dòng suy luận này, thì có thể kết luận rằng dự án mà tôi đang làm việc là vô thường, vì nó chịu sự ảnh hưởng của nhân duyên, nên sẽ thay đổi. Điều này cho mình một sách lược. Khi trợ duyên thay đổi, chẳng hạn như việc thử nghiệm người dùng (user testing) cho thấy có điều gì không hữu hiệu, sẽ ảnh hưởng đến dự án, nên chúng ta có thể sửa đổi nó, để cho nó phù hợp với nhu cầu.
Với loại lý lẽ thứ hai trong nhà Phật, thì ta sẽ nêu ra những kết luận vô lý sẽ xảy ra, nếu dự án tôi đang làm việc là thường hằng - nó cố định và không bao giờ có thể thay đổi. Nếu đúng như vậy, thì nó đã không thể phát sinh ngay từ đầu, vì nếu nó không chịu sự ảnh hưởng của nhân duyên, thì không cần thiết để được thiết kế, để hoàn thành. Hơn nữa, bất kể điều gì xảy ra, chẳng hạn như nhân viên nghỉ việc và phải thay thế nhân viên khác, thì việc này sẽ không ảnh hưởng gì đến dự án. Việc phân tích như vậy sẽ giúp ta buông bỏ ý tưởng ngớ ngẩn rằng dự án của mình là cố định, và không thể nhanh lẹ, linh hoạt và thích ứng với các điều kiện, khi chúng thay đổi, là điều chắc chắn sẽ xảy ra.