Giải Thích
Pháp thiền trong nhà Phật hướng về việc khắc phục vấn đề. Đó là lý do mà Đức Phật đã thuyết giảng Tứ Diệu Đế, để giúp ta đối phó với vấn đề một cách tốt đẹp hơn. Tất cả chúng ta đều có những vấn đề mà mình phải đương đầu trong cuộc sống. Một số vấn đề thì trầm trọng hơn những vấn đề khác. Nhưng một trong những vấn đề mà hầu hết chúng ta phải đương đầu là quan hệ với những người xung quanh.
Một số trong những mối quan hệ này có thể khá khó khăn và thử thách. Nhưng Đức Phật dạy rằng ta có thể làm điều gì đó để xử lý chúng tốt hơn. Ta phải nhìn vào nội tâm để tìm ra nguyên nhân của những vấn đề này. Đó là vì bất kể người khác đóng góp vào vấn đề mạnh mẽ như thế nào, thì điều duy nhất mà ta thật sự có thể kiểm soát là cách mình phản ứng. Điều đó có nghĩa là cách ta phản ứng qua thái độ và hành vi của mình.
Vì hành vi được thái độ định hình, nên ta phải nỗ lực cải thiện thái độ của mình. Nếu như thay thế thái độ phiền phức bằng thái độ lành mạnh hơn, dựa trên thực tại và lòng trắc ẩn, thì ta sẽ giảm thiểu, nếu không muốn nói là loại bỏ hoàn toàn những nỗi khổ mà mình phải trải qua vì những mối quan hệ khó khăn.
Thiền
- Hãy tĩnh tâm bằng cách chú ý vào hơi thở.
- Hãy chú tâm vào người nào mà bạn gặp khó khăn khi quan hệ với họ, như một ví dụ của diệu đế thứ nhất, khổ đế.
- Hãy để cho cảm giác bực bội phát sinh.
- Hãy tìm hiểu lý do tại sao bạn cảm thấy như vậy, như một ví dụ về diệu đế thứ hai, nguyên nhân chân thật tạo ra nỗi khổ (tập đế). Có thể là do họ khó khăn và làm khó mình, hoặc ta không thích điều gì về họ, hay không phải lúc nào họ cũng rảnh rang, khi mình muốn ở bên cạnh họ, hay không phải lúc nào tâm trạng của họ cũng vui vẻ.
- Khi nhìn sâu hơn thì ta sẽ thấy mình chỉ nhận diện họ qua khía cạnh này, và không thật sự xem họ như một con người, liên hệ với nhiều người khác trong đời sống, ngoài mình ra thì tất cả những việc khác cũng ảnh hưởng đến họ, và họ có cảm xúc giống như mình, cũng muốn được yêu thích giống như mình.
- Không phải tất cả mọi người đều cảm thấy như vậy đối với họ, nên ta có thể chấm dứt cảm giác bực bội và khó chịu khi ở bên họ, như một ví dụ về diệu đế thứ ba, chân diệt.
- Để chấm dứt cảm giác khó chịu ấy thì ta phải chứng ngộ, như một ví dụ của diệu đế thứ tư, chân đạo, rằng nếu họ thật sự tồn tại như một người khó chịu, thì tất cả mọi người sẽ thấy họ phiền phức, ngay từ khi họ mới sinh ra. Nhưng đó là điều bất khả.
- Ta sẽ cắt đứt vọng tưởng xem họ như một người thật sự khó chịu.
- Sau đó, ta sẽ nhìn họ mà không thấy bực bội. Họ chỉ có vẻ phiền phức đối với mình, nhưng điều đó giống như ảo ảnh.
- Rồi thì ta sẽ quan tâm đến họ - họ là một con người, muốn được yêu thích và hạnh phúc, và không muốn bị ghét bỏ. Cũng như tôi không muốn người này cư xử với tôi như thể mình là kẻ phiền toái, như một con muỗi – điều này sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của tôi - thì họ cũng không thích điều đó, và nó sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của họ.
- Hãy nhìn họ với lòng quan tâm.
Tóm Tắt
Tất nhiên, nếu muốn đối phó với những người khó tính, thì trước tiên, phải bình tĩnh khi gặp họ, hoặc trước khi gặp họ, nếu như mình có cơ hội giữ bình tĩnh. Sau đó, khi ở gần họ, thì nên xem họ như một con người có cảm xúc như mình, và hãy quan tâm đến họ. Một trong những trở ngại để phát triển thái độ này là không nhìn người đó trong bối cảnh rộng lớn hơn của thực tại trong cuộc sống của họ. Nếu như đoạn trừ những vọng tưởng sai lầm của mình, và nhìn họ một cách thực tế hơn, thì với thái độ cởi mở và quan tâm, ta sẽ có khả năng đối phó với họ một cách thành công hơn.